Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Delhi cuộc sống muôn màu pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (611.68 KB, 7 trang )

Delhi cuộc sống muôn màu

Trước khi đặt chân tới Delhi, tôi đã nghe rất nhiều thông tin không hay về tình trạng du lịch lộn
xộn ở thành phố này, nào là đặt phòng khách sạn trước qua email nhưng người đến đón tại sân
bay lại chở tới khách sạn khác để lấy tiền hoa hồng; nào là nhà hàng đầu độc thực khách để ăn
chia tiền bảo hiểm với bác sĩ…

Vì thế, tôi phải mất khá nhiều thời gian tìm hiểu trước khi quyết định đặt phòng tại một nhà trọ
nhỏ ở khu Paharganj. Tới ngày lên đường, dù đã email và gọi điện trực tiếp sang Ấn Độ để “nhắc
nhở”, tôi vẫn hơi lo lắng khi máy bay hạ cánh. Chỉ đến lúc nhìn thấy người đàn ông đứng tuổi
cầm tấm bảng mang tên mình trong đám đông chen chúc tại cửa ra, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Namaste (Chào) Delhi!


Paharganj - điểm hẹn của các backpacker

Sạp hàng bán trái cây khô ở chợ trời


Lúc đó đã là 10 giờ đêm. Người đàn ông lái xe lôi chở chúng tôi đi một quãng đường rất xa từ
sân bay về khu Paharganj, điểm đến của đa số backpacker (du lịch balô) khi đến Delhi. Rời
những đường cao tốc vẫn còn rất nhộn nhịp, chúng tôi bắt đầu đi vào khu phố cổ của Delhi trên
những con đường nhỏ xíu, vắng vẻ. Ánh đèn vàng leo lét từ vài tiệm tạp hóa đang dọn hàng đủ
để chúng tôi nhìn thấy khung cảnh nghèo nàn của khu này. Thỉnh thoảng, xe phải đi chậm lại để
tránh những con bò đứng ngơ ngác giữa đường hay đang vục đầu bới rác bên vệ đường.


Những chiếc mũ đội đầu của người Hồi giáo bán trong chợ trời


Không giống với khu Khaosan ở Bangkok chủ yếu dành cho khách du lịch, Paharganj của Delhi


còn phục vụ cả dân cư địa phương với vô số cửa hàng bán đủ mọi thứ trên đời. Nếu đặt phòng ở
đây, tốt nhất nên đăng ký luôn dịch vụ đón từ sân bay hay nhà ga nếu bạn không muốn bị lạc
giữa một mê cung các con đường nhỏ xíu và rất giống nhau.


Việc đi lại ở đây thường khiến du khách, kể cả chúng tôi, hốt hoảng lúc đầu và ngạc nhiên sau
đó. Thật thú vị khi thấy tất cả các phương tiện giao thông, từ thô sơ như rickshaw (xe đạp thồ)
đến auto rickshaw (xe lôi máy), xe máy và xe hơi cùng chen chúc trên các con đường bé xíu. Lại
có cả bò, con vật thiêng trong tôn giáo Ấn Độ, cũng tham gia lưu thông theo cách có vẻ hỗn loạn,
nhưng lại rất an toàn.


Món ăn vặt trên đường phố



Cửa hàng bán đồ trang trí đám cưới

Hầu hết các cửa hàng ở đây đều chỉ mở cửa từ 10 giờ sáng nên khi chúng tôi xuống phố ngay từ
đầu buổi sáng hôm sau, đường phố vẫn còn vắng vẻ. Khu Paharganj không chỉ thu hút du khách
nhờ giá rẻ, mà còn rất tiện lợi trong việc tham quan các di sản của thành phố. Từ khu này có thể
thuê xe thồ hoặc xe lôi để đi tham quan. Do nhà trọ của chúng tôi rất gần trạm tàu điện ngầm nên
chúng tôi quyết định đi thử phương tiện giao thông hiện đại ấy.

Nhịp sống sôi động Old Delhi


Đại giáo đường Hồi giáo Jama Masjid

Khác hẳn với hình ảnh nhếch nhác của giao thông trên mặt đất, hệ thống tàu điện ngầm (được

khánh thành cuối năm 2002) ở Delhi rất sạch sẽ và hiện đại. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là
Jama Masjid, giáo đường Hồi giáo lớn nhất Ấn Độ. Được hoàn thành vào năm 1656 sau sáu
năm xây dựng và huy động hơn năm ngàn công nhân, giáo đường này được coi là một ví dụ tiêu
biểu của kiến trúc vương triều Mughal.


Jama Masjid được khởi công xây dựng dưới thời vua Shah Jahan, một trong những vị vua
Mughal vĩ đại nhất. Ông ta cũng là người khởi xướng ý tưởng cho rất nhiều công trình kiến trúc
nổi tiếng khác như pháo đài Đỏ, pháo đài Agra, lăng Jahangir và nổi tiếng nhất là đền Taj Mahal -
một trong những kỳ quan của thế giới.


Kiến trúc Jama Masjid tuy đơn giản nhưng kích thước khổng lồ và sự uy nghiêm nơi đây khiến
cho chúng tôi cảm thấy bị choáng ngợp. Được xây bằng sa thạch đỏ và cẩm thạch trắng, hai vật
liệu chủ đạo trong các công trình xây dựng theo phong cách Mughal - Jama Masjid nổi bật trên
bầu trời xanh của Delhi.


Đi qua một trong ba cửa vào của giáo đường, chúng tôi tới một sân cầu nguyện ngoài trời khổng
lồ với sức chứa lên tới 25.000 người. Nếu thích nhìn toàn cảnh Delhi, du khách có thể leo 133
bậc thang để lên tới đỉnh tháp chuông cao 41m của giáo đường. Cũng giống như các nhà thờ
Hồi giáo tôi đã có dịp tham quan, nội thất bên trong giáo đường Jama Masjid khá đơn giản với
các hoa văn trang trí là họa tiết hình học, hoa lá, cây cỏ hay các chữ thư pháp Ả Rập.


Hôm nay là thứ Sáu, ngày cầu nguyện của đạo Hồi, nên người ta trải những miếng vải dài trên
sân phía trước nhà cầu nguyện để chuẩn bị cho lễ diễn ra vào buổi chiều. Không khí bên trong
giáo đường thật bình yên, từng đàn chim bồ câu bay rợp trời.



Vừa bước ra khỏi Jama Masjid, chúng tôi lạc ngay vào một khu chợ trời khổng lồ. Hàng hóa đủ
chủng loại và màu sắc bày ra khắp nơi, người đi lại như mắc cửi. Các chủ cửa hàng là những
người đàn ông mặc áo thụng dài màu trắng, đội trên đầu những chiếc mũ nhỏ thêu hoa văn tinh
xảo.


Một góc khu phố Hồi giáo


Chúng tôi len lỏi qua những con hẻm đầy người, tìm đường đến quán ăn Karim nổi tiếng được
giới thiệu trong sách hướng dẫn du lịch để ăn trưa sau nửa ngày lang thang. Tuy các món ăn ở
đây không hợp khẩu vị lắm, chúng tôi vẫn thấy thích thú với lần đầu tiên ăn bốc bằng tay. Sau khi
ăn, bắt chước những người địa phương, chúng tôi vốc một nhúm các loại lá thơm trộn với kẹo
trên bàn rồi nhai thật kỹ. Vị thơm dịu ngọt còn đọng mãi trên đầu lưỡi mỗi người.


Chia tay khu Hồi giáo, chúng tôi ghé qua Chandni Chowk, một trong những khu phố cổ nổi tiếng
khác. Nơi đây cũng giống như 36 phố phường Hà Nội, gồm nhiều chợ bán những mặt hàng riêng
biệt theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường”. Chúng tôi chỉ kịp ghé qua Kinari chuyên bán nữ
trang và các đồ trang trí đám cưới, còn các khu bán đồ gia dụng, đồ da, vải vóc… thì đành hẹn
lại trong lần khác.


Lăng Humayun - góc xanh tĩnh lặng

Vẻ đẹp đầy chuẩn mực trong kiến trúc lăng Humayun

Lăng Humayun nằm khá xa khu Old Delhi nên chúng tôi tiếp tục đi tàu điện ngầm để tới trạm gần
lăng nhất là Pragati Maidan. Khác hẳn với khu phố cổ chật hẹp, đông đúc và ồn ào, khu vực phía
nam của Delhi thường được gọi là New Delhi lại có dáng vẻ một đô thị hiện đại với đường sá

rộng rãi, nhiều cây xanh và các khu dân cư được bố trí rất đẹp. Cũng không có gì ngạc nhiên vì
theo các phát hiện khảo cổ, Old Delhi đã được xây dựng từ vài trăm năm trước, còn khu vực
phía nam chỉ mới được quy hoạch lại vào đầu thế kỷ XX, trong thời kỳ người Anh đô hộ.


Được UNESCO vinh danh di sản thế giới từ năm 1993, lăng Humayun cũng là một công trình
kiến trúc tiêu biểu theo phong cách Mughal. Trong lịch sử, vương triều Mughal là một đế chế Hồi
giáo có nguồn gốc Mông Cổ và Thổ Nhĩ Kỳ, đã xâm lược và cai trị tiểu lục địa Ấn Độ từ đầu thế
kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX. Kiến trúc Mughal do vậy là sự kết hợp hài hòa của phong cách Hồi
giáo và Ấn Độ, đơn giản, uy nghi nhưng không kém phần tráng lệ và tinh xảo.


Thiếu nữ Ấn Độ chụp ảnh lưu niệm khi thăm lăng Humayun


Lăng Humayun bắt đầu được xây dựng theo lệnh của hoàng hậu Hamida Banu Begum từ năm
1565, tức là chín năm sau khi hoàng đế Humayun qua đời. Kiến trúc của lăng với mái vòm hình
tròn khổng lồ mang đậm dấu ấn của kiến trúc sư trưởng Mirak Mirza Ghiyuath, vốn là người Ba
Tư. Bao quanh lăng là các hồ nước nhỏ thông với nhau bởi bốn đường dẫn nước chính tượng
trưng cho bốn con sông chảy trong jannat, là “thiên đường” theo quan niệm của đạo Hồi.


Khu vườn bao quanh lăng cũng được chia thành nhiều ô vuông đối xứng nhau, tạo nên vẻ đẹp
uy nghiêm và chuẩn mực trong kiến trúc của lăng. Lăng Humayun không chỉ dành cho vua
Humayun, mà còn được coi là lăng mộ hoàng gia với 124 căn phòng ở cả hai tầng, lưu giữ bia
mộ của trên 100 thành viên thuộc vương triều Mughal. Kiến trúc bên trong các phòng rất đơn
giản, ánh sáng chỉ lờ mờ lọt qua những rèm cửa bằng đá được chạm khắc tinh xảo như đăng
ten.



Sau khi tham quan lăng, chúng tôi đi ra khu vườn phía trước, ngồi trên bãi cỏ xanh mướt dưới
bóng các cây cổ thụ khổng lồ. Những ấn tượng về một Delhi ồn ào, nhộn nhịp buổi sáng dường
như biến mất, chỉ còn sự yên bình tĩnh lặng bao trùm. Không giống với các đền thờ Ấn Độ giáo
luôn hướng về phía đông, cổng chính của lăng Humayun nằm ở phía tây, hướng về thánh địa
Mecca của đạo Hồi. Trong ánh nắng buổi chiều, những phiến đá hàng trăm tuổi bằng sa thạch đỏ
và cẩm thạch trắng rực sáng, gợi nhớ vầng hào quang một thuở của những vương triều vàng
son trong quá khứ.

Tạ Hạnh Liên Blog's

×