Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Vi khuẩn kháng thuốc pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (142.72 KB, 6 trang )


Vi khuẩn kháng thuốc



Vi khuẩn kháng kháng sinh đã thực sự là một vấn đề đáng lo ngại.
Hiện sự kháng thuốc không chỉ khu trú ở một loài vi khuẩn là tụ cầu
vàng mà còn lan tràn ở nhiều loại vi khuẩn khác như vi khuẩn gram âm,
gram dương, phế cầu khuẩn, vi khuẩn viêm màng não…
Chính vì thế, chống kháng thuốc đã được Tổ chức Y tế Thế giới
(WHO) lấy làm chủ đề cho Ngày sức khỏe thế giới năm nay.
Các vi sinh vật là nguyên nhân của nhiều bệnh nhiễm khuẩn khác
nhau. Chúng là thủ phạm gây ra các bệnh như viêm phổi, viêm màng não,
viêm gan, viêm ruột, viêm thận, viêm đường tiết niệu, viêm loét ngoài da; là
nguyên nhân gây ra những vụ đại dịch như ho gà, bạch hầu, dịch hạch, đậu
mùa… Một trong các phương thức hữu hiệu để chống lại các vi khuẩn gây
bệnh là thuốc kháng sinh.
Mối nguy kháng thuốc
Thuốc kháng sinh được coi là một giải pháp cho loài người trong
phòng và điều trị bệnh do nhiễm khuẩn. Nhờ có thuốc kháng sinh mà chúng
ta có thể kiểm soát được nhiều dịch bệnh. Có nhiều loại kháng sinh, nhưng
dù là loại nào thì chúng đều có một tác dụng chung là ức chế và tiêu diệt vi
khuẩn. Cơ chế thực hiện của mỗi thuốc là khác nhau và các vi khuẩn nhạy
cảm đối với mỗi thuốc cũng khác nhau. Vì thế chúng ta cần có nhiều loại
thuốc kháng sinh để đẩy lùi tất cả những mầm bệnh này.
Nhưng hiện nay, vi khuẩn đang có xu hướng kháng lại thuốc kháng
sinh, làm cho thuốc đó không còn tác dụng trên lâm sàng, không còn tác
dụng tiêu diệt vi khuẩn. Khi thuốc vào, vi khuẩn vẫn sống tốt, ngay cả khi
chúng ta sử dụng kháng sinh nồng độ cao. Việc kháng thuốc kháng sinh là
một mối hiểm hoạ lớn bởi lẽ vi khuẩn không còn gì ngăn trở. Những vi
khuẩn kháng thuốc sẽ nhân lên nhanh chóng, di truyền tính kháng thuốc cho


các thế hệ vi khuẩn con cháu và lây lan sang những người xung quanh và
con người khi mắc bệnh do vi khuẩn gây ra sẽ không còn có cơ hội để điều
trị.
Để lý giải tình trạng này, người ta cho rằng sự đột biến đã dẫn tới hiện
tượng kháng thuốc kháng sinh ở vi khuẩn. Khi sử dụng kháng sinh thì đa
phần các vi khuẩn đều chết. Nhưng ở một số trường hợp hy hữu thì vi khuẩn
còn sót lại, có những đột biến có lợi cho sự sinh tồn của chúng. Những vi
khuẩn này nhanh chóng nhân lên và trở thành quần thể vi khuẩn kháng
thuốc. Tìm hiểu dưới góc độ phân tử, người ta thấy các vi khuẩn kháng
thuốc theo một hoặc nhiều trong ba cơ chế sau: tổng hợp các enzym bất hoạt
hoặc phân huỷ kháng sinh, thay đổi cấu trúc mà kháng sinh tác động và thải
loại kháng sinh khỏi tế bào. Trong đó có nguyên nhân chủ quan rất quan
trọng do sử dụng thuốc kháng sinh không đúng chỉ định, sai nguyên tắc, lạm
dụng thuốc, không có sự hướng dẫn của thầy thuốc.
Hiện tượng tổng hợp nên các enzym phân huỷ kháng sinh là một hiện
tượng rõ nét ở nhóm vi khuẩn tụ cầu vàng. Các vi khuẩn này tổng hợp nên
men ß-lactamase phân huỷ kháng sinh nhóm ß-lactam, là một nhóm kháng
sinh phổ rộng, mạnh và hữu dụng. Khi bị phân huỷ, các kháng sinh này
không còn tác dụng và không còn đủ sức mạnh tiêu diệt vi khuẩn.
Các enzym trên được tổng hợp cả ở trong và bên ngoài vi khuẩn để
không có phân tử kháng sinh nào có thể tiếp cận được với tế bào của nó. Sự
đột biến trong trường hợp này là sự đột biến trên nhiễm sắc thể của vi khuẩn
theo hướng tạo ra các men ß-lactamase. Với sự có mặt của ß-lactamase, tụ
cầu vàng không chỉ kháng lại kháng sinh penicillin mà còn kháng lại các
kháng sinh khác cùng dòng như piperacillin và cefotaxim. Không những thế,
nó còn kháng lại dòng kháng sinh được coi là siêu mạnh: glycopeptid -
vancomycin. Người ta còn quan sát thấy các men phân huỷ kháng sinh khác
như men chuyển acetyl chống lại chloramphenicol và men làm biến đổi cấu
trúc chống lại các kháng sinh dòng aminoglycosid. Người ta cũng thấy rằng
sự kháng thuốc không chỉ khu trú ở một loài vi khuẩn tụ cầu vàng mà còn

lan tràn ở nhiều loại vi khuẩn khác.
Làm gì để chống vi khuẩn kháng thuốc?
Sự kháng thuốc kháng sinh, xét về bản chất là do việc sử dụng kháng
sinh không đúng gây ra. Theo những quan điểm tiến hoá thì sự kháng thuốc
sẽ xảy ra dần dần vì vi khuẩn phải có thời gian để đột biến. Thời gian này có
thể là 10 năm, có thể là 30 năm hoặc lâu hơn nữa. Nhưng chính sự sử dụng
kháng sinh không đúng đã làm cho hiện tượng đột biến xảy ra nhanh hơn,
mạnh hơn và thời gian kháng thuốc sẽ ngắn dần.
Để phòng ngừa sự kháng thuốc kháng sinh, ngoài sự quy chuẩn của y
tế, ngay bản thân những người bệnh là những người quyết định đến vận
mệnh chống nhiễm trùng của mình nhất. Những biện pháp sau được xem là
có tác dụng:
- Không lạm dụng thuốc kháng sinh như một thuốc thông thường.
Chúng ta không nên chỉ đau, ho là đã ngay lập tức sử dụng kháng sinh vì
những triệu chứng trên chưa hẳn là biểu hiện của một bệnh nhiễm khuẩn.
Nên nhớ, kháng sinh chỉ có tác dụng khi có mầm bệnh là vi khuẩn gây bệnh.
- Chỉ sử dụng kháng sinh khi chắc chắn có dấu hiệu hay bằng chứng
của sự nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, dự đoán chắc chắn nhiễm
trùng nặng sẽ xảy ra thì có thể sử dụng kháng sinh dự phòng nhưng nên nhớ
chỉ sử dụng ở một liều tối thiểu.
- Cần chấm dứt ngay việc sử dụng kháng sinh khi đã đủ liệu trình cho
phép nhưng cũng không được kết thúc quá sớm trước thời gian tiêu chuẩn.
Sử dụng quá lâu sẽ làm cho vi khuẩn có cơ hội “tìm hiểu” kháng sinh và đột
biến mạnh hơn. Còn kết thúc quá sớm sẽ làm cho vi khuẩn có nguy cơ hồi
sinh và do đó có “kinh nghiệm” chinh chiến nhiều hơn để thay đổi. Cả hai
biểu hiện này cần tuyệt đối tránh khi có sử dụng kháng sinh trong điều trị.
- Cần sử dụng đúng kháng sinh với đúng loại mầm bệnh. Tránh sử
dụng kháng sinh tùy tiện, sử dụng mà không cần thăm khám. Việc sử dụng
đúng kháng sinh sẽ hạ thấp được liều điều trị, thành công hoá mục tiêu kiểm
soát và sẽ hạn chế tối đa sự kháng thuốc.

- Nếu có điều kiện, nên lựa chọn kháng sinh sau khi có kết quả làm
kháng sinh đồ.
BS. Nguyễn Hiền Anh

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×