Phân loại thuốc Y học Cổ truyền theo biện chứng luận trị và
tác dụng kháng khuẩn của thuốc thảo mộc
(Kỳ 2)
+ Thuốc tiêu đạo là nhóm thuốc có tác dụng tiêu thực đạo trệ , tăng cường
vận hóa và chuyển hóa của tỳ - vị. Một số vị thuốc được chọn dùng: lục khúc,
mạch nha, sơn tra, kê nội kim, lai phục tử
+ Thuốc hóa đàm chỉ khái bình suyễn là nhóm thuốc có tác dụng tiêu trừ
đàm, cầm ho; được gọi là hoá đàm chỉ khaí bình suyễn. Thuốc được chọn dùng để
hóa đàm: bán hạ, bạch giới tử, thiên nam tinh, tỳ bà diệp, tiền hồ, cát cánh, trúc
nhự, tang bạch bì, thiên trúc hoàng, hải cáp sác, hải cảo; một số thuốc chỉ khái
bình suyễn: bách bộ, tử uyển, khoản đông hoa, tô tử, toàn phức hoa, bạch tiền,
khổ hạnh nhân.
+ Thuốc bình can tức phong là nhóm thuốc có tác dụng bình tức nội phong
thanh can tiềm dương, trấn tĩnh. Một số vị thuốc thường dùng: thạch quyết minh,
đại xích thạch, linh dương giác, thiên ma, câu đằng, bạch tật lê, toàn yết, ngô công,
bạch cương tàm.
+ Thuốc an thần là nhóm thuốc có tác dụng an thần định chí . Một số vị
thuốc được chọn dùng là: toan táo nhân, bá tử nhân, viễn trí, trân châu mẫu, long
cốt, mẫu lệ, từ thạch, chu sa, hổ phách.
+ Thuốc bổ ích là nhóm thuốc có tác dụng bồi bổ âm - dương, khí - huyết.
- Thuốc có tác dụng bổ khí (tỳ khí, phế khí là chính): nhân sâm, đẳng sâm,
thái tử sâm, hoàng kỳ, bạch truật, hoài sơn, cam thảo, biển đậu.
- Thuốc có tác dụng bổ dương là nhóm thuốc có tác dụng bổ thận, tráng
dương, cường cân cốt: tử hà sa, bổ cốt chi, thiên ba kích, tiên mao, dâm dương
hoắc (tiên linh tỳ), lộc giác, lộc nhĩ, thỏ ty tử, đông tật lê, ích trí nhân, hồ đào
nhục, cẩu tích, tục đoạn.
- Thuốc có tác dụng bổ huyết là nhóm thuốc thường được chỉ định trong hội
chứng thiếu máu, kinh nguyệt không đều. Một số vị thuốc được chọn dùng: đương
qui, bạch thược, thục địa, tang thầm tử, hà thủ ô, câu kỷ tử
- Thuốc bổ âm là thuốc có tác dụng dưỡng âm - sinh tân - nhuận táo. Các vị
thuốc được chọn dùng: thiên môn đông, mạch môn đông, thạch hộc, sa sâm, ngọc
trúc, bách hợp, hạn liên thảo, nữ trinh tử, qui bản, miết giáp.
+ Thuốc thu liễm là nhóm thuốc có tác dụng thu liễm cố sáp. Các vị thuốc
được chọn dùng: ngũ vị tử, sơn thù nhục, khiếm thực, kim anh tử, tang phiêu tiêu,
phúc bồn tử, ô tặc cốt, ô mai, thạch lựu bì, nhục đậu khấu
+ Thuốc khu trùng là nhóm thuốc có tác dụng khu trùng hoặc diệt trùng -
ký sinh trùng đường ruột. Một số vị thuốc được chọn dùng: sử quân tử, khổ luyện
căn bì, binh lang, quán chúng, nha đàm tử
+ Thuốc dùng ngoài là nhóm thuốc dùng để bôi đắp ngoài; có tác dụng thu
liễm, chỉ huyết, tiêu thũng, giải độc, hoá ứ, sinh cơ, bài nùng, chỉ thống. Một số vị
thuốc được chọn dùng: hùng hoàng, sa sàng tử, minh phàn, phê sa, lưu hoàng,
khinh phấn, lô cam thạch, thủy phiến
2. Tác dụng kháng vi khuẩn và ức chế vi khuẩn của thuốc thảo mộc
Trong những năm gần đây, trên cơ sở kết hợp YHHĐ với biện chứng luận
trị theo y lý Y học Cổ truyền, một số nước tiên tiến đã đưa nền Y học Cổ truyền
phương Đông ngang tầm với YHHĐ, đã lần lượt nghiên cứu cơ bản các thuốc thảo
mộc dạng cao lỏng, dạng sắc thang, dạng tễ, dạng hoàn, dạng viên nén, viên bao,
dạng tiêm, dạng truyền
Bằng kết quả khả quan trên thực nghiệm và lâm sàng, người ta đã khẳng
định tác dụng kháng khuẩn và ức chế vi khuẩn của nhiều loại thuốc thảo mộc.
Theo tài liệu của Viện Y học Giang Tô (1973); tân biên Trung Y học khái
luận (Bắc Kinh, 1974); Trung Dược học khoa học kỹ thuật (Thượng Hải, 1998),
khả năng kháng khuẩn của các nhóm thuốc như sau:
2.1 Thuốc giải biểu:
Có một số vị thuốc có tác dụng kháng khuẩn mạnh như: tử tô, bạch chỉ,
thông bạch, cúc hoa. Đặc biệt là tử tô có tác dụng kháng tụ cầu vàng, trực khuẩn
mủ xanh, trực khuẩn thương hàn; cúc hoa có tác dụng kháng tụ cầu vàng, liên cầu
khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn lỵ và ức chế nhiều loại khuẩn ngoài da;
ngoài ra thông bạch còn có tác dụng diệt trùng roi; sài hồ có tác dụng diệt “ngược
nguyên trùng” (ký sinh trùng sốt rét).