G. W. G. Hegel - HIỆN TƯỢNG HỌC
TINH THẦN
[Phần 4]: TỰ-Ý THỨC
§ 177
[Vậy là] có một Tự-ý thức hiện hữu cho một Tự-ý thức. Chỉ như thế và
chỉ khi ấy, Tự-ý thức mới là Tự-ý thức trong thực tế; bởi chỉ bằng cách
này, sự thống nhất của chính nó trong cái tồn-tại-khác của nó mới trở
thành minh nhiên cho nó. “Cái Tôi” – là đối tượng của Khái niệm về cái
Tôi – trong thực tế không phải là “đối tượng”. Nhưng, đối tượng của sự
ham muốn chỉ độc lập tự chủ bởi nó là cái bản thể phổ biến không thể
nào tiêu hủy được, là cái bản chất trôi chảy ngang bằng với chính
mình(316). Khi một Tự-ý thức là đối tượng, thì đối tượng vừa là “cái
Tôi” vừa là “đối tượng”.
Với điều này, đã hiện diện ở đây cho ta Khái niệm về TINH THẦN (der
Begriff des GEISTES). Những gì tiếp tục diễn ra cho Ý thức sẽ là kinh
nghiệm về việc: TINH THẦN là gì ?; tức về cái Bản thể tuyệt đối này, đó
là sự Thống nhất của những Tự-ý thức độc lập khác nhau, được hưởng
sự tự do và độc lập hoàn hảo ở trong sự đối lập giữa chúng với nhau:
cái TÔI là cái CHÚNG TA và cái CHÚNG TA là cái TÔI(317). Chỉ ở trong
Tự-ý thức – như là trong Khái niệm về TINH THẦN – mà ý thức lần đầu
tiên mới có được BƯỢC NGOẶT, đó là, ý thức rời bỏ cái vỏ ngoài
(Schein) đầy màu sắc sặc sỡ của cái Bên này cảm tính [cái “Ở đây” và
“Bây giờ” của xác tín cảm tính và tri giác] vượt qua bóng đêm trống
rỗng của cái Bên kia siêu-cảm tính [của giác tính] để thẳng bước tiến
vào ánh sáng ban ngày rạng rỡ TINH THẦN của Hiện Tại.
(còn nữa)
Nguồn: Georg Wilhelm Friedrich Hegel. 2006. Hiện tượng học tinh thần
(Phänomenologie des Geistes). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà
Nội: Nxb. Văn học. Bản điện tử của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn. Bản đăng
trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả.
(301)“Tự-ý thức” (Selbstbewußtsein) là biết về chính mình, hay đúng
hơn, biết về cái mình biết. (Xem: Chú giải dẫn nhập: 6.1.1). Trần Đức
Thảo (“Hạt nhân duy lý trong triết học Hegel”, Tập san Đại học (Văn
khoa), số 6-7, 1956: 18-36) dịch là “ý thức bản ngã”.
(302)Đối với ý thức (chưa phải là Tự-ý thức), đối tượng là một cái khác
tuyệt đối. Còn Tự-ý thức là biết về cái mình biết (Tôi biết về tôi), thì tuy
có sự phân biệt nhưng cái Tôi sau cũng là cái Tôi, không phải là cái khác.
(Xem: Chú giải dẫn nhập: 6.1.1).
(303)“Tôi là Tôi” (“Ich bin Ich”): Trong sách này, Hegel dùng hình thức
“Tôi là Tôi” hay “Tôi = Tôi” thường để chỉ “Nguyên lý” đầu tiên trong
“Học thuyết khoa học” của Fichte. Xem: Fichte: “Grundlage der
Wissenschaftslehre” (Cơ sở của Học thuyết khoa học), 8, §1, Nguyên lý
thứ 1.
Ngụ ý phê phán Fichte, Hegel cho rằng: Tự-ý thức là chân lý của ý thức,
là sự quay trở lại của ý thức vào trong chính mình từ cái tồn tại-khác,
nên nó là một tiến trình vận động. Nhưng, nếu Tự-ý thức chỉ là sự lặp
thừa của Tôi = Tôi, nếu cái tồn tại-khác bị thủ tiêu trực tiếp, tức thủ tiêu
cả ý thức trong chính mình, Tự-ý thức không còn là sự vận động, không
còn là Tự-ý thức. Do đó, cái tồn tại-khác (thế giới cảm tính và tri giác)
được bảo lưu (yếu tố thứ nhất), đồng thời bị phủ định và Tự-ý thức là
sự vận động trở về với chính mình thông qua sự phủ định này (yếu tố
thứ hai). Hegel sẽ gọi Tự-ý thức là sự Ham muốn, vì đối tượng của sự
ham muốn (“Hiện tượng” = thế giới cảm tính) vừa tồn tại (được bảo
lưu) vừa bị phủ định (để thỏa mãn sự ham muốn).
(304)Cho ta, đối tượng đã trở thành Sự sống. Sự sống không chỉ là một
quy định của đối tượng mà còn là điều kiện sinh tồn, là môi trường phát
triển của Tự-ý thức. Điều Tự-ý thức ham muốn là cái gì sống thực và sự
đối lập mới ở cấp độ này là giữa Sự sống và Tự-ý thức. Tự-ý thức là sự
thật của Sự sống: Sự sống là nhất thể, là cái toàn bộ cho Tự-ý thức;
nhưng Sự sống – với tư cách là nhất thể, là điều kiện cho Tự-ý thức –
chưa biết chính mình là nhất thể. Vì thế, ý thức sẽ trải qua kinh nghiệm
về sự độc lập tự chủ của đối tượng của nó, tức của Sự sống. (Xem: Chú
giải dẫn nhập: 6.1.3).
(305)Xem thêm: Hegel: “Khoa học Lô-gíc”, Phần II: Lô-gíc học chủ quan
(Học thuyết về Khái niệm), Chương 3: Ý niệm, Tiết 1: “Sự sống”. Xem
thêm: chú thích 6.
(306)Sự sống được xác định ở đây như là tính vô tận (Unendlichkeit)
đã nói ở Chương trước (chú thích 290). Nó vừa là sự tự tồn, là nguồn
suối cho những yếu tố độc lập, vừa là sự vận động vượt bỏ những sự
phân biệt này vì chúng luôn ra đời mỗi khi bị mất đi: do đó, nó vừa là sự
không yên nghỉ của Thời gian, vừa – xét như tính toàn thể – lại có “hình
thái vững chắc của không gian”. Quan niệm về Sự sống như là tính vô
tận hòa giải thuyết nhất nguyên và thuyết đa nguyên. Bây giờ, những
bước đi đầu tiên có tính bản năng của sự Ham muốn là một sự xung đột
giữa tính độc lập tự chủ của Sự sống phổ biến này với tính độc lập tự
chủ của Tự-ý thức. (Xem: Chú giải: 6.1.3).
(307)Văn tối nhưng ý rõ: ta có thể đi từ Sự sống xét như cái toàn bộ
(natura naturans) rồi đi đến những cá thể độc lập (natura naturata);
hoặc cũng có thể đi từ cá thể và tìm thấy trong đó tính toàn thể của Sự
sống. Vì thế, cá thể độc lập, tách rời tưởng như có tính toàn thể của Sự
sống ở bên ngoài mình và việc vượt bỏ sự phân hóa tưởng như là công
việc của “cái khác”, nhưng cá thể này chỉ tự tồn bên trong Sự sống; Sự
sống tồn tại bên trong nó, là bản thể của nó; và vì thế, “nó tự tiêu thụ
chính mình – thủ tiêu tính thực tại vô cơ của mình –, tự tự nuôi dưỡng
chính mình, tự tổ chức trong chính mình” (Realphilosophie, bản
Hoffmeister, II, 116). Vậy, hành động phủ định là bản thân sự hiện hữu
của hình thái độc lập, tách rời: “Cá thể chỉ tồn tại với tư cách là tính
toàn thể của Sự sống được chia nhỏ ra từng mảnh: tức cá thể một bên
và tất cả phần còn lại là một bên khác; [nhưng] nó chỉ tồn tại với tư
cách không phải là một bộ phận nào cả và không có gì được tách rời
khỏi nó” (System-Fragment, Nohl, tr. 346) (dẫn theo J.H).
(308)Thoạt đầu, hình thái độc lập, được phân biệt hay có thể tự khẳng
định như là đối lập với tất cả những gì ở ngoài nó (bản tính vô cơ của
nó).
(309)“Tính bị đảo ngược” (die Verkehrtheit):Sự sống vô tận, như là
bản thể, đã trở thành cái “khác” đối với cá thể sống thực; nhưng sự đảo
ngược này, tới lượt nó, lại tự đảo ngược vì bản thân cá thể sống thực
cũng trở thành vận động của Sự sống và tự phủ định chính mình (phủ
định của phủ định hay quay trở lại với cái toàn bộ).
(310)Nhớ lại câu: “Cái đúng thật là đám rước cuồng nhiệt thần rượu
Bacchus, nơi đó không thành viên nào là không say khướt ” (§47 và
chú thích 108).
(311)“Loài đơn giản”và “Loài tồn tại “cho” Ý thức”: xem: Chú giải dẫn
nhập: 6.1.3.2.
(312)“Cho nó”: “wird sich ihm dieser abstrakte Gegenstand
bereichern ”: bản tiếng Pháp của J. Hyppolite dịch là: “pour elle”
(không rõ “cho” cái gì); bản tiếng Anh của Baillie dịch là: “this abstract
object will grow in richness ”, vậy “nó” là “đối tượng trừu tượng này”,
(tức cái Tôi). Bản của Miller dịch rõ là “for the “I” ” (“cho cái “Tôi” ”). Tôi
thấy cách dịch của Miller rõ ràng hơn. Về ý nghĩa, Tự-ý thức mới xuất
hiện ở đây một cách trực tiếp; đối tượng của nó – cái Tôi – chỉ mới là
một đối tượng trừu tượng (Tôi = Tôi). Đối tượng này còn phải tự phát
triển và thể hiện tất cả sự phong phú của tiến trình biện chứng trước
đây. Sự phát triển này sẽ diễn ra khi Tự-ý thức có đối tượng là một Tự-ý
thức khác (sự nhân đôi của Tự-ý thức), xem: §§175-176.
(313)Sự ham muốn/Begierde: xem: Chú giải dẫn nhập: 6.1.2.
(314)Tự-ý thức trải nghiệm rằng mình bị điều kiện hóa bởi đối tượng
mà mình phủ định. Bản chất của sự ham muốn xuất hiện ra cho Tự-ý
thức như một “cái khác”.
(315) Xem: Chú giải dẫn nhập” 6.1.2.
(316)Theo một cách lý giải (xem: Chú giải dẫn nhập: 6.1.4), bản chất của
sự ham muốn là bản thân bản thể của Sự sống. Nhưng chỉ có Tự-ý thức
mới vừa là cái Tôi, vừa là Bản thể ấy; cho nên Tự-ý thức chỉ tìm được
thỏa mãn ở trong một Tự-ý thức sống thực [một Tự-ý thức khác “ngang
bằng với chính mình”], bởi nếu không, đối tượng hoặc là cái khác tuyệt
đối hoặc cái Tôi trừu tượng không phải là đối tượng.
(317)Tinh thầnmới hiện diện ở đây “cho ta”, đó là sự thống nhất của
những Tự-ý thức trong những sự dị biệt giữa chúng. “Tinh thần” này sẽ
là “Tinh thần khách quan” ở trong cộng đồng xã hội; điều này mới được
báo hiệu và sẽ trở thành sự thật trong Chương VI. (Xem: §438 và tiếp;
Chú giải dẫn nhập: 8.1).