Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

HÀN MẠC TỬ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (278.16 KB, 4 trang )

HÀN MẠC TỬ
Đã có quá nhiều người viết về thơ Hàn, về cuộc đời đớn đau cả thân xác lẫn tinh thần của Hàn.
Cũng không thiếu những người lấy tình yêu của người thi sĩ tài hoa, bạc mệnh này để bóp méo, để
viết bừa thành những chuyện tình lâm ly trong những vở kịch, những vở cải lương, những cuốn
sách và cả một thời trên những tờ báo nữa. Đã có lần mẹ của nhà thơ - bà Nguyễn Thị Duy nói
với nhà thơ Quách Tấn khi ông đề nghị bà viết bài cải chính những điều người ta nói sai, nói bừa
về Hàn rằng: "Thôi con ạ, em con nó qua đời rồi, để cho nó yên! Nói qua nói lại làm gì cho thêm
tủi." Tôi, một 8X, không có ý định viết về thơ Hàn hay đời Hàn mà tôi chỉ muốn chia sẻ chút gì đó
với thi nhân về cái mà người ta đã, đang và sẽ còn làm với nơi yên nghỉ của Hàn Mặc Tử.
Mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử mới được chỉnh trang ngày 25-5-2008 để đón Festival Bình Định.
1. Người dân Quy Nhơn vẫn tự hào về nhóm thơ Bình Định thời tiền chiến (hoạt động những năm 1936 -
1945) với bốn nhà thơ: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên. Hơn thế nữa, họ tự hào rằng:
khắp 64 tỉnh thành trên "đất nước hình tia chớp" này chỉ riêng Bình Định là dám bán trăng! Anh xe ôm tên
Thành ở bến xe Quy Nhơn hỏi ngay: "Đến chỗ ông Hàn Mặc Tử viết "Ai mua trăng tôi bán trăng cho" chứ
gì?" Rồi anh còn khoe với chúng tôi một trong hai bài thơ đọc ngược, đọc xuôi; bỏ hai chữ đầu đọc ngược,
đọc xuôi; bỏ hai chữ cuối đọc xuôi, đọc ngược, tổng cộng sáu cách đọc của Hàn Mặc Tử (bài Cửa sổ đêm
khuya - TG).
Mộ Hàn Mặc Tử không còn đìu hiu, quạnh quẽ bên gốc phi lao dưới chân núi Quy Hoà (từ 11-11-1940 đến
13-2-1959), cũng không còn trơ trọi bên hàng rào kẽm gai khu thông tin nhà binh (khi gia đình, bạn bè cải
táng và đưa Hàn ra Gành Ráng). Phần mộ của nhà thơ giờ đã khang trang bên đồi Thi Nhân của Ghềnh
Ráng (còn gọi là Gành Ráng), đã an lành trong tay Đức Mẹ Maria.
Ghềnh Ráng nằm dưới chân núi Xuân Vân, có các bãi tắm kéo dài từ đường An Dương Vương đến bãi
tắm Hoàng Hậu. Phần mộ Hàn Mặc Tử nằm ở phía đông Ghềnh Ráng, gần với mép biển, từ đây có thể
phóng tầm mắt nhìn thốc ra bán đảo Phương Mai, Hải Minh và đầm Thị Nại. Ghềnh Ráng được bộ VHTT
xếp hạng là danh thắng cấp quốc gia năm 1991 (theo quyết định 2009/QĐ). Ghềnh Ráng - nơi thi nhân an
nghỉ được gọi là "con mắt xanh" của Bình Định, được coi là nơi nghỉ dưỡng và chữa bệnh lý tưởng nhất
của miền Trung. Thế là Hàn Mặc Tử đã không còn quạnh quẽ, câu thơ: " Không tìm thấy nàng tiên mô
đến khóc/ Đến hôn anh và rửa vết thương tâm" cũng bớt day dứt trong tâm trí những người yêu thơ Hàn.
Khu mộ Hàn Mặc Tử là một trong ba cụm công trình đã và đang được đầu tư, 1ha diện tích tại khu mộ
Hàn sẽ được (hay bị?) xây dựng công viên sinh hoạt văn hoá, trồng cây xanh, tôn tạo, nâng cấp Nhà lưu
niệm, trưng bày truyền thống thơ ca của những nhà văn, nhà thơ lớn của Bình Định.


Tháng 3-2005 Ghềnh Ráng được chuyển giao cho Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn, dự án
đầu tư đưa Ghềnh Ráng thành khu du lịch với số vốn hơn 55 tỉ đồng. Mộ Hàn Mặc Tử lại đưa vào dự án
mới: khu vui chơi, giải trí bao gồm Dinh Bảo Đại, mộ Hàn Mặc Tử, Nhà tưởng niệm, quầy giải khát, nhà
bình thơ, đồi Thi Nhân, sân vườn, nhà nghỉ mát (gồm 79 phòng).
2. Từ trước tới nay chưa bao giờ tôi dám nghĩ sẽ vào viếng mộ Hàn Mặc Tử ở một khu du lịch, chưa
bao giờ dám hình dung ra cảnh phải mua vé vào cửa mới được lên thăm một người đã khuất! Ở đây -
khắp Ghềnh Ráng này, tất cả nhừng gì có cắm biển, đề tên, chỉ dẫn đều viết Hàn Mạc Tử chứ không phải
Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc hay Hàn Mạc? Mọi người vẫn còn nhiều ý kiến về điều đó (Hàn Mạc Tử và Hàn
Mặc Tử đều là bút danh của nhà thơ). Riêng tôi, tôi chỉ tiếc vầng trăng cong cuối tháng trên đầu chữ Mạc,
trăng là hình ảnh thường hiện hữu trong thơ Tử, trăng cũng có hình, có dáng (Bóng nguyệt leo song sờ
sẫm gối hay Trăng nằm sõng soải trên cành liễu ) cũng sống động (Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm/
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe hay Bóng hằng trong chén ngả nghiêng/ Lả lơi tắm mát làm duyên gợi
tình ). Không có trăng, Hàn Mạc Tử là bức rèm lạnh lẽo.
Câu thơ của Hàn Mặc Tử với thi pháp Zdũ Kha đổ gãy, ngổn ngang
Trên đường đi, chúng tôi nhờ anh xe ôm ghé vào nơi bán hương, anh Thành bảo trên đó có cái lều của
ông Dzũ Kha, lúc nào cũng có sẵn hương. Đến chân mộ thi nhân, anh Thành dáo dác tìm rồi nói với chúng
tôi giọng phân trần, áy náy: "Mọi khi vẫn có cái lều ở ngay đây mà." Chúng tôi phải chen qua rất nhiều
khách du lịch mới có thể đứng trước mộ Hàn và tôi chỉ có thể thắp được nén tâm nhang Cây thánh giá
trước mộ cũng không còn, thay vào đó là chiếc lư hương đá lạnh lùng, vô cảm, thưa thớt dăm chiếc chân
nhang.
Mộ thi nhân Hàn Mặc Tử mới được chỉnh trang để đón Festival Bình Định, bia mộ thi nhân nổi lên trên nền
đá trắng, nguyên văn:
ĐÂY AN NGHỈ
TRONG TAY ĐỨC MẸ MARIA
HÀN MẠC TỬ
TỨC PHÊRÔ PHANXICÔ
NGUYỄN TRỌNG TRÍ
SINH NGÀY 22-9-1912 TẠI LỆ MỸ, TỈNH QUẢNG
BÌNH
MẤT NGÀY 11-11-1940 TẠI QUY HOÀ, QUY NHƠN

TỈNH BÌNH ĐỊNH
CẢI TÁNG VÀ LẬP MỘ
13-2-1959
CHỊ: NGUYỄN THỊ NHƯ NGHĨA
NGUYỄN THỊ NHƯ LỄ
EM: NGUYỄN BÁ TÍN
NGUYỄN BÁ HIẾU
BẠN: QUÁCH TẤN
CHỈNH TRANG NGÀY 25-5-2008
CÔNG TY CỔ THẦN DU LỊCH
SÀI GÒN - QUY NHƠN
Việc mộ Hàn Mặc Tử nằm trong khu du lịch sôi động, náo nhiệt đã là điều bất kính với thi nhân rồi, nay lại
khắc cả tên công ty du lịch lên bia mộ Hàn như thế có nên không???
Biển chỉ dẫn trong khu du lịch, mộ Hàn Mặc Tử, vườn thơ Hàn Mặc Tử nằm lẫn nhà hàng Hoàng Hậu, bãi
tắm Tiên Sa, bãi tắm Hoàng Hậu Nhà hàng Hoàng Hậu khai trương tháng 11-2007, vốn đầu tư 3,8 tỉ
đồng. Đứng bên mộ Hàn, chúng tôi nghe những tiếng dzô, dzô náo nhiệt từ nhà hàng vang lên rất rõ (nhà
hàng Hoàng Hậu cách mộ Hàn chưa đầy 20m).
Chú ngựa này đứng giữa vườn thơ Hàn Mặc Tử chờ du khách trả tiền, trèo lên, chụp ảnh
Buổi trưa, chờ lúc thưa khách du lịch nhất tôi mới quỳ gối bên mộ Hàn, vừa làm dấu thánh giá xong, chưa
kịp đọc cho Phêrô Phanxicô Trí một câu kinh cầu nguyện thì tôi đã bị bảo vệ mời ra vì lý do cỏ mới trồng.
3. Những ngày Festival vừa rồi, vườn thơ Hàn Mặc Tử được đưa vào khai thác triệt để, những gian hàng
lưu niệm luôn đông khách, trong đó chỉ có một gian lưu bút lửa thơ Hàn của ông Dzũ Kha. Tôi biết ông
Dzũ Kha qua tấm ảnh của một người bạn, tôi mong được gặp nghệ sĩ gầy gò, tóc dài loã xoã để xin lưu
đôi câu thi pháp thơ Hàn. Nhưng khi chúng tôi đến, chẳng thấy ông Dzũ Kha đâu, chỉ có một anh thanh
niên mặt vuông chữ điền đang hý hoáy viết bút lửa trên gỗ thông lời dạy nhà Phật: "Đi khắp thế gian
không ai tốt bằng mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha "
Bạn đồng hành với tôi xin lưu bốn câu: "Nay đọc thơ Tử mới hiểu Hàn/ Thân đày đọa xác lẫn ngồn ngang/
Hồn đau phách lạc sao siêu thoát/ Ước mộng chưa thành đã sớm tan". Hoá ra cậu bạn tôi lên đây đọc thơ
Hàn rồi cảm nhận, rồi ngẫu hứng làm thơ! Trên mấy câu thơ của bạn tôi cũng như trên những câu thơ của
Hàn Mặc Tử treo quanh gian hàng, nét chữ tròn trịa, nắn nót, không có gì là thi pháp bút lửa cả!

Giữa vườn thơ, giữa nhừng khối "bê tông thơ" Hàn, một chú ngựa được làm dáng rất cẩn thận, rất điệu
đàng đang nhẫn nại đứng cho từng du khách trèo lên lưng, chụp ảnh. Mỗi lần chụp ảnh với chú (cộng với
việc đội chiếc mũ cao bồi lên đầu) là 5000đ. Rồi chú ta cứ vô tư "ị" vung vẩy khắp nơi, người đàn ông gầy
gầy, da nâu gió biển chốc chốc lại xách cái xô, cầm cái xẻng đi theo dọn vệ sinh cho chú.
Góc phía tây vườn thơ, bức "bê tông thơ" với nét bút mềm mại mà mạnh mẽ, phóng khoáng của ông Dzũ
Kha bị gãy sát tận chân tự bao giờ? Câu thơ "Ai mua trăng tôi bán trăng cho/ Không bán đoàn viên ước
hẹn hò" ngổn ngang cùng cỏ cây, đất đá.
Chúng tôi xuống mộ cũ của Hàn Mặc Tử dưới chân núi Quy Hoà, vừa đi bộ, vừa nghỉ mất hơn một giờ
đồng hồ mới tới nơi (tính từ mộ mới trên Ghềnh Ráng). Tôi thấy thích nơi này! Có lẽ Quy Hoà hợp với hồn
thơ Hàn hơn (so với Ghềnh Ráng hiện tại). Trên nền mộ cũ là đài tưởng niệm Hàn Mặc Tử được xây dựng
năm 1991, trang sách mở trên bệ lớn như cuộc đời, như hồn thơ khát sống còn dở dang của nhà thơ.
Khách du lịch phi xe máy, phóng ôtô xuống Quy Hoà ầm ầm nhưng số người tìm đến mộ cũ của Hàn thì
rất ít, họ mới thực sự là những người yêu thơ Hàn, mến mộ Hàn (tôi nghĩ thế)! Và không khí đó cũng thích
hợp hơn để họ tìm đến, để " Đốt nén tâm nhang khóc một tấm lòng/ Đời tàn nhẫn quẳng ra lề cuộc sống/
Vẫn điên cuồng khao khát mối tình chung."
Ai khẳng định rằng Hàn Mặc Tử nằm trên Ghềnh Ráng sẽ bớt cô đơn hơn khi nằm dưới Quy Hoà? Đúng
là hôm nay hàng ngàn, hàng vạn người LÊN mộ Hàn rồi đấy nhưng trong số đó được bao nhiêu người
TÌM đến với Hàn? Giữa chốn đông người, náo nhiệt mà phần lớn không ai hiểu gì về mình thì chỉ thấy cô
đơn, cô độc hơn mà thôi!
Giữa Quy Nhơn, giữa Ghềnh Ráng đang sôi động, sầm uất lên từng ngày, Hàn Mặc Tử vẫn mãi là bức
rèm lạnh!
Bài và ảnh: Uông Ngọc

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×