Lược sử ngoại giao VN các thời trước
Chương bốn
NGOẠI GIAO THỜI CUỐI TRẦN, THỜI HỒ VÀ
HẬU TRẦN – phần 1
I- TIẾP TỤC NGOẠI GIAO VỚI TRIỀU NGUYÊN
Ở TRUNG QUỐC
Đánh thắng giặc, ta lại tiến hành ngoại giao với giặc.
Ngoại giao lúc này là ngoại giao hòa hoãn: vừa đấu
tranh, vừa giao hảo. Nếu chưa thiết lập được những
quan hệ thân thiện hữu nghị thì cũng làm giảm bớt
những tiếp xúc căng thẳng giữa hai nước, xóa bỏ
những mưu đồ lấn chiếm, xâm lược của những thế
lực bành trướng hiếu chiến bên nước láng giềng.
Nhà Nguyên ba lần đem quân xâm lược nước ta, cả
ba lần đều thất bại. Cuộc chiến tranh lần thứ ba kết
thúc vào tháng ba năm Mậu Tý (1288). Tháng 10,
nhà Trần chủ động cho sứ sang Nguyên trao đổi việc
trả hàng vạn tù binh cho nhà Nguyên. Từ đấy tới 5
năm sau, công việc trao trả tù binh tiến hành liên tiếp.
Quan hệ giữa hai nước không có gì căng thẳng. Tới
năm 1293 bạo chúa Hốt Tất Liệt trở mặt, kiếm
chuyện. Đầu năm 1293, Hốt Tất Liệt cho sứ bộ
Lương Tằng, Trần Phu tới Đại Việt đòi vua Trần
sang chầu. Vua Trần từ chối việc sang chầu mà chỉ
cho sứ bộ Đào Tử Kỳ cùng sứ Nguyên sang Trung
Quốc đem sản vật địa phương biếu vua Nguyên.
Tháng 9 năm 1293, sứ bộ Đào Tử Kỳ đưa lễ vật tới
Bắc Kinh. Nhưng khát vọng của Hốt Tất Liệt không
phải là quà cáp biếu xén, nên đã hạ lệnh đưa Đào Tử
Kỳ tới Giang Lăng giam lại và tổ chức đạo quân xâm
lược. Đạo quân được thành lập, quân số ít hơn các lần
trước, gồm 56.570 quân, 1.000 thuyền, 70 vạn khí
giới, 35 vạn thạch lương, 2 vạn thạch thức ăn cho
ngựa, 21 vạn cân muối và cho quân lính, mỗi người 2
đĩnh tiền. Tất cả đạo quân đặt dưới quyền chỉ huy của
bình chương Lưu Quốc Kiệt và chư vương Diệc Cát
Lý Đãi, có một ban tham mưu giúp việc, gồm các
tướng Triệt Lý Man, Trần Nham, Triệu Tu Kỷ, Vân
Tòng Long, Trương Văn Hổ, Sầm Hùng.
Nhưng lúc này không còn là lúc nhà Nguyên có thể
dễ dàng gây rối. Rậm rịch ra quân từ mấy tháng cuối
năm 1293, mà không sao gọi được đủ quân, mặc dầu
quân số định lấy chỉ là hơn 5 vạn người. Tới đầu năm
1294, quân các nơi tới tập trung để lập đạo quân xâm
lược còn quá ít. Hốt Tất Liệt hạ lệnh cho các địa
phương Tư, Sá, Trấn Viễn, Hoàng Bình đưa 8.000
quân cũ của nhà Tống gia nhập đạo quân của Lưu
Quốc Kiệt. Lệnh này chưa kịp thi hành thì ngày 18
tháng 2 năm 1294 Hốt Tất Liệt chết. Người nối ngôi
Hốt Tất Liệt là Nguyên Thành Tôn thấy nhà Nguyên
đã ba lần gây chiến với Đại Việt, huy động hàng trăm
vạn quân mà còn thất bại, nay đưa 5 - 6 vạn quân đi
gây chiến thì sao có thể được, nên đành tạm hoãn
lệnh đó. Mà không hoãn lệnh đó không từ bỏ tham
vọng xâm lược Đại Việt thì tập đoàn cuồng chiến nhà
Nguyên cũng không làm gì được.
Chiến thắng của Đại Việt đã bẻ gãy mọi nanh vuốt
của bọn vua chúa nhà Nguyên hiếu chiến. Sau chiến
tranh xâm lược Đại Việt, thế và lực của triều Nguyên
sa sút nghiêm trọng, không sao hồi phục được.
Nhưng không phải vì thế mà chúng trở thành những
kẻ có thiện chí hòa bình, sống hữu hảo với các dân
tộc khác. Đối với Đại Việt, vua chúa nhà Nguyên
hậm hực vô cùng, nhưng thế không làm gì được đành
phải chịu, nhiều khi phải nhượng bộ, có lúc còn sợ
Đại Việt tiến công, đánh phá.
Năm 1299, một sứ bộ của ta sang Nguyên do Đặng
Nhữ Lâm cầm đầu đã bí mật làm một số việc: vẽ bản
đồ các cung diện và vườn thượng uyển, mua các bản
đồ và sách cấm của Trung Quốc, sao chép những văn
thư Việt Nam có ở Trung Quốc, ghi chép tình hình
quân sự và các rừng núi ở biên giới phía bắc. Triều
đình nhà Nguyên phát hiện những việc làm này. Nếu
như trước kia thì họ bắt ngay sứ Đại Việt giam lại,
chưa biết đến bao giờ mới cho về, hoặc đem giết sứ
đi, nhưng nay thì không dám. Nhà Nguyên chỉ cho sứ
sang Đại Việt yêu cầu triều đình nhà Trần không để
cho sứ sang Nguyên làm những việc như thế.
Sau đó, sứ thần hai nước cứ vài năm qua lại một lần,
hoặc báo cho nhau những tin tức như vua mới lên
ngôi, hoặc biếu xén nhau quà cáp.
Năm 1308, nhà văn lỗi lạc đương thời là trạng
nguyên Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên. Các quan lại
nhà Nguyên rất phục ông là người thông minh tài trí.
Một lần ông ngồi chơi trong phủ tể tướng nhà
Nguyên. Lúc ấy là khoảng tháng 5 - tháng 6, trong
phủ treo một cái màn mỏng có thêu hình con chim
tước vàng đậu cành trúc. Tước là con chim sẻ. Mạc
Đĩnh Chi thản nhiên kéo cái màn xuống xé đi, mặc
dầu cái màn thêu rất đẹp. Mọi người lấy làm lạ, hỏi
tại sao. Mạc Đĩnh Chi trả lời:
"Tôi thấy người xưu vẽ mai - tước, chưa thấy ai vẽ
trúc - tước bao giờ. Nay trong trướng của tể tướng lại
thêu chim tước đậu cành trúc. Trúc là quân tử, tước là
tiểu nhân. Tể tướng đem trúc - tước mà thêu vào
trướng, thế là để tiểu nhân lên trên quân tử. Tôi sợ
rằng đạo của tiểu nhân ngày càng lớn thịnh lên, đạo
của quân tử ngày mòn mỏi đi, cho nên tôi trừ bọn tiểu
nhân giúp thánh hiền". Người Nguyên phục là nhanh
trí.
Khoảng những năm 1311 - 1312, bọn quan lại, tướng
lĩnh nhà Nguyên ở gần biên giới lén lút lấn chiếm
một số vùng đất của ta sát biên giới. Bọn cầm đầu
châu Quy Thuận thuộc Quảng Tây năm lần sang
cướp lộ Thái Nguyên của ta, bắt năm nghìn dân đưa
sang Trung Quốc. Tri châu châu Dưỡng Lợi (Trung
Quốc) là Triệu Giác bắt những người buôn bán của
châu Tu Lãng nước ta, lấy một lọ vàng và chiếm hơn
một nghìn khoảnh ruộng.
Để trừng trị những kẻ lấn chiếm, tháng giêng năm
Quý Sửu (tức đầu năm 1313) quân ta theo nhiều
đường sang miền nam Trung Quốc. Từ biên giới tỉnh
Hà Giang bây giờ, hơn 3 vạn quân ta, trong đó có hơn
3 nghìn quân kỵ, đánh sang châu Trấn Yên (thuộc
Quảng Tây), đốt phá các kho tàng rồi về. Trên biên
giới Cao Bằng, Lạng Sơn, quân ta chia làm 3 đạo tiến
vào châu Quy Thuận (nay là huyện Tĩnh Tây, thuộc
Quảng Tây), đóng quân lại, không về. Triều đình
Nguyên được tin, lo ngại, lệnh cho hành tỉnh Hồ
Quảng phát binh đi đánh. Hành tỉnh Hồ Quảng là cơ
quan chuyên tổ chức các đạo quân đi xâm lược Việt
Nam trước đây. Nhưng lần này, mặc dầu có lệnh của
triều đình, không thấy hành tỉnh Hồ Quảng có hành
động gì.
Tháng tư âm lịch. để trừng trị bọn lấn chiếm, vua
Trần Anh Tông thân cầm quân đánh sang châu
Dưỡng Lợi thuộc Quảng Tây, bắt hơn hai nghìn quân
Nguyên đem về nước.
Tháng sáu âm lịch, triều đình Nguyên phải cho hai
viên quan là A Lý Ôn Sa và Lưu Nguyên Hanh tới
hành tỉnh Hồ Quảng tìm hiểu tình hình những sự việc
xảy ra, rồi đưa thư sang hỏi triều đình nhà Trần. Ta
trả lời là vì có kẻ quấy rối, lấn chiếm biên giới nên
trừng trị, còn ai quấy rối thì không biết. Bọn Lưu
Nguyên Hanh thư đi thư lại mấy lần, nhưng không
giải quyết được việc gì. Chúng tâu về triều đình
Nguyên xin cho người sang Đại Việt đòi đất, đòi dân
và đòi ta xử trí những người đưa quân vào lãnh thổ
Trung Quốc. Thấy bọn Lưu Nguyên Hanh tâu xin
như vậy, Hoàng đế Nguyên vội gạt đi: “Thôi để khi
sứ An Nam tới sẽ nói”. Nhưng sứ ta không tới, triều
đình Nguyên phải cho sứ sang nói với triều đình Đại
Việt cho lui quân. Bấy giờ vua Trần mới hạ lệnh bãi
binh, rút quân về nước.
Khi ghi chép sự việc này vào sách Bang giao chí, nhà
sử học Phan Huy Chú nhận xét:
“Đời Trần, nhà Nguyên ba lần đem quân sang xâm
lược, quấy rối, nhưng không thành công. Nay tất
cũng chột dạ về việc trước, chỉ mong được yên ổn,
nên vua tôi khu xử, một niềm nhường nhịn để được
vô sự. Đó là sự khôn ngoan phủ dụ của Nguyên, mà
thế nước ta thời Trần cũng tỏ ra cường thịnh lắm”.
Đúng là như thế! Nếu nước ta không cường thịnh thì
nước lớn láng giềng ôm mộng bành trướng không
bao giờ chịu để cho nhân dân ta được sống hòa bình,
yên ổn, đừng nói gì tới nhượng bộ với ta điều này
điều khác.
Ta đem quân sang đất Nguyên trừng trị quân Nguyên
lấn chiếm mà triều đình Nguyên không dám oán trách
, hạch sách gì. Năm sau (1314), sứ Nguyên sang ta
vẫn rất mực khiêm tốn, kính trọng ta. Bấy giờ vua
Trần Minh Tông mới lên ngôi, cho sứ Nguyên vào
tiếp kiến. Khi về nước , sứ Nguyên hết sức ca ngợi
vua Trần là phong thái ung dung phơi phới như thần
tiên. Sau này khi sứ Đại Việt sang Nguyên, có người
Nguyên hỏi thăm có phải vua Đại Việt phong thái
thanh tú ung dung như thần tiên không, sứ Đại Việt
hồ hởi trả lời: "Đúng như thê. Và đó cũng là phong
thái của cả nước tôi vậy”.
Lời đáp của sứ ta nói lên niềm tự hào về dân tộc
mình, một dân tộc anh hùng, đã bắt một kẻ thù cuồng
chiến, hung hãn nhất của thời đại phải khuất phục,
bảo đảm nền độc lập của nước nhà và nền hòa bình ở
Đông Nam châu Á, tước bỏ mọi khả năng xâm lược,
quấy rối của giặc Nguyên ở các vùng khác trên thế
giới.
Năm 1322, triều đình Nguyên lại muốn tranh lấn bờ
cõi. Triều đình nhà Trần cho Hình bộ Thượng thư
Doãn Bang Hiến sang tranh biện. Vua chúa Nguyên
đành thôi.
Lúc này, triều Nguyên đã suy yếu lắm, không thể gây
đối đầu với ta được. Từ những năm 1340 trở đi,
Trung Quốc đại loạn. Khởi nghĩa không nhà Nguyên
liên tiếp nổ ra. Khởi nghĩa của Phương Quắc Trân,
khởi nghĩa của Từ Thọ Huy, khởi nghĩa của Chu
Nguyên Chương; đặc biệt có cả cuộc khởi nghĩa của
Trần Hữu Lượng là một người Việt Nam sống ở
Trung Quốc, con của Trần Ích Tắc, nổi lên làm chủ
cả miền nam Trung Quốc, dựng nên một triều đại
mới lấy quốc hiệu là Đại Hán, niên hiệu là Đại
Nghĩa. Trần Hữu Lượng lên ngôi hoàng đế. Trong
khi đó, nghĩa quân Chu Nguyên Chương cũng làm
chủ miền bắc Trung Quốc, lập triều đại mới là triều
Minh, đưa Chu Nguyên Chương lên ngôi hoàng đế.
Năm 1354, triều đình Trần Hữu Lượng cho sứ sang
cầu thân với triều đình nhà Trần. Năm 1359, triều
đình Chu Nguyên Chương cũng cho sứ sang thông
hiếu với nhà Trần. Trần Hữu Lượng và Chu Nguyên
Chương vẫn đánh nhau kịch liệt, chưa phân được
thua. Vua Trần cho Lê Kích Phu đi Trung Quốc "Để
xem hư thực như thế nào". Sử không ghi rõ sứ ta sang
Trung Quốc lúc ấy tiếp xúc với triều đình nào, triều
Hán của Trần Hữu Lượng hay triều Minh của Chu
Nguyên Chương.
Đầu năm 1361, nhà Hán của Trần Hữu Lượng đóng ở
Vũ Xương, cho sứ sang ta xin quân cứu viện. Vua
Trần từ chối. Ý của nhà Trần là không muốn can
thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Năm 1366, nhà Hán của Trần Hữu Lượng sụp đổ.
Năm 1367, nhà Nguyên bị diệt vong. Ngôi thống trị
toàn Trung Quốc chuyển sang một triều đại mới là
triều Minh. Chu Nguyên Chương lên ngôi hoàng đế,
xưng hiệu là Minh Hồng Vũ, khi chết miếu hiệu là
Minh Thái Tổ.
Triều đại mới, chính sách đối nội, đối ngoại sẽ có
những thay đổi. Quan hệ giữa triều Trần ở Việt Nam
và triều Minh mới nổi ở Trung Quốc cũng sẽ không
bình thường, phẳng lặng như cuối thời Nguyên.