Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Khổ vì trí tuệ hay là bi kịch của Hamlet của William Shakespears_2 ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (138.38 KB, 8 trang )

Khổ vì trí tuệ hay là bi kịch của
Hamlet của William Shakespears

Đó là bước ngoặt chia đôi thời niên thiếu và tuổi trưởng thành. Vĩnh biệt
thời ấu thơ bằng lặng, đang thấy đời toàn một màu hồng, bước sang tuổi
trưởng thành, Hamlet bỗng nhận ra một thế giới đầy tà nguỵ, ma quái.
Những điều mới được phát hiện lập tức trở thành quan niệm bất di bất
dịch của Hamlet về con người, hoá thành thứ chủ nghĩa hoài nghi cực
đoan nhất. Hamlet không đứng trên, đứng ngoài đám đông, cũng không
có ý lấy cá nhân mình làm trung tâm để đối lập với đám đông ấy.
Hamlet không chỉ ngờ vực người khác, mà còn hoài nghi chính bản thân
mình. Hamlet thú nhận, mình là người hay kiêu ngạo, tự mãn. Chàng
vừa thất vọng về người đời, vừa thất vọng về bản thân. Hamlet nghi ngờ
cả người đang sống, lẫn những kẻ chưa kịp đầu thai làm kiếp người.
Hamlet khuyên Ophelia đi tu chứ đừng lấy chồng để khỏi sinh ra những
đứa con tội lỗi.

Hamlet không chỉ suy ngẫm về tội ác của vua mới. Hamlet nghĩ tới
những vấn đề còn hệ trọng hơn nhiều. Có một cái gì đó đang chuyển
dịch. Trật tự, kỉ cương cũ đã hoàn toàn đổi thay. Cái ác thắng thế và
hoành hành khắp mọi nơi. Hamlet nhận ra “cuộc đời khốn kiếp”, “thời
đại đảo điên tan tác”, “thế giới là một nhà tù, mà Đan Mạch là nhà tù
ghê tởm nhất”, và “Ôi, ác nghiệt thay, tôi lại sinh ra để chữa khớp xương
cho thời đại”.

A.I. Ghersen (1812 - 1870), nhà dân chủ - cách mạng lỗi lạc người Nga,
nhận xét như thế này: Hamlet sống vào thời đại, lúc mà những kẻ tầm
thường, nhỏ nhen đến thế chỗ cho những nhân cách lớn, những con
người khổng lồ . Shakespere cũng để cho Hamlet nghĩ như vậy. Hamlet
rất hay so sánh hai ông vua: vua cha - Hamlet phụ vương và kẻ kế thừa
ông ta, chú chàng. Vua cũ là võ tướng, là hiệp sĩ anh hùng mã thượng.


Hamlet ca ngợi lòng dũng cảm của vua cha. Đó là lòng dũng cảm của
thời trung cổ. Vua phải là người quả cảm, trung thực, mọi hành vi đều
nhất nhất tuân theo những tín điều gia trưởng và chỉ dừng lại ở đấy. Vua
mới, Claudius, hoàn toàn khác. So với Hamlet phụ vương, Claudius là
“một con cóc, một con cú, một con dơi”. Claudius là con người kiểu
mới: khôn ngoan, sắc sảo và tráo trở. Thời đại Phục hưng đã giải phóng
hắn ra khỏi những định kiến gia trưởng. Thoát khỏi những định kiến đó,
hắn vứt bỏ luôn đạo đức gia trưởng vốn là cái không thể thiếu được đối
với Hamlet phụ vương. Rốt cuộc, hắn là “một tên vua hề, một thằng ăn
cắp ngai vàng và quyền uy, xoáy trộm vương miện trên giá cao đút vào
túi áo”. Claudius là người cầm quyền khôn khéo và thận trọng. Hắn làm
tất cả để nâng cao địa vị của Đan Mạch. Củng cố quốc gia là một tất yếu
lịch sử. Nhưng Claudius đã làm điều đó thông qua những hoạt động đen
tối và bẩn thỉu, thông qua đàn áp tự do tư tưởng của mọi người. Hắn tệ
hại hơn anh hắn rất nhiều. Sự tráo trở, bội bạc, tàn ác ở hắn thể hiện sự
băng hoại của toàn bộ đạo đức cũ.

Hamlet nói: “Ta làm gì có tương lai”. Khi nói như vậy, Hamlet không
nghĩ tới quyền kế vị ngai vàng đã bị cướp mất, mà nghĩ tới những vấn đề
còn lớn lao hơn nhiều. Trước Hamlet không chỉ có một Claudius mà là
cả một thế giới đảo điên. Sự đểu cáng, tráo trở của Claudius không phải
là ngoại lệ. Bên cạnh hắn còn có một Polonius bợ đỡ, nịnh hót, một
Osric tầm thường, giả dối và một lũ một lĩ những Rosencranlz,
Guildenstern chuyên rình mò lo lỏm. Cả bọn họp thành một thế giới ô
trọc vây quanh Hamlet.

Hamlet hiểu rõ đến chân tơ kẽ tóc cái thế giới đang vây bủa quanh mình.
Trí tuệ của Hamlet thấm rất sâu vào thế giới ấy. Sau khi phân tích kĩ
thực tại, Hamlet rút ra những kết luận hoàn toàn vô vọng. Hamlet cho
rằng, dù có giết vua mới, trả thù thật đích đáng với tội ác của y thì cũng

không giải quyết được vấn đề gì.

Hamlet là con người trí tuệ, một trí tuệ luôn luôn phân tích và suy nghĩ.
Chính hoạt động phân tích và suy nghĩ làm tê liệt ý chí của Hamlet.
Hamlet cũng thú nhận như thế: “Thế là những suy nghĩ đã biến chúng ta
thành những thằng nhát như cáy”. Cho nên, qua Hamlet, Shakespeare
muốn giải quyết đề tài trí tuệ, chứ không định viết “một bài thơ tán
dương sự đấu tranh”, như nhiều người đã lầm tưởng.

4. Đề tài trí tuệ là một trong những đề tài quan trọng nhất của thời đại
Phục hưng. Hầu hết các nhà tư tưởng lớn của thời Phục hưng đều ít hay
nhiều đụng chạm tới đề tài này. Có lẽ đó là cái cách tốt nhất để họ nhận
thức về thời đại của mình chăng? Giải quyết đề tài trí tuệ, Shakespeare
góp một tiếng nói vào việc nhận thức, khám phá hiện thực đời sống,
mang đến cho bi kịch những giới hạn mới, khả năng mới.

Thời Phục hưng, các nhà tư tưởng thường suy ngẫm về thế giới theo tinh
thần của chủ nghĩa nhân bản trừu tượng. Họ xem con người là trung tâm
của vũ trụ. Họ bàn về bản chất người, tính cách người và về con người
muôn thuở. Nói về trí tuệ, họ không có cách nào khác ngoài việc lấy cái
dại để soi sáng cái khôn, đem cái trí đặt cạnh cái ngu, lấy sự thông thái
đối lập với sự u mê, tăm tối. Đó là kết quả của lối tư duy kinh nghiệm,
siêu hình. Về mặt này, các nhà tư tưởng Phục hưng phần nào đã kế thừa
những tư tưởng trong sáng tác dân gian thời hậu kì trung cổ. Có thể kể ra
hàng trăm, hàng ngàn truyện cổ dân gian, trong đó nhân vật chính là
những chàng ngốc, thằng đần. Qua hình tượng thằng ngốc, tác giả dân
gian muốn dựng lên những đại diện khác nhau của xã hội trung cổ, đặc
biệt là giới tu sĩ và cha cố. Họ là loại người được học hành, có chữ
nghĩa, mũ cao áo dài, nhưng đại ngu. Hình tượng thằng ngốc còn có một
ý nghĩa khác. Thằng ngốc là kẻ không được học hành, một anh nông dân

nhìn bề ngoài có vẻ ngốc, nhưng lại hết sức khôn ngoan, thông thái,
thông thái một cách độc đáo. Đó là đại diện của nhân dân. Cho nên,
thằng ngốc nhiều khi thông thái hơn cả những hiền nhân quân tử, hơn cả
bọn mũ cao áo dài, chữ nghĩa bề bề.
Cái ngu và sự ngu ngốc được bàn đến ở nhiều mức độ khác nhau trong
trước tác của Sebastian Brant (1427 - 1521), Érasme de Rotterdam (1469
- 1536), Michel Euquem de Montaigne (1533 - 1592), Francis Bacon
(1561 - 1626). Chắc chắn là Shakespeare có quen biết một vài người
trong số họ (Montaigne chẳng hạn). Bài viết này không có ý định phân
tích ảnh hưởng của các nhà tư tưởng trên đến Shakespeare. Cái mà
chúng tôi muốn nói ở đây chỉ là, rất nhiều nhà văn, nhà tư tưởng thời
Phục hưng đều không thể bỏ qua đề tài trí tuệ.

Đề tài trí tuệ và sự ngu ngốc được Érasme thể hiện một cách sâu sắc và
lí thú trong tác phẩm nổi tiếng Ca ngợi phu nhân Rồ Dại (L’Éloge de la
Folie). Érasme chia cái ngu ngốc thành hai loại. Thứ nhất: ngu ngốc, rồ
dại là sự phản ánh tình trạng hủ lậu, dã man, phản nhân văn của xã hội
trung cổ. Thứ hai: cái dại, cái ngu còn là chất men không thể thiếu được
của cuộc đời. Thiếu tí gia vị của sự ngu ngốc sẽ chẳng còn đâu là bè bạn,
bằng hữu, chẳng còn đâu là tình yêu, chồng vợ. Bản thân việc “sản xuất”
ra con cái là kết quả của một trò chơi ngu ngốc, rồ dại. Nhờ cái trò chơi
ngu ngốc và nực cười ấy mà bao nhiêu hiền nhân, quân tử được sinh ra
trên cõi đời này. Để còn là con người, để được đứng trong hàng ngũ của
con người, cần tránh sự thông thái. Bởi vì, toàn bộ đời sống xã hội sở dĩ
có được chính là nhờ ở sự ngu ngốc. Thằng ngốc làm mọi việc ở đời.
Việc gì ở đời cũng đều làm cho những thằng ngốc, vì những thằng ngốc.
Chính sự ngu ngốc đã dựng nên quốc gia, sinh ra toà án, đẻ ra chính
quyền và cả tôn giáo Cả cuộc đời là trò chơi của sự ngu ngốc. Érasme
gọi tất cả những ai muốn phá vỡ tấn hài đời chung ấy là kẻ gàn dở. Sống
tức là cùng đám đông lầm lạc, cùng đám đông sắm một vai trong tấn trò

ngu ngốc, rồ dại của cuộc đời. Như vậy, Érasme và các nhà tư tưởng
thời Phục hưng vừa kế thừa những nguyên tắc tư duy trong các sáng tác
dân gian thời hậu kì trung cổ, vừa đổi mới tận gốc quan niệm về cái bi,
cái hài. Trong quan niệm của họ, cái hài hay cái bi đều là hiện thân của
trạng thái nhân sinh. Đó cũng chính là quan điểm của Shakespeare trong
bi kịch Hamlet. Bươn trải ngược xuôi, mưu mẹo, toan tính để hoà nhập
vào dòng đời là đuổi theo sự ngu ngốc nực cười và tàn ác. Quan niệm
này đã chi phối kết cấu của tác phẩm. Trong bi kịch Hamlet của
Shakespeare có rất nhiều yếu tố hài. Cái hài được thể hiện tập trung qua
hình tượng mấy bác đào huyệt nhà quê. Ngay cả Polonius cũng là hình
tượng hài. Đúng là số phận của cả nhà Polonius rất bi thảm. Polonius bị
giết. Ophelia phát điên rồi chết đuối. Laertes chết bởi chính sự tráo trở
của hắn. Nhưng liệu có mấy ai tham gia vào tấn hài đời nồng nhiệt hơn
Polonius! Hắn nịnh hót, bợ đỡ, lúc trẻ hắn cũng thề thốt yêu đương, về
già hắn theo đuổi công danh, lo toan gây dựng cho con cái. Hắn tìm cách
che đậy sự ngu xuẩn của bản thân bằng ngôn từ có vẻ sâu sắc và thông
thái. Polonius tin vào sự cẩn trọng và sáng suốt của mình. Hắn tưởng thế
là khôn, nhưng hoá ra rất dại, vì cuộc đời thông thái hơn hắn. Cho nên
hắn không thể tránh được một kết cục bi thảm. Polonius chính là thủ
phạm gây ra cái chết của hắn và cả nhà hắn. Không phải ngẫu nhiên mà
Shakespeare đã để cho Hamlet gọi Polonius là “đồ khọm già ngu xuẩn”.

Laertes cũng tham dự vào tấn hài đời rất hào hứng. Hắn ném cả tuổi trẻ
vào những trò chơi phóng đãng. Hắn không xem việc cha chết là cái gì
quá khủng khiếp. Nhưng hắn xem việc người ta chôn cất cha hắn không
trang trọng, không theo đúng mọi nghi lễ xứng đáng với một bậc đại
thần là điều tệ hại, khủng khiếp, không thể bỏ qua. Laertes đam mê tất
cả những thứ màu mè ở bên ngoài, những gì mà Hamlet gọi là “cái vỏ”,
là “tấm áo thụng” của cuộc đời. Laertes là kẻ báo thù. Vai hề của tấn hài
đời này rất đần độn. Hắn làm tất cả để trả thù một cách tàn ác và tráo trở.

Trong Ca ngợi phu nhân Rồ Dại cũng có loại ngu ngốc như vậy.

Trong các sáng tác dân gian thời hậu kì trung đại, cái hài, cái ngu chỉ
đơn giản là cái xấu. Các nhà tư tưởng thời Phục hưng nhìn thấy tấn hài
đời là cái gì rất độc ác và tàn nhẫn. Ophelia không phải là nhân vật hài
kịch. Cái chết của nhân vật quá bi thảm. Nhưng Ophelia lại gắn với đề
tài không thể thiếu được khi các nhà tư tưởng thời Phục hưng nói về cái
hài. Đó là đề tài tình yêu và hôn nhân. Để ý sẽ thấy, mỗi khi nói về tình
yêu và sự xuất giá, bao giờ Hamlet cũng tập trung tất cả sự cay độc của
mình về phía Ophelia.

Đời vô khối những kẻ ngu ngốc, rồ dại. Những thằng ngu múa may quay
cuồng trên sân khấu hài đời! Vậy những kẻ thông thái, trí lự sẽ đứng ở
đâu, làm được trò gì?

Thời trung cổ, tư tưởng bị đàn áp, trí tuệ bị giam cầm đến tê liệt trong
các tín điều gia trưởng. Thời Phục hưng là thời đại giải phóng cá nhân,
thức tỉnh trí tuệ. Học giả người Nga A.V. Lunasarski (1875 - 1933) cho
rằng, một khi được giải phóng, trí tuệ có thể phát triển theo hai hướng. Ở
hướng thứ nhất, nó trở thành một võ khí sắc bén mà người ta vội vàng
nắm lấy để giành giật quyền lực và địa vị. Ở hướng thứ hai, trí tuệ giúp
con người nhận ra cái tà nguỵ, soi sáng những mâu thuẫn bi thảm của
cuộc đời. Trong trường hợp này, trí tuệ là nguyên nhân gây ra mọi dằn
vặt đầy đau khổ của con người. Khuynh hướng thứ nhất của trí tụê được
thể hiện trong Ông Hoàng của Niccolò Machiavelli (1469 - 1527).
Khuynh hướng thứ hai được phân tích trong Thể nghiệm của Montaigne.
Trong Hamlet của Shakespeare có cả hai khuynh hướng ấy.

×