Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

Gợi ý giải đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2011 môn Ngữ văn - Giáo dục trung học phổ thông ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (222.08 KB, 13 trang )

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011
Gợi ý giải Môn Văn – Giáo dục Trung học Phổ Thông
Chú ý: Đây chỉ là phần gợi ý chỉ mang tính chất tham khảo thêm
Câu 1:
Trong phần kết truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu viết:

" Không những trong bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp của tôi vẫn còn
được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Quái lạ, tuy là ảnh đen
trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai
lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy
người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh. . .Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân
giậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông".

Đọc lại nhiều lần đoạn kết trên, tôi ngẫm nghĩ vì sao Nguyễn Minh Châu lại có cái kết
luận đầy ám ảnh như vậy? Qua cách nhìn lại tấm ảnh của nghệ sĩ Phùng, tác giả muốn
gởi gắm điều gì cho người đọc?

Tấm ảnh Chiếc thuyền ngoài xa được những người yêu nghệ thuật đánh giá cao. "Không
những trong bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau" nó vẫn còn giữ nguyên giá trị. Có thể nói
cách khác, tấm ảnh ấy cũng đựơc treo trong những phòng khách sang trọng của những
người sành điệu. Sự đánh giá cao ấy xứng đáng với công sức mà Phùng đã bỏ ra để "phục
kích" nhiều ngày mới chộp đựơc nó. Đó là vẻ đẹp mà có khi cả đời Phùng chỉ nắm bắt
được một lần. Những người yêu nghệ thuật trân trọng tấm ảnh ấy cũng là điều dễ hiểu.
Song, có khi họ là những người yêu nghệ thuật thuần túy, cảm nhận cái đẹp trên bình
diện của một tấm ảnh toàn bích, đáng thưởng thức, đáng treo ở những nơi sang trọng
nhất. Và ai đã sưu tầm được nó, chắc hẳn đã tự hào rất nhiều. Nghệ thuật là vô giá!

Nhưng đối với Phùng ( hay nói cách khác, đối với Nguyễn Minh Châu ) chưa hẳn là như
vậy. Tuy chụp được tấm ảnh toàn mĩ nhưng dường như tâm trạng của Phùng vẫn còn
nhiều băn khoăn, ray rứt. Bởi vì Phùng còn nhìn thấy từ tấm ảnh, đằng sau tấm ảnh ,
những hình ảnh khác. Đó là hình ảnh của những con người khốn khổ. Phùng là tác giả,


người sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật nhưng Phùng lại không nhìn lướt, nhìn hời hợt như
một số người thưởng thức. Có thể nhiều người chỉ nhìn bề ngoài thấy nó đẹp, thích, trầm
trồ khen ngợi một đôi câu . . . rồi quên lãng! Còn Phùng "mỗi lần ngắm kĩ", nghĩa là anh
đã hơn một lần ngắm kĩ, rồi lại "nhìn lâu hơn" . Điều đó nói lên, đằng sau tấm ảnh, vẫn
còn có điều gì khiến anh trăn trở.

Bao giờ anh cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh. Người phụ nữ hàng
chài nghèo khổ vừa phải lo cái ăn, cái mặc cho một lũ con, vừa bị chồng đánh liên miên
"ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng". Cái khổ, cái nghèo của chị hiện ra trong
hình dáng "tấm lưng áo bạc phếch, rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ mệt
mỏi, đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm". Hình ảnh nhẫn nhục, cam chịu của chị khi bị
chồng đánh, không hề kêu lên một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy
trốn. Ngoài ra, còn thằng Phác, chị nó, và cả lão đàn ông cục mịch, vũ phu. Đó là những
mảnh đời khốn khổ, mà để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tâm trí Phùng vẫn là hình ảnh
người phụ nữ hàng chài.Chị là đại biểu cho những kiếp người lao động vất vả trăm chiều.
Hạnh phúc trong cuộc đời họ là những điều rất đơn sơ, giản dị nhưng không phải bao giờ
cũng có được ( lúc gia đình hòa thuận, vui vẻ, / lúc nhìn đàn con được ăn no . . .).

Cuộc đời họ bình thường, thầm lặng, vô danh không ai biết đến nhưng họ là số đông, là
thành phần đại đa số của cư dân trên mặt đất nầy "bàn chân chị giậm lên mặt đất chắc
chắn, hòa lẫn trong đám đông". Họ chính là đám đông đã bám gốc rễ trên trên hành tinh
nầy từ thuở có loài người. Nhưng khổ nỗi, đám đông ấy dường như xa lạ với những bức
ảnh tuyệt mĩ thể hiện cuộc sống của họ, nói cách khác, tấm ảnh nghệ thuật Chiếc thuyền
ngoài xa đẹp như mơ đó chỉ là cái vỏ bề ngoài, đằng sau nó còn có những cuộc sống rách
rưới, đói nghèo. Tấm ảnh ấy vẫn cứ nằm bất động ở một nơi sang trọng trong những gia
đình sành nghệ thuật!

Nghệ thuật xuất phát từ cuộc sống. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng có vẻ đẹp
lí tưởng như nghệ thuật. Điều nầy không mới. Cách ta hơn sáu mươi năm, Nam Cao
chẳng đã từng nói "Nghệ thuật không cần phải là . . .không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ

thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than. . ." ( Trăng sáng -
1943 ). Người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng bị ám ảnh mỗi khi nhìn lại tấm ảnh, vì có thể anh
nghĩ rằng tấm ảnh đó sang trọng quá, xa cách quá với cuộc sống của những người lao
động nghèo khổ kia. Nó chỉ là cái vỏ bọc của những mảnh đời bất hạnh mà những người
không trực tiếp chứng kiến như anh thì sẽ không bao giờ cảm nhận được một cách đầy đủ
đằng sau tấm ảnh kia chứa đựng những gì. Giữa nghệ thuật và cuộc sống vẫn cón một
khoảng cách. Anh muốn thấu hiểu, chia xẻ, cảm thông nhiều hơn với nỗi đau của người
khác bằng tất cả tấm lòng, vì thế mà anh "ngắm kĩ" rồi lại "nhìn lâu hơn", Phùng muốn
đào bới những gì trong một tấm ảnh rất quen thuộc của chính mình? Âu đó cũng là cái
tâm của người say mê nghệ thuật.

Có lẽ vì vậy mà Phùng dường như còn muốn làm điều gì xa hơn, cụ thể hơn chăng để cho
nghệ thuật gắn liền với cuộc đời. Bằng không thì tấm ảnh đẹp như một giấc mơ đó mãi
mãi vẫn là Chiếc thuyền ngoài xa !

Một điểm nữa, Nguyễn Minh Châu cũng làm cho người đọc không thể bỏ qua trong cách
nhìn lại tấm ảnh của Phùng "tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy
hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai" . Phải chăng tác giả muốn nói sau khi
tước bỏ mọi lớp sơn hào nhoáng bên ngoài, cái chất thật của cuộc đời khi hiện ra chỉ là
hai màu đen trắng . Nhưng nó không hoàn toàn xám xịt, hay đen tối làm cho người ta
cảm thấy buồn rầu, mà khi để hết tâm trí nhìn ngắm, người ta vẫn có thể phát hiện ra
những điểm hồng nào đó. Chẳng qua là màu hồng kia bị che lấp bởi vô vàn cái bùng
nhùng, rối rám của cuộc đời - cũng như cuộc đời thầm lặng, vô danh của người phụ nữ
hàng chài kia tưởng như không có gì đáng nói mà thật ra, một cách tình cờ, Phùng đã
phát hiện ở chị những phẩm chất đáng quý khiến anh phải suy ngẫm rất nhiều và thay đổi
quanh niệm về con người và cuộc sống.

Tóm lại, qua đoạn kết, phải chăng Nguyễn Minh Châu muốn nói Chiếc thuyền ngoài xa
chính là vẻ đẹp của ước mơ, của lí tưởng mà người nghệ sĩ luôn khát khao vươn tới.
Nhưng để cho nó có máu thịt của cuộc sống, người nghệ sĩ khi thể hiện nó cần có một

tấm lòng trân trọng, cảm thông. Nó là nỗi dằn dặt, đau đáu khi người nghệ sĩ cảm thấy
mình chưa thể hiện được hết điều muốn nói.

Cái mĩ luôn luôn đi kèm với chân và cái thiện để trở nên hoàn mĩ, hoàn thiện. Bản chất
cái đẹp cũng là đạo đức. Đó cũng là điều mà Đốt-xtôi-epxki đã từng nhắn nhủ : " Cái đẹp
sẽ cứu vớt cho nhân loại".

Câu 3a:
Ra đời từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, cùng một đề tài người lính với Nhớ
của Nguyên Hồng, Đồng chí của Chính Hữu, nhưng Tây Tiến của Quang Dũng vẫn có
một gương mặt riêng thật khó quên, mang đậm hào khí lãng mạn của một thời, gắn với
một giai đoạn lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc.
Tây Tiến không có một sáng tạo gì khác thường, đột xuất mà vẫn là sự tiếp tục của dòng
thơ lãng mạn nhưng đã được tác giả thổi vào một hồn thơ rất mới và rất trẻ khác hẳn với
những tiếng thơ bi lụy, não nùng trước đó. Tây Tiến nhắc nhở một thời gian khổ và oanh
liệt của lịch sử đất nước nhưng được thể hiện theo cách riêng đặc đắc qua ngòi bút Quang
Dũng với tâm trạng cụ thể: nỗi nhớ đồng đội trong đoàn quân Tây Tiến. Chính niềm
thương nhớ máu thịt và niềm tự hào chân thành của Quang Dũng về những người đồng
đội của ông là âm hưởng chủ đạo của bài thơ, khiến cho người đọc cảm động sâu xa.

Bài thơ mở đầu bằng nỗi nhớ da diết, trải rộng cả không gian và thời gian mênh mông.

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.

Tác giả nhớ về những ngày ở Tây Tiến, nhớ những người đồng đội và nỗi nhớ ấy đã thốt
lên thành lời gọi. Văn học ta có nhiều câu thơ diễn tả nỗi nhớ…nhưng “nhớ chơi vơi” thì
có lẽ Quang Dũng là người đầu tiên mạnh dạn sử dụng. Nỗi nhớ ấy gợi xa về cả không
gian, thời gian và tầm cao nữ, nỗi nhớ như có dáng hình bềnh bồng, bềnh bồng. Quang
Dũng viết bài thơ này khi mới xa đoàn quân Tây Tiến, xa mà không hẹn ước, không biết

ngày gặp lại. Cảm giác về thời gian trải dài tạo nên nỗi “nhớ chơi vơi”, bâng khuâng khó
tả.

Rồi cứ thế, nỗi nhớ đồng đội ấy lan tỏa, thấm đượm nồng nàn trên từng câu thơ, khổ thơ.
Có lẽ nói bài thơ được xây dựng trên cảm hứng thương nhớ triền miên với bao kỷ niệm
chống chất, ào ạt xô tới:

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi.
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Sài Khao, Mường Lát, những địa danh rất Tây Bắc cũng góp phần gợi nỗi nhớ chơi vơi.
Hình ảnh Tây Bắc được hiện lên trong câu thơ thật mịt mù và cải mệt mỏi của đoàn quân
như lẫn vào sương. Bên cạnh cái gian khổ lại có một cái rất thơ, dường như huyền thoại:

Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Câu thơ rất độc đáo, hoa về chứ không phải hoa nở, đêm hơi chứ không phải là đêm
sương. Hoa hiện ra mờ mờ trong sương, trong màn sương vẫn cảm thấy hoa. Câu thơ đẹp,
huyền ảo, lung linh quá! Đọc đến đây, cái “mỏi” của đoàn quân dường như đã tan biến
hết. Quang Dũng thật tài tình khi viết một câu thơ hầu hết là thanh bằng nhẹ nhàng, lâng
lâng, chơi vơi như sương, như hoa, như hồn người, khác với:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời.

Những câu thơ giàu chất tạo hình như vẽ lại được cả chặng đường hành quân đầy gian
khổ, khó khăn. Tác giả không viết súng chạm trời mà là “súng ngửi trời” rất sinh động,
nghịch ngợm, thông minh, hóm hỉnh.

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Câu thơ ngắt nhịp ở giữa gợi hình ảnh dốc rất cao, rất dài nhưng ngay sau đó lại là một
câu thơ toàn vần bằng. Xuân Diệu trước đây cũng chỉ viết được hai câu toàn vần bằng mà
ông rất tâm đắc:

Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi.

Còn Quang Dũng trong Tây Tiến đã có khá nhiều câu thơ hầu hết là vần bằng, chất tài
hoa của ông bộc lộ ở đó.

Tây Tiến đặc tả cận cảnh. Con người và cảnh vật rừng núi miền Tây Tổ quốc được tác
giả thể hiện ở khoảng cách xa xa, hư ảo với kích thước có phần phóng đại khác thường.
Trong khổ thơ thứ nhất này từng mảng hình khối, đường nét, màu sắc chuyển đổi rất
nhanh, bất ngờ trong một khung cảnh núi rừng bao la, hùng vĩ như một bức tranh hoành
tráng. Câu thơ “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” không thể nói rõ mà chỉ cảm nhận
bằng trực giác. Nếu “thơ là nơi biểu hiện đầy đủ nhất, sâu sắc nhất ma lực kỳ ảo của ngôn
ngữ” thì câu thơ này cũng đúng như vậy.

Thiên nhiên trong Tây Tiến cũng như trong thơ Quang Dũng bao giờ cũng là một nhân
vật quan trọng, tràn đầy sinh lực và thấm đượm tình người. Hồn thơ tinh tế củ tác giả bắt
rất nhạy từ một làn sương chiều mỏng, từ một dáng hoa lau núi phất phơ đơn sơ bất chợt,
rồi ông thổi hồn mình vào đó và để lại mãi trong ta một nỗi niềm bâng khuâng thương
mến và một áng thơ đẹp.

Khung cảnh thiên nhiên hiện lên ở Tây Tiến thật hoang sơ, kỳ vĩ. Trên cái nên thiên
nhiên dữ dội có hình ảnh đoàn quân Tây Tiến thật nhỏ bé nhưng chính sự đối lập tương
phản đó càng làm tăng khí phách anh hùng, kẻ thù cũng như gian khổ không gì khuất
phục nổi.


Trên đường hành quân đã có những người lính hy sinh. Tác giả không ngần ngại nói đến
cái chết:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời.

Quang Dũng là một nhà thơ xuất thân tiểu tư sản nên ông miêu tả cái chết cũng rất lãng
mạn. Hình ảnh “Gục lên súng mũ bỏ quên đời” vừa gợi thương nhưng cũng rất bình thản.
Những chiến sỹ Tây Tiến là những thanh niên Hà Nội chưa quen chuyện gươm súng gian
khổ và họ đã ngã xuống sau những dãi dầu sương gió. Hình như tác giả không muốn
người đọc chìm sâu trong cảm giác xót thương nên ngay sau đó là hình ảnh hào hùng của
thiên nhiên:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm mường Hịch cọp trêu người.

Biết bao nhiêu điều đe dọa sinh mạng người lính. Câu thơ nói về những hiểm nguy ấy với
giọng điệu ngang tàng, coi thường, xóa đi sự bi lụy của cảm xúc ở câu trên. “Cọp trêu
người” – có một cái gì đó rất nghịch ngợm, rất lính.
Và đằng sau những trắc trở ấy lại là cảnh thanh bình, yên ấm:

Ôi nhớ Tây Tiến cơm nên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Câu thơ gợi cảm giác nồng nàn, no nê, đầy đủ những kỷ niệm đơn sơ, nhỏ bé trong cuộc
sống đời lính thường ngày cũng hóa thành gần gũi, ấm lòng. Hương thơm ấy không chỉ là
hương “nếp xôi” mà còn là hương từ đôi bàn tay em – cô gái Mai Châu.

Quang Dũng nhớ về người lính Tây Tiến gian khổ, hy sinh nhưng không bi lụy, mà vẫn

hùng, vẫn thơ. Tác giả sử dụng những từ ngữ, hình ảnh, âm thanh mới mẻ, gợi cảm và có
chút lãng mạn.

Bốn mươi ba năm đã trôi qua, kể từ ngày Tây Tiến ra đời. Vượt qua sức cản phá của thời
gian, Tây Tiến vẫn còn sức quyến rũ chúng ta hôm nay, gợi nhớ về “những năm tháng
không quên” trong lịch sử dân tộc. Có thể nói Tây Tiến là “một tượng đài bất tử” về
người lính vô danh mà Quang Dũng đã dựng lên bằng cả tâm hồn mình để tưởng niệm
một thế hệ thanh niên đã hăng hái, anh dũng ra đi mà nhiều người trong số họ không về
nữa. Tây Tiến in đậm một phong cách thơ Quang Dũng, tài hoa, độc đáo.


Mở đầu tác phẩm Vợ nhặt là bức tranh ngày đói. Chỉ vài nét vẽ phác thảo, nhà văn đã vẽ
nên bức tranh ngày đói thật hãi hùng. Xóm ngụ cư chìm trong bóng đêm chết chóc, tăm
tối, ảm đạm. Ở đây thiếu vắng sự sống hoặc sự sống le lói như ngọn đèn trước gió.Hai lần
nhà văn so sánh người với ma.Bằng chứng là " Hai bên dãy phố úp súp tối om, không nhà
nào có ánh đèn, lửa". Người sống thì " lũ lượt dắt díu, bồng bế nhau lên xanh xám như
những bóng ma" hoặc " dưới những gốc đa gốc gạo xù xì bóng những người đói đi lại dật
dờ lặng lẽ như những bóng ma". Người chết thì như ngả rạ, không một sáng nào đi làm
đồng hoặc đi chợ người ta lại không thấy ba bốn cái thây người nằm còng queo ở bên vệ
đường. Mùi tử khí nồng nặc. Tác giả còn tô đậm bức tranh hơn nữa bởi hình ảnh của bầy
quạ đen chờ chực để rỉa xác người chết. Cõi âm và cõi dương nhạt nhòa. Tất cả đang
đứng bên bờ vực của cái chết.
Trên cái nền chết chóc ấy, một buổi chiều người ta thấy Tràng về với một người đàn bà
nữa. Ai vậy ? Đó là vợ Tràng. Điều không thể tin lại phải tin trong tác phẩm của Kim
Lân. Vậy Tràng là ai ? Tràng lấy vợ như thế nào ?

a/ Lai lịch
- Xuất thân: dân ngụ cư, làm nghề đẩy xe bò thuê, nuôi mẹ già. Dân ngụ cư là những
người vốn từ nơi khác đến. Vì thế, dân ngụ cư không có ruộng đất, chỉ đi làm thuê làm
mướn. Đã vậy, họ còn bị phân biệt đối xử, thường phải ở nơi bìa làng, hoặc ở chỗ hẻo

lánh. Nhà cửa của anh ta, cái được gọi là "nhà" thì luôn "vắng teo đứng rúm ró trên mảnh
vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại". Hơn nữa, vì là dân ngụ cư, Tràng bị coi khinh,
chẳng mấy ai thèm nói chuyện, trừ lũ trẻ hay chọc ghẹo khi anh ta đi làm về.


b/ Ngoại hình:
- Tràng có ngoại hình xấu xí, thô kệch. Đầu trọc nhẵn, hai con mắt nhỏ tí, gà gà, quai
hàm bạnh ra, cái lưng to rộng như lưng gấu, đi thì cứ chúi đầu về phía trước lại hay nói
lầm bầm trong miệng, khi cười thì ngửa mặt lên cười hềnh hệch.

Nhận xét: Tràng là một nông dân nghèo khổ lại xấu xí. Nếu như trong thời bình, Tràng
thuộc típ người khó có khả năng lấy vợ. Nhưng điều đó lại xảy ra vào đúng cái nạn đói
khủng khiếp. Tràng lấy được vợ hay nói đúng hơn là "nhặt được vợ".

c/ Tình huống nhặt vợ của Tràng (diễn biến tâm lí)
+ Thật ra, ban đầu Tràng không chủ tâm tìm vợ. Tràng cũng thừa biết, người như hắn
thì không thể có vợ. Khi đẩy xe bò mệt mỏi anh chỉ hò một câu cho vui " Muốn ăn cơm
trắng mấy giò này/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì". Tràng chỉ muốn hò để xua đi mỏi
mệt trong người. Anh cũng chẳng có ý chòng ghẹo ai cả. Ai ngờ có người đàn bà đói
xông xáo đến đẩy xe thật. Nhưng vì đùa vui nên Tràng đã không giữ đúng thỏa thuận của
câu hò. Nhưng Tràng cảm thấy hạnh phúc biết bao khi gặp được cái "cười tít mắt của thị"
bởi "từ xưa đến giờ có ai cười với hắn một cách tình tứ như vậy đâu".

+ Hôm sau gặp lại: Khi Tràng đang ngồi nghỉ trước cổng chợ tỉnh thì bất ngờ có người
đàn bà sầm sập chạy đến, cong cớn, sưng sỉa với hắn " Điêu, người thế mà điêu". Tràng
không nhận ra người đàn bà ngày trước đẩy xe cho mình. Trước mặt hắn là một người
đàn bà thảm hại đã bị cái đói tàn hại cả nhan sắc lẫn nhân cách. Thị gầy sọp hẳn đi, ngực
gầy lép, khuôn mặt lưỡi cày hốc hác, quần áo rách như tổ đỉa. Thấy người đàn bà đói,
rách rưới thảm hại. Tràng động lòng thương. Có ai ngờ được rằng trong con người thô
kệch ấy lại có một tấm lòng thương người cao cả. Thế rồi Tràng cho người đàn bà kia ăn,

không chỉ ăn mà còn cho ăn rất nhiều " bốn bát bánh đúc". Đó chính là lòng thương một
con người đói khát hơn mình chứ Tràng không hề có ý định lợi dụng hoặc chòng ghẹo.



Vốn tính hay đùa, Tràng lại tầm phơ tầm phào "Nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân đồ
lên xe rồi về". Nói đùa thế thôi, ai ngờ thị về thật. Lúc đầuTràng phảng phất lo sợ về cái
đói và cái chết"mới đầu anh cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả
biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng". Đó là nỗi sợ hãi có thật nhất lại là thời đói kém
như thế này. Nhưng có lẽ tình thương người và khát vọng hạnh phúc đã lớn hơn nỗi sợ
hãi nên sau đó anh chặc lưỡi " Chậc kệ!" . Chỉ một từ "kệ" thôi, Tràng như đã bỏ lại
sau lưng mình tất cả nỗi sợ hãi, mọi lo nghĩ để vun vén cho cái hạnh phúc của mình.

Bình luận: Tràng và người đàn bà kia như hai cành củi khô nhưng họ đã chụm vào
nhau để nhen lên ngọn lửa. Tội nghiệp thay, người này thì cần hạnh phúc còn người
kia thì lại cần chỗ dựa. Một người vì tình yêu, người kia vì miếng ăn. Nói tóm lại là
họ LIỀU, nhưng cái Liều kia của họ làm người ta bật khóc. Bây giờ thì họ là người
dũng cảm, dũng cảm bởi vì họ dám nắm tay nhau để bước qua ranh giới của sự
sống và cái chết. Họ làm ta khâm phục và kính trọng, phải chăng hai con người
khốn khổ ấy là niềm tin của Kim Lân về một giống nòi sẽ tiếp nối sẽ sinh sôi khi mà
cả dân tộc đang đứng trước sự diệt vong của nạn đói ?


+ Khi người phụ nữ chấp nhận làm vợ, Tràng đã có ý thức chăm sóc: hắn đưa thị vào
chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh
một bữa no nê Anh còn mua 2 hào dầu để thắp sáng. Đó có vẻ như là sự cố gắng quá
mức của Tràng nhưng cũng rất dễ hiểu vì Tr sắp được làm chồng.

+ Trên đường về: (khác với anh Tràng hôm qua buồn bã, cúi mặt lo âu nghĩ ngợi). Hôm
nay Tràng có niềm vui lạ, một niềm hạnh phúc tràn ngập khiến mặt Tràng cứ "phớn phở

khác thường". Thỉnh thoảng lại còn cười nụ một mình. Lúc thì hắn đi sát người đàn bà,
lúc lại lùi ra sau một tí, hai tay cứ xoa vào vai nọ vai kia, lại muốn nói đùa một câu, lại cứ
thấy ngường ngượng. Kim Lân đã làm người đọc thấy được sự thay đổi về tâm lí của
Tràng. Tràng thật sự đã khác với Tràng hôm qua. Trong lòng Tràng tràn ngập niềm vui
sướng miên man khiến "Trong một lúc Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề,
tăm tối hằng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày
trước mặt. Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên.
Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn
man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ dọc sống lưng" . Thế là rõ rồi:
Hạnh phúc đang làm anh thay đổi.

+ Khi về đến nhà, lúc đầu Tràng thấy " ngượng nghịu" rồi cứ thế " đứng tây ngây ra
giữa nhà, chợt hắn thấy sờ sợ". Nhưng đó chỉ là cảm giác thoáng qua thôi. Hạnh phúc lớn
lao quá khiến Tràng lại lấy lại được thăng bằng nhanh chóng. Lúc sau Tràng tủm tỉm
cười một mình với ý nghĩ có phần ngạc nhiên sửng sốt, không dám tin đó là sự thật: "hắn
vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư ?". Đó là sự ngạc nhiên
trong sung sướng.

+ Lúc chờ đợi Mẹ về:Tràng nóng ruột, đi đi lại lại. Chưa bao giờ người ta thấy hắn nôn
nóng như thế. Khi mẹ về, hắn mừng rỡ, rối rít như trẻ con vì dù sao Tràng vẫn còn có mẹ
- đó là đấng tối cao của Tràng vì chỉ có mẹ mới quyết định được hạnh phúc của hắn.
Tràng nóng lòng thưa chuyện với mẹ. Bắt mẹ ngồi lên giường để thưa chuyện. Khi được
đồng ý, Tràng thở đánh phào một cái nhẹ cả người. Thế là Tràng đã có gia đình, có vợ,
không tốn tiền cưới hỏi, Tràng lấy được vợ thật hiển hách.
+ Sau khi lấy vợ, Tràng trở thành một người sống có trách nhiệm, biết suy nghĩ chín
chắn. Nhà văn đã mang đến cho người đọc hơi thở mới của Tràng vào sau cái đêm tân
hôn. Tràng thức dậy, đầu tiên đó là một cảm giác dễ chịu "Trong người êm ái lửng lơ như
người vừa ở trong giấc mơ đi ra". Đó là tâm trạng hạnh phúc. Tràng cảm động khi thấy
mẹ và vợ dọn dẹp lại nhà cửa nhất là khi nghe tiếng chổi tre quét từng nhát sàn sạt trên
sân. Một nỗi lòng yêu thương, một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong

lòng "Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã
có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa
che nắng".

+Từ một anh phu xe cục mịch, sống vô tư, chỉ biết việc trước mắt, Tràng đã là người
quan tâm đến những chuyện ngoài xã hội và khao khát sự đổi đời. Khi tiếng trống
thúc thuế ngoài đình vang lên vội vã, dồn dập, Tràng đã thần mặt ra nghĩ ngợi, đây là
điều hiếm có đối với Tràng xưa nay. Trong ý nghĩ của anh lại vụt hiện ra cảnh những
người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp để cướp kho thóc của Nhật và đằng
trước là lá cờ đỏ. Tràng nhớ tới cảnh ấy và lòng ân hận, tiếc rẻ và trong óc vẫn thấy đám
người đói và lá cờ bay phấp phới ( giá trị nhân đạo, tác giả mở ra con đường sống cho
những con người đang đứng bên bờ vực của cái chết đó là chỉ có đi theo cách mạng mới
giải phóng được cho họ)


Kết luận: Qua sự biến đổi tâm trạng thấy được vẻ đẹp tâm hồn tính cách nhân vật đó là
tình thương niềm khao khát hạnh phúc, niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai và thấy
được tình cảm nhân đạo cuả nhà văn dành cho người lao động nghèo khổ.

×