Bơm tinh trùng vào buồng tử cung và kích thích
buồng trứng bằng HMG VÀ FSH tái tổ hợp
TỔNG QUAN
Kích thích buồng trứng và bơm tinh trùng làm tăng khả năng thụ thai cho các cặp
vợ chồng muộn con. Phương pháp này đã được áp dụng nhiều thập kỉ qua ở nhiều
nơi trên thế giới. Nhiều phác đồ kích thích buồng trứng khác nhau đã được sử
dụng, từ Clomiphene Citrate đến hMG, FSH tái tổ hợp và sử dụng phối hợp các
loại này, tuy nhiên, hiệu quả của các phác đồ này khác nhau theo các nghiên cứu
khác nhau. So sánh hiệu quả kích thích buồng trứng của các chế phẩm
gonadotropin ngày càng được quan tâm hơn kể từ khi có sự ra đời của FSH tái tổ
hợp.
Năm 2003, một nghiên cứu của Filicori M.
[2]
tại Ý đánh giá các đặc điểm của kích
thích buồng trứng bằng FSH tái tổ hợp (α-follitropin) hoặc hMG. Đây là nghiên
cứu tiền cứu ngẫu nhiên trên 50 bệnh nhân được bơm tinh trùng. Tác giả kết luận
việc tiêm hMG làm giảm các dấu hiệu của hoàng thể hóa sớm, giảm thời gian điều
trị, giảm liều gonadotropin và chi phí điều trị mà tỉ lệ thai lâm sàng cũng tương
đương α-follitropin.
Nghiên cứu đầu tiên so sánh hiệu quả của 3 chế phẩm gonadotropin trong các chu
kỳ bơm tinh trùng là nghiên cứu của A. Demirol (2007)
[1]
. Tác giả nhận thấy tỉ lệ
thai sau bơm tinh trùng của các trường hợp vô sinh chưa rõ nguyên nhân sử dụng
FSH tái tổ hợp (α-follitropin) để kích thích buồng trứng cho kết quả thai cao hơn
so với sử dụng FSH nước tiểu hoặc hMG.
MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu này của chúng tôi nhằm hiểu rõ hơn hiệu quả điều trị của FSH tái tổ
hợp và hMG trong các chu kỳ kích thích buồng trứng qua việc so sánh tỉ lệ thai và
đặc điểm các yếu tố ảnh hưởng lên hiệu quả của bơm tinh trùng.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu hồi cứu các trường hợp bơm tinh trùng có kích thích buồng trứng bằng
FSH tái tổ hợp hoặc hMG trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2009 đến tháng 6
năm 2009 tại Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ.
Các trường hợp được nhận vào dân số nghiên cứu phải thỏa các điều kiện sau:
1. Chẩn đoán là vô sinh chưa rõ nguyên nhân hoặc tinh trùng chồng yếu nhẹ.
2. Bệnh nhân được kích thích buồng trứng bằng FSH tái tổ hợp hoặc hMG.
3. Lượng tinh trùng trong mẫu bơm tinh trùng tối thiểu đạt 5*10
6
tinh trùng.
4. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm β-hCG và theo dõi tình trạng thai (nếu có) sau
khi bơm tinh trùng.
Các trường hợp không thỏa đầy đủ 4 điều kiện trên không được nhận vào mẫu
nghiên cứu.
Trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2009, có 194 cặp vợ chồng thỏa các điều
kiện trên và được nhận vào mẫu nghiên cứu. Trong đó, có 96 trường hợp được
kích thích buồng trứng bằng hMG và 98 trường hợp dùng FSH tái tổ hợp (α-
follitropin hoặc β-follitropin). Bệnh nhân được bơm tinh trùng vào buồng tử cung
khi có dấu hiệu rụng trứng trên siêu âm hoặc 36 giờ sau tiêm hCG. Các số liệu
được phân tích bằng phần mềm SPSS và áp dụng phép kiểm χ2 (sự khác biệt có ý
nghĩa thống kê khi P < 0,05).
KẾT QUẢ
Bảng 1: Các đặc điểm chung
Đặc điểm hMG FSH tái tổ hợp Giá trị p
Tuổi (năm) 28,8 ± 3,4 30 ± 3,8
Vô sinh nguyên phát (%) 66,7 76,5
> 0,05
Th
ời gian vô sinh trung
bình (tháng)
36,1 35,1
Về các đặc điểm chung, tuổi trung bình của vợ trong các chu kỳ sử dụng hMG là
28,8 ± 3,4 tuổi, tương đương với nhóm sử dụng FSH tái tổ hợp là 30 ± 3,8 tuổi.
66,7% bệnh nhân được kích thích buồng trứng bằng hMG thuộc nhóm vô sinh
nguyên phát, trong khi đó, số bệnh nhân vô sinh nguyên phát trong nhóm sử dụng
FSH tái tổ hợp chiếm 76,5%. Thời gian vô sinh trung bình của bệnh nhân trong cả
hai nhóm nghiên cứu không có sự khác biệt: 36,1 tháng ở nhóm hMG và 35,1
tháng ở nhóm FSH tái tổ hợp. 96,9% bệnh nhân sử dụng hMG chưa từng bơm tinh
trùng trước đây, tỉ lệ này là 80,6% ở nhóm sử dụng FSH tái tổ hợp.
Bảng 2: Đặc điểm sử dụng thuốc
Đặc điểm hMG FSH tái tổ hợp Giá trị p
Thời gian theo dõi phát tri
ển
nang noãn (ngày)
13,5 ± 2,6 13 ± 1,8
Lượng thuốc (IU) 898,4 ± 369,8 636,5 ± 156,5
> 0,05
Chi phí thuốc 66,7 76,5
Thời gian vô sinh trung b
ình
(tháng)
36,1 35,1
Số nang vượt trội trung bình
2,59 2,89
Độ d
ày NMTC trung bình
(mm)
10.6 11.9
Tỉ lệ thai lâm sàng (%) 17,7 20,4
Tỉ lệ đa thai (%) 5,9 10
Tỉ lệ sẩy thai (%) 5,5 13
Bảng 3: Chi phí sử dụng thuốc
Đặc điểm hMG FSH tái tổ hợp
α-Follitropin Β-Follitropin
Chi phí thu
ốc
(đồng)
3.712.266 ±
1.518.373
6.577.180 ±
1.269.452
4.424.395 ±
716.864
Thời gian theo dõi nang noãn trước khi bơm tinh trùng trung bình trong nhóm sử
dụng hMG là 13,5 ± 2,6 ngày, dài hơn so với 13 ± 1,8 ngày của nhóm sử dụng
FSH tái tổ hợp. Về lượng thuốc sử dụng, tổng số đơn vị hMG trung bình được sử
dụng trong nhóm nghiên cứu là 898,4 IU ± 369,8 IU cao hơn nhóm sử dụng FSH
trung bình sử dụng 636,5 IU ± 156,5 IU. Tuy nhiên, chi phí trung bình của nhóm
sử dụng hMG là thấp nhất so với nhóm sử dụng FSH tái tổ hợp (kể cả α-
Follitropin và β-Follitropin).
Số nang vượt trội trung bình trong hai nhóm không có sự khác biệt: 2,59 nang ở
nhóm sử dụng hMG và 2,89 nang ở nhóm sử dụng FSH tái tổ hợp. Độ dày nội mạc
tử cung trung bình cũng không khác biệt giữa hai nhóm: 10.6 mm ở nhóm sử dụng
hMG và 11.9 mm ở nhóm sử dụng FSH tái tổ hợp.
Xét về tỉ lệ thai, có tổng cộng 37 trường hợp có thai trong cả hai nhóm nghiên cứu.
Tỉ lệ thai trong nhóm sử dụng FSH tái tổ hợp là 20,4%, trong khi đó, tỉ lệ này
trong nhóm sử dụng hMG là 17,7% (p < 0,05). Không có trường hợp nào quá kích
buồng trứng nặng. Tỉ lệ đa thai của hai nhóm nghiên cứu lần lượt là 5,9% và 10%,
không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Tỉ lệ sẩy thai trong nhóm sử dụng
hMG là 5,5%, thấp hơn so với nhóm sử dụng FSH tái tổ hợp (13%) nhưng không
có ý nghĩa thống kê.
BÀN LUẬN
Khác với nghiên cứu của chúng tôi, trong nghiên cứu của A. Demirol và T.
Gurgan (2007)
[1]
, tổng đơn vị thuốc sử dụng cho nhóm hMG nhiều hơn đáng kể
so với nhóm sử dụng FSH tái tổ hợp (p=0,001) mặc dù thời gian điều trị trung
bình giữa hai nhóm này không khác biệt. Số nang noãn vượt trội trung bình và tỉ lệ
thai lâm sàng giữa hai nhóm nghiên cứu của các tác giả này đều có sự khác biệt có
ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, dân số nghiên cứu của chúng tôi không thấy có sự
khác biệt về số nang vượt trội, độ dày nội mạc tử cung và tỉ lệ thai giữa hai nhóm
nghiên cứu. Mặc dù vậy, nhóm sử dụng FSH tái tổ hợp có số lượng nang vượt trội
trung bình, độ dày nội mạc tử cung trung bình và tỉ lệ thai lâm sàng đều cao hơn
so với nhóm sử dụng hMG.
Ngược lại, về tỉ lệ sẩy thai, nghiên cứu của A. Demirol và T. Gurgan không thấy
có sự khác biệt trong khi nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy tỉ lệ sẩy thai ở nhóm
sử dụng hMG thấp hơn so với nhóm sử dụng FSH tái tổ hợp. Tuy nhiên, cần thực
hiện thêm các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng với cỡ mẫu lớn
hơn cũng như đồng hóa các yếu tố gây nhiễu để đánh giá và so sánh hiệu quả của
việc sử dụng các nhóm gonadotropin này một cách khách quan hơn. Ngoài ra, việc
đánh giá tỉ lệ sinh sống sau các chu kỳ bơm tinh trùng có kích thích buồng trứng
với các gonadotropin khác nhau cũng rất có ý nghĩa để tiên lượng hiệu quả điều trị
của các phác đồ này.
Xét về các yếu tố ảnh hưởng lên hiệu quả điều trị của bơm tinh trùng vào buồng tử
cung, chúng tôi chưa ghi nhận được yếu tố về kỹ thuật bơm tinh trùng (bơm dễ
hay khó, kinh nghiệm của bác sĩ thực hiện thủ thuật) và chưa theo dõi được tất cả
trường hợp thai kỳ sau bơm tinh trùng cho đến kết quả sanh. Những nghiên cứu
theo dõi đến giai đoạn sanh của các bệnh nhân trong tương lai sẽ đóng vai trò tiên
lượng hiệu quả điều trị bằng các chế phẩm thuốc chính xác hơn, thực tế hơn.
KẾT LUẬN
Việc chọn lựa các chế phẩm gonadotropin để kích thích buồng trứng cho bệnh
nhân hiếm muộn trước khi bơm tinh trùng vào buồng tử cung được cho là yếu tố
tác động lên kết quả của bơm tinh trùng. Vấn đề chọn loại thuốc nào sao cho phù
hợp với tình trạng nội tiết và khả năng tài chính của bệnh nhân vẫn còn phụ thuộc
nhiều vào kinh nghiệm điều trị của từng bác sĩ. Trong nghiên cứu của chúng tôi,
đặc điểm về số nang trưởng thành, độ dày nội mạc tử cung và tỉ lệ thai lâm sàng
sau bơm tinh trùng giữa nhóm sử dụng hMG và FSH tái tổ hợp không có sự khác
biệt. Tỉ lệ sẩy thai của nhóm sử dụng hMG có vẻ thấp hơn so với nhóm sử dụng
FSH tái tổ hợp mặc dù không có ý nghĩa khác biệt về mặt thống kê.
References:
1. A. Demirol and T. Gurgan (2007) Comparison of different gonadotropin
preparations in intrauterine insemination cycles for the treatment of unexplained
infertility: a prospective, randomized study. Hum Reprod Vol.22, No.1 pp, 97-
100.
2. Filicori M et al. (2003) Comparison of controlled ovarian stimulation with
human menotropin or recombinant folliculating hormone. Fertil. Steril., 80(2),
390-7.
3. Hakan E.Duran et al. (2002) Intrauterine insemination : a systematic review on
determinants of success. Hum. Reprod., Vol.8, No. 4 pp. 373-384.