Học nhóm - đơn giản
mà hiệu quả !
Học theo nhóm là một cách học thầy trò đều có lợi. Chẳng những thế, nó
còn gắn chặt tình bạn giữa các thành viên.
1. Học nhóm là gì?
Học nhóm, nghĩa là chúng ta không phải ngồi trên lớp với các thầy cô bộ
môn thay phiên nhau dạy, cũng không phải ngồi ở nhà một thầy cô bộ
môn nào đó để học mà chỉ có ta với lũ bạn.
Thế nhưng học nhóm với hội bạn cũng có những ưu điểm hơn các cách
học khác. Đó là không khí tương đối dễ thở hơn và thời gian thì tự do.
Bạn có thể đến học nhóm trễ mà chẳng sợ bị ghi tên kỷ luật hay bị thầy
cô quở trách, cùng lắm bạn sẽ được nện mấy cú vào lưng vì tội "không
tôn trọng tập thể", sau đó chúng nó cũng toe toét cười và bắt đầu học
cùng bạn.
Học nhóm nghĩa là bạn vừa đóng vai giáo viên và cũng kiêm luôn học
sinh, nghĩa là bạn vừa có thể ngồi giảng giải các bài toán "tủ" của mình
cho cô bạn kế bên, vừa có thể quăng một mớ câu hỏi mà bạn còn thắc
mắc trên lớp và chưa dám hỏi trực tiếp giáo viên bộ môn cho lũ bạn giải
đáp. Bạn sẽ chẳng ngại ngùng gì cả, vì chúng nó quá hiểu bạn và cũng
chẳng ai chê bạn dốt trước những câu hỏi "củ chuối" của bạn cả. Đơn
giản vì những người thầy đó chính là những người bạn thân của bạn.
2. Những môn nào có thể học nhóm? Và học như thế nào?
Nếu bạn học thật sự nghiêm túc thì tất cả các môn từ xã hội học đến các
môn khoa học chúng ta đều có thể học nhóm. Đối với các môn nằm
trong diện học thuộc lòng, hình thức học nhóm có vẻ đơn giản hơn, vì
những con chữ đã được phơi bày ra trước mắt, việc còn lại của bạn chỉ là
nuốt chúng vào bộ nhớ và trả bài lại cho lũ bạn. Sau đó bạn sẽ làm công
việc ngược lại với từng thành viên trong nhóm. Điều đó sẽ giúp bạn tiếp
thu bài rất tốt, vì bạn sẽ nghe chúng nó trả đi trả lại một bài học thật
nhuần nhuyễn và điều đó sẽ khắc sâu vào bộ nhớ của bạn hơn là khi bạn
ngồi một góc ở nhà lẩm bẩm một mình.
Còn với các môn Toán - Lý - Hoá thì đòi hỏi trong nhóm phải có một
thành viên "nhỉnh" hơn các thành viên còn lại một tẹo. Vì nếu như ai
cũng như nhau thì khi gặp một bài toán khó, sẽ có vô số những cặp mắt
ngơ ngác nhìn nhau, vò đầu bức tóc rồi cả nhóm sẻ quyết đinh vẽ
một trái bí thật to vào bài giảng mất thôi! Hầu hết khi học nhóm với các
môn này, trong nhóm phải có ít nhất một XY thông minh và tận tình nào
đó để giảng giải từng chi tiết cho các cô bạn của mình.
3. Nguyên nhân dẫn đến học nhóm tan rã? Làm thế nào để khắc
phục?
Thế nhưng, đa phần các lớp học nhóm hoạt động có thời hạn. Nguyên
nhân chủ yếu là khi tụ tập các hội viên để học nhóm, sẽ có tình trạng dây
dưa với các câu thở dài như sau "Hôm nay xé nháp đi chơi một bữa đi,
mai học!" và ngày mai ấy không bao giờ đến.Thế là thay vì bỏ thời
gian để tiếp thu kiến thức, chúng ta lại lấy thời gian đó để vùi vào những
cuộc chơi ngớ ngẩn mà chẳng lợi ích gì cả. Từ đó, quan niệm "học
nhóm" sẽ trở thành "tụ tập nhóm".
Một nguyên nhân khác là khi qua nhà một đứa bạn, chúng ta thường tò
mò về phòng ốc của bạn mình, rồi thế là cả bọn tung tăng chạy lên chạy
xuống khắp phòng, đứa thì ôm nguyên một bộ truyện đọc tại chỗ, mấy
bà con gái thì chạy xuống bếp mà lục lọi, những tên con trai dính chặt
vào máy tính khám phá các trò game. Và bữa học nhóm kết thúc với câu
chào "Hôm nay qua nhà cậu chơi vui quá!"
Để khắc phục tình trạng này, chúng ta nên bầu ra một trưởng nhóm, là
người chững chạc và có khả năng quản lí hội bạn quỷ sứ của mình. Để
khi một thành viên trong nhóm bắt đầu "giở chứng" thì trưởng nhóm sẽ
biết cách khắc phục, khi đó các thành viên trong nhóm cũng ngoan
ngoãn nghe theo. Với chính mình, bạn cần phải kiên quyết hơn, đừng để
bị quyến rũ với các thú vui chơi khác. Nên nhớ rằng thời gian có giới
hạn và bạn đến đây để học chứ không phải để chơi. Đừng đợi đến khi ra
về bạn mới thấy tiếc nuối vì một ngày vô bổ trôi qua và bạn chẳng tiếp
thu được cái gì mới cả.
4. Tác dụng của học nhóm?
Học theo nhóm là một cách học mà thầy trò đều có lợi. Chẳng những
thế, nó còn gắn chặt tình bạn giữa các thành viên trong nhóm với
nhau.Vì sau khi kết thúc một buổi học nhóm, thường thì cả bọn sẽ rủ
nhau đi ăn chè uống nước để giải toả căng thẳng.
Bạn đã có một nhóm học cho riêng mình chưa?
Teen.vn/Theo MT