PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ BIỂN TRONG BỐI CẢNH
TÁI CƠ CẤU NỀN KINH TẾ - GÓC NHÌN TỪ TAM NÔNG
TS. Nguyễn Đức Kiên
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Nghị quyết 02 NQ/TW ngày 04/02/2007 của Hội nghị Trung ương 4 khóa
X về Chiến lược biển Việt Nam đến 2020 đã xác định “Phấn đấu để kinh tế biển
và ven biển có đóng góp 53 – 55% GDP cả nước và 55 – 60% kim ngạch xuất
khẩu…”. Với mục tiêu đặt ra như vậy, Nghị quyết đã chỉ ra một số nhiệm vụ
trọng tâm phải giải quyết như nâng cao đời sống ven biển, đưa thu nhập bình
quân đầu người cao gấp 2 lần trung bình cả nước, xây dựng một số thương cảng
có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, xây dựng một số
khu kinh tế mạnh ở ven biển…
1. Quá trình hình thành và phát triển của khu công nghiệp, khu chế
xuất…
Về chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong việc thực hiện đột
phá trong lĩnh vực công nghiệp để phát triển kinh tế đất nước là nhất quán. Thực
tế từ những năm 1980 đến nay đã chứng minh rõ sự phát triển này.
- Sau năm năm đổi mới, với chính sách bình thường hóa quan hệ với
Trung Quốc, chúng ta đã từng bước tiến hành mở cửa và khôi phục tất cả các
cửa khẩu đã có với Trung Quốc và nhân rộng ra toàn tuyến biên giới trên bộ với
Lào và Campuchia. Việc hình thành các khu kinh tế biên mậu ở vùng xa trung
tâm cả nước, nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, cơ sở hạ tầng yếu kém,
trình độ phát triển xã hội còn lạc hậu, mức sống của đồng bào vào loại thấp nhất
cả nước đã phát huy tác dụng to lớn trong khu vực và các tỉnh có đường biên
giới. Mô hình khu kinh tế cửa khẩu trong những năm 80 của thế kỷ trước chủ
yếu dựa vào nội lực, lấy thương mại tiểu ngạch làm trọng tâm phát triển, lợi
nhuận thu được giai đoạn trước khi có Luật Ngân sách Nhà nước được chủ yếu
để lại địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng. Điển hình của mô hình này có thể nêu
lên là: Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Cầu Treo (Hà Tĩnh),
Lao Bảo (Quảng Trị), Mộc Bài (Tây Ninh) và gần đây là Bờ Y (Kon Tum).
Vào giữa thập kỷ 90, tại các tỉnh đồng bằng phía Bắc và Nam Bộ đã hình
thành các khu công nghiệp, khu chế xuất. Các khu này lấy đầu tư sản xuất hàng
hóa là chủ yếu, các hoạt động thương mại chiếm tỉ trọng rất nhỏ, không đáng kể.
Về quy mô đây là những khu chiếm nhiều diện tích đất đai, có thể là từ đất nông
nghiệp hay các loại đất sản xuất khác. Đặc điểm của các khu kinh tế, khu công
nghiệp này là mật độ cơ sở sản xuất tập trung cao, các yêu cầu về cơ sở hạ tầng,
người lao động rất lớn. Chính trong quá trình xây dựng và đưa vào sử dụng, các
mâu thuẫn về đền bù giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục chính đã trở thành
sức ép, tạo động lực đổi mới hơn nữa hệ thống cơ chế chính sách hiện hành của
2
chúng ta. Có thể kể ra các thành công trong giai đoạn này như: Khu chế xuất
Tân Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh), Khu công nghiệp Amata (Biên Hòa),
Khu Nomura (Hải Phòng), Khu công nghiệp Singapore (Bình Dương), Khu
công nghiệp Sóng Thần…
Ở giai đoạn 3 (tạm gọi là như vậy ) từ năm 2003 đến nay chúng ta tiếp tục
thành lập 15 khu kinh tế ven biển trải dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Đặc
điểm của phát triển giại đoạn này là gắn với biển và được bố trí dựa trên quy
hoạch phát triển tổng thể kinh tế, xã hội tới năm 2020 có tính đến năm 2030. Cự
ly giữa các khu kinh tế biển khoảng 200 km với diện tích bình quân khoảng
45000-50000 ha/khu. Vị trí các khu kinh tế ven biển nhìn chung có hạ tầng giao
thông kém, nguồn lực lao động tại chỗ không có khả năng đáp ứng được yêu cầu
của người sử dụng.
2. Một số nhận xét về quá trình phát triển ở Việt Nam.
- Các khu kinh tế cửa khẩu, khu CN, khu kinh tế biển đều xuất phát từ các
quy hoạch đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt.
- Vị trí của các khu chưa thể hiện được lợi thế so sánh toàn diện trong quá
trình phát triển: hạ tầng nguồn nhân lực, vốn đầu tư ban đầu cũng như định
hướng phát triển trong tương lai.
- Các chính sách thu hút đầu tư chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách Nhà
Nước và miễn giảm thuế TNDN, tiền sử dụng đất,…
- Việc xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp ở thời điểm hiện nay đã
mất tính hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư do các nước trong khu vực cũng đang áp
dụng các chính sách ưu đãi tương tự như Việt Nam nhưng môi trường đầu tư
của họ thông thoáng hơn.
- Quy hoạch phát triển các khu không cân đối với nguồn lực tài chính để
thực hiện nên việc đầu tư ban đầu bị kéo dài.
3. Một số đề xuất trong triển khai giai đoạn 2011-2020
- Đổi mới và thống nhất định hướng phát triển: tập trung nguồn lực hạn
hẹp của Nhà Nước để đầu tư phát triển khu vực ven biển trước. Khi có hiệu quả
và lợi nhuận thì đầu tư ngược lại vùng núi, biên giới để nâng dần đời sống đồng
bào, hạn chế khoảng cách giàu nghèo để đảm bảo ổn định xã hội.
- Trên cơ sở định hướng chiến lược như vậy phải chọn 2 - 3 khu kinh tế
biển để đầu tư dứt điểm trong giai đoạn 2012-2015. Tiêu chí để chọn các khu
này phải gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
- Ở phía Bắc chọn khu vực Hải Phòng là trung tâm phát triển kinh tế biển
với điểm nhấn là cụm cảng nước sâu Lạch Huyện và toàn bộ các địa phương Hà
Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên là khu vực hậu cần.
3
- Ở phía Nam chọn Bà Rịa- Vũng Tàu làm điểm đột phá với khu vực này
chọn CN dầu khí làm mũi nhọn, cùng với các cảng của thành phố Hồ Chí Minh
sẽ là cửa ngõ của cả vùng Đông Nam Bộ, vùng động lực phát triển kinh tế của
cả nước.
- Khu vực miền Trung sẽ chọn khu Dung Quất, Chu Lai làm cửa ngõ đột
phá với cửa ngõ nối quốc tế là cảng Đà Nẵng.
- Trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cả nước chúng ta dự báo ngành
CN dệt may- da giày sẽ còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế,
xã hội nước ta. Thực tế mấy năm gần đây xu hướng dịch chuyển cơ cấu sản xuất
cũng diễn ra tại các khu vực CN trọng điểm của cả nước chứ không chỉ diễn ra
giữa các nước có trình độ sản xuất khác nhau. Tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí
Minh hay vùng phụ cận các doanh nghiệp dệt may không thể đầu tư mở rộng sản
xuất vì diện tích đất cũng hạn chế, các địa phương không còn áp dụng chính
sách ưu đãi như cách đây 10 năm, mặt khác sức ép về xã hội đối với các thành
phố này từ người lao động nhập cư làm việc trong ngành là rất lớn. Các doanh
nghiệp phải chuyển về đầu tư ở các vùng sản xuất nông nghiệp đang chiếm ưu
thế, tương đối thuận lợi về giao thông và đặc biệt có đội ngũ lao động dồi dào,
thu nhập bình quân từ nông nghiệp thấp, khi tham gia sản xuất công nghiệp
không phải “ ly hương”. Đây chính là điểm mạnh của các tỉnh thuần nông hiện
nay so với các tỉnh và thành phố đã phát triển công nghiệp với tỉ trọng lớn.
- Về phía nhà nước cần ưu tiên làm cơ sở hạ tầng ngoài “hàng rào” và áp
dụng phương thức công tư hợp tác (PPP) để kêu gọi vốn đầu tư cho khu kinh tế
biển, khu CN….Điều đặc biệt là quan niệm về khu KT biển không phải là khép
kín mà là một không gian kinh tế- xã hội hoàn chỉnh, không có các “chiến dịch”
giải phóng mặt bằng hàng vạn ha đất trồng lúa sang làm đất công nghiệp. Vấn
đề là phải hình thành phương thức giao đất làm khu công nghiệp, khu chế xuất ở
những vùng sản xuất nông nghiệp 2 vụ không hiệu quả, căn cứ vào chính sách
pháp luật đất đai của Nhà Nước để người nông dân góp đất như là một cổ phần
để đầu tư xây dựng khu CN. Cùng với sự định hướng, hỗ trợ của Nhà Nước
những người nông dân được hưởng lợi từ việc sản xuất, kinh doanh của khu CN
trên mảnh đất của mình, thực hiện đúng chủ trương “ly nông bất ly hương”.
- Trên cơ sở lợi nhuận thu được từ sản xuất CN, Nhà Nước phải chủ động
quy hoạch phát triển nông thôn mới về đất ở, đất sinh hoạt công cộng, giao
thông,…để người dân chủ động đầu tư xây dựng quê hương mình đạt tiêu chuẩn
nông thôn mới. Điều quan trọng là phát triển CN, khu kinh tế biển nhưng không
làm tăng khoảng cách giàu nghèo và tạo nên mất ổn định xã hội.