Khi nào cần dùng thuốc
hỗ trợ tiêu hóa?
Khi sự tiêu hóa bị rối loạn như đầy bụng, khó tiêu, ăn không thấy
ngon người ta thường tìm đến các thuốc hỗ trợ tiêu hóa. Vậy đó là
những thuốc nào và hiệu quả của chúng đến đâu?
Tại bộ máy tiêu hóa, sự tiêu hóa xảy ra theo cơ chế cơ học (vận chuyển,
phân cắt thức ăn thành mẫu nhỏ, trộn với dịch tiêu hóa nhờ nhai, co bóp, nhu
động), theo cơ chế hóa học (phân giải các chất cấu trúc phức tạp thành đơn
giản hay ở dạng không tan thành tan, nhờ vào các dịch tiêu hóa như acid, các
enzym), theo cơ chế hấp thu (đưa dưỡng chất từ ống tiêu hóa vào máu nhờ
thẩm thấu hay các chất chuyển vận trung gian). Khi các mắt xích trên bị
trục trặc, sự tiêu hóa sẽ bị rối loạn (ăn không thấy ngon, không thích, chán,
thức ăn không tiêu, phân sống, đầy bụng, tiêu chảy, táo bón.)
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên sự rối loạn trên. Ví dụ như, do chính bộ
máy tiêu hóa chưa hoàn thiện (trẻ quá nhỏ) hay suy giảm (người tuổi cao),
do bệnh lý (thiếu dịch vị, thiếu enzym tiêu hóa, bị viêm loét, bị dị ứng thức
ăn), chế độ ăn không cân đối (quá no, không cân đối), do các bệnh khác
(stress, trầm cảm), do tâm lý (lo học thi, ham chơi, sợ béo không muốn
ăn)… Trên thực tế, không có thuốc nào có tác dụng đa năng mà mỗi thuốc
chỉ tác dụng lên một hay vài khâu nhất định.
Các enzym tiêu hóa
Khi bị thiếu các enzym tiêu hóa, với người lớn có thể bổ sung bằng thuốc
chứa enzym như viên neopeptin (chứa enzym amylase), pancreatin bào chế
từ dịch tụy (chứa amylase, trypsin, lipase), papain (chứa enzym thủy phân
protein).
Với trẻ em, chức năng tiêu hóa chưa hoàn thiện (trẻ dưới 4 tháng tuổi) sự
phân tiết acid rất kém nên khó hoạt hóa pepsinogen thành pepsin, chỉ có thể
tiêu thụ các loại protein hòa tan trong sữa như casein. Nếu lúc này cho trẻ
ăn dặm nhiều protid phức tạp (phân tử lớn, không hòa tan) thì dù có dùng
enzym, trẻ vẫn khó tiêu hóa loại protid này. Bổ sung enzym tiêu hóa cho trẻ
phải cân nhắc, tùy theo độ tuổi và không kéo dài quá 10 ngày. Nếu lạm dụng
các enzym sẽ làm cho trẻ lệ thuộc vào thuốc, kém chủ động tiết ra enzym
tiêu hóa nội sinh.
Enzym tiêu hóa
Các vi sinh lành tính
Trong ống tiêu hóa có sự cân bằng sinh thái giữa các vi sinh có lợi và hại.
Khi dùng kháng sinh mạnh phổ rộng kéo dài, nhiễm khuẩn, stress… hệ cân
bằng này bị phá vỡ sẽ xảy ra các bệnh lý đường ruột (đi phân sống, tiêu
chảy, trướng bụng, viêm đường tiêu hóa, táo bón ). Lúc đó cho dùng các
chế phẩm chứa các loại vi sinh có lợi như các lactobaciclus. Các sản phẩm
trên thị trường như antibio, biolactyl, neolactyl, lacteol… Chúng có thể là vi
khuẩn hay xác vi khuẩn đông khô với hàm lượng khác nhau. Khi vào cơ thể,
dạng đông khô này phát triển thành vi khuẩn sống, lập lại hệ cân bằng sinh
thái, có tác dụng tránh các rối loạn trên. Các chế phẩm này chỉ dùng khi hệ
cân bằng sinh thái bị phá vỡ. Do hiểu nhầm chúng là enzym tiêu hóa nên
nhiều bà mẹ cho trẻ dùng ngay cả khi không hề bị bệnh hoặc bị các rối loạn
tiêu hóa nhưng không phải do hệ cân bằng sinh thái bị phá vỡ. Sự lạm dụng
này không có lợi.
Các thuốc làm ăn ngon
Kháng histamin: Hay dùng là cyproheptadin (peritol). Lúc đầu, thuốc làm
ngon miệng, thích ăn, mặt khác do tác dụng phụ gây buồn ngủ, giữ nước làm
béo giả nên bị hiểu nhầm là thuốc giúp ngủ được, tăng cân. Sau một thời
gian dùng, thuốc không còn làm ngon miệng nữa, trái lại, gây chán ăn, mệt
mỏi, ứ nhiều nước, hại tim mạch. Dùng lâu dài, thuốc làm chậm sự phát
triển hoàn thiện trí tuệ của trẻ (vì gây ức chế liên tục) vì vậy không nên dùng
thuốc này chữa biếng ăn.
Lysin: Là acid amin thiết yếu, con người không thể tự tổng hợp được. Nhu
cầu (tính theo cân nặng) của trẻ gấp đôi người lớn. Lysin có nhiều trong
trứng, thịt, tôm, cá, đậu phộng, đậu xanh, đậu nành nhưng khi chế biến mất
đi một lượng khá lớn. Lysin còn có trong sữa mẹ. Khi đang bú, trẻ được
cung cấp đủ nhưng khi cho ăn dặm hay thôi bú trẻ có thể thiếu lysin. Thiếu
lysin, trẻ sẽ biếng ăn, chậm lớn, suy giảm miễn dịch vì thế cần bổ sung lysin,
nhưng không được dùng quá liều, kéo dài sẽ làm nhiễm acid huyết (do lysin
có tác dụng chống nhiễm kiềm). Lysin dùng cho trẻ biếng ăn được chế dưới
dạng siro, phối hợp cân đối, đủ liều với vitamin B
1
,B
5
, B
12
, A, D, muối
khoáng. Khi dùng chế phẩm này thì không dùng các chế phẩm tương tự
khác, gây thừa chất, có hại (ví dụ thừa vitamin A sẽ lại gây chán ăn).
Các vitamin đậm đặc: Thường dùng là hydrosol polyvitamin. Do tăng cường
chuyển hóa nên thuốc làm ăn ngon miệng. Dung dịch này đậm đặc, phải
dùng đúng liều (tính giọt) nếu dùng ống giỏ giọt không đúng cách, thuốc
chảy thành dòng sẽ quá liều gây hại.
Các chất bổ đắng: Chất đắng (trong canh kina, long đởm), uống trước bữa
ăn sẽ kích thích dịch tiêu hóa, làm ăn ngon, gọi là thuốc bổ đắng. Chỉ dùng
cho người lớn (sau sinh, mới ốm dậy). Nếu dùng nhiều (trong, sau ăn) sẽ
làm cho tiêu hóa kém sút.
Các chất có tính tẩy, nhuận
Thuốc có tính tẩy: Tác dụng chủ yếu ở ruột non như bisacodyl, doncusat.
Dùng cho người lớn bị táo bón, bị liệt ruột sau phẫu thuật. Do gây tẩy
mạnh, mất nước nên không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Quan niệm dùng thuốc
này cho trẻ bị khó tiêu nhằm có hiệu quả nhanh là không đúng. Chỉ khi thật
cần mới dùng cho trẻ với liều vừa đủ, không kéo dài.
Thuốc có tính nhuận: Tác dụng chủ yếu ở ruột già. Hiện hay dùng các thảo
dược như đại hoàng, thảo quyết minh, không dùng hóa dược cũ như
phenophtalein.
Một số thuốc Đông y như thuốc thang thường có thảo dược gây nhuận tẩy
nhẹ dùng liều vừa đủ có lợi, nhưng dùng quá nhiều sẽ không lợi (gây mất
nước, suy kiệt).
Do có nhiều loại thuốc, cơ chế tác dụng của chúng lại không giống nhau. Vì
thế phải tùy theo từng trường hợp rối loạn tiêu hóa mà chọn thuốc dùng cho
phù hợp.