Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Giọng điệu nghệ thuật trong tiểu thuyết thời kì đổi mới của Ma Văn Kháng pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (216.79 KB, 10 trang )

Giọng điệu nghệ thuật
trong tiểu thuyết thời kì đổi
mới của Ma Văn Kháng





Trong quá trình sáng tác, mỗi nhà văn đều phải trăn trở để tìm ra giọng điệu nghệ
thuật cho tác phẩm của mình. Bởi theo M. Khrapchencô, “cái quan trọng trong tài năng
văn học ( ) là tiếng nói của mình ( ), là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể
tìm thấy trong cổ họng của bất kỳ một người nào khác”
(1)
. Hơn nữa, ở mỗi một tác phẩm
văn chương, giọng điệu chính là “một hiện tượng nghệ thuật toát ra từ bản thân tác phẩm
và mang một nội hàm tư tưởng thẩm mỹ” (Trần Đình Sử). Giọng điệu nghệ thuật bị chi
phối từ rất nhiều yếu tố, từ cái nhìn hiện thực, cảm hứng sáng tác, đến tư tưởng tình cảm
của tác giả với những sự vật, sự việc, con người Giọng điệu ấy lại được cụ thể hoá qua
từ ngữ, lời văn, ngữ điệu và các thủ pháp nghệ thuật trong tác phẩm, để qua đó bộc lộ
“thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được
miêu tả” và thiết lập các mối quan hệ “thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm
biếm”
(2)
.
Mỗi tác phẩm văn chương đều có sắc thái giọng điệu riêng. Hơn thế, trong mỗi tác
phẩm, bên cạnh giọng điệu chủ đạo, bao giờ cũng tồn tại nhiều sắc thái giọng điệu khác
nhau. Bởi cũng theo M. Khrapchencô, “giọng điệu chủ đạo không những không loại trừ mà
còn cho phép tồn tại trong tác phẩm văn học những giọng điệu khác nhau”
(3)
. Như vậy, các
sắc thái giọng điệu đã trở thành phương tiện tham gia chuyển tải bức tranh hiện thực vào tác


phẩm và thể hiện thái độ của nhà văn trước cuộc sống. Chính vì thế khi nghiên cứu sáng tác
của một nhà văn không thể không nghiên cứu giọng điệu nghệ thuật của họ.
Ma Văn Kháng là một trong những nhà văn có nhiều đóng góp cho nền văn học
Việt Nam thời kỳ đổi mới. Với sự chuyển hướng từ cái nhìn sử thi sang cái nhìn hiện thực
đa diện, đa chiều, phức tạp, nhà văn đã cảm nhận cuộc sống trong nhiều cung bậc tốt -xấu,
trắng - đen, thiện - ác. Chính từ cái nhìn đa dạng, đa chiều như thế, tiểu thuyết Ma Văn
Kháng thời kỳ đổi mới đã đem đến nhiều sắc thái giọng điệu và yếu tố thẩm mỹ này đã
góp phần quan trọng vào thành công của mỗi tác phẩm.
1. Giọng điệu trữ tình thiết tha sâu lắng
Bước vào thời kỳ đổi mới, khi cuộc sống thật bộn bề, Ma Văn Kháng đã có nhiều
trăn trở, suy tư. Điều trăn trở nhất của ông chính là làm sao để mô tả được dòng chảy trong
trẻo giữa dòng sông cuộc sống trong - đục hôm nay. Chính Ma Văn Kháng đã từng tâm sự:
“Thôi thúc tôi viết bao giờ cũng là cái đẹp thật xúc động, thật cao cả, thật khiêm nhường và
lớn lao trong những hoàn cảnh đau buồn nhất. Tôi gửi gắm niềm tin yêu của tôi vào tất cả
những đắng cay xót xa của các thân phận. Bằng cách đó tôi biểu lộ tình yêu với cái đẹp của
cuộc sống ”. Có lẽ vì thế mà trong các tác phẩm của mình, ông luôn tìm tòi, thiết tha thể
hiện mọi điều tốt đẹp từ cuộc sống, từ con người. Ông luôn trân trọng và hướng con người
tới cái chân- thiện- mỹ, tới cội nguồn văn hoá đạo đức truyền thống dân tộc. Chính vì thế
nhà văn đã tìm đến giọng điệu trữ tình thiết tha sâu lắng. Hơn thế, nhân vật trong tiểu thuyết
thời kỳ đổi mới của Ma Văn Kháng thường là những nhân vật trí thức. Đúng như bản chất
của nó, nhân vật trí thức chân chính luôn có ý thức sâu sắc về trách nhiệm trước bản thân,
nghề nghiệp và cuộc sống. Họ luôn là người tinh tế, nhạy cảm. Do vậy, giọng điệu trữ tình
thiết tha sâu lắng trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng khá nổi trội.
Trước hết, giọng điệu trữ tình thiết tha sâu lắng được Ma Văn Kháng sử dụng khi
nhân vật bộc lộ tấm lòng thành kính biết ơn cuộc đời, biết ơn những giá trị văn hoá truyền
thống tốt đẹp. Người đọc không khỏi bùi ngùi chứng kiến lúc ông Bằng (Mùa lá rụng
trong vườn) đứng trước bàn thờ tiên tổ xúc động tri ân thể hiện lòng tôn kính: “Thưa thầy
mẹ đã cách trở nghìn trùng mà vẫn hằng sống cùng con cháu. Con vẫn văng vẳng nghe
đâu đây lời giáo huấn của ông cha, tiên tổ. Con vẫn đinh ninh ghi khắc công ơn sinh thành
dưỡng dục của thầy mẹ, gia tộc, ông bà, cha mẹ, tổ tiên, con như thấy từ trong tâm linh,

huyết mạch sự sinh sôi nảy nở, phúc thọ an khang của cháu con đời đời nối tiếp trong
cộng đồng dân tộc yêu thương”
(4)
. Giọng điệu trữ tình trong đoạn văn được thể hiện trước
hết từ chính cảm xúc sâu lắng chân thành của nhân vật khi thể hiện niềm tâm giao với
người đã khuất. Giọng điệu ấy được nhà văn cụ thể hoá qua sự xuất hiện đậm đặc những
từ láy. Đoạn văn chỉ có 3 câu mà có tới 9 từ láy xuất hiện. Chính nó đã làm cho mạch trữ
tình thiết tha lắng đọng hơn.
Và trước vẻ đẹp trí tuệ, nhân cách của con người trí thức chân chính, Ma Văn
Kháng thực sự rung động trong niềm trân trọng say mê. Đó là Tự (Đám cưới không có
giấy giá thú), là Khiêm (Ngược dòng nước lũ), là ông Thiêm (Chó Bi, đời lưu lạc)
Người đọc thực sự cảm động khi được chứng kiến những lúc Tự đắm mình trong không
gian giữa sân trường, thả hồn mình vào những kỷ niệm êm đềm – khung trời rợp cây, màu
đỏ hoa phượng rực rỡ, tiếng ve lanh lảnh da diết nỗi niềm, “chưa bao giờ Tự nhận thấy
giai điệu nào đẹp trong sáng và xúc động như thế”. Tự sung sướng nhận ra mình vẫn còn
nguyên vẹn những “rung động non tơ, những ham mê say đắm” giữa cuộc đời còn nhiều
bất cập, bất ổn hôm nay; lúc Khiêm sau bao nhiêu đắng cay nhận ra thói trơ tráo, vô liêm
sỉ từ những bạn bè đồng nghiệp, anh trở về miền đất trung du máu thịt, thả mình vào vùng
quê yên tĩnh với những con người hồn hậu chất phác để tiếp tục nuôi dưỡng, tìm lại cảm
xúc viết nên bao tác phẩm văn chương
Cung bậc trữ tình thiết tha sâu lắng nhất trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng được thể
hiện khi nhà văn để người trần thuật ở ngôi thứ nhất, tự mình cảm nhận, tự mình bày tỏ
máu thịt nỗi lòng qua sự trải nghiệm từ chính cuộc đời. Hãy lắng nghe nhân vật Duy (Côi
cút giữa cảnh đời) thổ lộ lòng mình từ sự biết ơn không gì so sánh nổi đối với bà nội – bà
tiên của đời mình: “Ơn bà mãi mãi cháu để hai vai. Bà nhịn cho chúng cháu ăn. Bà lạnh
cho chúng cháu ấm. Bà bế bồng, dìu dắt chúng cháu đi qua những năm tháng cách trở lọc
lừa, phản trắc, bất công. Bà đưa chúng cháu qua nơi hỗn độn đến sự an bằng. Có mẹ, có
cha mà hoá ra côi cút. Bao oan khổ, đắng cay, thiệt thòi của chúng cháu đều được bà san
lấp, đền bù, an ủi. Những đau khổ, buồn tủi của tuổi ấu thơ đơn côi giữa cảnh đời, nhờ có
bà, đã được gột rửa khỏi tâm hồn. Nhờ bà, chúng cháu bước qua vùng tủi hổ đến với hy

vọng và tin yêu. Bà là sự nhẫn nhịn, là lòng hỉ xả, là tuyết sạch giá trong, là tình thương,
là lẽ phải, là sự cứng cỏi, kiên trinh. Bà là cổ tích. Bà là bà mụ nâng đỡ trong linh hồn
chúng cháu. Bà là Phật bà. Hay chính bà là cô tiên giáng trần đã che chở cưu mang chúng
cháu bằng tình thương và các phép màu huyền nhiệm, thần kỳ”
(5)
. Giọng điệu trữ tình thiết
tha sâu lắng ở đây được toát lên trước hết từ chính tấm lòng biết ơn sâu nặng của người
cháu đối với bà. Tấm lòng ấy được dãi bày qua hệ thống từ ngữ, hình ảnh và những câu
văn hài hoà cân bằng trong dòng cảm xúc tươi nguyên. Nhà văn đã huy động lượng ngôn
từ giầu tính biểu cảm và những minh chứng cụ thể về sự hy sinh vô bờ của bà để tạo nên
đoạn văn thấm đẫm tình người.
Giọng điệu trữ tình thiết tha sâu lắng của Ma Văn Kháng còn thể hiện đậm đặc
trong những đoạn trữ tình ngoại đề ở mỗi tác phẩm. Những lúc đó, cảm xúc của tác giả
được bộc lộ sâu xa, ý đồ tư tưởng nghệ thuật đạt đến độ lắng cần thiết. Chính tác giả cũng
rất ý thức và thích thú những đoạn trữ tình ngoại đề này. Nhà văn bộc bạch: “Tôi thì thích
nó (đoạn trữ tình ngoại đề - chúng tôi chú thích), không phải là để bổ sung cho sự non
kém của hình tượng mà là cảm giác hạnh phúc tràn đầy khi ý tưởng của mình được biểu
hiện càng sâu xa hơn, một kiểu chơi văn chương ở đó có những câu văn được chạm khắc
gây ấn tượng và đẹp”. Nhà văn thích thú đến mức, nó đã thành một nhu cầu cần thiết khi
tác phẩm ra đời: “Không tìm được cơ hội thể hiện những đoạn văn kiểu đó thì câu chuyện
hình như là không thể ra đời được”. Hãy lắng nghe đoạn trữ tình tiếp tục bộc lộ tâm trạng
thầy giáo Tự khi học trò bước vào kỳ thi tốt nghiệp: “Ôi, một thời trẻ dại, những xúc động
đầu tiên của một trái tim non nớt và hoàn toàn trong sạch, chưa hề chai sạn và còn xa lạ
hoàn toàn với mọi thói tệ xấu xa. Phút giây ngực ứ nghẹn khi nghe trống điểm giờ thi môn
thứ nhất ”. Có nó, tâm trạng xao xuyến bồi hồi, tình cảm trong trẻo của nhân vật được
tiếp tục dãi bầy sau khi thầy giáo Tự nhớ về những kỷ niệm trong kỳ thi đầu tiên của đời
mình.
Sử dụng sắc thái giọng điệu này, Ma Văn Kháng đã tạo nên những trang văn dạt
dào cảm xúc. Những trang văn đem đến sự rung động chân thành cho người đọc từ chính
lòng nhân ái, tình yêu thương con người, yêu thương cuộc đời của tác giả. Những trang

văn đi sâu vào dòng đời, lòng người hôm nay để người đọc cảm nhận rõ sự hồn hậu trong
trẻo của nó mặc dù ở đó còn biết bao điều bất cập, bất ổn.
2. Giọng điệu triết lý suy tư
Như ta đã biết, nhân vật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới hầu
hết là những trí thức (nhà giáo, nhà báo, nhà văn, kỹ sư). Những nhân vật trí thức đích
thực của nhà văn luôn là người có học thức uyên thâm, có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm.
Chính vì thế, ngoài sắc thái giọng điệu trữ tình thiết tha sâu lắng, người đọc còn nhận rõ
sắc thái giọng điệu triết lý suy tư. Giọng điệu này được nhà văn sử dụng khá đậm đặc và
có hiệu quả trên từng trang sách. Sắc thái ấy thường được sử dụng khi nhà văn đề cập đến
những vấn đề phức tạp trong cuộc sống; khi nhân vật đi tìm những giá trị tinh thần đích
thực vĩnh hằng; khi ông bày tỏ những suy tư về tình người, tình đời hoặc khi nhà văn phân
tích lý giải, khái quát một hiện tượng nào đó trong cuộc sống
Hãy lắng nghe Luận – nhà báo (Mùa lá rụng trong vườn) phân tích nguyên nhân
dẫn đến những sai lầm trong cuộc đời chị Lý và đưa ra những lời khuyên thật chí nghĩa,
chí tình: “Chị Lý không khác chúng ta đâu. Chị cũng như chúng ta. Trong chúng ta, có cái
xấu, có cái tốt. Cái xấu, biết nó là xấu, vậy mà cuối cùng nhiều người vẫn không tránh
được, ấy là vì dục vọng lại gặp những nhân tố kích thích từ bên ngoài cuộc sống đang
đặt ra cho con người chúng ta sự lựa chọn gay gắt về cách sống của mỗi người. Sống bên
nhau chúng ta phải giúp nhau trừ bỏ cái xấu tiềm ẩn trong mỗi người”. Lời lẽ phân tích
thấu đáo, có lý, có tình; lời khuyên chân thành đầy trách nhiệm của nhân vật khiến người
nghe hiểu ra biết bao điều mới mẻ.
Hoặc khi Thuật khái quát về cuộc đời đầy những bi kịch của Tự: “Ông là nhân vật
lớn của một bi kịch lớn. Bi kịch của một bữa tiệc giang dở, một đám cưới không thành,
một cuốn sách hay để lầm chỗ”, càng cho người đọc cảm nhận sâu sắc hơn về những bi
kịch đắng cay, chua chát trong cuộc đời nhân vật.
Giọng điệu triết lý còn được nhà văn dùng để lập luận khi cần đi sâu khẳng định
những giá trị chân chính nào đó. TrongNgược dòng nước lũ nhà văn đã lập luận thật sâu
sắc về nghề viết văn: “Văn không phải là chính trị kinh tế học được hình ảnh hoá Văn
chính là nó ở chỗ nó chỉ có mỗi một nhiệm vụ là miêu tả con người một cách văn chương.
Nó tự nhiên như đời sống vì nó chính là đời sống. Chi phối nó chỉ có một sức mạnh duy

nhất là đời sống. Do vậy những cái họ viết ra sẽ làm cho con người hoặc sung sướng phát
điên lên, hoặc đau đớn quặn thắt đến từng khúc ruột, hoặc ngẩn ngơ như một kẻ mắc bệnh
trầm cảm; con người nhờ văn chương nhận ra mình ở những tầm kích chưa từng thấy”
(6)
.
Hoặc trong Chó Bi, đời lưu lạc khi nhà văn để nhân vật Cần (con ông Thiêm - giám đốc xí
nghiệp) nhận xét về người cha kính yêu của mình và thế hệ người cha: “Với anh, bố mãi
mãi là thần tượng Anh nhận ra, bố tràn đầy hào hứng đi trên con đường lớn, nhưng bố
và cả thế hệ bố lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, tinh thần, nghị lực, để đi trên con
đường đó ”
(7)
.
Phải nói rằng Ma Văn Kháng lựa chọn giọng điệu triết lý suy tư trong tiểu thuyết
thời kỳ đổi mới là rất phù hợp với cái nhìn, cách tư duy và hệ thống nhân vật của tác
giả. Chính sắc thái giọng điệu này đã góp phần làm cho những trang viết của nhà văn có
bề sâu trí tuệ, đưa người đọc tới sự cảm nhận sâu sắc thấm thía nhiều điều từ cuộc sống
còn bộn bề, phức tạp hôm nay.
3. Giọng điệu hài hước mỉa mai
Với cái nhìn hiện thực bộn bề đa dạng, với trách nhiệm của một cây bút chân chính,
Ma Văn Kháng trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới vừa đi sâu mô tả dòng chảy trong trẻo
giữa dòng sông cuộc sống trong - đục, vừa đi sâu phát hiện nhiều điều bất cập bất ổn trong
cuộc sống hôm nay. Để đưa lên trang sách những điều bất cập bất ổn ấy, nhà văn đã lựa
chọn một phương tiện thật hữu hiệu. Đó là giọng điệu hài hước mang sắc thái mỉa mai phê
phán.
Dưới cái nhìn của nhà văn, điều bất ổn trước hết chính là việc lựa chọn cán bộ
chủ chốt trong cơ quan, công sở, trường học. Theo tác giả, xã hội ta một thời lấy lý lịch
là tiêu chí duy nhất để lựa chọn cán bộ chủ chốt là điều bất cập. Lý lịch hoá cán bộ,
không quan tâm đến trình độ, năng lực và phẩm chất là một sai lầm cần phải điều
chỉnh. Thử hỏi một thầy giáo dạy văn, một hiệu trưởng nhà trường mà lại kém cỏi đến
mức “bắt học trò chữa cụm từ hào khí Đông A thành hào khí đông nam châu Á” thì thật

là quái lạ. Khôi hài hơn, “có lần dạy bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc giảng hết bài rồi,
còn những năm phút nữa mới hết tiết, Cẩm liền lấp chỗ trống bằng cách bảo học sinh
đứng dậy mặc niệm các nghĩa sĩ năm phút để tỏ lòng tri ân (!)”. Chính vì sự kém cỏi từ
trình độ chuyên môn như thế nên hậu quả thật khôn lường, nhà trường mất đoàn kết
sâu sắc, giáo viên coi thường lãnh đạo, đồng nghiệp nhiếc móc chửi bới nhau không
tiếc lời và người gánh chịu mọi thiệt thòi chính là những giáo viên thực sự tâm huyết
với nghề và lớp lớp học sinh vô tội.
Giọng điệu hài hước còn được Ma Văn Kháng sử dụng để phơi bày những thói tật
còn tiềm ẩn sâu xa trong mỗi con người. Hãy xem ông Quanh 59 tuổi, được chính Khiêm
– chủ nhiệm trung tâm văn hoá đề bạt làm phó chủ nhiệm (Ngược dòng nước lũ), đến khi
tạo dựng được bè cánh, lật đổ Khiêm và đang đứng trước cơ hội được đề bạt làm chủ
nhiệm đã vui sướng hể hả như thế nào: “Hôm nay chàng lé mặc áo ca rô, đeo cà vạt, quần
gabađin và bất chấp mùa hạ, đôi chân nếu cạo ra chắc hẳn còn thấy bụi bùn lại lồng bít tất
trắng, thọc vào đôi dầy da nâu đánh si bóng lộn.
Chàng lé hôm nay mở toang cửa ra vào. Chàng lé hôm nay vui vẻ, hoạt bát. Chàng
lé hôm nay trẻ đến chục tuổi”
(8)
. Nhờ sắc thái giọng điệu này mà nhà văn đã phản ánh thật
tinh tế tâm trạng khác thường của một con người thật tầm thường, vụ lợi.
Và cả khi miêu tả ngoại hình nhân vật với hàm ý mỉa mai, tác giả cũng sử dụng
giọng điệu hài hước này. Đây là chân dung nhân vật Phô - Tổng cục trưởng: “Mặt thô
lạnh, tròn như cái mâm, tóc trên thóp đã rụng thưa xơ xác, cằm Phô trề trễ một cái nọng.
Mũi Phô to sụ, mồm Phô bèn bẹt hơi giống miệng cá trê. Mắt Phô hai quầng thâm, di
chứng của căn bệnh mất ngủ và suy thận, hay đi đái đêm. Toát lên từ diện mạo Phô là một
tính cách khó đoán định: vừa đần độn vừa ranh ma, vừa lạnh lẽo cô hồn vừa nham
hiểm”
(9)
. Rõ ràng là nhờ sắc thái giọng điệu này mà tác giả đã thể hiện thái độ coi thường,
khinh bỉ của mình trước một con người đầy mưu mô, nham hiểm.
Sắc thái giọng điệu hài hước mỉa mai là một trong những sắc thái giọng điệu được

Ma Văn Kháng sử dụng có hiệu quả trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới. Nhờ sắc thái
giọng điệu này mà những gam màu lạ trong dòng chảy của cuộc sống hôm nay được tác
giả soi chiếu một cách thật tinh tế nhiều chiều và dễ dàng đưa lên trang sách. Sau tiếng
cười, mỗi bạn đọc đều cảm nhận rõ sự băn khoăn trăn trở của tác giả trước những bất
cập bất ổn trong cuộc sống hôm nay.
4. Giọng điệu suồng sã
Trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Ma Văn Kháng, ngoài kiểu nhân vật mang
tính lý tưởng, nhà văn còn xây dưng kiểu nhân vật tha hoá. Đó là những trí thức dốt nát,
thô bỉ, đê tiện; là lớp thị dân mới, tôn thờ giá trị vật chất, chà đạp lên đạo đức văn hoá
truyền thống. Mục đích sống của họ là “tiền” - “có tiền là xong hết”. Với họ hạnh phúc là
khi kiếm được nhiều tiền, khi được thoả mãn những ham muốn của bản thân. Do vậy,
đồng tiền đã biến họ thành những con người không tình nghĩa, chao chát, cay nghiệt, sẵn
sàng chà đạp lên tất cả những giá trị văn hoá thiêng liêng. Để khắc hoạ kiểu nhân vật này,
ngoài giọng điệu hài hước mỉa mai, Ma Văn Kháng còn sử dụng giọng điệu suồng sã.
Cũng như nhiều nhà văn khác, Ma Văn Kháng khi sử dụng giọng điệu này, những từ ngữ
thô tục cũng xuất hiện đậm đặc. Hãy xem cuộc đấu khẩu thật tồi tệ giữa hai thầy giáo -
hiệu trưởng Cẩm và Thuật ở trường trung học số 5:
“Cẩm quát:
- Đồ chó! Đồ khốn!
- Mày bảo ai là đồ chó, hở thằng mõ?
- Mày! Mày là đồ chó! Đồ chó đểu!
- Cẩm! Cẩm! Thằng mõ! Mày dám hành hung ông hả! Mày chết với ông! Ôi anh
em ơi! Bắt hộ tôi thằng mõ kia với!”.
Từ cuộc xô xát, đối đầu giữa một bên là lãnh đạo - hiệu trưởng nhà trường dốt nát,
tàn nhẫn, với một kẻ dưới quyền có tài nhưng phải gánh chịu những kết cục bi thảm,
thông qua hàng loạt từ ngữ thô tục, nhà văn đã phơi bày không thương tiếc bản chất tha
hoá của những người mang danh thầy giáo. Với cái nhìn sắc sảo nhiều chiều, với giọng
điệu suồng sã, nhà văn đã cho bạn đọc nhìn rõ bức tranh sáng-tối trong chiều sâu của cuộc
sống mà bình thường ít được bộc lộ.
Không chỉ có ở những người thầy tha hoá, ngay cả những người có chức quyền, địa

vị trong xã hội nhiều khi bản chất tha hoá, sự dốt nát, thiếu văn hoá cũng được Ma Văn
Kháng phơi bày không dấu diếm. Khó có thể chấp nhận lời phát biểu của Bí thư Thị uỷ
Lại trong buổi khai giảng đầu tiên cấp trung học đầu tiên của thị xã với các em học sinh:
“Trí thức không bằng một cục cứt chó khô đâu, các người hãy nhớ lấy!”, và với các thầy:
“Tầng lớp trí thức tiểu tư sản các anh chẳng qua chỉ là cái sinh thực khí, tức là cái vật thể
thối tha của thằng đàn ông”.
Đi sâu vào bản chất của cuộc sống, Ma Văn Kháng không chỉ phơi bày sự tha hoá
của những người trí thức, nhà văn còn tập trung thể hiện sự biến chất của lớp thị dân mới
– những con người nhanh chóng đánh mất mình vì đồng tiền, vì cơ chế cuộc sống thay
đổi. Hãy xem lời thoá mạ của Lý với Luận và vợ Cừ - những người thân trong gia đình:
“Tao phải sòng phẳng với nó. À, cả con vợ thằng khốn nạn Cừ kia nữa, mày cũng định
bênh thằng nhà báo đểu giả kia phải không? Mày lên đây có giấy tờ gì không? Mày có
trình báo với ai ở cái nhà này không? Bỏ tao ra! Đồ chó ghẻ có mỡ đằng đuôi!”. Từ ngữ
thô tục được nhân vật sử dụng với mức độ đậm đặc, bộc lộ cách xử sự thiếu văn hoá trong
từng lời nói, cử chỉ, hành động của nhân vật.
Giọng điệu suồng sã nhiều khi còn được nhà văn sử dụng để nhân vật thể hiện thái
độ coi thường, khinh miệt đối với những loại người vô lương tâm, tàn nhẫn. Đó là thái độ
của bà cụ Lãng (Côi cút giữa cảnh đời) đối với tên Hứng, khi hắn đã chiếm gần hết diện
tích căn buồng ở của ba bà cháu Duy, lại còn rắp tâm chiếm nốt diện tích phụ gồm nhà
bếp, bể nước, nhà tắm nữa:
“Bà tôi xoa đầu tôi:
- Quân bòn tro đãi sạn ấy không nên người đâu. Thí cho nó, cháu ạ”
(10)
.
Như vậy, cùng với giọng điệu trữ tình, triết lý, hài hước, giọng điệu suồng sã đã
góp phần làm nên nhiều sắc thái giọng điệu trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng thời kỳ đổi
mới. Các sắc thái giọng điệu này vừa thể hiện sự cảm nhận sâu sắc, trách nhiệm của một
nhà văn chân chính trước cuộc sống và con người, vừa đem đến sức hấp dẫn cho từng tác
phẩm.
Tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Ma Văn Kháng đã thu được những thành công

đáng kể. Nhiều vấn đề tốt - xấu, trắng - đen, thiện - ác trong cuộc sống hôm nay đã được
tác giả phản ánh sinh động và hấp dẫn. Phản ánh được nhiều phương diện đa diện, đa
chiều như thế là bởi, ông đã có một cái nhìn hiện thực mới mẻ và lựa chọn được nhiều sắc
thái giọng điệu phù hợp trong từng trang sách của mình. Với bốn sắc thái giọng điệu:
giọng điệu trữ tình thiết tha sâu lắng, giọng điệu triết lý suy tư, giọng điệu hài hước mỉa
mai và giọng điệu suồng sã, Ma Văn Kháng đã có điều kiện đi sâu vào bản chất của cuộc
sống, từ đó góp phần khẳng định giá trị nhân văn sâu sắc trong toàn bộ tiểu thuyết của nhà
văn thời kỳ đổi mới

×