THIẾT KẾ SẢN PHẨM
(PHẦN 2)
2.3 Nghiên cứu khả thi
Nghiên cứu khả thi bao gồm các bước phân tích thị trường, phân tích kinh
tế và phân tích kỹ thuật/chiến lược.Việc thực hiện nghiên cứu khả thi bao gồm
nhiều bước phân tích và bắt đầu bằng phân tích thị trường.
Bước phân tích thị trường nhằm đánh giá nhu cầu về sản phẩm được thiết
kế nhằm hỗ trợ và trả lời câu hỏi liệu có tiếp tục thực hiện quyết định đầu tư vào
sản phẩm mới hay không?
Nếu có nhu cầu về sản phảm, phân tích kinh tế được thực hiện nhằm ước
lượng chi phí cho việc phát triển và sản xuất sản phẩm và so sánh với doanh thu
ước lượng.
Các kỹ thuật định lượng như phân tích lợi ích/chi phí, lý thuyết ra quyết
định, giá trị hiện tại ròng (NPV) hoặc suất thu hồi nội tại (IRR), được sử dụng phổ
biến nhằm xác định lợi nhuận trong tương lai của dự án. Dữ liệu được dùng để
phân tích là không chắc chắn, ước lượng rủi ro cho việc đầu tư vào sản phẩm mới
và thái độ của doanh nghiệp đầu tư với rủi ro cũng cần được xem xét.
Cuối cùng, phân tích kỹ thuật chiến lược là nhằm trả lời các câu hỏi: Sản
phẩm mới có đòi hỏi sử dụng công nghệ mới hay không? Có đủ vốn đầu tư hay
không, liệu dự án về sản phẩm mới có quá nhiều rủi ro hay không? Doanh nghiệp
có đủ năng lực về nhân lực và khả năng quản lý trong việc sử dụng công nghệ mới
theo yêu cầu hay không?
2.4. Thiết kế ban đầu và thiết kế cuối cùng
Các kỹ sư thiết kế được bộ phận tiếp thị cung cấp những yêu cầu về đặc
điểm sản phẩm (thường là rất tổng quát) và chuyển những yêu cầu đó thành những
yêu cầu kỹ thuật.
Quá trình bao gồm việc tạo ra thiết kế ban đầu, xây dựng thiết kế mẫu, thử
nghiệm thiết kế mẫu, hiệu chỉnh thiết kế, thử nghiệm lại và cứ thế tiếp tục cho đến
khi thiết kế ban đầu có tính khả thi.
Khi thiết kế ban đầu được chấp nhận, các kỹ sư sẽ phát triển thành thiết kế
cuối cùng thông qua ba giai đoạn:
1. Thiết kế chức năng sản phẩm
2. Thiết kế dạng sản phẩm
3. Thiết kế sản xuất.
2.4.1. Thiết kế chức năng sản phẩm
Thiết kế chức năng sản phẩm là việc xác định những đặc tính của sản sản
phẩm. Đây là giai đoạn đầu trong quá trình thiết kế cuối cùng và đòi hỏi sự quan
tâm thích đáng của kỹ sư thiết kế.
Thiết kế chức năng sản phẩm được thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu về đặc
điểm sản phẩm mà bộ phận tiếp thị đưa ra để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hai
đặc điểm quan trọng cần xem xét trong giai đoạn này là tuổi thọ và độ bền của sản
phẩm.
2.4.2. Thiết kế hình dáng sản phẩm
Thiết kế hình dáng nhằm tạo ra các tiêu chuẩn vật lý của sản phẩm như:
hình dáng, màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng, thẩm mỹ, sự lôi cuốn đối với thị trường,
và đặc trưng cho sử dụng cá nhân cũng là những yêu cầu cho thiết kế hình dáng
sản phẩm.
Trong rất nhiều trường hợp, việc thiết kế chức năng phải được điều chỉnh
để đảm bảo sản phẩm có tính thẩm mỹ. Thiết kế thời trang được xem như ví dụ tốt
nhất về thiết kế hình dáng sản phẩm. Việc thiết kế hình dáng ngày càng trở nên
quan trọng vì nhờ đó công nhân và đội ngũ thiết kế có thể ngày càng hãnh diện
hơn trong công việc của họ.
2.4.3 Thiết kế sản xuất
Thiết kế sản xuất được thực hiện nhằm đảm bảo cho việc sản xuất sản
phẩm mới được dễ dàng và đạt được hiệu quả về chi phí. Thực tế cho thấy những
thiết kế quá phức tạp với nhiều chi tiết hoặc yêu cầu về dung sai quá chặt.
Sự thiếu hiểu biết về năng lực của hệ thống sản xuất có thể dẫn đến việc
không thể sản xuất những mẫu thiết kế hoặc yêu cầu về kỹ năng và các nguồn lực
khác không có sẵn. Nhiều cá nhân ở bộ phận sản xuất phải thiết kế lại sản phẩm ở
phân xưởng sản xuất để có thể sản xuất được sản phẩm mới.
Các phương pháp thường được sử dụng trong thiết kế sản xuất bao gồm quá
trình đơn giản hóa, tiêu chuẩn hóa, và thiết kế theo modun.Quá trình đơn giản hóa
nhằm là giảm thiểu số lượng các bộ phận và chi tiết lắp ráp trong thiết kế và kết
hợp các bộ phận còn lại sao cho chúng tương thích với nhau mà vẫn đảm bảo các
tính năng.
Tiêu chuẩn hóa nhằm là cho các bộ phận cùng loại có thể thay thế lẫn nhau
giữa các sản phẩm, dẫn đến việc mua hoặc sản xuất với số lượng lớn hơn, chi phí
đầu tư tồn kho thấp, dễ mua và dễ quản lý nguyên liệu, giảm bớt chi phí kiểm tra
chất lượng, và những vấn đề khó khăn xuất hiện trong sản xuất.Một giải pháp mới
là việc thiết kế theo modun.
Thiết kế theo modun là việc kết hợp các khu vực sản xuất tiêu chuẩn hoá
(theo modun), theo nhiều cách để chỉ tạo ra một sản phẩm hoàn tất cuối cùng.
Thiết kế theo modun được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp điện tử và
ngành công nghiệp sản xuất xe ô tô.
2.5 Hoạch định quá trình
Hoạch định quá trình sản xuất thường được thực hiện bởi các kỹ sư và các
nhà lập kế hoạch sản xuất của bộ phận sản xuất. Phần này sẽ được đề cập chi tiết ở
các chương tiếp theo.
3. Công nghệ thông tin trong thiết kế sản phẩm
3.1 Nhu cầu ứng dụng công nghệ mới
Nhu cầu ứng dụng công nghệ mới xuất phát trước tiếp từ bốn chiến lược
cạnh tranh sau: chi phí, tốc độ phân phối, chất lượng, và tính linh hoạt trong quá
trình sản xuất (sản xuất theo yêu cầu khách hàng).
· Chi phí:
Trong trường hợp này, mục tiêu của việc sử dụng công nghệ mới là nhằm
giảm chi phí trong việc sản xuất ra một sản phẩm hay dịch vụ, và giúp doanh
nghiệp đạt được lợi nhuận nhiều hơn hoặc giảm giá thành sản phẩm để tăng doanh
thu.
Công nghệ mới có thể giúp nhà sản xuất giảm bớt chi phí nhờ: Giảm lượng
nguyên liệu đầu vào, giảm số nhân công cần cho sản xuất, hoặc giảm chi phí phân
phối (nhờ tăng sản lượng sản xuất).
Chi phí nguyên liệu có thể giảm bằng cách sử dụng thay thế nguyên liệu có
giá cao bằng loại nguyên liệu có giá thấp hơn để sản xuất ra cùng một loại sản
phẩm hoặc bằng cách giảm lượng nguyên liệu cần thiết cho việc tạo ra sản phẩm.
Nói chung công nghệ cũng góp phần làm giảm chi phí lao động thông qua việc
giảm bớt thời gian lao động để sản xuất ra sản phẩm.
Ví dụ, công ty Johnson & Johnson đã sử dụng công nghệ mới để sản xuất ra
loại kính áp tròng sử dụng một lần, mà hầu như không cần đến lao động, mang lại
cho doanh nghiệp những lợi thế cạnh tranh về chi phí thấp hơn so với các đối thủ
cạnh tranh.
· Tốc độ giao hàng:
Trong nhiều trường hợp, chìa khoá cạnh tranh ưu tiên là tốc độ giao hàng,
được đo lường bởi thời gian từ khi có đơn hàng cho đến khi khách hàng nhận
hàng. Công nghệ có thể giúp nhà sản xuất giảm thời gian này.
Ví dụ như thiết bị hướng dẫn tự động được sử dụng nhằm tăng nhanh quá
trình vận chuyển nguyên liệu trong các nhà máy của Xerox, và di chuyển các
chủng loại được sản xuất một cách nhanh chóng vào các kho chứa lớn ở Los
Angeles.
Công nghệ như thiết bị hoán chuyển dữ liệu điện tử (EDI) và hiện nay là
các máy Fax đã góp phần làm thay đổi thời gian truyền thông tin từ một nơi này
đến một nơi khác một cách ngoạn mục, do đó làm giảm thời gian giao nhận trong
cả hai hoạt động vận hành sản xuất và dịch vụ.
· Chất lượng:
Nhiều công nghệ cải thiện chất lượng của sản phẩm hay dịch vụ, từ đó giúp
gia tăng doanh số bán và giảm chi phí. Ví dụ, những cải tiến thành công của máy
quét (scanner) đã giúp cho việc cải thiện chất lượng hình ảnh được quét, và ngược
lại cho phép các bác sĩ X-quang và bác sĩ chuẩn đoán có thể chuẩn đoán bệnh tốt
hơn. Những doanh nghiệp như Motorola đã có được nhiều ích lợi từ việc ứng dụng
các thiết bị kiểm tra tự động trong kiểm soát quá trình.
· Tính linh hoạt hoặc sản xuất theo yêu cầu khách hàng:
Thị trường toàn cầu trong những năm 1990 có đặc điểm là vòng đời sản
phẩm ngắn, sự khác biệt sản phẩm tăng lên, và mở rộng sản xuất theo yêu cầu của
khách hàng.
Để giữ cho thị phần ổn định và gia tăng trong một môi trường kinh doanh
cạnh tranh như vậy, các doanh nghiệp phải linh hoạt hơn trong hoạt động tác
nghiệp của họ và thoả mãn nhiều phân khúc thị trường khác nhau.
Từ “sản xuất hàng loạt” hiện nay được sử dụng để mô tả chiến lược của
doanh nghiệp nhằm phân phối những sản phẩm sản xuất theo yêu cầu khách hàng
tới những người tiêu dùng với mức giá phù hợp.