Phụ nữ tự sát – lỗi tại tiểu
thuyết? Một góc nhìn về phụ nữ với
văn chương – xã hội Việt Nam đầu
thế kỷ XX (Lược trích)
Dịch Từ Chẩm Á - Trường hợp Tuyết hồng lệ sử
Ngay khi khởi sự đăng trên Nam phong, do tính chất ngôn tình "nhạy cảm" của
nó, Tuyết hồng lệ sử đã phải có những che chắn cùng với lời mào đầu cẩn trọng để giúp nó
chào đời thuận lợi. Dẫu rằng trong lần in thành sách và các lần tái bản về sau, tên dịch giả đều
được ghi rõ là M.N. (Mai Nhạc) Đoàn Tư Thuật, ở bản dịch đăng thành nhiều kỳ trên Nam
phong người dịch được ghi nhận là khuyết danh. Chỉ cho đến khi bản dịch được công bố trọn
vẹn, Đoàn Mai Nhạc mới soạn "Bài tựa truyệnTuyết-hồng lệ-sử," ra mặt là dịch giả của bản
lược dịch này. Qua bài tựa, có thể thấy sự cảm thông được người dịch ưu ái dành cho
Mộng Hà; niềm thương xót đối với Lê Nương, Quân Thiến, tuy có nhưng vẫn dựa trên cơ sở
nam quyền. Tiếp theo Đoàn Mai Nhạc, ý kiến của Minh-Phượng Nguyễn Như-Cương trong
bài "Bàn về truyện Tuyết-Hồng lệ-sử" là một trong những hồiđáp sớm nhất của người đọc đối
với bộ tiểu thuyết này.
Trong bài tựa tự viết, Chẩm Á dự đoán sau khi Tuyết hồng lệ sử ra đời, những người
yêu mến ông sẽ bảo rằng đây là bức ảnh tả chân của Chẩm Á (Thử Chẩm Á chi tả chân ảnh
phiến). Niềm riêng của Chẩm Á ở đây hẳn là tự truyện ái tình của ông đã được mã hóa
thành Ngọc lê hồn và Tuyết hồng lệ sử. Thế nhưng, do hoàn cảnh khách quan, bài "Tựa 1" hư
cấu không biết được điều ấy. Vả lại, khi khuyến cáo Lệ sử không phải là "chuyện tình," bài
"Tựa 1" rõ ràng đã muốn dẫn dắt bạn đọc theo một hướng khác. Năm 1932, nhân tái
bản Tuyết hồng lệ sử, Nam Ký thư quán có lời mở đầu Cùng độc giả, dùng bài "Tựa 1" nhằm
phản bác những ý kiến phê phán tập sách này,
Bảo rằng đọc Tuyết hồng lệ sử có ích lợi gì, chúng tôi chưa dám bảo; nhưng nói
đọc Tuyết hồng lệ sử có hại thì chúng tôi quyết không nói được: cứ xem ở bài tựa của tác giả,
thấy Tuyết hồng lệ sử nguyên là một tập văn nhật ký của một vị thanh niên "Vì quyết chí về
việc nước để đền lòng tri kỷ"
(21)
.
Tuyết hồng lệ sử có ảnh hưởng nhất định đối với văn học hiện đại Việt Nam. Một số
tiểu thuyết Việt Nam hoặc mô phỏng cách đặt tựa, hay dựa theo văn phong, văn thể của Lệ
sử như Kim Anh lệ sử của Trọng Khiêm (1924), Minh Châu lệ sử của Tam Lang (1930)
(22)
.
Do Tố Tâm được hoàn tất năm 1922, Hoàng Ngọc Phách có thể đã không chịu ảnh hưởng
trực tiếp từ bản dịch Tuyết hồng lệ sử của Đoàn Tư Thuật trên Nam phong khi viết Tố Tâm,
nhưng trước đó rất có thể ông đã đọc và chịu ảnh hưởng của Từ Chẩm Á trực tiếp qua
nguyên tác Trung văn
(23)
. Qua ngòi bút dịch thuật tài hoa của các dịch giả, tiểu thuyết Từ
Chẩm Á đã chinh phục tình cảm của người đọc Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ.
Phụ nữ tự sát - Từ "Phong trào" đến "bệnh dịch"
Cho đến năm 1932, việc phụ nữ tự sát đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng khiến
nhiều bậc thức giả phải quan tâm. Phan Bội Châu viết bài Nguyên nhân tự sát vì sao? để
công bố trong mục “Bức thư ở Huế” trên Phụ nữ thời đàm nhưng rất tiếc do kiểm duyệt, nay
chỉ còn thấy được tựa bài đăng trên số báo ra ngày 18/6/1932. Vào năm 1927, những vụ tự
sát diễn ra nhiều như một "phong trào", và đáng chú ý là phần đông họ đều được cứu sống.
Tuy không có con số thống kê đầy đủ về tất cả các trường hợp, một điều tra sơ bộ tập hợp 43
trường hợp phụ nữ tự sát đăng tải trên báo chí trong khoảng từ 1927 đến 1934 ở Hà Nội, Huế,
và Saigon
(24)
. Kết quả này góp phần khẳng định tính xác thực của nhận xét sau đây viết vào
tháng 7/1927.
Gần đây, nói về chị em chúng mình hình như cái phong trào tự sát đã nổi lên đùng đùng
không mấy hôm là không nhận được tin tức, nào chị này đâm đầu xuống hồ Hoàn Kiếm, nào
chị kia [gi]eo mình xuống hồ Tây, lại còn những cô tự tử bằng cách khác như uống thuốc phiện
dấm thanh cũng không phải là ít. Trong số những người muốn tự tử phần nhiều là các tiểu thư,
ăn vận rất lượt là hoa mỹ, hình như con nhà tử tế cả, mà thường thường xuân xanh chỉ độ trong
vòng mười tám đôi mươi có lẻ là cùng! Có một điều lạ là tuy các cô muốn mượn [gi]òng nước
hoặc chén dấm thanh mà rũ sạch nợ trần cho hả cơn hờn [gi]ận, cho khỏi phải đeo đẳng cái tấm
thân cơ khổ ở cái đời tẻ ngắt buồn tênh, nhưng tuy người muốn thác [tr]ời nào có cho; thực các
cô muốn chết mà chết cũng không thoát được vậy
(25)
.
Năm năm sau (1932), tạp chí Nam phong đăng song song nguyên văn tiếng Pháp với
bản dịch tiếng Việt tiểu luận về tự tử của tiểu thuyết gia Edmond Jaloux (1878-1949). Lời
giới thiệu in ở đầu hai bản song ngữ Pháp - Việt phân tích vắn tắt nguyên nhân căn bệnh tự tử
ở Việt Nam,
Trong xã hội Việt Nam ta hiện nay, thường thấy nói có cái dịch tự tử. Gái non trẫm
mình xuống sông xuống hồ, trai trẻ uống thuốc độc bằng nha phiến với dấm thanh, những
việc đó hằng thấy in trong mục thời sự các báo. Một cái xã hội có nền nếp thì người ta không
khi nào nghĩ đến quyên sinh. Sở dĩ có kẻ chán đời đến không muốn sống nữa, là vì cái hoàn
cảnh bực tức, khiến cho người ta đã không biết sống làm vui, thời sao có biết thiệt thòi làm
thương. Cái dịch tự tử trong xã hội ta, âu cũng là cái triệu chứng xã hội đương qua một hồi
khủng hoảng về tinh thần vậy
(26)
.
Diễn giải phân tích trên đây, Phạm Thị Ngoạn đi ngược về 9 năm trước đó, tìm trong
bài viết Thanh niên có nên buồn không?
(27)
của Phạm Quỳnh để hiểu xem cuộc khủng
hoảng tinh thần ấy là gì. Bà kết luận đó có thể là sự xung đột giữa một bên là trào lưu cá
nhân và hoài bão tự do với một bên là gia đình truyền thống như một chướng ngại cho sự
phát triển cá nhân, gây ra tâm lý "văn hóa mất rễ", mất phương hướng trong hoàn cảnh "Âu
hóa" gần như "đoạn tuyệt với Đông phương"
(28)
. Trong bài xã luận mang tên Chúng tôi hiểu
cái lẽ cô Tuyết-Hồng tự vận, đăng trên Phụ nữ tân văn tháng 5/1931 tác giả khái quát
hóa nguyên nhân chung của việc phụ nữ tự tử thông qua một trường hợp cụ thể. Một tuần
sau khi cưới, cô dâu trẻ 17 tuổi Đinh Thị Tuyết Hồng ở Hà Nội giao mình xuống hồ Trúc
Bạch tự trầm vì bị kết tội thất tiết trước hôn nhân. Tác giả bài xã luận tự tin khẳng định.
Mấy năm nay ở ngoài Bắc thường thấy con gái tự vận luôn, mà đám nào lại không
phải là tự tình duyên trắc trở hay là gia đình nài ép mà ra. Trước cô Hồng, sau cô Hồng cũng
vậy hết. ( ) Các bực làm cha mẹ, làm chủ gia đình, đừng ép duyên, đừng thách cưới, đừng
bắt buộc đè nén con cái thái quá, đừng lôi thôi sanh sự về việc hôn nhơn, thì tự nhiên là
không có cô nà phải tự vận cả. Chứng cớ là trong Nam, cái chế độ hôn nhơn đã bớt những
thói tục xưa đi nhiều; người con gái không bị ép buộc quá, bởi vậy có ai nghe một người chị
em chúng tôi đây tự vận về chuyện hôn nhơn bao giờ?
(29)
.
Trên thực tế, ở miền Nam cũng có không ít vấn đề trong hôn nhân - gia đình, và một
trong số đó chính là chuyện lấy lẽ, vợ lớn - vợ bé
(30)
. Chế độ đa thê cũng là nguyên nhân của
nhiều thống khổ , ví như những vụ tự sát của cô Nguyễn Thanh Vân nhảy lầu khách sạn tự tử
ở Saigon ngày 31/12/1931, hay cô Thị-Cái trẫm mình ở cầu Bình Lợi chỉ một tuần sau đó,
vào ngày 6/1/1932
(31)
. Cũng như hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội, đến năm 1934, cầu Bình Lợi đã có
tiếng là mồ chôn những người con gái bạc mệnh ở Saigon
(32)
. Bệnh dịch tự sát đã lan vào đến
cả trong Nam. Đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thất nghiệp trầm trọng
đầu thập niên 1930, một số phụ nữ cũng đã cùng chồng tự sát
(33)
.
Dưới bút danh BOY, tác giả một bài báo có tựa là Thuốc phiện dấm thanh đăng
trên Phụ nữ thời đàm tháng 12/1932 đã lên tiếng phản bác cả phía bắt tội tính ảo mộng của một
số chị em phụ nữ như là căn nguyên của việc tự sát, lẫn phía lập luận cho rằng những án tự sát
nọ là điềm chứng của "phong hóa suy đồi" trong nữ giới. Khi một người phụ nữ quyên sinh,
người ấy đáng được xã hội thương xót hơn là bị kết tội hay lên án. Mặt khác, cũng không nên
xem chuyện phụ nữ tự sát như là điềm ứng cho phong hóa suy đồi. Phong hóa không phải là
bất biến, mà tiến triển theo thời, phụ thuộc vào những tiếp xúc lịch sử, xã hội, văn hóa, và nằm
ngoài nguyện vọng hay mong muốn chủ quan thủ cựu của cá nhân hay một tập thể người nào
đó. Bài viết trên là một tiếng nói điềm tĩnh nhận định hiện tình phụ nữ tự sát giữa những dư
luận trái chiều đối nghịch. Đây cũng là một trong những trường hợp hiếm hoi chỉ ra được vai
trò của báo chí trong việc định hướng, dẫn dắt công chúng trước một hiện tượng xã hội phức
tạp như phụ nữ tự sát.
Phụ nữ tự sát - Lỗi tại tiểu thuyết?
Cùng với "phong trào", "bệnh dịch" phụ nữ tự sát là sự ra đời của một loạt tiểu thuyết,
truyện ngắn, kịch nói phản ánh, phân tích, phê phán hiện tượng này. Năm 1928, nhà văn trẻ
Nguyễn Lan Khai, khi ấy mới vừa 22 tuổi, ra mắt tập tiểu thuyết đầu tayNước Hồ Gươm, một
tập "Bi tình tiểu thuyết" kể "truyện người thiếu phụ trẫm mình"
(34)
. Một loạt truyện ngắn,
truyện vui nhưGiấc mộng hồ Gươm, Một buổi xem xử án tự vẫn tại cung vua Diêm, Lệ Hồng
quyên sinh, Trên sông Thương, Chưa chết được, Cái chết hiếu danh
(35)
, lần lượt ra đời hoặc
đồng cảm, hoặc cười nhạo, phản ánh và tạo ra ấn tượng nạn tự sát đang tiếp tục lan rộng
trong phụ nữ trong khoảng 3, 4 năm đầu thập niên 1930.
Bắt đầu từ năm 1932, mỗi khi đả phá ảnh hưởng tiêu cực của tiểu thuyết, người ta
thường liệt ra vài tựa sách để minh họa. Tiểu thuyết của Từ Chẩm Á và Tố Tâm của Hoàng
Ngọc Phách thường được nhắc đến thành một đôi, bị phê phán như một loại bệnh chứng của
chủ nghĩa vị kỷ, thoát ly thực tế. Cũng trong khoảng thời gian hai năm đầu thập niên 1930,
trên Phụ nữ thời đàm xuất hiện một loạt bài lên án ảnh hưởng xấu của tiểu thuyết, và kết tội
việc đọc tiểu thuyết là nguyên nhân dẫn đến chuyện phụ nữ tự sát. Trong bài Một cách chữa
bệnh tiểu-thuyết tác giả Thường Nga nhắc lại luận điệu phổ biến cho rằng tiểu thuyết là độc
hại, là nguyên nhân dẫn đến những vụ án xã hội thương tâm, đồng thời đề xuất liệu pháp cho
căn bệnh trầm kha mê tiểu thuyết của phụ nữ.
Những bộ tiểu thuyết như Ngọc lê hồn, Tuyết hồng lệ sử, hay Tố Tâm tựa như đồng
tiền hai mặt, tùy theo tay người xoay lật mà mặt phải, mặt trái trình hiện ra ánh sáng. Không
phải ai đọc những tiểu thuyết ấy cũng đều chán đời, tự tử. Nói cách khác,Lệ sử hay Tố
Tâm không phải là nguyên nhân trực tiếp khiến phụ nữ tự sát. Khi chủ thể đọc mê muội với
ái tình trong truyện, mơ mòng nhập thân vào nhân vật tiểu thuyết để sống giữa đời thực, bi
kịch là tất yếu, không tránh được. Đã không đủ tỉnh táo để tách bạch xấu - tốt khi đọc truyện,
một chủ thể đọc như thế lại càng dễ dàng lầm lạc giữa hiện thực phức tạp của cuộc sống.
Lời kết
Từ Chẩm Á cùng hai bộ tiểu thuyết tiêu biểu của ông, Ngọc lê hồn và Tuyết hồng lệ
sử, là một bước chuyển đáng chú ý trong văn học Trung Quốc hiện đại. Tiểu thuyết Chẩm Á
đã ghi ảnh hưởng trên văn học Việt Nam hiện đại: không ít nhà văn Việt Nam đã kể chuyện,
gợi vấn đề, mô phỏng văn phong theo lối Chẩm Á. Giữa lúc văn quốc ngữ còn non trẻ, những
người dịch Chẩm Á đã đưa văn tiếng Việt lên một trình độ tinh luyện hơn. Việc dịch tiểu
thuyết của ông góp phần hình thành dòng văn học giải trí, tiêu khiển trong nước, theo xu thế
phát triển chung của văn học hiện đại thế giới, với sự hình thành của đô thị và tầng lớp
tiểu thị dân (bao gồm một bộ phận phụ nữ ít nhiều có học). Một cộng đồng bạn đọc nữ đã
hình thành trong khoảng 3 thập niên đầu của thế kỷ XX: họ đọc và viết cả quốc ngữ lẫn Pháp
văn. Trong những năm 1929-1930, các báo Việt Nam không chỉđưa tin phụ nữ tự sát ở trong
nước, mà còn cả ở các nước Đông Á lân cận, như Trung Quốc và Nhật Bản
(36)
. Báo chí, tiểu
thuyết, kịch nói đã liên tục phản ánh hiện tượng này, và tất yếu có phần trách nhiệm trước
việc phụ nữ tự sát lan rộng thành “phong trào” hay “bệnh dịch”. Việc quy lỗi “bệnh dịch” này
cho tiểu thuyết (Tuyết hồng lệ sử hay Tố Tâm) là một cách nhìn phiến diện, tập trung phản
ứng đối với những lệch lạc của một bộ phận chủ thể đọc nữ, mà không thấy hết những tác
động xã hội lên chủ thể ấy