Tải bản đầy đủ (.pdf) (19 trang)

Cơ sở lập luận của bản Tuyên Ngôn Độc Lập pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (133.2 KB, 19 trang )

Cơ sở lập luận của bản Tuyên Ngôn Độc Lập
Có thể nói, học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh,
trước hết, là học tập cách viết và cách lập luận chặt chẽ qua từng
câu chữ, mỗi trang văn chính luận. Những văn bản: “Lời kêu gọi
toàn quốc kháng chiến”, “Tuyên truyền”, “Bản án chế độ thực dân
Pháp”, “Tuyên ngôn Độc lập” luôn là những áng văn mẫu mực về
phong cách ngôn ngữ ngắn gọn, chắc chắn, dễ hiểu, chính xác
và giàu cảm xúc.



Dù viết trong hoàn cảnh nào, và bằng thứ tiếng nào, văn chính
luận Việt nói chung, văn chính luận Chủ tịch Hồ Chí Minh nói
riêng, luôn luôn dựa hẳn trên hai nguyên lí: nguyên lí nhân đạo
chủ nghĩa và triết lí ái quốc chủ nghĩa. Trong cách trình bày,
người viết thiên về sự khẳng định chân lý theo sát với hai nguyên
lí trên. Sự khẳng định thường được trình bày hết sức rạch ròi
giữa cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu, cái cao thượng và cái
thấp hèn, điều chính nghĩa và điều phi nghĩa. Những sự khẳng
định có tính chất đối lập này được thể hiện một cách nhuần
nhuyễn, sắc sảo trong văn bản “Tuyên ngôn Độc lập”.

Tìm hiểu cách lập luận trong văn bản “Tuyên ngôn Độc lập”,
chúng ta có thể nhận ra: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng tất cả
những luận cứ sắc sảo nhất, đắt nhất cho cách lập luận của
mình, được thể hiện trong từng từ, từng câu, từng đoạn và toàn
bộ văn bản.
Lập luận thể hiện ở cấp độ toàn văn bản
Chúng ta đều biết, bản “Tuyên ngôn Độc lập” được Chủ tịch Hồ
Chí Minh viết “bằng văn xuôi hiện đại tiếng Việt, thuộc phong
cách ngôn ngữ chính luận, một loại văn mang tính chính thức xã


hội ở cấp Nhà nước - quốc gia, hoặc liên Nhà nước - liên quốc
gia, để nói rõ trước công chúng (trong và ngoài nước) về chính
kiến của mình trước những sự kiện lịch sử cực kỳ trọng đại”.
[Nguyễn Nguyên Trứ - Học tập cách viết của Hồ Chủ Tịch, Nxb
Giáo dục 1999, tr159].

Đọc toàn văn bản “Tuyên ngôn Độc lập”, chúng ta nhận thấy
phương pháp lập luận được Bác sử dụng trước hết, và quan
trọng nhất, là lập luận bằng phương thức so sánh, so sánh tương
đồng và so sánh tương phản những luận cứ, luận điểm trực tiếp
liên quan đến vấn đề muốn nói.
Trong bản “Tuyên ngôn Độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân
danh Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt có quyền hưởng
tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập.
Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực
lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập
ấy”. Đó là một kết luận quan trọng được rút ra từ những luận cứ
(lí lẽ) có tính lịch sử xác thực:
Luận cứ 1: Bản Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Mĩ: “Tất cả mọi
người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những
quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy,
có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Luận cứ 2: Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách
mạng Pháp năm 1789: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng và
quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền
lợi”.

Ở đây, xét về mục đích soạn thảo văn bản, bố cục là hình thức
nhưng cũng là nội dung; và trong bố cục của một loại hình văn

bản nào thì sự mở đầu lúc nào cũng quan trọng, cũng là kết quả
của những sự cân nhắc thuộc chiến lược ngôn hành. Mở đầu bản
“Tuyên ngôn Độc lập”, ngay trong đoạn mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã trích dẫn ngay hai nội dung quan trọng trong hai bản
Tuyên ngôn của Mĩ và Pháp làm luận cứ cho kết luận của mình.
Có thể nói rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng thủ pháp lập
luận “gậy ông đập lưng ông” vào ngòi bút của mình một cách sắc
sảo và hiệu quả. Trong tranh luận, để bác bỏ luận điệu của một
đối thủ nào đấy, không gì thú vị và đích đáng hơn là dùng lí lẽ của
chính đối thủ ấy. Sự bác bỏ lí lẽ của bọn xâm lược trước dư luận
thế giới của Chủ tịch Hồ Chí Minh là trường hợp như thế. Quan
hệ giữa đoạn mở đầu với đoạn tiếp theo trong bản “Tuyên ngôn
Độc lập” của Bác là quan hệ ngữ nghĩa đối lập: đối lập nội dung,
đối lập chữ nghĩa, đối lập về thái độ. Tất cả đã được diễn đạt
trang trọng, chặt chẽ, đanh thép, hùng hồn và xúc động. Điều này
được thể hiện:

Thứ nhất, đi từ một chân lý đã biết, đã được công nhận, suy ra
một chân lý tương tự, có chung logic bên trong, đó là cách lập
luận so sánh tương đồng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng khi
đem so sánh lời trích trong bản “Tuyên ngôn Độc lập 1776 của
Mĩ”, để đi đến kết luận: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả
các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng
có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Cái “suy rộng
ra” của Bác là cái được lấy từ chính cái luận cứ và lí lẽ: “Lời bất
hủ ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mĩ”,
nhưng đó lại là “sự bổ sung rất trí tuệ của Bác: với cuộc đời của
dân tộc mình và cuộc đời của biết bao dân tộc bị đoạ đày khác,
Bác đã đưa ra một sự bổ sung vĩ đại, góp phần xoá bỏ một vết
nhơ nhục nhã trong lịch sử loài người” [Nguyễn Nguyên Trứ,

1999; tr.160]. Ý kiến “suy rộng ra” ấy quả là “một đóng góp đầy ý
nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phong trào giải phóng
dân tộc trên thế giới” [Nguyễn Đăng Mạnh - Tuyển tập văn học,
Nxb. ĐHQGHN, 2006; tr.459].

Thứ hai, đối chiếu mặt trái ngược để làm nổi bật điều mình muốn
hướng tới là phương pháp lập luận so sánh tương phản mà Chủ
tịch Hồ Chí Minh sử dụng khi đối chiếu nội dung đoạn trích “Bản
Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp
năm 1789” cho kết luận hết sức thuyết phục: “Thế mà hơn 80
năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác
ái, đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng
trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Cơ sở lập luận của kết
luận trên được xây dựng bằng lí lẽ: “Đó là những lẽ phải không ai
chối cãi được”.

Rõ ràng, xét một cách hiển ngôn, tác giả “Tuyên ngôn Độc lập” đã
đánh giá lời trích dẫn Tuyên ngôn của nước Mĩ là “bất hủ” (nghĩa
là không khi nào cũ, không bao giờ mất), và lời trích dẫn Tuyên
ngôn của nước Pháp “là những lẽ phải không ai chối cãi được”
thể hiện rõ hành động chính trị, nhằm trả lời một đối một đối với
những lí lẽ của những người chống đối hoặc phòng xa nguy cơ
chống đối. Có thể nhận thấy, một mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh đề
cao tư tưởng chính trị chứa đựng trong những lời trích dẫn ấy
được ghi bằng chữ vàng trong lịch sử không chỉ của nước Mĩ,
nước Pháp mà cả toàn nhân loại; mặt khác Người lên án việc
xâm phạm, áp bức các dân tộc, chà đạp nhân quyền là phi pháp
lí và đạo lí, là phi văn hóa. Ở đây, chúng ta bắt gặp một cách nói,
cách viết vừa khéo léo, vừa kiên quyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khéo léo vì nó tỏ ra rất trân trọng những danh ngôn bất hủ của

người Pháp, người Mĩ; kiên quyết vì nhắc nhở họ đừng có phản
bội tổ tiên mình, đừng có làm vấy bùn lên lá cờ nhân đạo của
những cuộc cách mạng vĩ đại của nước Pháp, nước Mĩ, nếu nhất
định tiến quân xâm lược Việt Nam.

Hệ thống luận cứ, luận chứng và cơ sở lập luận của “Tuyên ngôn
Độc lập”:
Chúng ta đều biết, văn chính luận thuyết phục người ta bằng lí lẽ,
nếu đánh địch thì cũng đánh địch bằng lí lẽ. Lợi thế của nó là
những lí lẽ đanh thép, những lập luận chặt chẽ, những bằng
chứng không ai chối cãi được. Do vậy, trong văn chính luận, nếu
có dùng đến hình ảnh, có gợi đến tình cảm thì chẳng qua cũng
chỉ để phụ giúp thêm cho sự thuyết phục bằng lí lẽ mà thôi. Điều
này định hướng đúng đắn cho người nghe, người đọc khi tiếp
nhận văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” để chỉ ra cái hay, cái tài của
tác giả. Cách dùng từ ngữ (luận chứng), cách sắp xếp luận cứ (lí
lẽ) và mục đích, thái độ, tình cảm của người viết chính là những
cơ sở của những lập luận sắc sảo trong bản “Tuyên ngôn Độc
lập”. Khi tác giả soạn thảo bản “Tuyên ngôn Độc lập” đã hội tụ
đầy đủ 4 yếu tố bắt buộc của màn thuyết phục theo lý thuyết văn
bản đã nêu ở trên:

a) Cơ hội (thời cơ nói): Khi Bác Hồ đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”
thì ở miền Nam, thực dân Pháp nấp sau quân đội Anh (thay mặt
quân Đồng Minh vào giải giáp quân đội Nhật) đang tiến vào Đông
Dương, còn ở phía Bắc thì bọn Tù Tưởng, tay sai của đế quốc
Mĩ, đã trực sẵn ở biên giới. Đây là thời điểm lịch sử quan trọng
để Bác Hồ viết cho đồng bào cả nước và nhân dân thế giới nhằm
khẳng định nền Độc lập của nước nhà.
b) Lí lẽ (các luận cứ): Để khẳng định quyền Độc lập dân tộc của

nước nhà, và lên án tội ác của quân xâm lược, bản “Tuyên ngôn
Độc lập” đã dùng đến rất nhiều luận cứ, luận chứng (các lí lẽ) hết
sức thuyết phục:
- Nội dung Bản “Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Mĩ” là bất hủ.
- Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng
Pháp năm 1789. “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
- “Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.
- “Chúng thi hành những luật pháp dã man, ”.
- “Chúng lập nhà tù nhiều hơn trường học, ”.
- “ trong 5 năm chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật ”.
- “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt từ tay Nhật chứ không
phải từ tay Pháp” v.v

c) Tính biểu cảm của ngôn ngữ: Bác Hồ viết “Tuyên ngôn Độc
lập” với giọng văn chính luận hào hùng, lập luận sắc sảo, chặt
chẽ, ngắn gọn, chắc chắn, dễ hiểu, chính xác và giàu cảm xúc.
Điều này được thể hiện rõ trong văn bản qua: giọng điệu vừa
khéo léo vừa kiên quyết, lựa chọn từ ngữ chính xác, ngắn gọn,
súc tích nhưng hiệu quả. Khi nói về mình thì: “Chúng tôi trịnh
trọng tuyên bố với thế giới rằng”, “Dân ta đã đánh đổ các xiềng
xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt
Nam độc lập”, “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp
hơn tám mươi năm nay ”. Khi nói về địch thì: 13 lần sử dụng từ
chúng với những hành động được miêu tả khác nhau (chúng thi
hành dã man, chúng thẳng tay chém giết, chúng tắm các cuộc
khởi nghĩa, chúng ràng buộc, chúng cướp, chúng bóc lột, chúng
nhẫn tâm, ); còn khi trình bày những bằng chứng hiển nhiên,
ngoài nội dung miêu tả là những kết tử, tác tử lập luận được sử
dụng hết sức chặt chẽ: “thế mà”, “thậm chí”, “tuy vậy”, “bởi thế
cho nên”, “vì những lẽ trên”, “suy rộng ra”; đặc biệt, Người đã sử

dụng lặp đi lặp lại đến hai lần hai chữ “sự thật là ”, “sự thật là ”
như một điệp khúc của bản cáo trạng, lời văn khẳng định đầy rắn
rỏi và đanh thép.

d) Thái độ người nghe: Bác Hồ đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”
cho ai nghe? Rõ ràng, Bác đọc “Tuyên ngôn Độc lập” cho toàn
thể đồng bào cả nước và nhân dân thế giới. Điều này ai cũng
biết. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, Người viết không chỉ cho đồng
bào và thế giới chung chung, vì như thế không cần nhiều đến
những lời lẽ lập luận chặt chẽ, đanh thép đến vậy. Ở đây, người
nghe là kẻ thù xâm lược Pháp và Mĩ mới là đối tượng Bác hướng
tới. Từ đó ta mới hiểu, trong màn thuyết phục này, dù “Tuyên
ngôn Độc lập” đã dùng đầy đủ lí lẽ nhưng người nghe vẫn có thái
độ cố chấp, không đủ trí tuệ để nhận thức đúng, đầy đủ những
nội dung, giá trị trong lòng người nói. Thế mới biết “sự cố chấp”,
“ngang tàng” và “bạo ngược” của bọn đế quốc và thực dân xâm
lăng! Quân xâm lược đã lắng nghe với một thái độ chống đối.
Người viết bản “Tuyên ngôn Độc lập” cũng thừa hiểu rằng “mâu
thuẫn giữa Anh-Mĩ-Pháp và Liên Xô có thể làm cho Anh, Mĩ nhân
nhượng với Pháp và để cho Pháp trở lại Đông Dương” (Nhận
định của Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ngày 15-8-1945). Và
đúng như dự định, sau “Tuyên ngôn Độc lập” chỉ có 21 ngày, núp
dưới bóng quân Anh, thực dân Pháp đã nổ súng và Nam Bộ
kháng chiến bắt đầu. Một lần nữa khẳng định, Hồ Chủ tịch luôn là
người lãnh đạo “biết người biết mình trăm trận trăm thắng” trong
mọi quyết sách của dân tộc.

Có thể nói, từ góc nhìn lí thuyết lập luận, chúng ta có thể nhận
thấy một cách hiển ngôn hơn về nghệ thuật hùng biện, triết luận
sâu sắc, hùng hồn và đanh thép trong từng câu văn của bản

“Tuyên ngôn Độc lập”. Tài nghệ ở đây là dàn dựng được cơ sở
lập luận chặt chẽ, đưa ra những luận cứ, luận chứng, lí lẽ, bằng
chứng không ai chối cãi được. Và đằng sau “những lời lẽ ấy là
một tầm tư tưởng, tầm văn hoá lớn đã tổng kết được trong một
bản Tuyên ngôn ngắn gọn, trong sáng, khúc chiết, kinh nghiệm
của nhiều thế kỷ đấu tranh vì độc lập tự do, vì nhân quyền, dân
quyền của dân tộc và của nhân loại” [Nguyễn Đăng Mạnh: 2006,
tr.460]. Quả thật, bên trong tiếng nói của trí tuệ là tiếng nói của
trái tim. Trong cơn bão khốc liệt của chủ nghĩa bạo lực, chủ nghĩa
khủng bố đang diễn ra trong thời đại ngày nay, những lời suy
rộng của “Tuyên ngôn Độc lập” đang vang lên như những tiếng
chuông cảnh tỉnh: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra
bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng
và quyền tự do.

×