Sử dụng corticoid trong lâm sàng
(Kỳ 1)
TS. Đoàn Văn Đệ (Bệnh học nội khoa HVQY)
1. Đại cương.
Sử dụng corticoid là vấn đề quan trọng và còn nhiều tranh cãi trong lâm
sàng thấp khớp học. Tác dụng chống viêm nhanh và mạnh là những căn cứ
cho việc chỉ định thuốc trong
điều trị các bệnh khớp. Phát minh cortico-steroid đươch giải thưởng
Nobel năm 1950.
Nhưng thực tế cho thấy, khi dùng thuốc kéo dài, liều cao vượt quá liều
sinh lí đã gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng dẫn đến những quan điểm
khác nhau về vai trò của cortico- steroid trong sinh lí bệnh và điều trị các bệnh
khớp. Tuy vậy việc sử dụng cortico-steroid vẫn là biện pháp quan trọng trong
điều trị một số bệnh khớp, vì tác dụng mạnh của thuốc trong nhiều trường hợp mà
chưa có thuốc chống viêm nào vượt được.
2. Tác dụng sinh lí của cortico-steroid.
2.1. Hormon cortico-sterroid là yếu tố cần thiết cho sự phát triển bình
thường của cơ thể, giúp cơ thể duy trì hằng định của nội môi trong trạng thái
bình thường cũng như trạng thái stress. Các hormon này là sản phẩm của
trục đồi thị-tuyến yên-tuyến thượng thận [Hypothalamic Pituitary- Adrenal
(HPA)] đáp ứng với các stress.
- Ngoài tác dụng chống viêm nhanh và mạnh, các cortico-steroid còn
có vai trò điều hoà quá trình chuyển hoá các chất, và điều hoà chức năng của
hệ thần kinh trung ương.
- Điều kiện sinh lí bình thường nồng độ cortico-steroid trong huyết tương
thay đổi theo nhịp ngày đêm. Nồng độ đạt đỉnh cao từ 8-10 giờ sáng và giảm
dần, thấp nhất vào khoảng
21-23 giờ. Sau đó tăng trở lại từ khoảng 4 giờ sáng hôm sau.
Trong trạng thái stress có biểu hiện tuyến thượng thận đáp ứng bằng
tăng tổng hợp và giải phóng các cortico-steroid vào máu: các kích thích gây
viêm thường kèm với việc giải phóng các cytokin như interleukin 1, 6 (IL1 và
IL6), yếu tố hoại tử u (tumor necrosis factor
TNFα). Các cytokin kích thích trục đồi thị-tuyến yên-tuyến thượng thận
tăng tổng hợp
cortico-steroid kết quả là gây ức chế ngược quá trình giải phóng cytokin
do đó giảm quá
trình viêm.
Khi tổng hợp không đủ cortico-steroid sẽ dẫn đến không kiểm soát
được phản ứng viêm gây tổn thương tổ chức lan rộng-tiếp tục gây giải phóng
nhiều chất trung gian hoá học có tác dụng gây viêm. Mất khả năng thông tin
ngược (Feed back) giữa hệ thần kinh trung
ương và các cơ chế gây viêm ở ngoại vi có thể là yếu tố quan trọng
trong cơ chế bệnh sinh của một số bệnh khớp.
2.2. Một số tác dụng sinh lí:
Cortico-steroid có nhiều tác dụng sinh lý. Một số tác dụng sinh lý chủ yếu
gồm:
- Làm tăng khả năng thức tỉnh và sảng khoái.
- Làm tăng glucose máu và tăng glycogen ở gan.
- Làm tăng khả năng kháng insulin.
- ức chế chức năng tuyến giáp.
- ức chế chức năng tái tổng hợp và bài tiết hormon.
- Làm tăng quá trình dị hoá ở cơ.
- Làm tăng hoạt tính các men giải độc.
- Làm chậm liền vết thương.
- Kiềm chế phản ứng viêm cấp tính.
- Kiềm chế phản ứng quá mẫn cảm muộn qua trung gian tế bào (phản
ứng typ 4) và kiềm chế phản ứng miễn dịch dịch thể (týp 2).
2.3. Tác dụng trên tế bào.
- Thay đổi hoạt tính của tế bào thần kinh ở nhiều vùng của não do
thay đổi các
Neuropeptit, do tổng hợp và giải phóng nhiều chất dẫn truyền thần
kinh (đặc biệt là các cathecholamine , axit α aminobutyric và prostaglandine).
- ức chế sự tổng hợp và ức chế giải phóng các hormon kích thích bài tiết
tuyến thượng thận và tuyến sinh dục (corticotropin, gonadotropin) từ vùng dưới
đồi thị.
- ức chế sự tổng hợp và ức chế bài tiết các hormon kích thích tuyến
thượng thận, kích thích tuyến giáp và hormon tăng trưởng của vùng tuyến yên.
- ức chế sự tổng hợp và ức chế bài tiết các hormon cortisol và
androgen của tuyến thượng thận.
- ức chế sự tổng hợp estrogen của buồng trứng, ức chế tổng hợp
testosteron của tinh hoàn, giảm hoạt tính của các hormon này tại cơ quan đích.
- ức chế sự phát triển của các tạo cốt bào.
- Làm tăng loạn dưỡng cơ của khối cơ vân.
- Làm thay đổi hoạt tính của tế bào mỡ do biến đổi phân bố mỡ trong tổ
chức mỡ.
- Làm giảm quá trình tăng sinh các tế bào sợi xơ, giảm tổng hợp ADN,
và giảm tổng hợp các sợi collagen.
- ức chế tế bào sợi non sản xuất phospholipase A2, cyclooxygenase,
prostaglandin và metalloproteinase.
- ức chế chức năng tế bào nội mạc mạch máu.
- ức chế quá trình hoá ứng động của các tế bào bạch cầu.
- ức chế sự trình diện kháng nguyên của các đại thực bào (macrophage)
đối với tế bào lympho.
- ức chế miễn dịch, ức chế hoạt hoá các tế bào viêm và các tế bào khác
(đại thực bào, tế bào lympho T, lympho B, mastocyte).
- ức chế các chất trung gian hoá học kích thích phản ứng viêm [yếu tố
hoại tử khối u α (TNF α, interleukin I, α interferon, prostaglandin, leucotrien) ]
có tác dụng chống viêm.