Ôn thi đại học môn văn –phần 28
ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐH MÔN VĂN - KHỐI C NĂM 2006
PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH:
Câu I (2 điểm): Anh (chị) hãy nêu ý nghĩa hình ảnh “con tàu” và
địa danh “Tây Bắc” trong bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan
Viên.
Câu II (5 điểm): Trong bài Cảm nghĩ về truyện “Vợ chồng A Phủ”,
Tô Hoài viết:
“Nhưng điều kỳ diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực
của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt đói
khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt.” (Tác
phẩm văn học 1930 – 1975, Tập hai, NXB Khoa học Xã hội,
1990. tr.71)
Phân tích nhân vật Mỵ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (đoạn
trích được học) của Tô Hoài để làm sáng tỏ nhận xét trên.
PHẦN TỰ CHỌN: Thí sinh chọn câu III.a hoặc câu III.b
Câu III.a. Theo chương trình THPT không phân ban (3 điểm)
Bình giảng khổ thơ sau trong bài Đây mùa thu tới của Xuân Diệu:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng:
Đây mùa thu tới – mùa thu tới,
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
(Văn học 11, Tập một, NXB Giáo dục, tái bản 2004, tr.131)
Câu III.b. Theo chương trình THPT phân ban thí điểm (3 điểm)
Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã
xây dựng được một tình huống truyện mang ý nghĩa khám phá,
phát hiện về đời sống. Anh (chị) hãy làm rõ điều đó.
BÀI GIẢI GỢI Ý
PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH:
Câu I (2 điểm):
Yêu cầu trả lời ngắn gọn nêu rõ ý nghĩa hình ảnh “con tàu” và địa
danh “Tây Bắc”
Trong thực tế, khi sáng tác bài thơ này (1960) cũng như đến nay
chưa có đường tàu lên Tây Bắc. Trong tâm thức của người Việt
Nam ta, hình ảnh con tàu chứa đựng một cái gì lớn lao, chuyển
tải một ước ao to lớn.
Cho nên hình ảnh con tàu được Chế Lan Viên sử dụng mang ý
nghĩa biểu tượng cho khát vọng lên đường mạnh mẽ tìm về cuộc
sống rộng lớn của nhân dân và đất nước, vượt qua cuộc sống tù
túng chật hẹp trong vỏ ốc cá nhân. Đó cũng là khát vọng tìm về
với ngọn nguồn của cảm hứng sáng tạo thơ ca. Con tàu không có
ngoài thực tế nhưng rất chân thật trong tâm tưởng của nhà thơ.
Hình ảnh Tây Bắc ngoài ý nghĩa cụ thể chỉ một vùng đất cụ thể
phía Tây Bắc của Tổ quốc, là vùng đất chiến khu xưa trong kháng
chiến chống Pháp, được tác giả sử dụng như một biểu tượng về
cuộc sống rộng lớn của nhân dân khắp mọi miền đất nước. Hình
ảnh Tây Bắc chính là đất nước và nhân dân rộng lớn trong tâm
tưởng nhà thơ.
Cho nên “Tiếng hát con tàu” mang ý nghĩa là lời giục giã, mời gọi
với khát vọng lên đường tìm về với nhân dân rộng lớn và đất
nước mênh mông.
Câu II (5 điểm):
Yêu cầu học sinh nắm chắc kỹ năng phân tích nhân vật. Chú ý ở
đây phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ để
làm sáng tỏ một nhận định văn học (Phân tích - chứng minh)
1. Tô Hoài là một trong số rất ít nhà văn Việt Nam viết thành công
về đồng bào dân tộc ở miền núi. Với truyện ngắn “Vợ chồng A
Phủ” (rút trong tập truyện Tây Bắc, 1953, giải nhất của Hội Văn
nghệ Việt Nam 1954-1955) lần đầu tiên Tô Hoài đã làm cho
người đọc xúc động trước cuộc sống nô lệ đầy tủi nhục của đồng
bào dân tộc Tây Bắc dưới ách thống trị của thực dân phong kiến
và cho thấy sức sống tiềm tàng mãnh liệt cũng như con đường
mà họ đã đến với cách mạng.
Đúng như tác giả Tô Hoài đã nói “Nhưng điều kỳ diệu là dẫu
trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết
được sức sống con người. Lay lắt đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn
sống, âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt”.
Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Mị được tác giả khắc họa
thật ấn tượng, rất sống động đã minh chứng cho điều ấy.
2. Phân tích nhân vật Mị:
a. Hình tượng nhân vật Mị “Lay lắt đói khổ, nhục nhã”: ngay từ
đầu truyện, tác giả đã đưa ra hình ảnh con người chịu đựng
nhiều đau thương tủi nhục “một cô gái ngồi quay sợi bên tảng đá
trước cửa, cánh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ
ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy
cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”.
Cô gái ấy chính là Mị, con dâu nhà Thống Lý Pá Tra. Làm dâu
nhà giàu nhất làng, nhiều nương rẫy, nhiều bạc, nhiều thuốc
phiện sao Mị lại khổ và buồn đến thế? Ngày xưa ở với bố dẫu
nhà nghèo nhưng Mị có buồn rười rượi vậy đâu! Mị vốn là cô gái
trẻ, xinh đẹp, mạnh khỏe, yêu đời, khao khát cuộc sống tự do.
Mị đã từng là cô gái trẻ, sống sôi nổi, thổi sáo hay, được biết bao
nhiêu trai làng mê, theo đuổi “trai đến đứng nhẵn cả chân vách
đầu buồng Mị”. Mị đã từng khao khát yêu thương và cũng có
người yêu hẹn hò chờ đợi. Ngày ấy Mị còn là một cô gái có nhân
cách với lòng tự trọng đáng quí, sẵn sàng lao động gian khổ để
được sống tự do chứ nhất quyết không chịu bán cho nhà giàu.
Mị nói với bố: “con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm
nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”,
câu nói ấy bộc lộ một tấm lòng hiếu thảo, cảm động biết bao! Thế
nhưng, Mị bỗng dưng bị bắt, cắt đứt khỏi môi trường sống quen
thuộc đưa vào xó nhà tăm tối đày đọa của nhà Thống Lý Pá Tra.
Thời gian đầu Mị có phản kháng “có đến hàng mấy tháng đêm
nào Mị cũng khóc”. Mị đã từng nghĩ đến cái chết, ăn nắm lá ngón
tự tử để thoát khỏi cuộc sống tủi nhục đau đớn ấy. Nhưng nếu Mị
chết thì quan bắt bố trả nợ, thế là Mị cũng đành chấp nhận sống
đày đọa, nhục nhã. Thật là một sự hy sinh đau đớn biết nhường
nào!
Từ đó, “ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”, Mị tưởng mình như
con trâu con ngựa. Lòng Mị chai đá lầm lũi, “Mị cúi mặt không
nghĩ ngợi nữa”. Cuộc sống đầu tắt mặt tối đã chôn vùi mọi cảm
xúc, suy nghĩ, ý thức nơi con người Mị, biến Mị thành một cái
bóng vật vờ, lặng lẽ “mỗi ngày Mị càng không nói, lầm lũi như con
rùa nuôi trong xó cửa.
Đời Mị chìm trong tăm tối, căm lặng. Rõ ràng, cường quyền và
thành quyền đè lên vai người con gái bị cúng ma nhà trời cho nhà
giàu có quyền trong chế độ phong kiến đã làm cho Mị sống âm
thầm, đói khổ.
b. Nhưng điều kỳ diệu là dẫu trong cùng cực đớn đau, đói khổ bị
chồng là A Sử vùi dập bắt trói trong buồng tối như một trò tàn ác
thời trung cổ, trong cô gái ấy vẫn có một sức sống tiềm tàng
mãnh liệt. Giữa cảnh mùa xuân núi rừng Tây Bắc, Mị nhớ và
sống lại những tết ngày xưa. “Mị lén lấy hũ rượu cứ uống ừng ực
từng bát”.
Chi tiết ấy thể hiện khát vọng sống mạnh mẽ, Mị như uống nỗi
đau thương uất hận vào lòng vì TS của mình bị chôn vùi trong xó
nhà này. Rồi Mị bị bắt trói trong buồng tối “Mị vẫn vùng bước đi”,
làm cho tay chân da thịt Mị thêm đau đớn, càng thể hiện rõ sức
sống tiềm tàng mãnh liệt trong tâm hồn của Mị. Nếu không xảy ra
chuyện A Sử bị đánh vỡ mặt, cần Mị đi tìm lá thuốc, chắc Mị cũng
đứng chết đứng trong cái buồng tối ấy.
Khi mâu thuẫn giữa thực tại phũ phàng và khát vọng sống tự do
lên đỉnh điểm, thì tác giả đã cởi nút bằng cách đưa nhân vật A
Phủ vào truyện. A Phủ là chàng trai mồ côi, vô tội, chỉ vì dũng
cảm liều sống chết để bảo vệ lẽ phải mà đã thành kẻ tôi đòi trong
nhà Thống Lí Pá Tra, rồi cũng bị trói đứng vào cột thay mạng cho
con bò nhà Thống Lí Pá Tra, chờ chết.
Những đêm đầu dẫu thấy A Phủ bị trói Mị vẫn thản nhiên, dường
như Mị đã trở thành kẻ cam chịu với nỗi sợ cố hữu đã ăn sâu vào
tâm hồn Mị. Hơn nữa, cảnh trói người ở cột trong buồng tối đến
chết trong nhà Thống Lí Pá Tra đã là chuyện bình thường rồi, có
gì lạ đâu. Thế tại đâu Mị đã lấy dao cắt trói cho A Phủ?
Trước tiên là Mị thấy thương người cùng cảnh ngộ. Mị cũng đã
từng bị chúng nó bắt về trình ma nhà này thì bị trói đến chết, đã
đành rồi, còn chàng trai vô tội kia, sao phải chết như thế? Từ đó,
Mị thấy “chúng nó thật độc ác”, nghĩa là Mị nhận ra bản chất độc
ác tàn bạo của cha con Thống Lí Pá Tra.
Như vậy, từ tấm lòng của người phụ nữ có lòng thương người,
cảm thông với người cùng cảnh ngộ đến sự uất hận căm ghét kẻ
thù độc ác đã thúc đẩy người cầm dao cắt trói cho A Phủ. Hành
động có tính bộc phát ấy thực ra cũng rất logíc với quá trình diễn
biến tâm lý của Mị, một cô gái yêu đời khao khát sống tự do đã bị
dồn nén trong tù túng đau khổ của chuỗi ngày dài uất hận. Tức
nước vỡ bờ.
Hành động cắt dây trói cho A Phủ cũng giống như hành động của
chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, đã đánh lại bọn
người nhà lý trưởng ngã chỏng quèo. Hành động ấy thể hiện cái
khát vọng sống, ngọn lửa yêu thương sự sống mãnh liệt đã cháy
bùng lên trong con người của Mị.
Sau phút hoảng loạn của hành động liều lĩnh, đơn độc, manh
động Mị đã đưa ra quyết định chớp nhoáng : chạy theo A Phủ.
Bởi vì “ở đây thì chết mất”. Sức sống tiềm tàng mãnh liệt, lòng
khao khát cuộc sống tự do đã chỉ đường cho hành động của Mị.
Rõ ràng hình ảnh của Mị chứa đựng một sức sống “tiềm tàng,
mãnh liệt” đúng như lời nhận xét của tác giả.
3. Kết luận: Tóm lại, với bút pháp giàu màu sắc dân tộc, đầy chất
thơ, lời văn giàu chất tạo hình, đặc biệt là ngòi bút phân tích tâm
lý nhân vật sắc sảo, tác giả đã thể hiện thành công cuộc sống nô
lệ “Lay lắt đói khổ, nhục nhã của Mị nói riêng và đồng bào Tây
Bắc nói chung dưới thời phong kiến thực dân ở miền núi.
Dòng máu tự do không bao giờ ngừng chảy trong huyết quản
thanh niên dân tộc, có những lúc tưởng chừng ngọn lửa khát
khao sự sống bị kẻ thù dập tắt, nhưng ngọn lửa ấy, khát vọng
sống ấy không bao giờ tắt, không gì có thể dập tắt được !. Xây
dựng hình tượng nhân vật Mị, một cô gái dân tộc Mèo xinh đẹp
với sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trước CMT8, nhà văn Tô Hoài
đã khẳng định với bạn đọc điều ấy.
PHẦN TỰ CHỌN: Thí sinh chọn câu III.a hoặc câu III.b
Câu III.a.
Yêu cầu học sinh nắm chắc kỹ năng bình giảng một đoạn thơ trữ
tình, cảm nhận được nét đặc sắc trong nghệ thuật và cảm xúc trữ
tình qua khổ thơ đầu của bài thơ Đây mùa thu tới, một tâm trạng
rất riêng của nhà thơ Xuân Diệu trước cảnh vật thiên nhiên và
cuộc đời.
1) Giới thiệu tác phẩm, tác giả và vị trí đoạn trích:
Bài thơ Đây mùa thu tới được rút trong tập thơ đầu tay của Xuân
Diệu, xuất bản năm 1938. Bài thơ bộc lộ cảm xúc trữ tình của tác
giả qua bức tranh miêu tả bước chuyển mùa từ hạ sang thu, thể
hiện cách cảm nhận thiên nhiên tinh tế, độc đáo đầy mới lạ của
một nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh). Bài
thơ có bốn khổ, đây là khổ thơ đầu khởi mạch cho vận động ý
thơ toàn bài.
2) Tâm trạng trữ tình và cách cảm nhận thiên nhiên tinh tế, mới
mẻ của Xuân Diệu.
a) Cả khổ thơ mở đầu : cảm nhận thiên nhiên vào thu ở phía cận
cảnh, từ dáng liễu đứng rũ buồn, cảnh lá rụng xuống như mái tóc
của người thiếu nữ rũ buồn, như hàng ngàn giọt lệ tuôn rơi và
nhà thơ rạo rực đón thu trong vẻ đẹp lộng lẫy, mỹ lệ.
Chi tiết hơn ở hai câu đầu: rất buồn, hình ảnh và nhịp điệu thơ ở
hai câu sau : háo hức, rộn rã. Khổ thơ dựng lên bức tranh thu
chứa đựng tâm trạng của cái tôi nhạy cảm với sự sống và khao
khát giao cảm với cuộc đời.
b) Trong thi ca truyền thống phương Đông, oanh vàng liễu biếc
thường để nói mùa xuân, TS và tình yêu. Người ta dành sen tàn,
lá ngô đồng rụng, cúc nở hoa để diễn tả mùa thu. Xuân Diệu lại
thấy tín hiệu của mùa thu trước hết nơi những hàng liễu rũ bên
hồ.
Trong thơ Xuân Diệu, dường như đầu mối của mọi so sánh liên
tưởng là những cô gái đẹp. Vậy thì những hàng liễu bên hồ, cành
mềm, lá mướt dài rũ xuống thướt tha, có thể tưởng tượng là
những thiếu nữ đứng cúi đầu cho những làn tóc dài đổ xuống
song song Là mái tóc mà cũng là những dòng lệ (lệ liễu).
Những dòng lệ tuôn rơi hàng nối hàng cùng chiều với những áng
tóc dài.
Vậy là mùa thu của Xuân Diệu tuy buồn mà vẫn đẹp, và nhất là
vẫn trẻ trung. Ở hai câu đầu của đoạn thơ, nhà thơ khai thác triệt
để thủ pháp láy âm để tạo nên giọng điệu buồn, đồng thời gợi tả
cái dáng liễu (hay những áng tóc dài) buông xuống, rủ mãi xuống.
Những “nàng liễu” đứng chịu tang một mùa hè rực rỡ vừa đi qua
chăng?
Tin thu tới trên hàng liễu, nhà thơ như khẽ reo lên “Đây mùa thu
tới - mùa thu tới”. Đàng sau tiếng reo thầm, ta hình dung cặp mắt
long lanh, trẻ trung của nhà thơ. Mùa thu của Xuân Diệu không
gợi sự tàn tạ, mà như khoác bộ áo mới tuy không rực rỡ, nhưng
mà đẹp và thật là thơ mộng rất phù hợp với mùa thu: “Với áo mơ
phai dệt lá vàng”.
Xuân Diệu là người có năng lực cảm nhận vô cùng tinh nhạy
trước những thay đổi của thiên nhiên, nhất là lúc mùa thu trở về
xứ sở. Cảnh vật đầu tiên nhuốm sắc thu là rặng liễu và nó lập tức
biến thành liễu thu.
Từ đó, mùa thu cứ lan tỏa dần ra những khu vườn, những dãy
núi, dòng sông, tầng trời và cuối cùng là xâm chiếm lòng người.
Khi đã tràn ngập trong tâm hồn thiếu nữ, đấy là mùa thu đã đi
trọn con đường và nó đã chuyển toàn bộ xứ sở thành thu. Hành
trình của mùa thu cũng chính là cấu tứ của bài thơ Đây mùa thu
tới.
Xưa nay, các nhà thơ tả mùa thu đến thường dùng những hình
ảnh ước lệ như lá ngô đồng, sắc đỏ lá phong, nhánh khô gầy, làn
hương cốm mới, hoa cau rụng, những thoáng heo may… Xuân
Diệu cũng lặp lại, không có gì mới mẻ.
Mới chăng là ở cách diễn đạt. Nhà thơ tư duy bằng liên tưởng,
bằng ấn tượng, cảm giác, âm thanh, nhịp điệu. Biến cái trừu
tượng thành cụ thể, nối dài cái cụ thể bằng cái trừu tượng, nội
tâm hóa ngoại giới, ngoại giới hóa nội tâm. Thi pháp lãng mạn đó
đã giúp nhà thơ làm mới những thi liệu cũ:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng:
Đây mùa thu tới – mùa thu tới,
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Nhà thơ báo thu sang bằng dáng thu buồn nơi rặng liễu. Liễu là
hình ảnh quá quen thuộc. Trong văn chương Việt Nam, hình ảnh
cây liễu không nhiều nhưng nó lại xuất hiện rất nhiều trong văn
thơ cổ Trung Quốc, nhất là thơ Đường, Tống. Xuân Diệu đã sáng
tạo nên một hình ảnh đẹp và buồn.
Cây liễu buổi đầu thu mang dáng vẻ u sầu của người góa phụ,
tâm trạng đang trĩu nặng đau thương. Muôn ngàn lá dưới mưa rủ
xuống như làn tóc xõa, như trăm nghìn dòng lệ đang tuôn. Liễu
cũng giống người, đang chất chứa trong lòng mối sầu thiên cổ.
Trước Xuân Diệu, trong văn chương chưa có một dáng liễu nào
buồn đến não lòng như vậy.
Tiếp đến là tiếng reo vui ngỡ ngàng. Nhà thơ như chợt tỉnh nhận
ra mùa thu đã về với lòng thu đang ngóng đợi. Mùa thu tới lặp lại
hai lần trong một câu thơ như một sự kiện bất ngờ và quan trọng
cần thông báo. Nàng thu diễm kiều của tạo hóa đến với thi nhân
trong bộ xiêm y dệt bằng những chiếc lá vàng nhuốm màu mơ
phai huyền ảo. Tưởng chừng như nhà thơ đang dang rộng vòng
tay, đón nhận mùa thu như đón nhận người bạn tri âm tri kỉ xa
cách đã lâu, nay gặp lại.
Mùa thu ấy đã thành con người và tất cả những gì của mùa thu
đều sống kiếp người – thu. Con người – thu ấy có chỗ nào trùng
hợp với con người – tác giả không? Lòng tác giả và lòng thu có
chỗ nào gần gũi hay không thì chưa rõ, nhưng dùng cách nói như
vậy về mùa thu là kiểu riêng của Xuân Diệu, rất mới lạ.
3) Với một năng lực quan sát tinh tế, một trí tưởng tượng phong
phú của một hồn thơ nhạy cảm, bằng nghệ thuật nhân hóa độc
đáo gây ấn tượng khó quên, cách sử dụng từ ngữ và âm thanh
mới lạ độc đáo, nhà thơ Xuân Diệu đã vẽ lên một bức tranh thu
kiệt tác bằng ngôn ngữ, một khúc nhạc thu êm ái, làm cho ta cảm
nhận được cảnh thu đẹp trên quê hương nhưng cũng buồn ảo
não. Đó cũng là tâm trạng buồn da diết của nhà thơ trong những
ngày thanh xuân trên quê hương bị thực dân Pháp thống trị,
trước CMT8. Khổ thơ đầu này đã thể hiện rõ nghệ thuật thơ mới
mẽ, độc đáo cũng như tâm hồn thơ của tác giả.