Tải bản đầy đủ (.docx) (9 trang)

CÁC NHÂN tố cơ bản ẢNH HƯỞNG đến nước dưới đất

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (390.6 KB, 9 trang )

CÁC NHÂN TỐ CƠ BẢN ẢNH HƯỞNG ĐẾN NƯỚC DƯỚI ĐẤT
VÙNG VEN BIỂN TỈNH THỪA THIÊN - HUẾ
NGUYỄN ĐÌNH TIẾN
1
, PHẠM ĐÌNH CHUY
2
1
Trường đại học Khoa học, Đại học Huế,
2
Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên - Huế
Tóm tắt: Trên cơ sở kết quả nghiên cứu các nhân tố tự nhiên: khí hậu, địa hình, địa mạo
và các nhân tố nhân tạo trong vùng, các tác giả đã phân tích các nhân tố cơ bản ảnh
hưởng đến mực nước và chất lượng nước dưới đất vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế,
trong đó các nhân tố có ý nghĩa quan trọng và tác động mạnh mẽ là lượng mưa, lượng
bốc hơi, địa hình và các hoạt động kinh tế - nhân sinh.
I. MỞ ĐẦU
Vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế kéo dài theo hướng TB-ĐN và được phân thành 2 dải
do hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và sông Ô Lâu chia cắt, với thành tạo trầm tích chủ yếu có
nguồn gốc sông-biển, biển và biển-gió. Dải phía bắc kéo dài từ ranh giới với tỉnh Quảng Trị đến
cửa Thuận An với chiều dài 32 km, phía bắc dải rộng 7,5 km và vuốt nhọn dần về phía nam rộng
400 m, bao gồm những vùng đất thấp và các đụn cát, càng về phía nam độ cao các đụn cát tăng
dần (có nơi cao đến 40 m). Dải phía nam kéo dài từ cửa Thuận An đến cửa Tư Hiền với chiều dài
39 km, phía bắc rộng 200 m và mở rộng về phía nam rộng 4 km, bao gồm những vùng đất thấp
và các đụn cát (độ cao lớn nhất 24 m), càng về phía nam địa hình càng bằng phẳng và mở rộng.
Tầng chứa nước dưới đất trong vùng kể trên lộ ra trên bề mặt toàn bộ diện tích nghiên cứu
(trừ một phần rất nhỏ ở ven đầm Cầu Hai thuộc xã Vinh Hiền, nơi phân bố và lộ ra của khối
magma xâm nhập phức hệ Hải Vân), được bao bọc bởi biển ở phía đông và hệ đầm phá Tam
Giang - Cầu Hai ở phía tây (độ mặn từ 7 đến 26‰, Hình 1). Mặc khác, vùng này lại nằm xa
thành phố Huế, nên nước dưới đất là nguồn cung cấp chủ yếu cho sự phát triển kinh tế - xã hội
của vùng. Chính vì vậy, nghiên cứu các nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến trữ lượng và chất lượng
nước dưới đất trong vùng là nhu cầu bức thiết nhằm khai thác hợp lý và bảo vệ tính bền vững


nguồn nước.
I. CÁC NHÂN TỐ TỰ NHIÊN ẢNH HƯỞNG ĐẾN NƯỚC DƯỚI ĐẤT
1. Lượng mưa
Vùng nghiên cứu nằm ở phía đông dãy Trường Sơn giống như các tỉnh duyên hải Trung Bộ,
có chế độ mưa chịu sự chi phối của cơ chế hoàn lưu gió mùa Đông Nam Á và chịu tác động của
điều kiện địa hình, nên liên quan mật thiết với gió mùa đông bắc. Trong một năm tồn tại 2 mùa
là: mùa mưa (lượng mưa tháng >100 mm với tần suất ≥ 75%) kéo dài 4 tháng, từ tháng 9 đến
tháng 12. Mùa khô (lượng mưa tháng <100 mm với tần suất ≤ 75%) kéo dài 8 tháng, từ tháng 1
đến tháng 8. Lượng mưa trung bình năm tại vùng nghiên cứu biến đổi từ 2500 đến 3000 mm.
Biến trình năm của lượng mưa có 2 cực đại và 2 cực tiểu. Cực đại chính xảy ra vào tháng 10 với
lượng mưa từ 762 đến 924 mm, cực đại phụ xảy ra vào tháng 5 hoặc tháng 6 (dẫn đến mưa
tiểu mãn) với lượng mưa từ 77 đến 225 mm. Cực tiểu chính xảy ra từ tháng 2 đến tháng 4 với
lượng mưa từ 34 đến 85 mm, cực tiểu phụ xảy ra vào tháng 7 với lượng mưa từ 71 đến 110 mm.

Hình 1. Bản đồ địa chất thuỷ văn vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế
Qua phân tích các biểu đồ quan hệ giữa lượng mưa và mực nước dưới đất tại các lỗ khoan
trong vùng nghiên cứu (Hình 2-4) ta thấy giữa chúng có quan hệ tỷ lệ thuận. Sự tương quan
tuyến tính giữa chúng là vừa phải, tuỳ thuộc vào chiều sâu mực nước dưới đất, điều kiện địa hình
và lớp phủ thực vật. Hệ số tương quan trong các phương trình biến đổi r = 0,22 -0,42 (Bảng 1,
các phương trình tương quan được chạy trên phần mềm KaleidaGraph). Khi lượng mưa tăng thì
mực nước dưới đất dâng cao và chúng cùng pha. Thường các tháng đầu mới dâng, đường cong
biểu diễn mực nước tương đối thoải và trở nên dốc dần ở các tháng đạt cực đại, điều này liên
quan đến sự tăng lượng mưa và giảm dần bề dày đới thông khí. Trong mùa mưa mực nước dưới
đất dâng cao làm tăng đáng kể trữ lượng động của nước dưới đất trong vùng, ngược lại, mùa khô
mực nước dưới đất hạ thấp làm giảm đáng kể trữ lượng động của nước dưới đất. Mặt khác, nước
dưới đất trong vùng có dạng thấu kính, thành phần hoá học chịu tác động mạnh của quá trình
khuếch tán nước mặn từ biển và hệ đầm phá, nên lượng cung cấp nước mưa cho nước dưới đất
tăng, tốc độ thấm sẽ lớn hơn tốc độ khuếch tán của nước mặn dẫn đến sự giảm độ tổng khoáng
hoá của nước dưới đất. Điều này cho thấy lượng mưa là nguồn cung cấp và là nhân tố cơ bản ảnh
hưởng đến trữ lượng và chất lượng của nước dưới đất tại vùng nghiên cứu.

2. Lượng bốc hơi
Các số liệu quan trắc cho thấy lượng bốc hơi trung bình năm của vùng nghiên cứu biến đổi
khá lớn, từ 900 đến 1009 mm/năm, bằng 30-40% tổng lượng mưa năm. Biến trình năm của bốc
hơi ngược với biến trình năm của lượng mưa, thời kỳ mưa ít nhất có lượng bốc hơi cao nhất và
thời kỳ mưa nhiều nhất có lượng bốc hơi đạt cực tiểu. Nhìn chung, khả năng bốc hơi lớn, mưa ít,
nhiệt độ cao đã gây ra thời tiết khô hạn ở dải ven biển từ tháng 3 đến tháng 8, trong đó các tháng
7 và 8 có lượng bốc hơi lớn nhất.
Bảng 1. Mối quan hệ tương quan giữa cốt cao mực nước dưới đất (H) và lượng mưa (X)
của một số lỗ khoan trong vùng nghiên cứu
Số TT
Lỗ khoan
quan trắc
Toạ độ
Hệ số tương
quan r
Phương trình tuyến tính giữa cốt
cao mực nước dưới đất (H) và
lượng mưa (X)
X Y
1 LK C03 1818934,48 797264,18 0,42 H = 2,3392 + 0,0015379X
2 LK C09 1813626,31 804574,08 0,22 H = 5,4017 + 0,001506X
3 LK C10 1810121,15 808650,49 0,42 H = 0,97801 + 0,0034731X
Hình 2. Biểu đồ biểu diễn lượng mưa và sự dao động mực nước dưới đất ở lỗ khoan C03
(theo tài liệu mưa vùng Huế, quan trắc từ 5/9/2002 đến 5/9/2003)
Hình 3. Biểu đồ biểu diễn lượng mưa và sự dao động mực nước dưới đất ở lỗ khoan C09
(theo tài liệu mưa vùng Huế, quan trắc từ 5/9/2002 đến 5/9/2003)
Hình 4. Biểu đồ biểu diễn lượng mưa và sự dao động mực nước dưới đất ở lỗ khoan C10
(theo tài liệu mưa vùng Huế, quan trắc từ 5/9/2002 đến 5/9/2003)
Bốc hơi là một trong những nguyên nhân làm hao hụt lượng nước, vì vậy nó được xem là một
thành phần quan trọng của cán cân cân bằng nước và ảnh hưởng đến trữ lượng và chất lượng của

nước dưới đất. Nếu như giữa lượng mưa và biên độ dao động mực nước dưới đất tại vùng nghiên
cứu trong mùa mưa có mối tương quan tỷ lệ thuận, thì trong mùa khô giữa lượng bốc hơi và biên
độ dao động mực nước dưới đất có mối tương quan tỷ lệ nghịch (Hình 5-7). Sự tương quan giữa
chúng khá chặt chẽ, tuỳ thuộc vào chiều sâu mực nước dưới đất và lớp phủ thực vật. Hệ số tương
quan biến đổi r = 0,72 - 0,87 (Bảng 2). Trong mùa khô, do tác động của nhân tố bốc hơi, trữ
lượng nước dưới đất giảm đáng kể do bề dày tầng nước dưới đất giảm. Mặc khác, lượng bốc hơi
tăng làm cho tốc độ thấm nhỏ hơn tốc độ khuếch tán của nước mặn (từ biển và hệ đầm phá) đã
dẫn đến tăng độ tổng khoáng hoá của nước dưới đất.
Hình 5. Biểu đồ biểu diễn lượng bốc hơi và sự dao động mực nước dưới đất ở lỗ khoan C03
(theo tài liệu lượng bốc hơi vùng Huế, quan trắc từ 5/9/2002 đến 5/9/2003)
Hình 6. Biểu đồ biểu diễn lượng bốc hơi và sự dao động mực nước dưới đất ở lỗ khoan C09
(theo tài liệu lượng bốc hơi vùng Huế, quan trắc từ 5/9/2002 đến 5/9/2003)
Hình 7. Biểu đồ biểu diễn lượng bốc hơi và sự dao động mực nước dưới đất ở lỗ khoan C10
(theo tài liệu lượng bốc hơi vùng Huế, quan trắc từ 5/9/2002 đến 5/9/2003)
Bảng 2. Mối quan hệ tương quan giữa cao trình mực nước dưới đất (H) và lượng bốc hơi (Z)
của một số lỗ khoan nghiên cứu trong vùng
Số TT
Lỗ khoan
quan trắc
Toạ độ
Hệ số tương
quan r
Phương trình tuyến tính giữa cốt
cao mực nước dưới đất (H) và
lượng bốc hơi (Z)
X Y
1 LK C03 1818934,48 797264,18 0,87 H = 2,808 – 0,037958Z
2 LK C09 1813626,31 804574,08 0,72 H = 6,0801 – 0,057669Z
3 LK C10 1810121,15 808650,49 0,81 H = 1,96 – 0,078119Z


3. Địa hình, địa mạo
Vùng nghiên cứu có dạng địa hình đồng bằng có cồn cát và đầm phá, trong đó các đụn cát và
cồn cát phân bố gần bờ, kéo dài song song với phương của bờ biển và tập trung chủ yếu ở phía
nam của dải phía bắc và phía bắc của dải phía nam. Phần còn lại là các đồng bằng thấp. Mặc
khác, vùng nghiên cứu được biển và hệ đầm phá bao bọc nên bề mặt nước dưới đất có dạng thấu
kính, mực nước dưới đất nằm nông, biến đổi từ 0,4 đến 12 m. Thành phần thạch học của tầng
chứa nước chủ yếu là cát thạch anh, lớp phủ thực vật phát triển kém. Chính tình hình đó tạo điều
kiện thuận lợi cho nước mưa thấm cung cấp cho nước dưới đất. Tuy nhiên, ở những vùng địa
hình cao, mực nước dưới đất nằm sâu, lượng nước mưa cung cấp cho nước dưới đất chậm. Khi
lượng mưa tăng thì mực nước dưới đất dâng cao chậm hơn, sự lệch pha so với lượng mưa từ
10 đến 20 ngày và građien áp lực (độ dốc mực nước) của nước dưới đất tương đối lớn, do tốc độ
thoát tăng (lỗ khoan C09 phân bố trên sườn dải cát; cao trình mặt đất tại lỗ khoan Z = 7,93 m; độ
sâu mực nước cực tiểu h
min
= 1,46 m, cực đại h
max
= 3,31 m; biên độ dao động mực nước cực
đại ∆h = 1,85 m; Hình 3). Ngược lại, ở những vùng địa hình thấp, mực nước dưới đất nằm nông,
lượng nước mưa cung cấp cho nước dưới đất nhanh, khi lượng mưa tăng thì mực nước dưới đất
cũng dâng cao, sự lệch pha so với lượng mưa là không đáng kể từ 1 đến 5 ngày và građien áp lực
của nước dưới đất tương đối nhỏ do tốc độ thoát thấp (lỗ khoan C03 phân bố dưới chân dải cát;
cao trình mặt đất tại lỗ khoan Z = 3,21 m; độ sâu mực nước cực tiểu h
min
= 0,48 m, cực đại h
max
=
1,30 m; biên độ dao động mực nước cực đại ∆h = 0,83 m; Hình 2).
II. CÁC NHÂN TỐ NHÂN TẠO ẢNH HƯỞNG ĐẾN NƯỚC DƯỚI ĐẤT
1. Khai thác nước dưới đất
Vùng nghiên cứu bị bao bọc bởi biển và hệ đầm phá, mạng lưới sông suối gần như không có,

nước áp lực tầng dưới nằm sâu và một phần bị mặn, nên nước dưới đất là nguồn cung cấp chủ
yếu cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội của vùng. Nuớc dưới đất khai thác cung cấp cho ăn uống
và sinh hoạt của dân sinh khoảng 5400 m
3
/ng., nuôi trồng thuỷ sản khoảng 3200 m
3
/ng., khai
thác sa khoáng khoảng 2000 m
3
/ng. Các hoạt động khác khoảng 1000 m
3
/ng. (Bảng 3). Mặt dù
tổng lượng khai thác nước dưới đất không lớn, nhưng quy trình và chế độ khai thác không phù
hợp phần nào đã làm nhiễm bẩn, nhiễm mặn nước dưới đất trong vùng. Việc khai thác nước của
các giếng khoan phục vụ dân sinh chỉ theo nhu cầu, thiếu quản lý và hiểu biết, độ sâu các giếng
khoan biến đổi từ 5 đến 18 m, không phụ thuộc bề dày tầng chứa nước và khoảng cách đến biên
mặn, nên một số nơi đã làm tăng sự khuếch tán của nước mặn từ biển và đầm phá vào nước dưới
đất, dẫn đến giảm trữ lượng nước nhạt hoặc tăng độ khoáng hoá của nước dưới đất. Mặc khác,
một số giếng khoan không sử dụng được trong quá trình thi công không được trám, làm nhiễm
bẩn nước dưới đất theo điểm. Khai thác phục vụ nuôi trồng thuỷ sản và khai thác sa khoáng
(Hình 8) chủ yếu tập trung ven bờ biển, bề dày tầng nước dưới đất nhỏ, nhưng do nhu cầu đã tiến
hành khai thác với lưu lượng lớn trong diện hẹp, chỉ số hạ thấp mực nước và bán kính ảnh hưởng
rất lớn lan đến các biên cung cấp (nước mặn) làm tăng quá trình xâm nhập mặn vào tầng chứa
nước dưới đất, thậm chí một số vùng khai thác sa khoáng đã sử dụng nước biển để tách quặng.
Cụ thể tại vùng thôn Kế Sung, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, từ 15/8/2004 đến 12/2005,
Công ty Khoáng sản đã sử dụng nước biển để khai thác titan (gồm 5 cụm khai thác) theo công
nghệ mở moong thành một hố sâu 8-10 m, cấp nước vào moong và dùng bơm hút đưa cát giàu sa
khoáng cùng nước ở phần dưới của hố moong lên bàn tuyển xoắn. Nước biển được bơm trực tiếp
vào moong khai thác với lưu lượng trung bình 150 m
3

/giờ, một ngày khai thác 16 giờ, tương
đương 2400 m
3
/ngày. Trong quá trình khai thác đã làm nhiễm mặn cục bộ tầng nước dưới đất tại
chỗ, dẫn đến các giếng khai thác nước dưới đất bị mặn và độ mặn tăng dần theo thời gian và độ
sâu. Các giếng khai thác nước dưới đất dân sinh trước đây trong vùng ở độ sâu 12-14 m là loại
nước nhạt (M = 0,2 – 0,25 g/l), nhưng sau khi Công ty Khoáng sản sử dụng nước biển để khai
thác titan, độ mặn trong các giếng khai thác tăng lên. Đến tháng 4/2005, ở một số giếng, độ mặn
của nước khá cao (M = 3-5 g/l) vượt giới hạn cho phép, không thể sử dụng cho ăn uống và sinh
hoạt nên phải giảm dần độ sâu khai thác so với mặt đất, đến tháng 12/2005, toàn bộ các giếng
trong vùng đều bị nhiễm mặn cao, không thể sử dụng được và chỉ khai thác tương đối đảm bảo ở
độ sâu 4 m so với mặt đất. Ở vùng địa hình thấp, nước dưới đất mặn tràn ra các vũng nước mặt,
nơi cấp nước cho nông nghiệp, đã làm hư hỏng 10,3 ha lúa vào tháng 5/2006.
Trước tình hình sử dụng nước mặn khai thác sa khoáng làm nhiễm mặn tầng nước dưới đất
trong vùng, từ 12/2005 đến nay, Công ty Khoáng sản chuyển sang sử dụng nước dưới đất bằng
hệ thống giếng UNICEF (gồm 18 giếng, độ sâu giếng 12-14 m, cách biển 100 m) để tách sa
khoáng. Do hệ thống giếng bố trí trong diện hẹp, lưu lượng khai thác lớn, gần biên mặn nên bán
kính ảnh hưởng của hệ thống lan đến biên mặn làm thay đổi chất lượng nước dưới đất tại vùng
khai thác theo hướng tăng độ mặn (khảo sát ngày 30/5/2006, nước dưới đất do công ty khai thác
có hàm lượng NaCl là 260 mg/l đạt yêu cầu sử dụng cho sinh hoạt, nhưng đến 25/11/2006, hàm
lượng NaCl tăng lên là 500 mg/l, không thể sử dụng được).
Chính các vấn đề nêu trên trong khai thác nước dưới đất đã làm cho trữ lượng nước dưới đất
ngày càng giảm sút và độ tổng khoáng hoá của nước một số vùng tăng cao.
Bảng 3. Bảng tổng hợp các hình thức khai thác nước dưới đất
Số TT Mục đích khai thác Dạng công trình Số lượng
Lưu lượng khai
thác (m
3
/ngày)
1 Dân sinh Giếng khoan đơn 9490 4600

2 Dân sinh Giếng đào 910 800
3 Nuôi tôm trên cát Hệ thống giếng khoan 3 1160
4 Các dạng nuôi tôm khác Hệ thống giếng khoan 8 2040
5 Khai thác sa khoáng Hệ thống giếng khoan 6 2000
6 Các hoạt động khác Giếng khoan đơn 1000
Hình 8. Sử dụng nguồn nước dưới đất khai thác sa khoáng ở dải ven biển Thừa Thiên - Huế
2. Nuôi trồng thuỷ sản
Do có hệ đầm phá và dải cát ven biển, vùng nghiên cứu có diện tích lớn nên việc nuôi trồng
thuỷ sản khá phát triển. Đây là nguồn lợi phục vụ cho sự phát triển kinh tế của địa phương, tuy
nhiên nó cũng có những tác động tiêu cực đáng kể đến môi trường trong vùng, trong đó có nguồn
nước dưới đất. Các công trình nuôi tôm sử dụng nguồn nước có độ mặn cao làm biến đổi chất
lượng nước dưới đất theo hướng tăng cao độ tổng khoáng hoá ở vùng nuôi và các vùng kế cận.
Ngoài tác dụng làm thay đổi chất lượng nước, việc nuôi tôm, nhất là nuôi tôm trên cát với lớp
phủ là vải địa kỹ thuật (Hình 9), đã làm giảm nguồn cung cấp cho nước dưới đất một cách đáng
kể.
Trong vùng, với diện tích nuôi tôm trên cát là F = 985.000 m
2
(Công ty Thiên Phú An 40 ha,
Công ty Đông Phương 5 ha, Công ty Sông Hương mặc dù đã dừng nuôi nhưng vẫn chưa phá bỏ
các hồ nuôi tôm với diện tích 40 ha, Công ty Trường Sơn 13,5 ha), thành phần thạch học tầng
chứa nước và đới thông khí là cát hạt mịn, có hệ số thấm xuyên của nước mưa cho nước dưới
đất α = 0,4, lượng mưa trung bình năm X = 2900 mm = 2,9 m, với diện tích trên trữ lượng động
tự nhiên của nước dưới đất do nước mưa cung cấp trong một ngày đêm sẽ là:
Như vậy, việc phủ vải địa kỹ thuật để nuôi tôm trên cát đã làm giảm nguồn cung cấp của nước
mưa cho trữ lượng nước dưới đất trong vùng trung bình 3130 m
3
/ngày đêm.

Hình 9. Công trình nuôi tôm trên cát tác động đến nước dưới đất
Với nhu cầu dùng nước là 100 lít/người.ngày, thì trong một ngày đêm, ngoài việc làm nhiễm

bẩn nước dưới đất do thấm rỉ qua lớp vải địa kỹ thuật, việc che phủ bề mặt để nuôi tôm trên cát
đã làm cho 31.300 người không có nguồn nước để dùng.
3. Các nghĩa trang và các công trình vệ sinh
Trong vùng nghiên cứu tồn tại các dải cát với độ cao khá lớn so với xung quanh, có khá nhiều
diện tích được sử dụng làm nghĩa trang. Tại các vùng này, thành phần thạch học đới thông khí và
tầng chứa nước là cát nguồn gốc biển-gió, nên các nghĩa trang với diện tích lớn (do sự phân huỷ
của xác người sau khi an táng) sẽ làm biến đổi mạnh chất lượng của nước dưới đất. Mặc khác,
quá trình bê tông hoá các nghĩa trang ngày càng nhiều cũng là một nhân tố làm giảm lượng cung
cấp của nước mưa cho nước dưới đất. Điều đó cho thấy sự phát triển các nghĩa trang trong vùng
phần nào làm giảm chất và lượng của nước dưới đất.
Do mức sống của dân cư trong vùng nghiên cứu thấp, nên hầu hết các gia đình đều có hoặc
không có các nhà vệ sinh hợp quy cách (hố xí tự huỷ), chúng chủ yếu là các hố đào thô sơ và thải
vào đới thông khí, khi nước mưa thấm xuống tầng nước dưới đất một lượng chất thải đi theo đã
làm nhiễm bẩn tầng nước dưới đất.
Qua đó ta thấy sự phát triển các nghĩa trang, sự thiếu hiểu biết và thiếu bảo vệ nguồn nước
trong phần lớn cư dân của vùng là một nhân tố góp phần vào việc làm giảm chất lượng nguồn
nước dưới đất (nguồn cung cấp nước duy nhất của vùng).
IV. KẾT LUẬN
Sự phân tích các nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến chất lượng nước dưới đất trong vùng ven biển
Thừa Thiên - Huế cho thấy:
- Các nhân tố tự nhiên cơ bản ánh hưởng đến nước dưới đất là lượng mưa, lượng bốc hơi, địa
hình. Lượng mưa là nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất trong việc cung cấp cho nước dưới đất,
làm tăng trữ lượng và giảm độ khoáng hoá của nước. Lượng bốc hơi lại có vai trò ngược lại, làm
giảm trữ lượng nước dưới đất và tăng độ khoáng hoá của nước (nhất là tăng độ khuếch tán của
nước mặn ở các biên cung cấp). Nhân tố địa hình, địa mạo có tác động làm thay đổi những đặc
điểm địa chất thuỷ văn, dẫn đến thay đổi trữ lượng, chất lượng và động thái của nước dưới đất.
- Các nhân tố nhân tạo hiện tại trong vùng như khai thác nước (phục vụ dân sinh, khai khoáng
và nuôi trồng thuỷ sản), nuôi trồng thuỷ sản, các nghĩa trang và nhà vệ sinh có tác động mạnh mẽ
và một phần nào đã làm thay đổi theo chiều có hại về chất lượng và trữ lượng nước dưới đất
trong vùng.

Bài báo này là kết quả nghiên cứu của đề tài Nghiên cứu cơ bản mã số 713206 do Bộ Khoa
học và Công nghệ tài trợ.
VĂN LIỆU
1. Nguyễn Đình Tiến, 2002. Đặc điểm địa chất thuỷ văn và tài nguyên nước nhạt dưới đất
của đồng bằng ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đề tài cấp Bộ, Mã số: B2001-07-08.
2. Nguyễn Trường Đỉu, 2004. Báo cáo Đánh giá nguồn nước dưới đất và địa chất công trình
vùng Chân Mây – Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lưu trữ Cục Địa chất và Khoáng sản Việt
Nam, Hà Nội.

×