BỘ ĐỀ THI TUYỂN VÀO LỚP 10
Đề 1:
SỞ GIÁO DỤC- ĐÀO TẠO KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT QUỐC HỌC HUẾ
THỪA THIÊN HUẾ Khóa ngày 19.6. 2006
ĐỀ CHÍNH THỨC Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút
Câu 1: (2,0điểm)
Và Kể tên các văn bản nhật dụng được học trong chương trình Ngữ văn 8 và 9.
Trong số đó văn bản nào để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng em ? Bằng một đoạn
văn nghị luận (dài không quá 15 dòng giấy thi) theo phép lập luận qui nạp, hãy
trình bày về ấn tượng đó?
Câu 2: (2,0điểm)
Đọc đoạn thơ sau :
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
Bẻ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng
( Nguyễn Du – Truyện Kiều)
Hãy viết một văn bản (dài không quá một giấy thi) phân tích hoàn cảnh và tâm
trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ. Trong văn bản có sử dụng các yếu tố :
khởi ngữ, thành phần biệt lập, lời dẫn trực tiếp (Gạch chân thành phần ấy)
Câu 3: (6 điểm)
Từ việc trình bày cảm nhận về một tác phẩm văn học Việt Nam trong chuopxng
trình Ngữ văn Trung học cơ sở, hãy nói về góc đẹp nhất trong lòng em
GỌI Ý ĐÁP ÁN
Câu 1: (2,0điểm)
a.Kể tên các văn bản nhật dụng được học trong chương trình
Ngữ văn 8: - Thông tin về trái đất năm 2000
- Ôn dịch thuốc lá
- Bài toán dân số
Ngữ văn 9: - Phong cách Hồ Chí Minh
- Đấu tranh cho một thế giới hòa bình
- Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển
của trẻ em
b. Văn bản nào để lại ấn tượng sâu sắc- Trình bày ấn tượng: (1 đ)
+Hình thức: Một đoạn văn nghị luận không uống dòng, theo theo phép lập
luận qui nạp (0,5 đ)
+Nội dung: Ấn tượng về văn bản nhật dụng (0,5 đ)
Câu 2: (2,0điểm)
a.Hình thức: (1 đ)
+Dài không quá 15 dòng giấy thi
+Có đủ các yếu tố: khởi ngữ, thành phần biệt lập, lời dẫn trực tiếp
b.Nội dung: (1 đ)
Hoàn cảnh: Kiều bị Tú Bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, không gian mở ra mênh
mông bát ngát đến rợn ngộp. Thời gian tuần hoàn khép kín đến tù đọng
Tâm trạng:+Sự cô đơn, lẻ loi, buồn tủi, +Nỗi đau xót ê chề bẽ bàng
Câu 3: (6,0điểm)
a.Yêu cầu kĩ năng:
Bài có bố cuc rõ ràng 3 phần, nắm vững kĩ năng làm bài tổng hợp
Biết gắn kết giá trị của một tác phẩm văn học với đời sống tư tưởng, tình cảm
của người viết.
Lí giải thuyết phục, mạch lạc
b.Nội dung:
+Nêu cảm nhận về một tác phẩm văn học trong chương trình THCS
+Chọn “góc đẹp nhất trong lòng em “ thuộc về tư tưởng, tình cảm
+Chọn “góc đẹp nhất” thể hiện sự chín chắn và sâu sắc, phù hợp quan niệm đạo
xã hội, đạo lí dân tộc
ĐỀ 2
Câu 1: (2đ)
a. Nêu tên tác giả, hoàn cảnh sáng tác bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá"
b. Cảm hứng về lao động của tác giả đã tạo nên những hình ảnh đẹp, tráng lệ, giàu
màu sắc lãng mạn về con người lao động trên biển khơi bao la.Hãy chép lại những
câu thơ đầy sáng tạo ấy .
c. Hai câu thơ:
"Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đập sập cửa"
được tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật nào ? Cho biết tác dụng của biện pháp
nghệ thuật ấy.
Câu2:: ( 3,0 điểm )
Nhận xét về vai trò của chi tiết nghệ thuật trong truyện , có ý kiến cho rằng : “ Chi tiết
nhỏ làm nên nhà văn lớn ” . Chi tiết chiếc bóng trong tác phẩm “ Chuyện người con gái
Nam Xương ” của Nguyễn Dữ đã thể hiện rõ điều đó .
Em hãy trình bày hiểu biết của em về vấn đề trên.
Câu 3 : ( 5 điểm )
Em hãy giải thích và chứng minh nhận định : “ Truyện Kiều tố cáo chế độ phong kiến
thối nát chà đạp lên con nguời lương thiện một cách tàn nhẫn ”.
ĐÁP ÁN
Câu 1: (2đ)
a.Huy Cận, sáng tác nhân chuyến đi thực tế vùng biển Hòn Gai, năm 1958
b.Những câu thơ sử dụng bút pháp lãng mạn:
+Thuyền ta….biển bằng
+Đêm thở… Hạ Long
+Gỏ thuyền…trăng cao”.
+Mặt trời…cửa”
cHai câu thơ: được tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh+ nhân hóa+ liên
tưởng. Tác dụng của biện pháp nghệ thuật ấy làm cho bức tranh thiên nhiên trở nên
gần gũi , sinh động
Câu 2: (3,0 điểm )
Về kiến thức :
1. Nêu được vai trò của chi tiết nghệ thuật trong truyện :
- Chi tiết là một trong những yếu tố nhỏ nhất tạo nên tác phẩm ( …) , để làm nên một chi
tiết nhỏ có giá trị đòi hỏi nhà văn phải có sự thăng hoa về cảm hứng và tài năng nghệ
thuật .
- Nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù: Tầm vóc của người nghệ sỹ có thể được làm nên từ
những yếu tố nhỏ nhất . Nhà văn lớn có khả năng sáng tạo được những chi tiết nhỏ nhưng
giàu giá trị biểu đạt, góp phần đắc lực trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm .
2. Đánh giá giá trị của chi tiết “ chiếc bóng ”trong “ Chuyện người con gái Nam Xương ”
a. Gía trị nội dung :
- “ Chiếc bóng ” tô đậm thêm nét đẹp phẩm chất của Vũ Nương trong vai trò người vợ ,
người mẹ . Đó là nỗi nhớ thương , sự thủy chung , ước muốn đồng nhất “ xa mặt nhưng
không cách lòng ” với người chồng nơi chiến trận ; đó là tấm lòng người mẹ muốn khỏa
lấp sự trống vắng , thiếu hụt tình cảm người cha trong lòng đứa con bé bỏng .
- “ Chiếc bóng ” là một ẩn dụ cho số phận mỏng manh của người phụ nữ trong chế độ
phong kiến nam quyền. Họ có thể gặp bất hạnh bởi bất cứ một nguyên nhân vô lý nào mà
không lường trước được . Với chi tiết này , người phụ nữ hiện lên là nạn nhân của bi kịch
gia đình , bi kịch xã hội .
- “ Chiếc bóng ” xuất hiện ở cuối tác phẩm “ Rồi trong chốc lát , bóng nàng loang loáng
mờ nhạt dần mà biến đi mất ” : Khắc họa giá trị hiện thực – nhân đạo sâu sắc của tác
phẩm .
- Chi tiết này còn là bài học về hạnh phúc muôn đời : Một khi đánh mất niềm tin , hạnh
phúc chỉ còn là chiếc bóng hư ảo .
b. Gía trị nghệ thuật :
- Tạo sự hoàn chỉnh , chặt chẽ cho cốt truyện : Chi tiết “ Chiếc bóng ” tạo nên nghệ thuật
thắt nút , mở nút mâu thuẫn bất ngờ , hợp lý :
+ Bất ngờ : Một lời nói của tình mẫu tử lại bị chính đứa con ngây thơ đẩy vào vòng oan
nghiệt ; chiếc bóng của tình chồng nghĩa vợ , thể hiện nỗi khát khao đoàn tụ , sự thủy
chung son sắt lại bị chính người chồng nghi ngờ “ thất tiết ”…
+ Hợp lý : Mối nhân duyên khập khiễng chứa đựng nguy cơ tiềm ẩn ( Vũ Nương kết
duyên cùng Trương Sinh thất học , đa nghi , ghen tuông , độc đoán ) cộng với cảnh ngộ
chia ly bởi chiến tranh nguy cơ tiềm ẩn bùng phát .
- Tạo kịch tính , tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm .
- Chi tiết này còn là sự sáng tạo của Nguyễn Dữ ( so với chuyện cổ tích “ Miếu vợ chàng
Trương ” ) tạo nên vẻ đẹp lung linh cho tác phẩm và một kết thúc tưởng như có hậu
nhưng lại nhấn mạnh hơn bi kịch của người phụ nữ .
Về kỹ năng :
- Sử dụng linh hoạt các phép lập luận, tạo hệ thống luận điểm chặt chẽ , giàu sức thuyết
phục .
- Dùng từ , đặt câu chính xác , trình bày đoạn văn logic
- Văn viết trong sáng , giàu cảm xúc .
Câu 3: (5,0 điểm) Học sinh viết bài văn nghị luận
1) Mở bài : - Giới thiệu Nguyễn Du
- Tác phẩm Truyện kiều
2) Thân bài : a) Chế độ phong kiến suy tàn trong Truyện Kiều
Bộ mặt của chế độ hiện rõ qua bộ mặt của bọn quan lại .
- Đó là viên quan chẳng xét việc dân có oan ức gì không mà chỉ lo tra khảo cho ra ba
trăm lạng , khiến cho gia đình họ Vương “ tan đàn xẻ nghé ”.
- Đó là tổng đốc đại thần Hồ Tôn Hiến đại diện cho Triều đình nhưng lại hành hạ , phản
trắc , lừa giết một người đã chịu quy hàng chỉ vì không dám để người ấy trở lại đời sống
bình thường , bỡi vốn dĩ người ấy là một bậc anh hùng .
Như vậy , viên quan xuất hiện đầu tiên đã đẩy Thúy Kiều vào vũng bùn còn viên quan
cuối cùng thì không muốn người ta sống như một con người bình thường .
Dưới tay bọn quan lại như thế , bao nhiêu thế cường bạo thi nhau hoành hành .
- Mẹ con họ Hoạn ngang nhiên đốt nhà , bắt người về làm nô lệ , rồi hành hạ người
- Bọn buôn người hành động một cách công khai : thách thức công lý: mua người , lừa
gạt , đánh đập , bắt ép những cô gái lương thiện đưa vào lầu xanh ( Tú Bà , Bạc Bà , Bạc
Hạnh, Mã Giám Sinh … )
- Bọn lưu manh , tay sai của những kẻ có thế lực , sẵn sàng thực hiện bất cứ hành động
tàn ác nào , miễn là có tiền : Sở Khanh …
Bên cạnh các thế lực thống trị và lũ người hung ác là sức mạnh của dồng tiền . Vì tiền
mà bọn quan lại tham ô đã đẩy gia đình Thúy Kiều vào cảnh khốn đốn , bản thân Kiều sa
vào con đường luân lạc , vào chốn bùn nhơ chịu nhiều cảnh hành hạ thương tâm . Vì tiền
mà bọn lưu manh vô cớ bắt người ; vô cớ đánh đập người vô tội .
Một ngày lại thói sai nha
Làm cho khối hại chẳng qua vì tiền
b) Chế độ phong kiến ấy chà đạp một cách tàn nhẫn lên con người lương thiện
Trong xã hội bất nhân ấy , Thúy Kiều trở thành
- Món hàng của bọn buôn người
- Đồ chơi cho bọn có tiền
- Nô lệ cho bọn có thế lực
Hết nạn ấy đến nạn kia
Thanh lâu hai lượt , thanh y hai lần
Thúy Kiều như “ con cừu con giữa bầy lan sói hung ác ”. Kiều cố vươn lên nhưng
càng bị vùi dập
- Bán mình cho Mã Giám Sinh , lọt vào tay Tú Bà
- Bị ép ra tiếp khách , chịu bao nỗi nhục , đau đớn
- Thúc sinh vừa chuộc nàng ra khỏi lầu xanh nhưng lại rơi ngay vào bàn tay mụ đàn bà
tàn ác Hoạn Thư .
- Thoát khỏi Hoạn Thư , rơi ngay vào lầu xanh dưới tay Bạc Bà
- Tưởng yên thân với Từ Hải , lại trúng gian kế của Hồ Tôn Hiến
Cùng đường , Thúy Kiều liều thân . Hành động trầm mình xuống sông Tiền đường là bản
án đanh thép tố cáo chế độ phong kiến vô nhân đạo . Đồng thời quãng thời gian 15 năm
lưu lạc của nàng đã phơi bày rõ bộ mặt xấu xa , mục nát và phi nhân của một chế độ đang
băng hoại một cách ghê gớm
3)Kết bài :
- Đánh giá Truyện Kiều , Nguyễn Du
- Nêm cảm nghĩ của bản thân
ĐỀ 3:
CÂU 1 (2,0đ)
Phân tích biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng trong 2 dòng thơ sau:
" Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trongthớ vỏ"
(Quê hương - Tế Hanh)
CÂU 2 (3,0 đ)
Trong bài thơ " Một khúc ca xuân", nhà thơ Tố Hữu có viết:
" Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình"
Em hãy nêu suy nghĩ của mình về lẽ sống được thể hiện trong bốn dòng thơ trên.
CÂU 3 : (5đ)
Phân tích bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương
ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM
CÂU 1: (2,0đ)
- Biện pháp nghệ thuật được sử dụng : nhân hóa (0,5đ)
- Bằng biện pháp nhân hóa: tác giả không chỉ diễn tả hình ảnh con thuyền nằm im
trên bến mà còn cảm thấy nó như đang lắng nghe, đang cảm nhận chất mặn mòi của biển
cả. Hình ảnh con thuyền vô tri đã trở nên có hồn. Và , cũng như người dân chài, con
thuyền lao động ấy cũng thấm đậm vị muối mặn của biển khơi, đó là sự vất vả nhưng tràn
đầy hạnh phúc.(1,0đ)
- Hai dòng thơ thể hiện sự tinh tế tài hoa và một tấm lòng gắn bó sâu nặng với con
người, cuộc sống lao động của quê hương.(0,5đ)
CÂU 2 (3,0đ)
* Yêu cầu:
- HS thể hiện được suy nghĩ của mình về quan niêm sống được thể hiện qua bốn
dòng thơ (chứ không phân tích bốn dòng thơ đó)
* Những gợi ý chính:
a/ Về nội dung:
Ý 1: + Mỗi con người sống trong cuộc đời không chỉ là hưởng thụ cuộc sống mà
còn phải biết phục vụ cho cuộc sống.(1đ)
+ Đoạn thơ nêu lên một lẽ sống, một quan niệm sống tốt đẹp. Đó là: mỗi cá
nhân đều phải có trách nhiệm với cuộc đời chung, phải cống hiến cho cộng đồng, cho xã
hội, cho những người xung quanh mình. (dẫn chứng)( 2đ)
+ Mỗi người sẽ sống trọn vẹn hơn khi biết chia sẻ, biết sống vì người khác.
Xã hội hạnh phúc hơn khi mọi người đều hướng đến cái chung, cái cao cả. (dẫn chứng)
(2đ)
Ý 2: + Liên hệ cuộc sống hiện tại và trách nhiệm cá nhân.(1đ)
b/ Về diễn đạt:
- Hành văn chặt chẽ, trôi chảy, mạch lạc, giàu màu sắc cá tính
(Trên đây là những gợi ý cơ bản, học sinh có thể có những cách trình bày khác, theo
yêu cầu của đề. GV căn cứ gợi ý và bài làm cụ thể của học sinh để cho điểm phù hợp)
CÂU 3 : (5đ)
* Nội dung:
- Bài thơ thể hiện lòng thành kính đối với Bác Hồ khi nhà thơ từ Miền Nam ra Hà Nội
thăm và viếng lăng Bác.
- Mạch cảm xúc và suy nghĩ của bài thơ: thương tiếc và tự hào khi nhìn thấy lăng; khi
đến bên lăng; khi vào lăng và cũng là niềm ước muốn thiết tha được hoá thân để được
gần Bác.
* Nghệ thuật:
- Âm điệu thiết tha, sâu lắng (giọng điệu), hình ảnh ẩn dụ, từ ngữ gợi cảm.
Dàn bài
I/ Mở bài:
- Nhân dân miền Nam tha thiết mong ngày đất nước được thống nhất để được đến MB
thăm Bác
“ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”
(“Bác ơi!” Tố Hữu)
- Bác ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn với cả dân tộc. Sau ngày thống nhất, nhà thơ ra
Hà Nội thăm lăng Bác, với cảm xúc dâng trào sáng tác thành công bài thơ “Viếng lăng
Bác”.
II/ Thân bài:
4 khổ thơ, mỗi khổ 1 ý (nội dung) nhưng được liên kết trong mạch cảm xúc.
1. Khổ thơ 1: Cảm xúc của nhà thơ trước lăng Bác
+ Nhà thơ ở tận MN, sau ngày thống nhất ra thăm lăng bác Sự dồng nén, kết tinh ấy
đã tạo ra tiếng thơ cô đúc, lắng đọng mà âm vang về Bác.
+ Cách xưng hô: “Con” thân mật, gần gũi.
+ Ấn tượng ban đầu là ‘hàng tre quanh lăng” – hàng tre biểu tượng của con người Việt
Nam
- “Hàng tre bát ngát” : rất nhiều tre quanh lăng Bác như khắp các làng quê VN, đâu
cũng có tre.
- “Xanh xanh VN”: màu xanh hiền dịu, tươi mát như tâm hồn, tính cách người Việt
Nam.
- “Đứng thẳng hàng” : như tư thế dáng vóc vững chãi, tề chỉnh của dân tộc Việt nam.
K1 – không dừng lại ở việc tả khung cảnh quanh lăng Bác với hàng tre có thật mà
còn gợi ra ý nghĩa sâu xa. Đến với Bác chúng ta gặp được dân tộc và nơi Bác yên nghỉ
cũng xanh mát bóng tre của làng quê VN.
2. Khổ 2: đến bên lăng – tác giả thể hiện tình cảm kính yêu sâu sắc của nhân dân với
Bác.
+ Hai cặp câu với những hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ
Mặt trời đi qua trên lăng /
Mặt trời trong lăng rất đỏ
Dòng người…/ tràng hoa…
- Suy ngẫm về mặt trời của thời gian (mặt trời thực): mặt trời vẫn toả sáng trên lăng,
vẫn tuần hoàn tự nhiên và vĩnh cửu.
- Từ mặt trời của tự nhiên liên tưởng và ví Bác cũng là 1 mặt trời – mặt trời cách mạng
đem đến ánh sáng cho cuộc đời, hạnh phúc cho con người nói lên sự vĩ đại, thể hiện sự
tôn kính của nhân dân của tác giả đối với Bác.
+ Hình ảnh dòng người / tràng hoa dâng lên 79 mùa xuân của Bác sự so sánh đẹp,
chính xác, mới lạ thể hiện tình cảm thương nhớ, kính yêu và sự gắn bó của nhân dân với
Bác.
3. Khổ 3: cảm xúc của tác giả khi vào trong lăng
+ Không gian trong lăng với sự yên tĩnh thiêng liêng và ánh sáng thanh khiết, dịu nhẹ
được diễn tả : hình ảnh ẩn dụ thích hợp “vầng trăng sáng dịu hiền” – nâng niu giấc ngủ
bình yên của Bác.
- Giấc ngủ bình yên: cảm giác Bác vẫn còn, đang ngủ một giấc ngủ ngon sau một ngày
làm việc.
- Giấc ngủ có ánh trăng vỗ về. Trong giấc ngủ vĩnh hằng có ánh trăng làm bạn.
+ “Vẫn biết trời xanh …. Trong tim’ : Bác sống mãi với trời đất non sông, nhưng lòng
vẫn quặn đau, một nõi đau nhức nhối tận tâm can Niềm xúc động thành kính và nỗi
đau xót của nhà thơ đã được biểu hiện rất chân thành, sâu sắc.
4. Khổ 4 : Tâm trạng lưu luyến không muốn rời.
+ Nghĩ ngày mai xa Bác lòng bin rịn, lưu luyến
+ Muốn làm con chim, bông hoa để được gần Bác.
+ Muốn làm cây tre “trung hiếu” để làm tròn bổn phận thực hiện lời dạy “trung với
nước, hiếu với dân”.
Nhịp dồn dập, điệp từ “muốn làm” nhắc ba lần mở đầu cho các câu thể hiện nỗi
thiết tha với ước nguyện của nhà thơ.
III/ Kết bài:
- Âm hưởng bài thơ tha thiết sâu lắng cùng với nghệ thuật ẩn dụ làm tăng hiệu quả biểu
cảm.
- Bài thơ thể hiện tấm lòng của nhân dân, tác giả đối với Bác.
ĐỀ 4:
Câu 1: ( 2,0 điểm)
Nhận xét của nhân vật Nhĩ “Con người ta trên đường đời thật khó tránh được
những cái điều vòng vèo chùng chình”
a. Qua nhận xét trên của Nhĩ, Nguyễn Minh Châu muốn nói với chúng ta điều
gì?
b. Hãy kể lại một lần vì “những cái điều vòng vèo chùng chình” mà em đã phải
ân hận.
Câu 2: ( 3,0 điểm) Trình bày cảm nhận của em qua đoạn thơ sau:
…“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển động bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội ,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để chiếm lấy riêng phần bí mật?
Than ôi ! Thời oanh liệt nay còn đâu?”
Trích “Nhớ rừng ”Thế Lữ
Câu 3: (5, 0 điểm ) Hãy phân tích “Chuyện người con gái Nam Xương”,”Truyện
Kiều”và một số bài thơ của Hồ Xuân Hương để làm nổi bật hình ảnh của người
phụ nữ Việt Nam trong văn học cổ .
ĐÁP ÁN:
Câu 1: ( 2,0 điểm)
Nhận xét của nhân vật Nhĩ “Con người ta trên đường đời thật khó tránh được
những cái điều vòng vèo chùng chình”Trên đường đời ta dễ sa vào những thứ ít
ý nghĩa, nếu không muốn nói là nhạt nhẽo, vô vị. Những thứ ấy sẽ làm chậm,
cản trở, thậm chí làm lỡ mất việc ta tìm đến những giá trị đích thực của cuộc sống
Câu2: ( 3,0 điểm)
I-Về kiến thức:
Cảm nhận được nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ :
- Đây là đoạn thơ đặc sắc nhất trong bài thơ “ Nhớ rừng “của Thế Lữ;vừa giàu
tính tạo hình ,vừa giàu màu sắc ,lại vừa giàu nhạc điệu.
+ Đoạn thơ như một bộ tranh tứ bình độc đáo mà hình ảnh trung tâm là chúa
sơn lâm oai linh ,dữ dội và đầy lãng mạn-Đúng là “ thi trung hữu hoạ”.
Bức tranh thứ nhất là một bức tranh đầy thơ mộng: đêm vàng bên bờ suối,
hổ như một chàng trai, một thi sĩ đang thưởng thức vẻ đẹp của đêm trăng rừng bên
dòng suối “đứng uống ánh trăng tan”.Thật mơ màng,lãng mạn và huyền diệu.
Bức thứ hai là cảnh ngày mưa chuyển bốn phương ngàn, vị chúa tể sơn
lâm như một bậc hiền triết thâm trầm đứng lặng ngắm giang sơn đổi mới.
Bức thứ ba là cảnh huy hoàng buổi bình minh “cây xanh nắng gội” hổ
như bậc đế vương đang ru mình trong giấc ngủ với bao tiếng chim ca rộn rã .
Bức thứ tư là cảnh hoàng hôn rực lửa, hổ như một bạo chúa đang khao
khát chờ đợi bóng đêm để mặc sức tung hoành nơi vương quốc rộng lớn đầy bí ẩn
của mình.
+ Các màu vàng, xanh, đỏ hoà điệu và nối tiếp nhau tạo cho bộ tứ bình càng
thêm lộng lẫy, mạnh mẽ, đầy ấn tượng .
+Giọng thơ đầy hào hứng, bay bỗng với những kỉ niệm đẹp đẽ của thời vàng
son, oanh liệt trong khoá khứ. Nhưng khi trở về với thực tại giọng thơ bỗng vụt
chuyển sang buồn thương nhớ tiếc, não ruột như một tiếng thở dài ai oán với
những câu hỏi tu từ và câu thơ cảm thán: “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu ? ”.
Tuy giọng điệu thay đổi đột ngột nhưng vẫn rất tự nhiên, lôgic.
II- Về kĩ năng:
Yêu cầu bố cục chặt chẽ, biết dựng đoạn có luận điểm, luận cứ rõ ràng; văn viết
có hình ảnh, cảm xúc, diễn đạt lưu loát, không sai sót về dùng từ , cú pháp, chính
tả, chữ viết rõ ràng sạch sẽ.
Câu 3:
a. Mở bài:
- Hình ảnh người phụ nữ là hình ảnh mà các nhà văn nhân đạo thường hướng
đến . - Họ là những con người có đủ tài năng, có đức hạnh thanh cao nhưng lại bị
cuộc đời vùi dập, xô đẩy .
- Giới thiệu các tác phẩm “ Chuyện người con gái Nam Xương “, Truyện Kiều “,
Thơ Hồ Xuân Hương ( Bánh trôi nước, Làm lẽ, Đề tranh tố nữ…)
b. Thân bài :
- Trong hầu hết các tác phẩm, những người phụ nữ bất hạnh thường là những
người phụ nữ đẹp:
+ Vũ Nương : đẹp người, đẹp nết, hiếu thảo, thuỷ chung .(nêu và phân tích dẫn
chứng )
+ Thuý Kiều, Thuý Vân : vẻ đẹp khuôn mẫu, lí tưởng, kiêu sa, lộng lẫy (nêu và
phân tích dẫn chứng )
+ Người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương cũng thật đẹp : “ Thân em vừa trắng
lại vừa tròn “, “ Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình - Chị cũng xinh mà em cũng xinh
“….(phân tích)
+Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người phụ nữ đều toát lên những phẩm chất cao
đẹp : giàu đức hi sinh, giàu lòng hiếu thảo và một tấm lòng chung thuỷ sắc son .
(nêu và phân tích dẫn chứng)
- Người phụ nữ thường có số phận bi thương : bị đối xử bất công, bị các hũ tục chà
đạp.
+ Vũ Nương : Chồng đi lính, nàng thay chồng săn sóc mẹ già, nuôi dạy con thơ,
lúc chồng trở về lại bị chồng ruồng rẫy, đánh đập và cuối cùng phải tìm đến cái
chết . . . (phân tích dẫn chứng)
+ Thuý Kiều : phải hi sinh hạnh phúc riêng tư, bán mình chuộc cha rồi trở thành
món hàng của bọn buôn người. (nêu và phân tích dẫn chứng)
+Trong thơ Hồ Xuân Hương : họ phải chịu cảnh làm lẽ, số phận bấp bênh “ bảy
nổi ba chìm với nước non” (phân tích dẫn chứng)
- Nguyên nhân : Do chiến tranh, chế độ đa thê, thế lực đồng tiền…
c. Kết bài:
- Các tác phẩm đã phản ánh khá chân thực và sâu sắc số phận cực kì đau thương
và bi thảm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến thối nát lúc bấy giờ .
- Qua các tác phẩm, chúng ta thấy được tấm lòng nhân đạo và tiếng nói đấu tranh
đòi quyền bình đẳng của các tác giả .
ĐỀ 5:
Câu 1 (3,0 điểm):
Trên cơ sở giải thích nghĩa của từ “nhóm” trong đoạn thơ:
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!
(Bếp lửa)
Em hãy trình bày một cách ngắn gọn về thành công của Bằng Việt trong việc sử
dụng từ nhiều nghĩa.
Câu 2 (2,0 điểm):
Viết một đoạn văn chỉ rõ vai trò của các biện pháp nghệ thuật trong việc làm nên
cái hay của đoạn thơ sau:
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió
( Quê hương – Tế Hanh)
Câu 3 (5,0 điểm):
Hình tượng anh bộ đội trong thơ ca thời kỳ chống Pháp và chống Mĩ vừa
mang những phẩm chất chung hết sức đẹp đẽ của người lính Cụ Hồ vừa có những
nét cá tính riêng khá độc đáo… Qua hai bài thơ Đồng chí của Chính Hữu và Bài
thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, em hãy làm sáng tỏ nội dung
vấn đề trên.
ĐÁP ÁN:
Câu 1 (3,0 điểm):
Từ “nhóm” trong “nhóm bếp lửa” và “nhóm nồi xôi” có nghĩa là làm cho lửa bắt
vào, bén vào chất đốt để cháy lên
- Từ “nhóm” trong “nhóm niềm yêu thương” và “nhóm tâm tình” có nghĩa là bắt
đầu gợi lên trong tâm hồn tình yêu thương nồng đượm.
Việc sử dụng từ nhiều nghĩa của tác giả đã góp phần:
- Làm cho “bếp lửa” không chỉ dừng lại mang ý nghĩa của một hình ảnh thực mà
trở thành một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng => “bếp lửa” vừa cụ thể, vừa
khái quát trừu tượng.
- Làm cho việc làm của người bà trở nên có ý nghĩa lớn lao hơn: bà là người nhóm
lửa, là người khơi dậy tình cảm yêu thương, khơi dậy ước mơ, khát vọng, tâm
tình => nâng ý nghĩa của hình ảnh người bà.
- Khắc họa đậm nét tình cảm của người cháu đối với bà
Câu 2 (2,0 điểm):
* Chỉ ra được các biện pháp nghệ thuật:
- Phép so sánh:
+ Hình ảnh “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã” => gợi sức sống mạnh mẽ,
vẻ đẹp khỏe khoắn của con thuyền ra khơi – cũng chính là sức sống, vẻ đẹp của
người dân chài lưới
+ Hình ảnh “Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng” => Từ một sự vật bình
thường, gần gũi cánh buồm trở thành biểu tượng thiêng liêng của làng quê >
Hình ảnh cánh buồm vừa mang vẻ đẹp lãng mạn, bay bổng vừa trở nên có ý nghĩa
lớn lao
- Phép nhân hóa:
“Cánh buồm Rướn thân trắng ” => Hình ảnh thơ trở nên sống động, có
hồn Nhà thơ đã cảm nhận được cái hồn của sự vật
* Việc sử dụng thành công các biện pháp nghệ thuật đã:
- Góp phần làm hiện rõ khung cảnh ra khơi của người dân chài lưới. Đó là một
bức tranh lao động đầy hứng khởi và dạt dào sức sống.
- Thể hiện rõ sự cảm nhận tinh tế của Tế Hanh
- Góp phần thể hiện rõ tình yêu quê hương sâu nặng, da diết của nhà thơ.
Câu 3 (5,0 điểm):
Yêu cầu: Biết làm bài văn nghị luận, bố cục rõ ràng, kết cấu hợp lý.
Nội dung:
1. Mở bài: Giới thiệu về người lính trong hai bài thơ.
2. Thân bài: Cần làm rõ hai nội dung:
- Những phẩm chất chung hết sức đẹp đẽ của người lính Cụ Hồ.
- Những nét riêng độc đáo trong tính cách, tâm hồn của người lính.
Nội dung 1:
- Người lính chiến đầu cho một lí tưởng cao đẹp.
Những con người dũng cảm bất chấp khó khăn, coi thường thiếu thốn, hiểm
nguy.
- Những con người thắm thiết tình đồng đội.
- Những con người lạc quan yêu đời, tâm hồn bay bổng lãng mạn.
Nội dung 2:
- Nét chân chất, mộc mạc của người nông dân mặc áo lính (bài thơ Đồng chí).
- Nét ngang tàng, trẻ trung của một thế hệ cầm súng mới (bài thơ về tiểu đội xe
không kính).
________________________________________________________