Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Cơ thể người – Phần 2 docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (126.28 KB, 5 trang )

Những phát hiện về vạn vật và con người
Cơ thể người – Phần 2

Sự thống trị của Galen
Trong suốt mười lăm thế kỷ, nguồn hiểu biết chủ yếu của các bác sĩ
phương Tây về cơ thể người lại không phải là chính cơ thể con người.
Ngược lại, họ dựa vào những tác phẩm cổ điển của một thầy thuốc Hy Lạp
thời cổ đại. “Kiến thức” lại là rào cản tri thức. Nguồn cổ điển lại trở thành
một vật cản.
Trong tất cả các tác giả cổ đại ngoại trừ Aristote và Ptolêmê, không ai
ảnh hưởng lớn hơn Galen (130-200). Ông sinh tại Peramum bên Tiểu Á và
cha mẹ ông là người Hi Lạp.
Ông bắt đầu học ngành y khoa từ tuổi 15. Sau một thời gian làm việc
dưới sự hướng dẫn của các giáo sư y khoa ở Smyrna, Corinth và Alexandria,
năm 28 tuổi ông trở về quê Pergamum của ông để làm bác sĩ cho các đấu sĩ.
Ở thời đại mà việc giải phẫu tử thi là điều cấm kỵ, ông đã lợi dụng
các cơ hội để học từ những gì ông thấy nơi vết thương của các tay đấu sĩ.
Khi ông dời tới Rôma, ông chữa trị cho một số bệnh nhân tên tuổi, giảng dạy
y khoa và cuối cùng trở thành bác sĩ cho hoàng đế triết gia Marcus Aurelius
và hoàng tử Commodus. Người ta nói Galen đã viết khoảng 500 khảo luận
bằng tiếng Hi Lạp về giải phẫu, sinh lý, tu từ, văn phạm, kịch nghệ và triết
học. Có lẽ ông là văn sĩ phong phú nhất thời cổ đại.
Hơn một trăm tác phẩm của ông hiện còn tồn tại, trong đó có một
khảo luận về thứ tự các tác phẩm ông viết và các tác phẩm của ông còn đến
ngày nay có thể chứa trong 20 cuốn sách dày.
Theo Galen, vì kiến thức là sự tích lũy, nên người thầy thuốc tiến bộ
phải học hỏi Hipppcrate và tất cả những thầy thuốc lớn trước kia. Ông thúc
đẩy các đồng nghiệp để đang khi họ học hỏi từ kinh nghiệm, họ tập trung
vào những kiến thức hữu ích để chữa trị bệnh nhân.
Ông đã nghiên cứu đặc biệt về mạch và chứng minh rằng các động
mạch không dẫn không khí như nhiều người khác vẫn nghĩ, nhưng chúng


dẫn máu. Người ra nói ông rất tài giỏi về chẩn đoán và ông còn viết một
khảo luận về bệnh giả vờ.
Tác phẩm danh tiếng nhất của ông dày khoảng 700 trang giấy in, là
Về lợi ích của các Bộ Phận Cơ Thể. Trong tác phẩm này, ông mô tả từng chi
và cơ quan và cắt nghĩa chúng phục vụ các chức năng với những mục đích
riêng biệt như thế nào.
Cả khi ông dựa vào Aristote, ông vẫn nhắc nhở các độc giả của ông
phải cảnh giác đối với thứ y khoa mô phạm. “Nếu ai muốn quan sát những
kỳ công của Thiên nhiên, họ phải đặt sự tin tưởng của mình không phải vào
những sách nói về giải phẫu, mà chính mắt của mình hoặc đến với tôi hay
tham khảo các đồng sự của tôi, hay tự mình chuyên chăm tập luyện mổ xẻ;
nhưng nếu họ chỉ đọc mà thôi, họ sẽ có khuynh hướng tin mọi điều các nhà
giải phẫu xưa kia đã nói, vì có nhiều nhà giải phẫu như thế”. Galen cho thấy
ông là một bác sĩ thực nghiệm, liên tục nại đến kinh nghiệm.
Nhưng lịch sử luôn có những điều trớ trêu. Khi các sách của Galen trở
thành kinh điển thì tinh thần của ông lại bị lãng quên. Trong nhiều thế kỷ,
“học thuyết Galen” sẽ là giáo điều chủ yếu của người thầy thuốc.
Cũng như những tác phẩm của Aristote đã trở thành nền tảng của triết
học kinh viện, thì những tác phẩm của Galen đã đặt nền cho khoa y học kinh
viện. Vì ông viết bằng tiếng Hi Lạp, ảnh hưởng đầu tiên của ông là tại
Alexandria và Constantinople, những phần còn lại phía đông Đế Quốc Rôma
và ở vùng Hồi giáo lân cận.
Ngay trong thời đại của Galen, một nhà quan sát sâu sắc và quyết
đoán như Leonardo da Vinci (1452-1519) có thể mô tả những gì chính mắt
mình trông thấy. Leonardo có ý định viết một khảo luận về giải phẫu học,
cùng với các khảo luận khác về hội họa, kiến trúc và cơ học. Ông không bao
giờ xuất bản những sách đó, nhưng sau khi ông mất, đã có một tác phẩm viết
về hội họa và một tác phẩm khác về chuyển động và đo lường của nước đã
được soạn từ những bài ghi chép của ông. Giá mà ông đã hoàn tất tác phẩm
về giải phẫu học của ông và giá mà nó đã được xuất bản, hẳn là khoa y học

đã tiến bộ nhanh hơn nhiều. Nhưng Leonardo ít khi làm xong cái gì. Một số
phận trêu ngươi đã khiến ông bỏ dở hai bức họa quan trọng nhất của ông,
tượng đài Sforza và bức tính họa Trận chiến Anghiari.
Sau khi ông chết, khoảng năm ngàn trang giấy bản thảo của ông bị tản
mác khắp nơi để trở thành những mục sưu tầm. Hầu như trang nào cũng bộc
lộ sự bao quát của lãnh vực của đầu óc ông và trí tò mò không giới hạn của
ông. Ví dụ, chỉ một trang diễn tả sự quan tâm của ông về đường cong, ông
đã vẽ những đường cong hình học, một hình tóc quăn, những lá cỏ cong
lượn quanh một cây huệ, những nét vẽ về cây, những cụm mây cong tròn,
những gợn sóng nước và bản thiết kế con ốc của máy ép.
Nhưng Leonardo còn chứng tỏ là một nhà giải phẫu tiên phong. Ông
viết, “Con mắt là cửa sổ của linh hồn, là phương tiện chính yếu nhờ đó trí
khôn có thể thường thức đầy đủ và phong phú những tác phẩm vô cùng của
Thiên Nhiên; và tai đứng ở vị trí thứ hai”. Không lạ gì sự thính mắt thính
mũi của Leonardo khiến ông ghê sợ trước một xác chết. Thế nhưng đối với
ông, mọi dấu vết và mạch máu và nốt điểm của thế giới này đều là linh thánh.
Phủ nhận bất kỳ cái gì mình thấy thì là một trọng tội. “Kinh nghiệm không
hề lầm lần. Chỉ có phán đoán của ta sai lầm khi tự hứa hẹn cho mình những
kết quả mà không phải do kinh nghiệm của bạn đem lại. Chính vì thế
Leonardo rất ngần ngại đưa những sự kiện mình quan sát trở thành những
nguyên tắc “phổ quát”, như trong vấn đề tuần hoàn máu.
Kiến thức giải phẫu học mà chúng ta rút ra được từ hàng ngàn tờ ghi
chép của Leonardo chứng tỏ ông đã nhìn thấy và ghi lại được những điều mà
những người khác trước ông không thấy. Giá mà ông đã tổng hợp được tất
cả những quan sát của mình và giá mà ông không bị chi phối bởi những
quan tâm phổ quát hơn của ông, hẳn ông đã trở thành người kế vị xứng đáng
của Galen.

×