Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Bệnh cao huyết áp ở người cao tuổi docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (200.5 KB, 5 trang )

Bệnh cao huyết áp ở người cao tuổi


Bệnh cao huyết áp là bệnh khá phổ biến trong cộng đồng và tăng theo
độ tuổi con người. Nó không hề là chuyện bình thường như quan niệm định
kiến của không ít người theo kiểu hễ già là bệnh.

1. Tại sao phải quan tâm đến bệnh cao huyết áp của cha mẹ?
Một thống kê cho biết, tuổi thọ của cha mẹ có thể giảm 15 năm nếu mắc
bệnh huyết áp cao trước tuổi 40. Huyết áp cao được mệnh danh là “kẻ giết người
thầm lặng”.
Theo con số thống kê, có đến 22% tỉ lệ dân số bị cao huyết áp và phần lớn
không biết vì bệnh thường không có triệu chứng.
Cao huyết áp chỉ được phát hiện khi đã gây những tai biến nghiêm trọng
như hôn mê do tai biến mạch máu não, di chứng liệt nữa người, suy tim, thiếu máu
cơ tim, suy thận…, có thể gây tử vong.

2.Điều trị tăng huyết áp ở người cao tuổi
Cách hữu hiệu nhất để người già đối phó với bệnh tăng huyết áp là thay đổi
lối sống: giảm ăn muối, kiêng rượu, thuốc lá và chất kích thích, vận động vừa
phải… Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng một số bài thuốc cổ truyền để hạ áp.
Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính, biểu hiện chính là tăng áp lực động
mạch, có thể gây ra biến chứng ở nhiều cơ quan như tim mạch, não, thận và mắt.
Có hai loại tăng huyết áp. Loại nguyên phát chiếm khoảng 90%, gặp hầu hết ở lứa
tuổi trung niên và tuổi già do những thay đổi cơ chế gây co hoặc giãn mạch. Tăng
huyết áp thứ phát thường gặp ở người trẻ và trẻ em do các bệnh ở thận, nội tiết…
Ở người cao tuổi, hẹp tắc động mạch thận là nguyên nhân chủ yếu gây tăng huyết
áp thứ phát.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:
- Tuổi tác: Ở lứa tuổi 60 trở lên, tỷ lệ tăng huyết áp là 1/3.
- Yếu tố xã hội: Tỷ lệ mắc bệnh ở thành thị cao hơn nông thôn do nhịp sống


căng thẳng, khẩn trương.
- Béo phì: Trong lượng cơ thể vượt quá mức cho phép (chỉ số BMI ở nam
hơn 25, nữ hơn 30).
- Nghiện rượu và thuốc lá.
- Ăn mặn: Lượng muối quá 5 g/ngày.
- Rối loạn lipid máu và tiểu đường.
Để điều trị, người bệnh cần có chế độ ăn giảm cân nếu thừa cân, ăn ít muối,
bỏ thuốc lá, hạn chế rượu và các chất kích thích; năng vận động thể lực như đi bộ,
bơi, tập dưỡng sinh, thái cực quyền…
Nên sử dụng nước uống có tác dụng hạ huyết áp, an thần, lợi tiểu như hoa
hòe, chè sen vông, chè thanh nhiệt, nước ngô luộc… Chế độ sinh hoạt, làm việc và
nghỉ ngơi phải hợp lý, đảm bảo giấc ngủ đầy đủ. Hạn chế dùng thuốc ngủ khi
không cần thiết.
Ngoài ra, người bị tăng huyết áp cũng có thể điều trị theo một số bài thuốc
y học cổ truyền sau:
- Thiên ma, câu đằng, đỗ trọng, tang ký sinh, bạch thược, chi tử, ngưu tất
mỗi thứ 12 g, hoàng cầm 8 g, thạch quyết minh, mẫu lệ mỗi thứ 20 g. Ngày một
thang, sắc uống làm 3 lần. Dùng cho người tăng huyết áp thể can dương thịnh (đau
đầu, chóng mặt, mặt đỏ, bứt rứt, ngủ ít, hay mê, miệng đắng, tiểu vàng, đại tiện
táo).
- Thục địa, hạ khô thảo mỗi thứ 16 g; hoài sơn, sơn thù, bạch linh, đan bì,
trạch tả, kỷ tử, bạch mao căn, cúc hoa mỗi thứ 12 g, thạch quyết minh 20 g, câu
đằng 10 g. Ngày một thang, sắc uống làm 3 lần. Dùng cho người tăng huyết áp thể
can thận âm hư (hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau đầu, tức ngực, tay chân tê dại, ngủ
kém).
- Bán hạ chế, thiên ma, trần bì, thạch xương bồ mỗi thứ 8 g; bạch linh, bạch
truật, câu đằng mỗi thứ 12 g, cam thảo 4 g. Ngày một thang, sắc uống làm 3 lần.
Dùng cho người tăng huyết áp kèm béo phì hoặc cholesterol máu cao.




×