Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học: "TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT NGÀNH MAY THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THEO MÔ HÌNH CÔNG TY MẸ CÔNG TY CON" doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (290.82 KB, 6 trang )

TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT NGÀNH MAY
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THEO MÔ HÌNH CÔNG TY MẸ -
CÔNG TY CON
RESTRUCTURING DANANG’S GARMENT INDUSTRY BASED ON THE
PARENT- SUBSIDIARY COMPANY MODEL

NINH THỊ THU THUỶ
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng


TÓM TẮT
Để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh quốc tế đang diễn ra ngày càng gay gắt,
đòi hỏi các doanh nghiệp ngành may thành phố Đà Nẵng phải chuyển đổi cách thức tổ chức
sản xuất theo hướng đẩy mạnh hoạt động liên kết. Thông qua liên kết các doanh nghiệp sẽ
phát huy được thế mạnh và bù đắp những khâu yếu để nâng cao năng lực sản xuất và sức
mạnh cạnh tranh. Bài báo nhằm đánh giá thực trạng tổ chức sản xuất của ngành may thành
phố Đà Nẵng; Nghiên cứu các mô hình tổ chức sản xuất để lựa chọn mô hình tổ chức mới
sản xuất phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành may đó là mô hình Công ty mẹ - Công ty
con.
ABSTRACT
In order to exist and develop in a increasingly competitive international business environment,
the garment enterprises in Danang city have to restructure the production processes towards
enhancing their linkages. Based on the linkages, the enterprises could increase strengths and
reduce weaknesses to improve the capacity and competitiveness. This paper focuses on the
evaluation of the current situation of Danang’s garment industry, and analyzing different
company models. The parent-subsidiary companies model needs to be applied to meet the
development requirements of Danang’s garment industry.


1. Tổ chức lại sản xuất - Yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành
may thành phố Đà Nẵng trong xu thế hội nhập


Tính đến năm 2005, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 28 doanh nghiệp hoạt động
trong lĩnh vực may, trong đó gồm: 04 doanh nghiệp nhà nước (Vinatex Đà Nẵng, Công ty Dệt
May Hoà Thọ, Công ty Dệt May 29/3; Công ty Dệt Đà Nẵng); 18 công ty - xí nghiệp tư nhân
và 06 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp đã tạo ra 30,672 triệu sản phẩm
may (qui đổi), đạt giá trị sản xuất 439,042 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), đóng góp trên
80% giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Dệt May, giải quyết việc làm cho 11.712 lao
động [1]. Tuy nhiên hiện nay năng lực cạnh tranh của ngành may chưa cao, điều này là trở
ngại lớn, đe doạ sự tồn tại của ngành trước sức ép của quá trình hội nhập. Một trong những
nguyên nhân sâu xa làm cho sức cạnh tranh của ngành thấp đó là sự bất cập của công tác tổ
chức sản xuất trong ngành. Điều đó được biểu trên một số mặt chủ yếu sau:
- Tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp mang tính khép kín, biệt lập theo kiểu mạnh
ai nấy làm. Quan hệ liên kết ngành còn rất hạn chế, chẳng hạn: Trong khâu sản xuất, mặc dù
nhiều doanh nghiệp may có công nghệ và sản phẩm sản xuất giống nhau, nhưng các doanh
nghiệp chưa có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, về trang thiết bị và đào tạo lao
động. Trong khi doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn nước ngoài rất căng thẳng để hoàn
thành những hợp đồng lớn thì doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân lại thiếu việc, nhưng
không có sự chia sẻ hay hợp tác. Trong ngành còn tình trạng những máy móc chuyên dùng
đắt tiền có tính chất quyết định đối với chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp tư nhân không
đủ sức trạng bị thì ở doanh nghiệp nhà nước lại không phát huy hết công suất, gây ra lãng phí
rất lớn. Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nước ngoài chưa phát huy được vai trò
đầu đàn về kỹ thuật, định hướng về sản phẩm, mẫu mốt, chưa có sự hỗ trợ hay hướng dẫn về
kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ của địa phương.
Còn trong khâu tiêu thụ, mỗi doanh nghiệp tự tổ chức hoạt động tiêu thụ từ nghiên cứu
thị trường, tìm kiếm khách hàng, tổ chức kênh phân phối, xây dựng thương hiệu, quảng cáo
theo kiểu "đèn nhà ai nhà nấy rạng" thậm chí còn tranh giành khách hàng, thị trường của nhau
để cho khách hàng được dịp ép giá.
Có thể nói mức độ liên kết giữa các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ còn rất lỏng
lẻo, mỗi doanh nghiệp đơn phương đương đầu cạnh tranh với những đối thủ lớn rõ ràng sẽ vô
cùng khó khăn. Cách làm này không thể tồn tại được trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế đang
đặt ra rất gay gắt với ngành Dệt May.

- Sản xuất trong ngành còn dàn trải, trình độ chuyên môn hoá thấp: Trong ngành có 08
doanh nghiệp hoạt động từ 2 đến 3 lĩnh vực: Công ty Dệt May Hoà Thọ có 2 lĩnh vực là sợi
và may; Công ty Dệt Đà Nẵng có 3 lĩnh vực là dệt vải, vải màn rèm và may; Công ty Dệt May
29/3 có 2 lĩnh vực khăn bông và may mặc; Công ty Valley View gồm 3 lĩnh vực áo lạnh, quần
áo thể thao, gia công vải may xuất khẩu, các sản phẩm may mặc khác Còn lại 20 doanh
nghiệp chỉ hoạt động ở 1 lĩnh vực may, nhưng đều có cơ cấu sản phẩm may rất đa dạng.
Chẳng hạn: Sản phẩm của Vinatex Đà Nẵng khoảng 10 chủng loại gồm 2 nhóm, sản phẩm dệt
thoi (Jacket, quần âu, short, bộ áo quần tây, áo vest, áo sơ mi, Blouse, váy, ghilê) và sản phẩm
dệt kim (Bộ thể thao, Polo shirt, T-shirt, quần thể thao); Sản phẩm may của Công ty Dệt May
29/3 gồm 47 chủng loại; Công ty TNHH Việt Nam Knitwear gồm 3 nhóm (Áo dệt kim, Quần
áo len, Áo Blouse); Công ty Lilian sản xuất 2 chủng loại (Đồ lót, thời trang phụ nữ và quần áo
trẻ em) [2]
Cơ cấu sản phẩm của các doanh nghiệp đa dạng nhưng tương tự nhau, dẫn đến tình
trạng chồng chéo. Các doanh nghiệp chưa tìm cho mình sản phẩm mũi nhọn có tính chất đột
phá, nên nên khó có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn,
cạnh tranh nội bộ ngành tăng lên không cần thiết. Đồng thời do sản xuất dàn trải nên doanh
nghiệp không đủ khả năng đi sâu hoàn thiện tất cả các chủng loại sản phẩm, từ đó dẫn đến
chất lượng sản phẩm không cao, mức độ chuẩn hoá sản phẩm thấp.
- Cơ cấu ngành còn chưa hoàn chỉnh bộ phận sản xuất phụ liệu và khâu thiết kế mẫu
mốt hầu như chưa có gì.
2. Công ty mẹ - Công ty con – Mô hình tối ưu cho ngành may thành phố Đà Nẵng
+ Liên kết - Xu hướng tất yếu để tổ chức lại sản xuất của ngành may trong bối cảnh
cạnh tranh quốc tế: Những năm qua, hoạt động của ngành may chủ yếu theo phương thức gia
công xuất khẩu cho các nhà phân phối nước ngoài, do đó sản xuất của ngành phụ thuộc rất lớn
vào khách hàng và thị trường thế giới. Đặc biệt, sau khi chế độ hạn ngạnh dệt may được bãi
bỏ (ngày 1/1/2005) giữa các nước thành viên WTO, thì sức ép cạnh tranh đối với ngành càng
quyết liệt hơn, đó là sự cạnh tranh mang tính quốc tế. Trước xu thế ấy, đa số các nhà quản lý
cho rằng các doanh nghiệp không thể hoạt động đơn lẻ, khép kín như trước đây vì các khách
hàng lớn không đi gom hàng từ các doanh nghiệp nhỏ nữa trong khi họ có thể mua hàng một
cách dễ dàng ở các nước khác không bị giới hạn quota; Vì vậy các doanh nghiệp may muốn

tồn tại cần phải xuất khẩu theo những hợp đồng lớn. Theo ông Lê Quốc Ân, chủ tịch tập đoàn
Dệt May Việt Nam, giải pháp có hiệu quả cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay là “đến
với nhau và đến với doanh nghiệp lớn, cần thành lập các công ty liên kết, trong đó doanh
nghiệp lớn sẽ đứng ra làm đầu mối, nhận và triển khai các đơn hàng, doanh nghiệp nhỏ sẽ
chuyên về sản xuất” [3].

Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cũng đưa ra đề nghị: “Thiết lập mối liên
kết giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ trên từng địa bàn. Đây là công việc không chỉ
để giải quyết yêu cầu trước mắt mà cũng là yêu cầu lâu dài nhằm nâng cao khả năng cạnh
tranh của các doanh nghiệp”[4].
Do đó để tồn tại và phát triển trong xu thế hội nhập không có cách nào khác là phải
đẩy mạnh hoạt động liên kết, cần hình thành chuỗi liên kết để phát huy ưu thế và năng lực của
các doanh nghiệp, đây sẽ là hướng chủ đạo trong quá trình tổ chức lại sản xuất của ngành may
thành phố Đà Nẵng. Mở rộng quan hệ liên kết sẽ tạo điều kiện để mỗi doanh nghiệp tập trung
vào hoạt động chính, từ đó đi sâu phát triển chuyên môn hoá hiệu quả hơn. Thông qua liên
kết, doanh nghiệp khai thác tốt hơn các điểm mạnh, khắc phục những mặt còn yếu kém để
nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thích ứng với thị trường tốt hơn, nhờ đó làm tăng
năng lực sản xuất và tăng sức cạnh tranh.
+ Công ty mẹ - Công ty con – Một mô hình liên kết hiệu quả: Mô hình Công ty mẹ -
Công ty con là một tổ chức kinh tế được thực hiện bởi sự liên kết của hai hay nhiều doanh
nghiệp độc lập hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau để tạo thế mạnh chung trong việc
thực hiện những mục tiêu nhất định. Trong đó công ty mẹ là hạt nhân, có thế lực kinh tế mạnh
giữ vai trò chi phối các công ty con thông qua chi phối vốn, tài sản, uy tín, thị phần, quyền sở
hữu công nghiệp. Việc liên kết giữa công ty mẹ với các công ty con rất đa dạng, theo nhiều
mức độ thông qua sự chi phối tài sản, phân công và hiệp tác, nhưng các doanh nghiệp trong tổ
chức này vẫn có tư cách pháp nhân đầy đủ và bình đẳng trước pháp luật về kết quả kinh
doanh.
Mô hình Công ty mẹ - Công ty con được đánh giá là một dạng mô hình tổ chức sản
xuất tiên tiến, đang được áp dụng phổ biến trên thế giới; Nhờ kiểu góp vốn linh hoạt nên các
doanh nghiệp phát triển nhanh chóng về qui mô, tạo cơ sở để hình thành các tập đoàn kinh tế

lớn mạnh. Ở Việt Nam, mô hình này cũng đã bắt đầu được triển khai trong một số ngành và
kết quả cho thấy mô hình tổ chức sản xuất mới này tỏ ra có nhiều ưu thế hơn, đã mang lại
hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt cho các đơn vị. Trong ngành dệt may cả nước đã có 06 công
ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con là Công ty Dệt May Hà Nội,
Công ty Dệt Phong Phú, Công ty Dệt Nam Định, Công ty Dệt May Hoà Thọ, Công ty May
Việt Tiến và Công ty May Nhà Bè. Kết quả kinh doanh thực tế đều khẳng định là các công ty
này đã thành công hơn sau khi chuyển sang mô hình mới, củng cố và tạo được vị thế vững
chắc hơn trong ngành cũng như trên thị trường thế giới. Đối với các doanh nghiệp ngành
May, nếu tổ chức sản xuất theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con sẽ mang lại cho họ những
lợi ích sau:
- Bên cạnh việc đi theo chiến lược chung của công ty mẹ, các doanh nghiệp vẫn là
những pháp nhân độc lập nên vẫn có thể phát huy được sự năng động riêng của mình.
- Những vấn đề lớn mà một công ty nhỏ, đơn lẻ giải quyết rất khó khăn như: Vốn, đào
tạo nhân lực, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm khách hàng nhập khẩu lớn, tổ chức kênh phân
phối sẽ tập trung về một đầu mối là công ty mẹ có trách nhiệm đứng ra lo. Nhờ đó giảm bớt
rủi ro, tiết kiệm chi phí do phát huy được lợi thế về qui mô.
- Các công ty con sẽ chuyên môn hóa cao hơn, tập trung chuyên sâu vào chức năng
sản xuất nên có điều kiện để hoàn thiện kỹ thuật, hoàn thiện sản phẩm, nâng cao trình độ
thành thạo của người lao động, nhờ đó nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm,
đó là yếu tố cơ bản để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
3. Mô hình tổ chức lại sản xuất trong ngành May thành phố Đà Nẵng
Thực tế có một số mô hình liên kết giữa công ty mẹ với các công ty con như sau:
- Mô hình liên kết chủ yếu bằng vốn: Công ty mẹ sẽ nắm giữ cổ phần chi phối các
công ty con, đưa ra các quyết định về chiến lược, về sản xuất, nhân sự… biến các công ty con
thành cấp dưới trực tiếp.
- Mô hình liên kết theo dây chuyền sản xuất kinh doanh: Công ty mẹ thực hiện chức
năng trung tâm như xây dựng chiến lược kinh doanh, tiếp thị, phát triển sản phẩm, huy động
và phân bổ vốn đầu tư, quan hệ đối ngoại, đào tạo nhân lực, trợ giúp kỹ thuật…Công ty mẹ
kiểm soát mạng lưới các công ty con, công ty cháu theo dạng hình chóp tạo thành một quần
thể doanh nghiệp.

- Mô hình liên kết giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh: Công ty mẹ lấy
việc phát triển khoa học công nghệ là đầu mối cho sự liên kết.
Mô hình tổ chức lại sản xuất của ngành May thành phố Đà Nẵng được lựa chọn trên
cơ sở tham khảo các kiểu mô hình công ty mẹ - công ty con, kết hợp với đặc điểm sản xuất
của ngành may là thích hợp với loại hình doanh nghiệp qui mô vừa và nhỏ nhưng phải đạt sự
chuyên môn hoá cao, liên kết nhưng vẫn bảo đảm sự độc lập, phát huy tính năng động của
mỗi doanh nghiệp. Do đó với các cơ sở may do thành phố Đà Nẵng quản lý, nên tổ chức lại
theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con liên kết bằng vốn để thực hiện sự liên kết ngang giữa
các doanh nghiệp chuyên môn hoá theo từng nhóm sản phẩm. Trong đó:
- Công ty mẹ sẽ lấy tên là Công ty May Đà Nẵng. Trụ cột của công ty mẹ là công ty
dệt may 29/3, vì công ty này đang có sản lượng may lớn nhất trong ngành dệt may thành phố
Đà Nẵng, đã có vị trí nhất định về thị trường, uy tín, thương hiệu Công ty mẹ vừa thực hiện
chức năng đầu tư tài chính vừa thực hiện chức năng sản xuất - kinh doanh, có các các hoạt
động chủ yếu sau:
+ Xây dựng chiến lược phát triển chung.
+ Tài chính và đầu tư: Công ty mẹ khai thác và tập trung các nguồn vốn, cung cấp vốn
cho các dự án, đầu tư vốn vào các công ty con.
+ Đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân.
+ Cung cấp thông tin: thông tin về quản lý, về marketing.
+ Cung ứng nguyên liệu: Công ty mẹ là đầu mối khai thác tìm kiếm nguồn cung cấp
nguyên liệu cho các công ty con.
+ Quản lý việc xây dựng, sử dụng và bảo vệ thương hiệu chung.
+ Tiêu thụ, xúc tiến thương mại: Giúp các công ty con tìm kiếm khách hàng, đơn
hàng, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường, tổ chức hệ thống phân phối
+ Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ: Cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật cho công ty
con, tạo điều kiện để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, ứng dụng khoa học
công nghệ giữa các công ty con.
+ Điều phối sự liên kết giữa các công ty con.
- Các công ty con vẫn có tư cách pháp nhân đầy đủ, có sự độc lập nhất định trong sản
xuất kinh doanh và có thể tìm các vệ tinh để hợp tác nhằm tăng năng lực sản xuất. Thông qua

công ty mẹ, các công ty con sẽ có sự chia sẻ về vốn, về đào tạo, kỹ thuật, thông tin, nghiên
cứu thị trường; tiêu thụ sản phẩm dưới thương hiệu của công ty mẹ Số lượng công ty con
không hạn chế; các công ty con sẽ đa dạng về qui mô cũng như hình thức sở hữu, gồm: Công
ty vốn nhà nước, các công ty liên doanh vốn nước ngoài, công ty cổ phần, công ty TNHH.
Các công ty con được chia thành 3 nhóm:
+ Nhóm 1 - Các công ty con chuyên về may: Đây là nhóm chủ lực chịu trách nhiệm
sản xuất sản phẩm chính, nhóm này sẽ tập hợp các công ty may có sẵn trên địa bàn. Các công
ty may sẽ được phân công sản xuất chuyên môn hoá theo từng loại (hoặc nhóm) sản phẩm
hoàn chỉnh (mỗi công ty đảm nhận chuyên môn hoá một hoặc một nhóm sản phẩm tương tự),
hoặc được phân công phối hợp hợp tác để sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh.
+ Nhóm 2 - Các công ty chuyên sản xuất phụ liệu cho ngành may: có nhiệm vụ nghiên
cứu sản xuất phụ liệu may như nút, chỉ, dây khoá kéo, vải lót
+ Nhóm 3 - Trung tâm mẫu mốt: Có nhiệm vụ tạo mẫu cho vải và cung cấp những
mẫu mốt may mặc đa dạng kịp thời cho ngành may. Đây sẽ là một đơn vị chuyên về thiết kế
thời trang làm nòng cốt cho hoạt động thiết kế thời trang trên địa bàn thành phố và khu vực
miền Trung, đảm bảo tiến tới chủ động về mẫu mốt, tạo uy tín nhãn hiệu riêng cho sản phẩm
may, kể cả tạo mốt cho vải.
Nhóm 2 và nhóm 3 là những doanh nghiệp sẽ được thành lập mới trong đó ưu tiên cho
việc thu hút các dự án đầu tư nước ngoài nhằm khai thác thế mạnh về vốn và kỹ thuật của
thành phần kinh tế này.
- Để mô hình hoạt động nhịp nhàng, các thành viên cần quán triệt các chính sách giao
dịch trong nội bộ công ty như sau:
+ Quan hệ giao dịch kinh doanh: Quan hệ sản xuất kinh doanh giữa các công ty con
tiến hành bằng cách ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế. Các giao dịch kinh doanh trong
nội bộ giữa các công ty con vẫn theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện
bình đẳng và cùng có lợi nhưng vẫn có sự bảo hộ hoặc những ưu đãi nhất định. Chẳng hạn:
Các công ty may được ưu tiên mua phụ liệu theo mức giá thấp hơn so với giá bán trên thị
trường, hoặc có thể mua bằng giá thị trường nhưng được ưu đãi về tín dụng, điều kiện thanh
toán
+ Quan hệ về tài chính: Các báo cáo tài chính của công ty mẹ và công ty con đều phải

đầy đủ và công khai theo mối quan hệ về tài chính giữa các công ty. Công ty mẹ chịu trách
nhiệm chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra giám sát hiệu quả kinh tế, tình hình bảo đảm giá trị gia tăng.
Công ty mẹ cung cấp vốn cho dự án kinh doanh mới, không chuyển vốn từ dự án kinh doanh
này sang dự án kinh doanh khác, không can thiệp vào hoạt động hàng ngày của các dự án kinh
doanh.
+ Quan hệ về đầu tư: Công ty mẹ khai thác các nguồn vốn để đầu tư cho các công ty
con, nguồn vốn sẽ được ưu tiên đầu tư cho công ty con nào sản xuất có hiệu quả, có khả năng
phát triển tốt, đầu tư cho dây chuyền sản xuất kỹ thuật cao hoặc hỗ trợ vốn cho những sản
phẩm chiến lược. Do đó các công ty con cũng phải tự tìm cách khai thác các nguồn vốn thông
qua quan hệ với ngân hàng, bạn hàng, vệ tinh hoặc tìm các công ty khác làm công ty con cho
mình.
+ Quyền tài sản và quản lý kinh doanh: Quan hệ giữa công ty mẹ với công ty con là
quan hệ giữa chủ đầu tư với người được đầu tư. Do đó quyền quyết định và mức độ ảnh
hưởng của công ty mẹ đến những quyết định quan trọng của công ty con phụ thuộc tỷ lệ góp
vốn của công ty mẹ vào công ty con.
+ Nhân sự: Công ty mẹ xác định tiêu chuẩn nhân sự, phương pháp xác định mức
lương, thưởng có tính cạnh tranh và chế tài xử lý các trường hợp vi phạm, thống nhất tiêu
chuẩn đánh giá hiệu quả hoạt động của các chức danh.
+ Phân chia lợi ích: Việc chia sẻ lợi ích trong nội bộ công ty gồm cả phân phối nguồn
lực và lợi nhuận phát sinh cần phải cân đối giữa lợi ích của công ty mẹ và các công ty con. Do
đó cần tuân theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, phải xác định theo quy luật của kinh tế thị
trường theo mức đóng góp của các thành viên.
+ Trao đổi thông tin: Trên cơ sở mục tiêu chiến lược chung, các phòng chức năng của
công ty mẹ sẽ nghiên cứu đưa ra các chính sách để hội đồng quản trị xem xét và giao cho các
công ty con thực hiện. Đồng thời xây dựng chế độ trao đổi bàn bạc thông tin trong nội bộ để
công ty mẹ nắm bắt nguyện vọng của các công ty con, hoặc là sự trao đổi giữa các công ty
con.
+ Phát triển thương hiệu: Công ty mẹ xác định tiêu chuẩn cần thiết về chất lượng, dịch
vụ và khách hàng để có thể sử dụng thương hiệu của công ty mẹ; thuê các chuyên gia độc
lập kiểm định để xác định các công ty con đủ tiêu chuẩn sử dụng thương hiệu. Với các công

ty chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng và giá trị sẽ cung cấp những kỹ năng cần thiết để giúp
họ cải thiện. Khi sử dụng thương hiệu các công ty con phải trả phí sử dụng và phí này được
dùng để đầu tư lại cho thương hiệu; công ty nào ảnh hưởng xấu đến uy tín của thương hiệu sẽ
bị phạt hoặc cấm không cho sử dụng thương hiệu.
4. Kết luận
Mô hình Công ty mẹ - Công ty con là mô hình đáp ứng được yêu cầu về liên kết giữa
các doanh nghiệp, nhờ sự liên kết sẽ nâng cao năng lực sản xuất và tạo ra sức mạnh cạnh
tranh trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế gay gắt hiện nay. Để mô hình đi vào hoạt động hiệu
quả, sự liên kết giữa công ty mẹ với các công ty con và giữa các công ty con với nhau diễn ra
nhịp nhàng thuận lợi, cần tuân thủ nghiêm túc các chính sách giao dịch trong nội bộ công ty
và hoàn thiện các chính sách sao cho phù hợp với yêu cầu kinh doanh thực tế.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Báo cáo tổng hợp năm 2005, Sở Công nghiệp thành phố Đà Nẵng.
[2] Tổng hợp từ Báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2005 tại sở công
nghiệp thành phố Đà Nẵng.
[3] VNN. Cập nhật ngày 9/8/2005.
[4] VNECONOMY.VN cập nhật ngày 12/7/2004.
[5] Phan Chu Minh, Một số vấn đề về tổ chức quản lý các Tổng công ty theo mô hình
Công ty mẹ - Công ty con, Tạp chí Kinh tế và dự báo, Số 12 năm 2002.
[6] Lê Văn Tám, Quá trình xây dựng Công ty mẹ - Công ty con tại Việt Nam, Tạp chí
Phát triển kinh tế, tháng 6 năm 2003.

×