5 cấp độ tư duy sáng tạo
Doanh nghiệp nào cũng muốn đội ngũ nhân viên của mình biết làm việc sáng
tạo. Bản thân các nhân viên cũng hiểu là nếu phát huy được tính sáng tạo
trong công việc thì họ sẽ thăng tiến trong nghề nghiệp, được sự thừa nhận của
doanh nghiệp và xã hội.
5 cấp độ tư duy sáng tạo
Nhưng khi đề cập chi tiết hơn thì khái niệm “tư duy sáng tạo” thường chỉ
được nhiều người quan niệm đại khái, chung chung. Theo các chuyên gia về
rèn luyện khả năng sáng tạo của con người, năng lực tư duy sáng tạo được thể
hiện qua ít nhất năm cấp độ dưới đây.
1. “Nhận ra nhu cầu cần có cách tiếp cận mới” là cấp độ thấp nhất (cấp
độ 5), tương ứng với khi người nhân viên biết:
- Vui vẻ đón nhận ý tưởng mới.
- Xem xét lại cách tiếp cận truyền thống và tìm các giải pháp có thể có.
- Nhận ra lúc nào cần một cách tiếp cận mới, tham khảo thông tin để hướng
về cách tiếp cận mới.
2. “Thay đổi các cách tiếp cận hiện có” là cấp độ cao hơn (cấp độ 4), xuất
hiện khi các nhân viên biết:
- Phân tích những điểm mạnh và điểm yếu của các cách tiếp cận hiện có.
- Thay đổi và làm cho các cách tiếp cận hiện có thích hợp hơn với nhu cầu.
- Nhận diện được các giải pháp khác nhau dựa vào những gì đã biết.
- Thấy được một giải pháp tối ưu sau khi cân nhắc những điểm mạnh và điểm
yếu của các cách tiếp cận khác.
3. “Đưa ra cách tiếp cận mới” là cấp độ 3, tương xứng với lúc các nhân
viên biết:
- Tìm kiếm các ý tưởng hoặc giải pháp đã có tác dụng trong các môi trường
khác để áp dụng chúng tại doanh nghiệp của mình.
- Vận dụng các giải pháp đang có theo cách mới lạ hơn nhằm giải quyết vấn
đề với hiệu quả cao hơn.
- Nhìn thấy được các triển vọng tốt khi tiếp tục vận dụng các giải pháp đang
có theo vài cách mới lạ khác.
4. Cao hơn nữa, họ tiến đến cấp độ 2 là “Tạo ra khái niệm mới” khi có
được khả năng:
- Tổng hợp các khái niệm cần thiết để định hình một giải pháp mới.
- Tạo ra các mô hình và phương pháp mới cho doanh nghiệp.
- Nhận diện được các giải pháp linh hoạt và thích hợp cũng như xác định
được các tiêu chuẩn về chuyên môn và về tổ chức tương ứng với giải pháp
mới.
5. Cao hơn cả là cấp độ 1
- “Nuôi dưỡng sự sáng tạo”, nhưng năng lực này chỉ có ở rất ít chuyên gia
quản trị, bao gồm:
- Có khả năng phát triển một môi trường nuôi dưỡng tư duy sáng tạo, luôn
kích thích mọi người thi đua tìm tòi các giải pháp sáng tạo.
- Khuyến khích mọi người thử nghiệm ý tưởng mới khác hẳn cách làm truyền
thống.
- Hỗ trợ cho việc thử nghiệm ý tưởng mới nhằm biến ý tưởng thành hiện thực.
Như vậy, cùng hướng đến tư duy sáng tạo, nhưng mỗi cá nhân trong doanh
nghiệp có thể thuộc về cấp độ này hay cấp độ khác. Việc quan sát để biết cấp
độ tư duy sáng tạo của đội ngũ nhân viên và tạo điều kiện để những người
thuộc cấp độ từ 4 đến 2 phát huy năng lực của họ là nhiệm vụ và cũng là
thách thức không nhỏ đối với các nhà quản trị doanh nghiệp. Khi vượt qua
được thách thức đó, chính nhà quản trị đã tự bồi dưỡng để dần đạt được cấp
độ 1.