Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Biểu hiện chính của suy tim pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (111.63 KB, 10 trang )

Biểu hiện chính của suy tim


1. Khó thở khi gắng sức:
Khó thở ở đây có nghĩa là người bệnh phải khó nhọc hơn bình thường mới thở
được. Có người dùng những từ khác để chỉ triệu chứng khó thở như hụt hơi, ngắn
hơi, thở gấp, tức thở. Người ngoài nhìn cũng thấy bệnh nhân thở nhanh hơn, nông
hơn và có vẻ khó nhọc hơn.
Đây là triệu chứng hay gặp nhất của suy tim.
Khi suy tim mới bắt đầu, chỉ khi nào hoạt động nặng, khi nào gắng sức mới khó
thở, vì thế gọi là khó thở gắng sức. Tất nhiên người bình thường cũng thấy khó thở
khi làm nặng, những người suy tim dễ bị khó thở hơn nhiều. Dần dần suy tim càng
nặng bao nhiêu thì người bệnh càng khó thở nhiều, thậm chí có người chỉ bước lên
vài bậc thềm, hoặc tự tắm giặt kỳ cọ cũng khó thở. Cuối cùng, người bệnh khó thở
cả khi ngồi nghỉ không làm gì cả.
Người bệnh nên chú ý nhận xét xem mình gắng sức đến mức nào thì bắt đầu khó
thở, để đánh giá mức độ khó thở.
Khó thở độ 1: chỉ khó thở khi đi nhanh (rảo bước) hoặc lên dốc.
Khó thở độ 2: khó thở cả khi đi đường bằng, cùng tốc độ, với những người cùng
tuổi.
Khó thở độ 3: đi đường bằng, một mình, cũng phải ngừng lại để thở sau từng
quãng.
Khó thở độ 4: chỉ cần tự tắm rửa hoặc tự mình mặc quần áo cũng khó thở.
Có thể theo bảng trên để tự đánh giá kết quả điều trị. Nếu trước khi điều trị khó
thở độ 3 chẳng hạn, mà sau dùng thuốc khó thở “xuống” độ 2, thì tức là bệnh đỡ,
chữa kết quả tốt. Nhưng nếu khó thở “lên độ” thì phải xem lại cách điều trị.
Nên chú ý rằng “gắng sức” ở đây chỉ tính đến những gắng sức về thể lực như lên
dốc, mang vác nặng, chạy nhảy, đi ngược gió,v.v Đó là những gắng sức tiêu thụ
nhiều oxy. Các gắng sức về trí óc như suy nghĩ tìm cách giải quyết một vấn đề gì,
tập trung tư tưởng học tập, lo lắng vì kinh tế khó khăn thì không đòi hỏi nhiều oxy
nên cũng không gây khó thở và suy tim.


Khó thở như vậy tất nhiên ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người suy tim.
Tuỳ theo ảnh hưởng ít hay nhiều, người ta xếp các bệnh nhân tim làm 4 loại (theo
Hội tim New York):
Bệnh nhân tim loại I: tuy có bệnh tim, nhưng người bệnh chưa thấy triệu chứng gì
của suy tim dù lúc nghỉ ngơi hay khi gắng sức, sinh hoạt hàng ngày vẫn bình
thường, chưa bị ảnh hưởng. Có thể coi là suy tim tiềm tàng.
Bệnh nhân tim loại II: sinh hoạt hàng ngày đã bị ảnh hưởng nhẹ, nghỉ ngơi thì
không có triệu chứng gì, nhưng hoạt động thường nhật đã thấy khó thở. Có thể gọi
là suy tim nhẹ.
Bệnh nhân tim loại III: sinh hoạt bị ảnh hưởng mức độ trung bình, nghĩa là nghỉ
ngơi vẫn không có triệu chứng gì, nhưng chỉ hoạt động nhẹ hơn thường nhật đã
thấy khó thở rồi. Đây là suy tim trung bình.
Bệnh nhân tim loại IV: sinh hoạt bị ảnh hưởng nhiều, cả khi nghỉ ngơi cũng thấy
khó thở, chỉ làm được những việc rất nhẹ. Suy tim ở đây được coi là nặng.
Cách xếp loại như trên được công nhận rộng rãi, nhiều thầy thuốc áp dụng. Vì nó
đơn giản dễ nhớ, người bệnh có thể tự mình nhận định lấy, giúp cho thầy thuốc
chữa tốt hơn. Hội tim mạch Việt Nam cũng khuyến cáo nên theo cách xếp loại
này.
Cũng nên hiểu qua tại sao suy tim lại làm bệnh nhân khó thở? Vì “bơm” tim bị
yếu, không hút được máu từ phổi về, nên phổi bị ứ huyết, nhiều dịch thấm từ mao
mạch phổi ra khoảng gian bào (giữa các tế bào phổi). Do đó phổi mất tính đàn hồi
trở nên cứng đờ, các cơ thở phải mất nhiều công sức mới làm phổi giãn ra để
không khí lọt vào được. Như vậy chúng vừa phải làm việc nhiều hơn, mà lại chỉ
nhận được ít oxy hơn, cũng do suy tim, nên chóng mệt hơn.
Triệu chứng khó thở này rất đặc trưng cho suy tim, nhưng lại làm cho bệnh nhân
và đôi khi cho cả thầy thuốc ít kinh nghiệm nữa tưởng là do bệnh phổi và đi khám
lao hoặc khám hen. Chúng tôi đã gặp nhiều bệnh nhân đã đi “vái tứ phương” nhất
là “phương” bệnh viện lao, bệnh viện phổi, bệnh viện dị ứng, cuối cùng mới đến
“phương” đúng là bệnh viện tim mạch!
2. Khó thở khi nằm:

Triệu chứng này thường xuất hiện muộn hơn, sau một thời gian khó thở gắng sức
như đã tả ở trên.
Những bệnh nhân này ban ngày đứng, ngồi, thậm chí đi lại, cũng không thấy khó
thở. Nhưng ban đêm, cứ nằm ngửa một lúc, là thấy khó thở. Có khi đã ngủ một
giấc rồi, chợt thức giấc vì khó thở, phải ngồi dậy mới chịu được. Ngồi một lúc đỡ
khó thở, lại nằm xuống ngủ tiếp để rồi có thể một lúc sau lại khó thở và tỉnh dậy.
Cứ như thế có khi vài lần trong đêm, cứ nằm ngửa là khó thở, ngồi dậy lại dễ chịu.
Những trường hợp điển hình, khó thở lại kèm ho nữa, bệnh nhân càng bị thức giấc
nhiều.
Vì vậy, những bệnh nhân rút kinh nghiệm, đi ngủ gối đầu rất cao, có khi phải 3-4
cái gối mới ngủ được. Hoặc dùng cái chăn, tấm gỗ kê cho thân người cao lên mới
dễ chịu. Nhưng khi gối bị tuột đi, người lại trượt xuống tư thế nằm ngang, thì khó
thở lại quay trở lại.
Nặng hơn nữa, có bệnh nhân phải ngủ ngồi trên ghế bành, để người nhà nâng đỡ
suốt đêm, hoặc phải quỳ chống hai tay lên giường mới chịu được (nằm phủ phục).
Sở dĩ bệnh nhân khó thở khi nằm ngang, vì lúc đó ngực ở thấp, máu càng ứ đọng ở
phổi nhiều hơn, làm phổi càng kém co giãn, cơ thở càng “vất vả”. Thêm vào đó,
khi nằm ngang, cơ hoành cũng bị các tạng trong bụng đẩy lên, chèn ép thêm vào
hai phổi nữa.
Trong nhiều trường hợp, khi suy tim nặng lên, bệnh nhân lại có thể nằm ngang
được. Đó là vì khi đó máu ứ đọng thêm ở gan và các phủ tạng khác, ở cả hệ tĩnh
mạch nữa, nên đỡ gánh nặng cho phổi, và bệnh nhân dễ thở hơn.
3. Cơn khó thở đêm:
Người bệnh đang ngủ, bỗng nhiên lên một cơn khó thở dữ dội, ngồi dậy thõng hai
chân cũng không đỡ. Thường lại kèm thêm ho và thở rít, người ngoài nghe bằng
tai thường cũng thấy “cò cử” như ở người hen. Cho nên có người dùng chữ hen
tim để chỉ những cơn khó thở do suy tim này. Còn phù phổi cấp cũng gần giống
hen tim nhưng nặng hơn nhiều, không cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong.
Cơn khó thở này là do ban đêm, trung tâm điều khiển hô hấp bị giảm sút, oxy
trong máu bị hạ thấp. Không những thế, sức bóp của tim cũng giảm đi, vì hệ giao

cảm ban đêm bị yếu. Các mạch máu trong phổi bị căng mạnh, kích thích các phế
quản làm chúng co thắt lại như ở người hen, không khí đi qua chỗ hẹp rất khó
khăn, gây nên tiếng cò cử.
5. Phù phổi cấp:
Đây là một dạng suy tim cấp, cực kỳ nặng, đòi hỏi cấp cứu thật nhanh chóng mới
cứu được bệnh nhân. Ba bệnh tim mạch hay có biến chứng phù phổi cấp là: hẹp
hai lá, nhồi máu cơ tim và tăng huyết áp.
Người bệnh đang bình thường hoặc đang ngủ, đột nhiên bị khó thở dữ dội, gây lo
sợ hốt hoảng như có thể ngạt thở chết ngay. Đồng thời ho rất nhiều, khạc ra nhiều
đờm, đờm có nhiều bọt, có khi rớm máu. Đờm rất nhiều, có khi khạc ra đầy chậu
trong chốc lát! Bệnh nhân chuyển nhanh vào tình trạng rất nặng: mặt tái mét, chân
tay lạnh, vã mồ hôi, thở nhanh nhưng rất nông, vật vã không yên. Không cần ống
nghe cũng thấy thở lọc xọc, nhiều khi cò cử. Cần phải khám ngay bác sĩ, nếu
không khó thở sẽ ngày càng tăng và tử vong là chắc chắn. Trong khi chờ đợi, cho
bệnh nhân ngồi dậy, thõng hai chân xuống đất để máu đỡ bị dồn lên phổi.
6. Ho:
Người suy tim hay bị ho, nhất là khi gắng sức (làm nặng). Mỗi khi lên gác, lên
dốc, mang vác nặng lại ho, bắt người suy tim phải ngừng lại. Hoặc chạy nhảy cũng
dễ bị ho.
Ho trong suy tim là ho khan, không khạc được đờm, đôi khi chỉ ra ít nước rãi
trong. Cho nên ho tái đi tái lại luôn, làm bệnh nhân mệt mỏi, mất ngủ, có khi khản
cả tiếng.
Suy tim nặng hơn nữa, người bệnh bị ho nằm. Cứ ngả lưng là ho, bắt buộc phải
ngồi dậy mới chịu được.
Một số trường hợp suy tim, thí dụ suy tim do hẹp hai lá, người bệnh bị ho ra máu.
Máu thường ít, lẫn vài sợi với nước bọt hoặc đờm. Trong phù phổi cấp nói ở trên,
đờm nhiều và cũng hay lẫn với máu.
Quan niện thông thường cho rằng lao phổi mới ho ra máu, vậy tại sao những
người suy tim, không bị lao vẫn ho ra máu? Vì trong suy tim, máu ứ đọng ở tim
trái, máu ở phổi không về tim được, phải ứ lại ở phổi, các mao mạch ở cuống phổi,

bị căng và vỡ ra, gây ho ra máu. Cơ chế cũng giống như khó thở đã nói ở trên.
Đặc biệt trong suy tim do hẹp hai lá, cứ mỗi khi làm nặng là lại ho ra máu. Tôi đã
gặp một bệnh nhân khai 3 lần ho ra máu, lần đầu do đạp xe ngược gió lên dốc, lần
thứ hai do chạy lụt phải khuân đồ đạc lên đê, còn lần ba là sau khi đi lễ tết bên
quê vợ, phải lễ nhiều bàn thờ quá.
7. Phù:
Người suy tim hay bị phù, nhưng triệu chứng này chỉ xuất hiện khi suy tim khá
nặng. Phù do suy tim ít khi phù lớn như người bị bệnh thận (nhất là hội chứng thận
hư). Khi mới bắt đầu, bệnh nhân chỉ thấy hai mí mắt nặng khi ngủ dậy, mặt hơi
phù như mọng nước; buổi chiều phù nhẹ hai bàn chân, giày dép đi buổi sáng vừa,
chiều thấy chật. Lấy ngón tay ấn lên mắt cá chân, thấy khi nhấc ngón ra mà da vẫn
lõm (phù ấn lõm).
Ở mức nặng hơn, phù tăng dần lên đến bụng làm bụng chướng, khó tiêu, nặng nề.
Mặt to ra mới trông tưởng vì béo. Trường hợp này lên cân không phải điều đáng
mừng mà đáng lo vì giữ nước nhiều quá.
Tại sao suy tim lại gây phù như vậy? Một là vì máu ứ đọng ở các tĩnh mạch, làm
các mao mạch căng lên. Do đó, dịch trong máu chui qua thành mao mạch vào các
vùng lân cận, gây nên phù. Hai nữa là do thận lọc kém, nước tiểu ít đi, nước tích
lại trong người, cũng gây phù.
8. Đái ít:
Cũng là một rối loạn góp phần gây phù. Trong suy tim, máu đi nuôi cơ thể bị giảm
sút, máu đến thận cũng ít đi. Vì vậy thận không thải ra được nhiều nước tiểu (trong
đó có cả muối) như người bình thường.
9. Bụng chướng to:
Bụng chướng to làm người suy tim khó chịu, đầy bụng, kém ăn, nặng nề. Bụng
chướng to ở đây một phần do gan bị ứ máu mà to ra, vì tim không đủ sức hút máu
từ gan về tim. Một phần do phù ở da bụng, ở phủ tạng, có khi dịch nhiều tràn cả
vào màng bụng nữa, gọi là cổ trướng. Chữa suy tim tốt, tất cả có thể trở lại bình
thường, không như cổ trướng do xơ gan, rất khó khỏi.
10. Trống ngực:

Người bệnh thấy tim đập rất nhanh và mạnh trong lồng ngực, như trống làng. Tất
nhiên làm việc gì nặng hay xúc động thì trống ngực rõ hơn, nhưng người suy tim
dù ngồi nghỉ cũng thấy tim đập dồn dập. Tại sao tim bị suy lại đập nhanh chứ
không đập chậm?
Thật ra thì tim đập nhanh là một phản ứng bù trừ có lợi cho bệnh nhân, vì đập
nhanh tức là tăng được lưu lượng máu đến các tế bào, bù được chỗ giảm sút do
sức bóp yếu. Nhưng nếu nhanh quá đáng thì phần bất lợi sẽ nhiều hơn, vì một là
quả tim phải đòi hỏi nhiều oxy hơn trong khi cung cấp oxy đang khó khăn, hai là
tim nhanh quá sẽ không đủ thì giờ nhận đầy máu nên mỗi nhát bóp chỉ đẩy được ít
máu thôi.
Nhất là tim không những nhanh mà lại còn loạn nhịp hoàn toàn (rung nhĩ), thì cái
hại lại càng lớn, vì tâm nhĩ bị tung, không đẩy được máu xuống tâm thất, lượng
máu tâm thất đẩy đi trong mỗi nhát bóp lại càng ít nữa.
11. Mỏi mệt, yếu cơ:
Mệt mỏi, yếu cơ cũng là triệu chứng hay gặp. Người suy tim chỉ đi lại hoặc làm
việc gì một chút là mệt mỏi. Một phần là mệt vì khó thở như đã nói ở trên, một
phần các cơ chóng mỏi vì máu đến ít quá, oxy không đủ cung cấp cho các cơ.
12. Đau vùng gan (ở bụng trên bên phải):
Ít gặp hơn, chỉ khi nào gan bị ứ huyết to ra đột ngột, bệnh nhân mới đau. Còn phần
nhiều gan ứ huyết to ra dần dần, vỏ xơ ở bên ngoài gan cũng giãn ra dần dần, đau
không rõ rệt mà chỉ thấy nặng bụng vùng dưới mạng sườn phải.

×