Con sáng tạo – Bố mẹ vui
Cha mẹ nào cũng hạnh phúc khi con mình thông minh, tài giỏi, mới
bé tí đã thể hiện rõ thiên khiếu bẩm sinh của một nhà phát minh tương lai.
Nhưng làm sao để phát huy tính sáng tạo ở trẻ là điều không dễ.
Những hoạt động, suy nghĩ, tình cảm thời thơ ấu đều có ảnh hưởng
lớn đến mỗi người khi trưởng thành. Thế giới trẻ thơ hồn nhiên, nghịch
ngợm nhưng đầy sáng tạo, đôi khi là đam mê, ngẫu hứng sẽ giúp trẻ có
những ý tưởng phong phú, suy nghĩ sâu sắc hơn. Điều này góp phần quyết
định thành công của trẻ sau này.
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ cần được bố mẹ lưu tâm trau dồi khả năng
sáng tạo để chuẩn bị những bước tiến vững chắc cho tương lai.
Hãy để bé tự nguyện
Cha mẹ thường mong mỏi con mình mau tiến bộ. Muốn con trẻ phát
huy tính sáng tạo, cha mẹ cần kiên trì rèn luyện cho con từng bước một, từ
dễ đến khó.
Sáng tạo đồng nghĩa với sự tự do, với trí tưởng tượng phóng khoáng.
Nếu cha mẹ muốn con trẻ trở thành người sáng tạo thì trước tiên, cha mẹ
phải học trở thành người kiên nhẫn.
Nếu bị ép buộc, trẻ không những không sáng tạo hơn mà còn trở nên
thụ động, vô hình chung mọi cố gắng của cả cha mẹ và trẻ đều bị phản tác
dụng.
Cha mẹ là người bạn “đồng sáng tạo” với trẻ
Cha mẹ cần rèn luyện tính sáng tạo cho trẻ thường xuyên. Điều quan
trọng là phải biết cách tạo hứng thú cho trẻ. Nếu trẻ thích, coi như bạn đã
thành công một nửa rồi.
Một gia đình có nhiều người năng động, vui vẻ thì trẻ có thể phát huy
rất cao tính sáng tạo của mình. Cha mẹ có thể cùng trẻ tham gia các hoạt
động tốt cho óc tưởng tượng, sáng tạo, như: cùng đóng kịch, kể chuyện, vẽ
tranh, làm thơ, lắp ráp mô hình, xem các chương trình khoa học phổ thông,
giải trí, văn hóa…
Những kỷ vật đẹp đẽ còn lưu lại tuổi thơ trên những đồ vật cũ của cha
mẹ ngày xưa cũng có thể chia sẻ với trẻ, sẽ giúp trẻ cảm nhận sâu hơn về sự
vật, khiến trẻ có liên tưởng, so sánh với thế giới của mình. Điều này thật sự
có ích.
Khi trẻ cần những đồ dùng để “thỏa trí” sáng tạo, cha mẹ cần cung
cấp cho trẻ: khi trẻ vẽ tranh cần có chì, màu, giấy…; khi trẻ cần xây nhà thì
cần có giấy, phấn màu, các khối hình…
Cha mẹ không nên làm thay trẻ mà để trẻ tự sáng tạo. Thời điểm cần
thiết, cha mẹ có thể góp ý giúp trẻ chỉnh sửa, hoàn thiện tác phẩm của mình.
Biết khen để khích lệ trẻ
Cha mẹ không nên tỏ thái độ bực bội khi trẻ vì mải mê với sáng tạo
của mình mà làm bừa bộn cả một góc phòng, thậm chí cả căn nhà. Chỉ nên
nhẹ nhàng nhắc trẻ cần ngăn nắp, sạch sẽ và hướng dẫn trẻ cách tự thu dọn
đồ.
Tuyệt đối không được phàn nàn, cau có, chê bai hay so sánh những
thành phẩm mà trẻ đã làm với sản phẩm mẫu. Trẻ luôn thích tự do sáng tạo
mọi thứ theo ý mình. Sự vui vẻ, lời động viên đúng cách của cha mẹ sẽ giúp
trẻ có hứng thú lâu dài với sự sáng tạo và những phát minh. Và vì thế, những
“thiên tài nhí” sẽ luôn phát huy được cá tính sáng tạo của mình để làm hài
lòng cha mẹ.