Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

BÁO CÁO KHOA HỌC: "CẤU TRÚC MÔ HỌC TINH HOÀN TÔM CÀNG MACROBRACHIUM NIPPONENSE DE HAAN." ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (312.43 KB, 13 trang )

CẤU TRÚC MÔ HỌC TINH HOÀN TÔM CÀNG
MACROBRACHIUM NIPPONENSE DE HAAN.

Nguyễn Mộng Hùng
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà
nội
MỞ ĐẦU

Tôm càng (Macrobrachium nipponense de Haan) là loài
tôm nước ngọt cỡ trung bình, phân bố ở hầu hết vùng nước
nội địa nước ta. Thống kê ở một số hồ khu vực Tây nguyên,
sản lượng tôm bằng 22,6% tổng sản lượng thủy sản trong
hồ. Tôm càng có thể trở thành đối tượng nuôi nước ngọt
nhiều triển vọng cho nghề nuôi thuỷ sản nội địa của Việt
nam (Nguyễn Quốc Ân, Phan Đình Phúc, 2003)

Tôm càng là loài dị hình giới tính, khi trưởng thành trọng
lượng tôm đực hơn 30% so với trọng lượng tôm cái. Như
vậy về mặt kinh tế, tạo được càng nhiều tôm đực trong
quần thể càng tốt. Nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ rằng cắt
bỏ tuyến androgen ở tôm non giống Macrobrachium có thể
đảo giới tôm đực thành tôm cái với hy vọng sẽ dùng các
con cái giả này để tạo quần thể tôm càng toàn đực (Sagi A.
et al. 1990; Malecha R.S. et al. 1992). Để phục vụ cho mục
tiêu trên, song song với việc khử tuyến androgen, để hiểu
biết rõ hơn về sự biến đổi giới tính, chúng tôi đã tiến hành
nghiên cứu mô học tinh hoàn tôm .


ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP


Tôm được mua tại chợ hoặc khai thác từ các ao của viện
Nghiên cứu Thuỷ sản I, Đình Bảng, Bắc Ninh. Tôm được
định loại theo hình thái đặc trưng để đảm bảo đối tượng thí
nghiệm chắc chắn là tôm càng Macrobrachium nipponens.
Dựa vào đặc điểm gai sinh dục ở nhánh chân bơi thứ hai
chọn ra những con tôm đực. Kích thước tôm được tính theo
chiều dài giáp đầu ngực, đo từ đường thẳng nối giữa hai ổ
mắt tới cuối giáp đầu ngực. Chúng tôi nghiên cứu tôm với
chiều dài giáp đầu ngực từ 1 đến 3 cm. Chiều dài giáp đầu
ngực bằng khoảng 1/3 chiều dài cơ thể (tính ở tôm duỗi
thẳng từ ngọn chuỷ đầu đến hết telson).

Tôm được giải phẫu, tách riêng tinh hoàn, ống dẫn tinh kể
cả phần phình to ở gốc đôi chân bò thứ 5. Để chuẩn bị các
tiêu bản ép tạm thời, mảnh tinh hoàn lấy từ phần đầu tuyến
được cho vào thuốc nhuộm Orcein axetic, biệt hoá bằng
dung dịch axit axetic 45%, ép trong glyxerin và nghiên cứu
dưới kính hiển vi thông thường. Để làm tiêu bản cố định,
tuyến tách riêng, hoặc cùng ống dẫn tinh được định hình
trong dung dịch Bouin, khử nước và đúc trong parafin, các
lát cắt 5-7 (m được nhuộm Hematoxilin - eosin, gắn nhựa
Canada, nghiên cứu và chụp ảnh theo phương pháp thông
thường.


KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Về giải phẫu hệ sinh dục đực của tôm càng

Hệ sinh dục đực tôm càng Macrobrachium nipponens gồm

một đôi tinh hoàn hình dải nhưng dính sát vào nhau theo
đường giữa. Từ mỗi bên phải trái có một ống dẫn tinh với
đoạn đầu xoắn cuộn nhiều lần và đoạn sau thẳng, lớn hơn
và dẫn tới lỗ sinh dục ở gốc đôi chân bò thứ 5. Phần cận
cuối ống dẫn tinh có tuyến androgen như đã mô tả (Nguyễn
Mộng Hùng, 2002)

Về cấu trúc mô học tinh hoàn tôm càng

Dựa theo mô tả trong tài liệu của E. C. Roosen-Runge
(1977), ở mười chân Decapoda, tinh hoàn có dạng các ống
đơn hay phân nhánh, 2/3 thành là có biểu mô sinh dục, các
phần còn lại là biểu mô lót, giống như biểu mô của ống bài
tiết, vỏ tinh hoàn chuyển thành vách ngăn giữa các “túi“
hoặc các xoắn của ống tinh . Chúng tôi chú ý nghiên cứu
chi tiết các lát cắt thuộc phần đầu, phần giữa và phần đuôi
tinh hoàn. Đặc biệt là phần đầu tinh hoàn còn được phân
tích trên cả các tiêu bản ép.

Hình 1 là ảnh chụp lát cắt ngang qua phần đầu của tinh
hoàn. Thấy rõ các ống sinh tinh có đường kính khoảng 250
– 300 àm, được bao bọc bởi một lớp màng mô liên kết, có
thể thấy rõ một lớp nhân nhỏ, dài, nhuộm đậm vùi trong lớp
sợi dầy. Giống như mô tả trong tài liệu của E. C. Roosen-
Runge, 2/3 thành ống là biểu mô sinh tinh , 1/3 là biểu mô
lót.


Hình 1. Lát cắt qua các ống sinh tinh ở phần đầu tinh
hoàn tôm càng. VK: 40, TK: 10.

1. Biểu mô sinh tinh, 2. Màng bao ống, 3. Biểu mô lót. 4.
Các tế bào dòng tinh.

Thành phần tế bào trong biểu mô sinh tinh được phân tích
trong tiêu bản ép. Hình 2 là ảnh chụp tiêu bản ép làm từ
phần đầu một ống sinh tinh. Trên tiêu bản có thể thấy rõ
màng bao ống, các tế bào tạo tinh như tinh nguyên bào, tinh
bào 1, tinh bào 2, tinh tử và tinh trùng. Tinh nguyên bào là
các tế bào lớn, nhân sáng, lớn, nhiễm sắc chất thưa. Tinh
bào 1 là những tế bào tương đối lớn, kích thước chỉ nhỏ
hơn tinh nguyên bào đôi chút. Đây là tế bào đang ở tiền kỳ
giảm phân 1, nhiễm sắc chất dưới dạng các hạt hoặc que
ngắn. Tinh bào 2 với kích thước nhỏ hơn và số hạt nhiễm
sắc chất ít hơn. Nhân tinh tử thường nhỏ, bắt mầu đậm.
Tinh trùng nhỏ , hình cầu hoặc elíp với nhân hình liềm
trăng khuyết. Hiếm thấy tinh trùng trên các lát cắt qua phần
đầu ống sinh tinh.


Hình 2. ảnh chụp tiêu bản ép phần đầu ống sinh tinh tôm
càng. VK:40, TK: 10. Orsein.
1- Tinh nguyên bào 2- Tinh bào 1, 3- Tinh bào 2, 4- Tinh
tử, 5- Tinh trùng.

Trên các lát cắt ở phần lui về phía đuôi, qua phần giữa tinh
hoàn ( Hình 3), thấy kích thước ống sinh tinh to hơn, với
một lượng lớn tinh trùng chiếm tới quá nửa diện tích lát cắt
qua ống. Mô sinh tinh bị ép ra ngoại vi, áp sát vào thành
ống, tuy còn chiếm một diện tích khá lớn trên lát cắt qua
ống.



Hình 3. Ảnh chụp lát cắt qua phần giữa tinh hoàn tôm
càng. VK:20, TK: 10. Thấy rõ một lượng lớn tinh trùng
(1) trong lòng ống. Biểu mô sinh tinh bị ép ra ngoại vi
(2).


Hình 4. Ảnh chụp lát cắt qua phần đuôi tinh hoàn tôm
càng. VK:20, TK: 10.
Thấy rõ các ống tinh với thành ống (1) . Biểu mô sinh
tinh (2) chỉ chiếm một phần chu vi ống.
ống chứa đầy tinh tử (3) và tinh trùng(4).


Trên lát cắt qua phần đuôi tinh hoàn thấy các ống tinh chứa
đầy tinh trùng. Phần lớn thành ống là màng mô liên kết với
nhân hình thoi dài, đậm và biểu mô lót với các tế bào có
nhân nhỏ, hình elíp. Biểu mô sinh tinh chỉ còn chiếm một
tỷ lệ nhỏ trên thành ống. Trên lát cắt biểu mô sinh tinh chỉ
chiếm khoảng 1/4 hay 1/5 chu vi ống. Trên lát cắt còn thấy
sự kết hợp 2 ống chứng tỏ các ống tinh kết hợp với nhau
thành ống lớn và rồi đổ chung vào ống dẫn tinh.

Qua các nghiên cứu trên có thể hình dung cấu tạo tinh hoàn
tôm càng như sau: Hai tinh hoàn tôm có dạng hai tuyến ống
phân nhánh. Phần hai tinh hoàn dính sát nhau là vùng mầm,
là nơi xuất phát các ống sinh tinh. Quá trình tạo tinh đi dọc
theo các ống sinh tinh, càng lui về phía đuôi, lượng tinh
trùng càng nhiều, các ống dần kết hợp với nhau và đổ

chung vào ống dẫn tinh.


KẾT LUẬN

Tinh hoàn tôm càng Macrobrachium nipponense de Haan
có dạng tuyến ống phân nhánh. Tạo tinh xảy ra ở đầu trên
cùng của nhánh. Lui dần xuống dưới tinh trùng dần tích luỹ
và choán toàn bộ lòng ống. Các nhánh hợp lại với nhau và
đổ vào ống dẫn tinh chung.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Quốc Ân, Phan Đình Phúc , 2003 Đặc điểm sinh
học tôm càng Macrobrachium nipponense de Haan ở Hồ
Lắc và E-Nhái tỉnh Đắc lắc. Tạp chí thông tin Y Dược 6-
2003.
2. Nguyễn Mộng Hùng, 2002. Tr. 17-20 Hình thái và cấu
trúc tuyến androgen ở tôm càng Macrobrachium nipponens
de Haan. Tạp chí Di truyền và ứng dụng, Số 4 năm 2002
3. Amir Sagi, Dan Cohen, 1990. Grow, maturation and
progeny of sex –reversed Macrobrachium rosenbergii
males. World Aquaculture 21 (4) December, 1990, page 87.
4. S.R.Malecha, P.A. Nevin, P. Ha, L.E.Barck,
Y.Lamadrid-Rose, S. Masuno, D. Hedgecock.1992. Sex-
ratios and sex-determination in progeny from crosses
surgically sex-reversed freshwater prawns Macrobrachium
rosenbergii. Aquaculture, 105 (1992) 201-218



SUMMARY

Morphology and histologic structure of the testes of
Macrobrachium nipponense De Haan.

In the North of Vietnam, there are about 24 species of fresh
watter shrimp. one of them, Macrobrachiurn nipponense de
Haan is most important species, their size is largest than
other spesies of fresh water shrimp. Macrobrachiurn
nipponense de Haan occupies large percent of protein food
of vietnamese people.

Macrobrachiurn nipponense de Haan is gonochoristic, male
much bigger and more valuable than female prawn.
Therefore, production of all male populations have very
important economic effect. Morphology and histologic
structure of the testes are important for the study of
processes of changing from female to male gonad.

Our results show that male gonad is a paired organ. Left
and right testis are fused in the midle line. Left and right
sperm ducts connect testes to the pair of the openings on
the bases of the fifth pair of walking legs.

The testis is a compound tubuloacinar gland. The
spermatogenesis begin in the acini, where some
spermatogonias give rise to the clones of primary
spermatocytes, secondary spermatocytes, spermatides and
spermatozoides. In the tubular parts, the spermatozoides

accumulate, move down to the sperm ducts. The cells of all
the stages of spermatogenesis are shown in the photograph
of the slide, prepaired from the acinus of the testis.

Người thẩm định nội dung khoa học: PGS. Nguyễn Anh
Diệp.

×