Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tìm hiểu về hành trình khai hoang Việt Nam 6 doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (120.91 KB, 5 trang )

Tìm hiểu thêm về Hành trình Khai hoang Việt Nam
6
Lại còn một chi tiết khác : thày hương thân trong làng đã mướn người gặt lúa của
anh em Biện Toại, vì lịnh tịch thâu đưa tới nhằm lúc lúa chín. Mười Chức, em
Biện Toại đã xin phép vị hương thân để được tự mình gặt lúa nhưng vị hương thân
từ chối, hồ nghi rằng nhân cơ hội ấy Mười Chức có thể giấu bớt lúa. Khi ra tòa,
viên Chưởng lý thắc mắc : tại sao số lúa mà hương chức làng mướn gặt chỉ có
2.080 giạ thay vì 3.500 giạ như phỏng định ? Phải chăng hương chức làng đã lén
ăn cắp bớt số lúa này để xài riêng ? Và nếu lúa gặt được nhiều, sau khi đong lúa
ruộng theo án lịnh tòa mà còn dư lại đủ ăn trong mấy tháng đầu năm thì anh em
Biện Toại chưa ắt tuyệt vọng đến mức, để rồi thảm trạng lại xảy ra !
Biện Toại sống với mẹ và các em trong đại gia đình, số lúa thu hoạch chia ra vẫn
là ít. ở xứ Bạc Liêu, mỗi năm gia đình nào cũng phải dư nhiều lúa để bán mà sắm
quần áo, thuốc men, chớ không như ở Tiền giang chỉ cần đủ lúa ăn, còn bao nhiêu
món khác trong gia đình đều mua sắm nhờ hoa màu phụ như vườn dừa, chuối,
hoặc chăn nuôi.
Thảm trạng xảy ra vào sáng ngày 16/2/1928. Tìm lại sự thật, nhứt là các chi tiết thì
hơi khó khăn. Lính mã tà thì cương quyết đổ tội cho đám anh em Biện Toại (trong
giấy thuế thân, ghi sai là Tại). Những nạn nhân trong cuộc thì muốn chứng minh
rằng họ chỉ tự vệ. Một số người trong cuộc đã chết, nếu còn sống thì họ sẽ đưa ra
nhiều bằng chứng khác.
Đại khái, những nét lớn như sau :
Khoảng 7 giờ sáng, hai tên cò Tây là Tournier và Bouzou cùng bốn người lính mã
tà từ Bạc Liêu đến Phong Thạnh để tiếp tay với hương chức làng mà thi hành lịnh
án của tòa, đong số lúa hiện ở trên phần đất của anh em Biện Toại. Hai viên cò này
tưởng là chuyện thông thường, họ không được cho biết là sẽ gặp khó khăn. Tên cò
Tournier vừa mua được cây súng săn nên đem theo, dọc đường anh ta còn lạc
quan, bắn thử một phát chết một con cò. Cùng đi với họ đến đống lúa có hương
thân, hương hào và hương quản làng sở tại;
Anh em của Biện Toại cất nhà rải rác hơi xa nhau, sát bờ rạch. Đống lúa thì ở
ngoài ruộng, cách nhà họ chừng 500 thước.


Dọc đường, khi đi ngang qua nhà Biện Toại, hương hào kêu réo để mời chứng
kiến việc đong lúa nhưng không ai trả lời. Nhà cứ đóng cửa. Lập tức, hương hào
bèn đến nhà Biện Toại và đến nhà bà mẹ là bà hương chánh. Chẳng ai chịu đến cả.
Đến gần đống lúa, tên cò Tournier yêu cầu hương chức làng phải mời một người
trong gia đình, thí dụ như một người em của Biện Toại đến chứng kiến việc đong
lúa.
Mười lăm phút sau, một cô gái đi ra, hướng về đống lúa : cô Nguyễn Thị Trọng,
em của Biện Toại. Theo sau là đứa cháu gái của Trọng, đứa bé này tên là Tư, 14
tuổi.
Thoạt tiên, tên cò Tournier đuổi cô Trọng, bảo rằng con gái còn nhỏ làm sao hiểu
đầu đuôi cuộc tranh chấp đất ruộng này được ! Viên cò nói là đến đây để trợ giúp
hương chức làng đong số lúa theo lịnh tòa.
Cô Trọng phản đối bằng lời lẽ khẳng khái, trong đó có câu “Chết sống ở đây”.
Viên đội mã tà thông dịch lại. Tên cò Tounier ra lịnh đuổi lần thứ nhứt. Cô Trọng
cứ đứng đó, yêu cầu khi đong lúa xong thì hương chức phải giao cho cô một giấy
biên nhận ghi rõ bao nhiêu giạ.
Tournier trả lời rằng không có chuyện trao biên nhận. Rồi thì Tournier tát tai cô
Trọng.
Cô Trọng rút trong áo ra một cây dao nhỏ, loại dao có miếng sặt chận ở trước cán.
Cò Tournier đập một báng súng khiến cô té xỉu. Cò Bouzou bèn tiếp tay, giựt cây
dao của cô bà Bouzou lại vụng về khiến lưỡi dao đâm tay ông ta một vết xoàng
không đáng kể. Rồi thì lính mã tà trói cô Trọng để đó.
Đứa cháu nãy giờ đứng ở ngoài xa, khi thấy cô Trọng ngã gục và bị trói, bèn chạy
về nhà, báo động.
Từ trong xóm nhà, anh em Biện Toại chạy ra, mang theo nào là dao mác, gậy gộc.
Họ chia ra hai tốp. Tốp thứ nhứt do Mười Chức, em ruột Biện Toại cầm đầu; tốp
thứ nhì do thị Nghĩa, vợ Mười Chức cầm đầu.
Tên cò Tournier ra lịnh cho bọn lính chuẩn bị ứng phó. Tournier bảo một tên lính
ra lịnh cho Mười Chức đừng dùng vũ khí.
Mười Chức chạy đến quá gần, cò Tournier bèn bắn chỉ thiên một phát. Nhưng

Mười Chức cứ tiến tới và tên cò lại nhắm ngay Mười Chức mà bắn.
Tuy bị thương rất nặng, Mười Chức vẫn cầm mắc gượng nhào tới, đâm trúng bụng
tên Tournier, rồi cả hai đều ngã xuống.
Anh em của Mười Chức tấn công bọn lính mã tà và tên cò Bouzou. Cò Bouzou rút
súng lục, bắn làm bị thương nặng bốn người. Cò Tournier tuy bị thương nặng
nhưng cũng bò lết lại gần cò Bouzou. Vì bắn không còn một viên đạn, Bouzou bèn
giựt khẩu súng lục của Tournier mà bắn tiếp. Một số người bị thương, bị chết.
Miều là em rể của Biện Toại giựt được khẩu súng mút—cơ—tông của Bouzou.
Với khẩu súng ấy, Miều chạy ra xa bắn về phía bọn lính mã tà nhưng không gây
thương tích cho ai. Lính mã tà cũng rút lui một lượt.
Nhân viên công lực đến điều tra, được biết trong số người “làm loạn” có 5 người
đàn ông, 2 người đàn bà và 3 người đàn bà khác không biết tên.
Ngay buổi sáng hôm ấy, Mười Chức và vợ (tên Nghĩa) đều chết, luôn cả người
anh tên Nhẫn cũng chết.
Nhịn (trong giấy thuế ghi sai là Nhịnh, anh của Mười Chức), Liễu (em gái của
Mười Chức) đều bị thương nặng, được đưa tới nhà thương. Liễu còn sống. Ba
ngày sau, Nhịn chết. Tóm lại, về phía gia đình Biện Toại thì có 4 người chết (ba
đứa em ruột và một người em dâu là vợ Mười Chức). Nên chú ý là vợ Mười Chức
đang mang thai. Bài vè Nọn Nạn ở đoạn chót kể lại với giọng trầm hùng là “Năm
người đổi một thằng Tây” tức là kể luôn đứa hài nhi còn trong bụng mẹ.
Về phía đối phương, chỉ có tên cò Tournier chết ngày 17, khi nằm ở nhà thương
Bạc Liêu.
Bọn hương chức hội tề đã nhanh chân bôn tẩu từ khi thấy tình hình quá căng
thẳng.
Cô Trọng bị bắt. Biện Toại với con trai là Tía thì ra chợ Bạc Liêu với khẩu súng
mà Miều đã giựt được. Ông Biện nộp súng và thưa với nhà nước về chuyện các
em bị cò Tây giết. Ông Biện và đứa con bị bắt luôn. Miều thì hôm sau bị bắt. Còn
một người duy nhất trốn thoát là Dậu.
Hoàn cảnh của bà hương chánh Luông thật đáng thương hại : các con của bà đều
bị chết, không chết thì bị bắt. Bà ở nhà một mình.

Báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ đua nhau khai thác vụ Nọc Nạn. Ký giả xuống tận nơi
điều tra. Dư luận từ mọi giới, luôn cả giới thực dân đều thuận lợi cho gia đình
Biện Toại. Họ bị áp bức quá lộ liễu, họ là tiểu điền chủ siêng năng nhưng bọn
cường nào cấu kết với quan lại tham nhũng đã đưa họ vào đường cùng. Hơn nữa,
bấy giờ phong trào quốc gia đang sôi nổi, xu hướng chống thực dân lan tràn, đám
táng cụ Phan Chu Trinh vừa xảy ra vào hai năm trước (1926). Đảng Lập Hiến ra
đời, thủ lãnh là ông Bùi Quang Chiêu còn đang hăng hái. Tuy là theo chủ trương
Pháp, Việt đề huề, ông cũng cố gắng làm một chuyện xây dựng mặc dầu ông phủ
H. nối giao cho bang Tắc, là người của đảng ông. Ngoài ra, còn sự giúp đỡ tận tình
của ký giả Lê Trung Nghĩa là cây bút phóng sự của tờ La Tribune Indochinoise do
chính Bùi Quang Chiêu chủ trương.
Trong giới trí thức Pháp, nhiều người tiến bộ đã bực mình vì biến cố Nọc Nạn. Ký
giả Lê Trung Nghĩa nhờ hai luật sư rất tận tâm là Tricon và Zévaco biện hộ cho
gia đình nạn nhân, cãi không ăn tiền. Người có chút lý trí phải nhận rằng anh em
Biện Toại chẳng mảy may gì thù oán cá nhân tên cò Tournier cả.

×