Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Quan niệm thơ của nhóm Xuân Thu nhã tập _3 doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (200.42 KB, 5 trang )

Quan niệm thơ của
nhóm Xuân Thu nhã tập





Nhưng sự phân rã triệt để ấy là điều kiện để quá khứ có thể hoá chuyển tức thì
thành thực tại trên cùng một trục cú pháp và ngược lại: Quỳnh hoa chiều đọng nhạc
trầm mi Hoa, tiếng nhạc, hương trầm là ngày hôm nay nhưng cũng là của ngày đã qua.
Đúng hơn, quá khứ và hiện tại lung linh đồng hiện. Những “mảnh ghép” vô thức đã
khiến Buồn xưa, từ một hoài niệm tĩnh vật trở thành một thế giới đa sắc với những
chuyển động thầm kín và bí mật. Những hình ảnh thơ, vượt lên kĩ thuật “ghép chữ”
thuần lí, như đột hiện từ cõi tâm linh thăm thẳm, trở nên vừa xác thực, vừa mơ hồ, vừa
quen thuộc, vừa dị thường, mọi ranh giới chia cắt, phân ly bỗng nhoè lẫn Bởi vậy, các
hiện tượng đời sống vốn rất xa lạ bỗng dưng có thể hợp nhất trong một mối quan hệ gần
gũi và phát lộ những trạng thái phi thực, lạ lùng: chiều đọng, rượu hát, tóc nhạc, lẵng
xuân, hồn xanh ngát, mày tràng giang Các lớp hình ảnh hoà lẫn vào nhau, dệt nên một
giấc mơ hư ảo, chập chờn về một quá khứ đẹp và buồn, gợi nhiều nhớ nhung, hoài niệm.
Đấy là thế giới được khai mở từ cái nhìn khác,cái nhìn siêu thực. Nhưng xuyên qua lớp
thực tại này, Buồn xưa còn là một nghiệm chứng thời gian, thời gian từ một buổi“chiều
đọng nhạc trầm mi” cụ thể tới ý niệm thời gian của “nhịp hải hà” vô cùng, vô tận. Thời
gian đã biến Cái đẹp trở thành nỗi hoài niệm quá vãng, thành những “mùa xưa”, “tóc
xưa”,”sương cũ”, “rừng xa”, “hồn xa” Không phải ngẫu nhiên mà xuyên suốt bài
thơ là hình ảnh nỗi buồn, một nỗi buồn đã được tượng hình hoá, “mĩ lệ hoá”: buồn nào
gội tóc xưa, buồn vây tóc mưa, buồn muôn đời, nguồn buồn lạnh lẽo Đấy là nỗi buồn
trước Cái đẹp phôi pha. Nỗi buồn trước thời gian “tưới hận chìm tường”. Thời gian đã
trở thành một ám ảnh đặc biệt với thi sĩ. Vấn đề là ở đây, triết lí thời gian (đã là một thi
đề kinh điển, đặc biệt trong thơ cổ phương Đông), không hiện lên như một ẩn dụ đơn
nghĩa: nó đã trở thành một biểu tượng trùng phức, có khả năng mở ra nhiều chiều liên
tưởng. Như vậy, sự lỏng lẻo trong kết cấu ngôn từ, một mặt, sẽ tạo nên sự gián đoạn, đứt


gãy trong hình ảnh, ý nghĩa, do đó, bài thơ sẽ khó “đọc”, khó hiểu. Nhưng mặt khác,
cách tổ chức ngôn từ ấy có khả năng tạo độ dồn nén và mơ hồ trong ý nghĩa, gợi mở
chiều sâu mĩ cảm.
Nhìn chung, tính tượng trưng, ám gợi trong thơ của các tác giả Xuân thu nhã
tập được tạo nên bởi nhiều yếu tố: các thủ pháp lựa chọn và sử dụng từ ngữ, cách xây
dựng những hình ảnh giàu tính biểu tượng, cách tổ chức ngôn từ theo sự dắt dẫn của âm
nhạc Cách họ sắp đặt những hình ảnh, sự vật xa lạ cạnh nhau, trong nhiều trường hợp,
đã tạo nên những kênh liên tưởng “tân kì”, những cảm nhận đột ngột, bất ngờ, những
“cú sốc” trong nhận thức và xúc cảm thẩm mĩ, chẳng hạn: nhánh nhạc gầy, sóng thắm
xoã muôn dây, gió dị ào trong tóc, hoa khép oà lên (Phạm Văn Hạnh); lẵng xuân;
nhịp hải hà, ngón hường say tóc nhạc trầm mi, tóc xuân bưng đỉnh chiều đầy; trầm ngàn
mùa, tóc buông xây, bình tàn thu vai phấn nghiêng rơi (Nguyễn Xuân Sanh) Những
thủ pháp nghệ thuật này đã góp phần tạo dựng nên Màu thời gian (Đoàn Phú Tứ) như
một biểu tượng thơ độc đáo. Ở đây, câu chuyện về một tình yêu quá khứ đã quyện hoà
trong cảm thức thời gian.Tiếng chim, gió, trời mây, tóc mây, mày hoa là những phân
mảnh của một dòng nội tâm sâu thẳm. Giữa “sớm nay” và“ngàn xưa”, giữa “duyên
trăm năm” và “tình một thuở”, giữa không gian và thời gian, mùi hương và sắc màu, hơi
ấm và thanh âm , tất cả đã tạo nên một thế giới của sự hoà điệu và “tương ứng” (Ch.
Baudelaire). Cùng sự ngắt nhịp, phối thanh linh hoạt, sự xuất hiện và láy lại đầy chủ ý
của những cụm từ như “thanh thanh”, “tím ngát” đã góp phần tạo nên cảm giác
vương vấn, lan toả dịu dàng giữa những câu chữ. Và tình yêu con người, qua cách diễn
tả ấy, hiện lên như một lớp tồn tại khác của đời sống, như là vĩnh viễn, ngoài không gian
và thời gian. Cùng với nghệ thuật xây dựng hình ảnh, âm nhạc là một yếu tố rất được
các tác giả Xuân thu nhã tập coi trọng. Nhạc tính trong thơ họ được tạo nên bởi sự hài
hoà của hình ảnh, câu chữ, thanh điệu, nhằm ám gợi một trạng thái vi diệu và mơ hồ của
đời sống. Nó có vai trò như một thứ “biểu tượng” độc đáo trong thơ tượng trưng, do đó,
P. Verlaine từng nhấn mạnh: Âm nhạc trước hết mọi điều/ Vì vậy, hãy yêu thích nhịp
lẻ (Nghệ thuật thơ). Đặc điểm này cũng thể hiện rõ trong những bài thơ văn xuôi của
Phạm Văn Hạnh. Những câu thơ được nối kết với nhau bằng một “nhịp điệu bên trong”
rất đặc biệt: Tôi mò hạt mơ trong bể sách, bế trên tay một ý diệm kiều. Tối kia, ra phố.

Chuông người tôi ngân vang các ngả./ Thao thức chờ mặt trời. Hăm hở lên lầu Tuyệt -
Đích Đêm nay, tôi xây mồ ảo - vọng./ Hơi thoảng nhớ lay tôi trên đường Hoa. Cảnh
xứ lạ, mà sao hệt quê nhà. Hớn hở bước tới, hay êm dịu trở về?/ Cạch, cạch Để tôi mơ
nốt bài thơ xưa! Chỉ ngày mai thôi, mặt trời trở lại/ - Cửa bật, gió ùa, chỉ ngày mai
thôi Nhưng lòng tôi đã lạnh (Giọt sương hoa)
4. Những tìm tòi hình thức theo hướng mà Xuân thu nhã tập đã khởi đầu rồi đây
sẽ còn được tiếp tục trong thơ Việt Nam sau 1945 với nhiều tên tuổi như Trần Dần, Lê
Đạt, Dương Tường, Hoàng Cầm, Hoàng Hưng Đặc biệt, sau 1986, cùng với những
thay đổi theo hướng cởi mở và dân chủ hoá trong đời sống xã hội, những tìm tòi, cách
tân hình thức đã trở thành một xu hướng sáng tạo mạnh mẽ trong thơ nhiều tác giả như
Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Inrsara, Nguyễn Quyến, Văn Cầm Hải, Vi Thuỳ
Linh, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư và ngày càng được dư luận nhìn nhận, đánh
giá một cách tích cực. Nhiều nhà nghiên cứu đã định danh đây là xu hướng “hiện đại
hoá” (Mai Hương) hoặc “hiện đại chủ nghĩa” (Lê Lưu Oanh, Phạm Quốc Ca, Nguyễn
Đăng Điệp ) trong thơ Việt Nam đương đại. Khái niệm hình thức giờ đây được hiểu
theo một nghĩa rộng rãi, nó ngưng kết cách nhìn nhận và lí giải của chủ thể về thế giới
hiện tại, một thế giới rộng lớn và thay đổi liên tục, không ngừng. Do đó, không đơn
thuần là chuyện câu chữ, hình thức đặt ra vấn đề cách viết, cách sáng tạo của chủ thể.
Dĩ nhiên, không phải bất kì sự tìm tòi hình thức nào cũng thành công (cũng như không
phải bất kì sự thay đổi nào trong thơ cũng mang ý nghĩa cách tân nghệ thuật), nhưng
với việc tự vượt lên những giới hạn thi pháp truyền thống, với việc tự “đập vụn mình
ra mà ghép lại/ Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu” (thơ
Nguyễn Lương Ngọc) để tìm kiếm những lối đi nghệ thuật nhiều khi đầy những chông
chênh, bất trắc, phiên lưu, đó phải là kết quả của một sự tự giác nghề nghiệp cao độ.
Tất nhiên, những tìm tòi, cách tân trong quan niệm thơ này phải được “hậu thuẫn” bởi
những thay đổi to lớn trong đời sống văn hoá, xã hội hiện nay. Bối cảnh thế giới toàn
cầu hoá, sự du nhập của các học thuyết, lí thuyết triết học, mĩ học, sự thay đổi trong
quan niệm về đời sống và văn học nghệ thuật , tất cả những điều đó không thể không
tác động vào nhận thức người cầm bút và bằng cách này hay cách khác, buộc anh ta
phải thay đổi. Vấn đề là nhận thức và thay đổi như thế nào. Nhưng đó lại là một chủ đề

khác, nằm ngoài bài viết này.
Trên bối cảnh thực tại, những vấn đề lí luận mà Xuân thu nhã tập đặt ra từ hơn
nửa thế kỉ trước vẫn có những ý nghĩa gợi mở thiết thực và tích cực. Bởi vấn đề cách tân
thơ ca và ý hướng xây dựng sáng tác trên nền tảng căn bản của triết học, mĩ học, khát
vọng xây dựng một nền nghệ thuật trên tinh thần tiếp thu truyền thống và hội nhập thế
giới, vấn đề vai trò của người nghệ sĩ – trí thức trong xã hội hiện đại; vấn đề hình thức,
cách viết ; vẫn đang là những vấn đề thời sự đặt ra trước mỗi một nghệ sĩ hôm nay.
Không chỉ gợi mở về mặt lí luận, trên thực tế, các tác giả Xuân thu nhã tập đã lựa chọn
cho mình một hướng sáng tạo riêng, và hơn thế, đã tận lực đẩy những thử nghiệm của
mình đến cùng ranh giới, khiến sáng tác của họ thường chênh vênh đứng giữa những
cách đánh giá rất trái ngược, giữa một bên là sự độc đáo, cách tân và một bên là sự “hũ
nút”, tối tăm, như lịch sử đã từng ghi nhận. Ngay cả bây giờ, cách nhìn nhận về giá trị
của Xuân thu nhã tập cũng chưa phải đã hoàn toàn thống nhất. Xét đến cùng, đấy cũng
là điều đã góp phần tạo nên diện mạo độc đáo của nhóm sáng tác này. Nó cho thấy rằng,
những vấn đề đặt ra trong quan niệm sáng tạo của họ không phải là những vấn đề tĩnh
tại, khép kín. Chúng được đặt ra như một đề nghị đối thoại. Chúng kích thích sự suy
nghĩ. Chúng khêu gợi sự tham vấn, tranh luận. Đó là một quan niệm mở. Đóng góp lớn
nhất của Xuân thu nhã tập, theo tôi, chính nằm ở điểm này. Bởi vì, cùng với sự phát
triển của đời sống, sự tồn tại và phát triển của những cuộc đối thoại bình đẳng và dân
chủ sẽ là nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển của một nền văn học nghệ thuật hiện
đại, tiến bộ


×