Tình Hình Kinh Tế - Xã Hội An Giang Dưới Triều
Nguyễn Giai Đoạn (1802 – 1867)
Tình hình kinh tế
Về nông nghiệp, triều Nguyễn có nhiều chính sách tích cực để phát triển nông
nghiệp ở An Giang như khuyến khích mọi người đến An Giang khai hoang với
nhiều thủ tục dễ dãi: tự chọn nơi khai phá, miễn thuế thời gian 3 năm hay lâu hơn,
cho dân mượn hay cấp nông cụ, giống thóc, trâu bò, tổ chức dân chúng và binh lính
tiến hành khai hoang dưới hình thức đồn điền và lập ấp, cho đào các con kênh dẫn
nước vào đồng ruộng. Nhờ chính sách khuyến khích khai hoang của Nhà nước mà
diện tích sản xuất nông nghiệp tăng lên.
Đất đai khai khẩn được chủ yếu để trồng lúa. Lúa được trồng ở nơi gò cao, gò núi
và mỗi năm chỉ làm một vụ. Kĩ thuật trồng lúa lúc bấy giờ rất đơn giản, đợi mùa
mưa xuống mới gieo cấy, không cần cày bừa, ít dùng phân bón và việc canh tác chủ
yếu nhờ mưa. Năm nào hạn hán thì ruộng đất ở An Giang bỏ hoang rất nhiều.
Ngoài trồng lúa, nông dân An Giang còn trồng các loại cây hoa màu, cây ăn trái.
Về thủ công nghiệp, An Giang có nhiều nghề thủ công nổi tiếng như nghề mộc và
đóng xuồng ở huyện Chợ Mới, nghề dệt lụa ở Tân Châu, nghề làm mắm, khô ở
Châu Đốc, nghề dệt thổ cẩm và làm đường thốt nốt của người Khmer ở huyện Tri
Tôn, Tịnh Biên,….
Về thương nghiệp, do chính sách “trọng nông, ức thương" của triều Nguyễn, hoạt
động thương nghiệp ở An Giang rất hạn chế. Các trung tâm thương mại chưa hình
thành. Hàng hóa sản xuất theo thời vụ thường để tiêu dùng tại chỗ hoặc trao đổi
mua bán với các vùng lân cận.
Trích:
Theo Đại Nam nhất thống chí: Giữa thế kỉ XIX, vùng Nam Kì lục tỉnh có 93 chợ lớn nhỏ,
trong đó An Giang có 12 chợ. Theo ranh giới hành chính hiện nay, trong 12 chợ thì An
Giang chỉ còn 1 chợ Tú Điền thuộc huyện Đông Xuyên (nay là Chợ Thủ ở xã Long Điền
A, huyện chợ Mới).
Tình hình xã hội
Dưới triều Nguyễn, do địa chủ, quan lại cướp đoạt ruộng đất của nông dân, nạn
cường hào phổ biến khắp nơi ở nông thôn, chúng còn tăng cường chiếm đoạt ruộng
đất công. Mặt khác với chế độ lao dịch nặng nề, đời sống của nhân dân ngày càng cơ
cực. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra ở An Giang, tiêu biểu là khởi nghĩa Thất Sơn
(1841-1842).
Tháng 10 âm lịch năm 1841, cuộc nổi dậy của nông dân người Kinh và Khmer bùng
nổ. Nghĩa quân lợi dụng địa bàn hiểm trở rừng núi, bùn lầy để hoạt động, căn cứ
khởi nghĩa đặt tại núi Tô, núi Tượng, núi Tà Biệt (huyện Tri Tôn). Nghĩa quân đã
gây nhiều khó khăn cho quan quân triều Nguyễn ở An Giang. Tháng 5 năm 1842,
cuộc nổi dậy ở Thất Sơn cũng bị đàn áp, nhưng tình hình ở Thất Sơn và kênh Vĩnh
Tế cho đến cuối đời vua Thiệu Trị vẫn không ổn định.
Cuộc nổi dậy ở Thất Sơn tuy thất bại, nhưng đã thể hiện truyền thống đấu tranh
chống áp bức cường quyền của nhân dân trên mảnh đất An Giang ngay buổi đầu
khai phá.
Tình hình văn hóa, giáo dục
Về tôn giáo, cũng như các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, cư dân An Giang theo
đạo Phật, Thiên Chúa giáo, đặc biệt là người Chăm đến định cư mang theo tín
ngưỡng đạo Hồi. An Giang còn là nơi khai sinh ra đạo Bửu Sơn Kì Hương.
Về giáo dục, việc xây dựng trường sở ở An Giang dưới triều Nguyễn được chú
trọng. Năm 1837, Huyện học Đông Xuyên được thành lập ở Long Sơn (Phú Tân).
Năm 1842, Tỉnh học An Giang mới ra đời đặt tại Châu Đốc do Phạm Văn Trung
làm Đốc học đầu tiên. Năm 1864, khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kì, vua
Tự Đức dời trường thi Gia Định về An Giang. Tuy nhiên, dưới triều Nguyễn, số
người đỗ đạt ở An Giang không nhiều.
Trích:
Thời vua Thiệu Trị, Tự Đức (1841-1867) tổ chức 12 kì thi Hương tại Gia Định. Địa bàn
An Giang khi đó có 12 người đỗ đạt. Trong đó trên địa bàn An Giang ngày nay chỉ có
một người duy nhát đỗ cử nhân năm 1864 là Huỳnh Duy Thanh, người làng Vĩnh Thông
(nay thuôc huyện Tri Tôn).
Về văn học, An Giang có nhiều cảnh quan nên thơ, hữu tình, là đề tài sang tác của
các thi nhân như Doãn Uẩn, Trịnh Hoài Đức , Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị….
Nghệ thuật dân gian có nhiều hình thức phong phú như hát tuồng, kể chuyện và các
điệu múa của người Chăm, múa hát trong dịp lễ tết của người Khmer…
Về kiến trúc, có nhiều công trình lăng mộ, đình, chùa như: lăng Thoại Ngọc Hầu.
đình Châu Phú, chùa Tây An ở núi Sam (Châu Đốc), chùa Thoại Sơn ở núi Sập
(Thoại Sơn), chùa Tô Sơn ở núi Tô (Tri Tôn)….
Chiến Thắng Vàm Nao 1833
Năm 1833, mượn cớ cầu viện của Lê Văn Khôi, quân Xiêm sang xâm lược nước ta.
Chúng chia làm 5 đạo quân bằng nhiều hướng đánh vào một số tỉnh ở miền Trung,
Châu Đốc và Hà Tiên. Vua Minh Mạng chỉ dụ cho quan chức Vĩnh Long, An Giang
và Hà Tiên lập kế hoạch đánh trả.
28/11/1833, quân Trương Minh Giảng trên đường đến Vàm Nao thì hay tin Hà Tiên
thất thủ. Quân Xiêm theo đường kênh Vĩnh Tế chiếm Châu Đốc. Quân ta rút về
Đông Khẩu (Sa Đéc) để bảo toàn lực lượng. Trước tình hình nguy ngập, Trương
Minh Giang và Nguyễn Văn Xuân tức tốc chiếm giữ Vàm Nao và cho người đến cấp
báo về Huế xin viện binh. Quân ta ở Vĩnh Long, Định Tường được điều đến ứng
phó. Ở Gia Định, Trần Văn Năng để lại 4000 đến 5000 quân vây hãm thành Phiên
An, số còn lại khoảng 1000 giao cho Tống Phước Lương và Trần Văn Trí tiếp viện
An Giang.
Quân ta được bố trí ở hai bờ sông Tiền trước vàm đồn Hồi Oa, phía dưới có Chiến
Sai đạo thủ (chợ Thủ) và Dinh Châu (cù lao Giêng) làm thế ngăn giặc.
Sau khi đánh chiếm Châu Đốc, quân Xiêm chuẩn bị kế hoạch vượt sông Vàm Nao
đánh Đông Khẩu và Long Hồ (Vĩnh Long) với một lực lượng gồm 350 chiếc thuyền,
20.000 quân. Mùng 4 tháng Chạp năm 1833, quân ta đến Vàm Ông Chưởng do
thám tình hình. Chiều hôm đó, lợi dụng rừng rậm um tùm hai bên bờ sông, quân ta
chiếm đóng và sẵn sàng ứng chiến.
Đúng canh tư, quân ta bất ngờ đánh úp giặc. Với sự giúp sức của Phó vệ úy Nguyễn
Văn Tình kéo quân từ Gia Định xuống, chẳng bao lâu, quân ta đẩy lùi quân Xiêm.
Mười lăm chiếc thuyền của giặc bị nhấn chiềm. Ta thu được nhiều súng ống, đạn
dược. Quân Xiêm rút khỏi Vàm Nao. Ta tiếp tục truy kích giặc khỏi Châu Đốc, Hà
Tiên.
Trận tiêu diệt quân Xiêm trên sông Vàm Nao thể hiện tinh thần bất khuất của nhân
dân ta. Dù thế giặc manh gấp đôi, nhưng quân triều đình và nhân dân ta đã sáng tạo
cách đánh, nắm chắc địa hình, với lòng gan dạ dũng cảm, đánh thắng được kẻ thù
hùng mạnh bấy giờ. Chiến thắng nào một lần nữa khẳng định nhân dân vùng sông
nước quyết tâm giữ gìn thành quả lao động của mình trên mảnh đất vừa khai phá.
(Trích Địa chí An Giang, trang 238-239.)