Tóm tắt ngữ pháp Hán ngữ cổ đại
Vietsciences- Lê Anh Minh 01/01/2007
< về trang chính >
PHẦN I – TỔNG QUAN
I. Đặc điểm của từ vựng Hán ngữ cổ đại:
1. Từ cổ đại đa số là đơn âm tiết, từ hiện đại thường là song âm tiết (cũng có một số ít từ đa âm tiết).
Thí dụ (cổ đại / hiện đại):
* Gắn thêm một âm tiết vào trước hoặc sau từ cổ đại (ý nghĩa không đổi):
sư 師 / lão sư 老師 (thầy giáo); di 姨 / a di 阿姨 (dì); trác 桌 / trác tử 桌子 (cái bàn); thạch 石 / thạch
đầu 石頭 (đá); nữ 女 / nữ nhi 女兒 (con gái); nguyệt 月 / nguyệt lượng 月亮 (mặt trăng); mi 眉 / mi
mao 眉毛 (chân mày); học 學 / học tập 學習 (học); tư 思 / tư khảo 思考 (suy nghĩ); mỹ 美 / mỹ lệ 美
麗 (đẹp); nguy 危 / nguy hiểm 危險 (nguy hiểm); v.v
* Dùng từ khác hẳn (diễn tả cùng một ý nghĩa): Thí dụ
(cổ đại / hiện đại): nhật 日 / thái dương 太陽 (mặt trời); duyệt 悅 / cao hứng 高興 (vui); dịch 弈 / hạ kỳ
下棋 (đánh cờ); quan 冠 / mạo tử 帽子 (cái nón); v.v
2. Từ cổ có ý nghĩa khác với từ hiện nay:
Thí dụ (cổ đại / hiện đại):
– Địa phương sổ thiên lý 地方數千里 (diện tích vài ngàn dặm / nơi đó [xa] vài ngàn dặm)
– Kỳ thực vị bất đồng 其實味不同 (quả của nó có vị khác / thực tế, vị nó khác)
3. Từ xưa nay không còn dùng: Từ xã tắc 社稷 (ám chỉ quốc gia) nay không còn dùng nữa.
II. Ý nghĩa của từ và phạm vi sử dụng biến đổi từ cổ đại đến hiện đại:
1. Chuyển nghĩa:
Từ khoái 快 nghĩa xưa là «xứng ý, vui thích»; nghĩa nay là «nhanh chóng».
Từ hi sinh 犧牲 nghĩa xưa là «các gia súc (trâu, lợn, dê, ) đem đi cúng tế»; nghĩa nay là «xả bỏ sinh
mạng vì một chính nghĩa hay lý tưởng nào đó».
2. Phạm vi cụ thể sang phạm vi tổng quát:
Từ hà 河 xưa ám chỉ «sông Hoàng Hà», nay chỉ chung chung là «sông».
Từ Trung Quốc 中國 xưa ám chỉ khu vực trung nguyên, nay ám chỉ cả nước Trung Quốc.
3. Phạm vi tổng quát sang phạm vi cụ thể:
Từ cốc 榖 (谷) xưa ám chỉ chung «ngũ cốc», nay ám chỉ «lúa gạo» (đạo cốc 稻穀).
4. Sắc thái tình cảm thay đổi:
Từ khả lân (liên) 可憐 xưa nghĩa là «hết sức khả ái», nay là «đáng thương xót».
Từ tỳ bỉ 卑鄙 xưa nghĩa là «địa vị thấp thỏi, kiến thức hẹp hòi», nay nghĩa là «phẩm chất xấu ác».
III. Hiện tượng giả tá:
Giả tá là rắc rối cố hữu của Hán ngữ cổ đại. Học giả đời Thanh là Du Việt 俞樾 từng nhắc nhở độc giả
rằng: «Độc cổ nhân thư, bất ngoại hồ chính cú đậu, thẩm tự nghĩa, thông cổ văn giả tá. Nhi tam giả
chi trung, thông giả tá vưu yếu.» 讀古人書不外乎正句讀審字義通古 文假借而三者之中通假借尤
要 (Đọc sách người xưa [cần chú ý] không ngoài [ba điều]: Đọc đúng [phạm vi] câu văn [tức là ngắt
câu cho đúng bởi cổ văn viết không chấm câu, gọi là bạch văn 白文], tra xét đúng nghĩa chữ, và tinh
thông chữ giả tá trong cổ văn. Trong ba điều ấy, tinh thông giả tá là tối quan trọng).
1. Hiện tượng thông giả (mượn dùng thông với):
Nói chung, nếu hai từ có ý nghĩa và âm đọc gần giống nhau thì cổ nhân có thể mượn từ này thay cho từ
kia. Thí dụ phản 反 thông với phản 返 , tri 知 thông với trí 智 , v.v Hiện tượng thông giả đều dựa
trên âm đọc, nếu hai từ A và B không liên quan với nhau về âm thanh (âm đọc) thì chúng không phải
là thông giả. Đôi khi một từ có thể thông với nhiều từ khác: Từ tịch 辟 (vua, triệu vời, trừng phạt)
thông với các từ: tỵ 避 (tránh), tịch 闢 (khai mở, bài trừ), tịch 僻 (không thành thực). Tuỳ theo ngữ
cảnh mà ta hiểu và dịch cho đúng.
2. Hiện tượng giả tá (mượn dùng):
Nói chung, nếu hai từ có âm đọc gần giống nhau tuy ý nghĩa khác nhau thì cổ nhân có thể mượn từ này
thay cho từ kia.
Thí dụ:
thệ 逝 (chết) là giả tá của thệ 誓 (thề nguyền),
nữ 女 (con gái) là giả tá của nhữ 汝 (mi, ngươi),
thuyết 說 (nói) là giả tá của duyệt 悅 (vui vẻ), v.v
Nếu A là giả tá của B thì ta đọc câu văn với ý nghĩa của B.
Thí dụ: Hữu bằng tự viễn phương lai bất duyệt diệc hồ? 有朋自遠方來不說亦乎 (Có bạn từ phương
xa đến chẳng phải là không vui hay sao?). Ở đây chữ 說 phải đọc là duyệt, không đọc là thuyết.
Do hiện tượng giả tá này, khi đọc Hán ngữ cổ đại ta phải dùng từ điển Hán ngữ cổ đại, thì may ra mới
hiểu đúng văn bản.
IV. Hiện tượng từ đa âm đa nghĩa:
Một từ có thể đa âm và đa nghĩa. Đây là hiện tượng chung của các ngôn ngữ, không riêng gì Hán ngữ
cổ đại hay hiện đại. Thí dụ từ 數 có hai âm Hán Việt là «số» và «sổ», về Hán âm thì có 4 âm: /shù/ (số
đếm; số lượng; vài lần; tướng số, thuật số; phương thuật, đạo thuật; số mệnh), /shǔ/ (liệt kê; kể lể tội
lỗi), /shuò/ (lớp lang, tầng lớp), /cù/ (nhỏ nhặt kín đáo).
V. Sự hoạt dụng:
Hoạt dụng là sự biến đổi ý nghĩa của một từ theo chức năng của nó trong ngữ cảnh cụ thể, thông
thường là sự chuyển từ loại (như danh từ sang động từ, v.v ). Ý nghĩa của từ biến đổi, nhưng hiện
tượng này khác với hiện tượng từ đa âm đa nghĩa.
1. Hoạt dụng của danh từ:
Danh từ nhận 刃 (mũi dao) thành động từ (đâm chết ai, giết ai bằng dao). Thí dụ: Tả hữu
dục nhận Tương Như. 左右欲 刃 相如 (Quân sĩ bên trái và bên phải muốn đâm chết Tương Như.)
* Danh từ biến thành động từ với cách dùng «sử động»:
Danh từ tướng 將 (tướng quân) biến thành động từ (làm tướng, phong làm tướng) trong thí dụ: Tề Uy
vương dục tướng Tôn Tẫn. 齊威王欲 將 孫臏 (Vua Uy nước Tề muốn phong Tôn Tẫn làm tướng.)
* Danh từ biến thành động từ với cách dùng «ý động»:
Danh từ khách 客 (người khách) biến thành động từ (đối đãi như khách) trong thí dụ: Mạnh Thường
Quân khách ngã. 孟嘗君 客 我 (Mạnh Thường Quân xem ta là khách.)
2. Hoạt dụng của tính từ:
* Tính từ biến thành động từ với cách dùng «sử động»:
Tính từ phú quý 富貴 (giàu sang) biến thành động từ (làm cho giàu sang) trong thí dụ: Năng phú
quý tướng quân giả, thượng dã. 能 富貴 將軍者上也 (Người có thể làm cho tướng quân giàu sang
chính là hoàng thượng đó.)
* Tính từ biến thành động từ với cách dùng «ý động»:
Tính từ dị 異 (khác lạ) biến thành động từ (thấy cái gì lạ lùng đáng kinh ngạc) trong thí dụ: Ngư nhân
thậm dị chi. 漁人甚 異 之 (Ông chài rất kinh ngạc về nó.)
VI. Sử động & ý động dụng pháp:
Khái niệm «sử động» 使動 và «ý động» 意動 được nêu ra lần đầu kể từ năm 1922, trong Quốc Văn
Pháp Thảo Sáng 國文法草創 của Trần Thừa Trạch 陳承澤 (bấy giờ ông dùng thuật ngữ «trí động» 致
動 và «ý động» 意動 ). Ngay sau đó giới nghiên cứu ngữ pháp của Trung Quốc nhanh chóng công
nhận hai khái niệm «sử động» (hay «trí động») và «ý động» này. Cách dùng «sử động» và «ý động» rất
thường thấy trong Hán ngữ cổ đại. Thực chất, sử động và ý động là sự hoạt dụng (dùng linh hoạt) của
danh từ, tính từ, và động từ tác động vào một tân ngữ kế sau nó. Sử động (giống như causative
form của tiếng Anh) ngụ ý «khiến cho ai/cái gì trở nên thế nào/ra sao». Còn ý động là sự hoạt dụng
(=chuyển từ loại) biến danh từ hay tính từ trở thành động từ, tác động vào tân ngữ kế sau nó, ngụ ý
«xem nó /là gì/như thế nào/ra sao». Động từ không có ý động dụng pháp.
1. Sử động dụng pháp:
a/ Sử động của động từ:
– Động từ ẩm 飲 (uống) trở thành «mời ai uống» (đọc là ấm).
Thí dụ: Tấn hầu ấm Triệu Thuẫn tửu. 晉侯 飲 趙盾酒 (Tấn hầu mời Triệu Thuẫn uống rượu.)
– Động từ thực 食 (ăn) trở thành «cho ai ăn» (đọc là tự).
Động từ kiến 見 (thấy) trở thành «làm cho ai thấy; sai ai ra trình diện» (đọc là hiện).
Thí dụ: Chỉ Tử Lộ túc, sát kê vi thử nhi tự chi, hiện kỳ nhị tử yên. 止子路宿, 殺雞為黍而 食 之, 見 其
二子焉 ([Ông ta] giữ Tử Lộ ở lại nghỉ qua đêm, giết gà làm cơm thết đãi, rồi sai hai đứa con của mình
ra trình diện Tử Lộ.)
– Động từ hoạt 活 (sống) trở thành «làm cho ai sống».
Thí dụ: Hạng Bá sát nhân, thần hoạt chi. 項伯殺人, 臣 活 之 (Hạng Bá giết người, thần làm cho kẻ đó
sống lại.)
b/ Sử động của danh từ:
Nói chung, danh từ biến thành động từ trong sử động dụng pháp.
– Danh từ sinh 生 (sự sống) trở thành động từ (làm cho sống, làm sống lại).
Danh từ nhục 肉 (thịt) biến thành động từ (bồi đắp thịt).
Thí dụ: Tiên sinh chi ân, sinh tử nhi nhục cốt dã. 先生之恩, 生 死而 肉 骨也 (Ân đức của ngài quả là
làm cho kẻ chết sống lại và làm cho xương khô được bồi đắp thịt trở lại.)
c/ Sử động của tính từ:
Nói chung, tính từ biến thành động từ trong sử động dụng pháp.
– Tính từ lục 綠 (xanh lá cây) trở thành động từ (làm cho xanh).
Thí dụ: Xuân phong hựu lục giang nam ngạn. 春風又 綠 江南岸 (Gió xuân khiến cho bờ sông phía
nam thêm xanh.)
– Tính từ nhược 弱 (yếu) trở thành động từ (làm cho yếu).
Thí dụ: Chư hầu khủng cụ, hội minh nhi mưu nhược Tần. 諸侯恐懼會盟而謀 弱 秦 (Các nước chư
hầu sợ hãi, bèn hợp lại, liên minh mưu tính làm suy yếu nước Tần.)
2. Ý động dụng pháp:
a/ Ý động của danh từ:
– Danh từ khách 客 (người khách) biến thành động từ (đối đãi như khách, xem là khách).
Thí dụ: Mạnh Thường Quân khách ngã. 孟嘗君 客 我 (Mạnh Thường Quân xem ta là khách.)
b/ Ý động của tính từ:
– Tính từ dị 異 (khác lạ) biến thành động từ (thấy cái gì lạ lùng đáng kinh ngạc).
Thí dụ: Ngư nhân thậm dị chi. 漁人甚 異 之 (Ông chài thấy nó rất lạ lùng.)
– Tính từ tiểu 小 (nhỏ) biến thành động từ (thấy cái gì nhỏ bé).
Thí dụ: Khổng Tử đăng Đông sơn nhi tiểu Lỗ, đăng Thái sơn nhi tiểu thiên hạ. 孔子登東山而 小 魯,
登泰山而 小 天下 (Khổng Tử lên núi Đông thì thấy nước Lỗ nhỏ bé, lên núi Thái thì thấy thiên hạ nhỏ
bé.)
– Tính từ nhược 弱 (yếu) biến thành động từ (xem cái gì là yếu);
tính từ viễn 遠(xa) biến thành động từ (xem cái gì là xa).
Thí dụ: Lỗ nhược Tấn nhi viễn Ngô. 魯 弱 晉而 遠 吳 (Nước Lỗ thấy nước Tấn là suy yếu và thấy
nước Ngô là ở xa.)
Chú ý (I): Tính từ được dùng theo sử động hay ý động là tuỳ theo ngữ cảnh. Sự phân biệt này khá tinh
tế, bởi vì cấu trúc của cả hai đều là «tính từ (dùng như động từ) + tân ngữ». Nói chung, với sử động
dụng pháp, tính từ biến thành động từ tác động vào tân ngữ, khiến nó như thế nào. Còn ý động dụng
pháp ngụ ý một sự nhận định (đánh giá/nhận xét) của chủ ngữ đối với tân ngữ. Do đó nó mang tính chủ
quan.
* Thí dụ 1:
Viễn 遠 + tân ngữ.
(a) Theo sử động dụng pháp là «cách xa ra».
Thí dụ: Kính quỷ thần nhi viễn chi 敬鬼神而遠之 (Kính quỷ thần nhưng cách xa họ ra).
(b) Theo ý động dụng pháp là «nhận thấy xa xôi».
Thí dụ: Lỗ nhược Tấn nhi viễn Ngô. 魯 弱 晉而 遠 吳 (Nước Lỗ thấy nước Tấn là suy yếu và thấy
nước Ngô là ở xa.)
* Thí dụ 2:
Mỹ 美 + tân ngữ.
(a) Theo sử động dụng pháp là «làm cho tốt đẹp».
Thí dụ: Quân tử chi học dã dĩ mỹ kỳ thân. 君子之學也以美其身 (Cái học của người quân tử là để làm
cho bản thân mình trở nên tốt đẹp.)
(b) Theo ý động dụng pháp là «xem là tốt đẹp».
Thí dụ: Ngô thê chi mỹ ngã giả, tư ngã dã; ngô thiếp chi mỹ ngã giả, úy ngã dã; khách chi mỹ ngã giả,
dục hữu cầu vu ngã dã. 吾妻之美我者私我也; 吾妾之美我者畏我也; 客之美我者欲有求于我也 (Vợ
ta xem ta là tốt đẹp, ấy là lòng riêng tư đối với ta; thiếp ta xem ta là tốt đẹp, ấy là vì sợ ta; khách xem ta
là tốt đẹp, ấy là muốn cầu cạnh ở ta.)
Chú ý (II):
Sự khác biệt giữa ý động của tính từ và ý động của danh từ ở chỗ:
(a) «tính từ (dùng như động từ) + tân ngữ» = xem tân ngữ là thế nào [tính từ].
Thí dụ: Ngô thê chi mỹ ngã giả, tư ngã dã. 吾妻之 美 我者私我也 (Vợ ta xem ta là tốt đẹp, ấy là lòng
riêng tư đối với ta.)
(b) «danh từ (dùng như động từ) + tân ngữ» = xem tân ngữ là cái gì [danh từ].
Thí dụ: Mạnh Thường Quân khách ngã. 孟嘗君 客 我 (Mạnh Thường Quân xem ta là khách.)
VII. Bị động dụng pháp:
1. Dùng «kiến» 見 trước động từ:
– Nhân giai dĩ kiến vũ vi nhục, cố đấu dã. 人皆以 見侮 為辱故鬥也 (Người ta đều xem việc bị khinh
bỉ là cái nhục, cho nên họ mới đánh nhau.)
2. Dùng «ư» 於 (= «vu» 于) sau động từ:
– Quân hạnh ư Triệu vương. 君幸 於 趙王 (Ngài được vua Triệu sủng ái.)
– Khích Khắc thương ư thỉ, lưu huyết cập lũ. 郤克 傷於 矢流血及屨 (Khích Khắc bị trúng tên [thọ
thương], máu chảy xuống giầy.)
3. Dùng cả «kiến» 見 và «ư» 於 (= «vu» 于):
– Ngô trường kiến tiếu ư đại phương chi gia. 吾長 見笑於 大方之家 (Tôi ắt sẽ bị mọi người chê cười
mãi.)
– Nhiên nhi công bất kiến tín ư nhân, tư bất kiến trợ ư hữu. 然而公不 見信於 人私不 見助於 友 (Thế
mà về mặt công thì không được người ta tin cậy, về mặt tư thì không được bạn bè giúp đỡ.)
4. Dùng «vi» 為 :
– Phụ mẫu tông tộc giai vi lục một. 父母宗族皆 為戮沒 (Cha mẹ và họ hàng [của kẻ ấy] đều bị giết
sạch.)
– Thân vi Tống quốc tiếu. 身為宋國笑 (Bản thân bị nước Tống cười chê.)
5. Dùng kết cấu «vi 為 + tác nhân + sở 所 + động từ »:
– Vi địch nhân sở sát. 為敵人所殺 (Bị kẻ địch giết.)
6. Dùng «bị» 被 trước động từ:
– Tín nhi kiến nghi, trung nhi bị báng, năng vô oán hồ? 信而見疑忠而被謗能無怨乎 (Chân thành thì
bị nghi ngờ, trung thành thì bị sàm báng, sao mà không oán cho được?) [Chú: kiến nghi cũng là dạng bị
động]
Chú ý: Cấu trúc bị động với chữ «bị» bắt đầu được dùng kể từ cuối đời Chiến Quốc.
VIII. Các dụng pháp khác:
Sử động, ý động, và bị động là ba dụng pháp được giải thích trong hầu hết các sách hiện nay về ngữ
pháp Hán ngữ cổ đại. Còn vài dụng pháp khác ít được bàn đến:
1. Vị động 為動 dụng pháp:
– Bá Di tử danh vu Thủ Dương sơn hạ, Đạo Chích tử lợi vu Đông Lăng chi thượng. 伯夷 死名 于首陽
山下, 盜跖 死利 于東陵之上 (Bá Di chết vì danh nơi chân núi Thủ Dương, Đạo Chích chết vì lợi trên
gò Đông Lăng.)
– Ngô phi bi nguyệt dã. 吾非 悲刖也 (Ta chẳng phải vì hình phạt chặt chân mà buồn.)
2. Đối động 對動 dụng pháp:
– Toại trí Khang thị vu Thành Dĩnh nhi thệ chi viết: Bất cập Hoàng Tuyền vô tương kiến dã. 遂寘姜氏
于城潁而 誓之 曰: 不及黃泉無相見也 (Bèn an trí Khang thị tại Thành Dĩnh rồi đối mặt mà thề rằng:
Chừng nào đến Suối Vàng thì mới gặp nhau.)
– Dĩ sự Tần chi tâm lễ thiên hạ chi kỳ tài. 以事秦之心 禮 天下之奇才 (Lấy lòng phụng sự nước Tần
mà thi lễ đối với bậc kỳ tài trong thiên hạ.)
3. Dữ động 與動 (= cấp động 給動) dụng pháp:
– Chu lương Hàn Tần. 周糧 韓秦 (Nước Chu cung cấp lương thực cho nước Hàn và nước Tần.)
– Hữu nhất mẫu kiến Tín cơ, phạn Tín, cánh phiếu sổ thập nhật. 有一母見信饑 飯信, 竟漂數十日 (Có
bà lão thấy Hàn Tín đói, bèn đem cơm cho Tín ăn; rồi giặt giùm y phục vài mươi ngày.)
– Y thực cơ hàn giả, từ phụ chi đạo dã. 衣食 饑寒者 慈父之道也 (Tặng cơm áo cho kẻ đói lạnh, đó là
đạo lý của bậc cha hiền.)
4. Nhân động 因動 dụng pháp:
– Cật triêu nhĩ xạ, tử nghệ. 詰朝爾射, 死藝 (Đến sáng mai khi ngươi bắn tên, do nghề bắn giỏi mà bị
chết đấy.)
– Đông noãn nhi nhi hào hàn, niên phong nhi thê đề cơ. 冬暖而兒號寒年丰而妻啼飢 (Mùa đông ấm
mà con kêu gào vì lạnh, năm được mùa mà vợ khóc vì đói.)
PHẦN II – CẤU TRÚC CƠ BẢN
I. Câu đơn
1. Câu phán đoán
a/ « 者, 也 ».
Thí dụ: Liêm Pha giả, Triệu chi lương tướng dã. 廉頗者, 趙之良將也 (Liêm Pha là tướng giỏi của
nước Triệu.)
Biến thể: Hoặc lược bỏ 者 và 也. Thí dụ: Tuân Khanh, Triệu nhân. 荀卿, 趙人 (Tuân Khanh là người
nước Triệu.) = Tuân Khanh giả, Triệu nhân dã. 荀卿者, 趙也.
b/ « 也 ».
Thí dụ: Thử Đông Hải dã. 此東海也 (Đây là Đông Hải.)
c/ « 為 ».
Thí dụ: Dân vi quý, quân vi khinh. 民為貴,君為輕 (Dân thì quý, vua thì nhẹ.)
d/ « 曰 ».
Thí dụ: Ấu nhi vô phụ viết cô. 幼而無父曰孤 (Nhỏ dại không cha gọi là mồ côi.)
e/ « 是 ».
Thí dụ: Cự thị phàm nhân. 巨是凡人 (Cự là kẻ tầm thường.)
f/ « 則 ».
Thí dụ: Thử tắc Nhạc Dương Lâu chi đại quan dã. 此則岳陽樓之大觀也 (Chỗ này ắt là nơi có thể
quan sát rộng khắp của lầu Nhạc Dương.)
g/ « 即 ».
Thí dụ: Lương phụ tức Sở tướng Hạng Yến. 梁父即楚將項燕 (Cha của Lương tức là tướng Hạng Yến
của nước Sở.)
h/ « 乃 ».
Thí dụ: Đương lập giả nãi công tử Phù Tô. 當立者乃公子扶蘇 (Người đáng lập là công tử Phù Tô.)
i/ « 非 ».
Thí dụ: Nhân phi thảo mộc. 人非草木 (Người đâu phải là cây cỏ.)
j/ « 匪 ».
Thí dụ: Ngã tâm phỉ thạch. 我心匪石 (Lòng ta nào phải là đá.)
2. Câu trần thuật
a/ «Chủ ngữ + động từ».
Thí dụ: Hạng Vương nộ. 項王怒 (Hạng Vương nổi giận.)
b/ «Chủ ngữ + động từ+ tân ngữ».
Thí dụ: Điền Trung hữu châu. 田中有珠 (Điền Trung có ngọc châu.)
c/ «Chủ ngữ + động từ+ tân ngữ gián tiếp (: người) + tân ngữ trực tiếp (: vật)».
Thí dụ: Từ giả tứ kỳ xá nhân chi tửu. 祠者賜其舍人卮酒 (Người cúng tế tặng cho môn khách của
mình một nậm rượu.)
d/ «Chủ ngữ + động từ 1+ kiêm ngữ + động từ 2 + tân ngữ». (Kiêm ngữ = thành phần vừa là tân ngữ
của động từ 1 vừa là chủ ngữ động từ 2.)
Thí dụ: Đế mệnh Khoa Nga thị nhị tử phụ nhị sơn. 帝命夸娥氏二子負二山 (Vua ra lệnh hai con của
Khoa Nga vác hai quả núi.) – Tần vương bái Lý Tư vi khách khanh. 秦王拜李斯為客卿 (Vua Tần cho
Lý Tư làm khách khanh.)
e/ «Chủ ngữ + động từ 1+ tân ngữ 1 + 而 + động từ 2 + tân ngữ 2».
Thí dụ: Tống nhân / thích kỳ lỗi / nhi / thủ chu. 宋人 釋其耒 而 守株 (Người nước Tống đã vất bỏ cày
của mình mà ôm gốc cây.)
f/ «Chủ ngữ + 不如 (=不若) + tân ngữ».
Thí dụ: Từ Công / bất nhược / quân chi mỹ. 徐公 不若 君之美 (Từ Công không đẹp như ngài.)
g/ «cấu trúc bị động».
Xem lại các thí dụ ở mục IX trên đây.
3. Câu miêu tả
a/ «Chủ ngữ + tính từ».
Thí dụ: Tấn cường. 晉強 (Nước Tấn mạnh.)
b/ «Chủ ngữ + tính từ 1 + 而 + tính từ 2».
Thí dụ: Vệ nhược nhi bần. 衛弱而貧 (Nước Vệ yếu và nghèo.)
c/ «Chủ ngữ + tính từ 1 + 且 + tính từ 2».
Thí dụ: Lão nông chi thê tật thả hãn. 老農之妻嫉且悍 (Vợ lão nông phu kia đã ghen ghét mà còn hung
dữ.)
d/ «Chủ ngữ + số từ».
Thí dụ: Hậu cung giai lệ tam thiên. 後宮佳麗三千(Người đẹp trong hậu cung có 3000 người.)
4. Câu hỏi
a/ «Chủ ngữ + danh từ + 歟 ».
Thí dụ: Phu tử thánh giả dư? 夫子聖者歟 (Phu tử là bậc thánh chăng?)
b/ « 孰 (= 誰) + 能 ».
Thí dụ: Thục năng vô hoặc? 孰能無惑 (Ai mà không có điều nghi hoặc?)
c/ « A 與 B+ 孰 + tính từ» = « A 孰與 B + tính từ».
Thí dụ: Ngô dữ Từ Công thục mỹ ? 吾與徐公孰美 [= Ngô thục dữ Từ Công mỹ? 吾孰與徐公美] (Ta
với Từ Công ai đẹp hơn?)
d/ « 何也 ».
Thí dụ: Kim tử hữu ưu sắc, hà dã? 今子有憂色, 何也 (Nay ngài có vẻ lo âu, sao thế?)
e/ «Chủ ngữ + 不亦 + tính từ + 乎 ».
Thí dụ: Hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc duyệt hồ? 有朋自遠方來不亦說乎 (Có bạn từ phương
xa đến chẳng là vui sao?)
f/ « 豈 ».
Thí dụ: Khởi hữu thử lý? 豈有此理 (Lẽ nào có cái lý ấy?)
g/ « 胡 ».
Thí dụ: Hồ bất quy? 胡不歸 (Sao chẳng quay về đi?)
h/ « 安 ».
Thí dụ: Ngô an vãng nhi bất lạc? 吾安往而不樂 (Ta đi đâu mà chẳng thấy vui?) – Binh bần dân khổ,
ngô an khả độc lạc? 兵貧民苦吾安可獨樂 (Binh nghèo dân khổ, làm sao ta có thể vui sướng riêng một
mình cho được?)
i/ « 盍 ».
Thí dụ: Hạp các ngôn nhĩ chí? 盍各言爾志 (Mỗi người trong các anh sao chẳng nói lên chí hướng của
mình đi?)
5. Câu phủ định
a/ « 不 / 弗 + động từ/tính từ ».
Thí dụ: Đắc chi tắc sinh, phất đắc tắc tử. 得之則生弗得則死 (Được nó thì sống, không được nó thì
chết.)
Chú ý: «Bất» và «phất» dùng thông với nhau. Kể từ đời Hán Chiêu Đế 漢昭帝 (Lưu Phất Lăng 劉弗陵,
86-74 tcn), do kỵ huý, «phất» bị thay thế bằng «bất».
b/ « 毋 / 無 / 勿 / 莫 / 休 » (ngăn cản/cấm đoán).
Thí dụ: Đại vô xâm tiểu. 大毋侵小 (Nước lớn chớ xâm lược nước nhỏ.) – Vô vọng ngôn. 毋妄言 (Chớ
nói càn.) – Khuyến quân hưu thán hận. 勸君休嘆恨 (Xin ông đừng than thở oán hận.) – Mạc sầu tiền
lộ vô tri kỷ. 莫愁前路無知己 (Chớ buồn nẻo trước không tri kỷ.) – Dĩ vãng sự vật truy tư, vị lai
sự vật nghinh tưởng, hiện tại sự vật lưu niệm. 已往事勿追思, 未來事勿迎想, 現在事勿留念 (Việc đã
qua chớ truy cứu nữa, chuyện mai sau chớ đón trước mà nghĩ ngợi; việc hiện tại chớ lưu lại làm kỷ
niệm.).
c/ « 未 / 未嘗 » (chưa/ chưa từng).
Thí dụ: Kiến ngưu vị kiến dương dã. 見牛未見羊也 (Anh đã thấy trâu chứ chưa thấy dê.)
d/ « 非 / 匪 + danh từ ».
Thí dụ: Tử phi ngư an tri ngư chi lạc? 子非魚安知魚之樂 (Ông chẳng phải là cá, sao biết được niềm
vui của cá?)
e/ « 亡 ».
Thí dụ: Nhân giai hữu huynh đệ, ngã độc vong. 人皆有兄弟我獨亡 (Ai cũng có anh em, riêng ta thì
không.) – Vấn hữu dư, viết vong hĩ. 問有餘曰亡矣 (Hỏi có dư không, thì trả lời là không.)
f/ « 否 ».
Thí dụ: Phàm thử ẩm tửu, hoặc túy hoặc phủ. 凡此飲酒或醉或否 (Lần đó uống rượu, có người say, có
người không say.) – Như thử tắc động tâm phủ hồ? 如此則動心否乎 (Nếu thế nó có làm động tâm của
ngài không?) – Tri khả phủ, tri dã. 知可否知也 (Biết điều có thể và điều không thể, đó là biết vậy.)
f/ « 靡 ».
Thí dụ: Thiên mệnh mỵ thường. 天命靡常 (Mệnh trời không cố định.)
6. Câu cầu khiến
a/ Câu phát biểu ngụ ý cầu khiến.
Thí dụ: Tử vị ngã vấn Mạnh Tử. 子為我問孟子 (Xin ngài hỏi Mạnh Tử giùm tôi.)
b/ « 請 ».
Thí dụ: Vương thỉnh độ chi. 王請度之 (Xin nhà vua hãy đo đạc nó.) «Thỉnh» có thể đi với ngôi thứ
nhất: Thần thỉnh vị vương ngôn nhạc. 臣請為王言樂 (Cho phép thần vì bệ hạ mà nói về âm nhạc.)
c/ Dùng « 毋 / 無 / 勿 / 莫 / 休 » để tỏ sự ngăn cản / cấm đoán.
(Xem các thí dụ ở mục 5b ngay trên đây.)
II. Câu phức
1. Câu ghép.
Ghép hai câu đồng đẳng (ngang hàng), ngụ ý «và», «hoặc/hay», «nhưng/mà». Thí dụ:
– Nhậm trọng nhi đạo viễn. 任重而道遠 (Trách nhiệm nặng nề mà đường thì xa.)
– Sự Tề hồ, sự Sở hồ? 事齊乎事楚乎 (Phục vụ cho nước Tề hay nước Sở?)
2. Câu chính-phụ.
Ghép hai câu có quan hệ «chính-phụ». Câu chính mang ý chính, câu phụ diễn tả: sự nhượng bộ (tương
phản), nguyên nhân, điều kiện,
a/ Câu phụ chỉ nhượng bộ.
Dùng các chữ « 雖 / 縱 » trong câu phụ chỉ nhượng bộ. Thí dụ:
– Tuy Nghiêu, Thuấn. Vũ, Thang phục sinh, phất năng cải dĩ. 雖堯舜禹湯復生, 弗能改已 (Dù cho
Nghiêu Thuấn, Vũ, Thang có sống lại cũng không thay đổi được gì.)
b/ Câu phụ chỉ nhân quả.
Câu chính (chỉ kết quả) mở đầu là « 故 / 是以 / 是故 ». Thí dụ:
– Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc dữ tranh. 夫唯不爭, 故天下莫與爭 (Vì ta không tranh với
ai nên thiên hạ không tranh với ta.)
– Kỳ ngôn bất nhượng, thị cố thẩn chi. 其言不讓, 是故哂之 (Lời lẽ hắn không khiêm nhường, nên ta
mỉm cười hắn.)
c/ Câu phụ chỉ điều kiện.
Dùng các chữ « 苟 / 若 / 如 / 使 /非 » trong câu phụ chỉ điều kiện. Thí dụ:
– Cẩu vô dân, hà dĩ hữu quân. 苟 無民何以有君 (Nếu không có dân, có vua để làm gì?)
– Cẩu hữu dụng ngã giả, kỳ nguyệt nhi dĩ khả dã. 苟有用我者, 期月而已可也 (Nếu có ai dùng ta, ắt
trong một tháng việc này sẽ xong.)
– Sử nhân bất dục sinh, bất ố tử, tắc bất khả đắc nhi chế dã. 使人不欲生不惡死則不可得而制也 (Nếu
dân không ham sống và không sợ chết, thì không thể nào khống chế được họ.)
– Phi ngã tộc loại, kỳ tâm tất dị. 非我族類其心必異 (Nếu không cùng tộc loại với ta, lòng dạ của họ ắt
sẽ khác đi.)
Sách tham khảo
1. Điền Thụy Quyên 田瑞娟 & Trương Liên Vinh 張聯榮, Văn Ngôn Văn Yếu Lãm 文言文要覽, Bắc
Kinh Đại học xbx 北京大學出版社, 1988.
2. Lưu Cảnh Nông 劉景農, Hán Ngữ Văn Ngôn Ngữ Pháp 漢語文言語法. Trung Hoa Thư Cục 中華
書局, 1994.
3. Lý Lâm 李林, Cổ đại Hán Ngữ Ngữ Pháp Phân Tích 古代漢語語法分析, Trung Quốc Xã hội Khoa
học xbx 中國社會科學出版社, 1996.
4. Thân Tiểu Long 申小龍, Trung Quốc Cú Hình Văn Hoá 中國句型文化, Đông Bắc Sư phạm Đại
học xbx 東北師範大學出版社, Cát Lâm 吉林, 1988.
5. Trần Cao Xuân 陳高春 (chủ biên), Thực Dụng Hán Ngữ Ngữ Pháp Đại Từ Điển 實用漢語語法大
辭典, Chức Công Giáo Dục xbx 職工教育出版社, Bắc Kinh 北京, 1989.
6. Christoph Harbsmeier, Aspects of Classical Chinese Syntax, Curzon Press, Denmark, 1981.
7. Edwin G. Pulleyblank, Outline of Classical Chinese Grammar, UBC Press, Vancouver, 2000.
8. Gregory Chiang, Language of the Dragon – A Classical Chinese Reader, Vol 1, Cheng&Tsui
Company, USA, 1998.
9. Harold Shadick & Ch’iao Chien, A First Course in Literary Chinese, Vol 1, Cornell University
Press, 1992.
10. Michael A. Fuller, An Introduction to Literary Chinese, Harvard University Press, 1999.
< về trang chính >
© và http://vietsciences. org Lê Anh Minh