Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Bỏ quán tính của thời chiến trong ra quyết sách docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (132.99 KB, 6 trang )

Bỏ quán tính của thời chiến trong
ra quyết sách
Thời bình, nhất là hòa bình trong thời đại toàn cầu hóa, mà cứ chạy theo quán tính
của thời chiến, không khôi phục lại văn hóa tranh luận thì cũng giống như một loài
trên cạn đã tiến vào môi trường nước nhưng vẫn thở bằng phổi, hoặc tung mình
lên trời xanh bằng tứ chi.
Tăng duy lí

Cốt tử của văn hóa dân chủ, trước tiên, là tinh thần duy lý trong tư duy và đối
thoại. Một tư tưởng dẫu là xấu xa nhất, được trình bày bằng một phương pháp lập
luận tồi tệ nhất, vẫn cần phải được bẻ gãy bằng tư tưởng đúng đắn, bằng cách tư
duy hợp với logic hình thức và logic thực tiễn, không nên bị tấn công bằng bất kỳ
điều gì khác.

Mặt khác, văn hóa dân chủ đòi hỏi mỗi con người ý thức được tính tương đối của
mỗi cách nhìn thế giới. Mỗi một cách nhìn thế giới đều tương tự một cái ống
nhòm, một mặt, tạo ra một "trường nhìn" giúp cho người tư duy có thể nhìn thấy
rất kỹ một góc nhìn mà ống nhòm cho phép thấy, và mặt khác, tạo ra một "trường
mù", khiến người ta bị che khuất trước phần còn lại của thế giới. Để đi đến chân
lý, do đó, cần tối đa hóa các trường nhìn mà mình có thể lĩnh hội được.

Vì vậy, người ta không chỉ cần đến sự phản biện như một phương thức tiếp thu
trường nhìn của kẻ khác, mà còn cần phải tự mình đối thoại với trường nhìn cố
hữu của chính mình. Khả năng tư duy của mỗi con người, như vậy có nghĩa là, tùy
thuộc vào khả năng mở rộng các trường nhìn. Trường nhìn càng phong phú, năng
lực thức nhận thế giới càng mở rộng. Ngược lại, giam hãm mình một trường nhìn
duy nhất là bản chất của tính ì tư duy.

Do đó, trong tranh luận, khi "thua" thì chính là lúc người ta đã thắng, bởi đó là lúc
họ chạm được một trường nhìn khác, để khai mở thêm khả năng tư duy của chính
mình.



Nguyên tắc duy lý thì chỉ có một, nhưng văn hóa tranh luận thì có thể khác nhau
tùy từng vùng văn hóa. Phương Tây tổ chức cuộc tranh luận như một võ đài của lý
trí. Trong cuộc tỷ thí, knock out là chuyện bình thường. Bình thường cả với người
thắng lẫn người thua. Ở Nhật Bản, văn hóa tranh luận của họ vừa tiếp thu tinh thần
duy lý phương Tây, vừa kết hợp với chữ Lễ truyền thống. Trong tranh luận, sẽ
không có hạ knock out như Phương Tây.

Người Nhật cũng giống Việt Nam, "thể diện" là một gì rất quan trọng, và do đó,
"những gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác", họ cũng giữ thể diện
cho phía bên kia.

Văn hóa tranh luận này của Nhật vốn mới chỉ hình thành gần đây, từ thời Minh
Trị, khi xã hội công dân sơ khai hình thành, mở đầu với phong cách tranh luận
trong Nhóm Meirokusha. Cuối thế kỷ XIX, trong bối cảnh một chế độ phong kiến
sắp biến thành phát xít, Hội Meirokusha vẫn có thể có những cuộc tranh luận vừa
nóng bỏng trong lập luận vừa lịch thiệp trong xưng hô.

Họ đem đến một văn hóa tranh luận mới trong lịch sử văn hóa Nhật Bản, đưa kẻ
làm quan và người trí thức của dân tộc này, từ chỗ chỉ biết dùng khái niệm "tà
thuyết" để gán cho những tư duy khác mình, đến chỗ đủ tầm cao văn hóa để vừa
giữ vững chữ Lễ của phương Đông vừa thấm nhuần tính logic và minh bạch của
phương Tây duy lý khi tranh biện.

Với tinh thần khai sáng của triết học cổ điển Đức, họ biết tôn trọng tự do tư duy
của chính mình và của người khác, can đảm trong suy nghĩ, trong phán xét và lựa
chọn, lĩnh hội niềm tin bằng lý trí, với ý chí tự do trước quyền lực, tôn giáo, tập
quán hay những loại áp lực tương tự.

Những kẻ thù của lý tính


Kẻ thù lớn nhất của tinh thần duy lý là sự duy cảm, thiên kiến và "ngã chấp".

Chúng ta thường tự hào rằng người Việt vốn duy cảm. Nhưng duy cảm không phải
là một trình độ sống đáng tự hào.

Vốn rời lũy tre làng duy cảm chưa lâu, người Việt Nam chúng ta nếu bị hạ knock
out trong một cuộc tranh luận, có lẽ đến hết đời vẫn khó có thể quên, chứ chưa nói
đến việc có thể hợp tác với kẻ đã dạy mình một bài học. Khi đối diện với tinh thần
hạ knock out của văn hóa tranh luận kiểu Phương Tây, người Việt Nam thường
cảm thấy họ "thô bạo" hoặc "thiếu tinh thần xây dựng". Trong thời đại toàn cầu
hóa, chúng ta phải hiểu để quen với văn hóa của họ.

Mặt khác, tôn trọng chữ "Tình", nhưng khi tranh luận, người Việt dễ dàng bị chìm
vào những cãi vã và mạt sát, theo kiểu mà dân gian thường nói là "Lời nói đọi
máu" .

Khi tranh luận, người ta không thể tranh luận với một cảm xúc, mà chỉ có thể phân
tích những quan điểm, những luận chứng và dẫn chứng của nhau. Do đó, khi nào
cảm xúc bùng nổ, đó là lúc tranh luận biến mất, chỉ còn lại sự phỉ báng lẫn nhau.

Sự duy cảm sẽ làm cho những thiên kiến trở nên vững chắc. Thiên kiến là cái
người ta tin bất chấp thực tế, bất chấp bằng chứng, bất chấp lý tính. Do đó, không
ai có thể tranh luận được với những thiên kiến. Thiên kiến là cái không ai có thể
giúp chúng ta gỡ bỏ được, trừ chính bản thân chúng ta.

Và nền tảng sâu xa nhất của thiên kiến là "ngã chấp". Ta từ đâu? Ta là ai? Ta về
đâu? Là những câu hỏi có tính bản thể luận mà nếu lãng quên, con người sẽ trượt
ra khỏi con đường của lý tính.


Ở Châu Âu cận đại, những người quý tộc phong kiến hầu như không thể chấp
nhận thời đại mới, bởi họ đồng nhất mình với hệ hình phong kiến. Họ cảm thấy
mình chỉ có thể tồn tại trong hệ hình đó. Để thúc đẩy lịch sử tiến lên, những người
tư sản không còn cách nào khác phải thực hiện cách mạng. Trong bối cảnh này,
chỉ có thể có chiến tranh chứ không thể có "đối thoại" hay "tranh luận".

Nhật Bản thời Minh trị duy tân cung cấp những bài học lớn về quan hệ giữa "ngã
chấp" và văn hóa dân chủ. Được thấm đẫm tinh thần "phá chấp" của Phật giáo,
những đại lãnh chúa, tức là những con người nòng cốt duy trì chế độ phong kiến
cũ, nhận thức được rằng mình sinh ra từ "Không" và sẽ trở về "Không". Do đó, họ
không đồng nhất mình với bất kỳ một hệ hình nào. Đối với họ, dẫu là "địa chủ"
hay "tư sản" thì đều không quan trọng. Đó chỉ là cái "giả tướng" (hình thức bề
ngoài) của "cõi tạm trần gian".

Nhờ thế, tầng lớp thượng lưu Nhật nhanh chóng phủ định chính cái vỏ bề ngoài
của mình, dẫn dắt dân tộc đi vào cuộc canh tân thần kỳ. Họ không chỉ tiến hóa để
thích ứng với bối cảnh mới, mà còn tạo ra chính bối cảnh mới ấy, thúc đẩy toàn xã
hội tiến hóa theo.

Truyền thống dân chủ của nước ta

Nền chính trị nước ta vốn có nền văn hóa dân chủ cao hơn Trung Quốc. Đó là một
nét chủ đạo của kỷ nguyên Đại Việt, khi mà ngay cả một Hoàng đế mà rồi đây sẽ
được nhân dân tôn sùng như là hiện thân của Phật cũng khiêm cung lắng nghe các
cụ bô lão toàn quốc trước khi ra quyết định.

Và, trong lịch sử hiện đại, những người đầu tiên đấu tranh để khai sáng cho Dân
tộc về tự do tư duy chính là những người Cộng sản, khởi đầu từ Nguyễn Ái Quốc,
tiếp nối bởi các nhà lãnh đạo trẻ của Đảng ở những năm 30 của thế kỷ trước.


Đáng tiếc, chiến tranh đã khiến cho tranh luận không thể phát triển thành một nét
văn hóa chủ đạo của đất nước. Vì chiến tranh, ta không thể đem kế hoạch tấn công
Điện Biên, hay Chiến dịch Hồ Chí Minh ra trình Quốc hội, rồi mời toàn dân
tranh luận sôi nổi.

Nhưng, bước vào hòa bình, nhất là hòa bình trong thời đại toàn cầu hóa, mà cứ
chạy theo quán tính, không khôi phục lại văn hóa tranh luận, thì nói như "Tiến hóa
luận" của Chales Darwin, cũng giống như một loài trên cạn đã tiến vào môi trường
nước nhưng vẫn thở bằng phổi, hoặc tung mình lên trời xanh bằng tứ chi.

Để đến được những bến bờ xa nhất, chúng ta phải tiến hóa thành loài có mang; để
bay đến những chân trời rộng nhất, chúng ta phải tiến hóa thành loài có cánh.

Tranh luận là một năng lực văn hóa. Văn hóa là cái không thể hình thành qua việc
đọc sách hay nghe tuyên truyền, mà cần được "vun trồng" trong thử thách thực tế,
cần được rèn luyện để trưởng thành.

×