Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Cao Bá Nhạ và Tự tình khúc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (103.59 KB, 5 trang )

Cao Bá Nhạ và Tự tình khúc
I.Tác Giả:
Cao Bá Nhạ (? - ?) là một nhà thơ ở thế kỷ 19 trong văn học Việt Nam.
Ông, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Phú Thị
huyện Gia Lâm thuộc ngoại thành Hà Nội. Ông là con Cao Bá Đạt và là
cháu Cao Bá Quát.
Hiện chưa biết Cao Bá Nhạ có đỗ đạt không, có làm quan không, chỉ biết
ông là người giỏi việc văn chương.
Năm 1855, sau khi cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương do chú ruột của ông là Cao
Bá Quát lãnh đạo thất bại, dòng họ Cao chịu hình phạt tru di tam tộc, thì ông
phải cải dạng đổi tên chạy trốn khắp nơi.
Cuối cùng, ông ẩn cư ở vùng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông
(nay thuộc Hà Nội) kiếm sống bằng nghề dạy học. Ở đây, ông lấy vợ sinh
con, nhưng chỉ sống yên ấm được khoảng tám năm thì bị tố giác. Ông bị bắt
và bị giải qua các nhà lao ở Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh.
Trong ngục, Cao Bá Nhạ viết một bài biểu trần tình (Trần tình văn) và một
khúc ngâm (Tự tình khúc) trình lên nhà cầm quyền để tự minh oan cho
mình, nhưng vẫn bị triều đình Huế đày lên mạn ngược (không tài liệu nào
ghi địa danh cụ thể) và rồi chết ở đấy.
Hiện chỉ mới tìm thấy hai tác phẩm của Cao Bá Nhạ, đó là:
-Trần tình văn hay còn gọi là Cao Bá Nhạ trần tình trạng. Đây là một bài
biểu bằng chữ Hán, theo lối tứ lục.
-Tự tình khúc, được viết bằng chữ Nôm theo lối song thất lục bát dài 608
câu.
Đánh giá sơ lược hai tác phẩm này, Bách khoa toàn thư Việt Nam có đoạn:
Bài "Trần tình văn" bằng chữ Hán và bài "Tự tình khúc" bằng chữ Nôm đều
viết khi Cao Bá Nhạ ngồi trong ngục chờ ra pháp trường. Cao Bá Nhạ bày
tỏ tâm sự của mình. Nội dung hai bài giống nhau, có chỗ nói về Cao Bá
Quát không đúng sự thật, chỉ cốt giải nỗi oan của mình.
II. Tự tình khúc:
Tự tình khúc do danh sĩ nhà Nguyễn là Cao Bá Nhạ sáng tác năm 1862 (?),


khi đang bị giam ở trong nhà lao chờ ngày chịu án. Theo nhà giáo Dương
Quảng Hàm, thì đây là một áng văn hay, vì tình ý thiết tha, lời văn thống
thiết, thật là tả hết nỗi đau đớn của một người chẳng may gặp cảnh gia biến
bị nỗi oan uổng, mà vẫn giữ được lòng trung hiếu nghĩa thủy chung, khiến
cho ai nấy đọc đến cũng phải cảm thương cho cái thân thế của tác giả.
Tự tình khúc gồm 680 câu thơ song thất lục bát, được viết bằng chữ Nôm.
Tác giả làm ra làm khúc ngâm [1] này chủ ý biện hộ cho mình trước "tội lỗi"
(theo quan điểm nhà Nguyễn) mà chú ông là Cao Bá Quát đã gây ra (cầm
đầu cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương) và xin triều đình ân xá.
Theo GS. Phạm Thế Ngũ, thì Tự tình khúc có thể chia làm 6 phần như sau:
-Mở đầu (8 câu): Sau khoảng 8 năm ẩn trốn (1854-1862), tác giả giờ đây bị
bắt nên làm ra khúc ngâm này để bày tỏ tâm sự của mình.
-Giới thiệu gia thế (9-36): Tác giả họ Cao ở làng Phú Thị, đã mấy đời khoa
bảng, vẫn luôn lấy sự thanh liêm và cần mẫn làm đầu.
-Gia biến và lánh nạn (37-188): Vì tội của chú (Cao Bá Quát) mà cha tác
giả phải tự sát, bản thân phải trốn ở một nơi hẻo lánh (Mỹ Đức thuộc Hà
Đông cũ), làm thầy đồ, tạm quên sầu muộn với sách và hoa. Tác giả nói
mình đã có vợ con, bấy lâu nay chỉ ước mong sao được nhà vua ban chiếu ân
xá.
-Thuật việc bị bắt (189-324): Không ngờ có người tố cáo, tác giả bị quan
quân vây bắt, bị bỏ cũi giam (giải đi Hải Dương, Bắc Ninh), chịu nhiều khổ
sở, nhục nhã.
-Kể tâm sự trong ngục (325-572): Tác giả buồn tủi đau đớn vì bị oan ức,
nhưng vẫn cố gắng giữ lòng ngay thẳng và luôn nhớ đến cha mẹ, vợ con
cùng quê nhà.
-Kết thúc (572-608): Tác giả tin tưởng vào đạo lý thánh hiền, hy vọng vào
công lý của Trời và phúc đức của nhà minh.
Trích các nhận xét của:
-GS. Thanh Lãng:
Giống như Trần tình văn (là bài biểu, viết bằng chữ Hán, theo lối tứ lục),

tác phẩm này có mục đích trần tình với vua Tự Đức nỗi oan ức và tấm lòng
chân thành, thủy chung của ông (tác giả) đối với triều Nguyễn.
Mặc dù gia đình bị họa tru di, mặc dầu thân mình bị tù tội, Cao Bá Nhạ,
qua Tự tình khúc, vẫn tỏ ra là một nhà Nho chính thống vẫn hăm hở hoạt
động, vẫn say sưa với mộng công hầu, để có cơ hội đem tài đức ra phục vụ
đắc lực cho triều đình. Chính vì tấm lòng chung thủy ấy mà Cao Bá Nhạ
những chờ đợi hết "chiếu vàng" đến "xá thư" của nhà vua, chứ không khi
nào ông tỏ thái độ bất bình đối với triều đình (tr. 813)
-GS. Phạm Thế Ngũ:
Cái ý bao trùm cả bài là cái ý oán hận vì tác giả phải trả cái tội mà mình
không làm Đại để đó là cái tâm sự quanh co bực bội, âu sầu của người tù
Cao Bá Nhạ. Qua tâm sự ấy ta nhận thấy trước hết là tư tưởng đạo nghĩa
rất mạnh của nho gia Qua tâm sự ấy, ta lại còn thấy một Cao Bá Quát
giàu tình cảm: lòng nhớ quê hương, thương cha mẹ, thương vợ con và
thương thân trải ra trong nhiều câu lâm ly ai oán
Về giá trị văn chương, tác giả đã chọn một hình thức là thể ngâm, rất thích
hợp cho sự giãi tỏ, than vãn những sầu hận triền miên. Có thể coi như một
áng thơ trữ tình, tựa như bài ai tư vãn của Lê Ngọc Hân Tình cảm chan
chứa, tưởng tượng dồi dào, vần điệu uyển chuyển đó là những ưu điểm của
tác phẩm. Tuy nhiên, tác giả vẫn ưa dùng chữ Hán và điển nên có chỗ hãy
còn khuôn sáo hay khó hiểu (tr. 456-457)
-TS. Đặng Thị Hảo:
Tự tình khúc (và Trần tình văn) trước hết cấp cho ta hình ảnh một Cao Bá
Nhạ con người văn nhân nghèo hèn nhưng lại biết thiết tha yêu cuộc sống
và chỉ có một cầu mong nhỏ nhoi là được giải oan, trở về với đời từ trong tù
ngục…
Ở đây, Cao Bá Nhạ đã khéo chọn lối văn giàu chất trữ tình kết hợp với lối
biện luận tình lý thắt buộc uyển chuyển, đạt hiệu quả thuyết phục tối đa và
thực tế không có gì ảnh hưởng đến "khí tiết nhà Nho" như từng có ý kiến
phê phán (tr. 209)

Tuy nhiên, theo GS. Vũ Khiêu thì rất có thể Cao Bá Nhạ đã hèn hạ đổ lỗi
cho chú để minh oan cho mình (Thơ Văn Cao Bá Quát, tr. 11).
III. Trích tác phẩm:
-Lúc ẩn trốn:
Vườn riêng lấy cỏ cây làm bạn,
Năm dài xem én nhạn bay qua;
Song hồ ngày tháng lân la,
Một hai hoàng quyển năm ba tiểu đồng…
Mối tâm sự rối mười phần thảm,
Gánh gia tình nặng tám năm dư.
Khi ngày mong bức xá thư,
Khi đêm than bóng, khi trưa hỏi lòng
.
Lúc bị phát giác:
Nay phó xuống Đông Thành tạm trú,
Mai truyền sang Bắc Lộ ruổi ra.
Thân sao như gánh hàng hoa,
Sớm qua chợ sớm, chiều qua chợ chiều.
-Gông ba thước ai bày nên nợ,
Cũi một gian khéo giở ra trò.
Mới qua là kẻ văn nho,
Bỗng nay đổi dạng tù đồ, bởi đâu!
Lúc bị giam cầm:
Nỗi ly hận nói năng sao xiết,
Tình tương tư nào biết bao nhiêu.
Tính xem ly biệt ít nhiều,
Thương cho mai cúc nặng điều tương tư.
Nhờ trận gió gửi thư thăm hỏi,
Mượn bóng giăng giãi mối ân cần.
Giá đành phong nguyệt chủ nhân,

Nỡ nào đầy đọa phong trần xót thương
Chút đau đớn khuê phòng gối lẻ,
Bỗng vì đâu chia rẽ mối tơ.
Liễu bồ đôi chút cành thơ,
Bao giờ bìu ríu, bao giờ bồng mang?
Đã cay đắng nhiều đường rộn rã,
Lại nhục nhằn đến cả vợ con,
Mấy năm chút nghĩa ôn tồn,
Gieo đào, trả mận lòng còn bâng khuâng
IV. Thông tin thêm:
Cao Bá Đạt (1809-1855) là cha Cao Bá Nhạ là và anh sinh đôi với Cao Bá
Quát. Ông sinh ra ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc
ngoại thành Hà Nội.
Năm Giáp Ngọ (1834), ông đỗ Cử nhân (sau Cao Bá Quát một khoa), được
bổ làm Tri huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa, và có tiếng là một viên quan
mẫn cán và thanh liêm.
Sau khi Cao Bá Quát khởi binh chống nhà Nguyễn năm 1954 ở Mỹ Lương
(xưa thuộc phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây, nay thuộc phần phía Tây huyện
Chương Mỹ, Hà Nội) rồi bị bắn chết tại trận, ông đang tại chức cũng bị bắt
giải về kinh đô Huế. Dọc đường, ông làm một tờ trần tình rồi dùng dao đâm
cổ tự vẫn.
Danh sĩ Nguyễn Văn Siêu có làm câu đối chữ Hán để truy điệu hai anh em
ông (tức ông và Cao Bá Quát), được dịch ra như sau:
Thương thay! Tài điệu tót vời, khó anh khó em, một cặp cùng sinh lại cùng
thác;
Thôi nhĩ! Sự cơ đến vậy, đáng thương đáng ghét, nghìn năm dây xấu cũng
dây thơm.
Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Chú thích:
[1] Dương Quảng Hàm giải thích ngâm là một bài văn tả những tình cảm ở

trong lòng, nhất là những tình buồn, sầu, đau, thương. Các ngâm khúc trong
văn Việt thường làm theo thể song thất lục bát (Việt Nam văn học sử yếu, tr.
152).
Tài liệu tham khảo:
-Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu xuất
bản tại Sài Gòn. Bản in lần thứ 10, 1968.
-Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (quyển 2). Quốc
học tùng thư xuất bản, Sài Gòn, 1963.
-Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam (quyển thượng). Nxb Trình
bày, không ghi năm xuất bản.
-Nhiều người soạn, Từ điển Văn học (bộ mới, mục từ do Đặng Thị Hảo
soạn). NXb Thế giới, 2004.
-Nhiều người soạn, Thơ văn Cao Bá Quát. Nxb Văn học, 1984.
-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam.
Nxb KHXH, 1992.

×