Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Đau đầu thành đợt - Vào lúc này hoặc lúc khác pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (137.3 KB, 9 trang )

Đau đầu thành đợt



Vào lúc này hoặc lúc khác, hầu như ai cũng đã từng bị đau đầu. Một số trường hợp
chỉ đau vừa phải, trong khi số khác lại bị đau dữ dội và không làm được việc gì.
Cho dù đau đầu kiểu gì đi nữa thì bạn vẫn thích không bị hơn.
Trong phần lớn các trường hợp đau đầu, kể cả đau dữ dội, đau đầu thường không
phải là hậu quả của bất kỳ một bệnh nào. Trên thực tế, đại đa số các trường hợp
đau đầu là đau đầu tiên phát - đau đầu không do một tình trạng y học đặc trưng
nào gây ra. Các chứng đau đầu này bao gồm đau nửa đầu (đau đầu migrain), đau
đầu do căng thẳng và đau một vùng đầu.
Đau đầu thành đợt- bao gồm đau nhói ở một bên đầu - khá hiếm gặp, xảy ra ở
chưa đến, 1% số người.
85% số người bị đau đầu thành đợt là nam giới. Đau đầu thành đợt ít gặp hơn
nhiều so với đau nửa đầu, nhưng được xem là tồi tệ hơn.
Mặc dầu đau đầu thành đợt có thể gây tàn phế tạm thời, song nó không gây hại
vĩnh viễn. Bệnh không gây biến chứng hoặc dẫn đến các rối loạn khác. Điều trị
không thể làm bạn hết bệnh, nhưng có thể giúp làm mức độ đau và rút ngắn thời
gian đau.
Dấu hiệu và triệu chứng
Nói chung đau đầu thành đợt gây ra các dấu hiệu và triệu chứng ở một bên đầu.
Dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:
- Nóng rát hoặc đau xuyên, thường được mô tả như dao đâm hoặc như bị
dùi nóng xuyên vào đầu, ở mắt hoặc xung quanh mắt hay thái dương, đôi
khi lan lên trán, xuống mũi, má, lợi trên và hàm dưới.
- Mắt đỏ ngầu hoặc chảy nước mắt
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
- Co đồng tử
- Mí mắt sụp xuống hoặc sưng lên
- Mặt đỏ bừng


- Ra nhiều mồ hôi
Đau đầu thành đợt xảy ra nhanh chóng. Trong trường hợp điển hình đau thường
tăng dần lên đến đỉnh điểm trong 5 tới 10 phút và kéo dài từ 30 phút tới 3 giờ. Đau
đầu thành đợt thường xảy ra sau khi bạn đã thiếp đi được chừng 2 đến 3 tiếng,
trong pha ngủ cử động mắt nhanh (rapid eye movement - REM). Chúng có thể
đánh thức bạn vào ban đêm hoặc sáng sớm. Tuy nhiên, chúng có thể xảy ra bất cứ
lúc nào. Thường chúng xuất hiện lặp đi lặp lại vào cùng một giờ trong ngày.
Đau đầu thành đợt có thể xảy ra hằng ngày trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc
nhiều tháng trước khi thuyên giảm. Sự thuyên giảm có thể kéo dài nhiều tuần hoặc
nhiều năm giữa các đợt đau. Đau đầu từng đợt thường xảy ra thành từng nhóm cơn
đau (đợt đau). Đau đầu thành đợt cũng có thể xuất hiện đột ngột bất cứ lúc nào
(cơn đau mạn tính) trong suốt cả năm hoặc hơn mà không thuyên giảm. Giai đoạn
mạn tính có thể bắt đầu sau một thời gian đau thành đợt.
Nguyên nhân
Mặc dù chưa rõ nguyên nhân, song các nghiên cứu cho rằng hoạt động bất thường
ở phần não gọi là vùng dưới đồi có thể là nguồn gốc của chứng đau đầu thành đợt.
Vùng dưới đồi chi phối nhiều chức năng của cơ thể như ăn, ngủ và hành vi tình
dục, duy trì nhiệt độ và cân bằng hoá chất trong cơ thể, và điều hòa nhiều loại
hormon. Vùng dưới đồi có vẻ hoạt động quá mức trong cơn đau ở bên đầu phía
cơn đau xảy ra.
Các yếu tố nguy cơ
Không như đau nửa đầu, thường xảy ra ở phụ nữ, đau đầu từng đợt chủ yếu ảnh
hưởng đến nam giới. 85% số người bị đau đầu thành đợt là nam giới tuổi từ 20 đến
50. Nhiều người mắc chứng đau đầu từng đợt cũng nghiện thuốc nặng. Rượu có
thể gây cơn đau nếu bạn có nguy cơ bị đau đầu thành đợt. Thường không có tiền
sử gia đình bị chứng đau đầu thành đợt.
Khi nào cần đi khám
Đau đầu, ngay cả khi dữ dội, thường không phải là hậu quả của một bệnh nào đó.
Tuy nhiên, đôi khi đau đầu có thể báo hiệu một bệnh nặng như u não hoặc vỡ một
mạch máu yếu (phình mạch). Hãy nói với bác sĩ của bạn về tình trạng đau đầu

khiến bạn lo ngại. Nếu bạn có tiền sử đau đầu, hãy đi khám bác sĩ nếu kiểu đau
thay đổi hoặc bạn đột nhiên cảm thấy cơn đau khác lạ.
Ngoài ra, hãy đi khám bác sĩ hoặc khám cấp cứu ngay nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu
hoặc triệu chứng nào dưới đây:
- Đau đột ngột dữ dội, thường giống như sét đánh.
- Đau đầu kèm sốt, cứng gáy, phát ban, lú lẫn, co giật, nhìn đôi, yếu, tê
hoặc nói khó, báo hiệu một số vấn đề bao gồm đột quị, viêm màng não,
viêm não hoặc khối u não.
- Đau đầu sau chấn thương đầu, cho dù chỉ là một cú ngã hoặc va đập nhẹ,
nhất là nếu đau ngày càng nặng lên.
- Đau đầu tiến triển mạn tính nặng lên sau khi ho, gắng sức, căng thẳng
hoặc cử động đột ngột.
- Khởi phát chứng đau đầu mới sau tuổi 40.
Gọi bác sĩ nếu con bạn bị đau đầu nhiều hoặc khiến trẻ phải nghỉ học trường hoặc
bỏ các hoạt động khác. Nếu trẻ còn quá nhỏ chưa biết nói thì bé có thể khóc và lấy
tay ôm đầu để báo hiệu là là bé bị đau.
Sàng lọc và chẩn đoán
Đau đầu thành đợt có kiểu đau và mô hình cơn đau đặc trưng. Chẩn đoán tuỳ
thuộc vào mô tả của bạn về cơn đau, bao gồm kiểu đau, vị trí và mức độ của đau
đầu, và các triệu chứng liên quan. Tần số và thời gian đau cũng là những yếu tố
quan trọng.
Nếu bạn bị đau đầu mạn tính hoặc tái diễn, bác sĩ có thể sử dụng một số biện pháp
để xác định kiểu và nguyên nhân gây đau đầu.
Khám xét và xét nghiệm
- Khám thần kinh. Khám thần kinh có thể giúp bác sĩ phát hiện các dấu
hiệu thực thể của chứng đau đầu thành cơn. Đôi khi đồng tử mắt có thể
bị co hoặc mí mắt sụp xuống, ngay cả giữa các cơn.
- Các xét nghiệm hình ảnh. Nếu bạn bị đau đầu bất thường hoặc có biến
chứng hoặc có kết quả khám thần kinh không bình thường, bạn có thể
được làm một số xét nghiệm chẩn đoán khác để loại trừ những nguyên

nhân nghiêm trọng khác gây ra đau đầu, như khối u hoặc phình mạch.
Hai xét nghiệm hình ảnh phổ biến là chụp cắt lớp máy tính (CT-
computerized tomography) và chụp cộng hưởng từ (MRI-magnetic
resonance imaging). Chụp CT sử dụng một loạt tia X được máy tính
hướng dẫn để có hình ảnh toàn diện về não . MRI không sử dụng tia X.
Thay vào đó nó kết hợp từ tính, sóng vô tuyến và công nghệ máy tính để
cho hình ảnh rõ nét về não bộ.
Theo dõi tình trạng đau đầu
Một trong những thứ có ích nhất bạn có thể làm là ghi nhật ký đau đầu trong ít
nhất 2 tháng. Mỗi khi bạn bị đau đầu, hãy ghi lại những thông tin sau:
- Mô tả tình trạng đau
- Mức độ đau
- Vị trí đau
- Thời gian đau
- Thuốc được dùng
Nhật ký đau đầu có thể mang lại nhiều đầu mối quí giá giúp bác sĩ chẩn đoán loại
đau đầu và tìm ra các yếu tố gây cơn đau.
Điều trị
Không may là chưa có cách điều trị nào chấm dứt được chứng đau đầu thành đợt.
Mục đích điều trị là giảm mức độ đau rút ngắn thời gian đau.
Các thuốc
Nói chung các thuốc không kê đơn ít có hiệu quả, thời gian đến khi thuốc có tác
dụng thường dài hơn cơn đau. Tuy nhiên, một số thuốc kê đơn có thể làm dịu cơn
đau. Các thuốc này bao gồm:
- Ergotamine (Ergomar). Thuốc gây co các mạch máu sưng phồng ở
vùng bề mặt não và da đầu. Ergotamine là thuốc giảm đau hiệu quả đối
với một số người. Bác sĩ cũng kê đơn thuốc này để ngăn ngừa cơn đau
trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, liều dùng phải hạn chế để tránh tác dụng
phụ, nhất là buồn nôn.
Chất chẹn kênh calci. Nhiều người tìm thấy các chất chẹn kênh calci như

verapamil (Calan, Verelan) có tác dụng ngăn ngừa chứng đau đầu thành
đợt. Các thuốc này giúp làm giãn cơ ở thành mạch máu.
- Lithi (Lithobid). Thuốc có hiệu quả trong giai đoạn mạn tính của đau
đầu thành đợt. Bác sĩ có thể điều chỉnh liều dùng để tránh những tác
dụng phụ như run và ngủ gà.
- Corticosteroid. Các bác sĩ thường kê đơn các thuốc chống viêm
corticosteroid như prednisone (Deltasone, Prednisone Intensol), để ngăn
chặn chứng đau đầu thành đợt.
- Oxy. Hít oxy 100% trong vài phút thường làm dịu cơn đau và làm giảm
chứng đau đầu thường xuyên hay xảy ra vào ban đêm.
- Thuốc chống đau nửa đầu. Nếu tiêm ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của
cơn đau, sumatriptan (Imitrex), một thuốc thường dùng để điều trị đau
nửa đầu, có thể làm giảm đau trong đau đầu đầu thành đợt.
- Gây tê tại chỗ. Sử dụng các thuốc gây tê tại chỗ, như lidocaine
(Xylocaine) thể chống lại chứng đau đầu thành đợt khi dùng ở dạng xịt
mũi.
- Độc tốc botulinum (Botox). Tiêm Botox, một độc chất xóa nếp nhăn
vào da đầu có thể giúp giảm đau ở một số người không đáp ứng với các
điều trị thông thường. Cần có những nghiên cứu lớn hơn để khẳng định
hiệu quả.
Bạn có thể phải dùng hai hoặc nhiều loại thuốc để điều trị chứng đau đầu thành
đợt mạn tính.
Phẫu thuật và tia xạ
Tuy hiếm khi cần đến, song phẫu thuật có thể làm giảm đau cho khoảng 2/3 số
người bị đau đầu thành đợt mạn tính. Tuy nhiên, có thể xảy ra yếu cơ ở hàm dưới
hoặc mất cảm giác ở một số vùng trên mặt và đầu. Các thủ thuật ngoại khoa để
điều trị đau đầu thành đợt bao gồm:
- Phẫu thuật cổ điển. Để giảm đau do đau đầu thành đợt mạn tính, bác sĩ
có thể mổ cắt hoặc phá huỷ một số dây thần kinh ở mặt. Dây thần kinh
tam thoa (dây thàn kinh số V) - một dây thần kinh lớn chi phối cảm giác

phần lớn ở mặt - có thể được phẫu thuật phá hủy để làm giảm chứng đau
đầu thành đợt. Thủ thuật này có thành công hạn chế.
- Tia xạ. Chiếu xạ dây thần kinh tam thoa có thể thành công ở những
người không đáp ứng với các cách điều trị khác. Chiếu xạ không phái là
cách điều trị phổ biến cho chứng đau đầu thành đợt, và cần nghiên cứu
thêm để xác định hiệu quả.
Phòng ngừa
Vì chưa rõ nguyên nhân của chứng đau đầu thành đợt, bạn không thể ngăn ngừa
nó xảy ra. Tuy nhiên, nếu bạn đã được bác sĩ chẩn đoán đau đầu thành đợt, bạn có
thể giảm nguy cơ xảy ra cơn đau bằng cách tránh uống rượu, thường đi trước cơn
đau đầu.
Kỹ năng đối phó
Sống với chứng đau đầu thành đợt có thể rất khó khăn. Ngoài các triệu chứng thực
thể, đau mạn tính thường đi kèm với đau đầu thành đợt có thể làm cho bạn lo âu
và trầm cảm. Sau cùng nó có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với bạn bè
và gia đình, năng suất làm việc và chất lượng sống nói chung.
Thảo luận với nhân viên tư vấn hoặc bác sĩ có thể giúp bạn đối phó với chứng đau
đầu thành đợt. Hoặc bạn có thể tìm thấy sự khuyến khích và thông cảm từ nhóm
trợ giúp. Mặc dù nhóm trợ giúp không đáp ứng được cho tất cả mọi người, nhưng
đây là những nguồn thông tin bổ ích. Thành viên của nhóm thường biết về các
biện pháp điều trị mới nhất và chia sẻ kinh nghiệm của mình. Nếu bạn có nhu cầu
bác sĩ có thể giới thiệu một nhóm ở nơi bạn sống.

×