Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Hoài Thanh, một sự nghiệp rộng lớn và sâu sắc docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (227.5 KB, 6 trang )

Hoài Thanh, một sự nghiệp
rộng lớn và sâu sắc





1. Nhắc đến Hoài Thanh, người ta nhắc đến một nhà văn hoá, nhà phê bình văn
học có thẩm quyền. Sinh trưởng trong một gia đình nho học giàu truyền thống cách
mạng, có kiến văn rộng rãi cả Đông và Tây, 19 tuổi Hoài Thanh tham gia Tân Việt đảng,
một lần bị đuổi học, hai lần bị bắt vì các hoạt động yêu nước. Là một cây bút sắc sảo
trên hầu hết các báo chí đương thời với các bài viết về hàng loạt các lĩnh vực văn
chương, xã hội, lịch sử, ngôn ngữ, văn hoá Hoài Thanh có đủ tư cách để tuyên bố:
"Tìm cái đẹp trong tự nhiên là nghệ thuật; Tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình".
Nói theo cách nói của Lỗ Tấn " đi mãi sẽ thành đường" thì với thiên tư ấy, với loạt bài
kia đã đủ hình thành một con đường riêng trong đoạn đầu đời của Hoài Thanh. Không
lâu lắm, con đường ấy đã được cắm mốc với Văn chương và hành động, một tác phẩm
có tính cách tuyên ngôn cho một văn phái do Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng
Lư là đồng tác giả. Trong Văn chương và hành động, các tác giả triển khai hàng loạt các
vấn đề về văn chương, về nội dung và hình thức, thành thực và tự do, và đặc biệt là thiên
chức nhà văn. Thật đáng kính trọng giữa một xã hội ngột ngạt và oi bức sau các cuộc
đàn áp đẫm máu, các tác giả đã công khai lên tiếng tố cáo xã hội thực dân phong kiến
với những cảnh khốn cùng của dân mình quyết liệt đến thế, để đi đến một kết luận:
"Trước tình thế như vậy, vòng tay đứng nhìn là một tội ác". Cuốn sách đã bị bọn thống
trị thực dân cấm lưu hành vì tính chất phản kháng và tiến bộ của nó. Hoài Thanh cũng
còn nổi danh trong cuộc tranh luận nghệ thuật đầy ấn tượng những năm 1935-1936. Khi
tuyên bố "Văn chương trước hết là văn chương", Hoài Thanh đâu có thể ngờ 50 năm
sau, Tố Hữu khẳng định "trong văn học cuối cùng là một chữ Hay"; khi quyết đoán "ở
đời đáng quý nhất: Cái tài", Hoài Thanh cũng không thể nghĩ đến ngày 16/3/2003, nghị
quyết 23 của Bộ Chính trị khẳng định: "Tài năng là vốn quý của dân tộc. Chăm sóc tài
năng là trách nhiệm của Đảng và của toàn xã hội". Hai cách tiếp cận không hoàn toàn


giống nhau về nội hàm nhưng rất gần nhau về quan niệm. Cuộc đời Hoài Thanh là một
hành trình tư tưởng. Mà tư tưởng thì luôn có những miền sâu thẳm, ngổn ngang, tất bật
và tươi sống sự đời. Và tư tưởng dẫu cao diệu và phức tạp đến đâu cũng không thoát
khỏi cái quy luật bổ sung, đào thải, phát triển vô cùng bình thản và nghiêm trang. Chúng
ta đã từng biết có những cuộc tranh luận nảy lửa, nhưng bình tĩnh lại, ngẫm ra lại là
cuộc: "chạm trán giữa quân ta với quân mình". Cuộc tranh luận "Nghệ thuật vị nghệ
thuật, nghệ thuật vị nhân sinh" diễn ra rất sôi nổi, có lúc quyết liệt, nhưng lại có một
hồi kết có hậu. Các chủ soái của hai bên đều gặp nhau trên đại lộ của Cách mạng tháng
Tám.
2. Nếu lịch sử luôn luôn đúng thì mối duyên Hoài Thanh và Thơ mới là một
chứng minh. Thơ mới cần Hoài Thanh và Hoài Thanh cần Thơ mới. Và Trời đã thuận
cho cả hai. Có biết bao nhiêu là đồng điệu và say đắm. Có giống nhau và khác nhau.
Giống nhau là cả hai đều chịu ảnh hưởng các trào lưu tư tưởng và nghệ thuật từ bên
ngoài. Khác nhau là Thơ mới chịu ảnh hưởng của trào lưu nghệ thuật đang bị thay thế,
còn Hoài Thanh thì chịu ảnh hưởng của những trào lưu tư tưởng và nghệ thuật đang khai
mở. Hoài Thanh đi vào cánh rừng Thơ mới ngây ngất mà rõ ràng, tinh tế mà vu quát,
đến mức có thể nghe được tiếng động cựa của hồn chữ. Với sự tinh thông và chuẩn xác,
ông kiểm kê toàn bộ khu rừng Thơ mới rồi chỉ rõ đây là lim, kia là táu, là vàng tâm và
kia nữa là dổi là chò, sau đó ông độc hành lên một đỉnh núi cao hơn, dõng dạc tuyên bố:
"có một thời đại trong thi ca". Tôn vinh Thơ mới, xếp hạng Thơ mới, không ai bằng
Hoài Thanh. Nhưng ông không đánh cược với Thơ mới. Do đó khi Thơ mới đã bị vượt
qua thì Hoài Thanh tiếp tục tiến về phía trước. Có một thời đại trong thi ca đã đi vào quá
khứ, và một thời đại thi ca mới đang sinh thành, một thời đại thi ca mà trong đó Hoài
Thanh là một trong những kiến trúc sư.
3. Ngòi bút Hoài Thanh thật sự xuất thần và vô cùng hào sảng khi bàn về ca dao
và Truyện Kiều, một thiên tài vô danh và một thiên tài hữu danh. Trước và sau Hoài
Thanh nhiều người bàn về ca dao. Cái đặc sắc của Hoài Thanh là mở rộng không gian
tham chiếu với sự tiếp xúc văn hoá giữa Đông và Tây mà bản thân ông là một tiêu biểu
đáng kính. Biết mình biết người, từ cái hay của người mà soi rọi để thấy cái đặc sắc của
ta. Thí dụ sau đây là một trường hợp điển hình. Để khẳng định giá trị của câu hát

phường vải:
Đôi ta xa nhau thiên hạ cũng đều buồn
Bốn phía trời đều chuyển động, tám ngọn nguồn rung rinh,
Hoài Thanh dẫn một câu của Lamartine "chỉ thiếu một người mà cả cõi đời trở
nên trống rỗng" (Di bút).
Đối chiếu hai văn bản, chúng ta cảm thấy sự tương đồng kỳ lạ. Sự uyên bác của
Hoài Thanh đem đến sức gợi mở to lớn cho người đọc về sự gặp gỡ giữa dân tộc và
nhân loại.
Một ví dụ nhỏ để nói đến một xác tín lớn. Bài học và tấm gương Hoài Thanh ứng
xử với văn hoá dân tộc. Với một nhân cách văn hoá như Hoài Thanh tưởng không có ai
xứng đáng hơn ông để đảm nhiệm cương vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn nghệ Dân
gian Việt Nam.
4. Cũng một tình yêu như ca dao, suốt đời Hoài Thanh say mê với Truyện Kiều,
bất cứ ở đâu khi có dịp là ông trở lại vớiTruyện Kiều.
Trong đời đã có biết bao nhiêu người bàn về Truyện Kiều. Mỗi người mỗi cách,
mỗi người có cái hay riêng. Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là Hoài Thanh, Vũ Hạnh và
Lê Đình Kỵ, trong đó Hoài Thanh chiếm bảng đầu cả về độ lớn, chiều sâu và sự tinh tế.
Trong Bản tự thuật, ông viết "Trên đà những chuyển biến sâu sắc trong Đông- Xuân
1947-1948 tôi tiếp tục đi vào bộ đội, đi theo một chiến dịch trên sông Đà. Nhờ vậy tôi
đã viết được một số tác phẩm tốt nhất là quyển Quyền sống con người trong Truyện
Kiều của Nguyễn Du (1949) và quyển Nói chuyện thơ kháng chiến (1951). Và ông còn
cho biết thêm: "Năm 1948 sau khi viết xong quyển sách nhỏ về Truyện Kiều, tôi có đưa
anh Tố Hữu xem. Lúc bấy giờ chúng tôi cùng sống trong một xóm nhỏ trên bờ sông
Thao. Xem xong, anh Tố Hữu chỉ nói vắn tắt:"Hay!". Do đó tôi đã mạnh dạn đưa in.
Sách in ra liền được báo Đảng - tờ Sự thật - giới thiệu và khen. Giá tôi không được gặp
anh Tố Hữu mà lại gặp một cán bộ lãnh đạo có ý kiến khác hẳn về Truyện Kiều thì bước
đường đi theo Đảng của tôi chắc đã gặp thêm khó khăn không ít".
Đi kháng chiến để viết về kháng chiến là chuyện dễ hiểu. Đi kháng chiến để viết
về Truyện Kiều là một ngạc nhiên. Lý lẽ là ở đâu? Suy nghĩ mãi, tôi tự giải thích cho
mình như sau: Hoá ra để trở về quá khứ cũng cần có hơi ấm của hiện tại. Và cần hơn là

tiên phong về tư tưởng và đứng vững trong lòng dân tộc. Đọc Hoài Thanh ta cảm thấy
ngoài năng lượng của sách vở, còn có năng lượng của sự trải nghiệm khắc nghiệt mới
đạt đến sự giản dị và sâu sắc như thế.
5. Đời sống văn học hơn nửa thế kỷ qua là một bức tranh rộng lớn phong phú và
sôi động. Tác động có tính quyết định vào dòng chảy đó là tứ trụ cơ quan:
- Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương
- Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam
- Hội Nhà văn Việt Nam
- Viện Văn học
Hoài Thanh lần lượt tham gia lãnh đạo cả bốn cơ quan đó, và là chuyên gia hàng
đầu cho Đảng và Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Đảm trách những vinh dự đó, Hoài
Thanh gặp một khó khăn. Đó là việc sắm vai. Vấn đề đặt ra là ông sẽ làm một cán bộ chỉ
đạo văn nghệ thuần tuý hay là một nghệ sĩ làm cán bộ. Hoài Thanh chọn phương án hai.
Kết quả, ông vẫn giữ được cái tươi tốt của ngòi bút cho đến lúc cuối đời. Ở Hội Nhà văn
với tư cách là uỷ viên thường vụ, ông được trao trách nhiệm làm chủ nhiệm Tuần báo
Văn nghệ trong nhiều năm. Ở Viện Văn học, ông là Phó Viện trưởng kiêm Thư ký toà
soạn Tạp chí Văn học còn nhiều năm hơn. Nhà văn Nguyễn Đình Thi nhiều lần nói rằng,
quyền lực thực tế trong văn học là các ông Tổng biên tập báo chí và các ông Giám đốc
nhà xuất bản. Quyền lớn nhất của họ là ấn nút thông tin. Thực tế đã kiểm nghiệm, thời
gian Hoài Thanh cầm quyền ấn nút thông tin hai cơ quan báo chí nói trên đều là một
trong những thời hoàng kim của hai cơ quan ấy. Chúng ta lại được biết thêm một khía
cạnh nữa của tài năng đa dạng Hoài Thanh.
Trước lúc mất ít lâu, Hoài Thanh tâm sự với con trai "Cha viết văn đã 20 năm
nhưng công việc cha thích nhất là dạy học và bình thơ "bình thơ hay, vô luận của ai".
Với tầm nhìn xa rộng và với phẩm chất một nhà giáo và một nhà văn, Hoài Thanh dành
rất nhiều tâm huyết và gửi gắm cho việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ trong các công
việc ở trường Đại học, ở Trường Viết văn Quảng Bá, ở Viện Văn học và Tuần báo Văn
nghệ. Những bài viết của ông dành cho Lê Anh Xuân, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy,
Cảnh Trà những bài phát biểu nhân tổng kết các cuộc thi thơ trong thời kỳ chống Mỹ
liền mạch với những bài về thơ bộ đội trong kháng chiến chống Pháp vẫn theo một lối

hành xử với tài năng từ dạo Thi nhân Việt Nam. Tôi thích cái tư thế đồng hành của ông,
cái tư thế dám hạ bút khi một tên tuổi còn rất lạ lẫm, đang phát triển. Phê bình ở đây là
năm ăn năm thua, có thể xem như một mạo hiểm, nếu không có biệt nhãn không thể làm
được. Thi nhân Việt Nam có rất nhiều tiên đoán, cuộc thi thơ 1969 của báo Văn
nghệ ông cũng có những tiên đoán tuyệt vời. Ảnh hưởng của nhà phê bình là như thế.
Hậu thế thắp hương ông.
Gánh vác một khối công việc bề bộn, với nhiều thiên chức trong một con người,
Hoài Thanh bao quát sự vận động của gần một thế kỷ văn học, một thế kỷ với những
thay đổi phi thường, một thế kỷ trùng điệp những tên tuổi sáng giá, trong đó ông đã sống
và viết một cách trung thực. Viết và đi bình về thơ Bác, tác phẩm của Phạm Văn Đồng,
thơ Tố Hữu, Thanh Hải, văn của Nguyễn Thi, Anh Đức, về những bức thư Từ tuyến đầu
Tổ quốc, về nhiều nhà văn nước ngoài, đồng thời trở lại với Chinh phụ ngâm, Phan
Trần, Hoa tiên ngòi bút Hoài Thanh như một dòng suối bất tận, nêu một tấm gương
hoạt động xã hội và văn chương không mệt mỏi. Ai muốn tìm mẫu mực về những bài
phê bình vừa đúng vừa hay, xin hãy đọc Hoài Thanh. Ai muốn chứng minh Phê bình
vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật xin hãy đọc Hoài Thanh.
Hoài Thanh sống trọn vẹn với thời đại của ông và trọn vẹn với chính mình, theo
nguyên tắc "thành thực và tự do" được xác định ngay từ những buổi đầu. Trong cuộc
sống bình thường để "thành thực và tự do" đã khó, huống hồ với một thế kỷ nhiều giông
bão và ngặt nghèo như thế kỷ XX, để thành thực được và tự do được là muôn vàn thử
thách. Hoài Thanh đã chia sẻ với thời đại của mình và bây giờ đến lượt chúng ta chia sẻ
với ông. Bởi lẽ, dẫu là một thiên tài thì việc phóng xa những tiên cảm về phía trước là có
thể, nhưng đứng ra ngoài thời đại của mình là không thể. Di sản của Hoài Thanh là một
khối đồ sộ những ký thác và tin tưởng, thật đáng tự hào. Tài sản của Hoài Thanh đã đi
vào lịch sử. Một tài sản lấp lánh biết bao vẻ đẹp của một nhà văn hoá và nhà phê bình
văn học tiêu biểu. Một trăm năm rồi nhiều trăm năm, Hoài Thanh tiếp tục so bước với
tương lai

×