Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

BÌNH ĐỊNH - Trường Quốc học Qui Nhơn - Hữu Vinh pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (143.52 KB, 7 trang )

Trường Quốc học Qui Nhơn - Hữu Vinh
Trước tháng 8 năm 1945, khu vực miền Trung chỉ có ba trường công lập
mang tên Quốc học. Đó là trường Quốc học Huế, Quốc học Vinh và Quốc học
Quy Nhơn. Trường Quốc học Quy Nhơn còn có tên gọi là Collège de Quy
Nhơn được thành lập từ năm 1921. Trước đó (1920), là trường Pháp-Việt Quy
Nhơn đóng tại trường Nữ học cũ (nay là trường Tiểu học Lê Lợi), niên khóa
1921-1922 mở thêm một lớp Đệ nhất niên. Tuy vậy, năm học sau lớp Đệ nhất
này ai lên được lớp trên phải ra trường Quốc học Huế học tiếp lớp Đệ nhị niên.
Đến niên khóa 1924-1925 trường chuyển lên trường mới, lấy tên mới là
trường Collège de Quy Nhơn (nay là khu vực trường Tiểu học Lê Hồng Phong).
Khuôn viên trường khá rộng, nằm ở ngã ba Công Quán-Collège-Ga xe lửa Quy
Nhơn, nay là phía nam đường Lý Thường Kiệt và phía bắc đường Nguyễn
Công Trứ. Trước mặt trường là Đại lộ O-Đân-Đan. Niên khóa 1926-1927
trường hoàn chỉnh cấp Cao đẳng Tiểu học và có đủ 10 lớp từ lớp năm (lớp một
bây giờ) lên lớp đệ tứ. Đây là trường duy nhất ở Trung-Nam Trung bộ chia ba
cấp học toàn bằng tiếng Pháp. Sơ học yếu lược gồm 3 lớp (lớp năm, lớp tư, lớp
ba); Tiểu học gồm 3 lớp (lớp nhì đệ nhất, lớp nhì đệ nhị, lớp nhất); Cao đẳng
tiểu học gồm 4 lớp (đệ nhất niên, đệ nhị niên, đệ tam niên và đệ tứ niên). Học
sinh học hết đệ tứ niên phải thi tốt nghiệp, gọi là Cao đẳng Tiểu học (bằng
Thành Chung hay Diplome). Bộ phận đồng ấu của trường được bố trí học ở địa
điểm nay là Sở Giáo Dục (đường Trần Phú), do vậy, ngày nay vẫn giữ mối
quan hệ lịch sử giữa 3 trường: Quốc học Quy Nhơn - Trung học cơ sở Lê Hồng
Phong - Tiểu học Lê Hồng Phong.
Các thầy, cô giáo dạy trường Collège de Quy Nhơn có người Pháp, người
Việt, và học trò cũng vậy, lại thêm học sinh người dân tộc thiểu số. Trong
trường có khu nội trú, sân vận động, xưởng mộc, phòng thí nghiệm, bệnh xá,
thư viện Trường có khoảng 400 học sinh, chủ yếu người ở các địa phương từ
Đà Nẵng đến Phan Thiết và các tỉnh Tây Nguyên.
Là ngôi trường do Pháp lập ra, nhằm đào tạo học sinh ra trường phục vụ
cho chế độ thực dân phong kiến, nhưng phần lớn học trò Collège Quy Nhơn lại
là những trí thức yêu nước, căm ghét thực dân Pháp. Vì trong bộ phận giáo viên


người Việt nhiều người có tinh thần yêu nước tiến bộ, đã truyền cho học trò của
mình lòng yêu nước, yêu dân tộc. Vì vậy, trong thời gian từ năm 1925-1930,
trong nhà trường đã nổ ra các phong trào yêu nước như đấu tranh đòi ân xá cụ
Phan Bội Châu, tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, bãi khóa phản ứng giáo
viên người Pháp có ý khinh miệt người Việt Nam…
Sau tháng 8 năm 1945, trường Quốc học Quy Nhơn chuyển sang một giai
đoạn mới. Năm học 1945-1946 trường khai giảng năm học đầu tiên dưới chế độ
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ,
trường phải dời về thôn An Lương, xã Mỹ Chánh (Phù Mỹ), mấy năm sau lại
chuyển lên xã Nhơn Phong (An Nhơn) và đổi lại tên là trường Trung học
Nguyễn Huệ. Năm học 1950-1951 trường được tách ra làm hai: trường Nguyễn
Huệ Nam và Nguyễn Huệ Bắc (Bồng Sơn) và còn tiếp tục dời chuyển theo cuộc
kháng chiến. Vào giữa năm học cuối cùng (1954-1955) một số đông giáo viên
và học sinh trường Nguyễn Huệ Nam và Bắc đi tập kết ra miền Bắc.
Năm 1955, Mỹ-Diệm tiếp quản miền Nam mở lại trường học. Trên nền
trường Quốc học Quy Nhơn cũ (Collège) đã bị lấn chiếm thu hẹp quá nửa, một
ngôi trường được xây dựng lên mang tên Trung học Cường Để Quy Nhơn (khu
vực trường Lê Hồng Phong cấp I và II ngày nay). Năm 1958, trường Trung học
Cường Để mở thêm cấp 3, trường được xây dựng trên khu vực số 9 Trần Phú
ngày nay, dạy từ lớp 9 trở lên.
Năm 1975, trường Trung học Cường Để Quy Nhơn đổi tên là trường cấp
III Quang Trung, rồi Trung học Quang Trung. Đầu niên học 1991-1992, trường
được phép mang tên Quốc học Quy Nhơn.
Mặc dù ra đời trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, các chương trình dạy
theo ý đồ của thực dân Pháp, nhưng trường Quốc học Quy Nhơn đã sản sinh ra
nhiều nhà trí thức, yêu nước. Không thể ghi hết những thế hệ học trò được học
dưới ngôi trường này đã bay cao, bay xa trên nhiều lĩnh vực cuộc sống.
Có thể nói, không phải ngẫu nhiên mà từ năm 1921, đất Quy Nhơn được
chọn để tạo dựng ra trường Quốc học. Dưới thời phong kiến, Bình Định đã có
trường Thi Hương với bao lớp sĩ tử lều chõng về đây. Lập ra trường Quốc học

Quy Nhơn thực dân Pháp có ý đồ riêng, nhưng thầy trò Việt Nam đã biết phát
huy truyền thống yêu nước của dân tộc để hành động.
Ngày nay, phát huy truyền thống, trường Quốc học Quy Nhơn tiếp tục
phát triển để cho ra "lò" những thế hệ học trò có chất lượng kiến thức, đạo đức
tốt, để sau này phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước.
Giai thoại Trường thi Bình Định - Nguyễn Xuân Nhâm
Trường thi Bình Định ra đời từ thời vua Tự Đức (1851) là trung tâm văn
hóa một thời đã tồn tại gần bảy thập kỷ, tổ chức được khoảng hai chục kỳ thi
hương, đào tạo ra hàng trăm vị cử nhân và nhiều học vị tú tài cho các tỉnh Nam
Trung bộ. Từ khi bãi bỏ chữ Hán, trường thi hoang phế dần. Đầu kháng chiến
chống Pháp, thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến, Trường thi bị đập phá
để đề phòng địch tới chiếm đóng nên nay chỉ còn mấy đống đất đá làm dấu vết.
Cụ Nguyễn Đình Phùng quê xã Nhơn Hòa, năm 1987 đã 79 tuổi, là người
thời niên thiếu còn được chứng kiến khá nguyên vẹn quang cảnh Trường thi kể
lại rằng: Trường thi ở phía Tây Nam thành Bình Định, nằm gần bờ sông này
thuộc xã Nhơn Hòa rộng tới trên bảy, tám mẫu đất. Trường thi chia làm hai khu
vực: Khu dành cho sĩ tử dựng lều, đặt chõng trên bốn mẫu; khu vực dành cho
các quan giám khảo, các thừa sai và lính canh giữ làm việc khoảng trên ba mẫu.
Trong ba mẫu cất nhà cho ban giám khảo chia làm bốn lô (4 di): tả, hữu, giáp,
ất. Chính giữa là nhà nhập đạo cách đều bốn di. Bốn phía Trường thi xây dựng
thành đá ong bao bọc, thành cao 4 thước 5 tấc (hơn 1 mét Tây). Ngoài chân
thành có đào hồ chạy quanh để không cho người ngoài lọt vào trong thời gian
thi. Ở mỗi cạnh bờ thành có cổng cho sĩ tử đi vào khu vực thi.
Theo lệ chung, cứ ba năm Trường thi Bình Định mở một khoa vào các
năm: tí, mẹo, ngọ, dậu. Các nho sinh sau mười năm hương lửa, qua khảo thí ở
huyện đã được công nhận đủ trình độ dự thi thì nộp đơn ở tỉnh. Tới gần tổ chức
kỳ thi, Bộ học cử quan chủ khảo, các quan giám khảo về trước ở lại Trường thi
để chuẩn bị. Sau khi các tỉnh nộp đủ hồ sơ, danh sách dự thi cho quan chủ khảo
thì thí sinh của trường thi Hương Bình Định có tới hàng ngàn thí sinh. Nơi ăn
chốn ở của các sĩ tử trước khi vào thi chủ yếu là nhà dân ở các làng xã xung

quanh khu vực Trường thi. Dân vùng quanh Trường thi vốn có truyền thống
hiếu học và mến khách làng nho nên gia đình nào cũng vui vẻ, niềm nở tiếp đón.
Vả lại đây cũng là dịp tốt để các gia đình, các thục nữ chọn ông cử, ông tú
tương lai làm con cái nhà.
Kỳ thi mở sau vụ mùa, việc gặt hái đã xong xuôi nên bà con trong vùng
dựng lều bán hàng cơm và bút mực hai bên các ngả đường dẫn tới Trường thi.
Mỗi thí sinh thường có đệ tử mang khăn gói bút nghiên đi theo nên không khí
trong vùng trước ngày thi thật rộn ràng, náo nức.
Đến giờ thi các quan giám khảo mặc áo đại trào đứng ở nhà thập đạo cho
thừa sai phát loa gọi tên thí sinh đang đứng chờ ở bốn di. Nghe tới tên mình, thí
sinh tiến vào theo người hướng dẫn đi tới nơi dành cho mình để tự dựng lều, đặt
chõng, sắp xếp đồ đạc giấy bút mang theo. Khi nơi ăn chốn ở đã an bài thì quan
chủ khảo mới ra lệnh phát đề thi tới từng người. Nội quy thi khá nghiêm ngặt:
Lều ai nấy ở, chõng ai nấy ngồi làm bài, không được quay lại hỏi bài, xem bài
của nhau. Thi có nhiều bài, thí sinh phải qua nhiều vòng như lệ thi Hương
chung cả nước.
Kỳ thi Hương đầu tiên ở Trường thi Bình Định một thí sinh Quảng Ngãi
đậu thủ khoa nên mới có câu ca:
Tiếc công Bình Định xây thành
Để cho Quảng Ngãi vào dành thủ khoa
Các sĩ tử Bình Định bực mình quyết chí học tập nên mấy kỳ thi sau đỗ thủ khoa
liên tiếp mới có câu ca đáp lại:
Uổng công Quảng Ngãi đường xa
Để cho Bình Định thủ khoa ba lần
Kể tới đây, cụ Phùng bảo chúng tôi:
- Cái sự học ngày xưa ganh nhau là thế. Trường thi chỉ vài chục người đậu cử
nhân và trên dưới bốn chục người đậu tú tài mà thôi. Thi thì nhiều mà đậu lại
rất ít. Có người văn hay chữ tốt đã dạy học trò thi đỗ cử nhân còn thầy bao lần
đến Trường thi cũng chỉ đậu tú tài mà thôi. Các cụ bảo các vị này không có
"duyên trường". Cụ Nguyễn Diêu ở Tuy Phước và cụ Phạm Vĩnh Bình ở Phù

Cát giỏi giang là thế, mỗi người năm bảy lần thi mà rồi cũng đành ôm hận làm
ông tú suốt đời.
Ở Bình Định có ông cử Trần Kỳ Xương nổi tiếng hay chữ thi lần đầu chỉ
đỗ tú tài. Ba năm sau, khi vào trường thi ông lấy rơm bện thành dây cột bó đầu
lại ngồi trên chõng làm bài. Khi quan chủ khảo tới lều ông, thấy vậy liền hỏi:
- Tại sao lại phải cột rơm vào đầu?
- Thưa tôi lấy rơm cột chặt đầu cho khỏi nhức.
Quan chủ khảo biết cậu thí sinh có nét mặt tinh nghịch này muốn nỡm mình
liền hỏi tiếp:
- Sao anh nhức đầu nhiều thế?
- Thưa vì trong đầu tôi nhiều chữ quá ạ!
Quan chủ khảo đành nén giận cười nhạt đi sang lều bên cạnh.
Một lần khác, một thí khi làm bài cứ ngồi dựa vào cột lều dúi đầu vào nơi râm
mát và mở cúc áo phơi cái bụng ra ngoài nắng ai thấy cũng phải buồn cười.
Quan chủ khảo tới lều, tưởng anh ta nằm ngủ liền quát:
- Anh kia! Dậy làm bài thi đi! Sao lại nằm ngủ phơi cái bụng ra nắng thế!
Anh này giả vờ giật mình tỏ vẻ ngạc nhiên và vội vàng đứng dậy thưa:
- Bẩm ngài! Tôi phải phơi bụng ra ngoài nắng để khỏi mốc mất bồ chữ dành
dụm mười năm mới có đấy ạ!
Quan chủ khảo sầm mặt bỏ đi. Kỳ thi ấy anh ta bị đánh trượt vì tội kiêu căng.
Kỳ thi năm Ngọ, sĩ tử được quan chánh khảo lần này là người nổi tiếng
tham bỉ, hay kiếm chuyện để làm hại thí sinh. Vị này thường tìm mọi cách ăn
tiền đút lót của các nhà hào phú có con học dốt nhưng muốn đỗ tú tài để lên mặt
với thiên hạ. Mọi người đều biết nhưng vì quan được Thượng thư bộ Học che
chở nên đành im tiếng. Bấy giờ có anh thí sinh họ Đái vốn thông minh, học giỏi
lần trước đáng lẽ đỗ cử nhân nhưng vì phạm húy nhẹ nên bị đánh trượt. Tên anh
ta vốn là Đái Đình Tạo nhưng anh mua chuộc được viên thư lại của giám khảo
để viết nhầm chữ Đình thành chữ Đầu, chữ Tạo thành chữ Tao nên khi viên
thừa sai cầm gọi tên anh vào cửa ất làm cho đám sĩ tử được một phen cười vỡ
bụng. Quán chánh chủ khảo giận tím mặt nhưng đành phải làm ngơ. Kỳ thi ấy

anh bị đánh hỏng từ vòng đầu.
Trong các kỳ cũng có người chuyên nghề thi mướn để kiếm sống đó là
những ông tú học giỏi thi hộ cho người khác được vào nhất trường hay nhị
trường để lấy tiếng với xóm làng.
Ở Trường thi Bình Định cũng có thi võ. Người đỗ cử nhân võ đầu tiên là
ông Bùi Khắc Tri ở Nhơn Hòa (An Nhơn). Sau khi làm lễ xướng danh, quan
chánh chủ khảo mời quan tuần phủ Bình Định sang dự yến. Trong bữa tiệc quan
tuần phủ bảo ông:
- Là người đỗ cử nhân võ đầu tiên ở Trường thi Bình Định, ông có thể cho tôi
xem biệt tài của ông được không?
Nghe quan tuần phủ bảo vậy, ông Bùi Khắc Tri không nói một lời, nâng ly rượu
đứng dậy nhún mình nhảy lên đầu đụng đòn dông nhà rồi nhẹ nhàng rơi xuống
ngồi đúng chỗ cũ mà chén rượu không sánh ra ngoài. Quan tuần phủ Bình Định
vô cùng khâm phục võ nghệ của ông nên tâu về triều xin cho ông được làm võ
quan đặc trách việc bảo vệ thành Bình Định.
Trong gần bảy mươi năm tồn tại Trường thi Bình Định đã tạo ra nhiều
nhân tài cho quê hương xứ sở. Việc bãi bỏ Trường thi Bình Định cũng để lại
nỗi luyến tiếc với những ai còn vương vấn với nền thi cử xưa trong bài ca:
Nhớ xưa vua mở khoa thi
Ngựa xe sĩ tử một thì hiển vinh
Bây giờ vua bỏ hương, đình
Mở trường dạy chữ la-tinh ba kỳ
Nhiều nhà lưu trữ sử kinh
Lưu truyền con cháu, uống mình công phu
Buồn thay giấy ngọn ba xu
Tiếc thay luận ngữ, xuân thu lại tàn
Thầy đồ ngơ ngác thở than
Xé sách vấn thuốc quăng tàn đầy hiên
Than ôi chữ nghĩa thánh hiền!
Sử kinh chẳng đặng lưu truyền hậu lai

Cử nhân, tiến sĩ, tú tài
Lập nhà văn thánh nào ai phòng thờ.

×