Tải bản đầy đủ (.doc) (54 trang)

bát đọan cẩm potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.79 MB, 54 trang )

MỤC – LỤC
Lời Tựa
Chương Thứ Nhất
1. Bát Đoạn Cẩm là gì ?
2. Sự khác giữa Bát Đoạn Cẩm và Nội Công ?
3. Sự thành công của Bát Đoạn Cẩm
Chương Thứ Nhì
Tám đoạn của Bát Đoạn Cẩm
1. Đệ nhất Đoạn Cẩm: Lưỡng Thủ Kình Thiên Lý Tam Tiêu
2. Đệ nhị đoạn Cẩm: Tả Hữu Khai Cung Xa Điêu
3. Đệ tam đoạn Cẩm: Điều Lý Tỳ Vị Đơn Cử Thủ
4. Đệ tứ đoạn Cẩm: Ngũ Lao Thất Thương Vọng Hậu Tiền
5. Đệ ngũ đoạn Cẩm: Dao Đầu Bài Vĩ Khứ Tâm Hỏa
6. Đệ lục đoạn Cẩm: Bối Hậu Thất Điên Bách Bệnh Tiêu
7. Đệ thất đoạn Cẩm: Toàn Quyền Nộ Mục Tăng Khí Lực
8. Đệ bát đoạn Cẩm: Lưỡng Thủ Phan Túc Cố Thận Eo
Chương Thứ Ba
PHẦN PHỤ THUỘC 12 đoạn:
Đệ nhất đoạn: Hai tay đưa lên xuống (căn bản từ Đạo Gia của Lão Tử)
Đệ nhị đoạn: Đứng lên ngồi xuống (căn bản môn thể dục Hy Lạp)
Đệ tam đoạn: Đưa hai tay ngang bằng ra sau (từ Ngũ Cầm Đồ của danh y
Hoa Đà)
Đệ tứ đoạn: Chân co chân duỗi hai tay ấn gối (căn bản thể dục Hy Lạp)
Đệ ngũ đoạn: Đưa tay nghịch chiều trên đầu sau hông (từ vũ điệu Á Châu)
Đệ lục đoạn: Xoay tay thành vòng trước mặt (từ thể dục Hy Lạp)
Đệ thất đoạn: Xoay tay thành vòng hai bên (từ thể dục Hy Lạp)
Đệ bát đoạn: Xoay cổ (căn bản từ Đạo Gia Lão Tử)
Đệ cửu đoạn: Cúi người bó gối (căn bản từ Yoga Ấn Độ)
Đệ thập đoạn: Tư thế con rồng (căn bản từ Ấn Độ)
Đệ thập nhất đoạn: Khấu Xỉ (căn bản từ Đạo Gia)
Đệ thập nhị đoạn: Phúc hô hấp tức thở bằng bụng (căn bản từ đạo gia Lão


Tử).

Tự Luyện BÁT ĐOẠN CẨM Thiếu Lâm
LỜI TỰA
Ngày càng văn minh, nhờ Khoa Học đối chứng mà người ta khám phá ra Nội Công là
môn tuyệt diệu để tu luyện cho đặng tăng tiến sức khỏe vạn năng và sống lâu trăm
tuổi. Do đó số người nghiên cứu và luyện tập lại càng tăng thêm, không riêng gì
Thiền Sư, Cư Sĩ, Tu Sĩ, Võ Gia,… mà văn nhân, lãng tử, người trí lự đều tìm cách trau
dồi môn học.
Nhưng tại quê nhà, học giả vấp phải trở lực lớn là thiếu tài liệu chân thực. Các sách
xưa rất đỗi đơn sơ, mà kiến văn người dịch thuật bây giờ lại càng nông cạn hơn cách
hành văn mộc mạc của cổ nhân, thì sách xưa hóa ra là kỳ quan để ngắm chơi chớ
không làm sao hiểu được.
Còn những sách treo bán ngoài chợ ai cũng công nhận có mua cũng chỉ đọc chơi cho
vui mà thôi không thể học hành gì được, vì người viết kiến thức đôi khi chẳng hơn gì
người đọc… lại ngôn ngữ bất đồng.
Đứng nhìn học giả ngẩn ngơ trước hố trủng của ngành học thuật, soạn giả đành bấm
bụng mang kinh nghiệm nửa đời tu luyện và dạy học trò ra biên thành sách Nội Công
nầy để chư học giả tiện bề nghiên cứu.
Bộ môn Nội Công cao tuyệt, hay tuyệt nhưng không ngoài ba cuốn:
1. Tự Luyện Nội Công Thiếu Lâm Tự, được in cuối năm 1973 là cuốn
cao nhất.
2. Tự Luyện Nội Công Thiếu Lâm Sơn Đông, in giữa tháng 6 năm 1974
là cuốn có trình độ trung bình, dành cho người có sức lực và các cấp võ gia đã
có trình độ võ công rèn luyện.
3. Cuốn sau cùng là cuốn quý vị đang cầm trên tay đây, là cuốn thấp
nhất dành cho người Sơ căn, tức là mới bắt đầu. Các học giả, võ gia yếu đuối
tập hoài không tiến bộ, các võ sinh, văn nhân, thi sĩ, học giả, quan chức các
ngành v v… đều có thể khởi đầu bằng cuốn nầy để tạo dựng một sức khỏe
chắc chắn và tốt đẹp. Cuốn sách nầy ngoài sự giúp học giả tăng bổ sức lực

nhờ cách vận động Đả Thông Kinh Mạch, nó còn giúp đỡ võ gia phát triển
nguồn Nội lực sung túc đến tột độ và hiệu năng đòn thế đạt đến tối đa. Do đó
Ông Bà xưa dạy Bát Đoạn Cẩm song song với Quyền Cước khi mới bước chân
vào nhà Thầy.
Sự hay của môn Bát Đoạn Cẩm kể ra không hết, nửa đời tu luyện thân tâm Cư Sĩ
soạn giả phát kiến nhiều lợi ích mà người thường không thể nghĩ bàn, mà đôi khi
những Võ gia ít kiến thức cũng càng ngơ ngác: Như các Công phu nằm phình bụng
cho xe hơi cán, búa tạ đập, dao bén chém, đi trên chông nhọn, đạp trên đao kiếm
bén, bật ngón tay đâm thủng ván tắp mỏng, v…v… cũng đều do tu luyện Nội Công,
Bát Đoạn Cẩm mà có.
Nhưng điều quan trọng hơn nữa đối với đa số nhơn loại là làm sao giữ vững tuổi
xuân… thì đây, môn học nầy sẽ giúp quý vị chận đứng tuổi già, xô ngã yếu đuối, bồi
bổ và xây dựng nét đẹp hùng tráng, uy nghi của một đấng trượng phu, cuộc đời còn
lại mỗi ngày càng thêm trong sáng, vui tươi vì tâm hồn đã trong sạch, đã cao
thượng, quý vị đã có tất cả vì Sức Khỏe Là Vàng…
Hôm nay soạn giả tâm sự cùng chư học giả điều bổ ích trên chính là có thể trợ duyên
lành trên bước đường thành công của chư vị. Cái đó gọi là Quân Tử có miếng ngon
cùng nhau ăn, có rượu quý mời nhau nhắm, có thơ hay cùng nhau ngâm…
Và hôm nay với món trân quý nầy “Sách Bát Đoạn Cẩm” mà cũng được người Quân
Tử luận bàn bầu bạn thì trên đời nầy chữ Bồng Lai Tại Thế há không để chỉ chỗ
chúng ta đang tọa đây thì còn ở đâu nữa. Vui thay. Vui thay.
Soạn giả mừng học giả và chư quân tử phước lành, điều tốt, thành công đến gần.
SOẠN GIẢ CƯ SĨ
Gia Định Thành, Tiết Hạ Chí, Năm Giáp Dần
Nhằm tháng 6 ngày 24 năm 1974 Tây Lịch

Last edited by anbinh; 09-30-2010 at 05:26 AM.
Trả Lời Với Trích Dẫn
2. Thành Viên Nói Lời Cám Ơn anbinh Cho Bài Viết Hay:
viewtronic

3. 09-30-2010 06:10 PM#3
anbinh

Trưởng Lão Cái Bang
Join Date
Sep 2010
Bài Viết
633
Tự Luyện BÁT ĐOẠN CẨM Thiếu Lâm
Chương Thứ Nhất
I. BÁT ĐOẠN CẨM LÀ GÌ ?
Có lẽ quá xa xưa theo truyền thuyết, thuở các vị vua hiền đức và tài năng như Thần
Nông, Phục Hi, Hoàng Đế đã có người am hiểu tận tường về môn học nầy, có nhiều
người luyện tập và coi như một phép dưỡng sinh cần thiết tối yếu. Chính nó bắt
nguồn và song hành phát triển cùng môn học Châm Cứu, một môn Y Học giá trị ngày
nay đang được các Bác Sĩ trên Thế giới gia tâm nghiên cứu thực hành v…v…
Cho đến đời Tam Quốc (213-260), vị Thần Y Hoa Đà bổ cứu và đặt chế thêm cùng
biến đổi thành môn luyện tập mới đặt tên là Ngũ Cẩm Đồ. Nhưng chính những động
tác Bát Đoạn Cẩm là căn bản. Và xét trên phương diện khoa học thì môn Bát Đoạn
Cẩm có ít động tác, đơn giản hơn Ngũ Cầm Đồ, do đó thích hợp với người xưa hơn…
Dù thế nào đi nữa mục đích chính của môn học vẫn là làm lưu thông Kinh Mạch, khí
huyết thuần nhuận làm tăng gia tuổi thọ cường kiện thân xác, minh mẫn tinh thần,
rất hợp với Y Đạo ngày xưa.
Qua những suy luận và đoán quyết môn Bát Đoạn Cẩm, môn học Khai Thông Khí Lực
Kỳ Kinh Bát Mạch đã có từ Cổ thời Trung Quốc, nhưng vẫn còn nằm trong dự thuyết
vì chưa có bằng chứng xác thực. Và phải đợi đến thời Chùa Thiếu Lâm phát triển
nghệ thuật chiến đấu Kỹ Kích (Võ thuật) thì môn Bát Đoạn Cẩm mới chính thống
được lưu truyền có phép tắc kỷ cương. Kể từ đó, môn Bát Đoạn Cẩm lan truyền mau,
rộng và được người đời ngưỡng mộ tập luyện như môn phép tắc bí truyền . Như vậy
thời môn Bát Đoạn Cẩm do ngài Thiền Sư Tổ Đạt Ma dạy, là học thuật mang từ Thiên

Trúc (Ấn Độ) qua? Nhưng xét theo dữ kiện lịch sử thì bên Ấn Độ không có môn học
nầy. Người ta quả quyết rằng ngài Tổ Sư sáng chế môn Bát Đoạn Cẩm để dạy môn
đồ cho cường kiện thân tâm hầu mau đạt hạnh tu Chánh Kiến, Chánh Giác, là một
hình thức tiên khởi cho môn học tối thượng Dịch Cân Pháp mà ngài sáng tác sau này.
Người Trung Hoa vốn là dân tộc hay sáng kiến, nên môn đồ của ngài Đạt Ma Tổ Sư ở
hậu lai có nhiều vị biến chế những học thuật học được ở Ngài thành nhiều môn học
chuyên biệt khác, lập thành môn phái truyền bá sâu rộng trong phàm dân Trung
Quốc cho đến ngày nay. Đó là gốc của Bát Đoạn Cẩm Thiếu Lâm….
Còn như có nhiều thuyết cho Bát Đoạn Cẩm do Nhạc Phi chế ra chắc là không đúng
vì một Đại tướng chuyên đánh trận không có thì giờ và tâm hồn không đặng thanh
nhàn để nghĩ ra những điều ký bí ít ra cũng phải cần phải đến một Đạo gia mới có
thể nghĩ tới.
Và Đạo gia cũng có môn Bát Đoạn Cẩm, song hành và phát triển cùng thuật Vận Khí
là phép luyện Nội Công chân truyền, được nhiều sách của các Đạo Sĩ nhắc đến, cùng
được các quyền gia chuyên luyện Võ Công Đạo Gia: (Bát Quái Chưởng, Thái Cực
Quyền) học tập.
Trên đây là sự hiểu biết cần thiết về môn học cẩn yếu Bát Đoạn Cẩm cho một võ gia,
nhưng điểm cần yếu hơn tưởng không thể quên đề cập trước khi bắt đầu tập luyện
là: Bát Đoạn Cẩm là gì?
- Soạn giả xin trả lời gọn, Bát Đoạn Cẩm là Tâm Phép tập cho đả thông Kinh Mạch,
khí lực thuần nhuận lưu thông đến mọi phần trong cơ thể giúp hành giả (người học)
thân thể thường được cường kiện khinh linh vô bệnh, trường thọ đúng đạo dưỡng
sinh. Ngoài ra còn có công năng tạo dựng sức mạnh gân thịt cho Võ gia tạo điều kiện
tham học tới chỗ đại thành, trị lành mọi bệnh Nội thương do tập luyện quyền thuật
gây ra.
Bát Đoạn Cẩm quả thật có công năng thần diệu vô song cải tạo sức khỏe, tăng tiến
thể lực và rèn luyện thân tâm hợp nhất, là môn học thuật thể thao xây dựng đáng
được đề xướng, tôn vinh…
II. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA BÁT ĐOẠN CẨM VÀ NỘI CÔNG
Võ Học và nhiều ngành Văn Hóa khác rất vĩ đại, cổ thời đã phát xuất từ Trung Quốc,

điều nầy cho đến nay không còn ai phủ nhận. Theo vết dầu loang, gần hấp thụ trước,
xa lãnh hội sau… Việt Tộc là một Tiên quốc văn minh truyền thống gốc ở Ba Thục bên
Tàu là một đàn anh trong Bách Việt nên trước hơn ai hết lãnh hội, tiêu hóa, và phổ
biến nền học thuật trung quốc nói chung và Việt nói riêng.
Khi Việt Tộc ta di dân xuống cõi Nam đã mang theo nhiều ngành học thuật cao quý
vĩ đại của Tổ tiên, dĩ nhiên một phần còn lại, và để lại cho Bắc quân từ phương Bắc
tràn xuống…trong đó ngành Võ học được chúng ta soi sáng trong tiêu mục nầy.
Việt Tộc vốn là dân Quân Tử và thông minh (Khổng Tử thường xướng thuyết Quân Tử
để người Bách Việt bên Tàu học: dĩ nhiên có thiểu số người Việt không nối nghiệp nổi
Tổ Tiên nên lạc nẻo tiểu nhân.) Với huyết thống tri hóa xuất chúng, người Việt Nam
đương nhiên thu nhận được ngay những kỹ thuật võ công từ Chùa Thiếu Lâm truyền
ra trải qua các triều đại sau đời ngài Tổ Sư Đạt Ma. Cũng nhờ vào tài ba võ dũng và
trí hóa ưu hạng mà Lịch sử Việt ghi được những điểm son đáng làm ngạc nhiên thế
giới ngày nay. Sự bành trướng biên thổ Việt là lẽ dĩ nhiên ở cổ thời, cận đại và tương
lai…sự lớn mạnh của Việt Nam là lẽ tất nhiên và trên đà hiển hiện. Sự huy hoàng của
dân Việt phải được phục hồi như ngày mà tổ tiên còn ở Ba Thục…
Trong cổ thời, đồng phát triển Võ Nghệ Thiếu Lâm Tự trên lãnh thổ Việt, nhiều nhân
tài tướng quân xuất hiện trong quân ngũ, trong các kỳ thi của Triều đình. Võ được
phát hiện chung thời với các Thiền Lý được truyền bá từ các Thiền Sư. Các Thiền Sư
giỏi đều là những bậc có thành quả về Thiền Định, mà chánh quả của Thiền Định là
Tĩnh luyện Nội Công, môn võ học thượng thừa (ngày nay ít người biết lý nầy.)
Do đó kể từ đời Thiền Sư Tỳ Ni Đa Lưu Chí (Vinitaruci) năm 602…trở về sau Thiền Sư
Pháp Hiền, 626, Thanh Biện… 636… thì môn Thiền học cùng Nội Công Tĩnh Tọa Thiền
Định đã được truyền bá có hệ thống tại Việt Nam rồi.
Như chư học giả đã hiểu, trong sách Tự Luyện Nội Công Thiếu Lâm Tự của soạn giả,
thì khác biệt giữa Thiền Định và Nội Công Tĩnh luyện chỉ cách nhau tờ giấy mỏng, chỉ
một lời nói của bậc Thầy là người có công phu Thiền Định tức khắc trở thành Nội
Công cao thủ: “Tâm ấn chỉ có một lời.”
Nội công và Thiền Định đều nhằm luyện khí lực, tập trung và luân chuyển theo như
ý. Võ gia dụng Nội Công khí lực đả thông kinh mạch làm tăng bổ sức mạnh đạt chỗ

đại thành trong nghề võ, Thiền Sư dụng Khí Công cường kiện thân tâm kiên trì khổ
hạnh tập trung ý chí, nhất tâm đạt đến chánh giác chánh kiến thành bậc Chân Như
gọi là Đắc Đạo.
Bát Đoạn Cẩm cùng một thể với Dịch Cân Kinh hay Dịch Cân Pháp nhưng thông dụng
và để rèn luyện cũng hữu dụng hơn là phép Nội Công thuộc về Động luyện. Cốt là
luyện cho cường kiện gân mạch, cứng chắc thịt xương da, đả thông kinh mạch, tránh
nhiểm bệnh hoạn hầu sống lâu và giúp phần thành quả Đại thành võ nghệ.
Nếu ví cho rõ hơn thời Bát Đoạn Cẩm như vỏ ngoải của chiếc bánh ít, mà nhân là Nội
Công Thiền Định. Cả hai cũng là Nội Công nhưng cái thì thấp cái thì cao minh thâm
thúy hơn nhiều. Phật gia tùy từng Duyên mà giáo độ môn đồ nên có thấp cao, có tùy
Duyên khởi. Nhưng dù ai có Duyên lớn tới đâu vẫn phải tập Bát Đoạn Cẩm nầy trước
rồi sau mới học đến Thiền định, nếu là người xuất gia, còn phàm nhân ăn mặn thì chỉ
tập Bát Đoạn Cẩm hoặc Dịch Cân Pháp cho mạnh gân cứng xương dẻo thịt là tốt rồi.
Phép luyện Nội Công Thiết Tuyến mà soạn giả trình bày trong sách Tự Luyện Nội
Công Thiếu Lâm Sơn Đông là động luyện rất tốt cho các Võ gia hoặc Thiền gia tham
cứu về võ công.
Vậy thời sự phân chia đã rõ: Bát Đoạn Cẩm là phép Nội Công Ngoại Tráng Sơ Đẳng.
Nội Công Thiết Tuyến là Nội Công Động Luyện có dụng cụ. Nội Công Thiếu Lâm Tự là
phép Tĩnh Tọa Thiền Định cao tuyệt khi nào ăn chay trường tập mới kết quả.
Cùng một môn học mà chia làm ba pháp luyện tập khác nhau là do chỗ thấp cao tùy
dụng. Khởi tập thì tập Bát Đoạn Cẩm trước cho gân xương cứng cáp, trong mình có
sức lực rồi mới tập đến Nội Công Sơn Đông. Khi đã đủ sức tranh tài hàng Cao đẳng
mà thần trí thong dong trường trai tiết dục được mới tập tới Nội Công Tịnh Tọa, tức
cuốn Tự Luyện Nội Công Thiếu Lâm Tự. Có biết cách luyện tập thì mới dễ thành công,
bằng không thì thời giờ bị phí mà thân thể đôi khi thương tổn hư hao mất công chữa
trị. Duy ngoại trừ những học giả có võ công cao, các võ sư có căn bản thì có thể bắt
ngang từ Nội Công Sơn Đông mà luyện cho mau thành công cũng chẳng hại gì, vì ít
ra một phần kinh lạc trong người của người có trình độ võ công cũng đã được khai
mở nhờ công phu luyện tập quyền cước. Ở trình độ cao của bộ môn Nội Công người
lỗ mãng, thô tục, thiếu đạo đức không thể luyện tập được, cưỡng tập sẽ bị bệnh

nguy hại bản thân rất khó trị liệu. Bởi thế xưa nay người ta vẫn thấy người võ công
cao bao giờ đạo đức cũng sáng chói, người có nhiều tham vọng chỉ gặt hái những
thành quả tầm thường. Kẻ hung hăng thì sát nghiệp ở kế bên mình. Chắp tay sau đít
nhìn thiên hạ qua đường cũng phát kiến được những điều hữu ích để tự tu rèn tâm
tính, phát triển thể lực hầu càng ngày được lành mạnh vui tươi, sống lâu hưởng đời.
Trên đây là luận về Nội Công, Bát Đoạn Cẩm Phật Gia, còn Tiên Gia cũng có môn Nội
Công Dẫn Khí và Bát Đoạn Cẩm mà người đời thường gọi là Phép Đạo Dẫn hay và
Vận Khí Thuật, v v…hình thái biểu diễn động tác có chỗ khác nhưng mục đích không
khác và thành quả thì đến chỗ như nhau. Cái đó gọi là Núi có một đỉnh mà đường lên
có nhiều.
Vậy môn sinh hậu học từ nay chớ thắc mắc đua đòi, xao lãng việc rèn luyện, cứ mãi
so đo rồi rốt cuộc chẳng đi đến đâu. Sách đã trong tay rồi như thuốc trước miệng mà
đành chết bệnh, kiếm đã trong tay rồi mà chúng đâm không biết đưa lên đỡ thì sinh
mạng ấy tưởng có chết đi cũng chẳng thể có vị Bồ Tát nào khứng cất nhắc cho về cõi
Tây Phương cực lạc. Ngu độn, hàm hồ là đáng ở lại trong hỏa ngục chịu nhiều luân
kiếp đọa đày; Phật nói như vậy không phải là lời suông qua gió thoảng.

Tự luyện Bát Đoạn Cẩm Thiếu Lâm
Chương I (tt)
III. SỰ THÀNH CÔNG CỦA BÁT ĐOẠN CẨM
Nếu thông thường như nhiều bậc chép sách thì soạn giả cũng sẽ chép ra đây nhiều
chuyện cổ tích ly kỳ của người xưa trên đường thành quả Nội Công, Bát Đoạn Cẩm.
Nhưng soạn giả không thích bị lôi cuốn vào hàng (nghe sao chép vậy), mà thường
chỉ đơn cử những ví dụ mắt thấy tai nghe, hoặc bản thân thực hành được, v v�
Tiếc thay chuyện bên Tàu thì nhiều mà bên Nam ta quá khiêm nhường đến độ khó
lòng đơn cử cho thật đích danh với đầy đủ thành tích chơn thật, đến đâu, vị Lão sư
nào cũng nói mở đầu bằng: �Hồi xưa�. Nghe người ta nói, người ta đồn rằng��, và
tiếp theo đó là những chuyện dường như hoang đường vì thiếu tính cách Khoa học.
Tóm lại là những chuyện chưa bao giờ thấy.
Trước thời buổi khoa học ngày nay, mọi ngành học thuật cũng phải được nhìn dưới

con mắt khoa học, nghĩa là giải thích được, hợp lý và ít ra cũng phải có một ví dụ làm
bằng. Soạn giả vì chủ trương không làm mê hoặc hậu sinh nên không ghi lại những
cố sự hoang đường đọc được, nghe được trong đời tu học của mình, mà chỉ nêu lên
những điều dễ nhận định�
Như soạn giả đọc thấy nhiều sách xưa đơn cử nhiều danh gia võ học cao thủ bên Tàu
nhờ luyện tập Võ Nghệ, dĩ nhiên chuyên luyện Nội Công sống lâu và rất khỏe mạnh,
ngày nay một vị lãnh tụ của Trung Quốc đã 90 tuổi mà vẫn còn mạnh khỏe vui tươi
lãnh đạo 800 triệu dân, nhờ tập Bát Quái chưởng và Thái Cực Quyền mỗi buổi sáng.
Chuyện nầy báo chí Pháp, Mỹ đăng tải từ lâu có cả hình ảnh� (Thái Cực và Bát Quái
là môn Nội Công của Tiên Gia). Ông của soạn giả năm nay 92 tuổi mà còn cỡi xe đạp
hơn ba mươi cây số thăm bà con, cùng đi lụp (đánh bẩy) chim cu suốt ngày không
biết mệt� là nhờ chân luyện vài thế trong môn Bát Đoạn Cẩm mỗi tối trước khi đi
ngủ, cùng suốt đời không uống rượu, không hút thuốc. Thầy của soạn giả là bậc chân
tu không lậu sự, diệt danh, người truyền thụ môn Nội Công thượng thừa cho soạn
giả, năm nay đã tám mươi lăm (85) tuổi rồi mà còn tốt tướng, một mình tịnh tu một
chùa (động), không cần đồ đệ tăng tiểu phụ giúp mọi sự. Quanh năm khí lạnh cao
nguyên mà người vẫn độc một mảnh Đạo bào đơn sơ, ngày hai buổi công phu luyện
tập Nội công Thiền định mà đạt thành chánh quả như thế. Ai có chân phước gặp
người tất thấy sự trong sáng của Từ Bi Hỉ Xả trên ánh mắt của người.
Riêng bản thân soạn giả thuở thiếu thời ốm yếu xanh xao, người ta kêu là con sát
nuốt phải gởi cho chùa nuôi, 12 tuổi mới xin về� soạn giả nhờ ông bác ở trong chùa
dạy cho Bát Đoạn Cẩm và ít quyền thảo, và soạn giả cứ theo đó tập tành cho có lệ,
thế mà thời gian mấy mươi năm lần lữa khi thành trang thanh niên thì soạn giả đã
biến đổi hẳn hình dong. Sự cường mạnh thấy rõ trong con người vốn tiên thiên bất
túc. Và cho đến bây giờ tuổi trời hơn nửa đời mà bất kỳ ai đối diện có trình độ cũng
phải chấp nhận là một người có dõng lực, còn bậc phàm phu thì chẳng hết lời ngưỡng
mộ đường nét khôi vĩ tinh kỳ� Ấy khởi đầu cũng nhờ luyện tập Bát Đoạn Cẩm ở tuổi
ấu thơ, đành rằng trong thời niên thiếu ngoài việc luyện cầm chừng môn Bát Đoạn
Cẩm soạn giả còn luyện quyền thuật, và đến tuổi thanh niên thì càng tăng gia tu học
quyền thuật cùng rèn luyện Nội Công chân chính� Cho đến này thì công phu đáo

thành: cánh tay đưa ra để mềm 5-6 người lực lưỡng không bẻ gập lại được, cho búa
tạ đập, dao bén chém., nằm phình bụng cho xe hơi cán đủ chỗ, đủ kiểu không cần
nịt bụng hay lót đà ván, chân trần đi trên chông nhọn, đạp trên đao, kiếm sắc bén,
bật ngón tay đâm thủng ván tấp mỏng, v�v� (Những thành quả trên có biễu diễn
tại nhiều hội trường cho các võ gia, quan viên giáo chức cùng môn sinh nhiều môn
phái xem chơi, có chụp hình in trong sách Tự Luyện Nội Công Thiếu Lâm Tự v.v�)
Điều đặc biệt mà soạn giả rất vui là thấy công phu đã truyền lại được cho nhiều võ
gia hậu học đệ tử đã tham học với soạn giả, một phần cũng được các học viên các
Lớp Hàm Thụ lãnh hội, rồi đây chẳng bao lâu nữa nghành nghệ thuật dưỡng sinh nầy
được mọi người mến mộ rèn luyện thành công.
Sự thành công của soạn giả không phải vô tình, sự thành công của môn đệ của soạn
giả cũng chẳng phải vô tình hay may mắn mà do sự chuyên cần luyện tập có phương
pháp. Vậy soạn giả kết luận là bất kỹ võ gia nào thành tâm luyện tập thì nhất định
sẽ thành công.
Với môn Bát Đoạn Cẩm nầy người tập không cần kiêng cữ nhiều như các môn Nội
Công Thượng Thừa. Nhưng dù sao vẫn tránh vài việc mới có thể mau tiến bộ. Như
các võ sư có tuổi đã có vợ con thì tránh phiền não, bớt giao hoan và phải luyện tập
cho có điều độ ít ra mỗi ngày một lần vào buổi bình minh. Các võ sư trung niên và
trẻ hiếu thắng thích rượu nhiều và nữ sắc nhiều phải từ từ bỏ bớt thì mới mau thành.
Chớ có liều mạng ỷ sung sức nhờ tập luyện quyền thuật mà có tinh lực dồi dào đem
sức sống đổ biển thì công phu võ học chẳng khác ngôi nhà sơn tốt mà mối mọt đã
đục rệu hết rồi. Bốn mươi, năm mươi mà chân di không nổi, chống gậy mà lê từng
bước một là do tửu sắc dâm ô. Nghề võ như thế thì chớ nên khua môi có ngày mang
hại.
Trên đây là đường thành bại của công phu luyện tập Bát Đoạn Cẩm Nội Công, học
giả khá tựa nương đó hành sự cho đặng khang an thân thể linh mẫn tinh thần, sống
lâu trăm tuổi.
Còn điều xin nói ra cùng chư võ gia quân tử, như cho đến nay việc biểu diễn thành
quả của soạn giả cùng các đệ tử của soạn giả là điều nhằm nêu lên chứng tích của sự
học luyện thành công để chư quân cùng phấn khởi tinh thần hầu bước mạnh trên

đường nghệ thuật chớ chẳng phải có ý vọng động kia khác. Soạn giả thay mặt các
Đạo đồ môn đệ thanh minh cùng chư học giả mọi môn phái võ gia trong và ngoài
nước.
Mời chư học giả nghiên cứu sang phần thực hành để thân thường an lạc, trí thường
thảnh thơi.

Chương Thứ Nhì
Bát Đoạn Cẩm Thiếu Lâm Tự
Bát Đoạn Cẩm là tám phép luyện gân thịt và khí lực cho đặng sung mãn, giúp
ích sống lâu vui hưởng cuộc đời. Người có sức khỏe thì giống người đi buôn có
vốn, muốn mua hàng hóa gì cũng tùy nghi. Tập Bát Đoạn Cẩm này trẻ mau
lớn, học giỏi, khôi ngô, mặt mày sáng sủa, lành mạnh tư tưởng. Trung niên
tăng thêm khí lực, phát triển khả năng tổng quát, nhờ đả thông kinh mạch
mà huyết khí sung cường hăng say làm việc, tiến bộ mọi mặt, người có tuổi
thường xuyên luyện tập huyết khí luân chuyển và thay đổi luôn luôn nên da
dẻ hồng hào, gân xương hoạt bát chận đứng tuổi già, yêu đời vui sống, thật là
hạnh phúc lâu dài, các môn thể dục vận động Tây Phương không có môn nào
so sánh được. Vì môn Bát Đoạn Cẩm có công năng hướng dẫn và thúc đẩy
huyết và khí luân chuyển đều khắp trong châu thân nên tránh khỏi các bệnh
tê thấp vì máu thiếu và cứng động mạch khi tuổi già. Tuổi trẻ tập Bát Đoạn
Cẩm thân thể luôn luôn cường kiện, tinh thần luôn luôn linh mẫn, tuổi già thì
thần thái uy nghi mà thân thể thì nhẹ nhàng tâm hồn khoáng đạt. Các Thiền
Sư xưa, các Đạo Gia cổ lúc nào trông cũng phiêu hối mà người đời thường
dùng chữ Tiên Phong Đạo Cốt để chỉ là nhờ tập thường môn học này.
Từ đời xưa cho đến nay có nhiều loại Bát Đoạn Cẩm được lưu truyền trong
mọi giới, đến nổi mỗi người làm mỗi khác, số động tác cùng cách phép cũng
đều sai biệt và số lần tập cũng khác nhau, đến có khi hơn tám (Bát) đoạn, có
khi tới 12 đoạn, 24 đoạn. Và cách tập tùy lúc đứng, ngồi, nằm v�v� thật là
không có phép tắc gì và cũng chẳng ai giải thích gì về sự hiểu biết của mình
trong khi truyền bá và rèn luyện các môn Bát Đoạn Cẩm đó. Người có kiến

thức chút xíu thì nói là của Tiên gia, v�v rồi cũng chẳng thể giải thích được
gì hơn nên cứ ậm ừ trở tránh khi có người hỏi tới. Đa số các bậc thầy chỉ dạy
làm chớ không dạy cho hiểu. Thôi thì hậu sinh chỉ nhắm mắt làm càn làm đại,
tưởng tượng thần thoại lờ mờ mà chẳng hiểu mô tê lợi ích ra sao. Thương
thay.
Kẻ viết sách xưa nay chẳng hơn gì nhau mấy, thường rắp khuôn sao chép cho
có bán, cho có tên mình in trên sách� đôi khi vì binh danh, đôi lúc vì có tâm
hồn �Puôn Pán� mà nhắm mắt làm đùa chẳng chịu tham cứu học hỏi trước
khi đặt bút thảo chương. Việc nầy không riêng trong lãnh vực nghề võ, mà
các ngành văn nghệ khác cũng thế. Phải xét lại hết thảy. Xét luôn cả các văn
gia học giả bên Tàu nữa chớ chẳng phải riêng chi xứ mình, các văn gia cỡ lớn
của triều đình nhà Thanh cũng làm sách giả bán lấy tiền (thời buổi cực loạn
thì lắm sự hư hoại phát sinh, từ thời Thanh sơ đến Văn Thanh, nhân dân
Trung Quốc sống thời đại loạn còn hơn nước ta bây giờ) còn thiên hạ thì mặc
tình.
Nay học giả đọc sách nầy cần nên hiểu cho chánh lý là trong bầu trời có hai
loại Bát Đoạn Cẩm mà thôi. Một của Đạo Gia và một của Phật Gia, có thể gọi
là hai ngành Bát Đoạn Cẩm cũng đúng. Môn Bát Đoạn Cẩm của Đạo Gia vì
chỗ tự tiện của đạo sĩ và nho sĩ xu thời đã bày lắm thứ, nhiều môn đặt nhiều
bài bản lắm hiệu lắm tên nhưng chung quy ý vẫn nằm trong hơi thở, tức chủ
trương vận dụng khí lực, gọi văn hoa là Đạo Dẫn Thuật hay Vận Khí Thuật.
Bài bản lu bù (nhiều) nhưng người hiểu biết thấy rõ chân tướng, người kém
cỏi mờ mịt nên khó thể học hành tới nơi tới chốn.
Bát Đoạn Cẩm Thiếu Lâm không có nhiều bản cho lắm, đó là nhờ Thiền môn
có tổ chức quy mô (trong chùa có nhiều ban nghiên cứu� viết sách, v v )
nên lưu truyền được chánh bổn. Nhưng dù thế vẫn thấy được hai loại Bát
Đoạn Cẩm. Loại nào cũng đúng tám đoạn, một loại chủ luyện gân xương và
một loại chủ luyện khí lực. Mỗi loại có chỗ thái quá và thiếu quá. Để dung hòa
cho đặng vẹn toàn, một bản Bát Đoạn Cẩm đầy đủ cả hai phần Luyện Gân
Lực và Khí Lực được trình bày trong sách nầy. Nhờ sự sửa đổi (canh tân) nầy

mà thiền sư và chúng môn đồ võ lâm, nhân loại được toại nguyện trên đường
tu tập. Và bây giờ môn Bát Đoạn Cẩm toàn hảo nầy được truyền bá rộng rãi
trong đại chúng làm nổi danh môn phái Thiếu Lâm ra cùng khắp Ngũ Đại
Châu.
Nhưng mà thế nào là các thế tập Vận Lực và thế nào là các thế Vận Khí? Điều
nầy quí học giả sẽ được thấy và cảm nhận được ngay trong chương nầy, ở
phần kế tiếp liền sau đây. Và để thưởng thức trước khi đi vào thực luyện,
(giống như ta mở mũi hít hơi thơm của món ngon tưởng tượng cho đã cái rồi
sau đó mới gắp đồ ăn đưa vào nhai�), soạn giả xin trình là trong Bát Đoạn
Cẩm Thiếu Lâm hễ đoạn nào đứng thẳng đầu gối mà tập thì thế đó dùng
luyện khí, đoạn nào đứng tấn Kỵ Mã mà tập thì dùng luyện Gân. Có vậy thôi,
đơn giản thấy rõ, dễ hiểu thấy rõ. Tuy thế, đoạn luyện khí cũng có vận lực
phù trợ chớ chẳng phải tưởng tượng khơi khơi mà được, cũng như khi luyện
gân cũng có vận khí trợ lực. Có sự bổ hợp như thế mới mau thành công, mới
có sự liên hoàn động tác, chuyển động gân xương, thúc đẩy khí huyết, đả
thông kinh mạch tạo dựng một thân thể cường tráng, uy nghi.
Khi hiểu được những điều cần thiết (yếu quyết) nầy rồi thì không còn lo lắng,
ngại ngùng lúc bắt tay vào việc luyện tập, cũng như chẳng thể có tập luyện
mà chẳng có thành công. Hơn nửa đời soạn giả Cư Sĩ tôi chưa hề một lần làm
chuyện gì mà mình chưa thấy hiểu ý nghĩa của sự việc, thì đối với chư học
giả, võ gia, quân tử, soạn giả vẫn muốn quí vị thực hành theo con đường đó
để sớm thành công. Đó là con đường sự thật, trí tri.
Nay thì chư hiền đã rõ hiểu lý thuyết của Bát Đoạn Cẩm rồi, vậy xin mời
nghiên cứu thực hành các động tác co duỗi sau để thân thường được mạnh
khỏe, trí thường được thanh thản, hầu tài năng thiên bẩm được đà phát triển
tối đa hỗ trợ đời, đi vào lịch sử�(Ai cũng đi vào lịch sử khi mà mình đã tự biết
mình, ít ra cũng làm nên lịch sử vì mình đã có tích sự trong đời.) Nào, mời
chư học giả thực hành cho biết Đạo vị lành mạnh mà từ cổ xưa không một ai
được tôn vinh là thánh hiền mà không biết đến.
Tự luyện Bát Đoạn Cẩm Thiếu Lâm

Chương II (tt)
A. CÁCH LUYỆN TẬP BÁT ĐOẠN CẨM
Như học giả đã biết là Bát Đoạn Cẩm gồm có tám phép luyện tập, và không nói ai
cũng hiểu đều phải tuần tự tập luyện tuần tự từ phép một cho đến khi hết trong một
buổi tập, theo đúng phương pháp sẽ được giảng tới trong phần thực hành kế sau.
Nhưng muốn thực hành cho hết tám phép trong một buổi tập thì trước tiên học giả
phải thuần thục từ phép một theo phép tuần tự nhi tiến (học từ từ theo thứ tự). Việc
nầy không khó, chỉ cần thời gian ngắn là ai cũng thực hành được một cách tự nhiên.
Điều cần chú ý khi thực hành là phải quan tâm làm đúng từ động tác một của mỗi
Đoạn (mỗi đoạn có nhiều động tác) và làm đủ số lần cần phải lập lại cho mỗi động
tác. Khi chấm dứt đoạn thứ nhất thì liền đó luyện tập đến đoạn thứ nhì sau khi buông
tay nghỉ thong thả 3 phút đồng hồ. (Nếu đã thuần thì thời gian nghỉ chừng một phút
đã đủ) tính ra thong thả mà tập thì người mới mỗi sáng có thể dành khoảng 45 phút
để thao luyện và khi đã thuần rồi thời gian luyện tập rút lại còn 20 đến 25 phút là
cùng. Số thời giờ ấy rất khiêm nhường so với bất kỳ môn thể thao vận động nào mà
sự thành quả thâu đạt được lại tốt đẹp vượt bực hơn tất cả.
Khi mới tập thì chú trọng về hình, nghĩa là sao cho đúng cách theo sách chỉ dẫn từ
cách gồng chuyển chân tay, co vào, duỗi ra, hít thở, trợn mắt ….Muốn được như thế
thì nên treo tấm kiếng (gương) để nhìn cho thấy chỗ sai mà sửa đổi. Nếu có người
cùng tập sửa cho nhau thì càng hay hơn.
Lúc thuần thục chú trọng tới ý, nghĩa là hơi thở được quên đi, động tác xóa bỏ mà chỉ
quán tưởng thấy cái dụng ý của mỗi đoạn (ý tứ đó là ý nghĩa của mỗi câu khẩu quyết
của mỗi đoạn, xem trong phần thực hành chương nầy.) Bao giờ làm được từ hình
thức tới ý thức thì động tác lưu đi mà tâm như quên như nhớ, huyết mạch cuồn cuộn
chuyển lưu, khí lực rần rần tụ tán trong mỗi co duỗi chân tay…bài tập trôi mau đến
khi chấm dứt thì tự động dừng ấy nhờ Thần.
Học giả tập đến bao giờ được như thế thì thân tâm trống không, cơ thể nhẹ nhàng
vui tươi như trẻ, ăn uống ngon lành, ngủ nghê khoái lạc, đến như những công việc
hàng ngày cho là rối rắm, mệt nhọc thì nay như đồ chơi và ngày giờ qua mau. Vì biết
được thời giờ qua mau nên không phí thì giờ, do đó thành công hơn đời là như vậy

đó. Không tập không biết, tập rồi biết ngay, việc nầy người ta ví đường có đi mới
biết, chuông có đánh mới kêu. Kẻ lảm biếng thần trí ỉu lờ, lù đù chậm chạp, ngu ngơ
việc đời trăm việc cũng tại không người hướng dẫn, nếu biết được phương pháp này
mà chuyên cần học luyện thì đời sống đổi khác tức thời, thậm chí đến như tuổi già là
cái luật định của tạo háo mà Bát Đoạn Cẩm còn cản được huống hồ.
Về chỗ (vị trí) để luyện tập thì không gì tốt hơn nơi yên tĩnh và thoáng khí, không khí
trong sạch bao giờ cũng là thức ăn bổ, là liều thuốc quí cải tạo sinh lực con người. Do
đó có thể chọn một khoảng trống sạch sẽ cao ráo trong vườn (nếu ở nhà quê), trong
sân, hoặc trong phòng nơi có cửa sổ mở thoáng mát ra hướng khô ráo sạch sẽ
(khuông cửa phải lau chùi hết bụi bặm thường xuyên, nếu ở nhà sàn trên sông, trên
thuyền, tàu thì đợi nước lớn không khí trong sạch mới tập.) Tốt nhất là tập vào mỗi
sáng, tập xong đợi 10-15 phút sau tắm nước lạnh chà xát da bằng khăn bong, xơ
dừa…. thì sau đó một ngày đẹp nhất định sẽ đến với chúng ta, vì chung quanh ta ai
cũng là người đáng thương, đáng mến, đời sống thật có nhiều ý nghĩa…
Tóm lại, khởi sự tập Bát Đoạn Cẩm phải:
1. Thuộc và làm đúng hình thức bên ngoài của từng động tác trong mỗi
đoạn.
2. Khi thuộc Hình rồi phải thuần Ý, là cái mà mỗi khẩu quyết ghi rõ.
3. Lựa chỗ thoáng, sạch mà tập mỗi buổi bình minh, nếu không tập
buổi tối sau bữa cơm hơn 3 giờ đồng hồ.
4. Tập xong 15 phút sau tắm và chà xát da. Uống một ly nước lọc sạch
trước khi tập và sau, ly nhỏ thôi.
B. TÁM ĐOẠN CỦA BÁT ĐOẠN CẨM
Bát Đoạn Cẩm gồm có 8 đoạn, mỗi đoạn có một mô thức (hình dáng, thể thức) huấn
luyện cơ thể khác nhau. Khác nhau từ cử động cho đến thần ý. Vì lẽ Bát Đoạn Cẩm
được chế tạo để luyện tập cho đặng hiệu quả trong việc kiến tạo một thân thể cường
tráng từ ngoài (Ngoại tráng) và cả bên trong (Nội tráng). Ngoài ra Bát Đoạn Cẩm còn
dung để trị liệu những bệnh trạng yếu nhược hư hao thường thấy trong mình của
người đời. Ví như ai thường ngày hay uể oải thì tập Bát Đoạn Cẩm sẽ khỏi ngay; ăn
uống khó tiêu hóa tập sẽ hết ngay, hay mệt tập khỏe ngay. Người tập võ công bi nội

thương cũng được trị lành, v v… nói nhiều không hết.
Tổng quát là Bát Đoạn Cẩm là Tám Phép Thần dung tập luyện cho cường kiện thể
xác minh mẫn tâm thần và ngừa trị, hoặc trị mọi bệnh chứng thương, lao, cùng bồi
bổ các cơ phận quan yếu giúp người hồi phục sinh lực trong đời sống lao động tiêu
hao hàng ngày…
Đây là phép thần, nhưng có tập luyện đúng thời mới Thần còn như đọc chơi cho biết
mà không tập thì Thần cũng chẳng giúp được mình, giống việc hàng ngày cầu xin
cúng kiến cho mình được phúc, lộc, thọ mà không làm việc gì bó gối ngồi chờ hoặc
manh tâm hung ác, tà gian thì lộc, phúc nào đâu tới với mà thọ cũng giảm dần mau
chóng theo ngày tháng vì cái tâm u ám nó hạ mình. Học giả biết như thế thì tưởng
chẳng cần luận bàn chi cho dài dòng tốn giấy, mà vứt bỏ hết mọi lý sự bắt tay luyện
tập các động tác sau thì trong mấy tháng đã có sự khởi sắc trong đời sống hàng ngày
rồi. Tức là vui rồi, vui rồi cần gì nói nhiều nữa, mà có nói nhiều cũng lại càng thêm
vui. Ấy, thành công đang chờ quý vị đây. Nào chúng ta hãy tiến tới…
Nhưng muốn tiến tới hãy học cho thuộc lòng Tám Câu “Thần chú” sau để làm lộ phí,
hành trang rồi hãy lên đường.
KHẨU QUYẾT BÁT ĐOẠN CẨM:
5. Đệ Nhất Đoạn Cẩm: Lưỡng Thủ Kình Thiên Lý Tam Tiêu (Hai tay
chống trời tưởng “tới” Tam Tiêu)
6. Đệ Nhị Đoạn Cẩm: Tả Hữu Khai Cung Tự Xạ Điêu (Trái phải dương
cung “như” bắn chim điêu)
7. Đệ Tam Đoạn Cẩm: Điều Lý Tỳ Vị Đơn Cử Thủ (Điều hòa Tỵ vị
“một” tay đẩy lên)
8. Đệ Tứ Đoạn Cẩm: Ngũ Lao Thất Thương Vọng Hậu Tiều (Năm Lao
Ngũ Thương liếc nhìn “phía”sau)
9. Đệ Ngũ Đoạn Cẩm: Dao Đầu Bài Vĩ Khứ Tâm Hỏa (Lắc đầu vẫy
đuôi [1] dứt “bỏ” tính nóng nảy)
10. Đệ Lục Đoạn Cẩm: Bối Hậu Thất Điên Bách Bệnh Tiêu (Sờ xương
cùn 7 lần trăm bệnh tiêu)
11. Đệ Thất Đoạn Cẩm: Toàn Quyền Nộ Mục Tăng Khí Lực (Nắm chặt

quyền, mắt giận [2] , tăng khí lực)
12. Đệ Bát Đoạn Cẩm: Lưỡng Thủ Phan Túc Cố Thận Eo (Hai tay kéo
hai chân bền thận eo)
______________________________________
[1] Vẫy đuôi: ý nói uốn éo mông đít như con rắn vẫy đuôi
[2] Mất giận: dịch chữ Nộ mục, ở đây nên hiểu là tập trúng ý lực nơi mắt như giận dữ
và nắm quyền đấm ra làm tăng khí lực…
Tự luyện Bát Đoạn Cẩm Thiếu Lâm Tự
Chương Thứ Nhì
Tám Đoạn BÁT ĐOẠN CẨM
ĐỆ NHẤT ĐOẠN CẨM
THẾ DỰ BỊ: Đứng thẳng, hai tay buông xuôi hai bên đùi, lòng bàn tay úp vào hai
bên đùi, hai gót chân khí nhau, hai mũi bàn chân mở ra hình chữ V. Mắt nhìn thẳng
bằng ngang, hơi thở điều hòa tự nhiên. (Hình 1)
1. Lưỡng Thủ Kình Thiên Lý Tam Tiêu (Hai tay chống trời tưởng
tam tiêu)
Phép Luyện: Khi tập đông người phải sắp hàng ngang và dọc thẳng nhau cùng
khoảng cách giữa mỗi người với nhau bằng hai tay giăng thẳng chạm nhau là được.
Nếu đơn luyện (luyện một mình) thì không cần chú trọng đến sắp hàng. Đoạn nầy có
tám động tác, tập luyện tuần tự như sau:
Động tác 1: Hai bàn tay từ từ xoay mở lòng bàn tay ra ngoài sang hai hướng trái
phải. Đoạn từ từ đưa ngửa lên, hai cánh tay ngang bằng rồi tảng lên trên đỉnh đầu,
các ngón đan vào nhau (Hình 2 và 3).
Động tác 2: Hai cổ tay vận lực (gồng) vừa xoay ngửa lòng bàn tay lên trời, độ cao
không thay đổi (Hình 4). Kế đẩy cao lên trời chân nhón gót.
YẾU LÝ: Động tác 1, từ từ hít hơi vào thì đồng thời xoay cổ tay mở bàn tay ra rồi
hướng lên trời mà đưa lên thì hít hơi dài theo cho đến khi hai bàn tay đan vào nhau
mới ngưng.
Kế theo là động tác 2, gồng cổ tay xoay ngửa lòng hai bàn tay lên trời, hai cánh tay
thẳng, nhón gót thì giữ kín hơi trong phổi không hít thêm cũng không thở bớt ra.

Quan trọng là chỗ vận lực đẩy chưởng lên gọi là Lưỡng Thủ Kình Thiên, thì phải
tưởng tượng như đang chống đỡ một bầu trời đang sập xuống đầu mình, do đó phải
vận toàn lực mà đẫy lên không thể đẩy hời hợt được. Lúc đẩy lên mắt không nhìn
theo tay mà Thần thì quán tưởng tới Tam Tiêu từ trên xuống dưới thông suốt. (Xem
tiếp Yếu Lý động tác kế).
Động tác 3: Buông lỏng hai bàn tay rồi từ từ hạ xuống đỉnh đầu, lòng bàn tay vẫn
để ngửa. Thở ra bằng mũi hoặc thổi nhẹ hơi ra vừa mũi vừa miệng. Hai chân đồng
thời cũng hạ xuống đứng bình thường. Chân tay nhịp nhàng. (Hình 5) Kế, hít hơi vào
hai bàn tay vận lực đẩy lên, hai gót chân cũng nhón lên theo. Khi đẩy thẳng tay thì
phổi cũng đầy hơi, dĩ nhiên hít vào bằng mũi, miệng ngậm kín. (Hình 6)…
YẾU LÝ: Khi nhón gót đẩy song chưởng lên tận cùng cao thì dừng lại một vài giây
đồng hồ trước khi xả lực (buông lỏng) để thu tay trở xuống trên đỉnh đầu. Trong mấy
giây đồng hồ ngưng lại trên cực điểm cao thì tâm quán tưởng đả thông hai Kinh Tam
Tiêu, tức thông suốt từ đầu ngón tay giữa đến đầu chót đuôi lông mày. Kinh nầy
chạy bên ngoài cánh tay, qua vai lên trái tai rồi bọc ra trước vành tai lên đuôi mắt,
tổng cộng là 23 huyệt. Hai kinh nầy có tác dụng hô hấp, tiêu hóa và các bộ phận
sinh dục cũng như bài tiết. Khi hai kinh Tam Tiêu nầy đả thông thời không thể mắc
bệnh thuộc về Ba Tùng: và khi có bệnh về Ba Tùng thì phải luyện tập đoạn này để
điều trị.
Vì kinh Tam Tiêu nằm ở bên ngoài cánh tay nên động tác lật ngược chưởng tâm bàn
tay lên làm căng thẳng toàn bộ gân mạch phần ngoài cánh tay làm luồng khí lực
được lưu thông dể dàng. Để phụ trợ và hiểu biết rõ về bản thể mình hầu dần dà nghe
được mọi biến động của châu thân trong khi đẩy chưởng phải quán tưởng khí lực
chạy mạnh từ đầu ngón tay giữa đến đuôi mày. Đó là ý nghĩa của câu khẩu quyết…
Lý Tam Tiêu. Ngoài ra chân nhón gót lên sức nặng tụ trên các đầu ngón chân, nhất là
ngón cái làm căng thẳng vùng sau đùi chân phía bên trong và phần bụng trước ển tới
thúc đẩy kinh Tỳ Tạng tức Túc Thái Âm Kỳ Kinh, gồm 21 huyện được đả thông. Ngoài
ra khi hạ gót chân xuống mũi bàn chân uốn lên thì phần toàn bộ đùi trước từ dưới lên
trên căng cứng giúp đả thông kinh Dạ dày tức Túc Dương Kinh Vị, gồm 45 huyệt… Do
đó động tác của toàn đoạn làm lợi ích cho cả Ba Tùng. Ở đây hạn hẹp giải thích

không được rõ, chỉ nói đại cương công dụng của động tác và tại sao nó làm được lợi
ích như vậy thôi. Ngoài ra muốn tham cứu do soạn giả biên soạn thì mới hiểu đến chi
tiết. Điều tưởng nên nhắc cho rõ là từ xưa tới nay chẳng ai biết tập Bát Đoạn Cẩm
cho lợi ích đến chỗ tận cùng của nó, cũng như chẳng ai giải thích rõ được, dù bên
Tàu hay bên Nam ta. Nay soạn giả nói rõ ra cho học giả cùng hiểu, ấy là người đầu
tiên khám phá được ẩn ý của cổ nhân mấy ngàn năm, sở dĩ soạn giả khám phá được
là nhờ có học qua Y Lý và đạt thành Nội Công thượng thừa đến gọi là giác ngộ. Nhờ
đắc đạo mới dám nói dạy Nội Công cấp tốc cho người cao học võ thuật cùng dạy
thuật Điểm Huyệt mà người đời tương truyền chớ chẳng thấy ai làm được. Soạn giả
sẽ viết sách dạy điểm huyệt theo kinh nghiệm bản thân xuất bản nay mai ai học
cũng thấy kết quả….
Động tác 4 – 5 – 6: Đẩy chưởng lên và hạ xuống 3 lần như động tác 3 vừa học
trên. Thu tay xuống đầu thì buông lỏng, gồng thì đẩy lên. Tay lỏng thì thở ra, hít vào
thì đẩy lên. Hạ xuống thì cong các ngón chân lên. (Xem hình 7-8, Hình 7 nhìn từ một
bên).
YẾU LÝ: Động tác thực hiện đều đều không mau không chậm, hơi thở cũng tùy theo
vận chuyển lên xuống mà thở hít. Quán tưởng lên xuống như dòng nước chảy. Tập
mà nghe rêm tay phần cánh tay ngoài thì đúng, không rêm nên coi lại là vì đẩy chưa
ngay đỉnh đầu. Trẹch ra trước hoặc dịch về sau đều không thông được các kinh. Phần
chân nghe mỏi phần trước và phía sau mé trên lên tới bụng là đúng. Nếu không nghe
hơi hám gì là tại nhón gót chưa tới chỗ cao nhất và chưa cong ngón chân cái, trỏ lên
khi hạ gót chân. Ban đầu tập thấy rêm mỏi nhưng sau hơn tuần trở lên thì mỗi lần
đẩy tay lên xuống vài lần thấy rần rần trong chân tay ấy là khí được điều động đả
thông như nước chảy trong ống. Đó là điềm tốt.
Nói thêm cho rõ, đan ngón tay hoặc bàn tay nầy đè lên mu bàn tay kia đều đúng cả
nhưng đan ngón tay thì kết quả hơn, dễ thúc đẩy kinh mạch hơn. Hiểu rõ thì khỏi dị
nghị.
Động tác 7: Làm đến động tác 7, đẩy chưởng cao chân chưa hạ xuống thì mở rời
song chưởng ra rồi đưa xuống hai bên từ từ, lòng bàn tay úp xuống hướng mặt đất,
hai cánh tay thẳng, bằng ngang song song mặt đất, trong khi chân vẫn còn nhón

gót. Đưa tay xuống từ từ không làm mau (Hình 8).
Động tác 8: Từ từ hạ gót chân xuống cong ngón các ngón chân lên, hai tay đưa
xuống úp hai bên đùi như động tác chuẩn bị. Thở hít tự nhiên. (Hình 9) Kế duỗi
thẳng các ngón chân xuống đứng bình thường.
YẾU LÝ: Tập xong hết động tác thứ 8 thì trở lại tập động tác 1-2-3… cho đến 8 và tập
làm 4 lần cả thẩy trước khi qua đoạn thứ hai. Nghĩa là đoạn thứ nhất tập từ đầu đến
cuối làm 4 lần.
Lưu ý: Nếu hai bàn tay đan vào nhau như cài răng lược thì mỗi khi thu chưởng về
sát đỉnh đầu phải xoay cổ tay cho lòng bàn tay úp xuống đỉnh đầu; nếu bàn tay úp
lên nhau thì khỏi xoay.
Soạn giả nhắc lại lần nữa, đoạn thứ nhất nầy chủ luyện đả thông hai kinh Tam Tiêu
nằm ở phía ngoài hai cánh tay từ đầu ngón tay giữa cho đến đuôi chân mày. Làm
tăng bổ toàn bộ cho Ba Tùng trong châu thân. Đồng thời nhón chân và cong ngón
chân lên làm đả thông hai kinh Tỳ Tạng và hai kinh Dạ Dày giúp ăn ngon ngủ được
và trí tuệ tăng tiến. Theo Giáo Sư Soulié de Morant thì kinh Tỳ Tạng giúp đứa nhỏ
(thanh niên) mau lớn và phát triển khả năng toán học. Theo soạn giả kinh nghiệm thì
luyện đả thông một lượt ba kinh Tam Tiêu, kinh tỳ Tạng và kinh Dạ Dày làm thân thể
rất mau cường tráng, trước nhất điều chỉnh mọi suy yếu về sinh lý và sinh dục, sau
đến bồi bổ hiệu năng làm tăng tiến sức mạnh của Ba Tùng và hệ thần kinh. Do đó
sau 30 ngày chuyên tập nội đoạn này cho đúng cách thì thân đã đổi khác, từ trầm
trệ hóa ra nhẹ nhàng. Một người lười biếng sẽ hóa ra siêng năng, thích làm việc…
việc gì cũng thích. Soạn giả bảo đảm lời dạy nầy của mình.
Tự luyện Bát Đoạn Cẩm Thiếu Lâm
ĐỆ NHỊ ĐOẠN CẨM
CHUẨN BỊ: Khi tập xong Đệ Nhất Đoạn Cẩm thì thu tay trở về thế dự bị như ban đầu,
nghỉ một phút rồi tiếp tục tập tới đoạn thứ hai. Người yếu nên nghỉ 2-3 phút (Hình
10).
2. Tả Hữu Khai Cung Tự Xạ Điêu (Trái phải dương cung bắn chim
điêu)
Khác hơn đoạn thứ nhất chủ luyện khí đả thông kinh mạch, đây doạn thứ nhì nầy chủ

luyện lực gân. Luyện gân thì tấn Kỵ Mã. Và đoạn nầy được tập luyện với tấn Kỵ mã
và Cung Bộ. Đoạn nhì Bát Đoạn Cẩm chủ luyện gân lực cho đôi tay, thích ứng cho
mọi vận động võ thuật cũng như lao động thường thức hàng ngày của con người.
Động tác 1: Tư thế chuẩn bị, hai chân nhảy ra hai bên một bước rộng hơn vai, hai
bàn chân mở song song nhau, hai tay đưa thẳng bằng ngang phải trái, kế co tay vào
ngang trước ngực, bàn tay trái dùng sức (vận lực) mở các ngón ra, các ngón bấu
cong cong vào như bấu lấy quả cầu bằng sắt vậy (vừa nặng vừa trơn láng) lòng bàn
tay hướng về hướng bên phải, và hổ khẩu hướng lên trời. Tay phải nắm lại thành
quyền nhưng ngón trỏ mở ngay trỏ thẳng đứng lên trong lúc ngón cái kiềm (đè) lên
ngón giữa. Mắt nhìn ngón trỏ tay phải theo đường bằng ngang về hướng phải. (Hình
11)
Động tác 2: Đầu xoay nhìn về hướng phải, chuyển gân đẩy quyền phải. �CHỈ�
ngón trỏ về hướng phải, chưởng trái nắm lại thành quyền đồng thời cũng chuyển gân
kéo bằng ngang về hướng trái, lòng nắm tay úp vào trước ngực, tấn bộ cùng lúc rùn
thấp xuống chuyển thành chảo mã. (Hình 12)
YẾU LÝ: Động tác 1, tay phải như cầm cây cung, chưởng trái như cầm dây cung mà
tra tên vào, vận sức chuẩn bị dương cung nên hơi được hít đầy phổi. Kế động tác 2,
rùn bộ là dương cung, tưởng tượng dương cây cung bằng sắt nên phải vận lực nơi tay
và chân rùn mình bám đất. Nếu quen dần với lối vận lực lên xuống thì có thể tưởng
tượng là mình đang cỡi ngựa trên đường gập ghềnh và dương cung�
Động tác 3:� Nới lỏng nắm tay phải rồi mở ra thành chưởng, chưởng tâm chiếu về
hướng phải, kế thả lỏng hai tay, thở ra đồng lúc nhỏm người dậy hai tay thu về
thành động tác 1. (Hình 13 và 11)
Động tác 4: Làm lại hai (2) lần dương cung bắn sang hướng phải theo kiểu trồi lên
sụp xuống tức động tác 1-2-3.
Động tác 5: �. Dương cung bắn sang hướng trái, chưởng phải vận lực bấu vào
trước ngực bao lấy đầu quyền trái, trong lúc ngón trỏ quyền nầy chỉ thẳng đứng lên.
Động tác và ý nghĩa giống hệt động tác 1 nhưng chỉ đổi tay, mắt nhìn theo ngón trỏ
trái về hướng trái.(Hình 14)
Động tác 6: Vận lực dương cung ra bắn về bên trái, hạ thấp tấn bộ, buông lên, thu

tay, nhỏm dậy. (Hình 15-16) Động tác nầy cũng làm ba lần như bên hướng phải. Tức
đứng nhấp nhỏm bắn cung mỗi bên ba lần�
YẾU LÝ: Từ động tác 1 đến động tác 6 thật ra là thực hiện lặp lại của động tác 1-2-3
và đổi bên. Ý nghĩa của nó là bắn cung theo lối nhấp nhỏm gập ghềnh như đang khi
cỡi ngựa trên đường gập ghềnh mà phi nhanh nên phải trồi lên sụt xuống. Do đó
phần chân (mã bộ) thì linh động nhịp nhàng, mà phần tay thì vững vàng chắc chắn,
lực được vận đầy, thân eo thẳng tắp. Có được như thế thì mục tiêu mới chuẩn đích.
Điều quan trọng phải làm trong ba động tác bắn cung nầy là lắp tên nhỏm dậy, bắn
thì xuống tấn. Bàn tay nắm cung, ngón cái đè mạnh trên ngón giữa, ngón cái đưa
cao, cánh tay thẳng, tận lực đẩy tới. Bàn tay cầm dây cung nắm chặt tận lực kéo về
sau bên đối nghịch cho thẳng căng ngực. Sức mạnh được vận dụng nơi nắm tay vào
chỗ eo lại. Do đó khi tập động tác nầy thấy rêm nhức phần trên cổ tay nắm cây cung
và bắp thịt bắp tay trên tay nầy, và tay kéo dây thì chỉ mỏi ở bắp tay trên mà thôi.
Làm đều hai tay thì mỏi đều. Nhớ phải gồng.
Động tác 7: � Làm xong động tác bắn bên trái thì xả lực, kế xoay mặt về hướng
phải tra tên vào cung, xuống tấn bộ và bắn về bên phải ba lần mà chân không động
(bất động). Động tác làm chậm vận lực đúng mức, bàn tay nắm và duỗi ngón trỏ cực
lực. Kéo dây cung với tất cả sức mạnh thân mình. (Hình 17)
Động tác 8: � Bắn sang trái trong thế bất động ba lần, giống như bắn bên phải trên
động tác 7. (Hình 18) Xong xả lực nhảy khép hai bàn chân vào sát nhau, tay buông
tự nhiên hai bên đùi, nghỉ một phút để bắt đầu làm đến đoạn thứ ba.
YẾU LÝ: Toàn đoạn gồm hai thế bắn cung, bắn theo lối nhấp nhỏm và bắn trong tư
thế đứng vững. Thế bắn nhấp nhỏm chú trọng nhịp nhàng bỏ chân, hễ trồi lên thì
nạp tên, thở ra xả lực, xuống bộ thì đã đầy hơi, dương cung, nhả tên. Quan trọng ở
chỗ đẩy cung và kéo tên (kéo dây cung), nắm tay đẩy cung lòng nắm tay ngửa tới
hướng hẳn, ngón trỏ chỉ thẳng đứng, ngón cái kẹp chặt ngón giữa tức giữ cho nắm
tay được cứng, và cánh tay thì thẳng. Tay kéo dây cung từ chưởng bấu từ từ nắm
chặt lại như móng con chim ưng rồi ngón cái kiềm trên hai lóng thứ nhất của ngón
trỏ và giữa, cánh tay thì kéo cực lực ngang về hướng đối nghịch. Lồng ngực ển tới
trước. Hai tay đồng vận lực đẩy tới và kéo ra một lúc với động tác xuống tấn. Giữ bất

động trong 6 giây đồng hồ, xong mới xả lực trồi dậy thu tay về vị thế lắp tên. Lắp
tên và bắn theo nhịp độ đều và chậm. Động tác bắn bất động chỉ khác là không nhấp
nhỏm. Hơi thở thì, lúc xả lực thì thở ra, hít đầy hơi rồi thì vận lực (gồng) và khi vận
lực thì khí đầy trong phổi ngưng thở.
Điều nên nhớ là phải kiểm điểm coi hình thức mình làm có giống với sách không, kế
đến ý thức có được đầy đủ hay còn phân tâm tạp niệm (nghĩ bậy bạ không chú ý vận
gân). Kết quả của đoạn nầy làm mạnh hai cánh tay, thông hoạt và cứng cáp đôi
chân. Làm thông kinh Ruột Già gồm 20 huyệt khởi đầu từ đầu ngón trỏ chạy theo
phần trên cánh tay cho tới cánh mũi. Trị được bệnh táo bón, tê bại, phong thấp nhức
gân khớp xương, nhất là đau gân tay, bán thân bất toại.
Tự Luyện Bát Đoạn Cẩm Thiếu Lâm
ĐỆ TAM ĐOẠN CẨM
3. ĐIỀU LÝ TỲ VỊ ĐƠN CỬ THỦ (Điều hòa Tỳ Vị một tay đẩy lên)
CHUẨN BỊ: Đứng thẳng, hai tay buông xuôi hai bên đùi giống như thế chuẩn bị hai
đoạn trước… mắt nhìn thẳng tới trước, hơi thở điều hỏa. (Hình 19)
Động tác 1: Tay phải từ từ đưa (đở) lên thẳng cánh theo chiều bên phải, đến khi tay
cao ngang vai thì các ngón của bàn tay từ từ ển (cong) lên bằng cách cong nơi cổ ta,
trong khi cánh tay được đưa lên từ từ không dừng lại. Khi cánh tay thẳng đứng với
thân mình thì bàn tay đã hoàn toàn ngửa lòng lên trời, mũi bàn tay chỉ về hướng bên
trái. Các phần khác không lay động. (Hình 20)
Động tác 2: Cánh tay phải từ từ co chỏ hạ thấp lưng bàn may (mu) xuống sát đỉnh
đầu, chỏ ngang hướng phải, lòng bàn tay vẫn chiếu thẳng lên trời. Trong khi bàn tay
phải hạ xuống đỉnh đầu thì bàn tay trái nắm lại thành quyền cũng đồng lúc co chỏ
thu quyền lên cao ngang hông. Hơi hít đều, giữ yên trong phổi (như hình 25 nhưng
đổi tay). Kế nắm tay trái mở ra thành chưởng. (Hình 21)
YẾU LÝ: Động tác thứ nhất đưa tay lên mà thân không động, vai để mềm mà cổ tay
phải vận động, theo tay đưa lên mũi hít đầy hơi. Khi tay tới đỉnh đầu nghe rêm phần
gân hội giữa mu bàn tay và bắp thịt của cánh tay sau thì đúng, nhược bằng chẳng
thấy rêm đau thì sai vì cánh tay đưa lên đã trệch đi tới trước hoặc sau không ngay
hàng với vai. Đồng thời với động tác đưa tay phải thì chân phải cũng từ từ lún (trì)

xuống đất, khi mu bàn tay và bắp tay nghe rêm thì bên hông phải cho đến chân
(phần trước của chân) cũng nghe rêm rêm. Tập lâu mỗi lần đẩy tay lên nghe mát
lạnh từ một bên hông tới đùi và chân trước, ấy là khí lực lưu thông. Co tay trái lên là
hỗ trợ sự căng thẳng của hông phải tạo điều kiện cho khí lực lưu thông trong kinh Dạ
Dày cùng kinh Tỳ Tạng. Đây là cách điều hòa khí lực hữu hiệu nhất không có bậc bô
lão nào cùng võ gia nào tham luyện Bát Đoạn Cẩm mà không hiểu.
Động tác 3-4… Tiếp theo động tác trước. Bàn tay phải xoay lòng bàn tay úp xuống
đỉnh đầu (gồng cứng mà xoay), kế xoay trở lên rồi đẩy chưởng thẳng lên đỉnh đầu,
tay trái đẩy xuống và nắm lại thành quyền, hít hơi vào (thở ra ở động tác 2). Đoạn
hạ chưởng xuống đỉnh đầu rồi lại đẩy lên. Hạ xuống xong thì thở ra, kế hít hơi vào
thì đẩy chưởng lên…. Tức thực hiện 2 lần đẩy lên hạ xuống. (Hình 22). Nói rõ hơn từ
động tác 1 tới động tác 4 làm cả thảy 3 lần đẩy chưởng lên và 3 lần hạ chưởng
xuống, tức 3 lần điều lý kinh Tỳ Vị bên phải. Trong 3 động tác nầy có 3 lên hít vào và
thở ra.
Động tác 5:…. Tiếp theo hình 22. Chưởng phải hạ xuống (thẳng tay) bên đùi đồng
thời chưởng trái (thẳng tay) đưa lên rồi lật cổ tay cho chưởng tâm ngửa lên trời ngay
giữa đỉnh đầu như Hình 23.
YẾU LÝ: Động tác 3-4 là động tác chót của 3 lần vận chuyển bàn tay phải để điều
hòa kinh Tỳ Vị bên phải.
Động tác 5 là động tác giao hoán (thay đổi) từ thế chưởng đẩy lên tay phải thay đổi
bởi tay trái, để bắt đầu sau đó tập đả thông hai kinh bên trái. Điều nên nhớ ở đây là
hai chữ Giao Hoán, tức thay nhau, vậy hễ tay nầy xuống thì tay kia lên, tay nầy
nhích động xuống bao nhiêu thì tay nọ nhích động lên bấy nhiêu. Tay phải xuống úp
dần xuống rồi vào đùi, ngược lại tay trái từ úp bên đùi trái sau khi lên ngang bằng
vai thì ngửa dần cho đến đỉnh đầu thì ngửa thẳng lên trời. Tay trái lên thì chân trái
lún xuống. Mũi cũng hít vào từ từ cho đến khi tay đến đỉnh đầu thì phổi đầy hơi.
Ở động tác giao hoán nầy coi như chưa hề vận động nguồn khí lực nào, chỉ đưa tay
suông cho có hình thức nhịp nhàng mà thôi. Dù vậy khi đưa lên luồng khí lực cũng tự
nhiên lưu thông vì cánh tay xoay, hông trái thẳng băng và chân trái lún xuống, cử
động như thế làm hai kinh Tỳ Vị bị điều động, luồng khí lực tự nhiên có đủ điều kiện

lưu thông. Nếu thêm vào đó một chuyển động của tay, chưởng và ý tưởng tập trung
là lực khí cuồn cuộn tuôn tràn trong hai kinh Dạ Dày và Lá Lách nầy.
Động tác 6:… Bàn tay phải nắm lại thành quyền, chỏ co lên, thở nhẹ ra đồng thời
chưởng trái hạ mu bàn tay xuống gần đỉnh đầu, gần tới đỉnh đầu thì hít hơi vào đầy
phổi kế chuyển lực vào cổ tay trái, bàn tay phải cũng co lên cực lực ngang hông. Kế
nắm tay phải mở ra thành chưởng như trên động tác 2. (Hình 24-25)
Động tác 7-8: Thực hiện lại hai chu kỳ đẩy chưởng lên và hạ xuống đỉnh đầu, lún
chân, v…v… Tất cả đều giống hệt các động tác 1 đến 4 nhưng chỉ khác tay mà thôi.
Sau hết là giao hoán tay phải lên rồi thực hiện lại 3 lần đẩy chưởng tay phải đoạn
giao hoán tay trái lên đẩy 3 lần chưởng trái. Tức là toàn đoạn ba nầy cũng tập cả
thảy 12 lần. Các đoạn khác cũng không khác.
YẾU LÝ: Như đã giảng trước, đoạn ba nầy dung luyện khí, đả thông hai kinh Dạ Dày
và kinh Lá Lách. Sự vận động có chỗ giống với Đoạn Thứ Nhất nhưng có chỗ khác là
chân ở động tác của đoạn thứ nhất có nhón lên hạ xuống, ở đoạn ba chân không
nhón lên, mà chỉ có trầm lún một bên. Về tay thì ở đoạn 3 khi hạ sát đầu có gồng
chuyển.
Có thể nói đoạn thứ nhất là một thế tập tổng quát có khả năng huy động nhiều kinh
mạch trong một chuyển động toàn diện cơ thể. Còn đoạn ba chỉ chú trọng đến hai
kinh Tỳ và Vị kinh.
Được biết ông bà xưa chủ trương ăn được ngủ được là tiên nên đã chú trọng rất
nhiều tới những cơ quan thuộc Ba Tùng gọi chung là Ngũ Tạng Lục Phủ, gọi theo
tiếng đời mới bây giờ là Bộ Máy Sinh Lý, do đó mới nghĩ ra phương pháp thần diệu
vận động để kích thích gây nhiều lợi ích cho các cơ quan, vừa tu bổ vừa kiến tạo lại,
vừa phát triển năng lực. Vì vậy khi tập Bát Đoạn Cẩm người ta sẽ ăn ngon ngủ được,
mau đói, đái ỉa (tiểu tiện) rất thông suốt, sinh lý mạnh cho tuổi già, trẻ con mau lớn
học giỏi, nhất là giỏi toán học. Sự kiểm chứng đã có các bác học Tây Phương đảm
trách xác nhận. Tiếc thay phương pháp lợi ích cao đẳng như thế mà mấy trăm năm
nay ông bà mình cứ bí truyền thành ra con cháu mới thua sút người ta. Từ đây về
sau thì chuyện đời đã khác rồi, vận hội mới đã tới.
 ẩn ác - dưỡng thiện

 "Your vision will become clear only when you look into your heart
Who looks outside, dreams. Who looks inside, awaken." (Carl Jung)
Tự Luyện Bát Đoạn Cẩm Thiếu Lâm
ĐỆ TỨ ĐOẠN CẨM
CHUẨN BỊ: Như mọi đoạn trong Bát Đoạn Cẩm, hễ muốn bắt đầu luyện đoạn nào đều
phải đứng thế chuẩn bị trước rồi sau đó mới khởi luyện. Và khi chấm dứt cả đoạn đều
cũng phải trở về thế chuẩn bị ban đầu rồi nghỉ ngơi trong vài ba phút trước khi tập
đoạn kế tiếp. Do đó dù trong một đoạn nào không nhắc tới trở về chuẩn bị khi hết
đoạn thì học giả cũng phải hiểu là phải rút chân trở về thế chuẩn bị. Mọi thế chuẩn bị
đều giống nhau là đứng thẳng hai chân khít nhau, hai bàn tay úp vào hai bên đùi,
mắt nhìn thẳng và hơi thở điều hòa. (Hình 26)
4. Ngũ Lao Thất Thương Vọng Hậu Tiền (Năm Lao, bảy Thương
liếc nhìn phía sau)
Đoạn nầy chủ luyện Não Tủy, diệt trừ năm bệnh Lao và bảy bệnh Thương. Hệ Thần
Kinh Não Tủy bị mệt thì mọi cơ quan trong châu thân đều ảnh hưởng trầm trọng. Mọi
sự mệt mỏi giả tạo có thể xảy ra do óc đánh lừa cơ thể, từ đó sanh các chứng Lao
Thương, và cũng do nhiều vấn đề suy nghĩ phúc tạp trong đời sống tranh đấu hàng
ngày người ta phải đối phó nên gây nên Lao Thương nhẹ hoặc nặng. Theo tiếng đời
mới của Y Học Thái Tây gọi là suy nhược thần kinh hệ. Để lấy lại quân bình thần kinh
và khinh khoái, linh hoạt đầu óc, phép tập số bốn nầy có giá trị đáng được ca ngợi.
Học giả thử ngay sẽ thấy là ngoài sức tưởng tượng của mình, một niềm vui đến ngay
sau vài cử động. Một món thần dược quá rẻ tiền. Ngoài thành tích trị lao thương, nó
còn phát triển nghị lực và sức mạnh của cổ, gân, xương cổ, tiểu não, giúp võ gia sức
lực đủ chịu đựng các đòn công dũng mãnh của đối phương.

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×