Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Văn bia thời Lý - Trần: Một số nét cơ bản về thể thức - nội dung nghệ thuật pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (224.3 KB, 10 trang )

Văn bia thời Lý - Trần: Một số
nét cơ
b
ản về thể thức - nội dung -
nghệ thuật
\
Văn bia thời Trần là sự nối tiếp của văn bia thời Lí, về đại quan, có thể phân chia
làm 2 loại cơ bản: bia công trình và bia mộ. Trong 21 văn bia thời Trần (như khảo sát
trên đây), số lượng văn bia viết về việc xây dựng các công trình Phật giáo vẫn chiếm tỉ lệ
cao nhất, lên tới 17/ 21 (xấp xỉ 81%). Bên cạnh các bia chùa còn có bia ghi về đạo quán
và đền thờ thần. Tuy nhiên, dẫu là bia chùa, bia đạo quán hay bia đền thờ thần chúng
vẫn có những nét khá chung, vì đều thuộc các công trình gắn với chủ trương của nhà
nước quân chủ đương thời, nhắm vào việc vun bồi nền phong hóa và cầu chúc cho vận
nước dài lâu, thánh hoàng trường thọ… đây cũng là nét tương đồng với thời Lí. Chính vì lý
do trên, trong các văn bia thời Trần thường vẫn xuất hiện những lời chúc tụng, kiểu:
“Kính chúc Kim thượng Hoàng đế thánh thọ vô cùng" (Hứa Tông Đạo: Bạch Hạc
Thông Thánh quán chung), “Xin chúc hai vị hoàng đế: Núi thọ mãi vững, bể phúc thêm
sâu, di địch chín châu, thảy đều thần phục” (Thích Sùng Nhân: Đại Bi Diên Minh tự bi).
Công chúa Thiệu Ninh dựng chùa Từ Ân ngụ ý báo ơn vua cha (Hồ Tông Thốc: Từ Ân
tự bi minh tính tự). Phạm Sư Mạnh trong bia chùa Sùng Nghiêm cho biết, việc dựng
chùa, đúc tượng chính là để sớm chiều cầu khấn cho “Hoàng đồ bền vững, thiên hạ thái
bình, đức vua muôn tuổi” (Sùng Nghiêm sự Vân Lỗi sơn Đại Bi tự). Còn Trần Quốc
Chẩn trong bài văn bia dựng ở đền thờ vị thần thời cổ cũng cho biết: “Vả lại việc sửa
sang văn đức là để rộng mở công lao bình trị; xây dựng miếu đền là để thể hiện tấc dạ
kính thành. Đó cũng là khiến cho phúc lớn vô cùng của tông miếu xã tắc được bền lâu”
(Cổ tích thần từ bi kí), v.v…
Tỉ lệ của hai loại bia, bia đền thờ thần và bia đạo quán thời Trần tuy không nhiều
song cũng tạo ra nét khác biệt nhất định so với văn bia thời Lí. Ngoài ra, nếu ở thời Lí
hiện vẫn bảo lưu được một số bia thuộc loại mộ chí, nguồn gốc của nó là loại bia để
chôn xuống mộ, thì ở giai đoạn này, chí ít còn bảo lưu được một bia mộ đạo, là loại bia
dựng trên mặt đất, cung cấp thêm dữ liệu để nghiên cứu về hệ thống bia mộ thời Lí -


Trần.
Về tên gọi mang tính chất định danh thể loại, văn bia thời Trần dùng các
tên: bi, bi kí, bi minh tính tự…, trong đó “bi minh tính tự” là cách gọi phổ biến nhất.
Giai đoạn nhà Trần, tuy Phật giáo vẫn là tôn giáo được tôn sùng, nhưng bên cạnh
đó, Nho giáo phát triển mạnh dần; đến cuối thời Trần, vị trí của học thuyết này có những
bước tiến đáng kể, kết quả là đội ngũ nho sĩ ngày một đông đảo và vị trí của họ không
ngừng được nâng cao. Do đó, văn bia thời Trần tuy phần lớn vẫn là bia chùa, nhưng tác
giả lại chủ yếu thuộc giới quan chức, lên tới 16/21, xấp xỉ 76%, trong số đó có sự góp
mặt của không ít danh nho. Tác giả thuộc giới tăng lữ chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn
(3/21, ~ 14%). Bên cạnh các nhà nho, nhà sư còn có tác giả thuộc giới đạo sĩ như Hứa
Tông Đạo, tác giả Bạch Hạc Thông Thánh quán chung. Như vậy, có thể thấy, tác giả
văn bia thời Trần có sự góp mặt đầy đủ của đại diện Tam giáo. Đó là điều chưa có ở các
văn bia thời Lí hiện còn.
Mở đầu văn bia chùa Vĩnh Báo (Vĩnh Báo tự bi), nhân nói về Tư đồ Văn Huệ
vương Trần Quang Triều và vị trưởng đường họ Nguyễn, tác giả bài văn bia là Thái
trung đại phu, Hàn lâm học sĩ, Thái Nguyên phủ sứ kiêm Chuyển vận sứ Trần [?] Hồng
viết: “Kẻ ngu này từng quan sát việc hành chỉ của Tư đồ Văn Huệ vương, thấy việc ra
giúp đời hay lui về nghỉ của ông đều theo thời mà không trái lẽ thường, khiến sinh dân
được hưởng nhiều ơn huệ, thật đúng với nghĩa “quân tử tùy thời” mà Kinh Dịch đã nói
vậy. Lại quan sát sự chuyên cần không trễ nải của ông trưởng đường họ Nguyễn, thật là
hết lòng vì phận sự, khiến cả nhà nể phục, đúng như câu “gia thần tận trung” mà
sách Xuân thu từng chép vậy”. Tuy là bài văn bia dựng ở chùa nhưng ngôn từ trong
đoạn văn trên rõ ràng là của một nhà nho, các sách được trích dẫn cũng đều là kinh điển
Nho gia.
Hồ Tông Thốc soạn bài Từ Ân tự bi minh tính tự, là văn bia dựng ở chùa, nhưng
nội dung lại thuần túy là lời ca ngợi nết hiếu của công chúa Thiệu Minh, ý tứ chủ đạo
không vượt ra ngoài quan niệm về hiếu của nhà nho, cụ thể là câu nói của Tăng Tử:
“Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu hĩ” (Thận trọng với việc ma chay của cha mẹ
mình, truy tưởng đến các vị tổ tiên đời xa của mình, như thế thì cái đức của dân sẽ trở
nên thuần hậu vậy. Luận ngữ - Học nhi). Do là nhà nho, cho nên trong một số trường

hợp, tuy là viết bia chùa nhưng tư tưởng của các tác giả thể hiện ra hoàn toàn thuộc
phạm vi Nho giáo, không mảy may đề cập đến các phạm trù của triết học Phật giáo.
Trong bài văn khắc trên chuông quán Thông Thánh ở Bạch Hạc - bài văn khắc
lên chuông thờ ở đạo quán của Đạo giáo - đạo sĩ Hứa Tông Đạo không những không
thuyết lí về những phạm trù cao siêu của đạo mà xen trong các thuật ngữ Đạo giáo còn
chọn dùng nhiều khái niệm của Phật giáo. Hay như Tiền Hàn lâm thị giảng, tri Quốc tử
bác sĩ, Nội chư thân Đặng Lân Chủng trong bài văn chuông chùa Sùng Quang (Sùng
Quang tự chung), tác giả không chỉ tỏ ra am hiểu Phật giáo mà còn trích dẫn tác phẩm
thuộc thể loại từ của Tô Thức thời Bắc Tống, cùng các sách Nam hoa kinh, Xung hư
chân kinh của Đạo giáo. Mặc dù xuất thân từ những thành phần xã hội khác nhau song
tri thức của các tác giả văn bia thời Trần nhìn chung không khác nhiều so với thời Lí,
vẫn mang dấu ấn của một thời đại hỗn dung Tam giáo.
Sự góp mặt của đại diện Tam giáo khiến văn bia thời Trần có sự phong phú về
loại hình tác giả, nhưng cũng dễ nhận thấy, các tác giả xuất thân nhà nho là lực lượng cơ
yếu nhất, và chính điều này đã khiến cho văn bia thời Trần có sự thay đổi quan trọng so
với văn bia thời Lí về cả nội dung và hình thức nghệ thuật.
Nếu như các văn bia thời Lí tuân thủ hết sức chặt chẽ dạng thức gồm 2
phần kí + minh thì ở văn bia thời Trần, thể thức có phần lỏng lẻo hơn. Số lượng các văn
bia đầy đủ hai phần kí + minh là 16/21 (76%), số văn bia không có phần minh là 5/21
(24%). Một số bài như bài kí ở tháp Linh Tế, núi Dục Thúy, mang dáng dấp của những
bài kí tự do, không nằm trong khuôn mẫu thông thường của thể loại bi kí.
Phần thuyết lí - duyên khởi mở đầu các bài văn bia thời Trần, sự thuyết lí không
lớp lang và uyên bác như ở văn bia thời Lí, do vậy màu sắc triết lí có phần sút giảm.
Trong văn bia chùa Sùng Khánh, tác giả Tạ Thúc Ngao viết: “Kể ra: cảnh là ánh sáng vẻ
đẹp của tâm; danh là vẻ ngoài của thực. Nếu cảnh có được sự linh thiêng của núi sông,
mà người không có kẻ hào kiệt tài đức, thì sự thanh kì của cảnh, sự tốt đẹp của danh
cũng đều chìm đắm trong một thời, còn nói gì đến chuyện lưu hành vạn đại được nữa”
(Sùng Khánh tự bi minh tính tự).
Lời văn ngụ ý kiểu lập luận xưa, rằng đất thiêng thì phải có người tài giỏi; cũng
mang hơi hướng câu “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh; thủy bất tại thâm, hữu tiên tắc

linh” (Núi chẳng phải cao, có tiên thì nổi tiếng; nước chẳng phải sâu, có rồng ắt thiêng)
của Lưu Vũ Tích thời Đường, từ đó ca ngợi công lao dựng chùa và đức hạnh của nhân
vật Nguyễn Ẩn. Tuy vậy, tính thuyết lí trong văn bia khá đơn giản, không đủ gọi là sâu
xa và uyên bác, và tất nhiên không thể so sánh được với văn bia thời Lí.
Ở một số văn bia khác, đoạn thuyết lí – duyên khởi bị giản hóa đến tối đa, biến
thành những lời dẫn ngắn, thậm chí rất sơ sài (như Báo Ân thiền tự bi kí), hoặc giả bị lược
bỏ hoàn toàn để đi thẳng vào phần tự sự (như các văn bia Hiển Diệu tháp bi, Phúc Minh
tự bi…). Tuy thảng hoặc cũng có tác phẩm thuyết lí khá sâu sắc (như Diên Thánh Báo Ân
tự chung, Diên Phúc viện bi, đặc biệt là ThiệuLong tự bi)… nhưng về cơ bản, các văn bia
thời Trần đều không đề cập đến vị trí quan trọng của thời kì tượng pháp, từ đó dẫn khởi về
mục đích, ý nghĩa của việc dựng chùa và công lao to lớn của các thí chủ; các tác giả không
đẩy phần thuyết lí - duyên khởi lên mức khái quát lí luận như các văn bia thời Lí. Điều
này khiến cho văn bia Phật giáo thời Trần mất đi độ sâu sắc của những suy tư triết học
Phật giáo cũng như cái lôgich nội tạicủa thể thức văn bia được xác lập từ thời Lí. Nhưng
bù lại, chính yếu tố này khiến cho văn bia thời Trần phần nào có sự chuyển biến theo
hướng tự nhiên và giản dị hơn, không bị gò vào các khuôn mẫu cứng nhắc.
Các thí chủ được đề cập tới trong văn bia thời Trần tuy cũng có địa vị khá cao
trong xã hội, có thể thuộc giới quý tộc, có thể là quan chức… nhưng phần lớn không có
huân nghiệp lẫy lừng như các nhân vật được miêu tả trong các văn bia thời Lí. Việc
không chú trọng đến phần thuyết lí – duyên khởi để làm cơ sở lý luận, nhân vật không
có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính trị đương thời… đã ảnh hưởng quan
trọng đến vệc xây dựng hình tượng nhân vật trong văn bia thời Trần. Thay vì đan cài
giữa bút pháp tả thực với ước lệ và khoa trương trong xây dựng nhân vật, các tác giả văn
bia thời Trần có xu hướng nghiêng về bút pháp tả thực, khiến hình tượng nhân vật không
có vẻ siêu việt, hoàn mĩ…, mà giản dị, gần gũi với cuộc sống. Dường như trong chủ ý
của các tác giả, việc soạn thảo văn bia như là việc làm biểu dương đức tốt của các nhân
vật mà không cốt yếu ở việc trau chuốt văn từ để xây dựng nhân vật thành những điển
hình mẫu mực cho việc hoằng dương, hộ trì đạo pháp. Chính vì thế, sự miêu tả nhân vật
trong các văn bia không tường tận, chi li và đa diện như ở văn bia thời Lí. Điều này cũng
khiến cho tính chất truyện kí, tiểu truyện của các bia Trần có phần sút giảm; riêng phần

miêu tả cảnh chùa khả dĩ còn giữ được ít nhiều lối viết khoa trương, gần gũi với văn
phong của văn bia thời Lí.
Sau một quá trình phát triển khá lâu dài, đến cuối thời Trần, Nho giáo dần thịnh,
trong khi đó Phật giáo có nhiều biểu hiện tiêu cực về mặt xã hội. Điều này dẫn đến thái
độ bài bác của nhà nho đối với Phật giáo, đặc biệt từ giai đoạn cuối thời Trần. Dưới nhãn
quan của nhà nho, đạo Phật cũng như các hệ tư tưởng khác thảy đều là dị đoan, tà thuyết,
dối đời lừa dân (hoặc thế vu dân). Tuy nhiên, do Phật giáo đã xác lập được địa vị quốc
giáo từ thời Lí, sang đến thời Trần, các vua Trần cũng rất sùng đạo Phật; hình tượng ông
vua Phật của thời Lí đến đây vẫn có giá trị nhất định. Chẳng hạn Trần Thái Tông vừa là
vua vừa mang hình bóng của một vị giáo chủ. Trong hoàn cảnh ấy, tuy Nho giáo đã phát
triển khá mạnh song không thể dễ dàng phủ nhận địa vị của đạo Phật. Bởi vậy, dù không
hài lòng với Phật giáo thì nhà nho cũng chỉ có thể bộc lộ sự phản ứng của mình một cách
chừng mực. Dẫu vậy, nhà nho với tư cách là tác giả văn bia, đứng trên lập trường của
học thuyết Nho gia để phản ứng, bài bác đạo Phật, điều đó làm cho giọng điệu tụng ca
trong các văn bia từ thời Lí sang đến khoảng thời Trần có sự thay đổi, đặc biệt là giai
đoạn cuối Trần
Không phải ca ngợi mà là để gửi gắm niềm cảm khái của mình trước sự phát triển
và sùng mộ đạo Phật của người đương thời, trong bài văn chuông chùa Phúc Minh Ông
Lâu(Ông Lâu Phúc Minh tự chung), tác giả kiêm quan chức triều đình là Triều thỉnh đại
phu, Hàm lâm quyền học sĩ, Tri chế cáo, Thượng kị đô úy Đỗ Nguyên Chương ngậm
ngùi: “Kia chốn Tây phương nơi Phật giáo hóa, dạy rằng khi sống làm điều thiện, chết
thời được phúc; khi sống làm ác, chết sẽ phải tội. Những lời ấy nhẹ nhàng mà đi vào
lòng người, cho nên nhiều người vui lòng tin theo, đến mức người bố thí vườn nhà, chi
cấp của cải, xây dựng chùa tháp, mong cầu lợi lộc; dù trải nhiều đời, khăng khăng chẳng
đổi. Tuy có bậc quân tử tốt đẹp, muốn dùng văn từ để bài bác, cũng không làm tổn hại
gì, huống chi các bậc quân tử như họ Lộ, họ Nguyễn, họ Đỗ vậy! Do đó ta cảm khái bèn
làm ra bài văn này” Cũng với thái độ tương tự, Lê Quát sau khi nói về lòng sùng mộ
đạo Phật của dân chúng đương thời, sự phát triển mạnh mẽ, lan tràn khắp nơi của đạo
Phật đã không ngớt lời thở than, thậm chí có phần “tủi hổ”, bộc bạch trong bài văn bia
chùa Thiệu Phúc rằng: “Ta rất lấy làm hổ thẹn khi so sánh với tín đồ đạo Phật. Bèn viết

ra đây để giãi tỏ lòng ta”.
Tuy nhiên, cả Đỗ Nguyên Chương và Lê Quát về cơ bản mới chỉ bộc lộ cảm khái
và phần nào là sự bất lực của nhà nho trước sự thịnh hành của đạo Phật chứ chưa có sự
phê phán cụ thể như Trương Hán Siêu.
Trương Hán Siêu hiện còn hai bài văn bia: Bài văn bia chùa Khai Nghiêm (Khai
Nghiêm tự bi kí) và bài kí tháp Linh Tế ở núi Dục Thúy (Dục Thúy sơn Linh Tế tháp kí).
Trong phần thuyết lí – duyên khởi văn bia chùa Khai Nghiêm, Trương Hán Siêu phân
tích tác dụng của “tượng giáo” trong việc tế độ chúng sinh; từ đó phê phán “những kẻ
giảo hoạt trong bọn sư sãi” đã bỏ mất cái bản ý “khổ không” của đạo Phật, chỉ cốt
“chiếm lấy những nơi đất tốt cảnh đẹp, tự giát vàng nạm ngọc cho chỗ ở của chúng rực
rỡ, tô điểm cho môn đồ của chúng lộng lẫy như voi như rồng”. Thế mà “đương thời bọn
có quyền thế, bọn người ngoại đạo a dua lại đua đòi hùa theo. Vì thế những nơi u nhã
thanh kì trong nước, chùa chiền đã chiếm mất một nửa. Bọn áo thâm áo vàng tụ tập ở
đấy, không cày mà ăn, không dệt mà mặc; những người thất phu thất phụ thường bỏ cửa
nhà, bỏ làng xóm lũ lượt quy theo”.
Tuy đã có sự “khoanh vùng đối tượng”, chủ đích nhắm vào “những kẻ giảo hoạt
trong bọn sư sãi” nhưng lời văn dường như không kìm được thái độ gay gắt đến cay
nghiệt. Trong tác phẩm, Trương Hán Siêu chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy là do
thánh hiền xa cách, thánh đạo lu mờ, không có các bậc tướng như Chu, Thiệu để dẫn
dắt, các xóm thôn châu huyện không có trường để dạy điều hiếu nghĩa cho dân. Khi Chu
Tuế đến xin bài kí, một lần nữa ông lại bày tỏ thái độ, cho là “dị đoan đáng phải truất
bỏ” nhưng rốt cục vẫn viết bài kí, nguyên nhân vì “Chu Tuế từng làm quan trong nội
viện; đến lúc tuổi già khinh đường sĩ hoạn, ham việc bố thí, cố từ bổng lộc, tự xin về ẩn
dật để được an nhàn”, đó là những điều tác giả muốn học theo mà chưa được, chứ không
phải viết bài kí để tụng ca đạo Phật. Bài văn kết lại mà không có lời minh. Bài kí tháp
Linh Tế mở đầu bằng niềm cảm khái về lẽ hưng vong thành bại, vật đổi sao dời; phần
nội dung chính là lời biện bạch của sơn tăng Trí Nhu và lời đáp của tác giả để bày tỏ thái
độ phê phán đạo Phật. Đoạn cuối bài văn giải thích nguyên nhân tác giả viết cho Trí Nhu
bài văn bia là bởi cảm công “tô thêm vẻ đẹp non sông, tranh công xây dựng cùng tạo
hóa” của vị sơn tăng chứ không phải tác giả viết ra nhắm vào mục đích ca ngợi đạo Phật.

Bài kí kết lại, vẫn không hề có lời minh.
Có thể thấy sự phát triển của học thuyết Nho giáo thời Trần đã có ảnh hưởng
quan trọng đến các tác phẩm thuộc thể loại văn bia, làm hạn chế tính chất lí luận cũng
như việc sử dụng Phật điển một cách dày đặc vốn như một thông lệ trong văn bia Phật
giáo được xác lập từ thời Lí, khiến văn bia không thuần là một thể thức chuyên chú vào
việc tụng ca đạo Bụt, xây dựng những mẫu hình nhân vật tiêu biểu cho sự hoằng dương
và hộ trì đạo pháp. Sự tăng tiến của đội ngũ tác giả xuất thân nho học cùng quan niệm và
sự thể hiện thực tế của quan niệm ấy đã khiến cho văn bia thời Trần có sự thay đổi quan
trọng trên nhiều phương diện, từ nội dung đến kết cấu, giọng điệu, bút pháp. Tuy nhiên
bên cạnh đó vẫn có những văn bia được viết theo phong cách văn bia thời Lí, tiêu biểu
như Thiệu Long tự bi.
Phần thuyết lí - duyên khởi, tác giả viết: “Nép nghĩ: Càn khôn chính khí, nhật
nguyệt tinh hoa. Bản chân không rời, ngũ hình tán loạn. Gió lốc tạm ngừng, lục dục tam
tịnh mới thành; nước lụt lại dâng, Cửu nghi bát trọng bèn đến. Trong thì ngưng tụ thành
người trời, thánh triết; đục thì kết nên quỷ đói, súc sinh. Thảy sinh diệt ở lò đất trời, đều
biến hóa trong lửa phiền não. Đó là thế giới lúc mới hình thành vậy. Đến như pháp thân:
chân như khó thấu, lặng lẽ không lời. Đạo: mênh mông khó tỏ tường, thể: mập mờ sao
biết được. Nhỏ thì náu trong hạt cải, hạt cải mênh mông; lớn thì thâu cả Tu Di, Tu Di
nghiêng ngả. Cứu vớt muôn vật, chế ngự mọi dòng. Sức hiển linh ánh sáng phải nhòa,
sự giáo hóa phàm ngu cũng tỏ. Ấy là cái đạo tuyệt diệu vậy. Đến khi: gió lành đã tản,
sóng nhẹ dần lan. Ngũ dục như rắn rết lan tràn; lục trần như tử sinh oán hận. Cho nên
đức Phật ta: ở nơi vô tịch của không tướng, xót nỗi luân hồi của chúng sinh. Giáng tại
cung vua, tu nơi Tuyết lĩnh. Đất lòng gieo mầm tốt đẹp, ruộng tình rải giống thiện lương.
Giấu thực phô quyền, tùy duyên độ vật. Ruổi thuyền từ mà vượt bể khổ, cứu kẻ đắm
chìm; khuê đuốc tuệ mà rọi đường mù, chiếu nơi tăm tối. Đến khi: dung nhân khuất lấp
thời Chu Mục, thánh giáo truyền dài buổi Hán Minh. Tượng Phật nhờ đấy xắp hàng, nào
khuôn vàng hình gỗ; chùa chiền từ đây la liệt, những Bạch Mã Thanh Uyên. Đời trước
đời sau, chẳng dứt nhân duyên; Thiên Vương Luân Vương, đều theo phúc Phật. Dốc
lòng uống đạo, dầm gió chắp tay. Nếu không phải dòng hiền triết, sao có thể theo được
dấu thơm xưa?”.

Đoạn văn thuyết lí tinh vi, sử dụng hàng loạt điển tích, điển cố và thuật ngữ Phật
học; lối văn biền ngẫu điêu luyện, vừa cân chỉnh vừa bóng bẩy, rất giàu hình ảnh, đủ
thấy tác giả hẳn phải là người am tường Phật giáo và đặc biệt có tài năng về văn chương.
Vẫn tuân thủ theo kiểu thức văn bia thời Lí, bài văn bia đi từ thuyết lí – duyên
khởi dẫn nhập vào phần tự sự, khởi đầu là miêu tả nhân vật. Đây là đoạn miêu tả về
nhân vật Trung Tín, một nhân vật vốn chính sử không mảy may đề cập: “Tinh anh từ
sông núi, đức hạnh tựa băng sương. Thác sinh phải nhà hiển quý, hợp thời được nét anh
hoa. Lúc nhỏ có kì tướng, khi lớn càng phi phàm. Dáng vẻ đường đường xuất chúng,
phong tư nghiêm nghị hơn người. Đầy lòng hiếu đễ, dốc tiết trung thành. Đạo đức tốt
đẹp để gánh vác gia đình, phong thái thanh cao để bảo vệ đất nước. Oai hùng trùm đời,
khí lực nhổ núi. Sắp đặt sĩ tốt chỉnh tề, điều động quân đội nghiêm cẩn. Cơ binh chỉ một,
nghiệp tướng không hai. Đáng làm mẫu mực cho đất nước, thực là bàn thạch của vương
gia. Hoàng đế mến tài, ban xe ban áo. Công lớn rõ ràng, y quan rực rỡ. Quyền sau thiên
tử, danh vượt trăm quan. Đội mũ vào vẻ trăng tròn trịa, khoác áo lên dáng phượng dập
dờn. Thêm vẻ vang nhờ quân kị mạnh, lại hào hùng bởi sĩ tốt hăng. Tiên phong tung
hoành oai hổ, trung quân vùng vẫy sức bằng. Dập khói lang khắp miền biên tái; diệt giặc
dữ đủ mười phương trời. Nếu không có sức thành thần, sao được như thế. Đấy là cái đức
văn võ song toàn của ông vậy”.
Miêu tả về người vợ của Thái tử Trung Tín, tác giả viết tiếp: “Còn phu nhân: xuất
thân quyền thế, thể chất ngọc ngà. Tứ đức đủ bề, tam tòng hoàn bị. Dáng hình yểu điệu,
dung mạo sáng tươi. Miệng thốt ngọc châu, chí hòa cầm sắt. Nét đẹp phi thường, con
người tuyệt thế. Phong tư sánh với Lạc thần, cốt cách so tày Vu nữ. Búi phượng mượt
mà, núi trong mày thúy vừa ngưng; vẻ hoa rực rỡ, cảnh đẹp nụ hồng mới hé. Đức dạt
dào, hoa lan thơm phức; tính thuần khiết, bạch ngọn vèn tuyền. Sức xuyến vàng, gài
trâm sáu hạt, vương phi chỉ vậy; mang ngọc hương, đeo khuyên hai bên, thương lái nào
hơn. Nếu không hiển quý hơn người, thời cũng phong tư tuyệt thế. Lại thêm: nếp nhà gia
giáo, phúc Phật chuyên cần. Hoa tín thành chiếm mười động xuân sang; gương trí tuệ vẽ
một sông trăng rọi. Trước ươm giống lạ, chắc được mầm tốt tươi; sớm lập nhân lành, ắt
được quả ngon ngọt. Nói rằng con người tích thiện là mĩ lệ, là thịnh đức, đó là nói về
đức tốt của phu nhân vậy”.

Đoạn văn ngôn từ chuốt gọt, có sự đan cài giữa tả thực với ước lệ và khoa trương.
Sự miêu tả có thể nói đã đạt mức kì tuyệt, hoàn toàn không sút kém với các văn bia xuất
sắc nhất thời Lí như Đại Việt quốc Lí gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi hay Cổ
Việt thôn Diên Phúc tự bi minh.
Tiếp theo phần miêu tả nhân vật, tương tự các văn bia thời Lí, tác giả cũng đi vào
miêu tả quá trình xây dựng công trình và đặc biệt chú trọng miêu tả cảnh chùa sau khi đã
hoàn thành: “Chính điện nguy nga dáng núi dựng, hành lang uốn lượn cánh chim bay.
Đốn cây tiên mà dựng rường kèo, rừng xanh núi Tam Thần giảm biếc; lấy ngọc Hán mà
viền trụ cột, lọng vàng thời Vương Mãng kém sang. Cầu thang trạm rùa rồng, dáng uốn
lượn chừng đang phun nước; song cửa trổ loan phượng, thế dập dờn tưởng lướt theo
mây. Nhiều tinh tú sao Bắc Cực nhường tầm, rực cỏ hoa vườn Thượng Lâm giảm sắc.
Ngói sen muôn tầm vẩy cá, sương sớm giọt giọt ngọc rung; chuông vàng bốn bên, gió
thu giờ giờ tiếng thoảng. Màu son tươi mới, dẫu gấm họ Đậu khôn so; vẻ ngọc lung linh,
dù ngọc dạ quang chỉ vậy”.
Văn biền ngẫu cân chỉnh và chặt chẽ, bút pháp ước lệ được vận dụng tối đa, cảnh
chùa hiện lên qua các so sánh, như thực như hư, vừa như ở ngay trước mắt lại vừa như ở
rất xa vời, không thể nắm bắt; tuy trí tưởng tượng được kích thích song rốt cục người
đọc vẫn thấy rất mực mông lung, ngỡ cảnh chùa như cảnh sắc của một thế giới thần tiên.
Sự miêu tả đi từ gần, rồi lại tiến ra xa, và không chỉ dừng lại bằng sự cảm nhận qua thị
giác, có cả mùi hương đang luồn trong gió: “Trong ao sen thoảng, sen diễm kiều thế giới
thần tiên; ngoài vườn hương đưa, hương ngan ngát trong vòng trời đất”. Cảnh chùa được
miêu tả đôi khi không kém phần mộng mơ và lãng mạn: “Cạnh đường hoa nở, giai nhân
tựa cửa không lời; bên nhà cây che, màn thúy rủ hiên chẳng vén”; lại có khi được so
sánh với những cô gái xinh đẹp như Tần Nga, dung nhan cướp hồn người: “bồi hồi thiếu
nữ quạt gió nồng, yểu điệu Tần Nga xinh cướp vía”.
Sau khi miêu tả cảnh khánh thành chùa cùng lời chúc tụng vị đương kim
hoàng thượng, các vị tướng công cùng phu nhân, các Thái tử, quý nương… tác giả
tỏ ý khiêm cung, cho rằng mình kiến thức hẹp hòi, được ủy thác trách nhiệm soạn
bia, khác chi “ốc nhỏ mà đo biển lớn, ngựa hèn mà ruổi đường dài”, do không thể từ
chối nên miễn cưỡng soạn bia. Văn bia kết lại bằng một bài minh dài 62 câu tứ

ngôn tóm lược ý tứ toàn bài, lại kèm theo cả những lời chúc tụng.
Văn bia chùa Thiệu Long là một trong những tác phẩm xuất sắc trong các văn bia
thời Trần hiện còn, cũng là sự kế thừa trọn vẹn thành tựu của văn bia thời Lí. Tuy vậy,
nhìn trên tổng thể, ngoài một số ít bài như Thiệu Long tự bi, Phụng Dương công chúa
thần đạo bi tính tự… văn bia thời Trần không có độ hoành tráng như văn bia thời Lí, sự
dụng công trong nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật xây dựng nhân vật và tả cảnh cũng sút
giảm đáng kể. Dẫu vậy, văn bia thời Trần vẫn có nhiều điểm khả thủ, thể hiện ở ngôn
ngữ giản dị, tự nhiên, tự sự tường tế, không quá sa đà vào khoa trương… cùng văn bia
thời Lí, xác lập địa vị đỉnh cao của thể loại văn bia thời Trung đại

×