Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Những hành vi lạ và chứng trầm cảm ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (211.85 KB, 6 trang )




Những hành vi lạ và
chứng trầm cảm
Người ta nhận thấy trong xã hội thời nay đang dần xuất hiện những con
người có nhiều hành vi lạ, cảm xúc thất thường, khóc cười vô cớ. Trong tình
trạng bất ổn như thế, một khi không kiểm soát được cảm xúc của mình, con
người ta có thể tự dưng đánh người, đốt nhà, khoả thân chạy rông, thậm chí
giết người như một số sự việc đau lòng báo chí phản ánh gần đây.

Ảnh minh họa.
Những con số biết nói
Hành vi bất ổn vừa đề cập chính là bệnh rối loạn tâm thần, một bệnh lý rất
phổ biến trong xã hội đương thời. Trên thực tế, rối loạn tâm thần thường gặp
hơn so với các bệnh ung thư, tiểu đường và tim mạch. Theo viện Tâm thần
học quốc gia Hoa Kỳ, đến 25% người trưởng thành có nguy cơ mắc rối loạn
tâm thần trong một năm bất kỳ của đời sống. Đối với trẻ 8 – 15 tuổi, con số
này là 13%. Theo tổ chức Y tế thế giới, 4/10 nguyên nhân hàng đầu gây tàn
phế ở Mỹ và các quốc gia đã phát triển là các dạng rối loạn tâm thần. Theo
dự đoán, đến năm 2020, trầm cảm sẽ trở thành nguyên nhân gây tàn phế
hàng đầu đối với phụ nữ và trẻ em.
Rối loạn tâm thần có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, không phân biệt giới tính,
chủng tộc, tôn giáo, mức sống, trình độ học vấn, nền văn hoá. Thống kê về
tình trạng bệnh nhân tâm thần tại Mỹ từ năm 2004 – 2008 cho thấy tỷ lệ
bệnh nhân tâm thần ở người trưởng thành (18 – 65 tuổi) gia tăng từ 12,8%
lên 13,4%.
Bệnh không đến một sớm một chiều
Ngoài những sang chấn cơ học, áp lực trong cuộc sống là một trong những
nguyên nhân dẫn đến gia tăng bệnh rối loạn tâm thần. Những trường hợp lên
“cơn khùng” rồi giết người thân, đốt nhà, khoả thân chạy rông có thể do


bệnh mới phát mà gia đình không nhận thức, hoặc nhận thấy nhưng không
đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề, hay vì sợ thành kiến xã hội đối
với người bệnh và gia đình mà né tránh, phủ nhận dẫn đến chậm trễ trong
việc đưa bệnh nhân đi khám, điều trị.
Bệnh nhân cũng có thể từng được xác định có vấn đề tâm thần nhưng không
được điều trị tới nơi tới chốn; điều trị không thích hợp, không đúng chuyên
khoa; hoặc không tuân thủ điều trị: uống thuốc không đủ liều, không đều,
không liên tục; không đảm bảo thời gian khiến cho triệu chứng tăng nặng
hoặc tái phát. Việc mới phát bệnh hay tái bệnh đều có nguy cơ đưa bệnh
nhân vào các tình huống mất kiểm soát hành vi.
Những biểu hiện cần nhận biết
Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tâm thần để điều trị kịp thời có vai trò
quan trọng trong việc giảm thiểu các tình huống đáng tiếc. Gia đình và
những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân có thể dựa vào các thay
đổi trong sinh hoạt thường ngày của họ và nhận ra các dấu hiệu nghi ngờ.
Các dấu hiệu này thay đổi theo từng lứa tuổi nhưng nhìn chung, họ có các
biểu hiện: đột nhiên thay đổi tính tình, ví dụ từ năng động cởi mở trở nên ù
lì, chậm chạp, lập dị. Thờ ơ về mặt cảm xúc, bàng quan với các thay đổi
chung quanh, hoặc thay đổi cảm xúc nhanh chóng hoàn toàn không giống
với bản thân họ. Bệnh nhân thường hay buồn rầu, lo âu thái quá, cũng có khi
hưng phấn quá mức, nói nhiều hết chuyện này sang chuyện khác, phác hoạ
nhiều kế hoạch trong tương lai với sắc thái quá tươi sáng.
Một dấu hiệu dễ nhận biết: bệnh nhân có các ý nghĩ lạ lùng mà họ tin chắc là
đúng, sự tự cao, đa nghi quá mức. Điều đáng chú ý, bệnh nhân thay đổi
trong thói quen ăn uống, có thể chán ăn hay ăn vô độ, thay đổi giấc ngủ:
hoặc mất ngủ, hoặc ngủ li bì. Một số người lạm dụng rượu và các chất gây
nghiện, có hành vi quậy phá hoặc bạo lực, giận dữ, thù hằn, tự gây tổn
thương, hay gây hấn với người chung quanh. Thi thoảng họ lại đề cập hoặc
có suy nghĩ về việc tự tử, giết người, phóng hoả.
Mạnh dạn đưa người nhà đến bệnh viện

Một khi mắc bệnh rối loạn tâm thần với những biểu hiện trên, bệnh nhân
thường giảm sút năng lực học tập hoặc làm việc, không có khả năng đối phó
với các vấn đề và hoạt động hàng ngày. Nếu nhận ra các thay đổi trên người
thân, gia đình cần mạnh dạn đưa họ đến khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần
để được chẩn đoán sớm và được điều trị kịp thời, tích cực. Quá trình điều trị
càng được thiết lập sớm thì hiệu quả càng cao và khả năng phục hồi càng
lớn. Việc điều trị bệnh lý tâm thần theo nguyên tắc như các bệnh mãn tính,
đòi hỏi một quá trình điều trị liên tục trong thời gian đủ lâu.
Trong hai thập niên vừa qua, với nhiều tiến bộ trong phương pháp điều trị
các rối loạn tâm thần, nhiều bệnh lý tâm thần đã được điều trị hiệu quả. Điều
trị các rối loạn tâm thần bao gồm một hoặc nhiều liệu pháp kết hợp như
thuốc men, tâm lý, xã hội; dưới các hình thức hoặc nội trú (nhập viện toàn
thời gian), điều trị ban ngày hoặc ngoại trú hoàn toàn.
Vấn đề điều trị nội hay ngoại trú sẽ được cân nhắc dựa trên tình trạng bệnh
và hoàn cảnh của bệnh nhân. Với bệnh nhân ý thức được bệnh, tự giác điều
trị, mức độ bệnh nhẹ, không nguy hiểm đồng thời có hệ thống nâng đỡ tốt
(gia đình, bạn bè tích cực tham gia hỗ trợ điều trị, giám sát bệnh nhân
thường xuyên) sẽ được điều trị và theo dõi ngoại trú. Trong trường hợp
ngược lại, chế độ điều trị nội trú sẽ được cân nhắc.
Trường hợp bệnh nhân có các hành vi nguy hiểm cho bản thân hoặc người
chung quanh (tự sát, không ăn uống, không chịu dùng thuốc, tấn công người
khác, ý muốn giết người…) hoặc có nguy cơ gây rối trật tự an ninh xã hội
(khoả thân, đốt nhà…) phải được chỉ định nhập viện bắt buộc và khẩn cấp.
Thông thường, nếu lựa chọn trị liệu thích hợp (thuốc men hiệu quả, mối
quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân tốt, môi trường trị liệu phù hợp…) 70 – 90%
trường hợp bệnh nhân giảm rõ rệt các triệu chứng, cải thiện đáng kể chất
lượng cuộc sống và có thể trở lại gần như bình thường.
Rối loạn tâm thần nếu không được điều trị và kiểm soát tốt, sẽ để lại hậu quả
cho cá nhân, gia đình và xã hội rất đáng lo ngại như tàn phế, thất nghiệp,
nghiện ngập, vô gia cư, tự tử Chi phí để giải quyết các hậu quả như thế

không phải nhỏ (tại Mỹ là trên 100 tỉ USD/năm).

×