Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Bí quyết “hóa giải” những câu hỏi phỏng vấn khó ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (100.28 KB, 5 trang )

Bí quyết “hóa giải”
những câu hỏi phỏng
vấn khó

Trong các buổi phỏng vấn, ngoại trừ những người có kinh nghiệm
phỏng vấn “kỳ cựu” thì hầu hết ứng viên đều bị tình trạng tim đập
như trống, toát mồ hôi hột hay thậm chí nói lắp. Nhiều ứng viên đã
than rằng mình bị “quay” bởi những câu hỏi phỏng vấn quá khó!
Quả thật, câu hỏi phỏng vấn khó là một trở ngại đối với rất nhiều
ứng viên. Tuy nhiên, nếu muốn chinh phục được nhà tuyển dụng
(NTD) và có được công việc mong muốn thì không còn cách nào
khác là bạn phải “hóa giải” được những câu hỏi phỏng vấn khó.
Làm sao để vượt qua ngọn núi “hiểm trở” đó?

Bạn đã từng nghe câu hỏi này bao giờ chưa: “Tại sao nắp cống (manhole
cover) lại có hình tròn mà không phải hình vuông hay hình chữ nhật?”
Đây là một câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng khó điển hình của Microsoft.
Nhìn chung, có thể thấy câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng khó đòi hỏi ứng
viên phải nhanh nhạy và sắc sảo. Tuy nhiên dễ hay khó là một khái niệm
tương đối vì một câu hỏi dễ với người này có thể là quá khó đối với
người khác.

Tin vui cho bạn đây: khi đặt ra những câu hỏi phỏng vấn khó, hầu hết
NTD không có ý gây khó dễ cho ứng viên. Mục đích của họ chỉ là muốn
biết xem ứng viên có kỹ năng và kinh nghiệm thật sự phù hợp với công
việc hay không, rằng ứng viên có khả năng chịu được áp lực công việc
hay không… Chính vì thế, chỉ cần bạn chuẩn bị tốt là có thể hóa giải
được phần lớn câu hỏi “khó” của NTD:

Trước buổi phỏng vấn:
Bạn nên chuẩn bị câu trả lời cho những câu hỏi “gai góc” mà NTD có


thể hỏi. Muốn làm được điều này, bạn cần xác định rõ mục tiêu nghề
nghiệp, kỹ năng, kinh nghiệm, điểm mạnh và điểm yếu của mình, mức
lương mong muốn … Đồng thời, bạn nên truy cập vào trang chủ của
công ty tuyển dụng để tìm hiểu về ngành nghề kinh doanh, sản phẩm,
các thành công mà công ty đã đạt được … Những thông tin này sẽ giúp
bạn không rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” như anh Đăng, một
nhân viên kinh doanh, đã gặp phải khi đến phỏng vấn ở một công ty
CNTT. Do không tìm hiểu về công ty từ trước nên khi NTD hỏi: “Anh
đánh giá cao sản phẩm X của chúng tôi ở điểm nào?”, anh Đăng lại mô
tả những tính năng của sản phẩm Y - một sản phẩm khác của công ty!
Sau đó, bạn có thể nhờ một người bạn đóng vai NTD rồi tập trả lời
phỏng vấn cho đến khi cảm thấy hoàn toàn tự tin.

Trong lúc phỏng vấn:
Bạn nên lắng nghe thật kỹ câu hỏi của NTD. Nếu gặp câu hỏi khó “trật
tủ”, bạn hãy hít một hơi thật sâu để trấn tĩnh rồi suy nghĩ cách trả lời.
Thông thường, với những câu hỏi khó, NTD sẽ coi trọng cách ứng viên
lập luận để trả lời hơn là nội dung của câu trả lời. Vì thế, bạn cứ trả lời
theo cách bạn cho là hợp lý nhất. Chẳng hạn khi gặp câu hỏi “Làm thế
nào để không bị máy quay sinh tố cắt nếu bạn đột nhiên bị biến thành
nhỏ xíu và rơi vào trong máy?”, bạn có thể trả lời “Tôi sẽ bám vào thành
máy, gần cánh quạt vì nơi nguy hiểm nhất cũng là nơi an toàn nhất”.

Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, NTD sẽ đánh giá cao các câu trả
lời đi thẳng vào vấn đề và chân thật. Nhiều ứng viên trả lời như được
“lập trình” từ trước nên khi NTD hỏi cặn kẽ hơn, họ bị lúng túng ngay.
Chị Linh Lan, Trưởng Phòng Nhân sự của AIG Life Việt Nam, cho biết
chị đã từng gặp một ứng viên cho rằng mình có những điểm mạnh như là
dễ dàng thích nghi với sự thay đổi, luôn tìm tòi, học hỏi và sáng tạo. Tuy
nhiên, khi chị yêu cầu người này cho ví dụ cụ thể về khả năng ấy được

thể hiện trong công việc thì anh ta lại lúng túng và trả lời: “Tôi không
nhớ rõ!”. Trả lời như thế thì ứng viên chắc chắn sẽ “mất điểm” trong mắt
NTD.

Sau buổi phỏng vấn:
Bạn nên ghi lại những câu hỏi bạn không trả lời được hoặc trả lời không
tốt để dành nghiên cứu. Lỡ như lần phỏng vấn này không đạt thì chúng
sẽ hữu ích cho bạn trong những lần sau. Bên cạnh đó, hãy gửi NTD một
lá thư cám ơn (Thank you letter), trong đó bày tỏ sự cảm kích của bạn về
buổi phỏng vấn và khẳng định lần nữa bạn rất muốn có công việc này.
Lá thư này không thể cứu vãn được một cuộc phỏng vấn quá tệ nhưng
có thể giúp bạn gây được ấn tượng tốt với NTD. Biết đâu sao này họ lại
có cơ hội việc làm khác dành cho bạn!

Điều đáng sợ nhất đối với NTD chính là tuyển không đúng người cho
công việc. Vì vậy, nếu NTD có dành những câu hỏi đầy thử thách cho
ứng viên để kiểm tra khả năng xử lý vấn đề hay chịu đựng áp lực của họ
thì cũng là chuyện bình thường. Chỉ cần bạn chuẩn bị thật chu đáo, giữ
bình tĩnh, trả lời tự tin và đi thẳng vào vấn đề, thể hiện hết kỹ năng và sự
đam mê công việc của mình thì phỏng vấn tuyển dụng sẽ không còn là
ngọn núi “hiểm trở” đối với bạn nữa!

Theo vnw

×