Tải bản đầy đủ (.pdf) (19 trang)

SUY GIẢM MIỄN DỊCH ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (191.24 KB, 19 trang )

SUY GIẢM MIỄN DỊCH

I. Ðịnh nghĩa
Suy giảm miễn dịch là một trạng thái mà trong đó cơ thể không sinh
được đáp ứng miễn dịch hoặc chỉ sinh được một đáp ứng miễn dịch yếu không thể
đáp ứng được với yêu cầu của cuộc sống bình thường. Cụ thể là không chống lại
được các vi sinh vật gây bệnh, hậu quả là cơ thể dễ bị nhiễm trùng nặng, đi đến tử
vong.
Nguyên nhân của suy giảm miễn dịch có thể do bẩm sinh (suy giảm miễn
dịch tiên phát) hoặc mắc phải (suy giảm miễn dịch thứ phát), làm cho các loại tế
bào có thẩm quyền miễn dịch không còn khả năng phản ứng với các kháng nguyên
nữa.
II. Suy giảm miễn dịch tiên phát
1. Định nghĩa
Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay tiên phát xảy ra do những bất thường
mang tính di truyền ở trên bất kỳ một yếu tố nào của hệ thống miễn dịch như các
lympho bào, các đại thực bào và các yếu tố của bổ thể.
2. Phân loại
- Suy giảm tiên phát ngay từ tế bào gốc chung cho cả 2 dòng tế bào lympho
B và T nên được gọi là suy giảm miễn dịch nặng phối hợp (sevre combined
immunodeficiency-SCID).
- Suy giảm tiên phát dòng tế bào lympho T với sự phân biệt: bệnh do tổn
thương ở giai đoạn sớm làm cho tế bào lympho T không trưởng thành, không biệt
hóa được (bệnh Di George) và bệnh do rối loạn hoạt hóa của các tế bào lympho T
đã trưởng thành.
- Suy giảm tiên phát dòng tế bào lympho B với sự phân biệt: bệnh do tổn
thương ở giai đoạn sớm (bệnh Bruton) và bệnh của quá trình biệt hóa khi có rối
loạn tổng hợp các kháng thể.
- Suy giảm tiên phát dòng tế bào thực bào và sự tổng hợp bổ thể
3. Một số bệnh suy giảm miễn dịch tiên phát tiêu biểu
3.1. Suy giảm miễn dịch nặng phối hợp - SCID


3.1.1. Mô tả
Đây là một nhóm gồm nhiều bệnh phức tạp do có bất thường trong sự phát
triển từ các tế bào gốc dòng lympho hay bất thường ở các giai đoạn sớm của quá
trình biệt hóa thành tiền tế bào lympho T và tiền tế bào lympho B. Đặc trưng của
bệnh là giảm nặng về số lượng cả tế bào lympho lẫn số lượng kháng thể dịch thể.
3.1.2. Bệnh sinh
Hiện nay, người ta phân biệt được 2 thể SCID chính: SCID di truyền liên kết
với nhiễm sắc thể giới tính và SCID liên kết với nhiễm sắc thể thường. SCID xuất
hiện ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái (tỷ lệ 3/1) do có hơn 50% trường hợp di truyền qua
1 gen duy nhất nằm trên nhiễm sắc thể X. Những trường hợp còn lại chịu sự kiểm
soát của các gen lặn nằm trên các nhiễm sắc thể thường. Do đó, cơ chế bệnh sinh
có thể do tổn thương bẩm sinh ở nhiều khâu khác nhau trong quá trình biệt hóa tế
bào.
3.1.3. Lâm sàng
Vào các tháng đầu tiên ngay sau khi sinh, trẻ xuất hiện từng đợt viêm tai,
viêm phổi, ỉa chảy, nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu. Lúc đầu trẻ lớn bình
thường, nhưng khi đã có biểu hiện ỉa chảy hoặc nhiễm trùng thì trẻ sẽ bị còi cọc
nhanh. Nhiễm trùng thường do các vi sinh vật cơ hội như Canđia albicans, thủy
đậu, sởi, virus hợp bào và cả BCG. Các nhiễm trùng nầy là nguyên nhân chính dẫn
đến tử vong, ít có trẻ nào sống qua năm thứ 2.
3.1.4. Miễn dịch
Các biểu hiện suy giảm miễn dịch của bệnh là:
- Giảm số lượng các tế bào lympho.
- Không có đáp ứng kiểu quá mẫn chậm.
- Không có đáp ứng thải bỏ mô ghép.
- Nồng độ các globulin miễn dịch giảm và không có khả năng tạo kháng
thể khi kích thích bằng kháng nguyên.
- Tuyến ức thường rất nhỏ (<1g) chứa rất ít tế bào lympho, không phân
biệt được ranh giới giữa vùng vỏ và vùng tủy.
- Hạch lympho thưa thớt các nang lympho và tế bào. Hạch hạnh nhân, mảng Peyer

rất nhỏ hoặc không có.
3.1.5. Hướng điều trị
Điều trị bằng ghép tủy hoặc tế bào gốc, liệu pháp bù đắp Ig hoặc xử lý gen
cho bào thai vì hiện nay việc chẩn đoán bệnh trước khi sinh là việc hoàn toàn có
thể thực hiện được.
3.2. Suy giảm miễn dịch tiên phát dòng tế bào lympho T (Hội chứng Di George)
3.2.1. Mô tả
Trẻ mắc hội chứng nầy không có hoặc có rất ít tế bào lympho T trong máu,
trong hạch và lách (lách và hạch vẫn có các trung tâm mầm và tương bào). Nồng
độ Ig trong máu vẫn bình thường, đáp ứng tạo kháng thể sơ phát với kháng nguyên
vẫn xảy ra nhưng đáp ứng thứ phát thì không xảy ra. Trẻ không có biểu hiện của
các phản ứng quá mẫn chậm. Mổ tử thi không thấy có tuyến ức.
3.2.2. Bệnh sinh
Hội chứng Di George hình như không phải là một bệnh di truyền mà chỉ là
một tật bẩm sinh. Nguyên nhân của hội chứng là do rối loạn hình thành các túi
thanh quản số 3 và số 4 trong giai đoạn sớm (khoảng tuần thứ 5, thứ 6) của sự phát
triển bào thai, dẫn đến thiểu sản hoặc bất sản tuyến giáp, tuyến cận giáp. Ngoài ra
bệnh nhân còn có biểu hiện khuyết tật các cấu trúc được hình thành trong cùng
giai đoạn nầy gồm các dị tật bẩm sinh của mạch máu, hẹp hoặc chít thực quản,
thông liên nhĩ hoặc liên thất,
3.2.3. Lâm sàng
Biểu hiện gợi ý cho chẩn đoán hội chứng là các cơn thiếu hụt can xi khi trẻ
mới đẻ. Xuất hiện ở cả trẻ nam lẫn nữ, một số ít trường hợp gặp ở nhiều trẻ trong
cùng một gia đình. Một số trẻ có tổn thương nhẹ và chúng lớn lên bình thường
(hội chứng Di George một phần). Nhưng đa số trẻ bị hội chứng toàn bộ nên rất dễ
bị tử vong vì bệnh nhiễm trùng do các vi sinh vật cơ hội gây ra. Điển hình nhất là
nhiễm Candida albicans ở lưỡi và da, ngoài ra còn bị viêm phổi do một loại đơn
bào Pneumocystis carinii và các bệnh do vi rut rất nguy kịch.
3.2.4. Miễn dịch
Nét đặc trưng về phương diện suy giảm miễn dịch của hội chứng này là:

- Nồng độ globulin miễn dịch toàn bộ trong huyết thanh gần như bình thường
nhưng có giảm IgA và tăng IgE.
- Tỷ lệ tế bào lympho T giảm và có tăng tương đối tỷ lệ tế bào lympho B.
Tuy vậy, tỷ lệ tế bào T hỗ trợ và T ức chế vẫn bình thường.
- Phản ứng chuyển dạng tế bào lympho cũng như phản ứng quá mẫn chậm bị
thay đổi tùy theo mức độ tổn thương tuyến ức. Nếu tuyến ức vẫn còn thì vẫn thấy
tiểu thể Hassall, mật độ tế bào tuyến ức vẫn bình thường, vẫn phân biệt được vùng
vỏ và vùng tủy của tuyến.
- Các nang lympho trong hạch bình thường nhưng vùng phụ thuộc tuyến ức
của hạch và lách bị thay đổi (thưa thớt tế bào lympho).
3.2.5. Hướng điều trị: ghép tuyến ức bào thai.
3.3. Suy giảm miễn dịch tiên phát dòng tế bào lympho B (bệnh Bruton)
3.3.1. Mô tả
Bệnh xuất hiện ở trẻ nam, trong máu, tủy xương, lách, hạch không có các tế
bào lympho B và tương bào. Huyết thanh không phát hiện được các Ig, do vậy còn
có tên gọi khác là bệnh vô gamma globulin huyết bẩm sinh có liên quan với giới
tính nam.
3.3.2. Bệnh sinh
Là một bệnh di truyền, gen bị tổn thương nằm trên đoạn gần nhánh dài của
nhiễm sắc thể X. Trên đa số bệnh nhân, tế bào lympho B hoàn toàn vắng mặt
nhưng tế bào lympho T vẫn bình thường, thậm chí còn tăng. Không thấy tương
bào trong tủy xương và các cơ quan khác. Điều nầy cho thấy có một sự thiếu hụt
"vi môi trường" cần thiết cho sự hình thành các tế bào lympho B nhưng cơ chế thì
chưa rõ.
3.3.3. Lâm sàng
Nhờ có IgG của mẹ truyền qua nên trong 6-9 tháng đầu trẻ phát triển bình
thường. Sau thời gian nầy trẻ hay bị nhiễm trùng (thường là nhiễm các vi khuẩn
ngoại bào, gây sốt như phế cầu, liên cầu, Haemophilus, ): viêm tai giữa, viêm
phổi, viêm da mủ và có thể bị viêm não-màng não do Echovirus. Trái lại, các bệnh
như nấm, ký sinh trùng, vi rut, các vi khuẩn nội bào thì mức độ cảm nhiễm vẫn

như người bình thường. Mặc dù bị nhiễm trùng mạn tính nhưng đứa trẻ vẫn lớn
lên bình thường ngoại trừ một số trường hợp nặng.
3.3.4. Miễn dịch
- Số lượng tế bào lympho T toàn bộ thường tăng nhưng tỷ lệ các tiểu
quần thể tế bào lympho T vẫn bình thường ở phần lớn bệnh nhân.
- Không có hoặc có rất ít tế bào lympho B có SIg mặc dù trong tủy xương
số lượng các tế bào lympho tiền B vẫn bình thường.
- Không thấy tương bào nên không phát hiện được IgM, IgA, IgD, IgE.
Nồng độ IgG chỉ khoảng dưới 50mg%. Khi tiêm kháng nguyên đặc hiệu không
gây được đáp ứng miễn dịch dịch thể đặc hiệu.
- Hạch hạnh nhân không có tế bào lympho B bị teo nhỏ (bình thường có rất
nhiều tế bào B tại đây, dấu hiệu chẩn đoán quan trọng)
3.3.5. Hướng điều trị
Tiêm globulin gamma tinh chế có thể tránh được các nhiễm trùng sinh mủ.
3.4. Suy giảm miễn dịch tiên phát dòng tế bào thực bào và bổ thể
3.4.1 Suy giảm miễn dịch do tế bào thực bào
Suy giảm chức năng miễn dịch do tế bào thực bào có thể phân thành 2 nhóm:
- Do thiếu sản xuất bạch cầu (giảm bạch cầu hạt trung tính di truyền),
- Do mất chức năng thực bào như tế bào thực bào không phản ứng với
chất hóa hướng động (hội chứng Chediak-Higashi-Steibrrink), tế bào thực bào
không tiêu hóa được vi khuẩn sau khi đã thực bào do không tạo ra được peroxyde,
gốc anion superoxyde và các oxy đơn bội (bệnh u hạt mạn tính ở trẻ con) .
Điều trị hiện nay chủ yếu dựa vào kháng sinh.
3.4.2. Suy giảm miễn dịch do bổ thể
Các bệnh gây thiếu hụt yếu tố bổ thể trong máu đều có tính di truyền. Điểm đáng
lưu ý là thiếu hụt C3 thường hay mắc các bệnh nhiễm trùng giống như trường hợp
thiếu hụt kháng thể. Ngược lại, thiếu hụt các yếu tố từ C5 đến C9 lại hay bị viêm
màng não do não mô cầu và các bệnh do lậu cầu. Thiếu hụt C2 thấy phổ biến hơn
cả (khoảng 1% dân số bị thiếu hụt C2 dị hợp tử).
III. Suy giảm miễn dịch thứ phát

1. Suy giảm miễn dịch thứ phát do suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng do thiếu ăn, đặc biệt là các trường hợp thiếu protein-calo
thường đi kèm với các bệnh nhiễm trùng, đây là một vấn nạn ở các nước nghèo.
Những nghiên cứu về khả năng đáp ứng miễn dịch của trẻ bị suy dinh dưỡng
protein -calo, nhất là ở giai đoạn cuối cho thấy suy giảm cả đáp ứng miễn dịch
dịch thể lẫn miễn dịch tế bào. Cụ thể: da mỏng, dễ nứt (do vậy dễ nhiễm các vi
sinh vật ngoài da), độ acid dịch vị giảm (dễ nhiễm phẩy khuẩn tả), nồng độ IgA
tiết ở các dịch tiết giảm, nồng độ IgG, IgM, IgE huyết thanh bình thường nhưng
đáp ứng tạo kháng thể đặc hiệu với các vaccin giảm, bổ thể toàn phần giảm, khả
năng tạo interferon giảm, chức năng của các tế bào thực bào giảm, giảm tỷ lệ
lympho T và giảm phản ứng da kiểu tuberculin.
Thiểu dưỡng các vitamin và nguyên tố vi lượng tuy ít gặp hơn nhưng cũng có thể
gây thiểu năng miễn dịch. Đáng chú ý là các trường hợp thiếu vitamin A, thiếu
acid folic, sắt và kẽm (thiếu kẽm thường kèm theo thiểu sản tuyến ức ở trẻ con).
Suy dưỡng tạo điều kiện thuận lợi cho sự nhiễm trùng và ngược lại, nhiễm
trùng lại dẫn đến hậu quả biếng ăn, kém hấp thu, rối loạn chuyển hóa, rối loạn điều
hòa năng lượng dẫn đến suy kiệt. Đôi khi không thể phân biệt được đâu là nguyên
nhân và đâu là hậu quả.
2. Suy giảm miễn dịch thứ phát do thuốc
2.1. Các steroid
Gồm glucocorticoid và các dẫn xuất của no,ï có tác dụng ức chế miễn dịch.
Cơ chế tác dụng rất đa dạng nhưng chủ yếu là tác dụng lên đại thực bào làm giảm
cả về số lượng lẫn khả năng thực bào của các tế bào nầy. Các corticoid cũng ức
chế trực tiếp các tế bào lympho, phong bế quá trùnh tổng hợp IL-2 là chất có tác
dụng tăng cường hoạt động lên các tế bào NK và tế bào lympho Tc. Corticoid còn
làm giảm bạch cầu hạt ái toan, làm tăng bạch cầu hạt trung tính, giảm sự mất hạt
của các tế bào bạch cầu hạt ái kiềm và làm giảm bổ thể trong máu.
2.2. Các thuốc khác
2.2.1. Các thuốc chống chuyển hóa
Thuốc chống chuyển hóa như 6-mercaptopurin, dẫn xuất thường được dùng

nhất là azathioprin (Imurel). Cơ chế tác dụng của nó là ức chế enzym xúc tác
chuyển đổi axit inosinic thành axit adenylic tiền thân của guanin và adenin nên có
tác dụng ức chế sự phân bào. Azathioprin tác dụng chủ yếu trên tế bào lympho T
nhưng cũng tác dụng lên cả tế bào gốc tạo máu nữa.
Methotrexat cũng là một thuốc chống chuyển hóa nhưng có tác dụng phong bế sự
tổng hợp acid folic bằng cách ức chế dihydro-folat reductase xúc tác việc chuyển
axit dihydrofolic thành acid tetrahydrofolic, do đó phong bế sinh tổng hợp DNA
và sự sinh sản tế bào.
2.2.2. Các chất alkyl hóa
Các chất alkyl hóa khi gắn với guanin của DNA thì tạo nên sự bắt chéo các
chuỗi rồi gây ra sự thoái hóa của chúng, các tế bào phân chia sẽ bị ngừng ở thời kỳ
tiền phân bào. Chất alkyl hóa có tác dụng mạnh trên tế bào lympho B nhiều hơn.
Chất thường được dùng là cyclophosphamid (Endoxan) có độc tính cao, chỉ định
điều trị ung thư. chlorambucil (Chloraminophen) ít độc hơn nhưng tác dụng cũng
kém hơn.
Hiện nay, việc sử dụng rộng rãi các thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch để
điều trị trong ghép và trong ung thư đã làm cho bệnh nhân dễ mắc các bệnh nhiễm
trùng, thậm chí do một số vi sinh vật vốn ít độc lực gây ra.
Trong điều trị chống viêm cũng có hiện tượng lạm dụng các steroid tổng hợp và
các thuốc chống viêm khác mà tác dụng gây suy giảm miễn dịch cũng là điều đáng
quan ngại.
3. Suy giảm miễn dịch thứ phát do các nguyên nhân khác
3.1. Bệnh ác tính
Các bệnh ác tính đặc biệt là các bệnh ác tính của tổ chức lympho cũng dẫn
đến suy giảm miễn dịch thứ phát.
Ngoài ra, các bệnh ác tính thường được điều trị bằng các thuốc chống
chuyển hóa (hoặc chất tạo nhóm alkyl) hoặc dùng biện pháp chiếu tia (cục bộ hoặc
toàn thân) để tiêu diệt tế bào ung thư và chính đó cũng lại là một nguyên nhân làm
cho chứng suy giảm miễn dịch trên bệnh nhân bị bệnh ác tính thêm nặng.
3.2. Nhiễm xạ

Các bức xạ ion hóa có tác dụng hủy hoại tế bào sống, đặc biệt là các tế bào
đang trong giai đoạn biệt hóa. Do đó, các tế bào miễn dịch rất nhạy cảm với bức
xạ ion hóa. Mức độ nhạy cảm của các tiểu quần thể tế bào lympho cũng khác
nhau, ví dụ tế bào lympho T ức chế nhạy cảm với bức xạ ion hóa hơn tế bào
lympho T hỗ trợ.
Biểu hiện của suy giảm miễn dịch thứ phát do nhiễm xạ phụ thuộc vào mức
độ nhiễm xạ và thời gian nhiễm xạ. Nếu nhẹ chỉ thấy biểu hiện giảm khả năng tạo
kháng thể sau khi tiêm vắc cin, trường hợp nặng sẽ có các biểu hiện vừa giảm khả
năng tạo kháng thể vừa có hiện tượng xuất hiện các tự kháng thể. Cơ chế của sự
xuất hiện các tự kháng thể là do tia xạ gây hủy hoại tổ chức giải phóng các thành
phần của tế bào vào máu kích thích hiện tượng sinh tự kháng thể. Mặt khác, do các
tế bào lympho T ức chế quá nhạy cảm với tia xạ nên sớm bị hủy hoại làm cho cơ
chế điều hòa miễn dịch bị rối loạn. Khi mức độ nhiễm xạ quá nặng thì sẽ gây suy
giảm cả miễn dịch dịch thể lẫn miễn dịch tế bào, hướng điều trị là dùng các thuốc
kích thích miễn dịch và ghép tủy.
3.3. Thai nghén
Hiện nay người ta cũng còn chưa hiểu biết đầy đủ về trạng thái miễn dịch
của thai phụ. Nhưng có thể thấy rằng trong thời gian mang thai, người mẹ thường
có một số biểu hiện suy giảm miễn dịch, đặc biệt là suy giảm miễn dịch tế bào.
Trong vùng sốt rét lưu hành, khi có thai người mẹ rất dễ bị sốt rét mặc dù trước đó
họ đã có đáp ứng miễn dịch chống sốt rét. Viêm gan do virus và viêm màng não
do Pneumococcus là những bệnh rất nguy hiểm trong thai kỳ.
4. Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS: Acquired immuno-
deficiency syndrome)
4.1. Đáp ứng miễn dịch trong nhiễm HIV
4.1.1. Đáp ứng miễn dịch dịch thể
Người nhiễm HIV thường có kháng thể chống gp 120 và gp 41 trong máu
với hiệu giá cao. Điều nầy cho thấy các phân tử gấy mẫn cảm mạnh nhất chính là
các glycoprotein của vỏ vi rut. Ngoài ra cũng còn xuất hiện một số kháng thể khác
như kháng thể chống p17, p24, Sự xuất hiện của các kháng thể trong máu là cơ

sở cho các test chẩn đoán nhiễm HIV bằng phương pháp huyết thanh học.
4.1.2. Đáp ứng miễn dịch tế bào
Ta biết lympho Th có 2 dưới lớp là Th1 và Th2. Dòng Th1 sản sinh ra IFN-g và
IL-2 tác động làm tăng đáp ứng miễn dịch tế bào. Dòng Th2 sản sinh IL-4, IL-5,
IL-6, và IL-10 tác động đến sự tăng trưởng của tế bào lympho B tức làm tăng đáp
ứng miễn dịch dịch thể. Hai dòng tế bào nầy tương tác điều hòa lẫn nhau: IFNg
làm giảm hoạt động của Th2, ngược lại IL-10 lại làm giảm hoạt động của Th1. Ở
bệnh nhân HIV+ tiến triển thành AIDS có giảm tế bào lympho T và IL-2, trong
khi tế bào lympho B lại tăng hoạt động do Th2 chiếm ưu thế hơn Th1. Ở bệnh
nhân HIV+ nhưng bệnh không chuyển nặng là do Th1 mạnh hơn Th2. Lý giải trên
đây của Mario Clerici được một số tác giả khác chấp nhận và đề ra chủ trương
dùng vắc xin chống HIV liều thấp để kích thích đáp ứng miễn dịch qua trung gian
tế bào.
4.2. Suy giảm miễn dịch trong nhiễm HIV
Tác động của HIV lên hệ thống miễn dịch phần lớn là do ái tính đặc biệt giữa
gp120 của vi rut đối với phân tử CD4 và CKR-5 có trên bề mặt các tế bào lympho
Th. Sự nhiễm nầy có thể dẫn đến sự dung giải các tế bào Th có CD4+ hoặc bất
hoạt chúng về mặt chức năng. Dù sao thì việc giảm sút hoạt động của các tế bào
Th rốt cuộc cũng sẽ làm giảm sút mọi hoạt động của đáp ứng miễn dịch.
4.2.1. Giảm số lượng tế bào TCD4+ do tác dụng trực tiếp
Có 3 cơ chế gây ly giải trực tiếp tế bào nầy:
- Do quá trình sinh sản của vi rut bên trong tế bào T đã làm tăng tính
thấm của màng do vi rut đâm chồi và/hay glycoprotein vỏ của nó ken vào màng
bào tương. Kết quả làm cho các ion và nước đi vào bên trong tế bào gây ly giải tế
bào do thẩm tích.
- Khi tế bào bị nhiễm, một lượng lớn DNA của vi rut nằm lại trong bào
tương mà không tích hợp vào trong bộ gen của tế bào và do đó có thể gây độc cho
tế bào. Ngay như một lượng lớn các mảnh tái sao chép mRNA của vi rut bên trong
tế bào cũng đã có thể gây rối loạn chức năng bình thường của tế bào rồi.
- Các sản phẩm của gen env như gp120 có thể gắn vào các phân tử CD4

mới hình thành ngay bên trong bào tương và liên kết nầy gây nguy hiểm cho tế
bào.
Đại thực bào có sức đề kháng mạnh với HIV và có ít phân tử CD4 hơn nên ít bị
nhiễm hơn tế bào CD4. Tuy nhiên, đại thực bào vẫn bị nhiễm qua cơ chế thực bào
hoặc qua thụ thể Fc nhưng do đại thực bào có thể mang vi rut mà không bị giết
nên chúng đã trở thành ổ chứa vi rut trong suốt quá trình mang bệnh. Thực vậy, số
lượng các đại thực bào có HIV vượt xa số lượng tế bào lympho TCD4+ bị nhiễm
trong mọi mô của bệnh nhân, kể cả trong phôi, trong mô não và mô lympho.
4.2.2. Giảm số lượng tế bào lympho TCD4+ do tác dụng gián tiếp
Ít nhất cũng có 3 cơ chế gián tiếp được đưa ra để giải thích cho sự sút giảm số
lượng các tế bào lympho T mặc dù chúng chưa bị nhiễm vi rut:
- HIV có thể ức chế sự trưởng thành của tế bào lympho TCD4+ bằng cách
ức chế sự tiết các cytokin cần thiết cho quá trình nầy. Ví dụ như IL-2.
- Những tế bào bị nhiễm HIV đã có biểu lộ gp 120 ở trên bề mặt thì có thể
kết hợp và hòa đồng với các tế bào lympho T lành khác hình thành hợp bào có đời
sôïng ngắn.
- Do cơ chế tự miễn:
+ Gp120 hòa tan từ các tế bào bị nhiễm có thể gắn với CD4 của tế bào
lành trong khi bệnh nhân lại có kháng thể kháng gp 120 nên sẽ dẫn đến hiện tượng
hủy diệt các tế bào lành theo cơ chế ADCC hoặc kết hợp bổ thể.
+ Xuất hiện các phản ứng chéo giữa protein của vi rut và protein của tế
bào. Ví dụ: phân tử gp 41 của vỏ vi rut có một phần tương đồng với vùng b1 của
phân tử MHCII trên tế bào T, vì vậy sẽ có phản ứng chéo giữa kháng thể kháng gp
41 với phân tử MHCII. Cũng tương tự như vậy, gp 120 có vùng tương tự với IL-2
và kháng thể kháng gp 120 sẽ phản ứng chéo với IL-2. (IL-2 là yếu tố sinh trưởng
tối cần của tế bào lympho T).
+ Khi gp120 gắn vào các tế bào lympho T chưa bị nhiễm qua CD4 sẽ
làm cho tế bào dễ bị tấn công bởi các tế bào lympho T gây độc (Tc).
Chức năng của tế bào TCD4+ ở người bệnh dù chưa bị nhiễm HIV nhưng đều có
những biểu hiện rối loạn chức năng. Ví dụ như giảm biểu lộ các thụ thể với IL-2,

bản thân tế bào cũng ít tiết IL-2 hơn nên tác dụng tự kích thích khi gặp kháng
nguyên cũng suy giảm. Hậu quả cũng sẽ có tác động tiêu cực đến các tế bào khác
như tế bào NK, tế bào lympho B hay tế bào Tc,
4.2.3. Rối loạn chức năng miễn dịch chung
Hiện tượng kết hợp giữa gp120 với các tế bào lympho TCD4+ ngoài những hệ
quả đã nêu trên đây có thể còn gây ra các rối loạn chức năng miễn dịch khác như
sau:
- Đối với tế bào lympho T: Sau khi CD4 gắn với gp 120 thì không
còn chức năng tương tác với các phân tử MHC trong quá trình trình diện kháng
nguyên. Cũng có thể do hiện tượng kết hợp nầy đã làm giảm sự biểu lộ các phân
tử khác trên bề mặt như CD3 hay ngay chính bản thân của CD4.
- Đối với tế bào lympho B: Thường thấy có hiện tượng hoạt hóa đa
clon dòng tế bào B. Cơ chế có thể do HIV hay gp 120 hoặc cũng có thể do nhiễm
vi rut Epstein-Barr (EBV) không kiểm soát nổi. Biểu hiện của rối loạn là gia tăng
một số lượng đáng kể các Ig trong máu mặc dù đáp ứng miễn dịch dịch thể đối với
kháng nguyên mới xâm nhập thì giảm, tình trạng nầy là do thiếu vắng sự hỗ trợ
của tế bào lympho Th.
- Đối với đại thực bào: Rối loạn biểu hiện với giảm hóa hướng động,
giảm sản xuất IL-1, giảm sản xuất các gốc tự do để tiêu diệt vi khuẩn, giảm cả khả
năng trình diện kháng nguyên. Cơ chế có thể là do giảm biểu lộ phân tử MHCII
tương tự như đã thấy trên tế bào TCD4+.
Chức năng của tế bào NK ở bệnh nhân bị AIDS cũng bị suy giảm có thể vì giảm
cytokin khích thích là IL-2.
4.2.4. Tổn thương thần kinh trung ương
Não là bộ phận hay bị xâm phạm trong nhiễm HIV. Có đến 66% bệnh
nhân AIDS bị sa sút trí tuệ gọi là bệnh não do AIDS, biểu hiện đặc trưng là mất trí
nhớ, các rối loạn tâm thần-thần kinh không đặc hiệu. Giả thiết là do các đại thực
bào trong não khi bị nhiễm đã tiết ra các cytokin gây độc cho các tế bào thần kinh
hoặc cản trở sự dẫn truyền thần kinh. Cũng có thể là do nhiễm trực tiếp ngay tại
các tế bào nội mô mạch não và các tế bào thần kinh.

Tóm lại, suy giảm miễn dịch là một trạng thái bệnh lý miễn dịch hay gặp
hơn là người ta tưởng.
Suy giảm miễn dịch bẩm sinh là bệnh hiếm, phần lớn do có đột biến tại các
gen mã cho các phân tử chủ yếu trong hệ thống miễn dịch.
Suy giảm miễn dịch mắc phải là một vấn đề lớn cho các nước đang phát
triển cần phải trông cậy vào sự tăng trưởng kinh tế kèm theo sự cải thiện môi
trường sống thì mới mong đối phó được. Các nước tiên tiến cũng vẫn có người bị
suy giảm miễn dịch do suy dinh dưỡng ở tầng lớp nghèo khổ, nhất là suy giảm
miễn dịch do áp dụng các biện pháp điều trị như chiếu tia xạ, do dùng thuốc ức
chế miễn dịch rộng rãi và do môi trường ô nhiễm.

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×