Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Tìm hiểu Ý nghĩa ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (352.19 KB, 9 trang )

Tìm hiểu Ý nghĩa ngày giỗ tổ Hùng
Vương mùng 10 tháng 3


Mỗi năm, cứ đến ngày 10 tháng 3 Âm Lịch, người Việt , người Việt
khắp nơi trên thế giới đều long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương để
tưởng nhớ đến Quốc Tổ và các Đấng Tiền Nhân đã có công dựng Nước
và giữ Nước, theo đúng tinh thần và đạo lý được đúc kết qua câu đối tại
đền Hùng:
Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà, non nước vẫn quy về đất Tổ
Văn minh đương buổi mới, con Hồng, cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ
mồ Ông.


Xuyên suốt mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt có lúc hưng lúc suy, có
lúc hào hùng độc lập riêng một cõi trời Nam, song cũng có lúc chìm đắm
trong lửa ngoại xâm, nhưng hầu bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu, hễ có
người Việt yêu nước là ở đó có ngày Giỗ Tổ, hoặc long trọng, hoặc âm
thầm.

Theo truyền thuyết, vua Đế Minh, cháu ba đời vua Thần Nông, của phần
đất phía Bắc Việt Nam ngày nay, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ
Lĩnh, gặp nàng tiên, lấy nhau, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục làm vua xưng
đế hiệu là Kinh Dương Vương và quốc hiệu là Xích Quỉ. Nước Xích
Quỉ, Bắc giáp hồ Động Đình, Nam giáp Hồ Tôn (Chiêm Thành), Đông
giáp biển Nam Hải và Tây giáp đất Ba Thục (tỉnh Tứ Xuyên, Trung
Quốc ngày nay). Năm đó là năm 2879 trước Công Nguyên, tức là cách
nay (2003) 4882 năm. Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân
là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm làm vua, xưng hiệu Lạc Long
Quân.


Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai là Âu Cơ, sinh một bọc chứa 100
trứng, nở ra 100 con. Sau, vì Lạc Long Quân là giống Rồng, Âu Cơ là
giống Tiên, không thể sống chung nhau, nên Lạc Long Quân dẫn 50 con
về miền biển, Âu Cơ dẫn 50 con lên núi.

Người con trưởng của Lạc Long Quân nối ngôi vua và xưng là Hùng
Vương, đặt tên nước là Văn Lang, kinh đô đặt tại Phong Châu, thuộc
Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Phú ngày nay.

Như vậy, gia tộc đầu tiên lãnh đạo dân Việt là họ Hồng Bàng, truyền
ngôi nhau qua 20 đời vua: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và 18
đời Hùng Vương kế tiếp nhau trị vì từ năm 2879 đến năm 258 trước
Công Nguyên, tức là một triều đại kéo dài 2621 năm, thì bị nhà Thục
cướp ngôi.

Đền thờ Hùng Vương hiện nay ở núi Nghĩa Lĩnh, còn gọi là núi Hùng
Sơn hay Nghĩa Lương, thuộc Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú. Và ngày giỗ
Quốc Tổ được truyền lại đến nay là ngày mồng Mười tháng Ba âm lịch.

Như trên đã trình bày, chúng ta - người Việt Nam - thuộc dòng giống
Rồng Tiên.

Rồng tượng trưng dương tính, uy quyền, sức mạnh long trời, lở đất, ẩn
hiện, biến hóa; Tiên tượng trưng cho âm tính, vẻ đẹp ôn nhu, hài hòa,
nhân từ. Rồng Tiên đúc tạo cho con người Việt có đầy đủ đặc tính: khỏe
đẹp, có lý có tình, dũng cảm khôn ngoan, biết quyền lợi mà cũng biết
nghĩa vụ.

Dòng giống Rồng Tiên qua quá trình dựng nước và giữ nước đã áp dụng
một cách thành công triết lý mang tính cách truyền thống độc đáo của

dân tộc ta. Đó là triết lý "vuông tròn" qua sự tích và ý nghĩa của "bánh
chưng, bánh dầy".

Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi bình định xong việc nước, tuổi đã già,
quyết định truyền ngôi cho người con nào có hiếu nhứt. Nhà vua ra lịnh
người con nào dâng món ăn ngon nhứt sẽ được truyền ngôi. Tiết Liêu,
người con út, dâng vua cha bánh chưng, bánh dầy làm bằng sản phẩm
địa phương: nếp, đậu, thịt. Bánh chưng thì vuông, bánh dầy tròn, tượng
trưng cho "đất" và "trời": đất vuông, trời tròn. Nhà vua ăn bánh thấy rất
ngon và có ý nghĩa, bèn truyền ngôi cho Tiết Liêu, vì biết rằng ngoài
lòng hiếu thảo, Tiết Liêu còn biết cách trị nước có lý, có tình, có phép
tắc, có lòng nhân: đó là Vuông Tròn.

Ý nghĩa của triết lý nầy được thể hiện đầy đủ, rõ nét, nổi bật trong đời
sống của dân tộc ta.

Trải qua quá trình thăng trầm của lịch sử, trước tham vọng thôn tính, đô
hộ, đồng hóa nước ta của bọn nghịch thù phương Bắc, dân tộc Việt vẫn
tồn tại: chúng ta vẫn là người Việt, với nền văn hóa Việt mang đầy tính
đặc thù của dân tộc ta, một dân tộc bất khuất có truyền thống dựng nước
và giữ nước.

Thời đại Hùng Vương, dân tộc ta rất tiến bộ, có tinh thần dân bản và
đoàn kết.

Dân ta đã biết cách dẫn thủy nhập điền; biết phá rừng đốt nương làm
rẫy; biết gieo mạ cấy lúa, dùng lúa gạo, khoai củ làm nông sản chánh;
biết dùng nếp nấu rượu, biết lấy sớ vỏ cây dệt vải, may quần áo, lấy cỏ
năn, lác dệt làm chiếu; biết nấu cơm bằng ống tre tươi; biết săn thú rừng,
đánh cá; biết làm nhà sàn cao cẳng để tránh thú dữ; biết dùng trầu cau

trong lễ cưới gả; biết đập vào cối đá làm hiệu khi có người nhà chết hoặc
khi gặp nguy hiểm để làng xóm, láng giềng đến giúp.

Đối với những người sống nghề sông biển, để tránh khỏi bị giống giao
long làm hại, vua Hùng dạy dân cách xăm mình gọi là "văn thân" để
giống như giao long; cắt tóc ngắn để tiện lội nước.

Quốc Tổ Hùng Vương dạy dân từ nếp sống cổ sơ, đã tiến bộ rất nhanh,
từ thời kỳ "đồ đá đập" đến "đồ đá mài", đến "đồ kim khí", biết đúc đồng,
đúc sắt để làm đồ dùng, dụng cụ sản xuất nông nghiệp, binh khí, nên
thời đại đó mới có sự tích Phù Đổng Thiên Vương.

Về mối liên hệ, tương quan giữa vua và dân trong thời kỳ đó thì vua chủ
trương mọi việc, đặt chữ cho dân, vỗ về dân khiến cho họ làm ăn yên ổn.
Vua tốt thì dân được nhờ, vua ác thì dân nổi loạn, vua mạnh thì bờ cõi
yên lành, vua không được dân phục thì phải nhường ngôi cho người
khác.

Ngoài ra, mối tương quan nầy còn thể hiện tình gần gũi, thân thương
trong gia đình. Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân là một vị lãnh đạo có
thần thuật trị được yêu quái và hết lòng bảo bọc nhân dân. Khi có nguy
cấp, dân kêu cứu với vua "Bố đi đàng nào mà không đến cứu chúng
con!" thì Ngài từ thủy phủ hiện đến để giải quyết ngay tại chỗ các vấn
đề cho dân.

Tinh thần dân bản, dân chủ và đoàn kết lâu đời của dân tộc ta còn thể
hiện rõ nét qua Hội Nghị Diên Hồng, bài học Phù Đổng Thiên Vương
còn rạng ngời đó.

Có người cho rằng sự tích Phù Đổng Thiên Vương chỉ là chiến công

thần kỳ của một cá nhân. Nhưng thật ra, ý nghĩa sâu xa của sự tích nầy
thể hiện rõ ràng nhứt đặc tính và truyền thống của dân tộc ta: đoàn kết
một lòng từ vua chí dân với quyết tâm chiến thắng. Vua quyết tâm thắng
giặc nên tìm nhân tài đánh giặc; bà mẹ nuôi con khó nhọc để dâng hiến
cho Tổ Quốc; toàn dân dâng của cải, sức lực cho cuộc chiến: góp sắt để
đúc ngựa sắt, roi sắt, đóng góp gạo, thức ăn cho Phù Đổng Thiên Vương
ăn để có sức lớn mau, lớn mạnh. Và với tinh thần đó, quyết tâm đó, vua,
dân ta thời bấy giờ đã chiến thắng, chiến thắng một cách vẻ vang.

Ngoài ra, dân ta còn có truyền thống thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, lối
sống "bầu bí chung giàn", quí trọng tình nghĩa "đồng bào".

Ngày nay, chúng ta vẫn hằng mong ước, cầu nguyện cho ất nước ta được
sống trong ấm no, hạnh phúc, hùng mạnh, phú cường, trong ánh sáng
bình minh của tự do, dân chủ - một nền dân chủ của dân tộc Việt.

Tại sao chúng ta có những cảm nghĩ, những xót xa đó?

Vì chúng ta thừa hưởng di sản của tổ tiên, có nếp nghĩ và nếp sống Việt
Nam: có trước có sau, có lý có tình, có cương có nhu, có vươn có cuộn,
có trung có hiếu.

Thành ra, giỗ Tổ Hùng Vương chẳng những có ý nghĩa tôn vinh, mà còn
có ý nghĩa nhắc nhở, thúc đẩy chúng ta nêu cao tinh thần Hùng Vương
trong cuộc sống: vì đồng bào ruột thịt trong nước, vì Tổ Quốc thương
yêu, nhứt là trong thời đại hiện nay, một thời đại chuyển biến thuận
chiều theo trào lưu hòa bình, dân chủ, hợp tác phát triển trên toàn thế
giới.

Vì vậy, lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương thật có ý nghĩa biết bao khi ngọn

lửa Hùng Vương được bừng sáng mãi trong tâm thức, tình cảm chúng ta
bằng những hành động cụ thể, thể hiện tinh thần đoàn kết .Có đoàn kết,
bạn bè mới kính nể, kẻ thù mới kiêng sợ.

Làm được như vậy là ta đã biến cái rủi "xa xứ lưu vong" thành cái may
"nối tiếp con đường của tiền nhân, mở rộng khung trời Việt Nam qua
hầu hết các nước trên thế giới, qua những cộng đồng người Việt mẫu
mực, đoàn kết, phát triển và lớn mạnh không ngừng; qua những hình
thái văn hóa rất Việt Nam trên những đất nước xa lạ, và ngạo nghễ, hiên
ngang sánh vai cùng cộng đồng các sắc tộc khác."

Từ đó, cộng đồng người Việt hải ngoại với những tiềm năng dồi dào về
nhân sự, tri thức khoa học, kỹ thuật, nguồn tài chánh và vận động tài
chánh, sẽ là những nhân tố quan trọng góp phần xây dựng thành công
một nước Việt Nam tự do, dân chủ, phú cường trong tương lai. Lúc đó,
đất nước ta sẽ là kho tàng gom thâu những tinh hoa, tiến bộ nhứt của thế
giới. Nghĩ đến đó, thật sung sướng biết chừng nào!

Xin hãy tiếp tay, góp sức để cho những nụ cười tươi nở mãi trên môi
mọi người Việt. Nhứt là đối với cao niên chúng tôi, mãn nguyện lắm rồi,
vì ít ra đời chúng tôi còn được nhìn tận mắt Việt Nam tươi sáng. Còn đối
với những thế hệ trẻ trong nước hôm nay và mai sau sẽ tự hào, sung
sướng biết chừng nào khi khi nhìn thấy con đường tương lai của chính
mình, của dân tộc, đất nước thênh thang, rạng rỡ.

Có được như vậy thì chính chúng ta đang giương cao ngọn cờ truyền
thống Hùng Vương trên quê hương đó mới chính là ý nghĩa tuyệt vời
của Ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương .

Cầu xin cho Việt Nam sớm được tươi sáng trong hạnh phúc tự do dân

chủ; và nhất là xin hãy theo gương người xưa "Vì Tổ Quốc Việt Nam! Vì
Dân Tộc Việt Nam!".

×