Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Trả lại trong sáng cho Ngọc Hân Nguyễn An Phong docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (202.98 KB, 10 trang )

Trả lại trong sáng cho Ngọc Hân -
Nguyễn An Phong
Một dịp hết sức tình cờ đã trở thành động lực chính thúc bách tôi phải
viết bài này: Trong đêm 26-6-1996 "đêm thắp nến cho thuyền nhân tỵ nạn Việt
Nam", tại khuôn viên toà thị chính Westminter tôi gặp lại Mỹ Thơ, một cô nữ
sinh cũ của trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân – Mỹ Tho. Sau vài câu xã giao,
thứ đến là những chuyện trường cũ, tình xưa .v.v và rồi thì câu chuyện lại
chuyển sang đề tài về một bài báo cách đó mấy tháng đã viết với nội dung là:
năm 1801 sau khi chiếm Phú Xuân vua Gia Long đã lấy bà Ngọc Hân công
chúa làm vợ. Mỹ Thơ cho rằng đây là một điều làm sỉ nhục đến người xưa và
nhất là những cựu nữ sinh trường Lê Ngọc Hân.
Nếu chỉ đặt mình trong một cương vị hết sức bình thường của một người
chưa bao giờ bước chân đến trường và cũng chưa một lần nào học qua lịch sử
Việt Nam, hoặc giả là một người sinh ra và lớn lên ở hải ngoại thì chắc chắn
không có điều gì đáng nói cả. Nhưng tôi cũng đã bước chân đến trường và cũng
đã học qua lịch sử nước nhà, nhất là tôi đã sinh ra và lớn lên ở Bình Định, quê
hương của vị anh hùng dân tộc: Ðại đế Quang Trung. Thật tình mà nói tôi chưa
đọc được tài liệu lịch sử nào, đã ghi rằng vua Gia Long lấy Ngọc Hân công
chúa và sinh hạ ra hai hoàng tử là Quảng Oai và Thường Tín, mà chỉ đọc được
một tài liệu đã ghi rằng, em ruột của bà Ngọc Hân là công chúa Ngọc Bình đã
lấy vua Gia Long và sinh hạ được hai người con. Phải chăng vua Quang Trung
và vua Gia Long là hai anh em bạn rể? Có dịp tôi sẽ trình bày đề tài thích thú
này trong một bài khác.
Dưới thời Tây Sơn có hai người đàn bà tài danh đã nối gót tiền nhân, làm
rạng rỡ truyền thống phụ nữ Việt Nam, đó là nữ tướng Bùi Thị Xuân của đất
Tây Sơn Bình Định và Ngọc Hân công chúa của đất Thăng Long. Nhưng cuối
cùng, khi Gia Long với tư cách là kẻ chiến thắng, đã trả thù hai bà và gia đình
một cách dã man và hèn hạ, nên đã để lại cho người đời sau không ít những hệ
quả, bi thảm và sâu đậm rất khó quên. Họ vẽ vời thêm những câu ca dao, một
số sấm ký và một số truyền thuyết, có mục đích tuyên truyền chính trị, và bôi
nhọ Bắc cung Hoàng hậu của Quang Trung Ðại Đế. Rồi họ thi vị hóa và hiện


thực hóa truyền thuyết thành một trang tình sử đầy bi hùng, có thứ tự, có lớp
lang giữa Ngọc Hân công chúa và vua Gia Long, cho nên rất được nhiều người
ưa nghe, và rồi cũng rất nhiều sách vở biên chép. Trong số đó có bài viết của
ông Phạm Việt Thường đăng trong tập san "Ðô Thành Hiếu cổ" đã xuất bản ở
Huế vào năm 1941 với tựa đề là: "Sự trớ trêu của ông Tơ, bà Nguyệt hay duyên
số kỳ lạ của Ngọc Hân Công Chúa". Bằng mọi cách để cố tạo nên sự chú ý của
độc giả, tác giả đã không ngần ngại dùng bút pháp tiểu thuyết hóa câu chuyện:
Một đêm dưới ánh trăng lờ mờ của ngọn đèn ở trong một căn phòng âm u,
Ngọc Hân thấy một người đàn ông tráng kiện và uy nghi, chậm chạp tiến về
phía mình rồi cúi chào, Ngọc Hân run lên và đánh liều hỏi:
- Này võ tướng Nguyễn quân, người muốn gì ở ta?
Người kia cười và đáp:
- Không can chi mô, bà đừng sợ, võ tướng Nguyễn quân cũng là một người mà
có lẽ còn nhân từ hơn cả một võ tướng Tây Sơn.
Thấy Ngọc Hân im lặng, người bí mật nói tiếp:
- Thưa Hoàng hậu, dù việc xảy ra như thế nào thì cung điện này cũng vẫn là
của bà.
- Nhưng thưa tướng quân, đối với tôi cung điện này còn là một nhà tù!
Ngọc Hân đáp rồi oà lên khóc. Trong cơn đau khổ, Ngọc Hân càng làm cho vị
võ tướng thêm xao xuyến và càng yêu quí nhan sắc tuyệt vời của bà hơn. Ðể tỏ
lòng tôn kính Ngọc Hân, vị võ tướng nói mấy lời an ủi rồi rút lui.
Sau một đêm thao thức không ngủ được, Ngọc Hân ngồi dậy uể oải cả người
giữa những tiếng chim kêu êm vui và hình như còn nghe những tiếng gào thét
của quân lính đang tấn công vào kinh thành. Nàng buồn phiền không muốn
trang điểm gì cả. Bỗng nàng thấy một người mang trang phục đế vương tiến
dần về phía mình. Nàng nhận ra người ấy là kẻ lạ mặt đêm hôm qua, đó chính
là Nguyễn Ánh. Ngọc Hân đứng dậy xin lỗi về sự nhầm lẫn đêm hôm qua.
Nguyễn Ánh trong sự rạng rỡ của mình mỉm cười và nói:
- Hôm nay bà dậy sớm quá.
- Tâu hoàng đế chúng tôi suốt cả ngày đêm không ngủ.

- Bà là một hoàng hậu anh minh. Bà nên biết rằng mặc dù có những
cuộc thay đổi, nhưng nước Nam này vẫn giữ nguyên như cũ. Bà hãy khuây khỏa,
dẹp mọi ưu phiền, cung điện lâu đài này vẫn luôn luôn là của bà.
- Tâu, chúng tôi xin cám tạ lời vàng ngọc của ngài, nhưng Ngọc
Hân nghẹn ngào trong những tiếng nấc và nước mắt, đành bỏ dở câu, không
nói tiếp được nữa
Trước ý chí cương quyết của Nguyễn Ánh, triều đình đành chịu bó tay và Ngọc
Hân vui vầy bên duyên mới, quên lãng chuyện xưa

Và cuối cùng bằng những lời hoài cổ buồn da diết, tác giả Phạm Việt
Thường đã kết thúc câu chuyện: “Ngày nay, những khách qua đường hiếm hoi,
dừng lại trước đền thờ Quảng Oai quận công và Thường Tín quận công, hai cái
chòi trơ trụi còn lại của Ngọc Hân công chúa với Gia Long mà không thể thốt
lên một tiếng thở dài não nuột, khi thấy cái đền thờ trong cảnh đổ nát và sắp
tiêu vong với thời gian”.
Ðây là một trong những truyền thuyết, mà tác giả đã dùng bút pháp để
tiểu thuyết hóa câu chuyện cho thật ly kỳ và hấp dẫn miễn sao gây được ấn
tượng "có thật" trong lòng độc giả là đã đạt được mục đích, và rồi đến ngày nay
ở hải ngoại vẫn còn có người căn cứ vào tài liệu tiểu thuyết mà cho rằng đây là
một thiên tình sử đặc sắc, một câu chuyện có thật. Rất tiếc vì thiếu đối chiếu và
cẩn trọng gạn lọc tài liệu sử dụng nên sẽ tiếp tục để lại thêm không ít những di
hại cho nhiều thế hệ sau. Như vậy Ngọc Hân Công Chúa có yêu vua Quang
Trung hay không? hay là đã đầu độc vua Quang Trung để rồi sau này lấy vua
Gia Long?
Qua sự mai mối chớp nhoáng của Nguyễn Hữu Chỉnh, lễ cưới của Ngọc
Hân Công Chúa và Nguyễn Huệ đã được tổ chức ở Thăng Long hết sức linh
đình và trọng thể. Nhưng có người cho rằng đây là cuộc hôn nhân mang màu
sắc chính trị vào giữa lúc mà thế nước chẳng đặng đừng. Có thực vậy không?
Ta thử nghe mẩu đối thoại ngắn của Nguyễn Huệ và Ngọc Hân:
Nguyễn Huệ: Con trai, con gái nhà vua đã có mấy người được vẻ vang như

nàng?
Ngọc Hân: Nhà vua ít lộc, các con trai, con gái ai cũng thanh bạch nghèo khó,
chỉ riêng thiếp có duyên lấy được lệnh công, ví như hạt mưa bụi ngọc bay ở
giữa trời, được sa vào chốn lầu đài như thế này là sự may mắn của thiếp mà thôi.
(Hoàng Lê Nhất thống chí, trang 104)
Ðây là lời trao duyên đầu tiên giữa Nguyễn Huệ và Ngọc Hân đã được sử sách
ghi lại. Vậy thì cuộc tình của Ngọc Hân và Nguyễn Huệ thật là tốt đẹp, ngay cả
phụ hoàng cũng hoàn toàn như ý:
Từ cờ thắm trở vời đất Bắc
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương
Rút dây vâng mệnh phụ hoàng
Thuyền lan chèo quế, thuận đường vu qui.
Và cũng để bù đắp lại tình yêu thương của Nguyễn Huệ, ta thấy Ngọc Hân đã
bày tỏ tất cả nỗi lòng da diết của mình qua bài "Văn Tế vua Quang Trung".
Nhưng tiếng lòng sâu kín và bão táp nhất của Ngọc Hân đối với vua Quang
Trung vẫn là nội dung chứa đựng trong những vần thơ của bài "Ai Tư Vãn".
Tiếng lòng đó có lúc nức nở nghẹn ngào, tan nát có lúc dốn dập, hùng hồn, kiêu
hãnh như chính cuộc đời của bà và vua Quang Trung:
Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước, xiết bao công trình
Hai câu thơ thứ ba và thứ tư trong 164 câu thơ của Ngọc Hân công chúa khóc
chồng, mà ta có cảm tưởng như đang thay cho cả triều đình Tây Sơn khóc vị
anh hùng vắn số.
Còn vấn đề đầu độc vua Quang Trung, lật lại các trang sử cũ, chúng ta
chỉ thấy các sử gia ghi chú ngày, tháng, năm lúc vua Quang Trung mất, không
có một vị nào cho biết Quang Trung đã chết vì bị bệnh gì.
- Sử gia Hoàng Xuân Hãn viết: "Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý vào giờ dạ tý
tức ngày 16 tháng 9 năm 1792 vua Quang Trung băng hà."
- Tác giả Hoàng Lê Nhất Thống Chí viết: "Vua Quang Trung mất vào năm
Nhâm Tý" (1792).

- Sử gia Trần Trọng Kim viết: "Năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung bị bạo
bệnh băng hà".
- Riêng học giả Hoa Bằng viết: "Vua Quang Trung mất vì chứng huyết vận năm
Nhâm tý (1792)". Ðoạn sau ông nêu ra những chứng do huyết vận gây nên!
Vua Quang Trung mất đi đã để lại rất nhiều ngẩn ngơ cho lịch sử và rất
nhiều xót xa cho hậu thế. Cuộc đời của vua Quang Trung là một thiên anh hùng
ca đặc sắc, nhưng đương thời còn thêu dệt thêm nhiều điều bí ẩn, diệu kỳ nên
sau ngày vua Quang Trung mất đi một bức màn bí mật lại bao phủ lên người
ông. Một số câu hỏi đã được đặt ra chung quanh cái chết và lăng mộ của ngài.
Thế rồi nhiều nghi vấn, nhiều giả thuyết đã tạo thành nhiều cuộc tranh luận và
không thiếu những truyền thuyết lưu truyền trong dân gian rất là phổ biến, nhất
là ở thành phố Huế: nào là bị đầu độc, nào là bị tổ tiên của triều Nguyễn đánh
vào đầu lúc chiêm bao .v.v
Vào khoảng tháng 8 năm 1961 trên tạp chí Phổ Thông của ông Nguyễn
Vỹ đã đưa ra một nghi án lịch sử là Ngọc Hân Công Chúa đã đầu độc vua
Quang Trung chết năm 1792 với tài liệu của ông Nguyễn Thượng Khánh. Ông
Nguyễn Thượng Khánh cho rằng ông thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Lê (Lê Duy
Mật) nhưng vào thời nhà Nguyễn buộc phải đổi họ từ Nguyễn Duy sang
Nguyễn Lê và đến đời của ông thì đổi sang Nguyễn Thượng. Ông Khánh đã
đưa ra một mớ sử liệu căn cứ trên bản gia phả và ông cho rằng đó là một sử liệu
thầm kín của dòng dõi Nguyễn Lê có liên quan đến lịch sử mà "xưa nay chưa có
ai phát giác ra". Ông Khánh cho là: Sau khi hay tin vua Càn Long hứa gả công
chúa cho Quang Trung, trong một phút uất ức và cuồng trí, Ngọc Hân đã quyết
định giết vua Quang Trung, "Ngọc Hân đã bỏ thuốc độc vào rượu cho vua
Quang Trung uống" và ông Khánh nhìn nhận "Công chúa Ngọc Hân do một
phút bồng bột vì quá ghen".
Sau bài viết của ông Nguyễn Thượng Khánh "Vua Quang Trung chết vì
một liều độc dược của Ngọc Hân công chúa" đã tạo nên những xôn xao, những
dư luận và những phản ứng mạnh mẽ của con cháu dòng dõi nhà Lê (Lê Duy
Mật). Vào đầu thập niên 1960 các tạp chí ở Sài gòn như Bách Khoa, Phổ Thông,

Văn Ðàn v.v đã mở ra một cuộc bút chiến chung quanh nghi án lịch sử về cái
chết của vua Quang Trung vì Ngọc Hân công chúa đầu độc.
Khởi đầu là ông Nguyễn Văn Minh đã đăng trên tạp chí Phổ Thông một
bài viết với những luận cứ hết sức vững chắc để phản bác mạnh mẽ lại những
lời lẽ mang tính chất hàm hồ và những ngụy biện vô căn cứ của ông Nguyễn
Thượng Khánh vì bản gia phả của gia đình ông Khánh đã bị thất lạc từ lâu, cho
nên ông Khánh chỉ sử dụng bản viết mà nội tổ ông Minh kể lại rồi từ đó ông
Khánh suy nghiệm ra. Tiếp theo là một bài viết khá nghiêm túc của ông Thiện
Sinh cũng đăng trên tạp chí Phổ Thông, đã lần lượt đưa ra những sai lầm
nghiêm trọng của ông Nguyễn Thượng Khánh. Rồi thì một số tộc phổ, phổ ý
của các họ nội, họ ngoại mà quý ông Nguyễn Lê Thọ ở Quế sơn Quảng nam và
Võ Thành Sơn ở Ðà nẵng đã đưa ra để làm bằng chứng và cũng vạch ra những
sai lầm mà ông Nguyễn Thượng Khánh đã công bố.
Trở lại vấn đề Ngọc Hân công chúa có lấy vua Gia Long hay không? Ta
thử tìm hiểu xem Ngọc Hân công chúa đã chết lúc nào?
- Trong tập "Nhân vật Tây Sơn" ghi chép rằng "vào năm Tân Dậu (1801),
Nguyễn Ánh sau khi chiếm được Phú xuân, vua Cảnh Thịnh và một số quần
thần cùng hoàng tộc thoát chạy ra Bắc, còn Ngọc Hân công chúa và hai con
phải cải trang, thay tên đổi dạng vào lánh nạn ở Quảng nam. Ðược ít lâu thì bị
phát giác, quan quân nhà Nguyễn bắt giải về Phú xuân và xử theo trọng hình,
lối 'Tam ban Triều điển' ".
- Trong bài lược sử Công chúa Ngọc Hân của Ngô Tất Tố thì cho là Lê Ngọc
Hân đã tự tử, còn hai con phải thắt cổ mà chết.
Vậy thì sự thật bà Ngọc Hân chết lúc nào? Ta thử đối chiếu các tài liệu
lịch sử một cách hết sức nghiêm túc, hãy gạt bỏ mọi ân oán, hờn giận riêng tư
cũng như phe phái của người đương thời và kể cả người đời sau để xét đoán và
đi sâu vào chi tiết của các tài liệu hầu tìm kiếm chất liệu có giá trị vững vàng
hơn là căn cứ vào các tài liệu tiểu thuyết.
Lê Ngọc Hân sinh ngày 24 tháng 4 năm Canh Dần (22 tháng 5 năm1770),
là vị công chúa tài sắc vẹn toàn của vua Lê Hiển Tông. Sau khi kết hôn với Bắc

Bình vương Nguyễn Huệ, cuộc sống của bà đã gắn liền với sự nghiệp của vị
anh hùng đất Tây Sơn, bà đã sinh hạ được hai con là hoàng tử Nguyễn Văn Ðức
và công chúa Nguyễn Thị Ngọc. Trong bức thơ đề ngày 16 tháng 7 năm 1801
của Barizy, một sĩ quan người Pháp, tháp tùng cùng Nguyễn Ánh vào chiếm
Phú xuân đã ghi lại như sau: "Nhà vua (Nguyễn Ánh) bảo tôi đi xem mặt các cô
công chúa của kẻ tiếm vị (Quang Trung). Tôi đến đó họ ở trong một phòng hơi
tối, không phải là một phòng sang trọng, có tất cả năm công chúa: một cô 16
tuổi theo tôi là một cô gái đẹp, một em bé 12 tuổi là con gái của bà Công chúa
Bắc kỳ (Ngọc Hân) em này cũng coi được, còn ba cô nữa cũng từ 16 đến 18
tuổi thì nước da hơi nâu nhưng diện mạo cũng dễ thương. Ngoài ra còn có 3
con trai, có một em độ 16 tuổi cũng da nâu nhưng nét mặt thì tầm thường, còn
em trai kia độ 12 tuổi là con của bà công chúa Bắc kỳ thì diện mạo rất đáng
yêu và có những cử chỉ rất dễ thương". Như vậy ta thấy rằng khi Barizy đến tận
nhà giam để kiểm nhận và xem mặt tất cả các hoàng tử, công chúa quan lại và
gia đình của các quan lại cao cấp của Tây Sơn đã bị Nguyễn Ánh bắt tại Phú
xuân có rất nhiều phụ nữ nhưng tuyệt nhiên ta không thấy ghi có mặt Hoàng
hậu Ngọc Hân mà ông ta đã gọi là Công chúa Bắc kỳ. Và cũng theo như bản
phả ký họ Nguyễn Ngọc ở làng Phù ninh, huyện Từ sơn tỉnh Bắc ninh thì đã ghi
ngày chết của Ngọc Hân công chúa "tốt vu kỷ mùi niên, thập nhất nguyệt sơ bát
nhật" tức chết vào ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi nhằm ngày 4 tháng 12
năm 1799. Lại nữa, đọc 5 bài văn tế bằng chữ Nôm có ghi chú rõ là văn tế
Hoàng hậu (tức Ngọc Hân) của Phan Huy Ích soạn vào năm Kỷ Mùi (1799),
trong Dụ Am Văn Tập thì ta thấy có sự phù hợp về năm chết của Ngọc Hân
công chúa. Phan Huy Ích đã soạn 5 bài văn tế chữ Nôm như sau:
- Một bài soạn cho vua Cảnh Thịnh đứng tế.
- Một bài soạn cho các công chúa của vua Quang Trung đứng tế.
- Một bài soạn cho bà thân sinh Hoàng hậu là Phù Ninh Từ Cung đứng
tế.
- Một bài soạn cho Tôn thất nhà Lê đứng tế.
- Một bài soạn cho bà con bên ngoại của Hoàng hậu ở Phù Ninh đứng

tế.
Ta thử lướt qua, một đoạn ngắn trong bài văn tế, soạn cho vua Cảnh Thịnh
đứng tế với đề là "Kỷ Mùi đông nghĩ, ngự điện Vũ Hoàng hậu" với những lời lẽ
rất hợp với hoàn cảnh của Hoàng hậu Ngọc Hân như sau:
"Than ôi!
Nguyệt in phách quế, mái trường thu vừa rạng vẻ làu làu,
sương ủ hồn hoa, niềm thương uyên chột rơi mùi thoang thoảng,
nẻo chân du quạnh cõi biết tìm đâu,
niềm vĩnh mộ bâng khuâng hằng chạnh tưởng.
Noi tiên chí vậy dốc bề trí kính,
dấu sân huyên đôi chốn sum vầy,
cảm mẫu nghi mà thay buổi thừa hoan,
vẻ áo vải xưa kia mường tượng.
Mong thể thiên tùng chập thân cao,
kiềm máy máy so le khôn lường
Ôi! bóng quạnh nước mây thoi đưa ngày tháng,
chồi tiên lan nhường rã rợi bên thềm,
dấu cử vũ bỗng lạnh lùng dưới trướng.
Nguyện cũ hẳn nay đã vẹn tròn,
bên Ðan lăng quanh quất mạch liên châu - khí thiêng dõi để dặc dài,
trong thanh miếu ngọt ngào mùi quán sưởng.
Rày nhân gác bánh liễu dư, bày hàng thử trượng.
Nhìn hâm vệ hành ngưng mọi vẻ, đường u hiển xa lìa,
dâng điện diên gọi vái mấy lời, mối luân thường tỏ sáng.
Hỡi ơi, cảm thay!"
Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, là một chuỗi dài của chiến tranh,
cho nên sách vở đã thất lạc và mất mát khá nhiều, bởi vậy tài liệu rất là thiếu
thốn và hiếm hoi, cho nên ta đành phải bằng lòng với thực tế những gì ta có, để
rồi gạn lọc đánh giá và sử dụng những tài liệu có mức độ khả tín như những
giấy tờ của các người Tây phương có liên lạc với Nguyễn Ánh, các bài văn tế

của các nhân vật lịch sử và các bài phả ký của dòng họ liên hệ. Như vậy nhìn
chung vào ba tài liệu của Barizy, bản phả ký họ Nguyễn Ngọc ở Phù ninh và
năm bài văn tế Ngọc Hân Công Chúa của Phan Huy Ích đã soạn thì chúng ta
thấy rằng Ngọc Hân công chúa đã chết và được an táng trọng thể tại Huế trước
khi Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú xuân năm 1801, nên Ngọc Hân không hề lấy
Gia Long như những dòng tiểu thuyết hư cấu của Phạm Việt Thường đã tạo
thành một thiên tình sử giữa Ngọc Hân và vua Gia Long.
Ngọc Hân công chúa chết đi để lại một số tác phẩm:
- Biểu chúc mừng Quang Trung nhân dịp lễ tứ tuần (1792)
- Ai Tư VãnVăn tế vua Quang Trung
Tất cả nội dung của những sáng tác trên đều cho chúng ta thấy rằng chủ đề cảm
xúc lớn lao nhất trong sự nghiệp sáng tạo văn thơ của bà là vua Quang Trung.
Ðến đây, chúng ta thấy rằng cần phải trả lại nguyên vẹn sự trong sáng
cho Ngọc Hân Công Chúa vì một sự bất hạnh đầy cay đắng và tủi nhục qua
những thứ tài liệu của những người viết văn giàu óc tưởng tượng và thêu dệt tùy
hứng.
Hãy để cho Bắc cung Hoàng hậu của Ðại đế Quang Trung ngủ yên, xin
đừng bôi bác thêm. Lịch sử của triều Nguyễn trong suốt 152 năm trị vì vốn đã
có nhiều bất công đối với nhà Tây Sơn, cũng chỉ vì chúng ta đã không có những
nhà viết sử đủ can đảm và lương thiện như Tư Mã Thiên, như Nễ Hành, để ghi
chép lại sự thật một giai đoạn đen tối, loạn lạc và hiếm hoi nhất của lịch sử, sau
một cơn chuyển mình lớn mạnh đầy sinh động và dồi dào sinh lực của đất nước.
Và đây cũng là thời kỳ hào hùng và huy hoàng nhất nhưng lại cũng ít được biết
nhất là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn có vóc dáng là một cuộc khởi nghĩa của dân
chúng mang tính chất quật cường của dân tộc, mà ba anh em nhà Tây Sơn đã
không dựa vào chiến tranh chống ngoại xâm, cũng không dựa vào sự nghiệp
cha truyền con nối, lại cũng không dựa vào thế lực ngoại bang để lên ngôi như
nhà Nguyễn sau này, mà họ chỉ dựa vào sức mạnh của quần chúng và lòng dân.
Nhưng rồi ngày nay mỗi khi nhắc đến nhà Tây Sơn, người ta chỉ còn nhớ
đến vua Quang Trung với những chiến thắng Ðống Đa, Hà Hồi, Ngọc Hồi của

mùa xuân Kỷ Dậu độ nào. Hoặc chỉ còn bàng bạc nhớ đến tiếng than não nuột
"mà nay áo vải cờ đào" của Ngọc Hân Công Chúa khóc chồng, chẳng mấy ai
nghĩ rằng: linh hồn cờ đào thì vẫn còn đó và áo vải của đất Tây Sơn thì vẫn còn
đây, nhưng hỏi những ai là người nối bước Quang Trung để mặc áo, phất cờ mà
"giúp dân dựng nước"?
Thôi thì, năm tháng đã cuốn đi theo chiều gió với bao vui buồn và mất
mát! Có còn chăng là mối tình vương giả đẹp tuyệt vời của cô Công chúa Bắc
kỳ nho nhỏ và người anh hùng áo vải đất Tây Sơn.

×