Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Hiểu thêm về nhà văn Nguyễn Thành Long_2 pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (135.78 KB, 9 trang )

Hiểu thêm về nhà văn Nguyễn Thành Long

Có lẽ những chi tiết này càng cắt nghĩa rõ thêm về sự hấp dẫn của
Nguyễn Thành Long đối với một số anh em viết trẻ những năm đầu
chống Mỹ mà trên kia tôi vừa nhắc tới. Trong căn phòng chật hẹp của
Nguyễn Thành Long lúc ấy, thỉnh thoảng đến chơi, tôi thường gặp
Chính Yên, Huy Phương, Trần Đĩnh, về sau là Ngô Quân Miện và một
vài người khác. Ngoài những mảnh vụn thời sự trong nước quốc tế, cùng
những “chuyện làng chuyện xóm” lặt vặt vơ vẩn xảy ra hàng ngày trong
giới cầm bút, tôi thấy đặc biệt ở nhóm bạn của Nguyễn Thành Long có
một loại chuyện khác. Những cuốn sách tiếng Pháp (thường là loại sách
bỏ túi) mà Hội Nhà văn được biếu, các số Lettre Francaise, Europe,
Lettres Sovietique, Revue Roumanie về đều đều được các anh truyền
tay, kèm theo những nhận xét như của người trong cuộc:

- Thế mới biết đảng Pháp họ quý một nhà văn ngoài đảng như thế nào.
Elsa Triolet chết mà L’humanité viền đen cả mấy số liền.

- Bản dịch Con người năm tháng cuộc đời của Ehrenburg vừa được nhà
Gallimard cho in. Khối chuyện được xới ra, bây giờ mọi người mới thấy
có lý. Về già mà Ehrenburg còn bợm thật. Người ta bảo đọc xong cuốn
hồi ký này, tự nhiên không ai muốn giở lại tiểu thuyết của ông ta nữa.

- Cái tay Kataev cũng lạ. Hồi ký gì mà như đánh đố, vừa thật vừa giả.
Nhưng mà một cuộc đời như thế thì phong phú thật. Hình như Elsa
Triolet có nói ở đâu đó rằng vì Kataev mà Maiakovski tự tử đấy.

- Chỉ là giọt nước cuối cùng thôi.

- Nói xuôi nói ngược gì cũng cần sự thật. Chính tôi thích hơn cả, lại là
cách viết trần trụi của Malaparte. La Peau mới thật là khinh bạc cay


đắng mà lại quý phái chứ.

Giờ đây, hơn hai chục năm đã qua đi, tôi cũng nhớ không thật rõ tất cả
những chuyện lặt vặt nói trên, tôi nghe từ miệng ai nói ra và nội dung có
đúng là thế không. Nhưng cái này, thì xin bảo đảm chắc chắn: không khí
bạn bè ở chỗ Nguyễn Thành Long, là một không khí trí thức. Các anh
vừa sống, vừa viết, vừa quan tâm tới một đời sống văn hoá khác, mà các
anh yêu mến và sống hết lòng. Lúc đang say chuyện thỉnh thoảng các
anh chêm vào một vài câu tiếng Pháp. Tôi không hiểu được những câu
nói ấy, nhưng nhìn nét mặt của các anh, biết rằng phải làm thế, người
nói mới diễn tả được hết ý nghĩ của mình, và nỗi sung sướng đang đến
trong lòng mình. Từ câu chuyện nghe lỏm được qua miệng những Chính
Yên, Trần Đĩnh, Huy Phương, Nguyễn Thành Long, tôi bỗng cảm thấy
cái đời sống văn học mình đang có phần can dự, như được kéo dài ra,
nối mãi vào cả cái khu vực bao la huyền diệu, là toàn bộ đời sống văn
học thế giới hiện đại. Đôi lúc, có cảm tưởng rằng những quyển sách mà
tôi chỉ ngắm nhìn, những tác giả mà tôi chỉ nghe tên cũng như đang sống
đâu đây, họ cùng gợi nên những vui buồn yêu ghét trong lòng tôi, như
những Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Khải, Tô
Hoài mà tôi hằng gặp.

Cũng phải nói thêm rằng, bên cạnh Nguyễn Thành Long viết truyện
ngắn, Nguyễn Thành Long làm báo và làm xuất bản, trong tôi còn một
Nguyễn Thành Long dịch giả, đúng hơn là một Nguyễn Thành Long tiếp
cận những tìm tòi mới trong văn xuôi hiện đại. ý tôi muốn nói tới cuốn
Roméo Juliet và bóng tối của nhà văn Tiệp Khắc Jan Otchenasek do anh
dịch ra tiếng Việt. Đấy là một thể nghiệm nhằm sử dụng những tìm tòi
của các bậc thầy văn xuôi hiện đại như M. Proust, James Joyce vào việc
biểu hiện những nội dung hiện thực và cách mạng. Không nghi ngờ gì
nữa, đó cũng là điều băn khoăn thường xuyên của Nguyễn Thành Long.

Nhiều anh em trong nghề biết rằng một vài thủ pháp kỹ thuật mới của
văn xuôi đã được áp dụng dè dặt trong các truyện ngắn loại như Con trai
con gái cụ Hồ (in lại ở Giữa trong xanh). Trong đời sống văn học ở Hà
Nội từ 1975 về trước, những tìm tòi loại đó âm thầm bé nhỏ, không đáng
kể gì hết. Song, với típ người cầm bút như Nguyễn Thành Long thì nó là
cả một nhu cầu nội tại, kể cả nhiều khi biết rằng đeo đẳng chỉ thêm
phiền, người ta vẫn không từ bỏ nổi!


VI

Tai hoạ như trẻ con trên mặt đất

Người ta rồi ai cũng có thôi

Anh nói điều ấy thật thản nhiên

Mắt đăm đắm nhìn chiều xuống

Mấy câu thơ ấy là do Bằng Việt dịch của Eluard. Không hiểu sao chúng
cứ trở đi trở lại trong đầu óc tôi, mỗi khi nghĩ đến những người căn bản
là lành, căn bản là tốt, mà thỉnh thoảng lại cứ gặp phải những tai nạn
nghề nghiệp nho nhỏ, như Nguyễn Thành Long. Hình như nghề này quá
khó và những người vụng về thì quá nhiều, cho nên đành tự an ủi là “rồi
ai cũng có thôi”, vật vã thắc mắc phân tích rạch ròi làm chi cho mệt!

Khoảng 1956, 57, sau khi cho in những bút ký có được tiếng vang nào
đó hồi ấy, như Hướng Điền, như Gió bấc gió nồm, tự nhiên Nguyễn
Thành Long lại mắc vào vụ Một trò chơi nguy hiểm. Những năm đầu
chống Mỹ, bên cạnh Tờ hoa, Tình rừng của Nguyễn Tuân, Cái gốc của

anh cũng trở thành một đối tượng để phê phán. Khi những vụ việc này
xảy ra, tôi còn quá nhỏ (vụ trước) hoặc quá non nớt trong nghề (vụ sau),
nên không thật rõ mọi chuyện ra sao. Tuy nhiên những năm có dịp gần
Nguyễn Thành Long về sau tôi cứ có cảm tưởng những chuyện tưởng
như đã qua ấy vẫn còn vướng vất trong anh. Anh trở nên thận trọng giữ
gìn hơn trong suy nghĩ, khép nép hơn trong quan hệ với mọi người. Lại
có lúc anh sinh ra hay ngờ vực và dễ hùa theo chung quanh trong cách
đánh giá, dù là một cách hùa theo kín đáo. Thậm chí tôi cảm thấy ở
Nguyễn Thành Long còn nảy sinh nỗi nghi ngờ chính mình. Đã có một
con người khác xuất hiện để theo dõi và kiểm tra con người hàng ngày
của anh, khiến anh trở nên có chút gì như là nghiệt ngã nữa. Có điều, dù
phức tạp đến đâu, thì tất cả những chuyện ấy chỉ là chuyện nổi lên trên
bề mặt. Ở phần sâu sắc của tâm hồn, có thể nhận ra một Nguyễn Thành
Long giản dị hơn. Anh hơi ngơ ngác, không hiểu sao mọi việc lại diễn ra
như thế! Nhất là anh cảm thấy đơn độc vô hạn. Mang tâm thế “kinh cung
chi điểu”, có những vụ việc do người khác gây ra tội vạ đổ lên đầu ai ai
kia, song chính anh cứ vận vào mình, cứ ngấm ngầm đau đớn xót xa hộ.
Và cứ mang máng cảm thấy rồi lại “cháy thành vạ lây” không biết
chừng! Mặc cảm chăng? Nhạy cảm quá chăng? Nói thế nào cũng được,
chỉ biết là những lúc ấy, không nên hỏi Nguyễn Thành Long mà nên để
anh một mình với mình. Từ nhà riêng bên phố Dã Tượng, sang cơ quan
của Hội bên đường Nguyễn Du, Nguyễn Thành Long thường đi bộ qua
một quãng vắng đường Trần Bình Trọng, phía cạnh cung Văn hoá Việt-
Xô. Mùa hè một áo sơ mi cộc tay, mùa đông một cái áo bông tầu cũ kỹ -
sau là một cái áo vỏ ngoài bằng ni lông màu tím than - Nguyễn Thành
Long gần như một mình trên đường, đầu cúi xuống, bước thật chậm như
chìm đắm vào những suy tưởng riêng tư. Thường nhìn thấy anh trên
đoạn đường ấy, đang đi xe đạp, tôi vội phóng qua thật nhanh, không
phải chỉ vì không muốn phá đi dòng suy tưởng của anh, mà là một tình
cảm lẫn lộn, vừa sợ hãi vừa kính phục chợt đến với tôi – sợ vì thấy cái

nghề của mình nặng nề quá, và kính phục vì trong nghề đã có những
ngòi bút như Nguyễn Thành Long những người đang căng đôi vai ra để
chịu đựng, và vẫn hăm hở đi tiếp. Hoá ra, trước mắt tôi, vẫn là một nhà
văn do tâm huyết mà thành đau khổ. Lại nhớ một câu của Ehrenburg khi
nói về mình (đại ý): “Bề ngoài, tôi trông u ám, nhưng bên trong, thật ra
là một người nông nổi, nhẹ dạ”. Trong số những người rất khớp với mẫu
hình kiểu ấy, ắt hẳn có Nguyễn Thành Long!


VII

Thông thường, tôi không thuộc diện được Nguyễn Thành Long tặng
sách khi có sách mới in. Nhưng đến cuối 1985, cùng lúc anh cho tôi hai
cuốn Giữa trong xanh và Sớm mai nào xế chiều nào. Cuốn thứ hai tôi
không để ý lắm vì là sách mới viết. Nhưng cuốn thứ nhất thì khác: đây là
một tập hợp những thành quả tự Nguyễn Thành Long coi là đắc ý nhất
trong đời viết của mình, một thứ tuyển tập “bốn mươi năm”, như anh lưu
ý trong lời đề tặng tôi. Qua trao đổi chuyện trò, tuy tác giả không nói ra
trực tiếp, nhưng dễ dàng đọc được cái ý anh muốn tôi viết về nó. Tôi
chấp nhận sự thách thức này, mặc dù biết đó là một việc khó.

Ít lâu sau, tôi mang tới Nguyễn Thành Long một bài viết, ở đó bên cạnh
những lời ca ngợi tài năng nghị lực của anh trong việc thực hiện những
yêu cầu cách mạng đặt ra đối với văn học, không quên lưu ý nhiều khi
ngòi bút Nguyễn Thành Long gò gẫm thiếu tự nhiên. Thậm chí ở một
đoạn tôi còn viết: “Mặc dù mở rộng lòng đón lấy mọi diễn biến của đời
sống, song rút cuộc tác giả vẫn không tránh khỏi trở đi trở lại với những
ý tưởng đã thành khuôn khổ, và sự chăm chú đều đều tới công việc lại
dẫn tới một tình trạng đơn điệu”. Tháng 8-1986, khi bài báo được in ra
trên một số báo Văn nghệ, đọc lại cả bài, tôi không khỏi băn khoăn tự

hỏi không biết với một cuốn sách mang tính cách tuyển tập, mình viết
vậy, có làm anh Long buồn không. Nhưng tôi vẫn nhớ là lúc cầm bản
viết tay của tôi, tác giả Giữa trong xanh có một thái độ khá bình thản.
Anh chỉ bảo sau cái ý “trở đi trở lại với những ý tưởng đã thành khuôn
khổ”, nên thêm vào một ý nhỏ, “dù là khuôn khổ của anh”. Chỉ có thế!
Chúng tôi chia tay nhau lặng lẽ, mỗi người không khỏi có chút tiếc xót
rằng đáng lẽ có thể làm cho người kia vui hơn, mà không làm được.

Vốn đã âm thầm buồn bã, cuộc đời riêng của Nguyễn Thành Long từ sau
1986, nghĩa là từ sau khi anh về hưu, lại càng quạnh hiu, trống trải. Về
sau cháu Hồng, con gái thứ hai của anh có kể lại, mấy năm ấy anh buồn
lắm vì Sớm mai nào xế chiều nào là quyển anh viết kỹ và rất hy vọng là
có dư luận, song, vẫn rơi vào im lặng, nên anh không muốn viết truyện
nữa. Nghe nói Nguyễn Thành Long loay hoay làm ít trang hồi ký hoặc
xoay vào việc gì nữa, nhưng đều dang dở. Một cuộc đời vất vả như thế,
hậm hụi như thế, nhận thức lại được, viết lại được cho thanh thoát đâu
có phải dễ! Nhà văn ý Moravia từng đặt cho một tập truyện ngắn của
mình cái tựa Một cuộc đời khác, ý muốn nói là thường mỗi chúng ta đều
luôn luôn bị ám ảnh bởi cái ý nghĩ lẽ ra, chúng ta phải sống khác mà sao
không thể sống nổi. Tôi nhớ là khi nghe tôi nói điều ấy, Nguyễn Thành
Long có một thoáng như hơi sững ra! Đang cầm chén nước, cánh tay
gày guộc với lớp da rất nhiều vết mồi của anh chợt run run thêm, cặp
mắt sáng lên phút chốc, nhưng rồi lại cụp xuống tăm tối. Một niềm thất
vọng nào đó đang dâng lên trong anh? Hay một sự nuối tiếc? Hay một
nỗi xót xa, xót cho mình là không làm được hết những điều muốn làm,
nói chung là bây giờ đã muộn rồi, không thể có một cuộc đời khác? Tôi
không rõ cảm giác nào là chính. Nhưng tôi nghĩ rằng trong những ngày
cuối đời Nguyễn Thành Long đã sống với tất cả những cảm giác đó.

Bởi vậy, ít lâu sau trên báo Lao động tôi mạnh dạn nói rõ thêm:


“Trong cuộc đời này thiếu chi người mong thành nhà văn mà không
thành. May mắn hơn họ – hay là rủi ro hơn họ, nói thế cho công bằng –
có một số người suốt đời ăn chịu với nghề, sống là nhà văn và chết với
tư cách nhà văn. Nhưng có bao giờ một ngòi bút chân chính thực sự yên
lòng với mình? Ngoài những trang đã viết ra, cái di chúc lớn khác mà
một nhà văn chân chính để lại thường là nỗi khắc khoải vì biết rằng còn
bao công việc đáng lẽ phải làm, nhất là đáng lẽ mình phải viết khác kia
mà tự khác đi làm sao nổi. Nguyễn Thành Long là một nhà văn chân
chính với nghĩa ấy”.

Ấy là những dòng tôi viết, để vĩnh biệt anh.

Không biết có chủ quan không, nhưng tôi nghĩ lần này, tôi đã nói hộ
được một phần ý nghĩ của chính Nguyễn Thành Long.

×