Tạ Văn Phụng và cuộc
khởi binh chống Nguyễn
(1861-1865)
Tạ Văn Phụng (? - 1865), còn có các tên là Bảo Phụng, Lê
Duy Phụng, Lê Duy Minh. Ông là người Việt thân Pháp và là thủ
lĩnh cuộc nổi dậy (sử cũ thường gọi là "giặc biển") ở Bắc Kỳ
(Việt Nam) khởi từ cuối năm 1861 đến cuối năm 1865 thì kết
thúc.
Theo sử gia Phạm Văn Sơn thì lúc bấy giờ Tạ Văn Phụng và cuộc nổi
dậy của ông là đáng kể hơn cả. Nó đã khiến triều Tự Đức phải dốc
toàn lực để đàn áp bằng binh hùng tướng mạnh. Tính ra từ năm 1861
đến 1865, Tạ Văn Phụng đã làm cho vua quan nhà Nguyễn hao tổn
tinh thần và tổn hại biết bao sinh mạng cùng tiền tài mới bắt sống
được ông. Còn sử gia Trần Trọng Kim thì cho rằng chính Tạ Văn Phụng
là một trong số nguyên nhân đã góp phần làm cho nhà vua phải vội
vã sai Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Định giảng hòa với
thực dân Pháp [1].
*
Tạ Văn Phụng sinh tại huyện Thọ Xương, thuộc Hà Nội, trong một gia
đình theo Thiên Chúa giáo. Trước đây, ông được một giáo sĩ đưa đi
nuôi dạy ở nước ngoài, sau lại theo đoàn quân viễn chinh Pháp về
đánh Quảng Nam [2]. Đến tháng chạp năm Quý Dậu (1861) thì ông
ra Bắc Kỳ tự xưng mình là Lê Duy Minh, thuộc dòng dõi nhà Lê (mạo
nhận là hậu duệ vua Lê Trang Tông) để làm cuộc lật đổ nhà Nguyễn.
Sách Quốc triều sử toát yếu chép:
Tháng 12 năm Quý Dậu, tỉnh Quảng Yên nổi giặc biển. Cố đạo Trường
làm chủ mưu giặc, tôn Tạ Văn Phụng làm Minh chúa; Văn Phụng mạo
xưng con cháu nhà Lê tên là Lê Duy Minh; bọn tên Ước, tên Độ làm
tướng giặc; sau hiệp với các thổ phỉ tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn
Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An; lại thông với
giặc Cổ phỉ Tàu. Chúng nó tụ hội ở các phần biển châu Tiên Yên phủ
Hải Ninh, mà giặc ấy ngày càng nhiều (tr. 397).
Theo sử liệu thì chỉ trong thời gian ngắn Tạ Văn Phụng đã chiêu mộ
được một đạo quân đông đảo, mà đa phần là những người dân đói
khổ lưu vong, cùng nổi dậy tại đất Quảng Yên, rồi kéo nhau đi đánh
phá các nơi.
Lo ngại, tháng giêng năm Nhâm Tuất (1862), vua Tự Đức sai Tổng
đốc Định An Nguyễn Đình Tân sung chức Hải Yên Kinh lược Đại thần,
Nguyễn Tư Giản làm Tham tán quân vụ, nhưng chỉ được ít lâu thì bị
cách, vì không làm tròn nhiệm vụ. Lúc bấy giờ, Tạ Văn Phụng đã làm
chủ được vùng Hải Ninh (thuộc Quảng Yên).
Tháng 3 (âm lịch) năm ấy, Cai Vàng ở Bắc Ninh cũng lấy danh phù Lê
(tôn Lê Duy Uẩn làm minh chủ) để làm cuộc nổi dậy. Sau đó, Tạ Văn
Phụng và Cai Vàng liền hợp tác với nhau để tăng thanh thế.
Tháng 5 (âm lịch), sau khi đã đánh chiếm phủ Hải Ninh, Tạ Văn Phụng
bèn cho quân bao vây và uy hiếp thành tỉnh Hải Dương. Theo sách
Lịch sử Việt Nam (1427-1858), thì trong khoảng thời gian này, Tạ Văn
Phụng có cử người vào Nam Kỳ nhờ tướng Bonard trợ lực, với lời hứa
hẹn rằng sẽ lập một vương quốc Công giáo dưới quyền Pháp bảo hộ
sau khi đánh đổ được nhà Nguyễn. Nhưng vì trong ấy phong trào
kháng chiến đang tăng mạnh, và việc hòa ước với triều đình Huế cũng
sắp xong, cho nên viên tướng này đã không thuận [3].
Nhận tin báo nguy, vua Tự Đức liền cử Thượng thư bộ Hộ Trương
Quốc Dụng làm Thống đốc Hải An quân vụ Đại thần, Thị lang bộ Hộ
Phan Tam Tỉnh làm Hộ lý tổng đốc, Chưởng vệ Đặng Hạnh, Lê Xuân
đều sung chức Đề đốc, rồi đem lính ở Huế và ở Thanh Nghệ đi đánh
quân Tạ Văn Phụng. Tiếp theo, nhà vua lại điều thêm Kinh lý đại thần
Đào Trí đang làm nhiệm vụ ở Trung Kỳ ra làm Tham tán quân thứ Hải
Yên.
Tháng 6 (âm lịch), nhà vua lại truyền cho Nguyễn Bá Nghi từ quân
thứ Bình Thuận về lãnh chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên.
Tháng 7 (âm lịch), các tướng là Trương Quốc Dụng, Đào Trí, Phan
Tham Tĩnh từ Hưng Yên dẫn quân qua lấy lại được phủ Bình Giang và
giải vây cho tỉnh thành Hải Dương.
Tháng 11 (âm lịch), đạo quân thứ tỉnh Đông (Hải Dương) lại đụng độ
với quân Tạ Văn Phụng tại phủ Nam Sách và phủ Kinh Môn (đều thuộc
tỉnh Hải Dương). Quân triều thắng trận liền kéo thẳng đến tỉnh thành
Quảng Yên, đuổi quân Tạ Văn Phụng chạy ra Đồ Sơn, Cát Bà.
Tháng 3 năm Quý Hợi (1863), Phó đề đốc Vũ Tảo đánh lấy lại thành
Tuyên Quang và bắt sống được Lê Duy Uẩn (minh chủ của quân Cai
Vàng).
Tháng 5 (âm lịch) năm ấy, vua Tự Đức điều động Nguyễn Tri Phương
sang làm Tổng thống Hải Yên quân vụ, đổi Trương Quốc Dụng làm
Hiệp thống để cùng hiệp lực đi đánh dẹp. Ngay sau đó, Hải Yên thủy
đạo Thống chế Lê Quang Tiến đánh đuổi được quân Tạ Văn Phụng tại
tổng Hà Nam thuộc tỉnh Quảng Yên.
Nếu không bị bão, biết đâu Việt Nam có thêm một ông vua họ
Tạ
Sau lần thua trên, tháng 9 (âm lịch), Tạ Văn Phụng quyết định thay
đổi chiến lược. Ông cho tập hợp toàn bộ lực lượng lại, gồm khoảng
500 chiến thuyền, từ Cát Bà và Đồ Sơn tiến thẳng vào kinh đô Huế.
Theo Phạm Văn Sơn thì Tạ Văn Phụng cho rằng quân lực của triều
đình đã chuyển hết ra Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Ở đấy quân đơn tướng ít
mà bị đánh úp dễ bị mất như chơi. Nhưng chẳng may kế hoạch này
không thành vì binh thuyền của Phụng bị bão tan vỡ gần hết [4].
Đề đốc Lê Quang Tiến và Tuần phủ Bùi Huy Phan bắt được tin ấy vội
đem quân ra định tiêu diệt nốt, không ngờ quân của Tạ Văn Phụng
tuy không còn khả năng tấn công Huế, nhưng vẫn còn đủ sức đánh
tập hậu, khiến quân triều bị thua đậm. Thất bại, cả hai võ quan trên
đều nhảy xuống biển tự tận.
Tháng 6 năm Giáp Tý (1864), đạo quân thứ Hải Yên lại tổ chức tấn
công quân Tạ Văn Phụng ở tại La Khê, tổng Hà Bắc (thuộc huyện Yên
Hưng, phủ Hải Đông, tỉnh Quảng Yên). Lần này, quân triều bị thua to,
biền binh bị thương và thất lạc rất nhiều. Các tướng nhà Nguyễn là
Hiệp thống Trương Quốc Dụng, Tán lý Phạm Văn Khuê, Tán tương
Trần Huy Sách đều tử trận. Riêng Chưởng vệ Hồ Thiện bị bắt sống,
nhưng sau đó cũng bị giết chết. Nhận được tin đại bại, vua Tự Đức
liền sai người đi "thuê tàu khách đánh giặc" (tức tàu của hải quân nhà
Thanh).
Sách Quốc triều sử toát yếu chép:
Tháng 7, Ngài (Tự Đức) sai Thị lang bộ Hộ Trịnh Lý Hanh qua quân
thứ Hải Yên, hội đồng với quan quân thứ thuê tàu khách đánh giặc
[13].
Tháng 4 năm Ất Sửu (1865), Tạ Văn Phụng đem hơn 300 chiến
thuyền từ cù lao Phò Long, quần đảo Cát Bà, chia làm ba đạo đến
quấy phá ở mạn Hải Dương. Tướng Nguyễn Tri Phương khiến Nguyễn
Văn Vĩ đốc thuyền đến đánh, bắt sống và chém nhiều quân nổi dậy.
Cũng trong tháng này, quân Tạ Văn Phụng lại tràn vào sông Võ Định
xứ Lang Thâm thuộc tỉnh Hải Dương, dùng kế hỏa công đánh tan tác
đạo quân thủy ở nơi sông Cấm, bắt sống được Thống chế Nguyễn
Doãn rồi giết chết. Hay tin, tướng Nguyễn Tri Phương liền đốc lính bộ
tới đánh đuổi (tr. 423).
Tháng 5 (âm lịch) năm Ất Sửu (1865), Tạ Văn Phụng lại đem quân
tấn công đồn Quỳnh Lâu và An Trì thuộc Quảng Yên. Tán lý Đặng Trần
Chuyên đánh đuổi được. Đốc binh là Ông Ích Khiêm lại đánh được
quân nổi dậy tại khe Vị Dương . Đề đốc Mai Thiện chia quân đến các
xứ Hạ Đoan, Lang Thâm, đánh hơn 10 trận lớn nhỏ đều thắng.
Sau khi bị đánh thua ở nhiều nơi, Tạ Văn Phụng buộc phải cho quân
lui về giữ Hải Ninh. Đến tháng 6 (âm lịch) năm ấy, quân Tạ Văn
Phụng bị các tướng là Nguyễn Tri Phương, Phạm Chi Hương, Nguyễn
Văn Vĩ, Mai Thiện cầm quân thủy bộ đến vây đánh.
Tiếp đó (tháng 7 âm lịch), khoảng trăm chiếc tàu của Tạ Văn Phụng
đang neo đậu tại sông Thác Hàn ngoài thành Hải Ninh, cũng bị Đốc
binh Ông Ích Khiêm và Phó vệ úy Phan Đình Thảo hiệp đồng với quan
nhà Thanh ở Khâm Châu là Lý Văn Yên đến đánh. Trận diễn ra vào
buổi tối, đến sáng thì quân triều lấy lại được thành Hải Ninh, đuổi
đoàn tàu chiến (ước chừng 70, 80 chiếc) của quân nổi dậy chạy đến
vũng Ngọc Sơn (Đồ Sơn) Bị truy đuổi, Tạ Văn Phụng cùng tùy tướng
tên là Ước (không rõ họ) lại đem đoàn thuyền chạy vào tới vùng biển
Thanh Hóa, Nghệ An.