Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Sự thật về Bồ Đề Đạt Ma đại sư sáng lập võ phái Thiếu Lâm pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (241.9 KB, 9 trang )

Sự thật về Bồ Đề Đạt Ma đại sư sáng lập
võ phái Thiếu Lâm
Bồ Đề Đạt Ma là cái tên vô cùng nổi tiếng với những ai quan tâm đến võ thuật
truyền thống Trung Quốc. Người ta nói rằng, ông là tác giả của bộ tuyệt học
Dịch Cân Kinh và Tẩy Tủy Kinh, là người sáng lập võ phái Thiếu Lâm lừng
danh.
Thực ra, chuyện Bồ Đề Đạt Ma có phải là ông tổ của võ thuật Trung Quốc hay
không, vẫn còn là chuyện phải bàn. Song có một điều chắc chắn rằng Bồ Đề Đạt
Ma là vị đại sư không thể không nhắc tới trong lịch sử Thiền tông Trung Quốc…
Chuyến du hành huyền thoại trên đất Đông thổ
Mặc dù được coi là ông tổ sáng lập nên trường phái Thiền tông Trung Quốc,
nhưng Bồ Đề Đạt Ma lại có gốc gác từ tận bên Thiên Trúc. Người ta nói rằng, Bồ
Đề Đạt Ma vốn có tên tục là Bồ Đề Đa La, là con trai thứ ba của quốc vương nước
Hương Chí, nam Thiên Trúc.
Một lần, vị tổ thứ 27 của nhà Phật là Bát Nhã Đa La đến nước Hương Chí, gặp Bồ
Đề Đạt Ma, thấy vị vương tử này có nhiều nét đặc biệt, mới bảo cùng hai anh của
mình bàn luận về chữ Tâm. Bát Nhã Đa La thấy Bồ Đề Đa La là người có ngộ
tính, nhỏ tuổi nhưng đã nói được điểm quan trọng của chữ Tâm, mới khuyên rằng:
“Hoàng tử đối với chư pháp đã được thông đạt, vậy Hoàng tử nên lấy tên là Ðạt
Ma, có nghĩa là rộng lớn, thông đạt”. Cũng kể từ đó, vị hoàng tử thứ 3 của Hướng
Chí quốc có tên thành Đạt Ma, xuất gia làm sư, bái Bát Nhã Đa La làm thầy.


Chân dung Bồ Đề Đạt Ma
Sau nhiều năm tu hành, với trí thông minh và ngộ tính tuyệt vời của mình, Bồ Đề
Đạt Ma được Bát Nhã Đa La lựa chọn là người kế thừa của mình, trở thành vị tổ
thứ 28 của Phật giáo trên đất Thiên Trúc. Chuyện kể rằng, trước khi truyền pháp
cho Đạt Ma, tổ thứ 27 cho gọi Đạt Ma đến và hỏi: “Trong mọi thứ, thứ gì vô sắc?”
Bồ Đề Đạt Ma đáp: “Vô sinh vô sắc”. Bát Nhã Đa La lại hỏi tiếp: “Trong mọi thứ,
cái gì vĩ đại nhất?” Bồ Đề Đạt Ma lại đáp: “Phật pháp vĩ đại nhất”, nghe xong, Bát
Nhã Đa La quyết định chọn Đạt Ma làm truyền nhân thứ 28 của nhà Phật.


Khi Bát Nhã Đa La qua đời, Đạt Ma nhớ lời thầy dặn, phải xuất dương truyền
pháp thì mới nên sự nghiệp vĩ đại nên khi tuổi đã cao mới xuống thuyền ra khơi
đến đất Đông Thổ. Đó là vào khoảng những năm 520 sau Công nguyên, tức đời
Vũ Đế nhà Lương. Vũ Đế vốn là người sùng Phật, nghe tin có vị đại sư từ Thiên
Trúc tới Đông thổ truyền giáo, mới mời đến Kiến Nghiệp, kinh đô nước Lương để
gặp mặt, bàn chuyện Phật. Đạt Ma nhận lời đến gặp Vũ Đế, song nói chuyện
không hợp.
Qua lần nói chuyện đó, Đạt Ma biết rằng, lý tưởng Phật giáo của Vũ Đế không
giống với mình, khó có thể phát huy được những tư tưởng của mình nên quyết
định cáo từ. Chuyện kể rằng, sau khi từ biệt Vũ Đế, Đạt Ma lấy một cọng cỏ ném
xuống sông rồi đứng trên cọng cỏ mà qua sông Dương Tử, đi về phía bắc, đến
thành Lạc Dương, kinh đô Bắc Ngụy. Năm Hiếu Xương thứ 3 đời vua Hiếu Minh
Đế nhà Bắc Ngụy (tức năm 527), Đạt Ma lên Tung Sơn đến Thiếu Lâm Tự truyền
bá Thiền tông. Đó là thời điểm diễn ra sự tích 9 năm thiền định nổi tiếng của Bồ
Đề Đạt Ma.
Chuyện kể rằng, khi đến chùa Thiếu Lâm, Bồ Đề Đạt Ma ngồi quay mặt vào vách
đá thực hành thiền định, suốt 9 năm liền không nói gì. Những người thời bấy giờ
không hiểu gì, chỉ thấy lạ nên gọi ông là “Quan bích Bà la môn”, nghĩa là ông sư
Bà la môn nhìn tường. Trong thời gian ấy, có nhà sư ở Tung Sơn tên là Thần
Quang, học rộng biết nhiều, nghe chuyện của Đạt Ma nên đến xin bái kiến. Đạt
Ma vẫn quay mặt vào bức tường, không nói năng gì. Thần Quang không nản, nhủ
rằng: “Người xưa cầu đạo, đều phải trải qua gian nan thử thách, chịu những điều
người thường không chịu được”. Giữa đêm tháng chạp, tuyết bay mù mịt, Thần
Quang đứng chờ bất động bên ngoài chùa, sáng ra tuyết ngập đến đầu gối.
Đạt Ma lúc ấy mới hỏi: “Ngươi đứng mãi trong tuyết để chờ gì vậy?” Thần Quang
khóc mà nói: “Chỉ mong được đại sư truyền đạo”. Biết Đạt Ma còn e mình chỉ
nhất thời kích động, sợ không thể kiên nhẫn học đạo, Thần Quang liền rút đao tự
chặt đứt cánh tay trái, đặt trước mặt Đạt Ma, bày tỏ quyết tâm của minh. Lúc bấy
giờ, Đạt Ma mới nhận Thần Quang làm đệ tử, đổi pháp danh là Huệ Khả. Huệ Khả
sau này chính là vị tổ thứ hai của dòng Thiền tông ở Trung Quốc.

Sau 9 năm lưu lại Trung Quốc truyền giáo, Đạt Ma có ý muốn quay về Ấn Độ nên
cho gọi các đệ tử của mình đến nói: “Giờ ta ra đi sắp tới, vậy mỗi đệ tử hãy nói
cho ta nghe sở đắc của mình”. Các đệ tử mỗi người lần lượt đều tiến lên phía trước
nói những điều mà mình học được, chỉ riêng Huệ Khả là đứng yên không nói gì.
Đạt Ma mỉm cười nói với Huệ Khả: “Ngươi đã có được phần tủy của ta rồi”.
Nói xong Đạt Ma quyết định truyền tâm ấn cùng cuốn kinh Lăng già cho Huệ Khả
rồi nói: “Ta từ Nam Ấn sang đến phương Đông này, thấy Thần Châu có đại thừa
khí tượng, cho nên vượt qua nhiều nơi, vì pháp tìm người. Nay được ngươi để
truyền thọ y pháp, ý ta đã toại!”. Đến năm Thiên Bình thứ ba nhà Đông Ngụy, tức
năm 536, Đạt Ma viên tịch ở Lạc Tân. Các đệ tử chôn cất ông ở chùa Định Lâm,
núi Hùng Nhĩ, nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Và cái chết bí hiểm của vị đại sư Thiên Trúc
Về cái chết của Bồ Đề Đạt Ma đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhiều người nói,
sau khi truyền giáo ở Trung Quốc, Đạt Ma quay trở lại Thiên Trúc và qua đời ở
đây. Có người lại nói, Đạt Ma viên tịch tại Trung Quốc vào năm 536 và được chôn
cất tại đây. Tuy nhiên, khiến nhiều người tranh cãi hơn cả chính là câu chuyện Đạt
Ma bị đầu độc mà chết.

Chuyện kể rằng, thời điểm Đạt Ma đến Trung Quốc truyền pháp, có một vị quốc
sư nhà Bắc Ngụy là Bồ Đề Lưu Chi rất ghen ghét vì danh tiếng của Đạt Ma nên
tìm mọi cách hãm hại. Lưu Chi sai người bỏ chất độc vào cơm của Đạt Ma, định
hại chết ông. Đạt Ma biết trong cơm có độc nhưng vẫn ăn. Tuy nhiên, sau khi ăn,
từ miệng Đạt Ma nôn ra một con rắn, nhờ thế mọi chất độc đều tiêu tan hết, Đạt
Ma bình an vô sự. Lưu Chi nhiều lần tìm cách hạ độc Đạt Ma, Đạt Ma vẫn biết,
nhưng lần nào cũng không hề hấn gì. Lưu Chi có ý sợ, nhưng càng nuôi dã tâm hại
Đạt Ma bằng được.
Khi chọn được Huệ Khả làm người kế thừa tâm ấn, nghĩ rằng, công việc của mình
tại Đông Thổ đã toại nguyện nên Đạt Ma quyết định không tự cứu mình nữa. Đó
là lần thứ 7, Lưu Chi sai người bỏ độc vào cơm của Đạt Ma. Đạt Ma vẫn ăn cơm
như bình thường, nhưng lần này không có con rắn nào được nôn ra, Đạt Ma cứ

ngồi như vậy an nhiên tịch diệt. Sau khi Đạt Ma viên tịch, các đệ tử mới cho thi
thể sư vào trong một quan tài bằng gỗ, an táng tại chùa Định Lâm.
Câu chuyện viên tịch của Đạt Ma chưa dừng lại ở đó. Sử sách còn chép lại rằng,
ba năm sau ngày Đạt Ma viên tịch, một vị quan nhà Ngụy tên là Tống Vân đi sứ
Tây Vực khi qua ngọn Thông Lĩnh thì gặp một vị sư tay cầm chiếc giày đang đi
như bay về hướng Tây. Tống Vân biết đó là sư Đạt Ma, từ Thiên Trúc đến Đông
Thổ truyền pháp, mới chặn lại hỏi: “Đại sư, pháp của ngài đã truyền cho ai rồi?”.
Đạt Ma đáp: “Sau này ngươi sẽ biết, giờ ta phải đi Thiên Trúc rồi!”. Nói xong, Đạt
Ma bỏ chiếc giày đang cầm trên tay đưa cho Tống Vân, nói: “Ngươi hãy dùng
chiếc giày này mau trở về đi, chủ nhà ngươi khó mà qua được ngày hôm nay”.
Ngẩn ngơ, Tống Vân từ giã Đạt Ma rồi hấp tấp trở về kinh thành thì quả thực vua
Minh Ðế đã băng hà.
Tống Vân thấy việc Đạt Ma nói rất đúng, nên đem Đạt Ma dự báo trước cái chết
của Minh Đế tâu lên với vua Hiếu Trang mới vừa tức vị. Nhà vua không tin, cho
lệnh tống giam Tống Vân vào ngục tối. Một thời gian sau, khi đã bớt giận, vua
Hiếu Trang mới cho gọi Tống Vấn đến và hỏi rõ ngọn ngành. Tống Vân lúc này
mới đem chuyện gặp Đạt Ma nói lại với vua. Vua nghe xong ra lệnh quật mộ Đạt
Ma lên để kiểm chứng. Khi quan tài được mở ra, trong quan tài không có gì cả,
ngoài một chiếc dày cũ. Các vị quan được lệnh khám xét quan tài thấy vậy vô
cùng kinh ngạc, đem mọi chuyện về tâu lại với vua. Vua nghe thấy vậy, mới tin
những gì Tống Vân nói là thực bèn ra lệnh cho đưa chiếc giày còn lại của Đạt Ma
về chùa Thiếu Lâm để thờ ở đó.
Việc Đạt Ma được coi như ông tổ sáng lập nên võ phái Thiếu Lâm là vì một phần
lớn thời gian truyền giáo ở Trung Quốc, Đạt Ma chủ yếu tu hành ở chùa Thiếu
Lâm. Người ta nói rằng, trong thời gian ở chùa Thiếu Lâm tu Thiền, do suốt ngày
thiền định không tránh khỏi cơ thể mệt mỏi, rất nhiều lần Đạt Ma thấy các đệ tử
ngủ gật khi ngồi thiền quá lâu.


Lại thêm thời bây giờ, Thiếu Lâm Tự được xây dựng ở vùng rừng già núi sâu, khó

tránh khỏi thời tiết khắc nghiệt cũng như sự tấn công của thú dữ. Để phòng tránh
thú dữ cũng như rèn luyện thân thể cho người học đạo, Đạt Ma đã mô phỏng
những động tác của người lao động xưa, sáng tạo nên “Hoạt thân pháp”, cũng tức
là hình thức đầu tiên của “Thiếu Lâm Quyền” lừng danh sau này.
Việc Đạt Ma sáng tạo nên những hình thức ban đầu của các tuyệt kỹ Thiếu Lâm là
rất có thể, tuy nhiên, việc người ta gắn tên tuổi của Đạt Ma với bộ tuyệt học Dịch
Cân Kinh và Tẩy Tủy Kinh nổi tiếng trong lịch sử cho tới nay vẫn còn gây ra rất
nhiều tranh cãi. Song có một điều chắc chắn rằng Bồ Đề Đạt Ma là vị đại sư không
thể không nhắc tới trong lịch sử Thiền tông Trung Quốc…

×