Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

Kiểu nhân vật trong VHDG

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (157.26 KB, 11 trang )

Trong nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, việc phân loại là vấn đề khó nhất và cũng còn
nhiều ý kiến trái ngược nhau nhất. Bởi lẽ phân loại khoa học là một trong những bước đầu
tiên của việc miêu tả khoa học. Việc nghiên cứu phân tích tài liệu tiếp theo đó có chính xác
hay không là phụ thuộc vào viêc phân loại tài liệu có chính xác hay không. Cấp phân loại đầu
tiên là phân loại theo thể loại.
Trong văn học dân gian Việt Nam, có không ít tác phẩm bị phân làm hai ba thể loại. Ví như,
đã từ lâu, truyện Sơn Tinh Thủy Tinh được nhận diện vừa thuộc thể loại thần thoại vừa là một
câu chuyện truyền thuyết.
Thuộc thể loại thần thoại, truyện Sơn Tinh Thủy Tinh được nhận diện theo hai tiêu chí vể nhân
vật và đề tài. Nhân vật chính ở đây là bán thần tức là con người được thần thánh hóa. Đề tài
chính là hoạt động chính của hai vị thần tượng trưng cho hai sức mạnh tự nhiên. Bởi lẽ nội
dung chính của truyện này là nhằm giải thích hiện tượng lũ lụt xảy ra hàng năm ở lưu vực
sông Hồng – đó là một vế trong định nghĩa về thần thoại được nhiều người thừa nhận là
‘’thần thoại nhằm lý giải các hiện tượng tự nhiên’’. Song ở đây, hiện tượng này không được
lý giải bằng những tri thức của khoa học tự nhiên mà bằng sự tưởng tượng về cuộc đánh nhau
vì một vị hôn thê giữa hai vị thần tượng trưng cho hai sức mạnh tự nhiên là Núi và Nước. Có
thể căn cứ vào một đặc điểm nữa là đặc điểm vể thới gian nghệ thuật. Trong thần thoại thời
gian nghệ thuật là quá khứ khởi nguyên, nghĩa là quá khứ khởi đầu của mọi hiện tượng tự
nhiên. Và truyện đã có kiểu kết thúc bằng mệnh đề thời gian quá khứ khởi nguyên như ‘’Từ
đó, oán nặng, thù sâu, hàng năm Thuỷ Tinh làm mưa gió, bão lụt dâng nước đánh Sơn Tinh’’.
Thuộc thể loại truyền thuyết, truyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh được đặt trong chùm truyển thuyết
về các vua Hùng trong đó có mặt Hùng Vương thứ 18, bên cạnh đó còn nhiều truyện khác về
Sơn Tinh như Tản Viên Sơn Thánh, Tản Viên đón vợ, Sơn Tinh đánh giặc, Sơn Tinh dạy dân
săn bắn, Sơn Tinh trị thuỷ… Cả thời gian và không gian trong truyện đều được xác định cụ
thể nhằm đáp ứng chức năng cơ bản của thể loại truyền thuyết là giáo dục ý thức cộng đồng,
người kể truyền thuyết thường có xu hướng cố làm cho người nghe tin vào điều được kể ra.
Như vậy, đối với những tác phẩm giao thoa thể loại, như các truyện về Sơn Tinh và Thuỷ
Tinh, ở từng tác phẩm cụ thể sưu tầm được ở địa phương cụ thể nào đó , cần phải xem xét
‘’tính trội’’ thuộc về thể loại nào để qui định thể loại cho nó.
Bất cứ một hiện tượng, một quá trình nào nằm trong chu trình phát triển đều có sự chuyển tiếp
từ cái cũ lên cái mới, từ tầng thấp hơn lên bậc cao hơn. Và trong sự chuyển đổi đó bao giờ


cũng xuất hiện mảnh không gian chung chứa đựng đồng thời một phần của cái cũ và một phần
của cái mới. Mảnh không gian chung đó là hiện tượng vượt khung / giao thoa giữa hai thể
loại, hai tiểu loại trong văn học dân gian. Hiện tượng giao thoa là điều tất yếu trong quá trình
phát triển, nó xảy ra trong một giai đoạn ngắn, thậm chí nhanh chóng, và đôi khi khó mà phân
biệt được nếu không để ý so sánh và nhận diện thật kỹ càng.
Truyện ngụ ngôn kế thừa và phát triển từ truyện cổ tích loài vật nên giữa hai thể loại này hẳn
đã xảy ra hiện tượng giao thoa, vượt khung với những câu chuyện vừa mang bản chất ngây
thơ của niềm tin con người thời nguyên thủy về các loài lại vừa mang ý nghĩa giáo dục với
những điều răn người, dạy đời, những kinh nghiệm trong lao động sản xuất và đạo lý sống ở
đời. Ví dụ truyện Anh em chim cút của tộc người Êđê được chia làm hai phần rõ rệt : phần
một là nội dung cốt truyện giải thích về đặc tính sinh học của loài chim cút – chim cút khi bị
nạn một lúc sau đít đã bị thối rữa, và phần hai là lời chú thích của tác giả dân gian ở cuối
1
truyện ‘’bài học giáo dục các em chớ nghe lời nói ngọt và không làm đúng lời người răn
dạy’’được xem như lời quy châm rút ra từ một câu chuyện ngụ ngôn đang còn thô sơ.
Cũng trong tiểu loại truyện cổ tích loài có nhóm truyện về nhân vật thỏ, tác giả dân
gian Việt và các tộc người anh em đã tuyệt đối hóa sự thông minh láu lĩnh của thỏ và sự ngu
ngốc của các nhân vật bị lừa. Thông qua những việc làm, những hành động của nhân vật thỏ,
ta thấy đó không phải là hành vi của loài vật, không phải là tập tính mang tính sinh vật, mà là
những ứng xử mang tính xã hội và nhân sinh với việc đề cao vai trò của tư duy, của trí khôn.
Mượn tên các con vật làm tên nhân vật, nội dung cơ bản là những trò lừa của kẻ có trí khôn,
biết suy nghĩ, đối lập với kẻ khờ dại, cả tin, thiếu suy nghĩ. Từ quan sát thiên nhiên và xã hội,
các tác giả dân gian đã táo bạo dựng lên một xã hội loài vật mang tính người. Loài vật đã được
nhân cách hóa một cách hồn nhiên và dí dỏm. Tác giả dân gian đã đồ chiếu quan hệ xã hội
loài người vào quan hệ của các con vật. Đó là những truyện ra đời muộn thường có xu hướng
ngụ ngôn, vượt khung / giao thoa từ truyện cổ tích loài vật sang truyện ngụ ngôn. Bởi lẽ,
những truyện này đã nhằm nói một điều gì đó về cuộc sống, về các hạng người, về thái độ ứng
xử, và đã bắt đầu có ý răn dạy theo hướng ngụ ngôn. Có thể coi đó là dạng ngụ ngôn ở cấp độ
thấp, còn dàn trải trong việc kể lể quá nhiều. Đó là thứ ngụ ngôn pha lẫn yếu tố hài. Tiếng
cười bật ra khi ta chứng kiến sự ngu ngốc, kẻ ngu ngốc, sự thông minh, kẻ thông minh, những

mẹo lừa và sự mắc lừa, sự thành công và sự thất bại của hai hạng người mang danh động vật
đó.
Trong tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ có loại đề tài – cốt truyện về nhân vật bất hạnh người
em út và trong đó thảng hoặc có hiện tượng giao thoa giữa tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ với
tiểu loại truyện cổ tích thế tục. Thuộc về những nhân vật thấp hèn bất hạnh trong thời kỳ mà ở
các tộc người sự tan rã của chế độ thị tộc mẫu hệ cổ điển đã trở thành sự tan rã của toàn bộ hệ
thống chế độ thị tộc nói chung, người mồ côi cùng người em út con út, người con riêng bị rơi
vào địa vị nghèo khổ bị đọa đày đã được lý tưởng hóa. Nhân vật người em út trở thành nhân
vật chính của loại truyện cổ tích thần kỳ xuất hiện ở giai đoạn xã hội tư hữu tư nhân. Về kết
cấu, đề tài - cốt truyện này thường gồm bốn sự kiện chính: tình cảnh ban đầu của hai anh em
với sự kiện bố mẹ chết cả (hoàn cảnh hai anh em mồ côi cha mẹ); việc chia gia tài giữa hai
người: người anh tìm cách chia một phần nhỏ cho em hoặc chiếm đoạt hết tài sản đuổi em ra
ở riêng (có chia và không chia gia tài); hoàn cảnh sống của người em sau khi chia gia tài ra ở
riêng (khốn cùng); người em gặp được thần linh / lực lượng thần kỳ giúp đỡ đưa đi lấy vàng
bạc sống giàu có hạnh phúc (người em trở nên giàu có như thế nào ?); người anh thấy em
giàu có tìm cách gạ đổi gia tài bắt chước em lặp lại sự việc (gạ gẫm đổi chác); người anh gặp
được nhân vật trợ thủ thần kỳ và cũng được dẫn đi lấy vàng bạc nhưng cuối cùng người anh
tham lam bị trừng phạt ra sao / thiệt mạng / hóa thành thú vật hoặc người anh được tha mạng
(bắt chước không thành công / bắt chước thất bại), và kết thúc truyện người em được hưởng
hạnh phúc. Các môtip được thấy phổ biến trong loại đề tài - cốt truyện này là: môtip nhân vật
trợ thủ thần kỳ, môtip bắt chước không thành công. Truyện thường đưa ra những tình thế
tương phản nhằm khắc họa rõ những nét tính cách đối lập nhằm tạo nên mâu thuẫn dẫn dắt
câu chuyện một cách hợp lý: người em nghèo nhưng lại không thiết tha đến của cải, còn
người anh giàu có thì lại tham lam vô độ. Nhằm biểu hiện những mâu thuẫn và những sự phức
tạp của cuộc sống, tác giả dân gian thường sử dụng thủ pháp nghệ thuật đắc dụng “nhắc lại”.
Sự nhắc lại có tác dụng nêu bật tâm lý của nhân vật này bằng cách đối chiếu tâm lý với nhân
2
vật khác. Đặt vào hoàn cảnh như nhau, người anh đã hành động trái ngược hẳn với người em,
một đằng thì giả dối tham lam, một đằng thì thực thà trung hậu và cũng từ đó khiến nổi rõ tính
cách, phẩm chất, đạo đức của hai nhân vật đối lập, qua đó làm nổi bật phẩm chất của người

em. Hệ thống nhân vật trong loại đề tài - cốt truyện gồm chủ yếu: người em út, người anh cả,
người chị dâu và người vợ – có mặt ngoại lệ trong một số ít truyện. Về người anh cả, kẻ đã lợi
dụng địa vị trong gia đình phụ quyền để chiếm đoạt tài sản thừa kế của người em, nhân vật
này thường được miêu tả là kẻ tham lam, biển lận, keo kiệt, dốt nát, ăn chơi, đương nhiên
thừa hưởng gia sản của cha mẹ để lại, không cần cù lao động, có lòng tham vô đáy nên dẫn
đến tàn ác vô nhân đạo, có thể giết hại em mà không nghĩ đến tình máu mủ; vì thế hậu quả là
bị trừng phạt dẫn đến cái chết hoặc biến thành thú vật. Riêng với truyện của người Chăm Núi
cười và Cađốp và Cađoéc / Chàlúc - Chàlắc thì cốt truyện không mang đến kết thúc có hậu
dành cho người em, vì lẽ nhân vật người anh cả sau những hành động xử ác với em mình vẫn
không bị trừng phạt. Cốt truyện Núi cười và Cađốp và Cađoéc / Chàlúc - Chàlắc được tóm
tắt như sau: có hai anh em, cha mẹ chết sớm, khi chia của người anh giành hết gia tài nên
sống sung túc, còn người em hiền lành thật thà nên chẳng được chia cho phần nào nhưng cũng
cứ yên phận sống nghèo hèn. Người em vì không có phương tiện kéo cày bèn bắt chó mèo
kéo cày. Thấy cảnh chó khóc mèo kêu, một hòn đá ở gần đấy há miệng cười để lộ vàng sáng
lấp lánh. Người em lấy được vàng trở nên giàu có. Sau khi đánh em vì tội không báo cho
mình biết, người anh bắt chước người em cũng bị đá ngậm tay lại. Nhưng đến khi thoát chết -
nhờ vô tình làm trò vui ve với vợ khiến hòn đá / thần núi há miệng cười, hắn còn quay lại
đánh mắng người em. Ở bản kể Chà Lúc – Chà Lắc, thần núi cho người em của và giữ tay
người anh, sau khi thoát chết người anh quay lại đánh mắng em khiến người em sợ bỏ đi mất
và hắn chiếm luôn tài sản của em. Như vậy, ta thấy ở hai truyện Chăm Núi cười và Cađốp và
Cađoéc / Chàlúc - Chàlắc, kẻ tham lam, độc ác không bị trừng phạt mà lại còn được của cải,
thắng thế hơn người hiền lành, thật thà. Lý giải về kiểu kết thúc này, Vũ Lang cho rằng do
người dân Chiêm Thành luôn phải chịu cảnh nghèo khổ hạn hán, lụt lội, chiến tranh,… nên họ
không tin vào sự công bằng mà trời đã định (Tạp chí Văn hóa Á Châu, số 15, Sàigòn, 1959);
hoặc Mã Khánh Dương Kị thì cho rằng bởi nước Chiêm Thành luôn bị thất nên họ thấy chân
lý luôn thuộc về kẻ mạnh (Tạp chí Tri Tân, số 94, Sàigòn, 1943). Theo chúng tôi, trước hết,
trong hai truyện trên ta thấy có điều chưa hợp lý về trường hợp người anh chiếm đoạt gia tài
của cha mẹ để lại lại xảy ra trong một gia đình mẫu hệ cổ truyền người Chăm, vậy cần có một
một sự lý giải thỏa đáng ở đây.
Thật vậy, khi đọc truyện Đáng đời kẻ gian tham, ta thấy tác giả dân gian Chăm kể rằng: “…

gia đình nọ cha mẹ mất cả, chỉ còn lại hai chị em gái…. Người chị thì tham lam độc ác còn
cô em rất thật thà đôn hậu. Người chị đã có chồng ra ở riêng cho nên của cải cha mẹ để lại
bao nhiêu đều chiếm hết, mặc cho em gái sống nghèo nàn túng thiếu”. Trường hợp này có thể
xảy ra trong gia đình mẫu hệ truyền thống Chăm một khi nhân vật người chị có dã tâm lấn
lướt người em gái út – thường được đặc biệt nhận nhiều tài sản thừa kế hơn cả vì người con
gái út sẽ ở với cha mẹ và có trách nhiệm nuôi cha mẹ lúc già yếu. Còn trong truyện Cađốp và
Cađoéc / Chàlúc - Chàlắc, việc thừa kế tài sản được kể như sau: “Một phú ông chết để lại
cho hai con trai gia tài khá lớn. Lúc em Cađoéc đi chôn bố thì anh là Cađốp giấu tất cả vàng
bạc. Em về hỏi: “Vàng bạc của cha đâu ?” Đáp: “Không biết”.Thấy em không nói gì, Cađốp
còn lấn tới: “Của cha mẹ chỉ có cái nhà này, tao có vợ con, mày chưa có gì, mày hãy nhường
cho tao, đi ở chỗ khác”. Nói rồi chiếm lấy tất cả, chỉ chia cho em một con chó, một con mèo
và một mảnh ruộng hoang”.
Đối chiếu so sánh hai truyện trên, ta thấy chúng đều có những tình tiết / chi tiết giống nhau
mang tính điển hình như: cả hai gia đình đều mất cha mẹ chỉ còn lại hai chị em gái hoặc hai
anh em trai trong đó cả hai nhân vật người chị và người anh đều có gia đình đã hoặc đang có
3
ý định ra ở riêng tách biệt với người thân ruột thịt - em gái út / em trai út, với cùng một ý đồ
lấn lướt chiếm đoạt hết hoặc phần lớn tài sản thừa kế của cha mẹ để lại. Tuy nhiên, cả hai
truyện lại có kết thúc không giống nhau, truyện Đáng đời kẻ gian tham kết thúc có hậu và
truyện Cađốp và Cađoéc / Chàlúc - Chàlắc kết thúc không có hậu. Hiện tượng phân chia tài
sản tất yếu xảy ra trong quá trình hình thành và phát triển của cấu trúc tiểu gia đình / gia đình
riêng đang dần tách khỏi gia đình lớn mẫu hệ. Đó là quá trình đấu tranh giằng co, là sự loại
trừ và níu kéo lẫn nhau giữa một bên là sự bảo thủ vốn có của đại gia đình và một bên là sự
phát triển tất yếu của kinh tế, của toàn bộ xã hội. Khuynh hướng muốn tích lũy tài sản riêng
dần dần dẫn đến tư hữu luôn đấu tranh với tính thống nhất về huyết thống, truyền thống đoàn
kết với chủ nghĩa bình quân trong kinh tế đại gia đình. Và hai hình tượng nhân vật phản diện
điển hình là người chị và người anh ấy đã được tác giả dân gian Chăm khắc họa một cách tận
cùng và thật rõ nét với thói tham lam, gian trá, giảo hoạt, mất hết nhân cách. Họ đã vì tham
lam mà đẩy em mình vào chỗ cơ cực, đói rét… Các nhà cổ tích học cho đấy là sự xung đột
giữa thành viên “trưởng” với thành viên “thứ” trong gia đình và trong thị tộc, là sự xung đột

quyền lợi giữa những con người đại diện cho bước khởi đầu phân hóa đẳng cấp. Đấy là giả
thiết thứ nhất. Giả thiết thứ hai có thể cho rằng truyện Cađốp và Cađoéc / Chàlúc - Chàlắc
được tác giả dân gian Chăm Bàni (Hồi giáo cũ) xây dựng theo quan niệm của thiết chế tiểu
gia đình phụ hệ với các ứng xử và tập tục chịu sự chi phối mạnh mẽ của giáo luật, và do quan
hệ huyết thống được tính theo dòng cha nên người ta quí trọng con trai hơn con gái, quyền
thừa kế tài sản phần lớn thuộc về con trai, con gái cũng được thừa kế tài sản nhưng chỉ bằng
một nửa của con trai. Trên thực tế, khi Hồi giáo du nhập vào xã hội Chăm dưới tên gọi Bàni,
một bộ phận nhỏ người Chăm tách ra khỏi cộng đồng Bà la môn, tạo nên một số làng Chăm
Bàni. Ở những làng này, các yếu tố văn hóa bản địa vẫn được lưu giữ, còn những yếu tố Bà la
môn trước đây được thay thế bằng Hồi giáo nhưng không phải mất hẳn, nên đã tạo ra những
cộng đồng làng Hồi giáo biến thể cùng tồn tại song song với những cộng đồng làng Chăm Bà
la môn trong hàng thế kỷ nay. Giả thiết thứ ba là do truyện này được sáng tác bởi tác giả dân
gian người Chăm Hơroi nói về cộng đồng mình với thiết chế gia đình song hệ. Được biết cộng
đồng người Chăm Hơroi (người Chăm ở phía mặt trời mọc – theo cách giải thích của đồng
bào) xưa nay vẫn được xem là một nhóm địa phương Chăm gồm khoảng 4.000 người cư trú
tập trung tại ba huyện Tuy Phước, Vân Tranh và Tây Sơn ở phía tây nam tỉnh Bình Định và
huyện Đồng Xuân ở phía tây bắc tỉnh Phú Yên.
Xét về khía cạnh đề tài – cốt truyện, nhân vật người em út vốn thuộc nhóm nhân vật bất hạnh
của tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ, trong truyện Đáng đời kẻ gian tham, cốt truyện mang chi
tiết cơ bản có tính chất thần kỳ là rắn thần đã có thể chi phối diễn biến của truyện dẫn đến
kiểu kết thúc có hậu nhằm làm thay đổi số phận của nhân vật lý tưởng người em út như dân
gian mong muốn. Song ở trường hợp của truyện Cađốp và Cađoéc / Chàlúc - Chàlắc, do
trong thực tế xã hội lúc bấy giờ hạng người nghèo khốn thấp cổ bé họng vẫn chưa đủ khả
năng tự làm thay đổi cuộc đời của mình hoặc giả thực tế đời sống đã không còn cho phép tác
giả dân gian thay thế sự thật bằng một sự mong muốn - “không tưởng”, cho nên truyện đã
phải có cái kết không có hậu, có lợi cho kẻ xấu ác và, theo chúng tôi, có thể xem đây là một
hiện tượng quá độ / vượt khung / giao thoa của tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ chuyển tiếp
sang tiểu loại truyện cổ tích thế tục phù hợp với qui luật vận động phát triển của sáng tác văn
học dân gian.
Đặc điểm quan trọng của dân ca lao động là sự kết hợp gắn bó giữa nhịp điệu lao động và xúc

cảm của con người trong lao động. Ở những giai đoạn sớm của lịch sử phát triển của văn học
dân gian, yếu tố nhịp điệu đóng vai trò quan trọng hơn xúc cảm của con người . Nhưng trong
tiến trình xã hội yếu tố xúc cảm dãn nở dần và có khi lấn át yếu tố nhịp điệu (tức chức năng
phối hợp lao động). Chúng ta có thể hình dung quá trình vận động giữa chức năng phối hợp
4
lao động và chức năng giao lưu tình cảm giữa những người lao động với nhau qua trình tự
tiến triển của cuộc hò lao động giã gạo của một đôi nam và nữ thanh niên nông thôn sau đây :
A : ký hiệu về chức năng phối hợp lao động ;
B : ký hiệu về chức năng giao lưu tình cảm ;
Trình tự tiến triển này gồm ba giai đoạn cơ bản như sau :
Ở giai đoạn 1 : A > B (giã lúa thành gạo là chính) ;
Ở giai đoạn 2 : A = B (vừa giã lúa vừa trao đổi giao lưu tình cảm) ;
Ở giai đoạn 3 : A < B (lúa đã hết nhưng vì nhu cầu giao lưu tình cảm tiếp nên đôi bạn khác
giới mới quen nhau bỏ vỏ trẩu vào cối để lấy cớ / mượn mội trường lao động hầu được giao
lưu tình cảm tiếp).
Đây là tường hợp vượt khung điển hình trong dân ca lao động có nội dung chuyển tiếp / giao
thoa qua dân ca sinh hoạt giao duyên.
Qua các trường hợp vượt khung / giao thoa được dẫn ra trên đây, chúng tôi thiết nghĩ cần
quan tâm hơn nữa việc đưa vào nội dung giảng dạy môn văn học dân gian Việt Nam hiện nay
nguyên tắc phân loại tác phẩm theo thể loại dựa vào các tiêu chí về chức năng thể loại và
những đặc trưng thi pháp của thể loại. Và một khi đưa ra đúng cách lý giải xác hợp và thỏa
đáng trong những trường hợp có hiện tượng vượt khung / giao thoa ở những tác phẩm cụ thể
thì ắt hẳn người giảng viên có thể giúp cho sinh viên nắm vững được nguyên tắc phân loại
cùng những tiêu chí phân loại tác phẩm văn học dân gian Việt Nam.
Tháng 05-2008
So sánh kiểu truyện "người lạc cõi tiên" trong văn học Việt Nam với tiểu thuyết cứu Vân
Mộng (Hàn Quốc)
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn
Phòng Tạp chí Nghiên cứu văn học, Viện Văn học
1. Trước hết chúng tôi cần giới thuyết kiểu truyện "người lạc cõi tiên" theo một nghĩa

rộng, bao gồm kiểu nhân vật kỳ lạ lạc cõi bồng lai tiên cảnh, cõi trời, cõi Phật, cõi mơ,
chốn đào nguyên, thủy cung, âm ti, địa phủ Chủ đích của chúng tôi trong việc so sánh
kiểu truyện "người lạc cõi tiên" trong văn học Việt Nam với tiểu thuyết Cửu vân mộng
(Hàn Quốc) không nhằm chỉ ra những tương đồng về mặt thể loại mà cơ bản hướng đến
khảo sát tính chất, mức độ, biện pháp nghệ thuật ở các tác phẩm văn xuôi đoản thiên của
Việt Nam so với thiên tiểu thuyết đã đạt tới độ hoàn chỉnh, bề thế của Hàn Quốc khi cùng
thể hiện kiểu truyện "người lạc cõi tiên"
Trên thực tế, kiểu truyện con người đi vào giấc mơ, sống trong cõi mơ, lạc vào động tiên
đã từng xuất hiện trong các sách cổ Trung Hoa (Liệt tử, Long thành lục, Dị văn lục, Nam Hoa
kinh, Sơn hải kinh, Thập châu ký, Chẩm trung ký ) và trở thành điển tích như hoàng lương,
hoàng lương mộng, giấc lá hươu, giấc mai, hồn mai, giấc Nam Kha, giấc hòe, giấc Hòe An,
kiến cành hòe, hồ điệp, giấc hồ, giấc bướm, hồn bướm, Vu Sơn, non Vu, nước Nhược, Lưu
5
Nguyễn nhập Thiên Thai
(1)
Hệ thống điển tích này đã đi vào kho tàng ngữ liệu và được sử
dụng phổ biến trong các tác phẩm văn học Việt Nam và các nước cùng chịu ảnh hưởng văn hóa
Hán.
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam cũng có nhiều truyện với nội dung tương tự; hoặc
sử dụng một số đoạn, sự kiện, chi tiết, tình tiết với những mức độ đậm nhạt khác nhau như
Miếng trầu kỳ diệu, Tú Uyên, Nợ duyên trong mộng, Cây thuốc cải tử hoàn sinh hay là sự tích
thằng Cuội cung trăng, Sự tích động Từ Thức, Thánh Gióng, Người dân nghèo và Ngọc Hoàng,
Sự tích đầm Nhất Dạ và bãi Tự Nhiên, Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn, Người họ
Liêu và Diêm Vương, Sự tích công chúa Liễu Hạnh, Cường Bạo đại vương, Sự tích bãi Ông
Nam, Ả Chức chàng Ngưu, Người cưới ma
(2)
Trong những truyện này, con người thường gặp
các nhân vật siêu nhiên, thần tiên, ma quái và sống trong không gian kỳ ảo của những thiên
giới, những miền đất lạ, những ảo giác mơ hồ.
2. Đồng thời với quá trình phát triển nền văn học viết dưới thời trung đại, kiểu truyện

"người lạc cõi tiên" cũng có sự vận động và biến đổi theo thời gian. Theo tiến trình văn học
sử Việt Nam, có thể thấy kiểu nhân vật "người lạc cõi tiên" xuất hiện gắn với hai thể loại
chủ yếu là Ghi chép truyện cổ tích, truyền thuyết, nhân vật lịch sử và Truyện truyền kỳ
2.1. Loại truyện ghi chép truyện cổ tích, truyền thuyết và nhân vật lịch sử phát triển mạnh
dưới thời Lý - Trần (Thế kỷ X-XIV), có ý nghĩa đặt nền móng cho nền văn học dân tộc. Có thể
kể đến ba tác phẩm tiêu biểu là Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái và Thiền uyển tập anh.
Tác phẩm Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên được biên soạn xong vào năm Khai Hựu
nguyên niên (1329) viết về "lịch đại quân nhân" (vua các đời), "lịch đại phụ thần" (bề tôi các
đời), "hạo khí anh linh" (sự tích linh thiêng). Liên quan đến mẫu hình "người lạc cõi tiên" có
Việt Vương khi cùng đường: "Thoạt thấy Rồng vàng rẽ nước thành đường đi, dẫn nhà vua vào
trong nước, rồi thì nước lấp lại như cũ" (Triệu Việt Vương và Lý Nam Đế); việc Sơn Tinh đưa lễ
vật đến trước, lấy được Mị Nương và đưa vợ về núi Lôi Sơn đã khiến: "Thủy Tinh cả giận đem
quân chúng đuổi theo nàng, muốn đạp nát núi Lôi Sơn. Vương liền dời lên ở trên tuyệt đỉnh núi
Tản Viên, đời đời là kẻ cừu thù với Thủy Tinh. Cứ mỗi năm, Thủy Tinh đưa nước mùa thu dâng
tràn lên để tiến kích vào núi Tản Viên. Dân chúng đem nhau đắp đê đắp bờ để giúp Vương.
Thủy Tinh không thể nào xâm phạm tới được" (Sơn Tinh, Thủy Tinh); hoặc như Sóc Thiên
Vương sau khi đánh tan quân giặc cũng bay về cõi trời: "Ngài bèn phi ngựa đến núi Vệ Linh,
leo lên một cây đa, rồi bay vút lên trời, có để lại áo và dấu tích, ngày nay vẫn còn. Bây giờ
người trong làng vẫn gọi là cây Đổi Áo" (Chuyện Sóc Thiên Vương)
(3)
Nhìn chung, các nhân
vật mới đi đến một cõi khác chứ chưa được mô tả họ đang sống ở chính cõi đó như thế nào.
Tác phẩm Lĩnh Nam chích quái liệt truyện do Vũ Quỳnh (1453-1516) kế thừa và hoàn
chỉnh văn bản gồm 22 truyện, chủ yếu là những dã sử, truyện dân gian. Liên quan đến mẫu hình
"người lạc động tiên" có truyện Tiên Dung - Chử Đồng Tử: "Bấy giờ những dân cư mới tới đều
sợ chạy tứ tán, chỉ có dân cũ ở lại cùng Tiên Dung. Khi quân Hùng Vương đến, đóng doanh trại
ở châu Tự Nhiên, còn cách một con sông lớn thì gặp trời tối, chưa kịp tiến quân. Đến nửa đêm,
bỗng nổi gió to, nhổ cây tung cát, quân Hùng Vương hỗn loạn. Tiên Dung, Chử Đồng Tử cùng
quần thần, bộ hạ, thành quách phút chốc bay lên trời. Chỗ đất cũ sụt xuống thành cái chằm lớn.
Ngày hôm sau dân chúng nhìn không thấy nữa, cho là linh dị, liền lập miếu thờ, thường xuyên

cúng tế" (Truyện Nhất Dạ Trạch); có truyện kể về sự xuất hiện của Long Quân: "Vua nghe
6
theo, bèn cho dựng đàn tế, thắp hương, kính cẩn cầu xin suốt ba ngày. Cuối cùng trời nổi mưa
to sấm chớp, bỗng thấy một cụ già cao hơn sáu thước, mặt đen, bụng lớn, râu tóc bạc phơ, ngồi
ở ngã ba đường, nói cười múa hát. Những người trông thấy biết là bậc phi thường liền vào trình
báo với vua. Vua thân hành ra vái chào, đón vào trong đàn ( ). Nói xong, cụ già vút lên trên
không mà đi. Bấy giờ mới biết cụ là Long Quân". Truyện này cũng kết thúc bằng việc Phù
Đổng Thiên Vương sau khi đánh tan giặc Ân đã bay về trời: "Đi đến thôn An Việt, tổng Sóc
Sơn, ông cởi áo, cưỡi ngựa mà lên trời, để lại vết tích ở hòn đá trên núi" (Truyện Đổng Thiên
Vương)
(4)

Tác phẩm Thiền uyển tập anh (Anh tú vườn thiền) hoàn thành vào năm Khai Hựu Đinh
Sửu (1337). Đây là tập sách ghi chép 68 tiểu truyện thiền sư, trong đó có viết về những cuộc
vân du, những giấc mơ gặp thần nhân hoặc tu luyện nơi nhà chùa mà như đã thoát tục, sống
giữa cõi Phật. Chẳng hạn như Đại sư Khuông Việt (933-1011): "Sư thường đi chơi ở núi Vệ
Linh, quận Bình Lỗ, thích nơi đây cảnh trí đẹp, thanh u, muốn dựng am để ở. Ban đêm sư chiêm
bao thấy thần nhân mặc áo giáp vàng, tay phải đỡ ngọn bảo tháp, theo sau có hơn chục tên quân
hầu dáng mạo hung dữ. Vị thần bảo với sư rằng: "Ta là Tì-sa-môn Thiên vương, quân hầu theo
ta đây đều là bọn quỉ Dạ xoa. Thiên đế có sắc chỉ sai ta đến nước này gìn giữ biên cương để cho
Phật pháp được hưng thịnh. Ta có duyên với ngươi nên đến đây để nhờ cậy". Sư giật mình tỉnh
dậy, nghe trong núi có tiếng gào thét thì lấy làm lạ. Khi trời sáng, sư vào núi thấy một cây cổ
thụ cao chừng mười trượng, cành lá xum xuê tươi tốt, phía trên có đám mây lành che bóng. Sư
nhân đó thuê thợ đốn cây ấy lấy gỗ tạc tượng theo đúng như đã thấy trong mộng để thờ phụng";
Thiền sư Không Lộ (?-1119): "Khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065, đời
Lý Thánh Tông), sư cùng đạo hữu là Giác Hải đi vân du cõi ngoài, giấu kín tung tích, đến chùa
Hà Thạch, ăn rau mặc lá, quên cả thân mình, dứt hết mọi điều mong muốn, một lòng chuyên
chú tu tập thiền định. Rồi sư thấy tâm thần, tai mắt ngày càng sáng láng thông tỏ, bay trên
không, đi dưới nước, hàng long phục hổ, muôn nghìn phép lạ không lường hết được"; Thiền sư
Chân Không (1046-1100): "Khi mẹ ông mang thai, cha ông mộng thấy vị sư người Ấn Độ trao

cho cây tích trượng, sau đó sinh ra ông"
(5)
Với phong cách viết truyện tiểu sử các thiền sư,
những chi tiết trong các giấc mơ và cuộc sống tu hành đặc biệt khác lạ cho thấy những dấu ấn
của tư duy Phật giáo mang màu sắc Mật tông và ảnh hưởng xa gần của tư tưởng Đạo giáo.
Nhìn chung, kiểu truyện "người lạc cõi tiên" qua ba tác phẩm thời Lý - Trần nêu trên chủ
yếu mới là những phác thảo cô đúc, những chi tiết ngắn gọn thoáng qua. Tất cả để nói rằng
những nhân vật đó có những phẩm chất kỳ lạ, gắn làm một với những giấc mơ lạ. Bản thân các
nhân vật chưa thành một khách thể, chưa có không gian riêng để tồn tại và hoạt động trong cõi
mơ, cõi lạ. Nói cách khác, nhân vật có xu thế đồng nhất, nhất thể hóa và vĩnh cửu hóa trong
không gian của cõi mơ, cõi lạ.
2.2. Các tác phẩm thuộc thể loại truyện truyền kỳ phát triển mạnh từ khoảng cuối thế kỷ
XV - đầu thế kỷ XIX. Có thể kể đến các tác gia tiêu biểu như Lê Thánh Tông, Nguyễn Dữ,
Đoàn Thị Điểm, Phạm Quý Thích Ở đây chỉ đi sâu khảo sát tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của
Nguyễn Dữ và Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm.
Tập truyện Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (Thế kỷ XVI) gồm 4 quyển, 20 truyện.
Những truyện có kiểu nhân vật phiêu du đến một cõi khác lạ có thể kể đến Hồ Tông Thốc khi đi
sứ mơ gặp và phê phán mạnh mẽ Hạng Vương (Câu chuyện ở đền Hạng Vương); Phùng Trọng
7
Quỳ khi nằm ngủ đã mơ gặp và trò chuyện với vợ là Nhị Khanh đã chết từ lâu (Chuyện người
nghĩa phụ ở Khoái Châu); Dương Đức Tạc khi bất tỉnh thấy mình lạc cõi trời, sau được Thượng
đế sai gã trà đồng thác sinh làm con mình (Chuyện gã trà đồng giáng sinh); một người họ Trịnh
được thần Bạch Long Hầu dẫn xuống Long cung gặp Long Vương và đòi được vợ (Chuyện đối
tụng ở Long cung); chàng Ngô Tử Văn xuống cõi âm gặp Diêm Vương để kể tội viên Bách bộ
họ Thôi (Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên); Từ Thức cáo quan về ở ẩn rồi lạc vào nơi suối
Sậu nguồn Đào, được sống yên bình giữa cõi tiên, đến khi trở về cố hương thì thời gian đã trôi
qua 80 năm (Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên); Phạm Tử Hư có lần được vong hồn thầy Dương
Trạm đưa du chơi trên Thiên Tào, biết được quang cảnh và gặp được nhiều bậc hiền tài thuở
trước (Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi Thiên Tào); người họ Hoàng lấy hồn ma nàng Nghi Thị,
sau bị bắt xuống cõi âm cho Diêm Vương tra xét (Chuyện yêu quái ở Xương Giang); người họ

Trương đời nhà Hồ gặp người tiều phu tiên phong đạo cốt trong núi: "Chống gậy trèo lên thì
thấy một cái am nhỏ, hai bên tả hữu trồng mấy cây kim tiền chen lẫn vào những cây bích đào,
hồng hạnh, đều xanh tốt đáng yêu. Trong am đặt một cái giường mây, trên giường để đàn sáo và
chiếc gối dựa" nhưng lần sau vào tìm chỉ thấy "rêu trùm cửa hang, gai góc đầy núi, dây leo,
cành rậm đã lấp mất cả lối đi rồi" (Câu chuyện đối đáp của người tiều phu núi Nưa); nàng Vũ
Thị Thiết thác oan nhưng lại được sống dưới Thủy Tinh cung và gặp người làng họ Phan cũng
bị chết đuối mà xiêu giạt đến (Chuyện người con gái Nam Xang); Lý Thúc Khoản đời Hậu Trần
từng được đưa xuống cõi âm xem xử kiện, sau trở về dương gian biết thật lòng hối cải (Chuyện
Lý tướng quân); người học trò Mao Tử Biên khi qua huyện Kim Hoa đã lạc vào cõi âm và gặp
những thi nhân đời trước như Ngô Chi Lan, khi tỉnh lại thấy mình nằm bên hai ngôi mộ (Cuộc
nói chuyện thơ ở Kim Hoa); Võ Dĩ Thành thường giao du với ma quỉ, sau làm quan cõi âm và
hiển linh cứu giúp cả nhà bạn Lê Ngộ thoát khỏi dịch bệnh (Chuyện tướng Dạ xoa)
(6)
Có thể
nói Truyền kỳ mạn lục có số lượng nhân vật phong phú, tràn ngập không khí ma quái, không
gian thần tiên, ma quỉ.
Tập truyện Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm (1705-1748) gồm 6 truyện. Các nhân
vật thuộc kiểu "người lạc cõi tiên" có cung nhân Nguyễn Bích Châu sống thời vãn Trần đã
hiến tế thân mình cho Giao thần ở biển Nam Hải, đến thời vua Lê Thánh Tông niên hiệu
Hồng Đức (1470-1497) bà hiển linh giúp nhà vua chinh phục phương Nam thắng lợi, sau vua
sai người viết thư kiện tới Quảng Lợi Vương bắt tội Giao thần (Chuyện đền thiêng ở cửa bể);
ông Đinh Hoàn đi sứ mất ở Yên Kinh, bốn năm sau hiển linh về trò chuyện cùng vợ, rồi sau
khi bà chết theo chồng, có người họ Hà mơ đến thăm đền đài dưới cõi âm và được hầu chuyện
bà (Chuyện người liệt nữ ở An Ấp); có ông họ Lê được lên Thiên Cung để nhận Tiên chủ
Quỳnh Nương bị đày xuống cõi trần, thác thai làm con, đặt tên là Giáng Tiên, sau nàng lên
trời rồi lại tìm đường về thăm chồng con, có khi hiển linh ở vùng Lạng Sơn đàm đạo thơ văn
với Phùng Khắc Khoan và các văn nhân, sau hóa thành công chúa Liễu Hạnh trụ ở Phố Cát -
Thanh Hóa (Chuyện nữ thần ở Vân Cát); có chàng Trần Tú Uyên sống đời Hồng Đức gặp tiên
ở Ngọc Hồ, sau nàng xưng tên là Giáng Kiều, hai người cùng ăn ở, xướng họa thơ ca, rồi đó
chàng cùng con là Trân và Giáng Kiều đều cưỡi hạc bay đi, mãi đến niên hiệu Vĩnh Hựu năm

thứ nhất (1735) mới về báo mộng và đưa một người tú tài lên chơi cung Tử Thanh trên chín
tầng trời, cách nhân gian 80 vạn dặm (Cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở Bích Câu)
Với những mức độ khác nhau, kiểu nhân vật "người lạc cõi tiên" đã xuất hiện trong Truyền
kỳ mạn lục và Truyền kỳ tân phả với một số lượng đông đảo, thời gian lưu lạc cũng kéo dài hơn,
8
cuộc sống riêng được mô tả cụ thể hơn, số lần đi - về từ cõi trần đến cõi xa lạ cũng nhiều hơn
hẳn.
2.3. Trong văn học trung đại Việt Nam, mẫu hình nhân vật "người lạc cõi tiên" phát triển
chủ yếu trong các thể văn ghi chép truyện cổ tích, truyền thuyết, nhân vật lịch sử và truyện
truyền kỳ Do tính chất đan xen thể loại, ngay các tập truyện ký vốn nghiêng về ghi chép
chuyện người thật việc thật cũng xuất hiện nhiều sự kiện, chi tiết, yếu tố liên quan đến các giấc
mơ và kiểu nhân vật "người lạc cõi tiên". Một số thiên truyện khác như Hoa viên kỳ ngộ tập có
tính phóng tác, tập cổ (Khuyết danh, thế kỷ XVIII), Đào hoa mộng ký (còn gọi Đào hoa mộng
ký tục Đoạn trường tân thanh) của Nguyễn Đăng Tuyển (Thế kỷ XIX) và các bộ tiểu thuyết
chương hồi cũng đều có sử dụng hình ảnh những điềm lạ, những giấc mơ lạ và chuyện người
lưu lạc đến chốn xa lạ, hoang đường. Không thấy có những tác phẩm trường thiên viết riêng về
nhân vật phi thường và những chuyến du ngoạn đến cõi thần tiên kỳ ảo.
3. Tương đồng với kiểu nhân vật "người lạc cõi tiên" trong văn xuôi Việt Nam thời trung
đại song tác phẩm Cửu vân mộng (Giấc mơ chín tầng mây) của nhà văn Kim - Man - Chung
(Kim Vạn Trọng, 1637-1692) lại có qui mô to lớn, đạt đến sự đa dạng, phong phú cả về số
lượng nhân vật, nội dung hiện thực, thời gian và không gian nghệ thuật. Điều may mắn là tiểu
thuyết cổ điển nổi tiếng Hàn Quốc này đã vừa được dịch và đến với đông đảo bạn đọc Việt
Nam
(7)
.
Với Giấc mơ chín tầng mây, Kim Vạn Trọng dẫn dắt nhân vật Dương Thiếu Du từ cõi thực
đi vào cõi mộng, lạc vào cõi tiên, đầm Bạch Long, hồ Động Đình, cung Thúy Vi và gặp các bậc
vua chúa, đạo sĩ, thiền sư, tiên nữ. Trong cuộc ngao du khắp chốn Bồng Lai tiên cảnh, nhân vật
chính có dịp trải nghiệm và chiêm nghiệm mọi buồn vui của kiếp con người, thấy rõ mọi sự
giàu sang, quan cao lộc hậu cũng chỉ như đám mây nổi và giấc mơ hư ảo. Cho đến đoạn kết,

Dương Thiếu Du trở lại thành tiểu hòa thượng Tính Chân ở đạo tràng Liên Hoa: "Tính Chân hồi
tưởng lại, ban đầu bị sư phụ khiển trách, theo lực sĩ tới Phong Đô, hoàn sinh trần thế, làm con
trai nhà họ Dương, sớm đỗ Trạng nguyên, làm quan Hàn lâm, thăng chức làm tướng thống lĩnh
ba quân, tổng quản trăm quan, dâng sớ xin lui, từ quan về sống thư nhàn, cùng hai công chúa
sáu nương tử hòa hợp sắt cầm, đàn ca vui múa, chung vui chén rượu. Tất cả những chuyện sớm
tối hành lạc đều chỉ là một giấc mộng xuân mà thôi" (tr.277) Nhìn chung, thiên truyện in đậm
dấu ấn cả ba yếu tố Nho - Phật - Đạo, trong đó cảm quan Phật giáo trở thành dòng chủ lưu với
những suy tưởng về cõi đời "sinh ký tử qui", giả định đặt mình vào cõi hư để soi nhìn lại kiếp
người và ước mơ về một cuộc sống an lành, bình dị.
Về nội dung, thiên tiểu thuyết trầm tích vốn lịch sử - văn hóa phong phú, vừa ghi dấu
truyền thống Hàn Quốc sâu đậm vừa có ý nghĩa tiếp nhận và bao quát tư tưởng văn hóa khu vực
phương Đông. Trên phương diện nghệ thuật, cốt truyện Giấc mơ chín tầng mây được xây dựng
theo lối tiểu thuyết chương hồi, mượn vỏ hình thức chương hồi để ghi lại câu chuyện hư ảo, ảo
giác, đan xen giữa thực và hư. Toàn bộ tiểu thuyết được chia thành 16 chương đoạn và mỗi
chương đoạn cũng đều có từng đôi câu thơ mở đầu, đan xen cả những đoạn tả cảnh, tả sự, lời
đối thoại và nhiều bài thơ trữ tình. Các dịch giả Jeon Hye Kyung - Lý Xuân Chung đã nêu nhận
xét khái quát: "Cửu vân mộng miêu tả cuộc đời anh hùng, song cốt truyện chứa đựng nhiều
những cuộc gặp gỡ, tình tự giữa nam và nữ. Hình thức miêu tả của Cửu vân mộng là mộng du.
Cấu trúc của tiểu thuyết mộng du thường là phần dẫn nhập là phần trước khi có giấc mộng và
9
phần kết là phần sau khi đã thức tỉnh, còn phần chính là câu chuyện xảy ra trong giấc mộng.
Tiểu thuyết mộng du xuất hiện từ đầu thời Choson (1392-1910) và dần dần trở thành một thể
loại tiểu thuyết quan trọng trong văn học sử Hàn Quốc"
(8)
Các tác giả Komisook - Jungmin -
Jung Byung Sul khi giới thiệu Cửu vân mộng đã xác định: "Dương Thiếu Du cùng tám tiên nữ
chung hưởng vinh hoa phú quý đến tột bậc, năm 60 tuổi, Thiếu Du từ chức. Trong bữa tiệc
mừng thọ, Thiếu Du chợt giác ngộ về cuộc đời thật. Trong khoảnh khắc quyết tâm tu hành theo
đạo phật thì chàng tỉnh giấc mộng. Như vậy, cuộc đời của Dương Thiếu Du tất cả chỉ là một
giấc mộng của Tính Chân. Sau đó, Tính Chân và tám tiên nữ đã tu thành chính quả"

(9)
Điều
này cho thấy kiểu nhân vật "người mộng du", "người lạc cõi tiên" đều xuất hiện tương đối sớm
trong nền văn học trung đại cả ở Hàn Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi kiểu nhân vật
này ở Việt Nam chủ yếu dừng lại ở các thể văn xuôi đoản thiên, các tác phẩm ghi chép truyện
cổ tích, truyền thuyết, nhân vật lịch sử và truyện truyền kỳ thì trong văn học Hàn Quốc, chúng
lại có điều kiện phát triển thành tiểu thuyết, bao quát nội dung hiện thực phong phú và một hình
thức nghệ thuật sinh động.
Nhìn rộng ra, bên cạnh hệ thống văn liệu có nguồn gốc từ sách Hán cổ nói trên, sau Kim
Vạn Trọng hơn một thế kỷ, nhà văn Trung Hoa Lý Nhữ Trân (1763-1830) đã viết Kính hoa
duyên (Mối duyên hoa trong gương) dài tới 100 hồi
(10)
cùng theo một phong cách và hình thức
của Cửu vân mộng Nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu nhấn mạnh: "Tác phẩm được đánh giá là
kết hợp khéo léo đặc trưng của nhiều loại tiểu thuyết, từ tiểu thuyết huyễn tưởng, tiểu thuyết
lịch sử, tiểu thuyết châm biếm đến tiểu thuyết du ký"
(11)
Các học giả Trung Quốc cũng xác
định đây là tác phẩm "xuất sắc nhất" trong nền tiểu thuyết khoảng hai mươi năm đầu thế kỷ
XIX (niên hiệu từ Gia Khánh đến Đạo Quang): "Tác phẩm này thông qua việc miêu tả thế giới
hải ngoại ảo tưởng, vạch trần và châm biếm xã hội hiện thực đen tối bất công, nhằm gửi gắm lý
tưởng xã hội kiểu không tưởng, có nhân tố tư tưởng dân chủ", đồng thời tầm quan trọng của
việc xuất hiện Kính hoa duyên cũng được ghi nhận trong phần Niên biểu những sự kiện lớn của
văn học Trung Quốc
(12)

4. Kết luận
Đặt trong phối cảnh rộng lớn của truyền thống văn hóa phương Đông có thể nhận thấy mẫu
hình nhân vật "người lạc cõi tiên" có nguồn gốc từ kho văn liệu cổ Trung Hoa và hệ thống văn
học dân gian của các nước trong khu vực. Khảo sát riêng trong nền văn học trung đại sẽ thấy

những điểm tương đồng và khác biệt ở kiểu nhân vật cũng như hình thức thể loại. Việc so sánh
của chúng tôi ở đây chỉ nhằm bước đầu nêu lên tính xu hướng và những tương đồng về kiểu
nhân vật "người lạc cõi tiên" trong các tác phẩm văn xuôi Việt Nam và tiểu thuyết Cửu vân
mộng của Hàn Quốc. Mặc dù có sự khác biệt về qui mô và mức độ nhưng có thể thấy rõ những
tương đồng về sự chi phối của tư tưởng Nho - Phật - Đạo và hình thức các chuyến viễn du đến
cõi tiên, thủy cung, địa ngục và những miền đất lạ khác. Đây cũng chính là những đặc điểm cơ
bản mang tính cộng đồng của một bộ phận văn xuôi Hàn Quốc và Việt Nam thời trung đại vốn
cùng nằm trong quĩ đạo văn hóa Hán
Hà Nội, tháng 12-2007
10
11

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×