SỞ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ĐỀ CHÍNH THỨC
(đề có 01 trang)
__________
KIỂM TRA HỌC KÌ II LỚP 9
NĂM HỌC 2008 – 2009
Môn : NGỮ VĂN
Thời gian làm bài : 90 phút
(không kể thời gian giao đề)
Câu 1 (1điểm): Chép lại nguyên văn khổ cuối bài thơ “Viếng lăng Bác”
của Viễn Phương)
Câu 2 (1 điểm): Tìm hàm ý của câu in đậm trong đoạn hội thoại sau và cho biết
hàm ý được tạo ra bằng cách cố ý vi phạm phương châm hội thoại nào?
- Cậu thấy đội bóng huyện mình chơi có hay không?
- Tớ thấy họ ăn mặc rất đẹp.
Câu 3 (3 điểm): Viết văn bản nghị luận ngắn ( khoảng 12 đến 15 câu) nêu quan
niệm
của em về lòng dũng cảm.
Câu 4 (5 điểm): Cảm nhận về nội dung và đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ:
…Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.
(Y Phương, Nói với con, SGK Ngữ văn lớp 9, tập II, trang 72)
HẾT
Họ và tên thí sinh : …………………………………………………………………
Số báo danh : ………………………………………………………………………
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HỌC KÌ II
LỚP 9 - MÔN NGỮ VĂN
NĂM HỌC 2008-2009
A. HƯỚNG DẪN CHUNG :
- Đề bài gồm bốn câu :
Câu 1 : Kiểm tra kiến thức văn học (tái hiện kiến thức).
Câu 2 : Làm bài tập tiếng Việt (kĩ năng thực hành).
Câu 3 : Nghị luận ngắn về vấn đề tư tưởng, đạo lí.
Câu 4 : Nghị luận văn học.
- Hướng dẫn chấm chỉ nêu những yêu cầu cơ bản làm cơ sở cho GK đánh giá bài làm
của HS. Do đó, GK cần căn cứ vào thực tế bài làm của HS để quyết định điểm cho phù
hợp, đánh giá đúng năng lực, phát hiện và khuyến khích những bài làm sáng tạo, có
những cảm nhận mới, độc đáo.
B. ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM :
Câu 1 (1 điểm) :
1. Yêu cầu : Chép đúng nguyên văn
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
2. Cho điểm:
- Cho trọn điểm khi học sinh chép đúng khổ thơ, không sai chính tả, sai từ, sai trật
tự từ, trật tự câu … Cứ hai lỗi nhỏ trừ 0,25 điểm.
Câu 2 ( 1 điểm):
1. Yêu cầu :
- Hàm ý: Học sinh có thể đưa ra một trong hai ý sau:
“Đội bóng huyện chơi không hay”; hoặc “Tôi không muốn bàn luận về chuyện
này”.
- Người nói tạo hàm ý bằng cách cố ý vi phạm phương châm quan hệ.
2. Cho điểm: Đáp đúng mỗi ý : 0,5 điểm.
Câu 3 ( 3 điểm):
1. Yêu cầu về nội dung :
Đề yêu cầu học sinh bàn luận, làm rõ quan niệm về lòng dũng cảm, từ đó có quan
niệm sống đúng đắn. Đồng thời, qua bài làm, kiểm tra kĩ năng tư duy, kĩ năng lập luận, kĩ
năng tạo lập văn bản nghị luận của học sinh. Các ý chính cần có:
- Giải thích khái niệm; nêu ý nghĩa của lòng dũng cảm: dám thể hiện sức mạnh, bản
lĩnh trước kẻ thù, trước cái xấu, cái ác, trước các khó khăn trở ngại trong cuộc sống
- Dẫn chứng: một số hành động thể hiện lòng dũng cảm trong cuộc sống hoặc trong
sử, sách.
- Trái với lòng dũng cảm là thái độ sợ hãi, hèn nhát; nêu dẫn chứng.
- Cần phân biệt lòng dũng cảm với tính liều lĩnh, hành động nông nổi, thiếu suy
nghĩ, hoặc có mục đích xấu xa, ích kỉ.
- Ý nghĩa vấn đề đối với bản thân và đối với lớp trẻ nói chung.
2. Yêu cầu về kĩ năng :
- Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận xã hội; biết lựa chọn các dẫn chứng tiêu
biểu làm cơ sở cho lập luận; phối hợp nhuần nhuyễn các thao tác giải thích, chứng
minh…
- Bố cục sáng rõ, diễn đạt mạch lạc.
3. Cách cho điểm :
- Điểm 3: Đáp ứng đầy đủ yêu cầu về nội dung và kĩ năng. Văn viết trôi chảy; có
quan điểm sống đúng đắn. Chấp nhận vài lỗi nhỏ.
- Điểm 2 : Giải thích được khái niệm, bài làm có khoảng ½ số ý trên; có dẫn chứng;
có từ 4-6 lỗi các loại.
- Điểm 1 : Không giải thích, giải thích không chính xác, bài làm thiếu nhiều ý; bố
cục lộn xộn; có quá nhiều lỗi các loại…
- Điểm 00 : Không làm bài.
* Lưu ý:
- Chỉ yêu cầu học sinh hiểu khái niệm,có cách diễn đạt tương đương; không yêu cầu
đúng từ ngữ của đáp án. Không căn cứ số câu để cho điểm. Dành điểm cho nội dung và
kĩ năng làm bài.
- Giám khảo cần nắm vững tinh thần hướng dẫn chấm; xác định các mức điểm chi
tiết.
Câu 4 (5 điểm)
1. YÊU CẦU :
1.1. Yêu cầu về nội dung :
Đề bài yêu cầu HS cảm nhận về một đoạn thơ nhằm kiểm tra, đánh giá năng lực cảm
nhận văn học ở HS. Các em có thể trình bày cảm nhận của mình bằng nhiều cách, nhưng
cần bảo đảm được những ý chính sau :
- Nắm được các kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm; giới thiệu được chủ đề bài
thơ.
- Cảm nhận được nội dung của đoạn thơ: ca ngợi những đức tính cao đẹp của
“người đồng mình”- những người cùng sống trên một miền đất, cùng quê hương, cùng
dân tộc; và mong ước của người cha qua lời tâm tình với con.
- Người đồng mình có tâm hồn phóng khoáng, chí khí lớn lao, kiên cường, bền bỉ;
gắn bó nghĩa tình chung thủy đối với quê hương dẫu cuộc sống còn thiếu thốn, vất vả.
Người đồng mình biết chấp nhận và vượt qua gian nan, thử thách bằng niềm tin và ý chí.
- Người đồng mình giản dị, mộc mạc, “ thô sơ da thịt” nhưng không hề nhỏ bé về
tâm hồn. Chính họ, bằng lao động cần cù để xây dựng quê hương. Ngược lại, quê hương
cho họ những phong tục, tập quán tốt đẹp.
- Mong ước của cha đối với con qua lời dặn dò.
- Nêu được một số đặc điểm nghệ thuật của đoạn thơ: thể thơ tự do phóng khoáng
phù hợp với nội dung; hình ảnh, lối diễn đạt mang đậm chất người miền núi; giọng điệu
thiết tha trìu mến…
1.2. Yêu cầu về kĩ năng :
- Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận văn học (cảm nhận một đoạn thơ cụ thể)
- Bố cục bài sáng rõ, diễn đạt mạch lạc, khúc chiết.
2. Cách cho điểm :
- Điểm 5: Bài làm đáp ứng các yêu cầu nội dung và kĩ năng đã nêu. Diễn đạt lưu
loát, có cảm xúc, có thể mắc một vài lỗi không đáng kể.
- Điểm 4 : Hiểu đoạn thơ, cảm nhận được cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật
nhưng chưa thật sâu, có một số lỗi về diễn đạt, chính tả.
- Điểm 3 : Tỏ ra hiểu yêu cầu của đề bài, nhưng còn lúng túng, không xác định luận
điểm, trình bày còn sơ sài, văn chưa trôi chảy, mắc khá nhiều lỗi diễn đạt, chính tả.
- Điểm 2 : Chưa nắm vững yêu cầu của đề bài; thiếu từ hai ý chính; mắc nhiều lỗi
diễn đạt, chữ viết cẩu thả.
- Điểm 1 : Không hiểu nội dung đoạn thơ; bài viết qua loa, sơ sài, không thành lập
luận; bài có quá nhiều lỗi…
- Điểm 00 : Không làm bài, viết một vài câu không thành ý./.