Đọc Lại Truyện Ngắn "đôi Mắt" Của Nam Cao
Nghĩ lại những thành tựu văn học nước ta từ sau Cách
mạng tháng Tám đến những ngày đầu của cuộc kháng
chiến chống Pháp, không ai không nhớ đến truyện ngắn
Đôi mắt của Nam Cao. Những sáng tác hồi ấy, vừa phục
vụ kịp thời, vừa đứng lại được với thời gian như Đôi mắt
phải nói rằng chưa có bao nhiêu.
Truyện Đôi mắt đã tạo ra một nhân vật khó quên được:
văn sĩ Hoàng. Mỗi lần đọc lại tác phẩm, gặp lại nhân vật
này, tôi cứ phải bật cười một mình và thầm thốt lên: Chà,
cái anh chàng này, y như một người có thật mà mình đã
gặp ở đâu rồi vậy!
Những nhân vật có phẩm chất nghệ thuật như vậy,
thường giống nhau ở đặc điểm này: có những chi tiết có
vẻ rất ngẫu nhiên, thậm chí vô nghĩa nữa, vậy mà không
thể hình dung ra nhân vật ấy đúng như bản chất của nó,
nếu gạt đi những chi tiết ấy. Nghĩa là rất ngẫu nhiên mà lại
rất tất yếu. Có vẻ vô nghĩa đấy, nhưng không có không
được.
Trong Đôi mắt, Độ lần nào đến nhà Hoàng cũng bắt gặp
một con chó bécgiê. Ở Hà Nội cũng thế, ở nơi tản cư
cũng vậy. Điều ấy có gì là tất yếu đâu! Ấy thế nhưng
chúng ta không thể hình dung ra cái anh văn sĩ kiêm chợ
đen này đúng như kiểu người và cung cách sống của anh
ta nếu không có hình ảnh cái con chó giống Đức to lớn ấy.
Cũng như anh ta nhất thiết phải có thân hình to béo, nặng
nè, bước đi thong thả, khệnh khạng, bơi hai cánh tay ngắn
ngủi kềnh kệnh ra hai bên; nhất thiết phải mặc bộ áo quần
ngủ màu xanh nhạt, phủ lên ngoài một cái áo len trắng,
quá chật; nhất thiết phải có một cái vành móng ngựa ria
cắt xén ngăn ngắn trên mép, nhất thiết phải ngả người ra
phía sau và kêu lên những tiếng lâm li trong cổ họng khi
nhận ra người bạn cũ; nhất thiết phải cười cùng cục trong
cổ như con gà trống…v v
Điều thú vị ở đây là những chi tiết kia không chỉ làm cho
nhân vật trở thành cụ thể, sinh động, hay nói như các nhà
lý luận văn học, không chỉ đóng vai trò cá thể hoá, cá tính
hoá nhân vật. Chúng còn thể hiện một cách sâu sắc bản
chất xã hội của tính cách, nghĩa là đem đến cho nó giá trị
điển hình.
Phải nói rằng, bản thân việc nuôi chó bẹcgiê, cũng như
cái thú nằm trong màn đọc Tam Quốc chí, cái thú ăn mía
ướp hoa bưởi…v…v… bản thân nó chả có “vấn đề” gì hết.
Trong những điều kiện sinh hoạt nào đó, đấy còn xem là
những cái giải trí lành mạnh và rất văn hoá nữa. Nhưng
đặt vào hoàn cảnh cụ thể của nhân vật Hoàng trong
truyện Đôi mắt, thì những chi tiết kia quả đã bộc lộ cả một
thái độ sống, hơn nữa, một bản chất chính trị của một loại
trí thức trưởng giả rất khó mà hoà nhập với cuộc kháng
chiến. Vì thế, không khí của cuộc kháng chiến dù có sôi
nổi đến thế nào, đời sống vật chất và tinh thần của nhân
dân dù có đổi thay dữ dội đến đâu, vẫn không mảy may
tác động đến nền nếp sinh hoạt của vợ chồng anh ta.
Nghĩa là vẫn cứ phải xoay được một dinh cơ riêng biệt và
rộng rãi như thế, vẫn cứ nhởn nhơ sống kiểu sống an
nhàn như thế. Ban ngày nếu không vì quá buồn phải tìm
đến mấy ông bạn tuần phủ, đốc học về hưu nào đó để
đánh tổ tôm, thì chỉ muốn đóng chặt cổng lại để khỏi bị
quấy nhiễu bởi mấy ông uỷ ban hay tự vệ trong làng đến
tuyên truyền kháng chiến. Còn buổi tối thì một nếp sống
“thiêng liêng” không gì phá vỡ được là… chui vào chăn
ấm, buông màn tuyn trắng toát, vừa hút thuốc lá thơm vừa
đọc Tam Quốc chí trước khi đánh một giấc ngon lành đến
sáng. Anh ta đã sống giữa cuộc kháng chiến mà hoàn
toàn cách biệt với cuộc kháng chiến. Cho nên Độ bước
vào nhà anh ta, dù ở nơi tản cư, mà như bước vào một
thế giới xa lạ hẳn với bên ngoài, và bao nhiêu hy vọng vận
động anh ta đi làm báo kháng chiến với mình bỗng chốc
tan thành mây khói.
Người ta nói rằng Đôi mắt là chuyện có thật. Khi cuộc
kháng chiến chống Pháp mới bùng nổ, Nam Cao công tác
cho một tờ báo địa phương, quê ông. Hồi ấy ông có đi lại
thăm viếng một nhà văn nào đó ở Hà Nội tản cư ra. Ai đã
từng biết lối viết văn của Nam Cao hẳn thấy điều ấy chẳng
có gì xa lạ. Xưa nay, viết về tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ,
hay viết về nông dân, địa chủ, ông vẫn thường dựa nhiều
vào người thực việc thực. (Ngòi bút chân thực đến
nghiêm khắc ấy không muốn trí tưởng tượng của mình
tung hoành quá tự do chăng ?). Nhưng sự thực ấy đã
được nhìn từ chỗ đứng nào, từ ánh sáng nào của những
tư tưởng gì ? Muốn biết điều này, cần nhớ rằng Đôi mắt
được viết vào mùa xuâ năm 1948 tại Việt Bắc, vài tháng
sau khi Nam Cao được kết nạp vào Đảng. Đó cũng là lúc
quân dân ta vừa liên tiếp ghi được những chiến công
vang dội: Chợ Đồn, Chợ Rã, Bông Lau, Sông Lô v.v… bẻ
gẫy cuộc tấn công đại quy mô của giặc Pháp lên Việt Bắc
thu đông năm 1947. Đôi mắt được viết xen kẽ với một tác
phẩm khác cũng rất đặc sắc của Nam Cao: Nhật ký ở
rừng. Đọc tác phẩm này, thấy tâm trạng nhà văn lúc bấy
giờ đang náo nức một niềm tin tưởng và tự hào ở cuộc
kháng chiến mà ông đã thực sự góp phần vào, đồng thời
dào dạt những tình cảm đầy cảm phục trước vẻ đẹp tâm
hồn cao cả của đồng bào Việt Bắc mà ông lần đầu được
tiếp xúc. Ông ghi vào nhật ký ngày 3-11-1947: “Gần gũi
những người Dao đói rách và dốt nát, thấy họ rất biết yêu
cách mạng, làm cách mạng chân thành, sốt sắng và tận
tuỵ, chúng tôi thấy tin tưởng vô cùng. So sánh họ với mấy
thằng “bố vấu” mà Khang gọi là trí thức nửa mùa, Khang
rất bất bình đối với hạng này. Chúng nó chẳng yêu một
cái gì, chẳng làm một cái gì. Chúng nó chỉ tài chửi đổng.”
(Ở rừng – Nam Cao, tác phẩm, tập II, 1977)
Hoàng là một trong những thằng “bố vấu”, có “tài chửi
đổng” ấy chăng? Anh ta chẳng làm cái gì hết, trong khi
mọi người nỗ lực tham gia kháng chiến. Ích kỷ đại hạng,
nhưng động mở miệng là chửi thiên hạ ngu dốt, bần tiệtn
– Mà sao những người như thế lại chúa là hay nhân danh
đạo đức, nhân nghĩa ? Này đây, hãy nghe người vợ
Hoàng phụ hoạ với những nhận xét của chồng về sự mà
chị ta gọi là “thiếu tình nghĩa của người dân quê”: “Họ làm
chính chúng tôi cũng đâm lo. Có thể nói rằng trong một
trăm người thì chín mươi chín người cho rằng Tây không
đời nào dám đánh mình. Mãi đến lúc có lệnh tản cư tôi
vẫn cho là mình tản cư để doạ nó thôi. Thế rồi, đùng một
cái, đánh nhau. Chúng tôi chạy được người chứ của thì
chạy làm sao kịp ? May mà còn vớt vát được ít tiền, một ít
hàng để ở cái trại của chúng tôi ở ngoại thành. Khéo lắm
thì ăn đựơc độ một năm. Đến lúc hết tất nhiên phải khổ
rồi. Chỉ sợ đến lúc ấy, họ lại mỉa lại. Thành thử bây giờ lý
ra thì có muốn ăn một con gà chưa đến nỗi không mua nổi
mà ăn, nhưng ăn lại sợ người ta biết, sau này người ta nói
cho thì nhục. Họ tàn nhẫn lắm cơ bác ạ!”
Tôi chắc, khi ôn lại trong tâm trí mình câu nói ấy, Nam
Cao đến lộn ruột lên được. Nhưng giọng kể chuyện cứ
thản nhiên như không. Ấy, bản lĩnh của ngòi bút Nam Cao
là thế: anh nén chặt tình cảm của mình lại để người đọc
tự tìm ra ý nghĩa mà càng thêm phẫn nộ - phẫn nộ mà cứ
phải bật cười - trước một thái độ hết sức ích kỷ mà cứ
nhơn nhơn và ngọt xớt như không.
Nhà văn Tô Hoài còn gọi Đôi mắt là một thứ tuyên ngôn
nghệ thuật chung của lớp nghệ sĩ các anh hồi ấy.
Cứ như cái tên của nó thì tác phẩm muốn nói vấn đề cách
nhìn, vấn đề quan điểm. Điều ấy đã rõ. Nhưng nói cho
chặt chẽ hơn, căn cứ vào nội dung hình tượng, thì nó
trước hết là mâu thuẫn về lập trường. Một đằng coi cuộc
kháng chiến là của mình và tích cực tham gia kháng
chiến. Một đằng tự xem như người ngoài cuộc, từ chối
không làm gì hết, dù chỉ là công tác Bình dân học vụ trong
làng. Một đằng vui sướng trước cuộc đổi đời của nhân
dân, và nhìn cuộc sống mới, tư thế mới và cách mạng
đem đến cho nhân dân lao động là tốt đẹp. Một đằng chỉ
thấy thế là lố bịch, là hài hước. Nói cho đúng, những nhận
xét của Hoàng về người nông dân không phải điều sai cả.
Nhưng rõ ràng là thiếu độ lượng, thiếu thiện chí – cái nhìn
của một người tuy không phải hoàn toàn không có lòng
yêu nước, nhưng tỏ ra chưa tán thành cách mạng và
kháng chiến. Lập trường ấy quyết định cách nhìn của anh
mà Nam Cao gọi là chỉ thấy có một phía “Anh trông thấy
anh thanh niên đọc thuộc lòng bài “ba giai đoạn”, nhưng
anh không trông thấy bó tre anh thanh niên vui vẻ vác đi
để ngăn quân thù. Mà ngay trong cái việc anh thanh niên
đọc thuộc lòng bài báo như một con vẹt biết nói kia, anh
cũng chỉ nhìn thấy cái ngố bề ngoài của nó, mà không
nhìn thấy cái nguyên cớ đẹp đẽ bên trong. Vẫn giữ đôi
mắt ấy để nhìn đời thì càng đi nhiều, càng quan sát lắm,
người ta chỉ càng thêm chua chát và chán nản.”
Vậy nếu gọi Đôi mắt là bản tuyên ngôn nghệ thuật, thì
trước hết đó là bản tuyên ngôn về lập trường cách mạng,
lập trường kháng chiến của lớp văn nghệ sĩ tiểu tư sản
quyết tâm từ bỏ những quyền lợi ích kỷ của mình, từ bỏ
những thói quen sinh hoạt và nếp tư duy cũ, từ bỏ cả cái
nghệ thuật cho là “cao siêu” của mình ngày trước, sẵn
sàng nói như nhà văn Độ, làm một “anh tuyên truyền nhãi
nhép” nhưng có ích cho nhân dân, cho kháng chiến.
Đôi mắt xét ở phương diện khác, còn đặt vấn đề quan
niệm về cái đẹp, về đối tượng của nghệ thuật mới nữa.
Phải tìm cái đẹp ở đâu? Theo quan điểm nào? Phải thể
hiện nó ra sao? Nam Cao có thể chưa ý thức đựơc đầy đủ
lắm, nhưng tác phẩm tự nó đã gợi ra và bước đầu giải
đáp những câu hỏi đó.
Tôi vẫn nghĩ rằng, không phải đến Đôi mắt, Nam Cao mới
đặt vấn đề “đôi mắt”. Đúng là đến tác phẩm này, nhờ đã
giác ngộ cách mạng, ông mới đặt được vấn đề ấy một
cách hoàn toàn tự giác. Nhưng qua một số truyện ông viết
từ trước Cách mạng tháng Tám, đã thấy ông luôn luôn
băn khoăn day dứt về vấn đề ấy: phải biết nhìn người
nông dân lao động bằng đôi mắt như thế nào mới thấy
được bản chất tốt đẹp cho họ, thường ẩn giấu sau một vẻ
ngoài hết sức tầm thường, thậm chí vụng về, thô lỗ nữa.
Theo Nam Cao hồi ấy, đôi mắt đó phải là đôi mắt của tình
thương. Trong Lão Hạc ông đã viết như thế. Ông còn lấy
câu nói này để đề từ cho một truyện ngắn khác của mình:
“Người chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của
phường ích kỷ, và nước mắt là một miếng kính biến hình
vũ trụ.” (Nước mắt – Nam Cao, tác phẩm, tập II) Đúng
như thế, ở Nam Cao, nước mắt của tình thương là miếng
kính biến hình vũ trụ. Chính nhờ có đôi mắt yêu thương ấy
mà nhà văn chẳng những đã nhìn thấy tấm lòng vị tha, xả
kỷ của lão Hạc…. mà còn phát hiện ra được cả chất thơ
trong trẻo trong tâm hồn tưởng chừng đã hoàn toàn đen
độc của Chí Phèo nữa.
Nhưng hồi ấy, tình thương của Nam Cao chỉ mới là thứ
tình thương uỷ mị, tiêu cực. Qua “miếng kính” ấy, anh tuy
thấy được một số đức tính của người dân nghèo, nhưng
dưới ngòi bút của anh, học chỉ là những con người bé
nhỏ, bất lực. Và giọng văn của anh thì như anh thường
thốt lên – “Chao ôi là buồn!”. Trong Nhật ký ở rừng, Nam
Cao đã tự phê phán như thế. Ở Đôi mắt, anh cũng viết
như vậy: “Người nhà quê dẫu sao thì cũng còn là một cái
bí mật đối với chúng ta. Tôi gần gũi họ rất nhiều. Tôi đã
gần như thất vọng vì thấy họ phần đông dốt nát, nheo
nhếch, nhát sợ, nhịn nhục một cách đáng thương (…)
Nhưng đến hồi Tổng khởi nghĩa thì tôi đã ngã ngửa
người. Té ra người nông dân nước mình vẫn có thể làm
cách mạng hăng hái lắm. Tôi đã theo họ đi đánh phủ. Tôi
đã gặp họ trong mặt trận Nam Trung bộ. Vô số anh răng
đen, mắt toét, gọi lựu đạn là “nựu đạn”, hát Tiến quân ca
như người buồn ngủ cầu kinh mà lúc ra trận thì xung
phong can đảm lắm…”
Như vậy, nhờ thực sự tham gia cách mạng, sát cánh với
nhân dân, Nam Cao đã có được đôi mắt mới để thấy quần
chúng không chỉ là nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh
mà còn là những con người cải tạo hoàn cảnh, tức là
những anh hùng. Những con người mới ấy sẽ đi vào văn
học như là những nhân vật trung tâm. Đôi mắt chưa xây
dựng được nhân vật ấy, nhưng đã chỉ ra phương hướng
đi tìm nhân vật ấy và chừng mực nào, đã nói lên cách thể
hiện nhân vật ấy: đó không phải là những con người phi
thường trong trí tưởng tượng lãng mạn, mà là những con
người có thật rất đỗi nhũn nhặn ở quanh ta. Những con
người áo vải, răng đen, đi chân đất, gọi lựu đạn là “nựu
đạn”, nhưng đã đứng dậy làm cuộc Cách mạng tháng
Tám vĩ đại và sau đó gánh cả cuộc kháng chiến lên đôi vai
vững chải của mình. Phải, Đôi mắt chưa tạo ra được nhân
vật ấy, nhưng đã dự báo sự xuất hiện phổ biến của nhân
vật ấy trong nền văn học chúng ta.