Viognier - Sauvignon blanc
Nhân có độc giả L. Nguyễn (St Albans, VIC) hỏi về “viognier”, một loại vang trắng
đang trên đà phổ biến, đồng thời có một nhà báo Úc viết về sauvignon blanc, và
nhiều nhà báo khác tiên đoán giá rượu vang sẽ lên, LNĐ xin dành trọn kỳ báo cho
các hội viên Hoàng Hoa Hội.
Viognier: để tưởng nhớ mùi hương!
“Để tưởng nhớ mùi hương” là tựa một cuốn tiểu thuyết lãng mạn của nhà văn Mai Thảo
(chuyện có thật ở cuộc sống đời thường của đàn anh - như trường hợp cuốn “Mười đêm
ngà ngọc” - hay không, không ai được biết), nói về tình yêu trong sạch nhân vật chính
dành cho một phụ nữ đã có chồng, mà chàng được sống chung nhà trong một thời gian rất
ngắn; sau đó không bao giờ gặp lại nhau nữa, nhưng suốt đời chàng vẫn nhớ mùi
hương!
Một khi Mai Thảo đã mô tả đó là một mùi hương đặc biệt, không giống bất cứ mùi hương
của một giai nhân nào khác, thì chúng ta phải hiểu đó là một mùi hương tự nhiên, phát
tiết ra từ thân thể của nàng chứ không phải mùi thơm của nước hoa Chanel No.5!
Đi vào đề tài của bài viết, “viognier” chính là là loại vang trắng cho ta mùi hương tự
nhiên ấy!
Viognier phát âm theo tiếng Pháp là “vi-on-nhi-ê”, trong đó âm “ê” ở cuối đọc rất nhẹ,
cho nên ta thường nghe thành “Vi-on-nhi-i”. Đây là một loại nho trắng phát xuất từ Pháp,
được trồng tại Úc cùng với các loại nho trắng khác như chardonnay, riesling, sauvignon
blanc, semillon, v.v
Nói về đặc tính căn bản, viognier tương tự như semillon: độc đáo nhưng không đủ mọi
yếu tố để đứng một mình. Semillon có “vị” ngọt dịu dàng, còn viognier có mùi “hương”
đặc biệt (mùi thơm của trái mơ, tức apricot).
Với đặc tính ấy, trước kia semillon chỉ được dùng làm nền (base) cho các lại rượu ngọt,
hoặc pha với sauvignon blanc (thành “semillon sauvignon blanc”, hoặc “sauvignon blanc
semillon”, tùy theo tỷ lệ semillon trong rượu).
Tuy nhiên, sau này các nhà làm rượu vang ở vùng Hunter Valley (tiểu bang NSW, nơi
trồng semillon ngon nhất ở Úc) đã mạnh dạn sản xuất rượu trắng chỉ có semillon mà thôi.
Kết quả thật đáng khích lệ, và sau đó các nhà làm rượu nho ở Barossa Valley và Eden
Valley (Nam Úc) cũng noi gương Hunter Valley.
Về phần viognier, cho tới những năm cuối thế kỷ 20 cái tên “tây” vẫn còn xa lạ với đa số
dân uống rượu ở Úc, và chỉ có những nhà làm rượu vang có chút óc phiêu lưu mới dám
bỏ công sức “thí nghiệm”. Bước sang đầu thế kỷ thứ 21, tin tưởng viognier sẽ đủ khả
năng chinh phục dân Úc, những nhà làm rượu vang nói trên bắt đầu tung ra vang trắng
viognier, đồng thời pha thử với vang đỏ để tạo thêm mùi hương.
Cách đây khoảng 3, 4 năm, một chiến dịch quảng cáo rầm rộ cho viognier được bắt đầu,
và đạt kết quả khả quan: đi tới đâu cũng nghe dân uống rượu nói tới viognier; một số nhà
báo còn viết rằng viognier là loại vang trắng duy nhất thích hợp với thịt đỏ (thịt bê).
Còn các nhà phê bình rượu thì sao? Cho tới nay, đa số mới chỉ khen “hương” (thường là
mùi trái mơ + quýt, có khi thêm mùi chanh) chứ chưa có mấy người ca tụng “vị”. Trong
khi đó, với đa số dân uống rượu “nhà nghèo” (khoảng 15 Úc kim đổ xuống) thì “vị” quan
trọng hơn “hương”.
Chỉ có một điều mà các nhà “bình rượu” (wine critics) ấy đồng ý là shiraz pha với từ 5-
10% viognier thì hết xẩy! Điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Như LNĐ đã viết
nhiều lần, trong ba loại rượu đỏ phổ biến nhất – shiraz, cabernet sauvignon, merlot - thì
shiraz đậm đà nhưng không có mùi thơm như cabernet (gọi tắt của cabernet sauvignon),
còn merlot thì thơm dịu và có vị hơi chua.
Như vậy, cabernet không cần mùi thơm của viognier, còn merlot thì đã thơm sẵn và có vị
chua, nếu pha với viognier thì sẽ chua thêm, trong khi shiraz vốn đã đậm đà nay pha với
viognier để có mùi thơm thì thật là lý tưởng.
Tuy nhiên, cũng cần phải viết thêm, mỗi tữu sĩ có thể có sở thích, thói quen khác nhau,
cho nên chắc chắn sẽ có những người uống shiraz “chuyên nghiệp” không chấp nhận sự
pha trộn nói trên. Cũng tương tự việc có những người ăn BBQ chỉ thích thịt trừu “siêu
thị bán sao cứ để vậy mà nướng” chứ không thích ướp hành tỏi, xả ớt, hoặc rượu này
rượu nọ; bởi họ cho rằng nếu ướp thì sẽ làm mất đi mùi vị độc đáo của thịt trừu!
Để kết thúc phần viết về viognier, LNĐ xin trả lời độc giả L Nguyễn một cách ba phải
như sau: kẻ hèn này không đủ tư cách để đánh giá các chai viognier hiện có trên thị
trường; tuy nhiên nếu ông muốn chứng tỏ cho các bạn Úc biết mình cũng là dân chơi
sành điệu thì ông nêm mua một hai chai để sẵn ở nhà, phòng khi có bạn Úc hỏi tới loại
rượu này.
Những chai Viognier được khen trên thị trường hiện nay, từ “xịn” xuống tới “uống tạm
được”, là:
- Adelaide Hills Viognier của hãng Petaluma, giá khoảng 35 Úc kim
- The Last Ditch Viognier của hãng d’Arenberg, giá khoảng 18-19 Úc kim
- Windy Peak Viognier của hãng De Bortoli, giá khoảng 12 Úc kim.
Cũng nên biết, nho viogner thích hợp với các vùng tương đối mát mẻ, như Eden Valley,
Adelaide Hills ở Nam Úc, và các vùng Bendigo, Gouldburn, Nagambie ở Central
Victoria.
Sauvignon blanc “cất cánh”!
Hai chữ “cất cánh” ở đây, LNĐ mượn đỡ của các “đồng nghiệp” trong nước, có nghĩa là
“đi lên vùn vụt”. Chẳng hạn các báo chạy tít: “công nghiệp đóng tàu cất cánh”, “kỹ nghệ
sản xuất bao cao-su cất cánh”, “nền đại học tư nhân cất cánh”, v.v
Như LNĐ đã trình bày trong một bài viết về rượu trước đây, loại vang trắng nổi tiếng
nhất của Úc là chardonnay – một loại mà ngon thì không có loại vang trắng nào sánh
bằng, mà dở thì cũng không loại vang trắng nào có thể qua mặt. Mà muốn gọi là “ngon”
thì phải uống những chai chardonnay giá từ 20 Úc kim trở lên, cho nên người ta mới gọi
giai cấp thượng lưu (cổ trắng) là “giai cấp uống chardonnay”!
Trong khi đó, các lại vang trắng khác (riesling, semillon, sauvignon blanc) thì uống một
chai giá 15 Úc kim cũng thấy tạm được. Chính vì thế từ ngày tập tành uống rượu vang,
khi uống vang trắng (mà phải bỏ tiền túi ra mua), LNĐ thường ưu tiên mua sauvignon
blanc; uống riết thành thói quen.
Nho Sauvignon Blanc
Nay đọc báo mới thấy “tư tưởng lớn gặp nhau”: hiện nay dân Úc càng ngày càng ưa
chuộng sauvignon blanc, chẳng khác nào sự “cất cánh” của riesling cách đây hai, ba chục
năm!
Nhà báo Paddy Kendler, chuyên viết về rượu của tờ Herald Sun, giải thích nguyên nhân:
vì sauvignon blanc vừa có mùi thơm của các loại cây trái (fruity), vừa phơi bày toàn bộ
(full-frontal) đặc tính của loại nho, và nhất là có thể đi với rất nhiều món ăn khác nhau,
chứ không kén như chardonnay!
Thêm một thuận lợi nữa (cho dân uống rượu ở Úc) là sauvignon blanc trồng ở vùng
Marlborough, Tân-tây-lan, được xem là ngon nhất thế giới, và sauvignon blanc trồng ở
Úc cũng được xem là “có hạng”, nhất là vùng Adelaide Hills, Nam Úc và nửa phía nam
của Tây Úc.
Nghĩa là chúng ta vừa có nhiều sauvignon blanc để lựa chọn, vừa được uống những chai
sauvignon blanc với giá rẻ hơn các nơi khác trên thế giới (vì đỡ tốn công chuyên chở).
Khi mua, nếu có khả năng tài chánh, nên uống các loại sauvignon blanc của vùng
Marlborough, Tân-tây-lan, giá vào khoảng trên dưới 20 Úc kim; hoặc các chai Houghton
Pemberton, Oakridge Yara Valley, Coldstream Hills của Úc với giá tương đương.
Trường hợp muốn “tiết kiệm”, có thể mua những chai như Jacob’s Creek Reserve, Wolf
Blass (yellow label), giá khoảng 16-17 Úc kim, và nếu “kẹt” lắm cũng có thể mua chai
Houghton của Tây Úc, giá 12-14 Úc kim (chai này thường nằm trong danh sách Top 10
của báo Úc).
* * *
Như đã viết ở trên, ngoài việc “đứng một mình”, sauvignon blanc còn được pha trộn với
semillon để cho những chai “semillon sauvignon blanc” hoặc “sauvignon blanc semillon”
thơm ngọt tuyệt vời.
Sauvignon blanc càng xịn thì chai rượu (pha trộn ấy) càng ngon. Suy ra, không nên uống
những chai “semillon sauvignon blanc” hoặc “sauvignon blanc semillon” giá dưới 12 Úc
kim.
Những chai điển hình:
- Cape Mentelle, giá 22-24 Úc kim
- MadFish, 18-20
- Yalumba Eden Valley, West Cape Howe, hoặc McWilliam’s Margaret River, 15-16
- Houghton, 12-14
LƯU Ý:
Khi một số hãng gọi những trai vang trắng là “Dry White” hoặc “Classics”, thì phải hiểu
đó là những chai semillon + sauvignon blanc nguyên chất, hoặc pha trộn rất ít hương vị
của các loại cây trái, hoa lá.
Tích tửu phòng hạn!
Với vang trắng sauvignon blanc nói riêng, với tất cả các loại rượu vang sản xuất tại Úc
nói chung, đây là thời điểm “final call” cho việc “tích tửu phòng hạn”.
Trước hết nói về sauvignon blanc, mùa hè ở Úc vốn đã thường được xem là thời gian lý
tưởng để uống sauvignon blanc, huống chi hiện nay ngày càng có thêm nhiều người thích
uống loại vang trắng này, cho nên sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm.
Thứ đến, nói chung về mọi loại rượu vang, năm ngoái Úc đã bị hạn hán, năm nay vừa bị
đại hạn hán, và năm tới đã được tiên đoán sẽ bị đại đại hạn hán; nghĩa là nho sẽ bị thất
hơn cả năm nay và năm ngoái.
Hậu quả, theo luật sinh tồn, các nhà trồng nho sẽ tăng giá nho, các nhà làm rượu vang
phải mua nho với giá cao thì sẽ đè đầu người tiêu thụ ra mà “sạc” thêm tiền. Rốt cuộc,
chính những người uống rượu mới là những “nạn nhân” đáng thương nhất!
Vì thế, hơn lúc nào hết, các tửu sĩ (nhà nghèo) phải chịu khó “canh me”, và lanh tay lẹ
mắt. Không cần biết phe Liên Minh hay Lao Động thắng cử, chắc chắn giá rượu vang
sẽ “cất cánh”, có thể còn lên nhanh hơn cả giá xăng dầu!
Tuần qua, đọc quảng cáo trên báo chí cũng như lang thang vào một vài tiệm rượu lớn
nhỏ, LNĐ phải kinh ngạc khi thấy nhiều chai vang đỏ mùa 2004 (chẳng hạn chai Jacob’s
Creek Reserve Cabernet Sauvignon) vẫn còn đứng, nằm trên kệ. Quả thật dân Úc “sống
ngày nào hay ngày ấy”, trong nửa năm qua, hầu như không tuần nào không có những bài
báo “báo động” trên báo Úc, mà thiên hạ vẫn tỉnh bơ!
Cái lợi của việc tích trữ rượu đỏ, LNĐ đã viết trong một kỳ trước, tuần này chỉ viết thêm
như sau: tửu sĩ nào thuộc thành phần dân uống rượu “nhà nghèo” (như LNĐ) thì vào mỗi
dịp đại hạ giá của các cửa tiệm, trong khi ưu tiên “nhắm” các chai “tên tuổi”, cũng nên để
ý tới những chai không nổi tiếng cho lắm.
Trên thực tế, nếu chịu khó uống thử để rút kinh nghiệm, chúng ta sẽ thấy những chai
rượu giá dưới 20 Úc kim, có ngon hơn nhau cũng chẳng hơn bao nhiêu, cho nên rượu của
hãng nào bán “sale”, mình cũng có thể mua được.
Một khi đã gọi là “nhà nghèo” thì không có tiền mua mỗi lúc cả ngàn đồng tiền rượu,
thành thử mỗi lần chỉ nên mua một hai thùng, tích tiểu thành đại, sẽ tới lúc có một kho
rượu như ai!